Ranh giới mềm

Đã đọc: 1556           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Mùa hè năm 2016, Giáo sư Hiroaki Kawamura (Đại học Findlay, Ohio, Hoa Kỳ) đi điền dã ở Hokkaido, Nhật Bản. Ông đến các trang trại bò sữa, cửa hàng thú cưng, quán cà phê mèo, phòng khám động vật và cơ sở nuôi thú già. Ông phỏng vấn các nông dân chăn nuôi bò sữa, chủ cửa hàng thú cưng, chủ quán cà phê mèo và khách hàng... để thu thập dữ liệu cho đề tài nghiên cứu “Mối quan hệ giữa con người và động vật trong xã hội đương đại Nhật Bản”. Quá trình thực địa đã hình thành một câu hỏi lớn trong ông: “Ranh giới giữa con người (human) và các động vật không phải con người (nonhuman animals) ở đâu?”.

Giáo sư Hiroaki tránh dùng từ animal mà thay vào đó là nonhuman animal trong suốt báo cáo Meshworks and Boundaries between Human and Nonhuman Animals: Affects, Touching and Practice (tạm dịch: Những cấu trúc lưới và ranh giới giữa con người và động vật không phải con người: ảnh hưởng, sờ chạm và thực hành) tại hội thảo của Hiệp hội Nghiên cứu châu Á (Association for Asian Studies) diễn ra vào cuối tháng 3-2018 tại Washington DC, Hoa Kỳ. Khi nhấn mạnh cách dùng từ ấy, nhà nghiên cứu này chú trọng “phần người” trong con vật (bao gồm động vật hoang dã, gia súc gia cầm và thú cưng). Ông đưa ra khá nhiều các ví dụ về mối quan hệ giữa con người và động vật.

Ví dụ thứ nhất: Một đôi vợ chồng nông dân luôn chạm vào những con bò của mình để biết ngày của chúng vui buồn thế nào. Điều này có thể mất thời gian và không cần thiết vì đã có nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ, nhưng đôi vợ chồng luôn tin rằng nếu bạn không biết cảm xúc của gia súc đang nuôi thì chúng cũng sẽ không hết lòng làm việc cho bạn. Rồi một con bò tên Hanako bị bệnh. Bác sĩ thú y cho biết nó sắp chết. “Tôi ngồi xuống cạnh nó. Sau đó, chúng tôi đã khóc cùng nhau. Tôi không phải nói nhiều. Chúng tôi chỉ nhìn nhau và ôm nhau”, người vợ cho biết.

Ví dụ thứ hai: Một nữ sinh viên ngành thú y có một người bạn trai và một chú chó tên Taro. Cô cho biết bản thân thích chạm vào người bạn trai nhưng lại cực kỳ thú vị khi được Taro chạm vào mình. “Nếu bạn trai của tôi không thích Taro, tôi không thể ở bên anh ấy. Taro rất quan trọng với tôi. Khi tôi nói chuyện với bạn trai, anh ấy thường cho tôi lời khuyên. Nhưng, Taro có thể chữa lành cảm xúc của tôi nhiều hơn bạn trai của tôi”, cô gái nhận xét.

Ví dụ thứ ba: Các cơ sở nuôi chó già khá phổ biến tại Nhật Bản. Nếu những người chủ không đủ khả năng nuôi nấng chú chó lớn tuổi của mình thì có thể gửi chúng vào đây. Giáo sư Hiroaki hỏi người chăm sóc chúng: “Nhiều con chó dành thời gian sống với con người hơn là với những con chó khác. Vậy có chú chó nào gặp khó khăn khi sống cùng đồng loại không?”. Người chăm sóc trả lời: “Sống chung với chó là điều mới mẻ đối với chó ở đây. Một số con chó nghĩ rằng chúng là con người. Thật không may nếu chúng nghĩ rằng chúng không phải là chó”.

Các ví dụ của Giáo sư Hiroaki nhằm chứng minh rằng có nhiều lúc ranh giới giữa con người và động vật bị mờ đi. Con vật và con người lắm khi ở trong quan hệ đối kháng (người nuôi gia súc để bán hoặc giết lấy thịt; chủ nhân bỏ rơi thú cưng; người luôn coi chó là “thứ cấp” trong khi chó nghĩ mình là người...), nhưng có lúc lại gắn bó như trời sinh một cặp. Ông đưa ra một số lý thuyết để giải thích mối quan hệ này.

Trong đó, đáng chú ý nhất là “thuyết cấu trúc lưới” của Ingold. Hãy tưởng tượng rằng có một con đường mòn len lỏi trong đời sống, như những chiếc rễ của thân cây hoặc dòng suối len lách giữa đôi bờ. Con đường đó như một sợi trong một mô lớn bao gồm những con đường, tạo nên một kết cấu không có các điểm liên kết với nhau mà là các đường đan xen nhau; không phải một mạng lưới (network) mà là một cấu trúc lưới (meshwork) - tương tự một tấm thảm dệt.

Nghiên cứu của Giáo sư Hiroaki giàu ý nghĩa đối với một xã hội xem trọng mối quan hệ giữa con người và động vật như Nhật Bản hoặc các nước Âu Mỹ. Quả vậy, con người thường mặc định rằng mình ban tặng cho con thú nhiều đặc ân (chỗ ở, thức ăn, chăm sóc y tế, tình thương), nhưng thật ra con thú cũng cho chúng ta những điều tốt đẹp không kém (tình thương, sự lạc quan, cảm giác bớt cô đơn). Đó là chưa kể đến giá trị kinh tế (sữa, thịt, khả năng “giao tế” ở quán cà phê thú cưng, làm xiếc, hỗ trợ an ninh...).

Bỗng chạnh lòng khi nghĩ đến “cấu trúc lưới” giữa human và nonhuman animal ở xứ ta. Dường như việc nghiên cứu mối quan hệ này là quá xa xỉ khi mà hàng trăm vấn đề của con người vẫn chưa ổn thỏa. Thử hỏi có bao nhiêu người Việt Nam am hiểu tường tận các luật lệ có liên quan đến động vật và thực hành thường xuyên các phép tắc mà chúng đáng được hưởng?

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Thời gian đầu, người ta nuôi động vật có lẽ không vì mục đích bầu bạn mà gắn liền với lợi ích tư hữu. Còn nhớ một truyện ngắn rất hay của nhà văn Nam Cao là Lão Hạc, được viết vào năm 1943. Con trai lão Hạc bỏ đi làm phu cao su trong đồn điền Pháp. Lão ở nhà với cậu Vàng, chú chó mà con trai lão nuôi để giết thịt vào ngày cưới, nhưng hôn lễ không thành. Lão Hạc thương cậu Vàng như “đứa con cầu tự”. Rồi khó khăn chồng chất, lão đành bán cậu Vàng đi.

Cuối tác phẩm, vì nghèo đói, bệnh tật, cô đơn, lão ăn bả chó tự tử. Một tác phẩm khác là Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố được viết vào năm 1937 cũng cho thấy tình cảnh thê thảm của nhân vật chị Dậu khi phải bán cả đàn chó và đứa con gái để có tiền đóng sưu thuế. Trong bối cảnh đầu thế kỷ 20 ở miền Bắc lúc bấy giờ, chó bị xem như hàng hóa hay thực phẩm.

Một điều có thể thấy rõ là thú nuôi ở nông thôn không được chăm bẵm bằng ở thành thị. Chúng thường ăn đồ thừa của người, bị chủ xua đuổi khi muốn vào nhà. Chúng hiếm khi được chủ tắm rửa, tiêm ngừa. Tuổi thọ của chúng thường ngắn vì cả đời có khi chưa bao giờ đến bác sĩ thú y. Tuy nhiên, thú nuôi ở miền quê có hạnh phúc riêng. Chúng có không gian rộng lớn để chạy nhảy và tận hưởng thiên nhiên. Thú nuôi ở đô thị hiếm được như thế, có lẽ vì vậy mà chúng “tăng cường” kết nối với con người hơn.

Và một điều nữa cũng quan trọng trong mối quan hệ giữa human và nonhuman animal: tôn giáo. Những tín đồ Phật giáo hiểu rằng việc đối xử với một con vật có liên hệ với nghiệp báo. Tuy nhiên, như một nghịch lý, ở một đất nước mà phần lớn dân số theo Phật giáo lại tồn tại vấn nạn ăn thịt chó mèo và nhiều lễ hội đâm trâu, chém lợn.

Hy vọng chủ đề nghiên cứu của Giáo sư Hiroaki là một sự gợi mở cho chúng ta, để “mềm hóa” ranh giới giữa human và nonhuman animal. Để lắng nghe cảm xúc, để công bằng hơn và điều chỉnh thái độ, hành vi của con người dành cho động vật không phải con người. 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập