Phật giáo và văn học Bình Định

Đã đọc: 1380           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo tỉnh Bình Định sau năm 1975 có một sự kiện quan trọng là tổ chức:"Khóa bồi dưỡng hoằng pháp tại chùa Long Khánh, Thành phố Quy Nhơn, đó là vào năm 1999.

Phật giáo tỉnh Bình Định sau năm 1975 có một sự kiện quan trọng là tổ chức:"Khóa bồi dưỡng hoằng pháp tại chùa Long Khánh, Thành phố Quy Nhơn, đó là vào năm 1999. Lúc đó Hòa thượng trưởng lão Thích Thiện Nhơn làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Hòa thượng trưởng lão Thích Phước Thành chứng minh Ban trị sự, các Ngài đã viên tịch từ nhiều năm về trước.

Đến nay năm 2018, 19 năm sau. Phật giáo tỉnh Bình Định lại tổ chức được Hội Thảo Khoa Học "Phật giáo và Văn học Bình Định - thành tựu và giá trị" kết hợp Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn sẽ diễn ra ngày 03,04,05 tháng 8 năm 2018 tại trường Trung cấp Phật học Bình Định, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước.

Chủ đề cuộc Hội thảo Khoa học lần này "Phật giáo và văn học Bình Định - thành tựu và giá trị". Nói đến văn học tỉnh Bình Định chúng ta không thể không nói đến nhóm Bàn thành tứ hữu gồm:"Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên".

- Hàn Mặc Tử  tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9 năm 1912 – mất 11 tháng 11 năm 1940. Là nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn.

Ông theo đạo Thiên chúa, nhưng trong thi ca của ông một số bài cũng ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo rất rõ nét, ông dùng từ ngữ Phật giáo rất nhiều:

Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Suất,

Và lùa theo không biết mấy là hương

(Phan Thiết).

Thơ tôi thường huyền diệu

Mọc lên đạo từ bi

(Cao Hứng)

Trời từ bi cảm động ứa sương mờ

Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá

(Hãy Nhập Hồn Em) 

"Đao Lỵ", "Đâu Suất", "từ bi", là thuật ngữ của Phật giáo.
Những từ ngữ khác của Phật giáo như “hằng hà sa số” “mười phương” cũng thường gặp trong thơ ông:

Mây vẽ hằng hà sa số lệ

Là nguồn ly biệt giữa cô đơn

(Cuối Thu)

Đóng cửa mười phương lại

Dồn ánh sáng vào đây

(Điềm lạ)

Trời như hớp phải hơi men ngan ngát

Đắm muôn nghìn tinh lạc xuống mười phương

(Nguồn thơm) 

"Chín phương trời, mười phương Phật" cũng của nhà Phật.

"Bây giờ chúng tôi đương ở giữa mùa trăng, mở mắt ra cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiêu diêu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói..."

(Chơi giữa mùa trăng) 

- Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 (tức ngày 9 tháng 9 năm Canh Thân) tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung (THCS hay cấp II hiện nay) thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định. 

Cái chất của nhà Phật, của tư tưởng triết học ở nơi ông bàn bạc trong tập Điêu Tàn, ông còn rất trẻ chưa tới 17 tuổi ông đã có tư tưởng hư vô, vô thường:

Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa

Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi

Xuân đừng về ! Hè đừng gieo ánh lửa !

Thu thôi sang ! Đông thôi lại não lòng tôi !

*

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa !

Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo

(Những Sợi Tơ Lòng)

Ngày mai đây muôn loài đều tan rã
Vũ trụ kia rồi biến ra Hư Không !”

----

Cùng như thế nơi xa xăm trong cõi Chết,
Bao cô hồn vẫn sống tháng ngày qua, ----

Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo,
Tiếng cô hồn lặng thở khí trời đêm ! ----

Trông tháng ngày, yên đẻ lệ sầu rơi ! ----

Lòng hỡi lòng ! Biết đâu là Âm giới ?
Biết nơi đâu cõi sống của muôn người ?
Trong U Minh hồn ta đương lạc lối

(Bóng tối)

Khi còn trẻ ông đã là thế, quá nửa cuộc đời ông lại chìm sâu vào tư tưởng Phật giáo, luân hồi, sinh diệt:

"Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi

Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên"

(Từ thế chi ca)

Ông là nhà thơ suy tư, triết lý về sống chết, ngay từ lúc 16 - 17 tuổi, trong tập thơ Điêu Tàn ta đã thấy điều đó, khi nghe tin bạn mình nhà thơ Xuân Diệu từ trần ông đã bi cảm:

Xe tang qua 24 Cột Cờ

Xuân Diệu không vào nhà mình được nữa!

Nhà anh từ nay là nấm mộ

Anh chỉ dừng đây chốc lát rồi qua

Con đường về nghĩa trang dài thăm thẳm

Tưởng đi nghìn năm không cùng

Thế mà chốc lát ta đã trước nấm mồ đào sẵn

Để chôn một thiên tài, thế là sâu hay nông?

........

Bỏ một nắm đất xuống mồ anh: Vĩnh biệt!

Diệu nằm ở trong thơ chớ đâu ở di hài!

(Bệnh viện Chợ Rẫy, 27-10-1988)

Trong Phật giáo có Bồ tát Quan Thế âm, chúng sinh gọi Ngài là Bồ tát "Lắng Nghe". Nghe tiếng đau thương của cuộc đời tìm đến cứu giúp. Thiền Sư Nhất Hạnh khi giảng tại Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn năm 2007, hôm đó buổi giảng bị ồn vì quá đông, Thiền Sư có nói: "Nếu các vị  không lặng im, thì làm sao mà lắng nghe". Những từ: lắng nghe, lặng im, hiểu thương... giới Phật giáo thường hay xử dụng. Bài thơ "lặng im thì mới nghe" có chất Thiền sâu lắng của nhà Phật: 

Lặng im thì mới nghe

Lặng im

Lặng im thì mới nghe

Nhựa đong đầy các nhánh

Như hồn anh đầy em

Lặng im

Lặng im thì mới tỏ

Nhánh đang hút từ sâu

Cái làm nên nụ đỏ.

Nghe, mùa xuân, nghe nghe

Lặng im mà mọi chỗ

Cái im giữa lòng ta

Cũng là mùa xuân đó

Nếu lòng ta thiếu nó

Thì bao giờ ta nghe

Cầm tay em vuốt ve

Hồn im cho tay nghe.

Trong nhà Phật nói rằng:"Nếu an trú chánh niệm trong giây phút hiện tại thì đã dung nhiếp cả quá khứ và tương lai. Ba thời dung chứa lẫn nhau. Một giây phút chứa đựng tất cả các giây phút khác. Giây phút chứa đựng thiên thu.

Ông đã thâm nhập tư tưởng Phật giáo một cách sâu sắc qua bài thơ "Ngủ trong sao" 

Đêm hôm nay ngồi đây trên bờ bể,

Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ.

Đã trôi trong một phút vội vàng qua,

Ta lắng nghe những thế giới bao la.

Tụ họp lại trong lòng muôn hạt cát .

(Ngủ trong sao). 

Ông mất ngày 19.6.năm 1989 hưởng thọ 68 tuổi, tang lễ theo nghi thức Phật giáo và thờ tại chùa Vĩnh Nghiêm, Tp.HCM. 

- Yến Lan sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916, quê tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn (nay là phường Bình Định, thị xã An Nhơn), tỉnh Bình Định. Ông nội Yến Lan là nhà nho, thuộc dòng Minh Hương ở Phúc Kiến.[1] Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn.

Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Uỷ viên văn hoá Cứu quốc Bình Định (1947–1949); là Uỷ viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định. Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định.

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. 

Đạo Phật đã có mặt ở đất nước Việt Nam chúng ta hơn 2000 năm, đã cắm rễ sâu vào nhiều lãnh vực đời sống, nhất là tư tưởng triết lý, văn học thi ca... Thuyết luân hồi, duyên sinh, nhân quả, ở hiền gặp lành, vô thường, sắc không, sinh diệt, vô ngã.... đi vào tâm thức dân tộc nhẹ nhàng tự nhiên như nước hòa với sữa, do vậy các nhà văn nhà thơ hơn ai hết họ đã tự nhiên, mặc nhiên khi sáng tác, cứ như thế mà tư tưởng, từ ngữ nhà Phật tự nhiên tuôn chảy ra không hề gượng ép.

Trong nhóm Bàn thành tứ hữu:  Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, tư tưởng, ngôn ngữ nhà Phật thể hiện rõ nét, thì đến Yến Lan có vẻ mờ nhạt hơn, thơ của ông nhắc đến tình quê, tình người là chính, yếu tố triết học siêu hình tôn giáo như Quách Tấn, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử rất hiếm hoi, nhưng không phải là không có, có lần ông đã nhắc đến chùa:

Khuya

Khuya ơi, có một khuya tràn

Bờ ao đầy cả trăng vàng như trăng,

Gió đi theo gió nhọc nhằn,

Chùa xa giữa kín những lằng mõ xa

Im thôi im cả canh gà,

Một cầu nhìn nước chẻ ra một cầu,

Thuyền chàng còn khuất nương dâu,

Thuyền nàng đã ghé bên cầu nước reo,

(TTTN, số 8, 21/11/1938)

Trong nhà Phật có câu kinh "Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt". Như vậy Đàng (con đường) và xe là một hay là khác? Sông nước và thuyền là khác hay là một?

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,

Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền

Tịch dương – liễu không biết mình đang biếc,

Tương tư trời – tương tư….. nhạc triền miên.

(Bình Định1934)

Trong nhà Phật có câu:" Hữu tình và vô tình đều có tánh biết".  Hữu tình là con người, muôn thú.... Vô tình đá, núi, sông biển, cây cỏ, hoa....đều có tánh biết. Cho nên đá cũng biết chồng lên với nhau, cũng biết ôm mộng ngọc.

Xanh biêng biếc, con sóng chồm bạc tóc,

Vọng Hải đài sương khóa kín tâm tư.

Đá chồng chất, phải chăng ôm mộng ngọc,

Chút kho tàng ngày tháng giữ khư khư.

(Nguồn: Xa - xanh)

Ông mất tại Bình Định ngày 5 tháng 10 năm 1998, gia đình an táng ông theo nghi lễ Phật giáo. Chúng tôi có trao đổi với trưởng nữ nhà thơ Yến Lan, là bà Lâm Bích Thủy, người thay cha mình viết hồi ký về cha mình, tác phẩm có tựa:"Người thi sĩ của Bến My Lăng". Tác phẩm chưa ấn hành được. Bà Lâm Bích Thủy có nói rằng:" Thân phụ tôi có ở chùa gần 10 năm, chùa có tên là Chùa Ông, thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định (chùa nay không còn nữa).

Như vậy thì nhóm Bàn thành tứ hữu có bốn nhà thơ, thì có ba nhà thơ là Phật tử, duy chỉ có Hàn Mặc Tử là theo đạo thiên chúa.

Chúng tôi đã lược qua ba nhà thơ có ảnh hưởng tư tưởng, từ ngữ của Phật giáo đó là: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan.

Người thứ tư trong nhóm là nhà thơ Quách Tấn.

Quách Tấn (1910-1992), tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn; là một nhà thơ Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 4 tháng 1 năm 1910, nhưng giấy khai sinh thì ghi là ngày 1 tháng 1 năm 1910) tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định. 

Ông mất ngày 21 tháng 12 năm 1992 ( 28 tháng 11 năm Nhâm Thìn).tại Nha Trang, gia đình tổ chức đám tang theo nghi lễ Phật giáo.

Cao Tăng Phật giáo và giới văn nghệ sĩ

Trước năm 1975, Giáo hội Phật giáo có ba vị Hòa thượng quan tâm đến giới văn nghệ sĩ là: Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, ở Sài Gòn, Hòa thượng Thích Trí Thủ ở Nha Trang.....Cho nên nền văn học Phật giáo cận đại của thập niên 60 - 70 ở miền nam thời bấy giờ nở rộ.

Một Viện Đại Học Vạn Hạnh Phật giáo ở Sài Gòn do Hòa thượng Thích Minh châu làm viện trưởng, với tính cách quý trọng hiền tài của Hòa thượng mà giới văn nghệ sĩ hồi đó đã đến với Viện Đại Học Vạn Hạnh, với Phật giáo khá đông đó là: Giáo Sư Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Phạm Công Thiện, Thạch Trung Giả, Lê Văn Siêu, Nguyễn Đăng Thục, Ngô Trọng Anh, Bùi Giáng, Tôn Thất Thiện, Nhà văn Võ Hồng, Nhà Thơ Quách Tấn, nhà thơ Đông Hồ, cư sĩ Cao Hữu Đính.....

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, sáng lập viên Đại học Vạn Hạnh, chủ bút tuần san Hải Triều Âm, Thiện Mỹ, tạp chí Giữ thơm quê mẹ......Quan hệ mật thiết, tình cảm với giới văn nghệ sĩ và đã mời gọi họ hợp tác đóng góp cho công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng viện cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang cũng thế, Ngài luôn quan tâm đến giới văn nghệ sĩ, và nhà văn Võ Hồng, nhà thơ Quách Tấn, Giáo Sư Phạm Công Thiện đến với Phật giáo qua tình cảm trọng thị của Ngài.

Quách Tấn tác giả của tập thơ "Một tấm lòng", "Mùa cổ điển" đại diện cho trường phái thơ cũ, đã cảm tình với đạo Phật và những bài thơ mang âm hưởng tư tưởng triết lý nhà Phật đã lần lượt ra đời:

"Chớp mắt nghìn thu quạnh

Về đâu chiếc lá bay"

----

"Nghìn xưa không còn nữa

Nghìn sau rồi cũng không

Phảng phất bờ trăng rạng

Hương ưu đàm trổ bông"

(Thoáng hiện)

Bằng cái thấy tương quan tương duyên trùng trùng duyên khởi của Kinh Hoa Nghiêm , ông thấy trong vỏ sò khô có bến bờ, trùng dương, sương tuyết:

"Vỏ sò khô ấp ủ,

Niềm băng tuyết đêm sương.

Muôn xa bờ bến cũ,

Vang vọng sóng trùng dương"

(Ấp ủ)

Ông kính Phật trọng tăng,thỉnh thoảng lên chùa Hải Đức, đồi Trại Thủy viếng thăm gặp một vị tăng (có lẽ là Hòa thượng Thích Trí Thủ) ông phóng bút:

"Áo giũ ngày sương gió,

Lên chùa thăm cố nhân.

Non nghiêng thềm bóng xế,

Lịu địu bóng nhàn vân"

Cũng trong một thiền cảnh tương tợ, lần khác ông gặp một vị Tăng đang lần chuỗi, đi lên đầu núi, ông cảm tác:

Lần chuỗi

Chuông ngân chùa sẫm nắng

Hương nguyện áo tràng bay

Trăm tám vì sao mọc

Xoan tròn đôi cánh tay

Mười phương cây lặng gió

Năm sắc hồ trôi mây

Lần bước lên đầu núi

Áo vàng tràn đó đây.

Ông với Phạm Công Thiện là bạn vong niên, Phạm Công Thiện xuất gia đi tu làm đệ tử Hòa thượng Thích Trí Thủ, với pháp danh Nguyên Tánh là do ông giới thiệu. Phạm Công Thiện là một thiên tài văn học, ông viết cuốn "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" thời danh năm ông mới 18 tuổi.

Trong bài"Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với Quách Tấn" Phạm Công Thiện viết:"Quách Tấn là một Phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng...Ông xứng đáng là kẻ nối dòng của các vị thiền sư: Vạn Hạnh, Không Lộ, Ngộ Ấn...và tất cả những thiền sư thi sĩ  đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc, linh hồn của Lý Thường Kiệt đánh Tống và Trần Hưng Đạo đánh Nguyên".

(Quách Giao sưu tầm - 1994) "Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, NXB Trẻ, TP.HCM".

Kính Phật, kính tăng thơ ông là thế, còn trân trọng vị thế ngôi chùa trong vai trò và sứ mệnh bảo vệ đất nước ông đã thể hiện qua hai tác phẩm địa dư chí là: Nước non Bình Định (NNBĐ)và Xứ Trầm Hương (XTH). Trong hai tác phẩm vừa nêu ông rất chú ý đến chùa, dành cho những trang miêu tả nhiều chất văn học và tính lịch sử.

Ông là nhà thơ, nhưng khi viết văn tình cảm cảnh trí trong văn của ông có sức cuốn hút người đọc, Trong Nước non Bình Định ông viết về chùa Nhạn Sơn: " Chùa ẩn hiện dưới bóng xoài xanh, dựa lưng vào núi Long Cốt, trông như một bình hoa để trước một bức Tam Sơn màu đỏ gạch. Trước mặt chùa có một ao sen rộng hơn 50 mẫu, hình trăng lưỡi liềm, tên là Tân Nguyệt Trì. Mùa xuân, mùa  hạ thì trước chùa hiện một vành trăng non, sắc hồng thay sắc vàng, hương sen thay hương quế. Mùa thu, mùa đông thì trăng non lai láng sắc bạc, khi thì óng ánh dưới bóng trời xanh, khi thì lờ mờ trong màn mưa xám".

Ông viết chùa Thập Tháp:" Chùa xây trên mặt nổng gò rộng hình mai rùa. Trên gò xưa kia có mười ngọn tháp được ngài Bích Hoán Hoà thượng thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) phá mười ngọn tháp lấy gạch xây chùa nên có tên là Thập Tháp Di Đà Tự. Sau được vị thuyền sư Nguyên Thiều khai sơn cho phái Lâm Tế. Các kèo, trính, quyết trong chùa đều bằng gỗ sao và đều chạm chữ Phạn, còn cột thì bằng gỗ ké to đến trên một ôm. Chùa lại có được ba tạng kinh cổ cùng hai pho tượng Hộ pháp và 36 tượng La hán bằng gỗ chạm khắc tinh vi. Chùa Thập Tháp chẳng những được người dân Bình Định sùng bái mà còn được các đệ tử nhà Phật trên toàn quốc coi như chùa gốc của phái Lâm Tế. Từ chùa Thập Tháp chúng ta biết được tường tận tiểu sử ngài Nguyên Thiều và sự diễn tiến phái tu thiền Lâm Tế cùng với sự tích 'vỏ lúa' nơi chùa".

Ông viết chùa Hang "Thiên sanh thạch tự" như sau:"Theo Quách Tấn trong Võ nhân Bình Định và Nước non Bình Định thì dưới triều Thành Thái, khoảng 1890, một lão tăng, không ai biết danh tánh là gì, quê quán ở đâu, đến ở tu nơi đây. Lão tăng tuổi độ trên dưới 70, tu theo khổ hạnh đầu đà. Không biết pháp danh, pháp hiệu, người địa phương gọi lão tăng là "thầy chùa Hang" hay "thầy chùa Đá Bạc". Năm Giáp Ngọ (1894) bệnh thiên thời hoành hành khắp huyện Phù Cát, người chết chôn không kịp. Có làng dân phải đốt nhà, di tản đi nơi khác để tránh truyền nhiễm. Giữa lúc ấy thì "thầy chùa Đá Bạc" xuất hiện, đi cho thuốc khắp nơi. Nhiều người khỏi bệnh. Chẳng những người trong khắp tỉnh Bình Định, mà cả người ở Phú Yên, Quảng Ngãi, cũng tìm tới xin thuốc. Chùa Hang nổi danh từ đó., đến độ quan tri huyện Phù Cát sợ thầy chùa Hang tụ hội khởi loạn nên ra lệnh cấm người đến xin thuốc, đồng thời tầm nã gắt gao thầy chùa Hang. Sau không rõ vị lão tăng mất khi nào và ở đâu, nhưng để nhớ ơn, dân tiếp tục thờ cúng ở chùa Hang".

Ông quan tâm đến phong cảnh chùa Ông núi (chùa Linh Phong) ở Phù Cát, ông viết rất kỹ về chùa này:" chùa Linh Phong. Chùa có tên thiệt là Linh Phong Thiền Tự, tục gọi chùa Ông Núi. Cảnh trí thật tuyệt mỹ: “Chùa nằm trong rừng cây cổ thụ, tịch mịch thâm u, nhiều cây sống lâu đời, hình thù cổ quái. Nhiều cây cao vút bóng mây. lại nhiều cây nằm ngửa nghiêng trong sắc cỏ. Quanh chùa đá mọc ngổn ngang, hoặc đứng sừng sững giữa trời hoặc chen chúc cùng cây cối. Nơi chồng chất thành hòn giả sơn, nơi lại dựng đứng như vách, nơi lại nằm rải rác như một bầy voi nằm đấu vòi.

Chùa cất trên đầu núi, nhưng sau lưng vẫn có núi cao. Nước khe trên núi cao chảy xuống, đến chùa thì chia làm hai nhánh lớn chảy bọc quanh thềm. Hai nhánh lớn lại chia thành nhiều nhánh nhỏ chảy vào sân sau, chảy vào bếp…quanh co róc rách, rồi nhập lại nơi sân trước để chảy xuống hồ sen trước chùa”.

Đó là cảnh chùa, còn cảnh chung quanh thì như sau: “Xa tít tận chân trời, đồng lúa bát ngát bao trùm hai mặt Tây và Nam. Lúa non trải sắc xanh mươn mướt, lúa chín trải màu vàng hươm; thoảng ngọn gió đưa, lúa vờn sóng lụa và hết đây lại có đàn cò điểm những điểm trắng rung rinh. Lẫn trong màu sắc của đồng ruộng mênh mông, từng chòm từng khoảnh nổi lên màu lục đậm của cây, màu xam xám hoặc đo đỏ của chợ quán, nhà cửa, chùa đền.. ẩn hiện dưới bóng mây làn khói.

Nhìn về phía Đông thì biển xanh lênh láng. Phía Đông Nam thì đầm Thi Nại long lanh, và rừng dương liễu chạy từ Cách Thử đến Gò Bồi, quãng dày quãng thưa, chập chờn trên bãi cát nửa vàng nửa trắng. Xa xa thành phố Qui Nhơn thấp thoáng trong sương sóng, nửa tỏ nửa mờ. khi ẩn khi hiện. Và gió biển thổi vào rừng dương liễu dưới bãi, thổi vào rừng cổ thụ trên non, tiếng nghe rào rào lẫn lộn cùng tiếng sóng vỗ nơi gành xa bãi vắng”.

Của tin gọi một chút này làm ghi.

Lược qua đời thơ, và những bài thơ mang tư tưởng, từ ngữ Phật giáo của các nhà thơ trong Bàn thành tứ hữu, chúng ta rất trân trọng và cảm ơn các vị đã đóng góp cho nền văn học nước nhà. Riêng nhà thơ Quách Tấn tình yêu quê hương đất nước của ông rất lớn biểu hiện qua hai tác phẩm địa dư chí là: Nước non Bình Định (NNBĐ) và Xứ Trầm Hương (XTH), và nhất là khi ông đề cập và viết về các ngôi chùa của hai tỉnh Bình Định và Khánh Hòa.

Thời gian qua đi, dâu bể cuộc đời có những ngôi chùa được ông đề cập trong hai tác phẩm (NNBĐ) và (XTH) có thể không tồn tại vì lý do này hay lý do kia, nhưng chỉ cần trong tác phẩm địa dư chí ngôi chùa X hay Y có lý lịch rõ ràng, thì một tháng năm nào đó đủ duyên, ngôi chùa sẽ được phục dựng trùng tu trở lại.

Chùa Hang (Thiên sanh thạch tự) ở huyện Phù Mỹ, chùa Nhạn Sơn, chùa Thập Tháp ở huyện An Nhơn, chùa ông núi (Linh Phong Tự) ở huyện Phù Cát tỉnh Bình Định, những ngôi chùa ông đã đưa vào sách Nước Non Bình Định (Nam Cường xuất bản năm 1968). Nay đã được trùng tu trở lại hoành tráng trang nghiêm, nhất là quần thể chùa ông núi (Linh Phong Tự) nay trở thành thắng tích cấp quốc gia, có tượng Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni cao 69m bao gồm cả phần chân đế tượng cao 15 m; toàn bộ đều được đúc bê tông cốt thép tại chỗ. Tượng Đức Phật ngự trên tòa sen, ở lưng chừng núi, trên độ cao 129 m so với mặt nước biển, nhìn ra biển Đông, lưng tựa vào ngọn núi cao nhất trong quần thể khu di tích Núi Bà.

Tại sao nhà thơ Quách Tấn luôn trân trọng yêu quý ngôi chùa, tiếng chuông chùa và luôn nhắc đến khi có dịp, bởi vì vị trí và vai trò của ngôi chùa vô cùng quan trọng trong sự phồn vinh và mất còn của tổ quốc. Trong tác phẩm "Con về còn trọn niềm tin" tác giả TGT có nói đến vai trò của ngôi chùa:"Ngôi chùa là văn hóa gốc, ngôi chùa còn là văn hóa còn, văn hóa còn là góp phần làm cho đất nước phồn vinh vững bền mãi mãi".

Cuộc đời của các nhà thơ , nhà văn, nhà văn hóa trong nhóm Bàn thành tứ hữu đã đóng góp cho Bình Định, và rộng ra cả trong và ngoài nước về phương diện văn chương và bảo tồn văn hóa của cha ông, con Lạc cháu Hồng, chúng ta vô cùng trân trọng và biết ơn.

Cuộc hội thảo lần này với chủ đề "Hội Thảo Khoa Học" Phật giáo và văn học Bình Định - thành tựu và giá trị. Với mục đích là hâm nóng lại sự nguội lạnh của văn học Phật giáo Bình Định,và bày tỏ lòng biết ơn các nhà văn nhà thơ tiền bối đã sinh trưởng hoặc học tập và lớn lên tại Bình Định, đã đóng góp không nhỏ cho tỉnh Bình Định nói chung và giới Phật giáo Bình Định một vườn kỳ hoa dị thảo, mà mỗi khi có dịp nhắc đến chúng ta luôn tự hào. Bình Định không chỉ là đất võ mà còn là cái nôi nuôi dưỡng các nhà thơ nhà văn lỗi lạc ở quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa.

Gia Lai, ngày 31 tháng 7 năm 2018

_Thích Giác Tâm_

Chú thích:

- Bài viết này tham khảo các tài liệu trên internet, cảm ơn các tác giả đã viết trước để chúng tôi có tư liệu mà tham khảo.

- Cảm ơn Bà Lâm Bích Thủy, trưởng nữ nhà thơ Yến Lan đã tặng cho tôi Hồi Ký về cha mình, do Bà chấp bút (bản điện tử).

- Cảm ơn Thượng tọa Giác Dũng, chùa Vĩnh Nghiêm Tp.HCM đã cung cấp thông tin cần thiết về nhà thơ Chế Lan Viên.

- Cảm ơn Nhà văn Mang Viên Long, đã cung cấp một vài thông tin về nhà thơ Yến Lan.

- Cảm ơn nhà văn Quách Giao đã cũng cấp một vài thông tin về thân phụ mình là nhà thơ Quách Tấn.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập