Jinkwansa

Đã đọc: 3277           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đại đức Haemin đã nói: “Nhân duyên đẹp không phải đẹp ở khởi đầu, mà là đẹp ở kết thúc”. Vâng, tôi sẽ trân quý và nuôi dưỡng những duyên hạnh ngộ này thành những nhân duyên kỳ tuyệt cho đến kết thúc, để rồi từ đó, lại là khởi đầu cho những thắng duyên về sau.

Hủy hình thủ khí tiết

Cắt ái từ sở thân

Xuất gia hoằng Phật đạo

Thệ độ nhứt thiết nhân

Câu kinh phát nguyện trong lễ thế phát xuất gia hôm nào bên sư phụ luôn là kim chỉ nam cho con trong suốt thời gian qua. Nhứt là mỗi lúc gặp thử thách và chướng duyên, con tự nhắc mình lý do và đại nguyện khi phát tâm xuất trần làm tu sĩ. Vậy mà, phước mỏng nghiệp dày, lại sớm phải rời xa sự dưỡng dục và bảo bọc của sư phụ, sư bà cùng đại chúng, đã có biết bao lần con rơi vào tâm trạng bất an, bế tắc và bị cảm xúc tiêu cực chi phối…. thật hổ thẹn lắm thay.

Jinkwansa

Một ngày trời thật xanh và nắng thật trong, bước chân tiểu hành giả tha hương được bén duyên cùng Tân Khoan Tự (Jinkwansa). Tọa lạc tại Samgaksan-thuộc quần thể dãy núi Bukhansan hùng vĩ, Jinkwansa là ngôi cổ tự hiếm hoi tại trung tâm Seoul có được phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ như ở chốn Đại Ngàn. Bước qua khỏi Nhất Trụ Môn, khách hành hương được đón chào bằng chiếc cầu Cực Lạc- với ước nguyện xây dựng Tịnh Độ tại nhân gian của chư Ni bổn tự.

Vẫn chưa hết bồi hồi khi tiếp xúc với cõi Cực Lạc chốn Ta Bà, nhìn lên, sẽ thấy cổng Giải Thoát (thay cho Tứ Đại Thiên Vương Môn thường thấy ở các chùa). Bên phải là lối đi thẳng vào khu rừng quốc gia Bukhansan, với những nhịp cầu bằng gỗ, uốn mình theo dòng chảy của con suối Thanh Lương. Dừng lại một nhịp để hít hà mùi hương cây cỏ, không khỏi buộc miệng tán thán Đỉnh Eunbong duyên dáng, làm nền cho những mái chùa truyền thống cong cong.

Đại hùng bảo điện

Hẳn những ai quan tâm đến Phật giáo Hàn Quốc, nhứt là văn hóa ẩm thực chay Hàn Quốc thì không thể không biết đến, hay từng nghe nói đến Jinkwansa. Jinkwansa nổi danh là ngôi già lam lưu giữ tinh hoa ẩm thực 1700 năm của Phật giáo Hàn Quốc. Không quá lời khi nói gần 90% các bức ảnh giới thiệu ẩm thực chay Hàn Quốc được chụp từ Changdeokdae của Jinkwansa. Và cũng ngần ấy phần trăm video clip về ẩm thực chay được thực hiện tại đây. Ngôi chùa được mệnh danh là “ngôi già lam ngoại giao” để chính phủ Hàn Quốc đón tiếp khách quý khi muốn giới thiệu và tự hào về văn hóa ẩm thực quốc gia mình.
 
 
Đầu bếp Nhà Trắng học làm cơm chay với Ni trưởng trụ trì Jinkwansa
 
Năm 2014, bếp trưởng của tổng thống Mỹ- Obama đã đích thân đến chùa, học và làm những món chay truyền thống Hàn Quốc. Jinkwansa còn là điểm dừng chân của vua và công chúa Thái Lan trong những chuyến công du đến xứ sở kim chi. Jinkwansa với nụ cười tươi tắn như hoa sen trên môi mỗi vị tu sĩ và cận sự nam nữ, cùng những món ăn được nấu bằng nguyên liệu của tình thương và trí tuệ, bao nhiêu năm tháng qua, đã mở lòng ra đón tất cả du khách xa gần. Không chỉ chinh phục toàn bộ khách thập phương bởi kiến trúc mỹ thuật hài hòa, Jinkwansa còn làm hài lòng vị giác, khướu giác, thị giác của tất cả mọi người bởi văn hóa uống trà đậm chất thiền môn, bởi những món ăn được kết tinh từ di sản 1700 năm Phật giáo. Chùa từ lâu đã trở thành địa điểm tin cậy và must-see của du khách trong ngoài nước.
 
 
 
Một góc phòng trà gỗ giữa thiên nhiên xanh
 
Đặc biệt, ngôi già lam được trang nghiêm và tỏa sáng hơn bởi có sự dẫn dắt của Ni trưởng Gyeho- vị đại Ni được xem là “bảo bối” trong tinh hoa ẩm thực chay nước nhà. Hơn 70 tuổi đời và hơn 50 tuổi đạo, Ni trưởng cống hiến tất cả tài năng, tâm huyết và đạo lực của mình trong công cuộc hoằng pháp và quảng bá văn hóa ăn chay vì sức khỏe đến khắp mọi nơi.
 
 
Đón đoàn Việt Nam với chiếc nón lá trong tay giữa những ngày nắng nóng khủng khiếp nhứt lịch sử, Ni trưởng với ánh mắt ngời sáng và nụ cười bao dung, như tàn cây rợp bóng che mát cho những cái cháy da phỏng trán giữa đời thường. Không còn bất kỳ ranh giới gì của ngôn ngữ, quốc tịch, văn hóa… ngăn trở được tấm lòng hồn hậu và yêu thương của Người hướng đến chúng tôi. Nhìn Ni trưởng, tôi biết rằng: “cái gì từ trái tim sẽ đi đến trái tim”.
 
Không phải lần đầu đến với Jinkwansa, nhưng được diện kiến và đảnh lễ “bảo bối” của Phật giáo Hàn Quốc là điều không dễ dàng. Và mãi đến hôm nay, tôi mới hội đủ nhân duyên được đảnh lễ Ni trưởng. Từ cái chắp tay xá chào đầu tiên, đã cảm nghe một niềm lạc an và thân thuộc đến ngỡ ngàng. Ni trưởng- chắc hẳn cũng có cùng cảm xúc đó như tôi, nên Người đã gọi riêng tôi vào, ân cần trao cho tôi món quà đơn sơ. Người chỉ vào hình vẽ tiểu ni trên chiếc quạt và nói: “Thấy có giống con không? Bé tiểu ni rất dễ thương phải không? Thầy tin chắc con sẽ trở thành một tu sĩ như Pháp của Phật Giáo. Thầy nguyện cầu cho con sở học viên thành, sở tu viên mãn, đem hết năng lực và sở trường cũng như nhiệt tâm của con làm cho chân lý của trí tuệ và từ bi lan xa.”
 
 
Cầm chiếc quạt hình cô tiểu Ni nhỏ xinh với dòng chữ lưu niệm của Ni Trưởng, được nghe những lời như thọ ký từ tâm, tôi chỉ còn biết sụp xuống và đảnh lễ Người. Ni trưởng dang đôi tay ôm tôi vào lòng. Vòng tay vững chãi và từ bi đó, đã lấp đầy bao trống trải, đơn độc và tủi buồn của một đứa nhỏ sớm phải xa thầy. Kính lễ Ni trưởng, tôi kính lễ hết thảy mười phương Tăng.
 
Tôi biết tôi không hề lẻ loi. Tôi biết trên hành trình phía trước còn nhiều thử thách và gian khó, có sư phụ, sư bà, chư huynh đệ và cả Tăng đoàn khắp mười phương đồng hành cùng tôi. Vòng tay của Ni trưởng là nguồn năng lượng tích cực và yêu thương, là hậu phương vững chắc cho những lúc cần nương náu. Chân cứng đá mềm. Một lần nữa tôi thầm phát nguyện: “Con là sự tiếp nối của Thầy”! Vậy nên, con không còn lo âu nữa, con không cần phải sợ hãi nữa, con biết quý thầy luôn dõi theo con…
 
 
Tình thương của Ni trưởng chạm vào phần sâu thẳm trong tim,tôi nghe sống mũi mình cay cay,mắt rơm rớm giọt hạnh phúc.
Nhưng tôi chắc chắn không được khóc.Tôi đã hứa với Thầy không được mít ướt và làm nô lệ cho cảm xúc. Thế nên, nước mắt sẽ hóa thành đóa sen thiệt đẹp nở trên môi, nở trong lòng, trong từng tế bào hạnh phúc trên thân.
 
Chia tay, Ni trưởng đeo một chiếc vòng có khắc 3 chú voi con tượng trưng cho sức mạnh-niềm tin-sự nhẫn nại. Ni trưởng dạy, có 3 điều này, con nhứt định sẽ làm chủ được thân và tâm, thăng hoa trong đời sống tâm linh. Ni trưởng cũng cẩn trọng trao cho tôi thêm một sợi dây ngũ sắc, ứng với ngũ phương và ngũ hành, tượng trưng cho càn khôn vũ trụ, kèm lời nhắn: Cả vụ trụ có trong con, thì có điều gì con không thể làm?!
 
Vị Bồ Tát hóa thân trước mặt thôi thiệt là tâm lý và đáng yêu biết bao nhiêu!
 
Đại đức Haemin đã nói: “Nhân duyên đẹp không phải đẹp ở khởi đầu, mà là đẹp ở kết thúc”. Vâng, tôi sẽ trân quý và nuôi dưỡng những duyên hạnh ngộ này thành những nhân duyên kỳ tuyệt cho đến kết thúc, để rồi từ đó, lại là khởi đầu cho những thắng duyên về sau.
 
Kính tri ân tất cả những nhân duyên cho con có mặt trên đời, những nhân duyên con gặp gỡ trong đời.
 
 
Ảnh: Rose Rose, Le Duy, Nhữ Ngần_
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập