Xuất hành đầu năm Mậu Tuất - Những cảm nhận

Đã đọc: 977           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Về chùa lễ Phật vào sáng mùng một Tết như là một thông lệ không thể thiếu của người dân Việt Nam. Sáng nay, sau khóa lễ buổi sáng ở nhà xong, tôi bắt đầu “xuất hành”.

Trước đó bạn tôi đã gọi điện nói: năm nay phải xuất hành hướng Đông Nam, thời gian bắt đầu từ 9 giờ mới tốt vì lúc này thần Tài gia hộ, làm ăn mới phất lên. Không như một số bạn bè có thói quen chọn hướng tốt để gặp “thần Tài” hoặc “thần Hỷ”, tôi chọn hướng về  chùa. Ở thị xã Ninh Hòa có hơn 90 ngôi chùa nên phải tranh thủ đi từ lúc 7 giờ khi trời còn mát dịu.

Ngôi chùa đầu tiên tôi đến là Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Thật trang trọng và linh thiêng trước những giây phút của ngày đầu năm mới, mọi người đều thành kính trang nghiêm trước Phật điện dâng hương nguyện cầu bằng tất cả tấm lòng thành. Hương thắp vừa đủ.

Tại chùa Trường Thọ, tổ dân phố 10 phường Ninh Hiệp, sau khi lễ Tổ, lễ Phật, chúng tôi ra sau nhà hậu tổ dâng hương tưởng niệm cố Hòa thượng trụ trì vừa viên tịch. Những giọt nước mắt kính tiếc của một số Phật tử tại đây cũng khiến tôi ngậm ngùi thương nhớ Thầy - Người đã chỉ dạy cho Phật tử chúng tôi vào tối thứ 7 hàng tuần trong lớp giáo lý...

Năm nay số lượng Phật tử về chùa Đức Hòa-VP BTS GHPGVN thị xã Ninh Hòa, số 128 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp khá đông nhưng rất trật tự, không có cảnh chen lấn bẻ cành xin lộc đầu năm vì Hòa thượng viện chủ đã chỉ dạy cho quý Thầy treo những phong bì lì xì lên những nhánh mai bên cạnh điện Quan Âm, sau khi lễ Phật xong, các thiện nam tín nữ tự “hái” lộc cho mình. Ai ai cũng hoan hỷ vì trong phong bì là tiền mới và lời kinh Phật dạy để vâng giữ hành theo.

Trước tháp Báo Ân, nơi thờ Bồ tát Thích Quảng Đức và các Thánh tử đạo, Đại đức Thích Đức Tâm đang “cho chữ”, người xin chữ cũng đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, mọi ngành nghề. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn; nam thanh, nữ tú xin các chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung; người ít tuổi, còn đang đi học, xin chữ Minh, Đăng khoa, Trí tuệ, Chí hướng; tặng bố mẹ xin chữ Tâm, An khang, Bình an; mừng các cụ cao tuổi không thể thiếu chữ Phúc, Lộc, Thọ. Người làm nghề buôn bán, kinh doanh sẽ là chữ Lộc, chữ Tín, Phát đạt.... Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước thầm kín… hoặc một trạng thái tinh thần, một ý niệm tự răn mình, khuyên con, khuyên cháu ăn ở “có phúc có phần”…

Không ngại mất thời gian, chờ đợi lâu, trên nét mặt người người chờ xin chữ đều thể hiện sự háo hức, trân trọng, mọi người đều mang trong mình một tâm nguyện: Xin được một chữ mình mong muốn, tâm đắc, thể hiện đầy đủ ước nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới. Thì thầm, nhẹ nhàng hỏi nhau những chữ vừa xin được; trầm trồ, gật gù trước những chữ viết đẹp, mang nét “rồng bay phượng múa”…

Để khi đến lượt mình thì chăm chú nhìn theo từng nét chữ, kiên nhẫn chờ đợi chữ thật khô để trân trọng gói ghém cẩn thận mang về. Một chữ viết chỉ mất khoảng thời gian từ 30 giây đến 1 phút, nhưng thời gian chờ để chữ khô, ráo mực có khi mất cả tiếng đồng hồ, nhưng ai cũng vui vẻ, bình thản chờ chữ thật khô mới mang về.

Đối với người cho chữ thì thận trọng dồn hết tâm tư, cái hồn của mình vào đường đi của từng nét cọ điêu luyện, để có cái thần của nét chữ, sao cho đẹp cả hình thức và nội dung, thể hiện khả năng viết chữ đẹp của mình.

Trước khi rời phường Ninh Hiệp, chúng tôi tranh thủ ghé lại tượng đài Thánh tử đạo Thích nữ Diệu Quang (tổ dân phố 4, phường Ninh hiệp) dâng hương và cầu nguyện cho đạo pháp luôn trường tồn.

Tạm xa cảnh phố thị đông đúc, chúng tôi ngược về các chùa thôn quê. Những tưởng chùa quê sẽ vắng vẻ hơn chùa phố nhưng không, chùa Bảo Hoa thôn Thanh Mỹ xã Ninh Quang lại nhộn nhịp hơn hẳn. Đại đức trụ trì Thích Thiện Ký tất bật với nhiều thế hệ đến chùa lễ Phật. Nào là chữa bệnh cho người đau đầu nhiều ngày không khỏi, rồi lại đến trẻ con khóc đêm khó ngủ…Những băn khoăn thắc mắc của mọi người được thầy trụ trì giải nghi sách tấn nên tâm trạng lo lắng khi bước vào chùa được thay vào sự an lạc, nhẹ nhàng khi rời chùa.

Cách chùa Bảo Hoa không xa mấy là chùa Trường Quang, thôn Quang Vinh. Ni sư TN Huệ Châu và TN Như Đức cũng bận rộn không kém. Đa số người dân ở đây sống bằng nghề nông, mỗi khi Tết đến xuân về là dịp để mọi người về chùa lễ Phật, thăm hỏi và chúc Tết nhị vị Ni sư. Nhà chùa cũng thăm hỏi các Phật tử tình hình khắc phục hậu quả của bão 12. Thật ấm lòng khi nghe những lời dặn dò của Ni sư trụ trì: Phước đức hay tai họa không tự nhiên có, cũng không phải do ai mang đến mà chính mỗi người phải tự tu tập và thực hành lời Phật dạy để cuôc sống được an bình và hạnh phúc.

Điểm dừng chân sáng nay là chùa Nam Hòa, thôn Bình Thành, nơi thường tổ chức tiệc chay miễn phí vào các ngày mùng 1 Tết cổ truyền, Rằm tháng 1,4,7,10. Tâm nguyện của thầy trụ trì, Tăng Ni và Phật tử bổn tự nhằm tạo duyên lành cho nhiều người ăn chay để gieo duyên Tam bảo.

Người đến ăn mỗi lúc một đông, công việc của những người trong tổ phục vụ cũng bận rộn hơn. Ai cũng nhanh tay để mọi người không phải chờ lâu. Nhà chùa chùa bố trí các dãy bàn từ trong trai đường, ngoài sân bãi, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười nói vui vẻ. Bởi vậy, chùa Nam Hòa nghiễm nhiên đã trở thành mái nhà chung của những người con Phật trong và ngoài thị xã.

Như vậy, những ngày đầu năm mới, mọi người cùng nhau về chùa, ngoài ý nghĩa thuần thúy là lễ Phật, cầu nguyện đầu năm, tụng kinh, nghe pháp…mỗi người chúng ta thật sự trở về ngôi nhà Phật tâm của mình để nạp thêm năng lượng từ bi, phước huệ để thân tâm được an lạc:

Về chùa lễ Phật đầu năm

Dù cho tâm Phật xa xăm cũng gần

Nếu ai biết sống tinh cần

Về chùa tu học phước phần kết duyên





















Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập