"Bát Khổ” Trong Cung Oán Ngâm Khúc Của Nguyễn Gia Thiều

Đã đọc: 3433           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sẽ rất bất công nếu ta cho rằng Phật giáo là tôn giáo nhìn đời bằng con mắt bi quan, bởi Phật giáo vẽ nên cho con người nhìn thấy vòng xoay luân hồi đầy đau khổ mà chúng sinh thì đang trôi lăn trong đó. Một số người giác ngộ được bản chất cuộc sống là thế nên vươn lên làm chủ cái khổ và sống đời lạc quan, thanh nhàn. Nhưng một số lại bám lấy “bức tranh vân cẩu” ấy để bi quan, né tránh cuộc sống vô thường tạm bợ. Đa phần những người giác ngộ được đạo đều đã trôi lăn trong biển khổ cuộc đời, từ đó mọi sự vật đều trở nên đáng thương trong cái nhìn của họ. Chính vì thế, họ dễ dàng đến với “Đạo” thông qua Tứ Diệu Đế - một triết lý căn bản trong giáo lý nhà Phật (Tứ Diệu Đế nói về bản chất của cái khổ (Khổ Đế), những nguyên nhân gây nên đau khổ (Tập Đế), sự chấm dứt đau khổ (Diệt Đế), và Niết bàn-con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ (Đạo Đế)).

 

           Nguyễn Gia Thiều là người đã trải qua đoạn đời đầy chông gai, loạn lạc trong phủ chúa Trịnh để đến cuối đời phải ẩn mình nương náu chốn thâm sơn. Khát khao trở thành một tu sĩ của ông vì nhiều lí do nên không thực hiện được, ông đành sống đời cư sĩ nhưng còn nặng gánh với thế nhân. Vậy nên, ông sống và sáng tác với một tâm hồn nửa giải thoát vì ẩn uất không thể xuất gia của chính mình. Điều đó được thể hiện rất rõ trong tác phẩm tiêu biểu nhất của ông: Cung oán ngâm khúc. Có thể nhận thấy rõ trong xuyên suốt tác phẩm, sự bi phẫn, buồn thương về tạo hóa và kiếp người của Nguyễn Gia Thiều được ông thể hiện rõ rệt thông qua góc nhìn Tứ Diệu Đế của Phật giáo, trong đó diệu đế thứ hai về nguyên nhân dẫn đến đau khổ được thể hiện đặc sắc hơn cả. Ở đó ta thấy được “Bát khổ” của kiếp luân hồi: Sanh khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ và trong tiến trình sanh, lão, bệnh, tử của kiếp người còn có thêm những nỗi khổ nhỏ hơn phát sinh từ nơi tâm là Sầu, Bi, Ưu, Não.

 

          Bát khổ nằm trong Diệu đế thứ nhất trong Tứ Diệu Đế của nhà Phật. Tứ Diệu Đế là bốn chân lý toàn mỹ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền dạy các đệ tử sau khi ngài ngộ đạo dưới cội cây Bồ Đề sau bốn mưới chín ngày chuyên tu thiền định. Đây là những câu mở đầu trong thời pháp đầu tiên mà sau khi thành đạo mà Ngài dùng để giáo hóa năm người bạn đồng tu của mình khi xưa:

 - Nầy các vị! Tứ Thánh Đế, Tứ Diệu Đế, Bốn Sự Thật vi diệu ấy là gì mà chúng ta cần phải thấu triệt? Thấu triệt chính là thấy rõ, liễu thông, giác hiểu cái chân lý rốt ráo, cái sự thật tột cùng, cái chân đế cao diệu mà nếu hành trì nghiêm túc, đúng đắn sẽ thành tựu được mục đích xuất trần ly cấu, vô cùng xứng đáng với phẩm hạnh cao cả của những thiện gia nam tử ở trên đời này.

Nầy các vị! Thứ nhất là chân lý cao diệu về sự khổ ( Khổ Đế). Khái quát là có tám cái khổ phủ trùm lên toàn thể thế gian, chi phối toàn bộ đời sống của chúng hữutình; đấy là: Khổ Sanh, Khổ Lão, Khổ Bệnh, Khổ Tử, khổ vì bất toại nguyện (Cầu bất đắc khổ), khổ vì sống chung với những người mình ghét hoặc không ưa thích (Oán tắng hội khổ), khổ vì phải sống xa lìa những người mình yêu thương (Ái biệt ly khổ); và cuối cùng là khổ bởi vì chấp ngã, thủ trước, mê đắm cái thân tâm ngũ uẩn này (Ngũ ấm xí thạnh khổ)!

Nầy các vị! Thứ hai là chân lý cao diệu về nguyên nhân, nguồn gốc của sự khổ (Tập Đế). Như Lai đã tìm ra gốc nguồn của vô vàn khổ đau sai khác ấy chính là Ái ; do Ái chủ mưu, do Ái chủ động, do Ái dẫn dắt, do Ái sai sử, do Ái kết buộc, do Ái điều hành. Ái là nguyên nhân dẫn dắt tái sanh. Ái kết hợp với tâm tham muốn, khao khát, bám víu, thỏa thích, say đắm hoan lạc nơi các đối tượng chiếm hữu hoặc thỏa mãn các mục đích hư tiếu, phù phiếmtrong đời sống. Nói rộng hơn, khi Ái đeo níu, tham đắm dục lạc vật chất trong sáu cảnh trần thì được gọi là Dục Ái. Khi Ái cảm thấy dục lạc lục trần ấy cũng chưa đủ, muốn nó thường còn mãi với mình, đi đôi với thường kiến hoặc tham đắm thiền hữu sắc, trời sắc giới thì được gọi là Hữu Ái. Khi Ái thỏa mãn lục trần với tâm lý muốn hưởng mau, hưởng vội, sợ chết là hết, đi đôi với đoạn kiến, hoặc tham đắm thiền vô sắc, cõi trời vô sắc thì được gọi là Phi Hữu Ái.

Nầy các vị! Thứ ba là chân lý cao diệu về sự diệt khổ (Diệt Đế). Là nơi làm cho yên lặng, chấm dứt, tận diệt các ái, tận diệt mọi nguyên nhân sanh khổ, đoạn tuyệt các khổ; nơi mà mọi ái tham, ái luyến, ái chấp phát sanh chìm đắm, trói buộc, trầm luân không còn dư tàn; nơi mà ngôi nhà ngũ uẩn đã được tháo rời; ngã ái, ngã kiến, ngã chấp, ngã thủ không còn bản ngã kiên cố để sở y; nơi không còn gì để luyến ái, dính mắc nữa; và đó chính là giải thoát, Niết bàn: Mục tiêu tối hậu của sa môn hạnh.

Nầy các vị! Pháp hành dẫn đến giải thoát, dẫn đến sự chứng ngộ Niết bàn; chân lý cao diệu về con đường dẫn đến sự diệt khổ (Đạo Đế) này chính là thánh đạo hợp đủ tám chi phần: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Bát thánh đạo ấy là sự thật vi diệu mà chư vị thánh nhânđã chứng ngộ, còn được gọi là Đạo thánh đế, hôm nay, Như Lai sẽ tuyên thuyết cho các vị nghe!

           Như vậy, Tứ Diệu Đế bao gồm: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Khổ Đế thuật tả cho chúng ta thấy tất cả những nỗi khổ đau trên thế gian mà hết thảy chúng sinh đều phải gánh chịu. Tập Đế nói lên nguyên nhân của những nỗi khổ ấy. Diệt Đế trình bày rõ hoàn cảnh, quả vị an lành, tốt đẹp mà chúng sinh sẽ đạt đến sau khi đã diệt trừ hết những nỗi khổ và những nguyên nhân của đau khổ. Đạo Đế là những phương pháp đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ, đi đến cảnh giới Niết Bàn.

           Trong Khổ Đế, Đức Phật chỉ cho chúng sinh thấy cái thảm cảnh hiện tại của cõi đời. Cái thảm họa bi đát này nằm ngay trước mắt ta, bên tai ta, ngay trong chính mỗi chúng ta; những sự thật có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ được, chứ không phải những sự thật xa lạ ở đâu đâu. Đã là một chúng sinh, ai không có sanh, ai không đau ốm, ai không già, ai không chết,...? Và những trạng thái ấy đều mang theo tính chất khổ cả. Đã có thân, tất phải khổ. Đó là một chân lý rõ ràng giản dị, không ai là không nhận thấy, nếu có một chút ít nhận xét. Khổ Đế là một bức họa chân thực về một bể thẳm mênh mông , sóng gió tơi bời, trong ấy thuyền bè đang bị đắm chìm, với vô số nạn nhân đang lặn hụp, kêu la, khóc lóc, chới với,...

          Khổ Đế do tiếng phạn Dukkha mà ra. “Du”, nghĩa là khó; “kkha” là chịu đựng, là những kham nhẫn, là đau khổ. Hán dịch là “khổ”, nghĩa là đắng; nghĩa rộng là những cái gì làm cho mình khó chịu, mình đau đớn như: ốm đau, đói khát, buồn rầu, sợ hãi,...“Đế” là từ được nhà Phật xem như một sự thật vững chắc, đúng đắn, hoàn toàn, cao hơn cả. Khổ Đế, chính vì vậy, là một sự thật đúng đắn vững chắc cao hơn cả về sự khổ ở thế gian, sự thật này được xem như rõ ràng, minh bạch không ai có thể chối cãi được.

Theo Kinh sách Phật giáo, khổ có thể phân làm ba loại hoặc tám loại, gọi là tam khổ hoặc bát khổ. Tam khổ gồm có “khổ khổ, hành khổ, hoại khổ” là một cái nhìn chung về sự khổ thế gian. Bát khổ dựa trên nền tảng ba cái khổ đó, nhưng phân tích tỉ mỉ, cụ thể hơn thành: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ và Ngũ ấm xí thạnh khổ.

 

          Trong Cung oán ngâm khúc, bát khổ được Nguyễn Gia Thiều trình bày khéo léo, sâu sắc với những hình ảnh, từ ngữ, nhân vật,...cụ thể và sinh động.

                     Từ câu 49-104 thể hiện khá rõ những lời trữ tình của tác giả. Ở đó, hiện lên bốn cái khổ Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Mở đầu, ở giữa và kết thúc đoạn “trữ tình ngoại đề” dài 59 câu ấy, Nguyễn Gia Thiều đã khéo nói về sự an bày của tạo hóa cho từng số phận con người khi được sinh ra. Từ câu 49-52, Ôn Như Hầu xem cuộc đời như một giấc mộng, một giấc mộng trường kỳ từ lúc sinh ra đến mất đi mà ít ai nhận ra mình đang sống trong mộng, cứ ngờ là thực, để rồi bị vô minh che lấp, bám vào mộng như bám lấy khổ đau:

49. Kìa thế cục như in giấc mộng,

Máy huyền vi mở đóng khôn lường.

Vẻ chi ăn uống sự thường,

Cũng còn tiền định khá thương, lọ là.

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết,

Hình thì còn bụng chết đòi nao.

Cụm từ “máy huyền vi” ở đây chỉ về cái máy tạo hóa vừa sâu kín (huyền) vừa nhỏ nhặt (vi) đã tiền định hết mọi suy nghĩ và hành động trong kiếp người ngay cả trong cái ăn, cái uống. Cái “máy huyền vi” này “mở đóng khôn lường” khiến con người không thể nào lường trước được để rồi “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”:

89.Quyền họa phúc trời tranh mất cả,

Chút tiện nghi chẳng trả phần ai.

Cái quay búng sẵn lên trời,

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

Trò chơi định mệnh đã được tạo hóa bày ra đấy. Đời người dẫu có dài đến trăm năm thì đến một lúc nào đó cũng sẽ trở thành “một đống đất đỏ, hang hốc đùn lên đám cỏ gà” mà thôi...:

104. Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì!

Việc mở đầu, duy trì và kết thúc như thế cho ta thấy được vòng quay của kiếp luân hồi là không có điểm dừng. Từ vô thỉ kiếp của quá khứ đến hiện tại và kéo dài đến vị lai, bánh xe ấy vẫn không ngừng lăn bánh. Và cái gì ở trong vòng quay của kiếp luân hồi ấy? Cái gì sẽ được lão Sưu Chân thể hiện trong hai đầu tạo hóa mà ông đã vạch ra?

 

Đó là khổ. Cái khổ bắt đầu từ rất sớm, ngay từ lúc con người được sinh ra. Thậm chí lúc chưa chào đời, chỉ là một thai bào nằm trong bụng mẹ, con người cũng đã bị dày vò trong đau khổ rồi. Bào thai phải sống trong một không gian tối tăm và chật hẹp, xung quanh nhầy nhụa và hôi hám. Đứa con nằm đó như con dòi sinh ra trong xác cá ươn vì bên trên là cái bao tử chứa đầy thức ăn đang trong quá trình phân hủy, lại như con dòi trong đống phân thối vì phía dưới là hậu môn, chỗ chứa những chất thải đầy tởm lợm. Trong không gian đó, nhất cử nhất động đều bị hạn chế. Khi người mẹ đi, đứng, nằm, ngồi đứa con cũng phải đi đứng nằm ngồi theo. Khi người mẹ ăn uống đồ nóng, lạnh, cay, nồng đứa con cũng phải khổ vì nóng, lạnh, cay, nồng. Khi người mẹ giận dữ, buồn, vui, đứa con cũng đau khổ vì chuỗi tâm lý thất thường ấy. Chín tháng mười ngày phải sống trong cảnh khổ ấy, tưởng chừng như đã đủ cho một hài nhi bé nhỏ, thế nhưng đến lúc sinh ra nó lại càng thống khổ hơn nữa, đó là nỗi đau bị chúc đầu ngược xuống bởi sức mạnh của gió nghiệp, bị tống ra khỏi cái hang tối tăm chật hẹp, thật là kinh khiếp như phải chui qua cái lỗ nhỏ rồi bị nghiền nghiến giữa hai ngách đá, đau đớn tột cùng. Thế rồi, hài nhi vừa ra khỏi bụng mẹ, cái thân thể mỏng manh, nhạy cảm của nó được bồng ẵm, được tắm rửa lau chùi, nó cảm thấy đau đớn như bị kim châm, dao cắt,…Vì thế cho nên:

55.Thảo nào khi mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,

Ai bày trò bãi bể nương dâu?

Đứa trẻ được sinh ra với những dòng nước mắt. Nó khóc cho những viễn cảnh đau lòng mà nó sắp phải trải qua:

“Thoạt mới sinh, miệng đà khóc thé,
Đời có vui sao chẳng cười khì?”
                              (Nguyễn Công Trứ)

 Khổ Sanh là thế. Đức Phật đã đặt Khổ Sanh lên đầu tiên trong bát khổ như là điều kiện quyết định duyên sanh các khổ. Nguyễn Gia Thiều cũng thế, ông đặt “tiếng khóc ban đầu” của một đứa trẻ là điều kiện để bắt đầu cho một chuỗi những tiếng khóc khác của đời người.

 

Nó khóc vì một ngày nào đó, nó sẽ già nua xấu xí vì bụi thời gian:

59.Trắng răng đến thuở bạc đầu,

Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần?

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,

Lớp cùng thong như đúc buồng gan.

Mới ngày nào mái tóc ta óng ả, mượt mà nhưng khi già đi, nó xơ xác, khô khốc chẳng khác gì vỏ cây gai dầu; đôi làn mi của ta ngày nào đẹp như trăng lưỡi liềm, tơ liễu rủ mà khi già đi nó chẳng khác gì những sợi rơm rạ khô vàng; đôi mắt rực rỡ của ta chói ngời theo năm tháng dần trở nên mờ đục; cái mũi theo năm tháng cũng sẽ sụp xuống như ống cống bị gãy lại còn rỉ nước lệt sệt hôi hám; hai hàm răng trắng đều cũng sẽ đến ngày bị bể, bị gãy, bị sâu đục rồi chiếc rụng, chiếc long và chúng ngả sang màu vàng, đen xì đen xỉn,...

Trong bài Lão Thái của Nguyễn Khuyến, ông đã bộc lộ nỗi buồn của mình khi đã về già, tuổi ngoài năm mươi, những nét xấu dần hiện ra trên nhân dạng, nhưng bên trong, tấm lòng son vẫn còn nồng cháy với cuộc đời:

Ngô niên ngũ thập ngũ niên linh, 
Xú thái bàn bàn lão tận hình. 
Xỉ bặc hàm toan như chúng tụng, 
Nhãn hoa yểm quyển mạn truyền kinh. 
Tự liên kính phát tam phần bạch, 
Thặng hữu đan tâm nhất điểm linh. 
Mạc quái bằng song liên nhật tuý, 
Ngã vi bất tuý thục vi tỉnh?

Trong các mẩu chuyện thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một câu chuyện về nàng kỹ nữ tên là Ammapali một thời nổi tiếng khắp kinh thành Vesali vì nàng có tài năng và sắc đẹp vô song. Về già, nàng giác ngộ được Đạo và xuất gia làm tỳ khưu ni. Một hôm đi lấy nước bên bờ suối, nhìn thấy sắc vóc của mình ẩn hiện dưới làn nước, Ammapali thảng thốt, làm một bài kệ để nói lên tâm trạng của mình, nhà Phật xem đó là một khúc thán ca vô thường bất hủ, và đây là những lời cuối cùng trong khúc thán ca vô thường bất hủ ấy:

Ôi! Cái thân, cái thân!

Các pháp hữu vi kết hợp này

Nó chịu cái già lão hủy hoại

Cái ngôi nhà được vô minh và ái dục xây nên

Nay đã cũ kỹ

Cột kèo, đòn dông đã bị hư mục

Mái lợp, tấm che đã xiêu rách tả tơi

Và những lớp vôi trét tường đã đến hồi rụng rã

Cái thân vô thường này

Là một cái bọc chứa đầy bất tịnh và đau khổ

Lời dạy của đức Tôn Sư

Muôn đời là sự thật

Tham luyến, chấp thủ gì nữa

Mà không chịu rời xa?”

Ca dao có câu:

“Già nua là cảnh điêu tàn

Cây già cây cỗi, người già người si”

Quả đúng như thế, dù có cứng cáp như cây, thì khi già đi cũng đến hồi rỗng ruột, cằn cỗi. Đã vậy, còn phải chống chọi với khí hậu, tiết trời, nắng thì nóng sốt, lạnh thì rét run,...không còn nữa những lạc thú trên đời!

Tuổi càng nhiều càng dễ rơi vào những tình cảnh nhục nhã. Thân thế yếu kém đi bao nhiêu, thì tinh thần, trí tuệ cũng ngày càng sa sút. Do đó, sanh ra lẫn lộn, quên trước, mất sau, hành động như người ngây kẻ dại: ăn uống những đồ dơ bẩn; nói năng giống người mất trí: ăn rồi lại bảo chưa ăn, chưa ăn lại bảo ăn rồi; có khi lại còn chửi bới, nói nhảm nhí làm trò cười cho lũ trẻ. Người xưa nói: “Đa thọ, đa nhục” thật không sai, vì người già, vừa chịu nỗi khổ về thể xác lại vừa chịu nỗi khổ về tinh thần, không thể khỏe mạnh và minh mẫn như thời còn trẻ được.

 

Sự hủy diệt của tuổi già thật quá đáng sợ thay. Ai sinh ra rồi cũng phải già, một lẽ hiển nhiên không thể nào chối cãi được. Và trong quá trình từ sinh ra cho đến già nua đó, con người phải chống chọi với nhiều thứ để tồn tại, trong đó có bệnh tật:

63.Bệnh trần đòi đoạn tâm can,

Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.

Cuộc sống không thôi thử thách con người. Thân thể có sức chịu đựng của nó, dù mạnh mẽ, cường tráng đến mấy thì một ngày nào đó cũng phải suy yếu đi vì nóng, lạnh, đói, khát,...mà thôi. Đã đau, bất luận là đau gì, từ cái đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu đến cái đau trầm trọng như phong, lao,...đều làm cho con người ta phải rên xiết, khổ sở, khó chịu. Chúng ta còn nhớ Hàn Mặc Tử để sáng tác ra những vần thơ điên cuồng, đầy rẫy hồn và máu đã phải sống chung với cằn bệnh phong cùi, vừa đau về thể xác, lại còn gánh chịu sự ghẻ lại của người đời. Đọc bài Hồn là ai ta một phần cảm thấu được nỗi khổ của Hàn khi vật lộn với bệnh tật:

Hồn là ai là ai? Tôi không biết 
Hồn theo tôi như muốn cợt chơi tôi 
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười 
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng 
Tôi chết giả và no nê vô vạn 
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng 
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng 
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến 
Thịt da tôi sương sần và tê điếng 
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên 
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng em 
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực 
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức 
Rồi bay lên cho tới một hành tinh 
Cùng ngả nghiên lăn lộn giữa muôn hình 
Để gào thét một hơi cho rởn ốc 
Cả thiên đường trần gian và địa ngục

Bệnh đã khổ, khổ hơn nữa là mắc phải những bệnh trầm kha, thì lại càng hành hạ xác thân, đắng cơm, nghẹn nước, cầu sống không được, cầu chết cũng không, oan oan, ương ương, thật là khổ não. Để nuôi cho cái thân ấm no, mạnh khỏe, con người phải lăn lộn với cuộc đời, phấn đấu cho cái danh, cái lợi, đến nỗi:

65.Gót danh lợi bùn pha sắc xám,

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu.

Khổ hơn nữa là chết trong nghèo khó, thân đã đau, mà tiền lại hết. Có nhiều người sau một trận đau chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Vũ Trọng Phụng đã chết trong nghèo khó cùng với căn bệnh lao phổi của mình. Cả một cuộc đời mình, ông không sao thoát ra khỏi cái nghèo. Tiền lương kiếm được bằng nghề viết của ông không đủ nuôi bà nội và mẹ già chứ nói chi đến bản thân ông. Vậy nên ông nhịn ăn, nhịn mặc, sống vất vưởng qua ngày. Rồi ông mắc bệnh lao phổi. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên với Vũ Bằng: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này.

Trong bài kệ Núi thứ ba, Trần Nhân Tông viết:

Âm dương tội phúc lẽ xoay vần

Gây mối tai ương đến cõi trần

Đại để có thân thì có bệnh

Đã rằng không bệnh ắt không thân

 (Trần Cảnh, Thơ văn Lý-Trần, tập II)

Âm và dương, tội và phúc là một lẽ xoay vần. Chúng đến cõi trần để gây nên những mối tai ương và đau khổ. Chúng tạo ra cái thân con người và đặt để vào đó không biết bao nhiêu là mầm móng của bệnh tật. Không chỉ có thân người, ngay cả động vật, thực vật cũng không tránh khỏi bệnh tật. Có ngày thì có đêm, có nước thì có lửa, có thân thì chắc chắn có bệnh, không thể tránh khỏi. Chính vì thế, khổ bệnh trở thành một trong bốn cái khổ lớn nhất của đời người.

 

          Nhìn những lận đận trong cuộc sống mưu sinh, Nguyễn Gia Thiều đã cay đắng thốt lên:

67.Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Đời người mong manh lắm! Có khác chi một bọt nước trôi vô định trong bể nước rộng lớn vô cùng, biết bao giờ mới thoát khỏi cái bể đó, để vỡ tan vào không trung; lại như cánh bèo bị kẹt lại cùng với vô vàn cánh bèo khác ùn tắc ở đầu bến sông, biết bao giờ mới thoát khỏi cái rừng bèo ấy để trôi an nhiên trên dòng nước chảy,...Ôi, “bể khổ” và “bến mê”, tấm thân “bọt bèo” của con người sao mong manh, yếu đuối quá, làm sao tự mình ra khỏi, tự mình giải thoát được số phận khổ đau mà tạo hóa đã khéo an bày... Để rồi phải chết đi, ưng thuận bắt tay với với định mệnh:

73.Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,

Chết đuối người trên cạn mà chơi.

Chết là điều mà không ai tránh được, ông Trời như một đứa trẻ tinh nghịch bắt người ta phải chết với nhiều lý do khác nhau, nhiều khi lý do ấy lại vô lý vô cùng. Chết do đói quá, chết do no quá, chết do đau buồn quá, chết do vui sướng quá, chết vì nóng lạnh, chết vì nước lửa, chết đứng, chết ngồi,...Người ta kết thúc cuộc đời với muôn kiểu chết, lưỡi hái của tử thần luôn chực chờ cơ hội để ra tay với những ai mạng căn không còn, phước báu đã tận...Có mục kích một người bệnh khi hấp hối bị hành xác rồi mới biết cái chết là đáng sợ. Người sắp chết, mệt mỏi, ngột ngạt, trợn mắt, méo miệng, giựt gân, chuyển cốt, uốn mình, giăng tay, bẻ chân,...Trong lúc ấy tai hết nghe, mắt hết thấy, mũi hết thở, miệng hết nói. Rờ thử vào người chết, thì thấy lạnh ngắt như đồng, thân cứng đơ như gỗ. Xác chết dần dần sình lên, trong rất ghê tởm; nếu để lâu ngày lại nứt ra, chảy nước tanh hôi khó chịu vô cùng. Khi sắp chết, tâm thần rối loạn, luôn cảm thấy sợ hãi: phần xót thương cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái từ đây đoạn tuyệt, phần lo mình một thân cô quạnh, bước sang thế giới mịt mù xa lạ. Thật không còn gì đau khổ bằng phút chia ly vĩnh viễn này.

Trong bốn hiện tượng của vô thường; Sanh, Lão, Bệnh, Tử thì "Tử’ là cái làm cho chúng sinh kinh hãi nhất. Con người sợ chết đến đỗi ở trong hoàn cảnh sống thừa, đáng lẽ không nên sống làm gì nữa, thế mà nghe nói đến cái chết, cũng sợ không dám nghĩ đến. Những người xấu số bị bịnh nan y như ung thư, bịnh hủi, sống thêm một ngày là khổ thêm một ngày, thế mà những người bạc phước ấy cũng vẫn muốn sống mà thôi. 

Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Đó là bốn cái khổ hiển nhiên mà một khi con người đã đến với cuộc đời thì phải chấp nhận. Nguyễn Gia Thiều đã nhìn rõ bản chất cuộc sống là một chuỗi những đau khổ ấy. Với ông, vòng luân hồi như một bức tranh mà trong đó đời người là những thay đổi tang thương:

75.Lò cừ nung nấu sự đời,

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Hai từ “vân”và “cẩu” làm ta nhớ đến hai câu thơ của Đỗ Phủ:

Thiên thượng phù vân như bạch y,

Tu tư hốt biến vi thương cẩu.

Trên bầu trời cao, ta thấy một đám mây trông như tà áo trắng. Vậy mà trong chớp mắt đã hóa thành con chó xanh. Đời người cũng thế, những đổi thay diễn ra đều đặn hằng ngày mà ta chẳng hề hay biết, để bất giác nhìn lại mình đã trưở thành một con người khác, chẳng còn là mình của ngày xưa.

Thế là, trong vòng luân hồi chứa chất đau khổ đã được Nguyễn Gia Thiều vẽ nên bằng câu chữ ấy, bốn cái khổ lớn là Sanh, Lão, Bệnh, Tử được tái hiện cô động nhưng chan chứa trong những câu thơ đầy ngụ ý ngụ tình.

Bên cạnh bốn cái khổ được xem là chủ chốt ấy là những câu thơ thể hiện cái nhìn thương cảm của Nguyễn Gia Thiều về thế thái nhân tình. Chứng kiến sự vô thường cuộc sống, ông không khỏi chạnh lòng trước những đổi thay:

93.Hình mộc thạch vàng kim ố cổ,

Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong.

Tiêu điều nhân sự đã xong,

Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Dẫu là gỗ đá có rắn chắc, cá chim có to lớn đến cách mấy cũng phải bị hủy hoại vì sự tàn phá của thời gian. Thời gian trôi qua mang theo những tiêu điều của sinh, trụ, diệt. Nên có cái gì thật sự bền vững ở trên đời, dẫu là núi cao sông dài, dẫu là những loài côn trùng nhỏ bé cũng chỉ là huyễn hư. Rồi thì cây cầu, cái quán, dòng nước, cỏ, hoa,...cũng chịu đời như thế:

97.Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ,

Quán thu phong đứng rũ tà huy.

Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tác giả lặng nhìn một cây cầu nào đó đang buồn bã, trơ mình trên dòng sông như chờ những bước chân ai rong ruổi đi về...Nhưng bến đò ấy giờ chỉ còn trong quá khứ mà thôi. Dòng nước dưới cầu vẫn cứ chảy, thời gian vẫn cứ trôi. Bên kia là căn chòi tạm dành cho những khách bộ hành đang run rẩy thân mình dưới nắng và gió mùa thu, biết sẽ ngã vào lúc nào, cái gì cũng thế, cũng phải chống chọi với thời gian để tồn tại. Bài thơ Cõi ta nằm trong tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên nói đến cái “Cõi” mà chúng ta đang sống, nó rộng đến vô biên, và chất đầy những đau khổ, nơi sinh sôi, nảy nở những hận thù. Con người chúng ta sống trong cái “Cõi” này thì khó mà thoát khỏi, họ không thể tự định đoạt số phận mình vì tất cả đều chịu sự an bày của tạo hóa, đều ngập chìm trong bóng tối vô minh. Nhà thơ đặt câu hỏi làm sao để thoát khỏi “Cõi ta”, thoát khỏi giấc mộng “Nam Kha khéo bất tình” này, để linh hồn được siêu thoát khỏi vùng đau khổ, mà vụt lên xứ Trăng Mây, hòa tan vào cỏ cây vạn vật theo định luật vô thường:

Ôi bát ngát mênh mông như Âm giới 
Đây Cõi Ta rộng rãi đến vô biên! 
Nơi an táng khổ đau trong huyệt tối 
Nơi sinh sôi, nảy nở những mầm Điên 
........................................................

Ôi biết làm sao cho ta thoát khỏi 
Ngoài Cõi Ta ngập chìm trong bóng tối? 
Cho linh hồn vụt đến xứ Trăng Mây 
Cho ta là không phải của ta đây 
Mà sáp nhập vào tuổi tên cây cỏ! 
Ôi! Mơ Mộng dìm ta trong suối Khổ

Câu cuối bài thơ là câu: “Ôi! Mộng dìm ta trong suối khổ”, thế nhưng ít ai thấy được cái: “Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy” mà họ cứ dấn thân để khổ càng thêm đau khổ:

69.Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ,

Đường thế đồ gót rỗ khi khu.

Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,

Chiếc thuyền bào ảnh thấp tho mặt ghềnh.

Vì đam mê những mùi vị ngon ngọt mà cả cuộc đời họ phải lặn lội kiếm tìm trên những con đường chông gai. Cho đến khi đôi chân đã lỗ rỗ những vết thương họ vẫn không chịu dừng lại. Cuộc hành trình của họ có khác nào một con thuyền nhỏ bé ẩn hiện trên cửa biển với biết bao những phong ba đang chực chờ. Cốt cũng chỉ vì hai chữ “lợi danh”:

87.Cánh buồm bể hoạn mênh mang,

Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.

Nào hay họ đã bị lừa bởi vinh hoa, phú quý. Họ đang sống trong một giấc mộng trường kỳ. Nhưng họ nào biết, lúc sống có vơ vét, có thâu tóm bao nhiêu là tiền tài, danh vọng đi nữa thì khi chết đi, họ nào mang theo được thứ gì:

81.Mồi phú quý nhử làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh.

Giấc Nam Kha khéo bất tình!

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!

 

Đóng lại cái máy tạo hóa dài 55 câu ấy, Nguyễn Gia Thiều đặt bên lề 4 câu, 4 câu này chính là chìa khóa cho cánh cửa giải thoát, lúc này, giọng điệu của tác giả lại hòa vào giọng điệu của nàng cung phi:

105. Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ,

Vui chi mà đeo đẳng trần duyên?

Cái gương nhân sự chiền chiền,

Liệu thân này với cơ thiền phải nao?

Đấy! Đời nó đau đớn thế đấy! Thì có vui không khi đeo đẳng hoài nỗi đau đớn đó. Trước mắt ta, hiện rõ ràng cái cảnh nhân sự đang vật lộn với đời. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không gởi mình vào nơi cửa Phật thiêng liêng. Nguyễn Gia Thiều đã vạch ra lối thoát cho mình cũng như cho người là phải buông bỏ tất cả, tìm về với kiếp sống tu hành không phiền não, thị phi.

Đoạn thơ ngắn từ câu 49-104 đã khái quát được bốn cái khổ Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Những cái khổ còn lại bao gồm Cầu bắt đắc khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ cùng với bốn cái khổ nhỏ phát sinh nơi tâm là Sầu, Bi, Ưu, Não được Nguyễn Gia Thiều thể hiện riêng trong những câu thơ còn lại. Ông để nó ký sinh vào số phận người cung phi như để thí dụ cho chúng ta thấy được mối tương quan giữa tồn tại và đau khổ.

 

Ái biệt ly khổ là nỗi khổ phải xa lìa người mình yêu thương. Nàng cung nữ chịu đựng nỗi này khổ từng chút, từng chút một theo thời gian. Ái tình ấy bắt đầu từ lúc:

135.Cái đêm hôm ấy, đêm gì?

Bóng dương lồng bóng đồ my trập trùng.

Cái đêm hôm ấy chính là đêm nàng cung phi may mắn lọt vào mắt xanh của nhà vua. Người tựa như mặt trời, kẻ tựa hoa đồ my, cả hai lồng vào nhau để bắt đầu cho yêu thương nảy nở. Kể từ khi được nhà vua sủng ái, nàng cung phi sống trong những tháng ngày hạnh phúc tột độ với trâm hoa, yến nhạc,...và với những cung bậc yêu, thương, hờn giận của tình yêu. Có đôi lúc, vì nghĩ rằng mình quá hạnh phúc, nàng đã kiêu hãnh mà ca ngợi chính cuộc sống hiện tại của mình:

173.Trong trướng gấm chí tôn vòi vọi,

Những khi nào gần gũi quân vương

Dẫu mà ai có nghìn vàng

Đố ai mua được một tràng mộng xuân?

Đó là lúc nàng ở đỉnh cao của hạnh phúc. Nhưng rồi những lạnh nhạt bắt đầu :

193.Ai ngờ đâu mỗi năm mỗi nhạt,

Nguồn cơn kia chẳng tát mà vơi!

Khi đã chán chê, vị quân vương bắt đầu tìm đến những niềm vui khác trước ánh mắt đau xót của nàng. Trong khi người ta hạnh phúc bên niềm vui mới, nàng lại:

209.Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,

Đêm năm canh trong ngóng lần lần.

Vì yêu thương nhà vua hết lòng nhưng bây giờ không còn được ở bên người nữa, nên nàng cung phi sinh ra khổ, nỗi khổ ái biệt ly. Cái khổ đó biểu hiện qua nỗi sầu, bi, ưu, não mà ta sẽ phân tích sau. Khi sống trong cảnh âm thầm chiếc bóng như thế, ngày ngày nàng nguyện cầu được trở lại như thuở vàng son ban đầu mà mình từng được hưởng thụ, từ đó mà sinh thêm một nỗi khổ nữa...

Cầu bất đắc khổ là nỗi khổ khi ta mong cầu một điều gì đó nhưng sự mong cầu ấy không trở thành hiện thực được. Tình duyên là một trong những điều làm cho bao người phải điêu đứng, khổ sở. Trong trường tình ái, thử hỏi đã mấy ai được toại nguyện?  Người cung nữ luôn mong cầu cho tình duyên của mình được bền lâu đến răng long đầu bạc, nhưng những mong cầu ấy của nàng chỉ mang lại khổ đau:

225.Ngày sáu khắc tin “mong” nhạn vắng

210.Đêm năm canh “trông ngóng” lần lần

213.Lầu đãi nguyệt “đứng ngồi” dạ vũ,

Gác thừa lương “thức ngủ” thu phong,

230.Mặt “buồn trông” trên cửa nghiêm lâu.

Từng ngày, từng đêm, từng khắc, từng canh,...người cung nữ đi, đứng, nằm, ngồi không yên, lúc nào cũng mong được nhà vua đoái hoài tới nhưng những mong ước đó không thể thành hiện thực được vì vốn dĩ hạnh phúc nàng có được chỉ là tạm bợ mà thôi. Ngưu Lang, Chức Nữ một năm còn gặp mặt nhau một lần trên cầu Ô Thước:

309.Trong gang tấc mặt trời xa mấy!

Phận hẩm hiu dường ấy vì đâu?

Sinh ly đòi rất thời Ngâu,

Một năm còn thấy mặt nhau một lần.

Vậy mà người cách người có vài bước chân, mong cầu của nàng quá nhỏ nhoi, mà lại không được đáp ứng. Từ thực tế đó, nàng lại có một mong cầu khác, nếu như trước đó nàng tự phụ về nhan sắc và tài năng của mình, giả sử như lấy chồng thôn quê dân dã thì làm sao có thể sánh với nàng được:

181.Lan mấy đóa lạc loài sơn dã,

Uổng mùi hương vương giả lắm!

Gẫm như cân truất duyên này

Cam công đặt cái khăn này tắc ơ!

Thì bây giờ đây, nàng lại hối hận vì suy nghĩ sai lầm đó, và ao ước mình chỉ là kẻ cục mịch nhà quê:

297.Mình có biết phận mình ra thế

Giải kết điều óe ọe làm chi

Thà rằng cục mịch nhà quê

Dẫu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này!

301.Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ,

Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn.

Muốn đem ca tiếu giải phiền,

Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu

Từ sự mong muốn mà không được đáp ứng như thế, mà sinh ra khổ. Người ta ở đời, ai cũng có cho riêng mình những hy vọng, nhưng hy vọng càng nhiều thì thất vọng cũng lại càng nhiều. Bất luận trong một vấn đề gì, số người được toại nguyện thì quá hiếm hoi, mà kẻ thất bại, bất như ý, thì không sao kể xiết. Muốn được kết quả tốt đẹp, người ta phải vận dụng không biết bao nhiêu năng lực, lao tâm, tổn sức, mất ăn, mất ngủ, chỉ mong sao cho chóng đến ngày thành công. Thế rồi, chẳng may những điều mong ước ấy không thành, sự đau khổ không biết đâu là bờ bến. Bên cạnh nỗi khổ cầu bất đắc về tình duyên, Nguyễn Gia Thiều cũng khéo nhắc đến nỗi khổ cầu bất đắc về công danh:

65.Gót danh lợi, bùn pha sắc xám  

Mặt phong trần nắng nám mùi dâu!

Trong đời, danh vọng thường là một miếng mồi ngon mà phần đông người đời ưa thích. Nhưng miếng mồi ấy, phải đâu dễ giành giật được? Không nói gì đến những kẻ nhảy dù, muốn làm quan tắt, nên phần nhiều hay thất bại, chỉ nói đến trường hợp những kẻ mong cầu danh vọng một cách chính đáng, bằng năng lực, tài trí, học hỏi của mình. Ðối với những hạnh người này, cũng phải nếm bao mùi thất bại, cuối cùng may ra mới được thành công. 

Ông cũng khéo nhắc đến nỗi khổ cầu bất đắc về vinh hoa phú quý:

81.Mồi phú quý nhử làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh.

Số người thất vọng vì công danh đã nhiều. Nhưng số người thất vọng vì phú quý cũng không phải ít. Muốn cho mau giàu, nhiều người tìm mưu này chước nọ để lừa phỉnh người ta; nhưng rồi mưu gian chước lận đổ bể ra, tài sản bị tịch thu, bản thân bị tù tội, gia quyến bị nhục nhã theo. Thời đại của Nguyễn Gia Thiều, ông đã trông thấy biết bao nhiêu “gã công khanh”“bả vinh hoa” làm cho đau khổ. Lê Duy Vĩ bị Trịnh Sâm giết, Trịnh Cán bị Trịnh Tông hại cũng vì chiếc ngai vàng. Trịnh Bồng sống dở chết dở khi Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai chỉ vì tham lam một chức An Đô Vương. Nguyễn Hữu Chỉnh tưởng một mình có thể làm mưa làm gió ở Bắc Hà, có ngờ đâu lại phải phanh thây ngoài chợ. Thật đúng là “tiêu điều nhân sự đã xong, sơn hà cũng huyễn côn trùng cũng hư”, sự tấn công mãnh liệt của phong trào quần chúng làm cho vua Lê phải chôn xác nơi quê người, cơ đồ họ Trịnh tan hoang, những chàng công tử con quan như Phạm Thái trở thành kẻ bất đắc chí,...

Có lẽ trong Cung oán, Oán tắng hội khổ là cái khổ mờ nhạt nhất.  Con người ở trong cảnh thương yêu, chẳng ai muốn chia ly; cũng như ở trong cảnh hờn ghét, chẳng ai mong gặp gỡ. Nhưng oái oăm thay! Ở đời khi mong muốn được hội ngộ, lại phải chia ly; cũng như khi mong ước được xa lìa, lại phải sống chung đụng nhau hằng ngày! Cái khổ phải biệt ly đối với hai người thương yêu nhau như thế nào, thì cái khổ phải hội ngộ đối với hai người ghét nhau cũng như thế ấy. 

Người ta thường nói: "Thấy mặt kẻ thù, như kim đâm vào mắt; ở chung với người nghịch, như nếm mật, nằm gai". Hậu cung là chốn các nàng cung phi không ngừng tranh đấu nhau bằng nhiều mưu mô, thủ đoạn cốt để chiếm lấy ân sủng của nhà vua. Trong chốn hậu cung nước ta khi xưa, những chuyện phi tần vì ghen ghét mà tìm cách hãm hại nhau hay không ngại dùng thủ đoạn để đạt quyền lực, địa vị cho bản thân vẫn thường xảy ra, khiến chốn cung cấm nhiều phen dậy sóng. Vào thế kỉ XIV, hậu cung triều Trần đã một phen chấn động bởi âm mưu bùa chú trù yểm của Triều Môn Thứ Phi. Bà là phi tần của Hoàng Đế Trần Minh Tông (1314-1329). Con bà là Hoàng Tử Trần Nguyên Trác. Tính theo cấp bậc, Nguyên Trác là hoàng tử thứ hai. Sau Khi hoàng tử thứ nhất là Trần Hiến Tông băng hà vua Minh Tông không lập các Hoàng Tử thứ hai, thứ ba,… mà lập Hoàng Tử thứ mười là Trần Hạo lên ngôi vua? Đối với Thứ Phi Triều Môn, việc Trần Hạo lên ngôi là một đòn đả kích dữ dội. Triều Môn đinh ninh rằng, Trần Hiến Tông chết không có con nối thì theo lẽ thường, người em có thứ tự gần nhất (tức là Trần Nguyên Trác) sẽ được phép kế thừa ngôi báu. Hậm hực và bất bình, vị Thứ Phi này đã dồn toàn bộ căm tức lên ba người con của Hoàng Hậu nên bà âm mưu dùng bùa chú để nguyền rủa họ cho hả dạ. Mưu gian mau chóng được Triều Môn tiến hành. Triều Môn bí mật liên hệ với một tên đạo sĩ. Được tên này chỉ vẽ và cho bùa chú, Triều Môn đã mua một con cá bống rồi nhét lá bùa có ghi tên ba người con của Hoàng Hậu vào miệng cá, sau đó âm thầm thả cá xuống giếng Nghiêm Quang. Thực hiện trót lọt hành vi trù yểm, Triều Môn tin tưởng lời nguyền sẽ mau ứng nghiệm để anh em Trần Hạo rời trần thế sớm một chút, để Nguyên Trác con bà ta có cơ hội nối ngôi. Tiếc rằng, người tính không bằng trời tính, việc làm đen tối của Triều Môn đã mau chóng bại lộ.

Ngụ ngôn Trung Quốc có nói về đòn ghen vang danh lịch sử của nàng Trịnh Tụ, tỳ thiếp của Sở Hoài Vương. Tuy đẹp nhưng lại vô cùng hiểm độc. Trịnh Tụ biết Sở Hoài Vương sủng ái mỹ nhân thì ghen ghét vô cùng, nhưng bề ngoài lại phải tỏ ra hiền hậu. Trịnh Tụ thường xuyên lui tới thăm hỏi mỹ nhân, làm như chính mình cũng bị mê hoặc bởi nhan sắc mỹ nhân hiếm gặp này. Nàng muốn ăn gì, mặc gì, đi đâu chơi, thích người hầu gì,... Trịnh Tụ đều quan tâm, sắm sửa cho hết. Sở Hoài Vương thấy thế thì khen ngợi: "Phu nhân biết ta yêu mến tân phi quá, thật giống như người con có hiếu thờ cha mẹ, người bầy tôi trung thờ vua vậy". Ấy thế mà đằng sau lưng vua, Trịnh Tựu lại chước mưu bày kế. Bà nói với nàng cung phi đang được sủng ái rằng nhà vua không thích cái mũi của y. Khiến cho nàng ấy sau này mỗi lần gặp vua phải che mũi lại. Một mặt lại nói với Sở Hoài Vương rằng nàng ta chê ngài có mùi hôi khó chịu ở trên người khiến cho Sở Hoài Vương tức giận sai người cắt cái mũi của nàng cung phi đáng thương và lóc thịt hành hình cho tới chết.

Chế độ cung tần ở nước ta có từ thời tiền Lê. Đến đời Trịnh, số lượng cung nữ được tuyển vào cung nhiều vô số, vì ngoài cung vua còn có phủ chúa. Trịnh Giang, Trịnh Sâm tiêu biểu cho những tên vua chúa ham mê tửu sắc, ăn uống tiệc tùng. Sống trong cung, Nguyễn Gia Thiều trông thấy hết những tệ nạn ấy và biết nhiều về các cung nữ trong cung. Lúc bấy giờ, Đặng Thị Huệ là cung nữ được Trịnh Sâm sủng ái nhất. Tài năng và sắc đẹp của Đặng Thị Huệ ngang ngửa với nàng cung phi được Nguyễn Gia Thiều miêu tả.

Trở lại Cung oán ngâm khúc, mặc dù Nguyễn Gia Thiều không đi sâu vào đời sống hậu cung, nhưng qua một vài dòng thơ, có thể thấy hậu cung lúc này phức tạp đến nhường nào:

197.Đuốc vương giả chí công là thế,

Chẳng soi cho đến khóe âm nhai!

Muôn hồng nghìn tía đua tươi,

Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.

Vốn đã biết cái thân câu trỏ,

Cá no mồi cũng khó nhử lên.

Ngán thay cánh én ba nghìn,

Một cây cù mộc, biết chen cành nào.

Bước vào chốn hậu cung, như cá vào chậu, như chim vào lồng, chẳng còn lối thoát. Ấy vậy mà còn phải chung đụng với nhiều con cá, nhiều con chim khác thì không sao tránh khỏi tranh đấu để giành miếng mồi ngon của nhau. Ca dao có câu:

Ớt nào là ớt chẳng cay,

Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.

Vôi nào là vôi chả nồng,

Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.

Sống trong tình cảnh không được gần người mình yêu thương mà lại chạm tráng với biết bao bông hoa đẹp khác thi nhau tỏa sắc tỏa hương thì làm sao máu ghen ghét, đố kỵ không nổi lên. “Oán tắng hội khổ” là thế.

 

Cuối cùng trong Bát khổ là Ngũ ấm xí thạnh khổ. Đầu tiên phải nói đến Sắc. Sắc uẩn chính là sự kết tụ của vật chất để tạo ra những hình tướng như thân thể và cảnh vật. Sắc uẩn gồm có bốn yếu tố căn bản là địa (chất rắn), Thủy (chất lỏng), Hỏa (nhiệt độ), Phong (chất khí).

Thân thể là sắc uẩn, vì vậy chúng không phải là một thực thể độc lập mà là một hợp thể vật chất biến động và mâu thuẫn. Nó tùy thuộc vào các môi trường xung quanh như mặt trời, dòng sông, không khí,... Quan điểm của Phật giáo về thân thể vật lý dựa trên cơ sở lý duyên sinh, nghĩa là trình bày rõ về mối tương hệ giữa yếu tố con người với yếu tố vũ trụ thiên nhiên gồm môi trường, hoàn cảnh,...

Bản chất của sắc uẩn là vô thường và chuyển biến theo lý duyên sinh, vì vậy bản chất của chúng là không. Sự chấp thủ, tham ái, hoặc bất cứ một đối tượng vật lý, sinh lý nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ. Xin dẫn chứng một câu chuyện trong kinh Vô ngã tướng để làm rõ bản chất không của Sắc:

Hôm kia, một buổi chiều tạnh ráo, đúng vào ngày ba mươi tháng Āsāḷha, biết là cả năm vị tỳ khưu đã chuẩn bị sẵn sàng tâm và trí, đức Phật gọi họ đến, quây quần dưới cội cây Assattha to lớn nhất trong vườn, rồi bắt đầu buổi thuyết pháp:

- Nầy chư vị tỳ khưu! Đây là thời pháp vô cùng quan trọng, được Như Lai gọi là Vô ngã tướng. Mấy hôm trước, Như Lai có nói khái quát về Tứ niệm xứ, tức là niệm thân, thọ, tâm, pháp; nay Như Lai muốn triển khai đề tài ấy theo một chiều hướng khác, cách nói khác, cũng xoay quanh những chi tiết như thực liên hệ đến thân và tâm này. Với những người có trí, nghe xong tức thấu hiểu, nghe xong tất có thể giải thoát mọi triền, mọi phược, mọi bộc, mọi lưu, mọi cấu, mọi uế... Chư vị hãy cố gắng lắng nghe!

- Dạ, thưa vâng, bạch đức Tôn Sư!

- Cái tạo nên thân tâm chúng ta, nếu nhìn ngắm, minh sát cho kỹ thì thân ấy là sắc thân (sắc) này; còn cái gọi là tâm, hay danh thì gồm có cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), tâm hành(hành) và nhận thức (thức).

Đầu tiên hãy quan sát cái sắc, tức là cái thân có da, có thịt này; có khi nào chư vị đặt vấn đề, nó chính là ta (ngã) hay không phải ta ( vô ngã)?

Koṇḍañña đáp:

- Theo thói quen thì thân này, cái sắc này là tôi, là của tôi, trong ấy nó có một cái ngã, bạch đức Thế Tôn!

- Thói quen ấy có đúng không, này Koṇḍañña? Nếu sắc này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi thì tôi hoàn toàn có quyền làm chủ nó, sở hữu nó?

- Đúng vậy, thưa đức Tôn Sư!

- Có phải như một vị vua, sở hữu quốc độ, sở hữu thần dân; và có quyền bắt mọi người, từ quan lại đến thứ dân phải làm như thế này, phải làm như thế kia; nếu không làm thì vua sẽ răn đe, trừng phạt theo nặng, nhẹ tội chứng?

- Bạch, đúng vậy, là quan niệm của phần đông!

- Nầy Koṇḍañña! Nếu sắc thân này là ta, là của ta như ông vua sở hữu thần dân và quốc độ, thì giả dụnhư khi cái thân này ốm bệnh, đau nhức; và vì ta có quyền nên ta có thể bảo cái thân này đừng ốm bệnh, đừng đau nhức, có được không, hở Koṇḍañña?

Koṇḍañña im lặng, lúng túng không trả lời được.

- Khi cái thân này suy yếu, già lão; vì nó là ta, là của ta nên ta có quyền bảo: “Cái thân, mày đừng suy yếu, đừng già lão” được không, hở Koṇḍañña?

- Chẳng có quyền, chẳng chỉ bảo gì được, bạch đức Thế Tôn!

- Vì ta là chủ, nên ta có quyền bảo rằng, sắc thân của ta phải như thế này, sắc thân của ta đừng như thế kia?

- Chịu! Bạch đức Tôn Sư!

Im lặng giây lát, đức Phật nói:

- Vậy thì ta không có quyền gì cả đối với sắc thân này? Nó già, nó yếu, nó bệnh gì ta cũng chịu thôi?

- Thưa, đúng! Ta chịu thôi!

- Vậy thì tại sao mọi người thường lập ngôn: Sắc này là ta, là của ta, là tự ngã của ta?

- Lập ngôn ấy không đúng với sự thật rồi!

- Vậy, phải nói đúng với sự thật, với như thật là: Sắc không phải ta, chẳng phải của ta, chẳng phải tự ngã của ta?

- Thưa, đúng như vậy!

Như trong kinh Phật đã dạy, ai cho rằng sắc uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ, thất vọng, sầu muộn... Trong Cung oán ngâm khúc, không biết bao nhiêu lần, người cung nữ tự hào, đắc ý khi ngắm nhìn nhan sắc trời phú của mình, nàng vốn đã đẹp như một đóa hoa phù dung khi còn ở cạnh mẹ cha:

9.Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa,

Vẻ phù dung một đóa khoe tươi.

Lại đẹp như thược dược, hải đường khi ở bên cạnh nhà vua:

137.Khoa thược dược mơ mòng thụy vũ,

Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu.

Nếu để so sánh, vẻ đẹp của nàng dư sức so với Đào Kiểng:

13.Áng Đào Kiểng đâm bông não chúng,

Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành.

Hay như Tây Thi, Hằng Nga, những đệ nhất mỹ nhân trên trời và dưới đất cũng phải nghiêng mình chào thua:

17.Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,

Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.

Hương trời đắm nguyệt say hoa,

Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.

Khi đã thấy tự đắc với nhan sắc của mình, nàng nhìn đâu cũng thấy đẹp, nàng hạnh phúc nhìn vào đôi chim liền cánh, đôi cây liền cành như chính hạnh phúc mà nàng đang có được:

184.Tranh tỵ dực nhìn ưa chim nọ,

Đồ liên chi lần trỏ hoa kia.

Chữ đồng lấy đó làm ghi,

Mượn điều thất tich mà thề bách niên.

Vì chấp vào cái nhan sắc đó, cho rằng cái sắc đẹp nàng nhìn thấy nơi mình là có thật, là trường tồn mãi mãi mà không bị biến hoại theo thời gian, vì thế nên giờ đây, nàng phải ngậm ngùi đau khổ khi đóa hoa phù dung, hải đường, thược dược ngày nào đã đến hồi tàn lụi:

245.Nào lối dạo vườn hoa năm ngoái,

Đóa hồng đào hái buổi còn xanh.

....................................................

249.Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng,

Để thân này cỏ úng, tơ mành.

 

253.Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ,

Cành liễu mành bẻ thuở đương tơ.

....................................................

257.Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy,

Để thân này nước chảy hoa trôi!

Khi sắc đẹp không còn, dù mọi vật có đẹp đến bao nhiêu cũng thành nhàm chán qua cái nhìn của nàng:

229.Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ,

Mắt buồn trong trên cửa nghiêm lâu.

Một mình đứng tủi ngồi sầu,

Đã than với nguyệt lại rầu với hoa.

Nguyên nhân cốt lõi làm cho người cung nữ đau khổ vì sắc là do dính mắc vào Thân kiến. Thân kiến là chấp thân ngũ ấm tứ đại giả hiệp này làm cái Ta (thân xác). Vì cái chấp sai lầm ấy, nên người cung nữ thấy con người mình là một thực thể riêng biệt nhất, đẹp đẽ nhất không biến đổi, thấy con người nàng là riêng của nàng, không dính dấp đến người khác, và là một thứ rất quý báu chỉ xứng với hàng vua chúa. Vì tưởng lầm như thế, nên nàng kiếm món ngon, vật lạ cho cái thân nàng ăn, may sắm quần áo tốt đẹp cho cái thân nàng mặc, mong muốn có được nhà cao, cửa lớn cho cái thân nàng ở, thâu góp thật nhiều thứ tốt đẹp để dành cho cái thân nàng dùng, kiếm công danh chức tước, địa vị cao sang cho cái thân nàng hãnh diện,...

Sau Sắc là Thọ. Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra. Nên có sáu thọ: Mắt tiếp xúc với hình sắc, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với vật xúc chạm, ý với đối tượng tâm.

Thọ được chia làm ba loại: Lạc thọ, Khổ thọ và Vô ký thọ.

Lạc thọ là cảm nhận được cái vui. Cảm giác vui sướng là một loại cảm giác dễ chịu khi ta tiếp xúc với một đối tượng thích ý, nó tạo cho ta niềm vui. Ví dụ: đi dạo trên con đường bằng phẳng, có những bóng cây, có gió thổi mát rượi ta cảm thấy thư thái, dễ chịu. Lúc cơ thể đầy bụi bẩn, mồ hôi ta lại tắm để tìm đến sự thoải mái. Lạc thọ từ những cảm giác thoải mái, dễ chịu ấy mà sinh ra. Từ đó mà tâm sinh ra các trạng thái tâm lý tích cực: “Tôi cảm thấy tốt”, hay “tôi cảm thấy hài lòng”. Gặp đối tượng vừa lòng, thấy hình ảnh đẹp, nghe âm thanh dịu dàng hay ngữi được mùi thơm dễ chịu thì lạc thọ khởi sinh. Những lạc thọ này được nhìn dưới nhãn quang sai lầm là của tôi, của ta và tưởng hay có tri giác sai lầm rằng: “Tôi hạnh phúc”. Những dòng thơ sau đây cho thấy nàng cung nữ bị dính mắc vào thọ lạc:

43.Hương trời sá đọng trần ai,

Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.

Có quá nhiều bậc công hầu, vương giả theo đuổi mình, nàng sinh ra hạnh phúc, tự nhủ rằng mình là tiên trên trời không xứng với người trần thế, tự cho nụ cười của mình nghìn vàng không mua được.

Khi được sủng ái, nàng thấy hãnh diện với những công sức mình bỏ ra bao lâu nay, và tự hả hê với chiến công đó:

155.Hoa thơm muôn đội ơn trên,

Cam công mang tiếng thuyền quyên với đời.

Thậm chí, nàng cố “uốn éo”, trưng diện không ngừng trước mặt vua để được yêu thương, nhận về mình những lạc thọ hạnh phúc:

177.Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu,

Ghẹo hoa kia lại giễu gót sen.

Thân này uốn éo vì duyên,

Cũng cam một tiếng thuyền quyên với người!

Khổ thọ là cảm nhận sự đau khổ. Cảm giác khổ là khi ta tiếp xúc với một đối tượng không thích ý, nó kèm theo một chuỗi tâm lý khó chịu, bất mãn,...Ví dụ: đi trên đường khô cằn sỏi đá, trời nắng chang chang, không một bóng cây, không cơn gió thoảng, ta cảm thấy nóng rát, khó chịu; khi bị bệnh nằm liệt giường, nhiều ngày không được tắm rửa sạch sẽ, ta cảm thấy cơ thể ngứa ngáy, bốc mùi, cứ bứt rứt khó chịu. Khi có những cảm giác khó chịu trên cơ thể như nóng quá, lạnh quá hay ngứa ngáy không thoải mái như vậy là chúng ta có khổ thọ. Từ đó mà tâm sinh ra các trạng thái tâm lý tiêu cực: “tôi cảm thấy khó chịu” hay “tôi cảm thấy không thoải mái”. Thấy một hình ảnh không hài lòng, nghe giọng nói khó nghe, người mùi khó chịu thì khổ thọ khởi sinh. Những khổ thọ này được nhìn dưới nhãn quang sai lầm là của tôi, của ta và tưởng hay có tri giác sai lầm rằng: “Tôi đau khổ”. Thọ khổ được thể hiện trong Cung oán ngâm khúc qua những câu thơ sau đây.

1.Trải vách quế gió vàng hiu hắt,

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.

Từ ghép chính phụ sắc thái hóa “lạnh ngắt” cho thấy đấy không phải là cái lạnh bình thường, từ “ngắt” biểu lộ cảm xúc hờn oán lúc này của người cung nữ, cũng cho thấy sự cô đơn, phòng không chiếc bóng kéo dài rất lâu. Vì thế mà cái lạnh đơn thuần bị chi phối bởi tâm thức nên sinh ra khổ thọ. Tương tự là các từ: “ủ dột” trong “Chiều ủ dột giấc mai trưa sớm”; “vắng ngắt” trong “Thâm khuê vắng ngắt như tờ”; “tiếng lắng”, “chuông rền” trong “Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền”; “tịch mịch”, “thâm u” trong “Mùi hương tịch mịch bòng đèn thâm u”,...đều chịu sự chi phối của tâm thức mà sinh ra khổ thọ.

Xả thọ hay vô ký thọ là không vui cũng chẳng buồn. Nghe một âm thanh hay thấy một đối tượng chẳng hấp dẫn và cũng chẳng khó ưa. Một giọng nói chẳng hay mà cũng chẳng dở. Ngữi mùi chẳng thơm mà cũng chẳng hôi ta có cảm giác vô ký, không vui cũng không khổ. Các vô ký thọ này được nhìn dưới nhãn quang sai lầm là của tôi, của ta và tưởng hay có tri giác sai lầm rằng: “Tôi không khổ cũng không lạc”.  Trạng thái thọ này xuất hiện ở cuối tác phẩm, vừa gây bất ngờ cho người đọc, lại vừa cho thấy sự khổ não lên đến đỉnh điểm làm cho người cung nữ không không tri giác được hạnh phúc hay không hạnh phúc:

353.Bóng câu thoáng bên mành máy nỗi,

Những hương sầu phấn tủi bao xong!

Phòng khi động đến cửu trùng,

Giữ sao cho được má hồng như xưa.

Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông tâm lý chi phối hệ thống tâm thức, chúng thay đổi vô chừng; chuyển biến vô tận nên chúng vô thường và vô ngã vì cái tôi không làm chủ được. Vì vậy, chấp thủ vào cảm thọ vào cái tôi bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau.

 

Sau khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần lãnh thọ các cảnh khổ vui thì sau đó sanh ra tưởng nhớ để bắt đầu so sánh phân biệt.

Đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: một là nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy sắc nhận biết đó là đóa hoa hồng, tai nghe âm thanh nhận ra bản nhạc...; hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, hồi tưởng ký ức... Như vậy, tưởng uẩn là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc.

Tưởng bao gồm mọi nhận thức về thế giới vật lý, tâm lý được ký hiệu hóa, khái niệm hóa, nên giữa tri giác và thực tại luôn có một khoảng cách.

Sự có mặt của tri giác là sự có mặt của kinh nghiệm. Vì vậy tri giác dễ bị đánh lừa bởi kinh nghiệm, do vì thực tại luôn sinh động, chúng vô thường, trống rỗng và đầy hư vọng mà ta thường gọi là vọng tưởng.

Tưởng chính là sự tưởng nhớ, hoài niệm về những hình ảnh đã qua trong quá khứ. Những hình ảnh này có ý nghĩa quan trọng với con người. Đi sâu vào tiềm thức của họ. Người ta đau khổ do Tưởng bởi vì không quên được những điều trong quá khứ và gặp phải những hình ảnh tương tự ở hiện tại. Trong Cung oán ngâm khúc, nhiều lần người cung nữ nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy, cảm thấy, nhận thấy những điều ở hiện tại nhưng lại tưởng tượng ra những điều trong qua khứ làm ho nàng đau khổ khôn nguôi.

Nàng nhìn những cảnh ở hiện tại mà nhớ về quá khứ vàng son của mình bên cạnh vị quân vương. Cảnh thì vẫn thế nhưng vị trí cũng nàng trong lòng quân vương đã thay đổi, chính vì thế mà cảnh dường như cũng thay đổi theo. Thuở trước, cả hai cùng sát cánh bên nhau đi dạo trong vườn hoa, quấn quýt nơi gác phượng, lầu oanh, hai chiếc gối du tiền kề song song bên nhau, nhưng bây giờ đối với người cũng nữ chỉ là ký ức để hồi tưởng lại mà thôi:

255.Này lối dạo vườn hoa năm ngoái,

Đóa hồng đào hái buổi còn xanh.

Trên gác phượng, dưới lầu oanh,

Gối du tiên hãy rành rành, song song.

Tương tự như thế:

253.Nào lúc lựa lầu Tần hôm nọ,

Cành liễu mành bẻ thuở đương tơ.

Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà,

Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong.         

Sự nhớ nhung dâng cao đến mức nàng nghe nhầm, nhìn nhầm, nghĩ nhầm những điều ở thực tại thành quá khứ. Vì tưởng nhớ khôn nguôi như thế, nên sinh ra những thất vọng, đau khổ nơi nàng. Nàng nhầm tưởng là tiếng xe dê của vua lăn bánh đến nơi mình khi nghe thấy tiếng rì rào những tiếng mách ngoài xa, vội vàng ngồi dạy đốt bó hương ẩm mốc mà hơ vội chiếc áo tàn:

269.Khi trận gió lung lay cành bích,

Nghe rì rào tiếng mách ngoài xa.

Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra,

Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn.

Đến khi mở cửa phòng với hy vọng được nghênh đón người mình hằng mong đợi thì chỉ nhìn thấy đêm thu thê lương, lạnh lẽo, hoang vắng với những tiếng kêu ran:

273.Ai ngờ tiếng dế ran ri rỉ,

Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng.

Vắng tanh nào thấy vân mồng,

Hơi thê lương lạnh ngắt song phi huỳnh.

Sự thất vọng, lầm tưởng ấy có lẽ đã làm cho nàng tổn thương rất nhiều. Không chỉ một lần, lần, mà còn nhiều lần như thế nữa:

277.Khi bóng thỏ chênh vênh trước nóc,

Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.

Đè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,

Nghiêng bình phấn móc mà giồi má nheo.

Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả,

Điệu thương xuân khóc ả sương khuê.

Lạnh lùng nào thấy ỏ ê,

Khí bi thương sực nức hè lạc hoa.

Khi vầng trăng nằm chênh vênh trên nóc cô phòng, một con chim quyên bay đến đậu trên đấy và kêu ra rả, người cung phi đáng thương nằm trong khuê phòng cứ tưởng đó là tiếng thái giám báo tin vua đến hạ giá, bèn ngồi dậy, lấy vội bình phấn móc thoa vào đôi gò má đã nhăn nheo của mình rồi toan chạy ra nghênh đón. Có ngờ đâu đó chỉ là tiếng quyên kêu thương xót cho số phận của nàng đã không còn được nhà vua sủng ái nữa. Nàng đứng đó trong màn đêm lạnh lẽo, lòng không ngừng nhớ đến những ngày cũ hạnh phúc. Trong cơn lạnh của đêm và sự thất vọng tràn đầy, chẳng có ai “ỏ ê” với nàng một câu thăm hỏi trong cái khung cảnh bi thương có những cánh hoa rụng tàn ấy.

Đức Phật ví tưởng hay tri giác như ảo ảnh, một hiện tượng không thật nhưng hiện ra giống như thật. Như thấy ảnh ảo “trận gió lung lay cành bích, rì rào tiếng mách ngoài xa”, nàng tưởng là tiếng xe vua đến; khi nghe tiếng quyên kêu trên nóc phòng, nàng lại tưởng là tiếng tiểu đòi báo tin vua hạ giá. Thực ra tiếng xe vua, tiếng tiểu đòi chỉ là ảo giác. Cũng vậy, con người lầm tưởng hình sắc, âm thanh, mùi vị và các pháp là đàn ông, đàn bà, súc vật, đồ vật ,... Do lầm lẫn như vậy nên họ tham ái dính mắc vào cái tưởng sai lầm này.

 

Từ đó mà sinh ra Hành uẩn. Hành uẩn ở đây có nghĩa là các hiện tượng tâm lý mang tính chất tạo  nghiệp, có năng lực đưa đến quả báo tạo động lực tái sinh.

Hành tạo nên một năng lực tiềm ẩn trong chiều sâu tâm thức. Chúng làm nền tảng và lực đẩy để hình thành một năng lực hành mới. Hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng và biến động.

Trong Cung oán ngâm khúc, vì những tham ái của nàng cung phi không được đáp ứng, nên nàng buộc phải sống trong những vọng tưởng hảo huyền. Sau khi nhận chân được những “chiếc xe dê”, “tiếng tiểu đòi” ấy hoàn toàn chỉ là ảo ảo do mình hy vọng thái quá mà hiển hiện ra.

Nàng bắt đầu có những hành động chán đời và bi quan. Có những lúc nàng muốn cười, muốn hát nhưng:

303.Muốn đem ca tiếu giải phiền,

Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.

Nàng đoạn tuyệt với những nhu cầu hàng ngày, chẳng muốn uống trà, cũng chẳng muốn xông hương:

307.Dơ buồn đến cảnh con con,

Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi.

Nàng bất mãn với cả Tạo hóa, muốn kêu lên một tiếng “Oán” cho thỏa hết những ẩn ức mà nàng muốn gánh chịu:

331.Chống tay ngồi ngẫm sự đời,

Muốn kêu một tiếng cho dài, kẻ căm!

Tức quá, nàng chuyển sang chửi ông trăng già, chửi cả nguyệt lão:

333.Nơi lạnh lẽo, nơi xem gần gặn,

Há phai son nhạt phấn ru mà!

Trêu người chi bấy trăng già?

Sao con chỉ thắm mà ra tơ mành?

Nàng chán ngán và muốn đi tu cho hết khổ:

45.Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế?

Sợi xích thằng chi để vướng chân?

Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,

Nước dương muốn rảy nguội dần lửa duyên.

Nhưng trót mang thân phận cung phi, cuộc đời vẫn là cuộc đời của một nô lệ, không tự quyết định được những mong muốn của mình, những hy vọng, mơ ước ấy nàng biết chắc là không thể nào thành sự thật. Muốn đi tu, nhưng nàng không đi tu được. Giải pháp cuối cùng của nàng làm cho ta bất ngờ:

353.Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,

Những hương sầu, phấn tủi bao xong!

Phòng khi động đến cửu trùng,

Giữ sao cho được má hồng như xưa.

Sau tất cả, nàng vẫn không từ bỏ những điều gây nên đau khổ cho nàng, nàng thôi không hành hạ tâm trí và xác thân của mình nữa, không phải nàng đã “ngộ” ra, mà là để trùng tu lại nhan sắc của mình, mong một ngài nào đó, quân vương sẽ sủng ái nàng trở lại.

Cuối cùng trong Ngũ ấm xí thạnh khổ là Thức. Thức là sự hiểu biết phân biệt để có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Khi thân tứ đại được phát sinh, thì Lục căn cũng dựa vào đó mà phát triển. Lục căn gồm có: Nhãn là mắt, dùng để nhìn; nhĩ là tai, dùng để nghe; tỷ là mũi, dùng để ngửi; thiệt là lưỡi, dùng để nếm; thân là da bọc thân người, dùng để nhận biết những cảm giác như nóng, lạnh; ý là tư tưởng, dùng để phân biệt.

Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu là hiện tượng, vật thể, biến đổi không ngừng cũng như chi phối từ tư tưởng đến hành động của chúng ta từng giây từng phút và chúng ta gọi nó là “trần”. Như thế, trần có nghĩa là bụi, mà đã là bụi thì dơ bẩn và luôn luôn đổi dời. Trần ở đây cũng còn có nghĩa là phần vật chất, hay những cảnh vật chung quanh con người. Chúng ta gom lại được sáu trần nên gọi là lục trần: Sắc là màu sắc, hình dáng; thanh là âm thanh phát ra; hương là mùi vị; vị là chất vị do lưỡi nếm được; xúc là cảm giác như cứng, mềm, nóng, lạnh; pháp là những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu lại từ năm trần ở trên.

Khi Lục căn tiếp xúc với Lục trần có nghĩa là: mắt thấy được hình ảnh nào, mũi ngửi được mùi thơm nào đó, lưỡi nếm được chất chua, cay hay ngọt, tai nghe được điệu nhạc êm đềm, thân thì cảm thấy đau đớn, hay lạnh lẽo, còn ý thì bắt đầu suy nghĩ, thì ký ức của chúng ta phát sinh ra sự phân biệt. Và chính sự phân biệt, hiểu biết và phán đoán này được gọi là thức.

Trong Cung oán ngâm khúc, người cũng nữ một thời được vua sủng ái, sống trong khung cảnh đẹp đẽ, nguy nga trong tình yêu đang hồi rạo rực. Những cảnh cả hai xem ca vũ dưới ánh trăng, nàng là nhân vật chính,  bước lên đài Cô Tô chẳng khác gì nàng Tây Tử:

141.Xiêm nghê nọ lả lơi trước gió,

Áo vũ kia lấp ló trong trăng.
Sanh ca mấy khúc vang lừng,

Cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô.

Về sau, khi không còn được vua ân sủng, nàng sống trong cảnh cô đơn nơi khuê phòng, ra vào chỉ có một mình, nhìn cảnh đẹp mà lòng không mảy may yêu thích. Ấy là vì không có nhà vua bên cạnh, cái Thức trong nàng nảy sinh sự phân biệt cảnh cũ người xưa với tình cảnh hiện tại, do sự so sánh, phân biệt như thế mà sinh ra khổ:

245.Này lối dạo vườn hoa năm ngoái,

Đoá hồng đào hái buổi còn xanh.

Trên gác phượng, dưới lầu oanh,

Gối du tiên hay rành rành, song song.

Trong cung, nàng được nghe những âm thanh thật hay, nghe tiếng đàn thánh thót, trầm bổng luôn vang lừng bên tai trong những đêm vũ nhạc khiến nàng mê đắm, tê tái cõi lòng:

149.Tiếng thánh thót cung đàn thúy địch,

Giọng nỉ non ngón địch đan trì.

Càng đàn, càng địch, càng mê,

Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng.

Nhưng khi hết ân sủng rồi, giả sử như nghe được những tiếng đàn hát ấy từ nơi cung nữ khác vọng lại nàng có còn mê đắm, tê tái hay không? Tất nhiên là không, vì không còn ai bên cạnh để cận kề, ân ái, nàng bây giờ chỉ chú tâm đến những âm thanh bi thương như “tiếng dế kêu ri rỉ”, “tiếng quyên kêu ra rả”,...rồi nàng lại so sánh, phân biệt nó với tiếng “xe dê”, “tiếng tiểu đòi”, vậy nên nàng đau khổ.

Trong cung, nàng được ăn uống biết bao thứ cao sang, thơm ngon, mà người đời ít ai được nếm, được ngửi. Đến khi sống trong cảnh “trà chuyên nước mắt, hương dồn khói đôi”. Nàng nghĩ đến cảnh nhà quê cục mịch dù ăn uống có kham khổ mấy cũng được vui vầy bên chồng con trong mái nhà nhỏ ấm áp. Thức liền nảy sinh sự so sánh, phân biệt:

293.Miếng cao lương phong lưu nhưng lượm,

Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon.

Cùng nhau một giấc hoành môn,

Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.

Nàng cung nữ đau khổ vì thức tỉnh được rằng mình đã sai lầm khi chạy theo cuộc sống vương giả, ăn ngon, mặc đẹp này, để bây giờ hối tiếc, khao kát được ăn, được sống lại những thứ mà mình đã chê bai. Nàng từng dõng dạc cho rằng hoa lan mà sống nơi thôn dã thì uổng cho vẻ đẹp của nó, phải sống ở nơi vương giả mới gọi là hợp, thì giờ đây nàng lại thẹn thùng với câu nói đó.

Một thời nàng cung với nhà vua “mày lẫn mặt rồng lồ lộ”, “khi ấp mận ôm đào gác nguyệt”, ngoài yêu thương, sự cận kề xác thịt làm nàng hạnh phúc vô bờ bến. Nhưng đến khi bị rẻ rúng, nàng nhìn vào thảm cảnh cô đơn của mình nơi cung cấm, trong tâm liền nảy sinh sự so sánh, phân biệt với cuộc sống bình dị của một đôi vợ chồng nhà quê:

297.Mình có biết phận mình ra thế,

Giải kết điều óe ọe làm chi?

Thà rằng cục mịch nhà quê,

Dẫu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này!

Nàng đau khổ vì thức tỉnh được rằng nếu sớm biết cuộc sống trong cung khinh khủng như thế, sống một ngày là chết một ngày như thế thì thà làm một cô gái quê sống bên mảnh vườn miếng ruộng mà mỗi khi lòng ước muốn “chuyện yêu đương” thì cũng dễ làm nũng với người mình yêu.

Từ những nhận thức nhỏ đó, nàng đi đến một sự bừng tỉnh lớn:

285.Tiếng thúy điện cười già ra ngắt,

Mùi quyền môn thắm rất nên phai.

Nghĩ nên tiếng cửa quyền ôi,

Thì thong thả vậy, cũng thôi một đời!

Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng,

Dẫu thuê tiền cũng chẳng buồn tênh.

Nghĩ mình lại ngán cho mình,

Cái hoa đã trót gieo cành biết sao?

Mọi thứ đều có giới hạn của nó, ta không thể nào ham muốn đến tận cùng một điều tốt đẹp mãi mãi bên ta được. Bởi vì “lạc cực sinh bi”, Thuần Vu Khôn từng nói với Tề Uy Vương rằng: Khi uống quá nhiều rượu bệ hạ sẽ mất đi sự khôn ngoan. Đằng sau của sự vui sướng quá mức sẽ là khổ đau. Bởi vì, ‘sướng quá hóa khổ’. Đó là quy luật của vũ trụ. Thật vậy, quá tốt sẽ thành xấu, quá vui sẽ thành buồn, quá tươi đẹp sẽ nhạt phai xấu xí. Nàng đau khổ vì nhận ra mình quá tham lam, nếu biết được quy luật ấy sướng hơn thì giờ đây nàng đã chung sống cùng với một người đần ông quê mùa vô danh nào đó cho hết mọi kiếp người. Nhưng oái ăm thay, bây giờ: “Cái hoa đã trót gieo cành biết sao?”. Tất cả đều do Kiến thủ của nàng quá lớn, xưa kia nàng không ý thức được, cứ chấp chặt vào sự hiểu biết sai lầm của mình nên có những hành vi sai quấy, những ý kiến sai lầm, nhưng vì không đủ sáng suốt để nhận thấy, nên cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình, tự cho là giỏi, cho mình đang đi đúng hướng. 

 

Nghiên cứu cái khổ trong Cung oán, ta còn phải kể đến những nỗi khổ nhỏ phát sinh nơi tâm, chúng xuất hiện trong quá trình diễn tiến của bát khổ. Đó là Sầu, Bi, Ưu, Não.

 

Sầu được hiện ra bên ngoài là cái buồn bã, là cái rầu rĩ, là cái sầu muộn, là cái héo úa, xanh tái của làn da mặt; nhưng bên trong là sự mệt mỏi, chán chường của các tâm sở. Nó còn là sự đốt cháy âm ỉ, tuy không bốc thành lửa ngọn nhưng làm cho con tim héo úa, gan ruột như bị xào nấu trong chảo với lửa riu riu ở bên dưới. Khổ sầu bắt đầu đến với người cung nữ khi:

193.Ai ngờ bỗng mỗi năm mỗi nhạt,

Nguồn cơn kia chẳng tát mà vơi!

Suy di đâu biết cơ trời,

Bỗng đâu mà hóa ra người vị vong!

Bắt đầu từ đó nàng có những thay đổi bên trong lẫn bên ngoài. Lúc nào cũng “ủ dột”, “buâng khuâng”, không cảm thấy vui, tâm trí “vẩn vơ”, cứ mong nhớ đức lang quân của mình:

217.Chiều ủa dột giấc mai trưa sớm,

Vẻ buâng khuâng hồn bướm vẫn vơ.

Cảnh vật lúc này càng khiến cho nỗi sầu khổ đó dâng cao:

221.Ngấn phượng liễu chòm rêu lỗ chỗ,

Dấu dương xa đám cỏ quanh co.

Lầu Tần chiều lạt vẻ thu,

Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.

Ngày chờ, đêm chờ, càng cô đơn, nàng cung phi càng sầu khổ:

225.Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng,

Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền.

Lạnh lùng thay giấc cô miên!

Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u.

Ngày tháng trôi qua, người cung phi không biết làm gì ngoài việc chờ đợi, tranh đẹp thì không muốn ngắm, mặt cứ buồn trông, đi, đứng, nằm ngồi đều mang vác theo nỗi sầu khổ ấy, rồi lại than thở với trăng trời, hoa cỏ:

229.Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ,

Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu.

Một mình đứng tủi ngồi sầu,

Đã than với nguyệt, lại rầu với hoa!

Nàng lâm vào tình cảnh của một đóa hoa đẹp, ngát hương, mà chẳng con bướm nào tìm tới khiến cho nó phải gầy héo, xác xơ:

233.Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải,

Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ.

Hoa này bướm nỡ thờ ơ!

Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng!

Để nàng phải lâm vào khổ Bi. Khổ bi được biểu lộ bên ngoài là khóc than, rên rỉ, kể lể, trách cứ,...chứ không còn hiện ra trên nét mặt, dáng vẻ, điệu bộ nữa. Là cái khổ cao hơn sầu một bậc. Lửa bị nung đốt bên trong cũng mạnh hơn nên nó làm cho tim gan khô cháy, làm cho môi khô, cổ rát, lưỡi đắng.

Không còn tình yêu, nàng cung phi thấy thời gian trôi qua như dài vô tận. Trước “hoa đèn” lúc này là một “vẻ tiêu tao” hiện lên trên gương mặt tiều tụy, hốc hác. Tiếng cười, giọng hát phát ra nhuốm màu bi thương:

304.Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ,

Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn.

Muốn đem ca tiếu giải phiền,

Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.

Nàng bắt đầu kể lể, so bì tình cảnh hiện tại của mình với Ngưu Lang, Chức Nữ, mỗi năm họ còn được gặp mặt nhau một lần, còn nàng thì bao năm dài đã trôi qua vẫn “chực phận buồng không”:

309.Sinh ly đòi rất thời Ngâu,

Một năm còn thấy mặt nhau một lần.

Huống chi cũng lạm phần son phấn,

Luống năm năm chực phận buồng không!

Nàng ra vào vườn thượng uyển, trách sao người con gái “quần thoa” như mình mà phải sống cảnh lạnh lùng như thế, lại tự hỏi gió đông có thù oán gì với hoa đào mà không bay tới cuốn nó đi, để nó nằm đó, phơi mình dưới ánh nắng chang chang:

325.Trên chín bệ có hay chăng nhẻ?

Khách quần thoa mà để lạnh lùng!

Thù nhau chi, hỡi đông phong!

Góc vờn dãi nắng cầm bông hoa đào.

Khi cái khổ đã len sâu, thấm đẫm ở trong tâm hồn. Khổ Ưu xuất hiện. Nó là sự bức bách, thống khổ đã cao hơn bi một bậc. Nó làm cho sự lo buồn, lo nghĩ cứ như là thốn đau, nhức nhối tận tâm can. Ai bị nanh vuốt của ưu tóm lấy do bị lửa nung đốt bên trong thì kẻ đó than khóc, bứt tóc bứt tai, đấm ngực, lăn qua lộn lại, vật vã, đớn đau ê chề, không ngừng nguyền rủa, chửi bới, phẫn nộ,...vì không kiểm soát mình được nữa.

Nàng chửi tạo hóa sao quá độc ác, an bày sao để nàng dấn thân vào cái “kim ốc” đầy phiền lụy này. “Chống tay” ngồi xuống “ngẫm” lại tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình, nàng muốn thét lên thật to, thật lớn,thật dài cho thỏa nỗi căm tức của mình:

329.Tay Tạo Hóa cớ sao mà độc,

Buộc người vào kim ốc mà chơi.

Chống tay ngồi ngẫm sự đời,

Muốn kêu một tiếng cho dài, kẻ căm!

Nàng tức, tại sao cùng là hạng cung phi như nhau mà người thì được sủng ái, kẻ lại sống trong cô đơn, lạnh lẽo. Chỉ vì nhan sắc của nàng “phai son lạc phấn” mà bị nhà vua rẻ rúng như thế thì thật không công bằng. Nàng lại chửi Nguyệt Lão khéo trêu người, chỉ hồng không lấy xe duyên, lại lấy cái sợi tơ mành:

333.Nơi lạnh lẽo, nơi xem gần gặn,

Há phai son nhạt phấn ru mà!

Trêu người chi bấy trăng già?

Sao con chỉ thắm mà ra tơ mành?

Khi khổ ưu đã đến chỗ cao độ, đã đến chỗ thất vọng, tuyệt vọng hoàn toàn thì xuất hiện khổ Não. Tuy không còn biểu hiện lộ liễu ở bên ngoài như ưu, bi nhưng nó tương tự như sau khi xào nấu, tim gan ruột đã teo tóp, khô quắp lại.

Khi nỗi khổ tâm hồn đã đến hồi đỉnh điểm, nàng cung phi không còn chịu đựng được nữa, nàng khao khát muốn đi tu:

45.Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế

Sợi xích thằng chi để vướng chân?

Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,

Nước dưới muốn rảy nguội dần lửa duyên.

Sầu bi ưu não ở trên một phần do kết hợp với cầu bất đắc khổ nên sinh ra khổ. Càng chờ, càng đợi, càng thất vọng, tuyệt vọng cho đến cuối nàng cung phi mới thấm thía rằng:

353.Bóng câu thoáng bên mành ấy nỗi

Những hương sầu phấn tủi bao xong!

Cuộc đời nàng là cái gì chung thân bất nghịch ý, bất như ý, bất toại nguyện! Không có một nhu cầu thỏa mãn nào, qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân có thể làm cho nàng vừa lòng, toại nguyện; nàng luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, không được vừa ý; do vậy thúc hối nàng đi tìm để thỏa mãn nữa. Nhục dục ngũ trần thì càng uống, càng khát và rồi càng tầm cầu thỏa mãn càng đối diện với hư vô, bị hư vô nuốt chửng hay bị hư vô thiêu cháy! Hai câu kết tác phẩm, chính nàng lại tiếp tục để mình dấn thân vão cõi luân hồi ấy, nàng quyết định trau truốt lại diện mạo của mình, để một ngày nào đó, nhà vua sẽ đoái hoài tới nàng:

355.Phòng khi động đến cửu trùng

Giữ sao cho được má hồng như xưa.

 

Vậy nguyên nhân của những nỗi khổ ấy là do đâu? Đầu tiên phải kể đến Tham, lòng tham của người cung nữ đại diện cho lòng tham của thế nhân. Tham: nghĩa là tham lam. Tánh tham có động lực bắt ta phải dòm ngó, theo dõi những cái gì nó ưa thích, như tiền tài, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở,... rồi nó xúi ta lập mưu nầy, chước nọ để tầm kiếm cho được những thứ ấy. Ðiều tai hại nhất là lòng tham không có đáy, thâu góp bao nhiêu cũng không vừa; được một muốn có mười, được mười muốn có trăm. Tham cho mình chưa đủ, còn tham cho bà con quyến thuộc và xứ sở của mình. Cũng vì tham mà cha mẹ vợ con xung đột; cũng vì tham mà bè bạn chia lìa; cũng vì tham mà đồng bào trở lại xung đột, xâu xé nhau; cũng vì tham mà chiến tranh tiếp diễn, giết hại không biết bao sinh linh. Tóm lại, cũng vì tham mà nhân loại, chúng sinh chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ.

Tiếp theo nữa phải kể đến lòng Sân. Sân: nghĩa là nóng giận. Khi gặp những cảnh trái ý nghịch lòng, như lòng tham không được toại nguyện, thì sân nổi lên, như một ngọn lửa dữ đốt cháy lòng ta. Thế là mặt mày đỏ tía hay tái xanh, bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ, có khi dùng đến võ lực hay khí giới để hạ kẻ đã làm trái ý, phật lòng ta. Vì nóng giận mà cha mẹ, vợ con, anh em xa lìa, bạn bè ly tán; vì nóng giận mà đồng bào trở nên thù địch, nhân loại đua nhau ra chiến trường; vì nóng giận mà kẻ bị tàn tật, người vào khám đường, kẻ mất địa vị, người tan sự nghiệp. Kinh Hoa Nghiêm chép: "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai", nghĩa là một niệm sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Sách Phật chép: "Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn", nghĩa là một đóm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. Thật vậy, lửa sân hận đã bừng cháy lên giữa lòng nhân loại, và đã đốt thiêu không biết bao nhiêu là công lao, sự nghiệp mà nhân loại đã tốn bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để tạo nên. Nàng cung phi, tham cuộc sống vương giả, tham làm vợ vua, tham thanh danh, địa vị làm chi, để rồi khi ân sủng không còn nữa bèn sân hận, chửi trời, oán đất, trách cứ cuộc đời mình không thôi...

Chỉ vì nàng quá si mê, mờ ám. Không ý thức được đâu là đúng sai, là hạnh phúc, là đau khổ, không hiểu được lẽ vô thường của vạn vật trên thế gian. Cái Si khiến nàng bị trùm trong một tấm màn dày đặc, đen tối, làm cho nàng không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Do đó, ta gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho chính mình. Con người, vì si mà lòng tham trở thành không đáy, bởi vì nếu người sáng suốt thấy cái tai hại của tham, thì người ta đã kềm hãm được một phần nào tánh tham. Vì si mà lửa sân tự do bùng cháy; nếu người sáng suốt biết cái tai hại của lửa sân thì không để cho nó hoành hành như thế. Có câu "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì" nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm. Nói một cách dễ hiểu hơn: Không sợ tham và sân, mà chỉ sợ si mê. Thật đúng như thế: Nếu tham, sân nổi lên, mà có trí sáng suốt ngăn chận lại, thì tham, sân không làm gì được. Nói một cách rốt ráo hơn, nếu đã có trí huệ sáng suốt thì tham, sân không thể tồn tại được; như khi đã có ánh sáng mặt trời lên, thì bóng tối tất nhiên phải tự tan biến. 

Ba tánh tham, sân, si này, nhà Phật gọi là ba món độc; vì do chúng nó mà chúng sinh phải chịu nhiều kiếp sinh tử luân hồi, đọa vào địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh.

Bên cạnh đó còn do cái Mạn. Mạn tự nâng cao mình lên và hạ người khác xuống; tự thấy mình là quan trọng mà khinh rẻ mọi người; ỷ mình có tiền của, tài trí hay quyền thế mà dương dương tự đắc, mục hạ vô nhân, khinh người già cả, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn lướt người trên. Vì lòng ngã mạn cho mình là đẹp nhất (như hoa phù dung, như nàng Đào Kiển, làm chim sa cá lặn, làm Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình), cho mình là tài giỏi nhất (làm thơ thì giỏi như Lý Bạch, vẽ tranh lại khéo hơn Vương Duy, đánh cờ tài hơn Đế Thích, tửu lượng cao hơn Lưu Linh, đàn hay hơn Tư Mã Tương Như, tiếng sáo thổi khiến Tiêu Sử cũng giật mình, múa khúc Nghê Thường còn đẹp hơn tiên nữ cung trăng) để một ngày khi những chạm tráng cùng những bông hoa đẹp khác trong cung, cái Mạn ấy bị chặn đứng lại, nàng thất vọng và đau khổ cho chính lòng tự phụ của mình.

Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi nằm gói gọn trong một chữ “Ái” (ham muốn) theo giáo lý nhà Phật. Ái là một năng lực tinh thần hết sức mạnh mẽ, luôn tiềm ẩn trong tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Nó chính là nguồn gốc của mọi khổ đau. Con người thường thích chạy theo tiếng gọi của ham muốn như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon ngọt, xúc chạm êm ái,… Lòng ham muốn càng mạnh thì chấp ngã, chấp thủ càng mạnh. Đây chính là động cơ, là nghiệp lực dẫn đến tái sinh từ đời này sang đời khác. Ái là một năng lực tinh thần hết sức hùng mạnh, luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người, mọi chúng sanh và là cội nguồn của bao nhiêu điều bất hạnh trong đời.

 

Qua nghiên cứu tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều bằng cách áp dụng chân lý “Bát khổ” của Phật học, người viết nhận thấy rằng mọi khía cạnh của bát khổ khi đưa vào phân tích tác phẩm đều tìm được dẫn chứng phù hợp và đưa đến kết luận một cách thuận lợi. Qua đó ta thấy được việc miêu tả số phận đau thương của nàng cung nữ trong phủ chúa Trịnh ngày ấy không phải là mục đích chính của Nguyễn Gia Thiều. Hàm chứa đằng sau đó là những nỗi khổ không thể nghĩ bàn của con người mà khi sinh ra đến khi già đi họ phải gánh chịu. Vì giác ngộ được Tứ Diệu Đế, hiểu được lẽ vô thường của cuộc sống, Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc như một ví dụ sinh động cho chân lý Bát khổ trong Tứ Diệu Đế. Song song với hình ảnh nàng cũng nữ, ta thấy ẩn hiện đằng sau đó là cuộc đời chìm nổi, đau thương, lưu lạc của Nguyễn Gia Thiều và tình cảnh xã hội tiêu điều thời vua Lê chúa Trịnh. Ông viết Cung oán như tiếng thở dài cho những con người bất hạnh thời kỳ đó, cho chính ông, và cho cả nhân loại từ quá khứ, hiện tại, đến vị lai của một người đã giác ngộ được lẽ vô thường cuộc sống. Qua tác phẩm, Nguyễn Gia Thiều như muốn nhắn nhủ với người đời rằng: “Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ và bám víu vào những gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau. Lòng tham là đầu mối của các bám víu và vướng mắc, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân. Ham muốn nhiều thì vất vả, khổ sở nhiều. Đó là quy luật. Con người cứ tưởng rằng họ đạt được nhiều tiền bạc hay địa vị cao là họ thỏa mãn, họ có hạnh phúc. Nhưng thực tế thì vui ít, hạnh phúc ít mà buồn sầu đau khổ thì nhiều. Cuối cùng con người cũng nhận ra chân lý đơn giản này khi họ buộc phải từ bỏ tất cả, như khi chết chẳng hạn,…Nỗi đau khổ của cuộc đời giống như nồi nước đang sôi, ngọn lửa làm cho nước sôi là ngọn lửa tham dục. Ngọn lửa càng lớn, nước càng sôi và càng cạn kiệt; ngọn lửa càng yếu thì nước sôi sẽ bớt nhiệt độ và hết sôi. Cũng vậy, ngọn lửa tham dục bớt đi thì đau khổ sẽ giảm, giảm mãi hàng ngày đến lúc không còn giảm nữa thì con người sẽ thoát khỏi được những phiền não khổ đau do tham dục gây ra và sự giải thoát tối hậu được thành tựu.”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt, NXB Văn học.
  2. Trương Chính (1990), Ngụ ngôn Trung Quốc, NXB Giáo Dục.
  3. Ngô Viết Dinh 1976), Đến với Cung oán ngâm khúc, NXB Thanh Niên, 2002.
  4. Hồ Sĩ Điệp, Lâm Quế Phong (1997), Tủ sách văn học trong nhà trường, quyển 12, NXB Văn Nghệ.
  5. Nhiều tác giả (2016), Giá trị Văn học trong kinh Phật, NXB Hồng Đức.
  6. Nhiều tác giả, Lịch sử Văn học Việt Nam, tập ba, NXB Giáo dục.
    1. Thích Thiện Hoa (2002), Phật học phổ thông, tập 1,  NXB Phương Đông
    2. Thuần Phong (1959), Khảo luận về Cung oán ngâm khúc, NXB Nam Sơn.
    3. Lê Tâm (1950), Thân thế và thi ca Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc, NXB Cây thông.

10. Nguyễn Gia Thiều (2004), Cung oán ngâm khúc,  NXB Văn Hóa Dân Tộc.

11. Thanh Long, Hoàng Yến (2010), Kiến thức Phật Học, NXB Phương Đông.

12. Hoài Quỳnh (2004), Ca dao Tục ngữ Việt Nam, NXB Thanh Hóa.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập