Tháng 7AL viết về Mẹ …

Đã đọc: 1952           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong bài toán kinh tế giữa chợ đời, Mẫu là tiền vốn, Tử là tiền lãi. Dẫu mai này ra đời khôn lớn có được sức dài vai rộng. Dẫu ngày kia có trở thành tỉ phú cao sang thì lòng cũng chớ quên rằng ngày trước ta được ra đi từ bụng Mẹ, cũng chỉ là phần lãi may mắn từ phước đức Cha Mẹ để lại mà thôi. Và thế là tôi hiểu phần nào nơi câu chữ

 

Đời người năm tháng chóng trôi qua chỉ còn là kỉ niệm; Kỉ niệm rồi cũng phai nhạt theo thời gian, Kỉ niệm một thời lưu bút học đường là kỉ niệm đẹp khó quên, nơi đó có những tháng ngày được tung tăng cắp sách đến trường, những tháng ngày mơ mộng hồn nhiên ê a học thuộc lòng thơ văn của nhiều danh nhân thi sĩ vinh danh mà có khi còn chưa hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa từng vần thơ câu chữ là gì như hai câu thơ sau trong thi phẩm Kiều nói về lễ hội tháng 3 hàng năm…

 

"... Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh..."

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

 

"Tảo mộ" là việc sửa sang quét dọn lại ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ khang trang khi những ngày xuân phân vừa đi qua, những cơn mưa bụi khiến cỏ dại mọc lan tràn nhấp nhỗm nhô cao. Dịp này người dân ngày trước thường mang theo xẻng cuốc đắp lại các nấm mồ cho ngay ngắn khang trang to hơn cao hơn, dùng tay nhổ hết cỏ dại và những cây hoang lạ mọc bao quanh nấm mộ. Sau đó thắp nhang và hương hoa tưởng niệm người quá cố. Ngày ấy còn là dịp để gia đình sum họp hướng về cội nguồn.

 

Tháng 3 âm lịch còn có ngày giỗ tổ Hùng Vương, tưởng niệm những vị vua Hùng khai thần lập quốc, mở mang bờ cõi, tạo dựng cơ đồ dòng dõi Lạc Hồng con Rồng cháu Tiên trãi dài hơn 4000 năm văn hiến mãi còn lưu truyền vang danh đến muôn đời…

 

Tháng 3 âm lịch còn có ngày tưởng niệm mẹ tôi không còn nơi cõi đời này ba năm trước, người đã mang nặng đẻ đau khi hạ sinh ra tấm thân nầy, mang tấm thân này đến với cuộc đời cùng nhiều cưu mang lo toan cơ cực tháng ngày để rồi hôm nay Vu lan trở về có dịp ghi tạc lại đôi dòng…   

 

Những Khắc Nghĩ Về Mẹ…


Cũng như bao người mẹ trong đời, Mẹ tôi là người mẹ miền quê đất Việt. Một đời hi sinh chịu đựng muôn vàn khó khăn vì một lí tưởng sống nhiệt thành cao cả, kì vọng sao cho con cái được học hành đến nơi đến chốn mở mày nở mặt với đời; Là người đáng tôn kính trong đời, chớ có ai phải tranh luận về điều đó. Khi mẹ là người ai cũng đều hạ mình cúi xuống trong đời.


Cha Mẹ đã sinh thành ra con, thân thể này có được từ tinh Cha huyết Mẹ được nâng niu bao bọc trong bào thai Mẹ, được ôm ấp vỗ về nuôi nấng từ lúc lọt lòng Mẹ cùng với nguồn dinh dưỡng đầu đời chính là bầu sữa Mẹ. Trong bài học từ ngữ Hán Việt của người xưa, ai cũng đều đọc và hiểu rằng tử số là số con, mẫu số là số mẹ. Và trong phân số toán học của cuộc đời con luôn chỉ là một phần của người Mẹ mà thôi. Và từ đó tôi hiểu thế nào là câu chữ:

 

“Con dù lớn vẫn là con của Mẹ

Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con".

 

Trong bài toán kinh tế giữa chợ đời, Mẫu là tiền vốn, Tử là tiền lãi. Dẫu mai này ra đời khôn lớn có được sức dài vai rộng. Dẫu ngày kia có trở thành tỉ phú cao sang thì lòng cũng chớ quên rằng ngày trước ta được ra đi từ bụng Mẹ, cũng chỉ là phần lãi may mắn từ phước đức Cha Mẹ để lại mà thôi. Và thế là tôi hiểu phần nào nơi câu chữ :

 

“Người trồng cây hạnh người chơi

Cha trồng cây đức để đời cho con”

 

Khi phải nằm trong số những người nghèo phải tất bật toan lo nhiều cho cuộc sống thì Mẹ là người nghèo nhất, vì ngoài bản thân mình Mẹ còn mang theo gánh nặng chi tiêu cơm hàng cháo chợ tháng ngày cho cả gia đình. Đồng tiền luân chuyển xoay vần trong cuộc sống có những lúc thư thả chi tiêu và cũng lắm lúc chật vật khó khăn nhiều khi mà đồng lương làm lụng ngày đó không phải đều đều lúc nào cũng dễ kiếm; Nên mỗi bữa ăn hằng ngày trong gia đình thường người mẹ phải tính toán chi li cân đong đo đếm thật nhiều cho trọn vẹn khúc ruột lòng con no đủ. Có những tháng ngày thong thả chi tiêu không nói gì nhưng cũng có những lúc túng bấn nhiều mà lòng mẹ vẫn xoay xở trăm chiều cho trọn vẹn những bữa ăn hôm sớm qua ngày, để rồi khi ngồi vào bàn ăn ta chỉ việc lo ăn mà nào có biết là Mẹ đã cân não chi li sát sao toan tính thật nhiều vào hôm đó ?! Và từ đây mới hiểu thế nào là câu chữ :

 

"Cha Mẹ nhận một đời bão tố

 Để cho con mãi mãi bình yên"

 

Khi thân thể ta yếu đuối bé bỏng hao gầy hay trong những phút sức tàn lực kiệt vì bệnh tật ở đời, nếu như chỉ một từ cuối cùng ta còn có thể gọi được thì đó phải là từ MẸ. Bởi MẸ là từ có cấu âm dễ phát thành từ và ít tốn sức nhất. Đó là phụ âm môi cộng với nguyên âm đơn khép lại. Chỉ cần bạn mấp máy môi là có ngay từ MẸ - Tình mẫu tử có bao giờ phai nhạt !.

 


Trong Kinh Vu Lan Báo ân Rằm tháng Bảy ghi rằng : "Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn, lấy chi đền nghĩa khó khăn ?! ". Ngày còn nhỏ tôi vẫn hiểu đó là tình mẫu tử của người mẹ nghèo trong ngôi nhà tranh mái dột mẹ nằm chỗ ướt nhường con chỗ khô. Sau này lớn lên tôi hiểu thêm tí nữa đó là tình mẫu tử của tất cả những người mẹ cơ cực nuôi con. Khi con còn đỏ hỏn, mỗi ngày hằng đêm con tè dầm bao lần không ngớt tạo nên chỗ ướt ấy chứ đâu phải chỉ là ngôi nhà tranh mái dột. Ngày xưa cuộc sống đâu khá giả đủ loại tã giấy, tã quần, tã dán, khăn ướt, khăn khô…muôn hình vạn trạng tiện nghi như bây giờ, mà nếu có chăng nữa thì chắc gì kinh tế đủ điều kiện cho phép tiêu dùng khi phải lo chạy vạy từng bữa ăn trong túng thiếu, nên những manh chiếu nằm đâu kịp chóng khô mà luôn luôn tím bầm hơi nước giải. Mẹ phải nằm lên đó cho nhanh ráo chóng khô để đến lượt chuyển chỗ con nằm. Một tình mẹ dung dị đơn sơ mộc mạc đến thế kia mà sao đi hết nửa đời người câu văn kia tôi mới chỉ mới hiểu được phần nào ?!

 

Chưa hiểu sao trên đời vẫn còn những người con thiếu lòng hiếu hạnh. Những người con làm cho Cha Mẹ đớn đau. Tôi cũng đã nhiều lần làm Cha mẹ khổ đau. Nhưng chỉ có một lần có thể được tha thứ trong đời, lần mà tôi đã đạp vào bụng mẹ từ bên trong. Lần mà khi đó ta mới chỉ là phôi, là thai, chưa được là Người. Lần ấy tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Và tôi biết, cùng hỡi những người con nên biết, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ta đáng được tha thứ trong đời khi làm cho mẹ đớn đau, để rồi cất vang những tiếng khóc oa oa chào đời… Và từ đây lộ diện giữa giòng đời :

 

Con ơi ! Khi con mở mắt chào đời thì mọi người cười mà con lại khóc ?

Vậy con hãy sống làm sao, khi con nhắm lắt lìa đời thì mọi người khóc mà con lại cười !

 

Có một điều lòng luôn trầm tư chia sẻ với mọi người là suốt bốn mươi năm trong đời còn có mẹ, rất nhiều khi muốn viết về Cha mẹ nhưng lần nào đặt bút viết được đôi ba dòng là cạn kiệt nguồn cảm xúc; Ấy vậy mà một hai năm sau khi mẹ đi rồi thì bao nhiêu nguồn xúc cảm dội tràn về trong tâm trí thôi thúc viết lại đôi dòng cảm xúc về Mẹ về Cha trong đó có những dòng chữ này khi giờ này bạn còn đang đọc đây… Để rồi trong lòng vang vọng mãi đâu đây :

 

"Con nhớ mãi dù mai sau tóc bạc

 Cha Mẹ là dòng máu ở trong con".

 

Xin nguyện rạp mình tôn kính đảnh lễ đến muôn đời…

 

Sài Gòn Tháng 7/2017 Đinh Dậu

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập