Hạnh lắng nghe trong Phật giáo nguyên thủy và phát triển

Đã đọc: 1298           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Con đường để hiểu đạo đó là lắng nghe, bởi nhờ văn mà có tuệ, thường gọi là văn tuệ.

Cho nên trước khi giảng pháp, đức Phật thường nhắc nhở đại chúng: ‘Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.’[1] Đây là một phương thức tiếp cận dữ liệu trực tiếp (perception), nhập liệu bằng nhĩ căn, gọi là lắng nghe. Chú ý lắng nghe có vị trí quan trọng trong việc mở mang tri thức và tuệ giác. Ở đây sẽ xét hạnh lắng nghe trên hai phương diện (Phật giáo Nguyên thủy và Phát triển) như: hạnh lắng nghe và Thanh-văn quả, và sự lắng nghe - cứu khổ và Quán Âm Bồ-tát.

Một là thời Phật tại thế (Phật giáo sơ kỳ), lắng nghe là nấc thang nhập đạo, bởi chỉ có lắng nghe lời Phật dạy, mới hiểu đạo, từ hiểu đạo mới tu đạo đúng, tu đúng mới có quả báo tốt đẹp và đạt đạo Thánh. Ở đây là trường đơn cử là trường hợp của Thiên tử Hatthaka, sau khi lắng nghe chân diệu pháp, tinh cần tu tập đã có quả báo sanh Vô-phiền thiên.[2] Vị độc ác như Vô-não (Angulimàla) sau khi lắng nghe diệu pháp cũng quay đầu tu đạo, chứng Thánh quả La-hán.[3] 

Các ngoại đạo thờ lửa như ba anh em nhà Ca-diếp đã quay đầu theo Phật cũng nhờ lắng nghe diệu Pháp.[4] Các Bà-la-môn cũng xin quy y Tam bảo, thực hành năm giới, sống đời cư sĩ và ủng hộ Phật pháp cũng nhờ nghe pháp.[5] Lắng nghe có vị trí cao quý vô cùng trong học đạo, tu đạo và chứng đạo. Phật dạy, bậc tu hành theo lời dạy của Phật đạt kết quả gọi là Thanh văn, vì “Các ông là con, từ miệng Ta sanh ra, từ pháp hóa sanh, được gia tài pháp.”[6] 

Như Phật dạy cho thầy Xá-lợi-phất trong kinh Pháp Hoa: "Con từ miệng Phật sinh ra, từ pháp hóa sinh và được pháp Phật, nay mới biết mình thật sự là con của Phật, có thể thành Phật”(Tùng Phật khẩu sanh, tùng pháp hóa sanh, đắc Phật pháp phần, cố danh Phật tử).[7] Điều này Phật cũng dạy cho thầy ‘Tu Bồ Ðề là chơn Phật tử, từ miệng Phật mà sanh, từ thấy pháp mà sanh, từ pháp hóa sanh, lấy được pháp phần, chẳng lấy tài phần. Trong chánh pháp tự tin thân được chứng.’[8] 

Vậy nên, lắng nghe trong thời Phật tại thế là phương thức để học đạo, nghe để hiểu, hiểu để tu, tu để chứng đạo. Đạo quả A-la-hán cũng là kết quả của sự lắng nghe lời Phật dạy và tu tập theo mà thành tựu Thánh quả, thường gọi là Thanh văn, nghe âm thanh của Phật.

Hai là Phật giáo phát triển (Mahayana/Đại thừa), lắng nghe là phương pháp để cứu khổ và tu tập. Đầu tiên là trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ-tát Quán Âm là biểu tượng của hình ảnh dùng sự lắng nghe để tu đạo và chứng đạo ngay nơi ‘tánh nghe’. Bởi cho rằng, tính chất của tánh nghe là không hư vọng, chắc thật, vốn viên mãn tròn đầy,[9] và nhĩ căn có sự ưu việt hơn năm căn (mắt, mũi, lưỡi, thân, ý).[10] Hơn nữa, pháp tu lắng nghe tròn đầy (Nhĩ căn viên thông) là phương tiện tu tập tốt nhất ở thời mạt pháp.[11] 

Ngoài ra, kinh còn ghi nhận thầy Kiều-trần-như đã chứng đạo nhờ lắng nghe pháp Tứ đế và quán sát bản chất của âm thanh.[12] Nghĩa là nương nơi lời Phật dạy, thầy hiểu được giáo lý và vận dụng chân lý để hiểu bản chất vô tướng, âm thanh chỉ là sự đối đãi nên chủ thể vượt thoát nhị nguyên khổ-vui, ngộ được thật tướng của âm thanh đồng thời nhận diện tánh diệu chân như.[13] Thứ hai là ở kinh Pháp Hoa, Bồ-tát là hiện thân dưới phương diện cứu khổ, quán chiếu âm thanh để cứu khổ độ nguy.

Phật giải thích nhân duyên của tên gọi Quán Âm cho Ngài Vô-tận-ý: ‘Ông nghe hạnh Quán Âm/Khéo ứng các nơi chỗ.’[14] Bồ-tát đã phát nguyện lớn rộng độ các chúng sanh, theo hầu các vị Phật, cứu giúp các khổ nạn của chúng sanh, nơi nào có tiếng khổ là có sự hiện diện của Quán Âm. Do đó, Sự lắng nghe tự thân là pháp tu (Nhĩ Căn viên thông) và có vị trí quan trọng trong việc cứu độ chúng sanh, bởi chỉ có lắng nghe mới hiểu, hiểu mới thương, thương mới có thể giúp đở, từ đó mới mong đưa chúng sanh nhập đạo xuất thế. Vì Phật giáo Phát triển nhấn mạnh đến phương diện nhập thế, cứu khổ độ sanh, nghĩa là viên dung tự lợi và lợi tha. Nghĩa là sự lắng nghe đã biểu hiện được hai phương diện pháp tu để chứng đạo và phương tiện để độ sanh.

Hơn nữa, với hình ảnh thầy Kiều-trần-như, người anh cả của hàng Thanh-văn, đã thuyết minh cho sự giao thoa giữa hạnh lắng nghe của Phật giáo Nguyên thủy và hình ảnh quán chiếu tánh nghe và âm thanh để cứu khổ của Quán Âm Đại Sĩ. Thầy Kiều-trần-như là đại diện cho Nguyên thủy, nhưng ở Lăng Nghiêm với thanh trần viên thông được coi là cây cầu giữa tư tưởng Nguyên thủy và Phát triển mà các nhà Đại thừa đã cố công xây dựng ngay trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Bởi Thầy ngoài việc học Tứ diệu đế, thầy còn quán chiếu bản chất của âm thanh để chứng đạo, đạt được ‘thanh trần viên thông’. Còn ‘Nhĩ căn viên thông’ là của Quán Âm Bồ tát, hạnh lắng nghe đã thể hiện trọn vẹn cả trong phương pháp tu và phương diện giáo hóa. Ở đây, điểm cần lưu ý, quả chứng là ngang nhau, đều ở trạng thái viên thông chân lý, đạt được viên giác diệu tâm, nhưng phương diện tu thì có khác. Đây là một điểm tinh tế của các nhà Đại thừa, cái gọi là ‘khác phương tiện nhưng cùng một kết quả’.

Tóm lại, hạnh lắng nghe trong Phật giáo Nguyên thủy và Phát triển có điểm giống nhau nhưng cũng có dị biệt nhất định. Điểm giống đều thừa nhận sự lắng nghe là phương tiện tu tập, nhưng có sự dị biệt ở Nguyên thủy là lắng nghe để nương nơi lời Phật dạy tu tập chứng quả A-la-hán, ở Đại thừa ngoài lắng nghe pháp tứ đế làm tiền đề để quán chiếu âm thanh của thầy Kiều-trần-như, thì còn nương nơi sự nghe để cứu khổ và quán sát bản chất tánh nghe để chứng Viên thông của Quán Âm Bồ-tát.

Với hình ảnh thầy Kiều-trần-như là đại diện và cầu nối giữa Nguyên thủy và Phát triển. Nguyên thủy Phật giáo thì lắng nghe là phương tiện để học đạo, để hiểu đạo, rồi tu tập thấy chân lý ‘vô thường-khổ-không-vô ngã’ chứng quả A-la-hán. Phật giáo phát triển thì nhấn mạnh đến quán chiếu bản chất của sự nghe và âm thanh, nhận diện âm thanh khổ đau để tu tập từ bi và cứu khổ, đạt Viên thông-thật tánh. Ở đây có sự khác biệt ở cách thức hay phương thức vận dụng lời Phật dạy ‘hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ’, theo các cách hiểu khác nhau.

Nói rõ theo các nhà Phật học Nguyên thủy là lắng nghe lời Phật dạy, suy nghiệm kỹ những gì được dạy và hiểu chân lý, chứng đạo. Còn các nhà Đại thừa, lắng nghe chính những âm thanh (thanh trần) và sự nghe (tánh nghe) rồi suy nghiệm kỹ, hiểu rõ bản chất-chân lý và chứng đạo. Người học đạo của Nguyên thủy phải nương lời dạy của Phật để hiểu rõ bản chất các pháp, còn Đại thừa thì các nhà tu đạo tự quán sát các đối tượng sẵn có để rõ bản chất của các pháp. Cả hai chỉ có một mục đích là hiểu rõ bản chất của các pháp, để chứng Thánh đạo (A-la-hán hay Viên thông).

Qua đây, Phật giáo Phát triển kế thừa và phát triển hạnh lắng nghe dựa trên lời dạy của Phật, bằng cách thức diễn đạt và cách nhìn mới với sự nhấn mạnh cả tu tập và giáo hóa.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại Tập, Thích Tịnh Hạnh chủ biên,  Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, t.8.

  2. Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb.Thời Đại, 2012, t.5.

  3. Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Cư sĩ Hạnh Cơ dịch, Pháp Tạng Việt Nam, 2012.

  4. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.

  5. Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.

  6. Kinh Tiểu Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, t.3.

  7. Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, T.1-2.

  8. Luận Đại Trí Độ, Thích Thiện Siêu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, t.3.

  9. Tăng Nhất A- Hàm, Thích Đức Thắng dịch, Nxb.Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2011.

  10. Thích Thiện Siêu, Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004.

***

[1] Xem ‘Kinh Phân Biệt Sáu Xứ’ trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, T.2, tr.555. Và “Hãy lắng nghe, lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho các ngươi.” Tăng Nhất A- Hàm, Thích Đức Thắng dịch, Nxb.Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2011, t.1, tr,43.

[2] “Ðược lắng nghe Diệu pháp /Học tập tăng thượng giới /Thích thú nghe Diệu pháp /Do đối với ba pháp /Cảm thấy không vừa đủ /Thiên tử Hatthaka /Ðược sanh vô phiền thiên (Avihā)”. Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.310.

[3] ‘Không lâu, tôi sẽ đoạn trừ ác pháp,

Sau khi được nghe pháp kệ của Ngài.

Nói xong tên cướp liền quăng bỏ kiếm,

Quăng bỏ khí giới xuống vực thâm sâu,

Tên cướp đảnh lễ dưới chân Thiện Thệ,

Ngay tại chỗ ấy, xin được xuất gia.’

Xem “Kinh Aṅgulimāla” trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, t.2, tr.127.

[4] “Khi Kassapa được đức Phật giáo hóa, ngài là một trong ngàn người đệ tử của Kassapa chứng được quả A-la-hán, khi nghe đức Phật giảng kinh Adittápariyàyàsutta (Kinh Lửa Cháy).” Xem “Trưởng Lão Tăng Kệ” trong Kinh Tiểu Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, t.3, tr.26.

[5] Như Bà-la-môn Ghoṭamukha được Tôn giả Udena giáo hóa, Xem ‘Kinh Ghoṭamukha’ trong Kinh Trung Bộ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, t.2, tr.201. Và hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja xin quy y Tam bảo với Thế Tôn trong ‘Kinh Vāseṭṭha’ trong Kinh Trung Bộ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, t.2, tr.250.

[6] Xem “Bộ A- Hàm VII, Kinh Tạp A- Hàm Số 3” trong Đại Tập VII, Thích Tịnh Hạnh,  Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, t.3, tr.23.

[7] ‘Ngày nay mới biết mình thật là Phật tử, từ miệng Phật sinh ra, từ pháp hóa sanh, được pháp phần của Phật.’ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr.100.

[8] Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb.Thời Đại, 2012, t.5, tr.128. Được thầy Nāgārjuna lặp lại trong bản Luận Đại Trí Độ, Thích Thiện Siêu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, t.3, tr.40.

[9] ‘Do con không quán âm thanh đối tượng, mà quán cái tâm năng quán của mình, khiến cho chúng sinh khổ não khắp mười phương, quán âm thanh như vậy thì được giải thoát.’ Và ‘Cho nên biết tánh nghe /Bản lai vốn viên mãn, /Không vọng, không hư dối.’ Xem ‘Nhĩ Căn Viên Thông  - Nhiếp Tâm Là Giới’ trong Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Cư sĩ Hạnh Cơ dịch, Pháp Tạng Việt Nam, 2012, t.2, tr.10 và tr.27.

[10] ‘Năm căn so sánh thật không bằng,/Như thế, mới là thông chân thật.’ Thích Thiện Siêu, Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004, tr.501.

[11] ‘Ở thời kì mạt pháp, /Người muốn cầu xuất thế, /Thành tựu tâm niết bàn, / Thì phương tiện "nhĩ căn" /Của Bồ Tát Quán Âm /Là siêu việt hơn hết;’ Xem Cư sĩ Hạnh Cơ dịch, Sđd, tr.33.

[12] Xem Cư sĩ Hạnh Cơ dịch Sđd, tr.183-184.

[13] Thích Thiện Siêu, Sđd, tr.432.

[14] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr.544.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập