Khái Niệm Giải Thoát Và Giải Thoát Sinh Tử Trong Đạo Phật

Đã đọc: 2029           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong giáo lý đạo Phật thường có những từ đi kèm với nhau để chỉ hoàn cảnh diễn biến và sau đó mới dẫn đến kết quả của sự tu hành trên lộ trình giác ngộ-giải thoát, ví dụ như: giải thoát giới, giải thoát nghiệp, giải thoát tri kiến, giải thoát ma chướng, giải thoát luân hồi khổ đau, và cuối cùng là giải thoát sanh tử…

Xét về mặt hình thức cũng như nội hàm của thuật ngữ tôn giáo nói chung là khó hiểu. Trong đó, có thuật ngữ giáo lý đạo Phật ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu mầu nên những người sơ cơ (bước đầu tiếp cận với giáo lý đạo Phật lĩnh hội rất khó khăn. Và thực tế, hầu như chúng ta thấy nhiều câu trong giáo lý nhà Phật rất thâm áo nên không it người chỉ hiểu nghĩa ang áng (tức bên ngoài vỏ) của ngôn ngữ mà chưa hiểu được bản chất của nó. Đương nhiên, trong những thập niên gần đây, sách Phật giáo phổ thông cũng như kinh điển Phật giáo ấn tống khá đầy đủ nên việc tìm hiểu nghiên cứu về Phật giáo có nhiều thuận lợi hơn so với những thập niên đầu của thế kỷ trước. Đi đôi với việc ấn tống kinh sách, theo đó là các bài giảng pháp rất hữu ích của các tổ thầy đã giải thích khá đầy đủ về ngữ nghĩa của các từ khó hiểu trong giáo lý, nên phần nào đã giúp người (sơ cơ) bước đầu học Phật lần lần hiểu được ngôn ngữ của giáo lý đạo Phật. Với khái niệm của cụm từ giải thoát và giải thoát sinh tử, đây là câu thường gặp trong giáo lý đạo Phật với tần suất sử dụng khá nhiều, và hầu như người học Phật nào cũng thường xuyên tâm niệm trong quá trình tu tập giác ngộ giải thoát. Tuy nhiên, giải thoát để đi đâu và giả thoát cái gì mới là vấn đề cốt yếu.

Trên thực tế trong Phật giáo, hai từ giải thoát được đề cập ở nhiều trường hợp, hoàn cảnh cũng như bối cảnh khác nhau trên lộ trình tu giác ngộ giải thoát. Song khái niệm giải thoát sinh tử thường được sử dụng để nói về mục đích cuối cùng của người tu Phật. Bài viết nhỏ này chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm về khái niệm của cụm từ này trong giáo lý đạo Phật.

Giải thoát sinh tử là gì

Trước hết, khái niệm giải thoát cần được giải thích. Theo từ điển tiếng Việt phổ thông giải thích: 1/ cứu khỏi sự trói buộc. 2/ (Phật) cứu vớt ra khỏi biển khổ. Còn từ điển Phật học thì giải thích có tính học thuật sâu hơn: Giải thoát là cởi bỏ được sự trói buộc của phiền não mà vượt thoát khỏi thế giới mê muội khổ đau; là ra khỏi sự trói buộc trong ba cõi. Với người mới học Phật có thể hiểu là dứt tuyệt nguyên nhân sinh tử luân hồi nghiệp báo; là không bị những luyến ái trói buộc cái tâm; là đạt được sự siêu thoát vượt qua sự trói buộc của thế giới trần tục, khỏi sự chi phối của dục vọng (sống hoàn toàn thanh thoát tự tại); là thoát khỏi ảo tưởng và khổ, thoát khỏi sự tái sinh trong luân hồi và đạt Niết bàn.

Để giúp chúng ta hiểu rõ khái niệm này, Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn giải thích sâu hơn:

Giải thoát: âm theo Phạn ngữ là Mộc đề, Mộc xoa (Moksha). Giải là lìa khỏi sự trói buộc, được tự tại, mở những dây trói buộc của Nghiệp lầm (tức hoặc nghiệp).

Thoát: là ra ngoài quả khổ tam giới, tức 3 giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Giải thoát đối nghĩa với kết, hệ phược.

1/ Giải thoát tức là Niết bàn.

2/ Giải thoát cũng kêu là Thiền định như Tam giải thoát, Bát giải thoát, Bất tư nghị giải thoát. Vì nhờ cái đức của thiền định mà thoát ra khỏi vòng trói buộc, trở nên tự tại.

1-    Giải thoát tức là Niết bàn, nó là thể Niết bàn, vì lìa tất cả sự trói buộc. Như sự giải thoát khỏi ngũ uẩn từ Sắc giải thoát tới Thức giải thoát, kêu là năm thứ Niết bàn (ngũ chủng Niết bàn)

2-    Giải thoát là một trong ngũ phần Pháp thân.

Đạo Phật cũng kêu là giải thoát đạo; giới hạnh đạo Phật cũng kêu là giải thoát giới; áo cà sa cũng kêu là giải thoát phục, thoát y, vì thảy đều có tánh cách giải thoát.

Giải thoát có hai thứ:

1/ Tánh tịnh giải thoát: bổn tánh của chúng sinh vốn thanh tịnh, không có cái tướng hệ phược, nhiễm ô.

2/ Chướng tận giải thoát: bổn tánh của chúng sinh tuy thanh tinh, nhưng vì vô thủy đến nay họ bị phiền não làm mê hoặc, chẳng có thể hiện ra cái bản tánh của mình, nên nay mới đoạn tuyệt cái hoặc chướng ấy mà được giải thoát tự tại.

Giải thoát có hai cảnh: về sự và lý.

1-    Về sự, tức là giải thoát khỏi vòng khổ não, tai nạn đương trói buộc cái thân.

Như giải thoát khỏi ba nẻo: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh; giải thoát khỏi pháp luật, tù ngục, khỏi thủy nạn, hỏa nạn, nạn cướp, nạn thú dữ…

2-    Về lý, tức giải thoát khỏi tất cả những mối phiền não, những dây luyến ái

đã từng trói buộc cái tâm. Như giải thoát khỏi vòng luân hồi mà đắc quả Thánh: La Hán, Duyên giác, Bồ tát, Phật.

Về lý, lại có hai lẽ giải thoát:

a/ Tâm thiện giải thoát: tâm ý khéo thì lìa khỏi các mối trói buộc là (tham, sân, si)

b/ Huệ thiện giải thoát: trí huệ khéo giải thoát, không bị chướng ngại bởi một pháp nào, biết thông hiểu tất cả. Đó là hai lẽ giải thoát của Bồ tát.

Niết bàn kinh: Đức Phật tự mình đã giải thoát, lại đem pháp giải thoát mà diễn thuyết với chúng sinh, cho nên gọi Ngài là Vô Thượng Sư.

Giải thoát sinh tử theo nghiệp

Khái niệm nội hàm về giải thoát trong Phật giáo rất rộng, đây là mục đích tối hậu của giáo lý đạo Phật. Để chúng ta từng bước nắm được các cấp độ giải thoát, trong giáo lý đức Phật dạy cũng như các tổ thầy thường đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Theo HT Thích Thiện Siêu trình bầy giải thoát bao gồm: giải thoát hoàn cảnh, giải thoát tâm và giải thoát hoàn toàn. Giải thoát hoàn cảnh gồm cải tạo hoàn cảnh vật chất cho thật tốt đẹp và không chú trọng đến hoàn cảnh bên ngoài để không bị ràng buộc. Giải thoát tâm tức giải thoát tất cả phiền não ràng buộc làm cho con người đau khổ. Giải thoát hoàn toàn là không còn bị thời gian và không gian hạn chế, không còn bị tâm lý sinh lý tầm thường chi phối. Trí tuệ thấy rõ các pháp bất nhị nên không bị ràng buộc khi ở thế gian và cũng không phải tìm cách ra khỏi ba cõi.

Như vậy, giải thoát là tâm không bị ràng buộc bởi hoàn cảnh, các phiền não, và ngay cả ý niệm bỉ thử, sinh tử Niết-bàn.

Đề cập về giải thoát, theo Tiểu kinh đoạn tận ái, thuộc kinh Trung bộ (Majjhima Nikaya) cho rằng, một vị được gọi là giác ngộ giải thoát khi vị ấy “Sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ, không chấp trước một vật gì ở đời, không phiền não, vị ấy chứng Niết-bàn. Vị ấy biết rõ rằng: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa”. Giải thoát, theo kinh văn là ly tham, không chấp trước, chứng Niết-bàn.

Thế thì, giải thoát cũng được hiểu là Niết-bàn, cũng đồng nghĩa với vô ngã. Niết- bàn nghĩa là dập tắt hết các phiền não dục vọng làm con người bất an khổ não. Vô ngã là không còn chấp vào cái tôi sinh ra tham, sân, si…Niết-bàn có thể xúc chạm được, có thể chứng nghiệm ngay hiện tại chứ không phải đợi đến sau khi chết. Vì vậy, giải thoát là sự chuyển hóa những phiền não, xa lìa ngã chấp, thấy rõ thực tại của vạn pháp nên tâm tự tại.

Căn cứ vào ý nghĩa của khái niệm giải thoát sinh tử là sự cụ thể hóa của khái niệm này. Nói cách khác, khái niệm giải thoát sinh tử là nhấn mạnh đến mục đích của sự tu tập là nhằm đoạn tận ái dục, chấm dứt con đường sinh tử theo nghiệp báo thiện ác.

Trong chương Một pháp, khi Phật thuyết (Như thị ngữ) thuộc Tiểu bộ (Khuddaka Nikaya). Đức Phật dạy có một pháp đưa đến không còn tái sinh. Đó là hãy từ bỏ tham ái, hãy từ bỏ sân hận, hãy từ bỏ si mê, hãy từ bỏ phẫn nộ, hãy từ bỏ gièm pha, hãy từ bỏ kiêu mạn. Từ bỏ pháp bất thiện là từ bỏ nghiệp nhân đưa đến sinh tử nên không còn tái sinh nữa. Ở đây cũng cần phải hiểu tái sinh là tái sinh theo nghiệp.

Với pháp môn tu Thanh tịnh thiền, Như Lai cũng dạy người tu giải thoát để trở về Phật giới như sau: “Nếu muốn giải thoát khỏi tam giới thì người tu phải giác ngộ (tức hiểu biết rõ ràng từ con người, vạn vật, trái đất, tam giới, Phật giới và quy luật luân hồi-nhân quả. Đồng thời cũng phải hiểu: Phật tánh cấu tạo bằng gì? Tánh Người là như thế nào? Giải thoát để đi về đâu?”

Giải thoát ở đây được hiểu là biết con đường thoát ra ngoài quy luật nhân quả-luân hồi của tam giới và trái đất này để trở về bể tánh Thanh tịnh Phật giới. Muốn giải thoát, nghĩa là đừng dính mắc bất cứ thứ gì nơi trái đất này. Đức Phật gọi là vô trụ với những gì thuộc về vật chất. Vô trụ ở đây không phải là (từ bỏ) mà con người sống nơi trái đất này phải tuân theo quy luật vật lý của trái đất. Nhưng luôn luôn tỉnh thức “biện tâm” với tinh thần thiền nhập thế. Đó là: buông, dừng, thôi, dứt! Theo pháp môn Như Lai thanh tịnh thiền.

Từ những giải thích về khái niệm giải thoát trên, có thể rút ra một đặc điểm chung của giải thoát là không bị phiền não khổ đau và đạt Niết-bàn.

Đề cập về khổ đau và sự chấm dứt khổ đau hay đạt Niết-bàn. Kinh Chuyển pháp luân thuộc kinh Tương ưng ghi như sau: “Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; oán gặp nhau là khổ; ái biệt ly là khổ; cầu không được là khổ.

Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Sự chấm dứt khổ là ly tham, đoạn diệt ái…là quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát..!

Theo định nghĩa của Tiểu kinh đoạn tận ái, giải thoát là chứng Niết-bàn, là đắc quả A-la-hán và cho rằng, vị ấy sanh đã đoạn tận…không còn trở lại đời này nữa. Có thể nói một cách dễ hiểu là các vị Thánh A-la-hán không còn tạo nghiệp thiện ác, do đó, đã chấm dứt tâm tham, sân,si…nên không bị nghiệp dẫn dắt đi tái sinh trong các nẻo luân hồi.

Giải thoát sinh tử theo nguyện

Phải chăng, giải thoát sinh tử là không còn sinh tử trở lại như chúng ta vừa tìm hiểu ở phần trên. Và giải thoát sinh tử là giải thoát nghiệp dẫn đi sanh tử luân hồi khổ đau trong sáu nẻo. Ở đây, cần phân biệt sinh tử luân hồi khổ đau và sinh tử như là một quy luật (thị hiện theo duyên).

Đối với bậc thánh, tuy thân chịu sinh tử như là một quy luật duyên sinh vật lý (thế gian), nhưng tâm luôn tự tại không bị nghiệp chi phối. Trường hợp sinh tử sau đồng nghĩa với Niết-bàn hữu dư đó là các bậc Thánh A-la-hán hay thân thị hiện độ sinh của hàng Bồ-tát. Ở đây theo quy luật có thị hiện là có sinh. Có sinh thì có tử. Song sự khác biệt ở đây là sự sinh tử của các vị Bồ-tát theo nguyện chứ không theo nghiệp.

Sự sinh tử theo Nguyện có thể kể đến là sự thị hiện của đức Phật Thích Ca, của Bồ-tát Di Lặc và Bồ-tát Quán Thế Âm… Trong kinh Tiểu bộ có nói tới rất nhiều chuyện tiền thân của đức Phật được ghi chép lại. Các nhân vật trong các câu chuyện tiền thân đều được tin là Bồ-tát thị hiện. đã là Bồ-tát thì tất nhiên đã giải thoát sinh tử. Đọc lịch sử đức Phật chúng ta thấy, Thái tử Tất- Đạt- Đa giáng sinh, tu tập, chứng Phật quả, rồi tịch diệt là một trường hợp sinh tử (thuộc thân) xảy ra sau khi đã giải thoát sinh tử- từ nhiều tiền kiếp trước.

Về Bồ-tát Di Lặc, cả Nam truyền và Bắc truyền đều tin rằng Bồ-tát hiện ở cõi trời Đâu Suất và sẽ giáng sinh trong tương lai ở cõi Ta-bà để tiếp tục tu tập chứng ngộ Phật quả, kế thừa đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn Bồ-tát Quan Thế Âm, kinh Đại bi tâm Đà- ra- ni ghi rằng, Ngài đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh, nhưng vì nguyện lực đại bi nên mới hiện thân là Quán Thế Âm để độ chúng sinh.

Khi một vị Bồ-tát hay vị thánh thị hiện tức là sanh xuất hiện. Tất nhiên thân thị hiện đó sẽ phải diệt (tử) theo quy luật duyên sinh. Chỉ có thân tâm thanh tịnh, không bị sinh diệt theo trần cảnh và luôn luôn tự tại. Phật giáo Đại thừa chủ trương thuyết độ sinh theo hình thức này. Từ đó, có thể giải thích thông suốt rằng Phật hay các vị Thánh theo nguyện lực tùy duyên vào sinh ra tử để hóa độ chúng sinh nhưng tâm luôn tự tại, không bị khổ đau.

Có sinh thì có tử

Về vấn đề sinh tử, chúng ta cần phải phân biệt và nắm rõ hai phần: Một là tâm sinh diệt. Hai là thân sinh diệt. Theo Thiền sư Thanh Từ thì Tâm sinh diệt là tâm vọng. Còn chân tâm thì thanh tịnh hằng hữu như cái thấy của con mắt lúc nào cũng hằng hữu dù mắt nhắm hay mắt mở. Thân tứ đại sinh-diệt thì ai cũng có thể hiểu vì nó thuộc nguyên lý (vật lý). Trong kinh Phật tự thuyết (Udana) thuộc Tiểu bộ kinh I, đức Phật dạy về lý duyên khởi: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt, do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt, do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt”. Thân tứ đại đã sinh thì nó phải diệt, theo giáo lý duyên khởi.

Theo lich sử đức Phật Thích Ca, Ngài chứng Niết-bàn thành Phật sau 49 ngày đêm thiền định. Kể từ khi ấy, tâm Phật luôn thanh tịnh không còn sinh diệt như vọng tâm của chúng sinh. Tuy nhiên, thân tứ đại của Phật vẫn chịu sự chi phối bởi nguyên lý sinh diệt. Suy rộng ra ta thấy, khi có sự sống hiện hữu bằng thân (tứ đại) thì tất yếu có sự sinh tử. Đó là quy luật tự nhiên, là lý duyên khởi. Do đó, giải thoát sinh tử không có nghĩa là hoàn toàn không tồn tại ở cõi đời này hay ở các thế giới khác.

Qua tìm các tôn giáo thần quyền và tín ngưỡng dân gian cho thấy, khái niệm giải thoát sinh tử luân hồi dường như ít được đề cập tới, bởi quyền của con người không được nhìn nhận với thái độ tư duy và tôn trọng bình đẳng (kể cả thân xác (vật lý) này, cũng như (thức) tinh thần sau khi chết. Từ thực tế này, mà tín ngưỡng thần quyền nói chung khi nói đến vấn đề sinh tử thì họ thường lo lằng, bàng hoàng và chỉ dựa vào thuyết ‘định mênh’ đã an bài (tức chẳng có sự thay đổi gì trong quá trình tu chứng giải thoát sinh tử). Chính vì điều này, mà giáo lý Duyên sinh của Phật giáo ra đời đã cho nhân loại có cái nhìn mới, giúp con người tự tin, lạc quan và cởi mở hơn khi nhìn nhận vấn đề sinh tử (tức khai phóng giải thoát) kiếp sống ô trược khổ đau trong tam đồ- để có một tái sinh tốt đẹp hơn.

Để kết thúc bài viết này, người viết xin mượn lời nhận định đánh giá của tác giả Thích Hạnh Chơn trong bài viết “Suy nghĩ về khái niệm giải thoát sinh tử trong đạo Phật” để thay cho lời kết mở của bài viết này mong đạo hữu và bạn đọc cùng suy ngẫm: “Đạo Phật hướng đến giải thoát sinh tử, chứng Niết-bàn để sống tự tại trong cuộc đời mà làm lợi lạc quần sinh. Quan niệm giải thoát sinh tử, chứng Niết-bàn ở thế giới nào đó và chỉ đạt được sau khi chết là một quan niệm cần đánh giá lại. Vì nói như thế là phủ nhận cuộc đời và giá trị đóng góp to lớn của Đức Phật và Bồ-tát. Đồng thời, với quan niệm ấy cũng làm cho Phật giáo trở nên siêu hình và xa lánh cuộc đời hiện hữu” (thiếu đi sự nhập thế dấn thân vốn có của Phật giáo). Do vậy, nhận thức đúng khái niệm để hiểu đúng và tu tập đúng là quá trình rất cần thiết đối với bất cứ ai tu tập Phật pháp. Đặc biệt là trong giai đoạn Phật giáo hội nhập phát triển hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

-Kinh Trung bộ (Majjhima Nikaya)

-Kinh Chuyển pháp luân - (Tương ưng)

-Kinh Tiểu bộ (Khuddka Nikana)

-Thiền học đời Trần nhiều tác giả (Nxb.Tôn giáo 2009)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập