Thách thức về những " biến dạng " trong văn hóa tâm linh các lễ hội

Đã đọc: 1090           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Lễ hội ở các nơi trên thế giới có thể đông nhưng bát nháo như đất nước ta hiện nay:người hoan hỷ khi cướp được lộc thánh, người đau khổ vì cầu chưa xong đã mất tài sản, kể cả dẫm đạp nhau.

Hiện tượng nhét tiền, vuốt bụi Phật, Bồ-tát và các vị thần Thánh ở các chùa, đền mang dáng vấp của du lịch tâm linh, của tín ngưỡng dân gian với sự chen lấn, rải tiền, xin lộc rồi tranh lộc, phát ấn, ném tiền, rải gạo, đánh bài, nói tục, thậm chí xô xát cãi vã... những hình ảnh thiếu văn hóa này không phải giờ này mới có. Mà nó đã có từ lâu trong mấy chục năm qua, nó đã trở thành vấn nạn chung của xã hội..

Tinh hoa văn hóa dân tộc đất nước Việt Nam chính là truyền thống đạo đức là nét đẹp tinh thần của cha ông ta ngày xưa. Nay đã biến dạng quá nhiều bởi do thiếu hiểu biết và trình độ nhận thức về văn hóa đạo đức lành mạnh. Di sản tinh thần của một dân tộc thể hiện rõ nhất qua các lễ hội văn hóa được thông qua các vị anh hùng xen lẫn tín ngưỡng dân gian. Các anh hùng dân tộc là thuốc thử màu bộc lộ tâm lý của một dân tộc. Qua cách chọn lựa và tôn vinh các anh hùng, các dân tộc tiết lộ những giá trị mà mình ôm ấp. Nếu chúng ta thay đổi cách nhận định anh hùng dân tộc thì đồng thời chúng ta cũng thay đổi các giá trị nền tảng của xã hội ta, chúng ta sẽ thay đổi cách suy nghĩ và hành động và do đó thay đổi số phận của chúng ta ngày càng sống tốt hơn.

Đất nước ta hiện nay còn rất nhiều lễ hội văn hóa và tín ngưỡng dân gian pha trộn lẫn với văn hóa ngoại lai có tính cách làm tổn hại người và vật quá mức.

Hiện tượng nhét tiền, vuốt bụi Phật, Bồ-tát và các vị thần Thánh ở các chùa, đền mang dáng vấp của du lịch tâm linh, của tín ngưỡng dân gian với sự chen lấn, rải tiền, xin lộc rồi tranh lộc, phát ấn, ném tiền, rải gạo, đánh bài, nói tục, thậm chí xô xát cãi vã... những hình ảnh thiếu văn hóa này không phải giờ này mới có. Mà nó đã có từ lâu trong mấy chục năm qua, nó đã trở thành vấn nạn chung của xã hội. Tuy nhiên nó vẫn được duy trì bởi một số ban ngành đoàn thể, có chức năng điều hành và giám sát, thực thi chưa nghiêm túc dẫn đến những hành động văn hóa thiếu ý thức và không lành mạnh.

Lễ hội văn hóa là tấm gương phản chiếu thái độ sống của một dân tộc. Đất nước thịnh hay suy, tiến bộ hay lạc hậu, ta chỉ cần nhìn vào các lễ hội thì có thể biết rằng vận mệnh đất nước đó đang trên đà phát triển hoặc đang dần bị tha hóa bởi những hủ tục… có tính cách hại người vật một cách quá mức. Cứ đến ngày tết và các lễ hội sau tết, nhiều người đổ xô đến các chùa chiền, miếu mạo, đền phủ để cầu xin sự phù hộ của Phật Bồ-tát, và các thánh thần.

Có rất nhiều người đi hàng chục ngôi chùa, rủ nhau trở thành hội đi chùa, tạo ra một mùa hành hương. Trong số đó có không ít quan chức nhà nước đi miếu, chùa bằng xe biển số xanh, nhất là các bà vợ của họ. Họ dâng sớ cầu xin đủ thứ trên đời, nào cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu tình, cầu duyên, cầu tự và cả những thứ “độc địa” khác nữa. Hàng triệu con người bỏ thời gian đi tới những nơi được coi là linh thiêng với thái độ hối hả, lo lắng, sợ sệt, tự ti chen lẫn khoe mẽ. Nhiều tỉ đồng tan thành mây khói nuôi dưỡng cho niềm tin mơ hồ nhưng rất mãnh liệt.

Lễ hội ở các nơi trên thế giới có thể đông nhưng bát nháo như đất nước ta hiện nay:người hoan hỷ khi cướp được lộc thánh, người đau khổ vì cầu chưa xong đã mất tài sản, kể cả dẫm đạp nhau.

Rất nhiều chuyện trong nền văn hóa Việt Nam thời hiện đại như "mua thần, bán thánh", mê tín dị đoan, tranh giành lộc, cướp phết.... Vấn đề đây có lẽ ở nhiều khía cạnh, cả khía cạnh văn hóa, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm và những người quản lý văn hóa Việt Nam. Cần phải phân tích rõ, cái gì tốt thì khen ngợi, những cái gì thuộc về hủ tục, không tốt cần phê phán và loại trừ.. Cần hội thảo và cải cách lại lễ hội nào nên giữ, tiếp tục phát huy; lễ hội nào mang nặng sắc thái hủ lậu có tính hại người và vật một cách quá đáng thì loại bỏ.

Hối hả, giành giật, chen chúc, xô xát, chặt chém, lừa lọc, chửi bới, hối hận, cay cú, máu me,… là trạng thái tâm thần của lễ hội chúng ta. Từ “phụ mẫu của dân” đến tất cả con dân của một đất nước phải vịn vào thánh thần mà đi tới tương lai thì quả thật đất nước đang có vấn đề, vượt ra khỏi tâm linh trong sáng mà chuyển sang một trạng thái cực đoan khác. Không thể kéo dài tình trạng này được nữa, những người có trách nhiệm cần phải có nhận thức đúng, phải có thái độ đúng và hành xử đúng để giúp mọi người sống có văn hóa đạo đức hơn.

Một đất nước mà nghèo nàn lạc hậu là nguyên nhân dẫn đến suy đồi đạo đức trầm trọng. Một dân tộc mà số đông chỉ dựa dẫm vào thánh thần thì sẽ ra sao trong tương lai?

Song, hòa lẫn trong không khí thiêng liêng ấy là những thói quen xấu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh tôn nghiêm, trang trọng của những nét văn hóa đó. Đáng buồn thay, dù đã có những bài viết phản ánh vấn đề trên nhưng dường như năm nào tình trạng này cũng tái diễn.

Tập tục giết trâu, chém lợn để tế thần vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Khi mà những tập tục này vẫn còn tồn tại, là một một trong những nguyên nhân dẫn đến suy đồi đạo đức. Kẻ đã quen tay giết vật một cách tàn nhẫn như thế, lâu ngày sẽ dám giết người. Ngày xưa ông vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng suốt đưa Phật giáo vào áp dụng trong toàn dân và phá bỏ các hủ tục tập tục có hại đến người và vật. Một người phật tử chân chính không sát sinh hại vật thì không bao giờ giết người. Hiện nay, nhiều vụ án giết người dã man đã xảy ra làm đau lòng nhân thế. Chúng tôi có câu danh ngôn để răn nhắc chính mình: “Tiên học đạo đức làm người, hậu học chữ nghĩa kiến thức” nếu ai cũng áp dụng được câu này thì nhân loại sẽ tránh được cảnh máu đổ thịt rơi. Than ôi, một kiếp người quá mong manh, không thở là chuyển sang đời khác để làm súc sinh mà trả nghiệp si mê của mình.

Đây là nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam trên 4000 văn hiến, hiện nay tệ nạn xã hội tràn lan bệnh viện không chỗ chứa, nhà tù phải thả trước hạn, vì sao?......42 năm đất nước đang sống trong hòa bình ấy thế mà tình người không còn nữa, cha đẻ hiếp dâm con ruột và rất nhiều vụ án giết người khác... phải chăng tư tưởng gia trưởng, phong kiến của cái gọi là ban phước giáng họa đã dần hủy diệt con người.
 
So với mấy chục năm về trước, con người chết vì chiến tranh ít hơn gấp mấy chục lần thời nay chết vì thiếu hiểu biết, do đạo đức suy thối trầm trọng. Tôi, kẻ tăng lữ đã một thời lầm lỗi vì không tin nhân quả! May nhờ quy hướng về Phật pháp, tu theo Phật giáo Lý - Trần mà đã từ bỏ rất nhiều thói hư tật xấu.
 
Chính vì thế, không thể ngồi yên đành phải có tiếng nói... tất nhiên sẽ đụng chạm rất nhiều người không tin nhân quả. Cuộc sống không thể làm vừa lòng hết mọi người... chỉ mong người cảm thông để cùng xây dựng một đất nước văn minh, giàu đẹp có văn hóa và đạo đức chân thật. Chút lòng thành xin gửi gắm chư huynh đệ pháp lữ gần xa... Chúng ta hãy đem yêu thương vào nơi oán thù để mình và người cùng vui sống chan hòa mà có sự cảm thông và tha thứ cho nhau.

Phải mất vài trăm năm hoặc lâu xa hơn nữa thì con vật mới có thể thành con người. Nhưng chỉ với vài trăm nghìn đồng hoặc vài triệu đồng không khéo con người sẽ trở thành con vật khi còn đang sống, vì nghiệp ngu si mê muội của mình.
 
Những ngày đầu năm, hình ảnh tiền lẻ được rải trên tượng Phật dường như đã không còn xa lạ với rất nhiều người. Rải tiền cho Phật như một cách mua bán, đổi chác để nhận lại phước lộc cho mình. Điều này đi ngược lại với quan điểm của nhà Phật. Chúng ta nên nhớ rằng, Phật không nhận tiền bạc để gia hộ cho bất cứ ai. Và việc sờ tượng Phật, xoa tiền vào chuông đồng cũng không thể giúp người ta nhận được may mắn, bình an như nhiều người vẫn nghĩ. Việc rải gạo, muối lại càng không đem lại lợi ích gì ngoài việc lãng phí nguồn thực phẩm và tăng thêm gánh nặng môi trường.
 
Tin sâu nhân quả và biết áp dụng vào đời sống hằng ngày sẽ giúp ta có thêm ý chí và nghị lực phi thường để vượt qua nỗi khổ, niềm đau, dám làm dám chịu về mọi hành động của bản thân. Mình làm lành được hưởng nhiều phước báo, mình làm ác chịu nhiều khổ đau mà không than thân trách phận, đổ thừa tại-bị-thì-là…, hoặc phó thác số phận cho ai đó. Người không tin sâu nhân quả sẽ có thái độ thấp hèn, yếu đuối, luôn bi quan, chán nản, sống trong lo lắng, sợ hãi vì hay làm nhiều việc xấu ác để hại người, hại vật. Từ con người cho đến muôn loài, muôn vật luôn chịu sự chi phối của nhân quả, không có gì ngẫu nhiên khi không mà có và không có sự sắp xếp của đấng tối cao nào để buộc con người noi theo giáo điều thiển cận mà không có sự trải nghiệm thực tế.

Đạo Phật không phải là một tôn giáo như mọi người thường lầm tưởng, đạo Phật là một triết lý sống giúp con người biết được điều hay lẽ phải để biết cách tu tập, hành trì, chuyển hoá phiền não tham - sân - si thành vô lượng trí tuệ từ bi. Đạo Phật có chất liệu tình thương nhờ biết từ - bi - hỷ - xả nên rất gần gũi và thực tế trong đời sống con người nhờ biết sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời nhằm chia vui, sớt khổ để phục vụ lợi ích cho tất cả chúng sinh. Đạo Phật luôn nêu cao tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người do chính mình quyết định.
 
Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng họa. Một con người, một gia đình, một xã hội luôn có niềm tin sâu sắc với nhân quả thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Nhờ tin sâu nhân quả nên tuổi trẻ biết dấn thân phục vụ vì lợi ích tập thể, luôn hòa mình vào cộng đồng xã hội để có dịp đóng góp và phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp sống còn của nhân loại; tin sâu nhân quả và ứng dụng vào đời sống hằng ngày, lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành ngay tại đây và bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
 
Cuộc sống luôn xoay vần bên hai chữ nhân quả. Làm thiện tích phước hưởng lộc chân chính, làm ác nhận quả khổ đau trong nay mai. Không một ai có thể giúp mình ngoại trừ mình. Tham, sân, si còn trong những tờ tiền đó, còn trong tâm ta đó thì làm sao có thể xây tháp phước lành cho bản thân?
 
Khi con người không tin nhân quả, không tin tội phước, không tin có đời sống kế tiếp thì họ sẽ làm bất cứ điều gì họ mong muốn. Họ có thể giết cha mẹ để đổi lấy quyền lực. Xưa và nay rất nhiều hạng người như thế? Các triều đại phong kiến trong lịch sử đã để lại những bài học vô cùng quý báu, để cho chúng ta thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, ít ai quan tâm đến điều này khi họ có quyền cao chức trọng, đạo đức suy đồi một phần lớn là do lỗi của những người lãnh đạo, người dân chỉ là phần phụ thuộc vì ảnh hưởng chính sách có nghiêm minh và đạo đức hay không?
 
Một bằng chứng lịch sử Phật giáo Lý - Trần Việt Nam khi vua quan là các phật tử thuần thành, biết xem trọng đạo đức, biết quan tâm đến người dân đã giúp cho dân chúng sống thương yêu nhau bằng trái tim có hiểu biết. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề xuất lệnh cấm đốt pháo và cấm triệt để, nhờ vậy mỗi năm cứu được vài trăm người chết về làm pháo lậu và tiết kiệm được cả 100 tỷ đồng hàng năm. Không bị xảy ra nạn cháy nhà vào những dịp lễ tết, không tiếp tay cho nạn mua bán các vật liệu nổ để làm pháo và còn rất nhiều thiệt hại khác liên quan đến làm pháo.
 
Đất nước Việt Nam đã thống nhất 42 năm, nhưng tệ nạn xã hội tràn lan do người phi đạo đức quá nhiều. Ô nhiễm môi trường sống trầm trọng, ô nhiễm thực phẩm và ô nhiễm đạo đức bởi văn hóa mê tín ngoại lai xâm nhập. Khi mà dân tộc Việt Nam có trên 80% không tin nhân quả, nên ngày hôm nay mới xảy ra nhiều chuyện đau buồn đến thế. Phật dạy chỉ có trùng trong thịt sư tử mới ăn thịt sư tử. Cũng lại như thế… đất nước suy đồi đạo đức trầm trọng không phải do người đất nước khác làm lũng đoạn.
 
Chúng tôi là tu sĩ Phật giáo có nhiệm vụ truyền bá đạo đức làm người theo tinh thần Phật giáo Lý - Trần với phương châm “tốt đời đẹp đạo” tôn trọng luật pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay chùa, đền, phủ, miếu là biểu tượng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Ấy thế mà đại đa số con người đến đây chỉ để cầu cúng van xin thậm chí có nhiều chỗ tranh giành cướp giật…
 
Chỉ nhìn các lễ hội văn hóa Việt Nam là biết con người đang tiến bộ hay lạc hậu? Khi viết bài này chúng tôi rất hổ thẹn và xấu hổ vô cùng… nhưng lời thật mất lòng! Tôi? Một con người đã từng lầm lỡ, đã từng đầu trộm đuôi cướp, đã từng làm nhiều người đau khổ. Nay nhờ gặp Phật pháp chân chính mới hồi đầu phục thiện đã và đang làm những nhiệm vụ cao quý, mang thông điệp từ bi trí tuệ của đạo Phật để gieo hạt giống lành đến với tất cả mọi người.
 
Khi con người biết tin nhân quả thì tất nhiên sẽ sống tốt hơn, sống có trách nhiệm để làm tròn bổn phận đối với gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội. Quy luật nhân quả sẽ không chừa bỏ một riêng ai, chúng ta có thề qua mặt luật pháp dưới nhiều hình thức nhưng không thể dối chính mình, mình làm gì mình biết? Thế gian có quá nhiều người ác do không tin nhân quả, nên khi có quyền hành trong tay họ sẵn sàng tán tận lương tâm để vơ vét về cho riêng mình và trù dập người khác. Than ôi! Đạo đức ngày càng suy thối trầm trọng là do đâu? Không thể do thần linh thượng đế, chỉ do con người thiếu hiểu biết mà nên nông nổi này.
 
Việc thứ hai là sự chen lấn dâng hương và tranh giành, cướp lộc trong các lễ hội. Sự chen lấn, tranh giành, thậm chí là dùng bạo lực là sự thể hiện rõ nhất của tính tham lam trong mỗi con người. Người ta tranh nhau chỉ để bản thân mình sở hữu được cái may mắn, cái tài lộc. Tâm không tịnh, nghĩ sai, làm sai thì chắc chắn rằng, quả ngọt sẽ không có trong vườn công đức. Đó là còn chưa kể đến những việc làm này còn tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản cá nhân của mỗi người.
 
Xót xa hơn, những hành động phản cảm như vô tư cười nói, chơi bài, viết vẽ lên cây trái trong chùa, nói tục, xô xát lại được người ta thản nhiên thực hiện. Không chỉ riêng khu vực đền chùa mà ngay cả những nơi công cộng, khu vui chơi, địa điểm du lịch nói chung thì những hành động trên cũng đáng bị lên án. Ứng xử với môi trường, với con người xung quanh thiếu văn hóa như vậy thì còn đâu một chút tâm thành?
 
Suy cho cùng, việc lên chùa cầu tài lộc, an yên, thậm chí cúng sao giải hạn cũng chỉ là cách để người ta cảm thấy an tâm hơn trước cái gọi là số mệnh. Tuy nhiên, số mệnh mỗi người là do tự thân họ nắm bắt, không có vị thần linh hoặc một sức mạnh siêu nhiên nào có thể thay đổi quy luật nhân quả. Như đã nói, làm việc thiện ắt có quả lành, làm ác sẽ nhận quả đắng. Giữ tâm thanh tịnh, nghĩ điều hay, làm việc tốt sẽ có phước báo. Thấy người gặp nạn không giúp đỡ, thấy việc tốt không làm, nói lời cay độc, làm việc phương hại đến người khác,... thì dù có cầu cúng vạn lần cũng không thoát khỏi hai chữ nhân quả.
 
Trong gia đình phải kính trên nhường dưới, hiếu kính với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em. Với họ hàng, hàng xóm láng giềng nên thường hỏi han, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Với mọi người xung quanh, sống chân thành và không vì lợi mình mà hại người. Sống phải biết yêu thương, quý trọng vạn vật quanh mình.
 
Bên cạnh đó, muốn bỏ đi những cái xấu trong thân, khẩu, ý thì bản thân mỗi người phải tự nhận thức cái đúng, sai trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Thấy người khác làm sai thì nhẹ nhàng nhắc nhở và không bao giờ được làm việc đó, dù là những việc nhỏ nhặt. Trẩy hội, lễ chùa, chớ thấy người khác chen lấn cướp lộc, rải tiền mà làm theo. Tới nơi công cộng không được vứt rác bừa bãi. Phàm việc gì cũng nên suy nghĩ, cân nhắc trước khi nói và làm, không hùa theo đám đông nếu thấy việc đó là sai.
 
Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước biết bố thí cúng dường,
Trang nghiêm tượng Phật bằng vàng ròng.
Đời nay hưởng phước giàu sang,
Quan quyền thế lực muôn người kính tin.
 
Người được làm quan dĩ nhiên không phải chuyện đơn giản, người đó phải nhiều đời siêng năng, chăm chỉ học hành, có kiến thức sâu rộng, khi làm việc luôn giúp dân, giúp nước được cơm no áo ấm, lại hay biết tôn kính cúng dường người tu hành chân chánh, ủng hộ xây dựng chùa chiền, thành lập đạo tràng giúp mọi người tu dưỡng đạo đức tâm linh. Làm quan thì ba họ được nhờ, cùng nhau biết cách tích lũy thêm phước đức nên càng giúp ích cho xã hội, làm giảm bớt tệ nạn xấu ác giúp mọi người sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
 
Bởi do kiếp trước khéo tu,
Kiếp này con cháu võng dù xênh xang.
 
 
Ngày nay, nơi nào lãnh đạo chính quyền các cấp biết quan tâm lo lắng cho dân, mở rộng mạng lưới giáo dục, phát triển con người tâm linh thì đời sống nơi đó khấm khá hơn, con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn nhờ hiểu biết tin sâu nhân quả mà cùng nhau dìu dắt, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ngược lại, nơi nào lãnh đạo chính quyền các cấp tham nhũng, lãng phí, tham ô của công thì nơi đó người dân sẽ sống nghèo hèn, thấp kém, tệ nạn xã hội lan tràn mà gây khổ đau cho người và vật.
 
Bố thí cúng dường là con đường dẫn đến giàu có và nhiều uy quyền thế lực, giúp chúng ta sung mãn, đầy đủ về vật chất trong hiện tại và mai sau. Người biết bố thí luôn mở rộng tấm lòng nên được phước làm vua quan, càng có cơ hội giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa; nhưng nếu thiếu tu tập chuyển hóa phiền não tham - sân - si thì dễ sinh tâm cống cao, ngã mạn, chấp thân tâm này làm ngã là “tôi”, là “của tôi” nên nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, do đó lạm dụng quyền hành của mình mà bóc lột kẻ dưới.
 
Khi chúng ta gieo nhân tốt rồi, ta còn phải cố gắng duy trì bền bỉ, bảo vệ dài lâu thì sẽ được kết quả như ý muốn trong tương lai. Nếu chúng ta gieo nhân xấu thì phải đọa vào chỗ khốn cùng, đó là một sự thật.
 
Như vậy, người phật tử chân chính phải biết sáng suốt chọn lựa nhân tốt để gieo, tránh không làm những việc xấu ác. Đó là chúng ta biết tu theo lời Phật dạy. Bước đầu tu theo Phật là quy y Tam Bảo, tức chúng ta tạo ba chính nhân thiện lành, tốt đẹp.
 
Nhân thứ nhất là nhân sáng suốt để giúp ta không bị u mê, tối tăm che mờ; do đó không bị đọa vào địa ngục. Nhân thứ hai là nhờ có lòng từ bi, thương yêu nhân loại bằng trái tim hiểu biết nên không bao giờ bị đọa vào loài quỷ đói. Nhân thứ ba là nhờ tư duy, quán chiếu, chiêm nghiệm, xem xét, nên ta phát sinh trí tuệ; do đó không bao giờ bị đọa vào loài súc sinh.
 
Ba chính nhân này như cái đỉnh ba chân giúp ta vững vàng trên đường tu học, không bị phong ba, bão táp làm chướng ngại, nhờ thanh tịnh, sáng suốt, từ bi và trí tuệ mà hay chiếu soi muôn loài vật.
 
Muốn không đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh thì ta phải giữ giới không giết người, hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, lường gạt; và không uống rượu say sưa, hay dùng các chất độc hại như là xì ke, ma túy; thì chúng ta tránh khỏi bị người thù hằn, oán giận, tránh khỏi nhân giết hại lẫn nhau, tránh khỏi nhân si mê và tù tội.
 
Giữ được đầy đủ những giới như vậy thì hiện tại chúng ta không bị người thù oán, rình rập, giết hại, không phải bị tù tội vì vi phạm pháp luật, không bị ai phá hoại hạnh phúc gia đình, không bị ai lường gạt, hãm hại và không si mê, tối tăm để làm các việc xấu ác.
 
Khi chúng ta biết loại bỏ những tạp niệm, loại bỏ tham sân si, thân tâm ắt sẽ an lạc, con người ta sẽ bình thản hơn khi đối mặt với cuộc đời này. Tâm bình thì thân an, mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn nhờ việc bình tâm suy xét, giải quyết công việc và sắp xếp, cân bằng các mối quan hệ trong cuộc sống. Được như vậy, xuân sẽ vẹn tròn, bốn mùa đều sẽ an vui.
 
Ngày xưa con người ý thức hơn nên mọi thứ đều hài hòa. Còn bây giờ tệ nạn xã hội tràn lan, đạo đức xuống cấp trầm trọng, tranh cướp giựt, ỷ lại sống dựa dẫm, cầu khẩn van xin không được thì cướp phết. Ngày càng có quá nhiều người đánh mất chính mình, thế cho nên các hủ tục hại người, tình trạng mê tín trùm khắp trở thành một vấn nạn đang được báo động do ảnh hưởng của ngành văn hóa giáo dục có quá nhiều khiếm khuyết.
 
Cơ hội và thách thức, nếu chúng ta biết đưa văn hóa Phật giáo Lý - Trần vào trong đời sống hằng ngày như ông cha ta đã thực hiện cách nay hơn 1000 năm thì cuộc sống sẽ văn minh tiến bộ hơn, dân giàu nước mạnh với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến.
 
Thay vì đi xin lộc, tranh cướp lộc, xin cúng sao, giải hạn thì bạn hãy đến chùa tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, tu học Phật, được gần gũi những bậc cao tăng, những vị minh sư, nhờ lắng nghe và thực tập những lời dạy của đức Phật qua các vị Pháp sư vào cuộc sống thì bình an hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Tạo dựng niềm tin cho bản thân hướng về đạo đức chân chính không thể dễ dàng trong một sớm một chiều mà có được. Nó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và bền chí rèn luyện khi đã có chiêm nghiệm, quán xét và thực hành có an lạc hạnh phúc. Vậy niềm tin của chúng ta là gì?
 
Tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ của bao điều họa phúc, mình làm lành được hưởng phúc, mình làm ác chịu khổ đau. Khi gieo nhân tốt hoặc xấu, hội đủ duyên sẽ trổ quả, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi.. Chính vì thế, tự tin chính mình và sống đời đạo đức rất dễ ảnh hưởng và quan trọng hơn cả giáo dục hay tài năng. Khi ta có niềm tin vào chính mình, những người khác sẽ nhận ra nó và đương nhiên họ tin vào bạn nhiều hơn trong một khoảnh khắc nào đó. Hãy vươn lên vượt qua chính mình, đừng ỷ lại và dựa dẫm vào người khác.
 
Mọi thứ có thể mất mát hết khi quả xấu trổ ra, nhưng còn lại trong ta nhân cách sống, ý chí nghị lực và niềm tin. Cuộc sống vốn không công bằng bởi ý nghĩ, lời nói và hành động của mọi người không ai giống ai, do đó quay lại chính mình là giải pháp duy nhất giúp ta trưởng thành. Gánh nặng cuộc đời luôn làm cho con người đau khổ bởi có quá nhiều chuyện đau thương mất mát mà không nói nên lời. Con người vì mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình mà ta đành làm tổn hại đến người khác. Hãy bỏ gánh nặng xuống để lòng ta thanh thản nhẹ nhàng mà sống trong giây phút hiện tại.
 
Chúng ta phải sống như thế nào và xử trí ra sao, khi bị nỗi buồn thương, giận ghét đang ngự trị trong tâm, làm ta bất an với những ý nghĩ oán hận thù mà đánh mất chính mình.Chúng ta hãy nhìn lại để thấy rõ bản chất của những nỗi buồn là hư ảo, mong lung như làn điện chớp, mơ màng như chùm bọt tan, không thật như trăng đáy nước, như tấm gương phản chiếu mọi vật trong đó? Chúng ta hãy thường xuyên quán chiếu, soi sáng lại chính mình để thấy những vọng niệm buồn thương giận ghét là do sự phản chiếu của tâm mình, nhờ vậy ta không còn bị nỗi khổ niềm đau chi phối nữa.
 
Văn hóa trẻ thơ giống như tờ giấy trắng, chúng sẽ tiếp thu qua lời thầy cô giáo dạy ở nhà trường. Nhân cách sống, đạo đức sống, đạo lý làm người trước học lễ nghĩa sau mới học chữ, tiếp thu kiến thức vào đời với nền giáo dục nhân quả. Rèn luyện kỹ năng sống với tinh thần tự lực, không ỷ lại hay dựa dẫm vào bất cứ hình thức nào. Trẻ thơ sẽ tự khôn lớn trưởng thành theo ngày tháng với những ước mơ và hoài bão phụng sự nhân sinh, phụng sự đất nước với tinh thần đạo pháp dân tộc đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến.
 
Thế cho nên, chúng ta đến với đạo Phật nếu biết tu thì được hưởng nhân nào quả nấy tốt đẹp, còn không biết tu thì phải chuốc lấy khổ đau. Ai muốn đi tới chỗ tốt, hưởng điều tốt thì phải làm theo những gì Phật dạy. Từ nhân đi đến quả chớ không có cái khi không, ngẫu nhiên, và cũng không có ai ban phước, giáng họa cho ta hết mà chính ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

Nhân kỷ niệm 42 năm đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, chúng tôi kẻ tăng lữ xin dâng chút lòng thành, nhằm góp phần xây dựng đất nước ổn định, kế thừa và phát triển theo tinh thần Phật giáo Lý - Trần đã biết mang đạo vào đời. 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập