Tư tưởng giải phóng khổ đau cho con người của đạo Phật

Đã đọc: 1077           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Giác ngộ để giải thoát khổ đau, đó là mục đích chân lý của đạo Phật. Ở đây, chúng tôi dùng từ giải phóng thực ra không dúng lắm và đó cũng không phải là thuật ngữ Phật giáo. Song để phù hợp với ngôn ngữ hiện đại và cách hiểu gần gũi, đơn giản của mọi người. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin trình bày những suy nghĩ, hoặc giả gọi là những thu hoạch về tác dụng thực tế hiện tại và đơn giản nhất của đạo Phật đối với con người, với tư cánh là một trong những người đang bắt đầu học Phật.

Chúng ta có thể hiểu một cách ngắn gọn: Đạo Phật là đạo giải thoát. Có nghĩa là mục đích tối thượng của đạo Phật là giải phóng con người khỏi sinh tử luân hồi; giải phóng con người khỏi những chìm nổi ba đào của cuộc sống mà hiện nay, cũng như bao đời nay của con người đã trải qua. Tuy nhiên giải phóng đây không phải là sự trốn chạy mà là sự giác ngộ về điều đó. Khi giác ngộ rồi cần tinh tiến thực hành theo phương pháp (Đạo Đế) của đạo Phật để tự giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Nói như thế cũng chưa rõ ràng và càng chưa đầy đủ: Từ "Giải thoát" có thể diễn giải hàng trang sách, hàng tập sách, thậm chí nhiều hơn thế nữa...

Đạo Phật có một kho tàng kinh điển mà từ xưa đến nay chưa một ai dám nói rằng mình đã đọc hoặc đã hiểu hết. Đạo Phật cũng có muôn ngàn pháp môn tu hành trong muôn ngàn con người ở những hoàn cảnh, nhận thức khác nhau muốn cầu giải thoát. Nói một cách khác, có bao nhiêu loài chúng sinh, hay chỉ nói riêng trong loài người (có bao nhiêu kiểu loại người) thì có bấy nhiêu phương pháp tu hành để đạt tới giải thoát.

Nói như kinh điển Phật giáo thì: Giáo pháp của Như Lai (tức của bậc giác ngộ viên mãn) là vi diệu, cao siêu, mênh mông như biển cả...Song mục đích của giáo pháp thâm sâu này chỉ có một vị là giải thoát; Cũng như nước biển bao la chỉ có một vị mặn mà thôi. Con số tám vạn bốn ngàn pháp môn, bốn vạn tám ngàn căn cơ...trong đạo Phật mang ý nghĩa chỉ số nhiều, chỉ vô lượng vô biên, chứ không phải con số toán học cứng nhắc.

Ngày nay, mọi người học Phật chúng ta đều biết rằng Phật giáo là một tôn giáo lấy con người làm nền tảng. Đạo Phật nghiên cứu, giải thích về con người, những gì tạo lập nên những " Tiểu vũ trụ " tức con người trong cuộc sống xoay tròn mãi không dứt. Hơn thế, đạo Phật khám phá nguyên nhân của thực tế cuộc sống luân hồi chìm nổi của kiếp người và chỉ ra con đường diệt khổ, giải thoát, tiến tới Niết bàn. Đó chính là nội dung của Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo trong giáo lý của Phật giáo.

Phật giáo không thừa nhận một thượng đế tối cao nào sáng tạo ra con người và thế giới này. Những khổ lạc của đời người cũng không phải một lực lượng siêu nhân nào đưa lại, mà đó là do chính mỗi con người tạo ra cho mình. Vậy mà trong muôn đời, con người vẫn luôn luôn hỏi: Vì sao mà con người khổ vậy ? Vì sao mà mình cứ gặp hoài những nỗi trái ngang không vứa ý ? Đạo Phật giúp ta trả lời những câu hỏi về những mắc mớ muôn đời đó. Rằng chính chúng ta tự mình trói buộc mình, và cũng có khả năng, hay nói chính xác hơn, chỉ có thể tự mình " cởi trói " cho mình.

Tất nhiên, nói thì dễ nhưng làm sẽ không đơn giản chút nào. Muốn giải thoát, con người phải thấu hiểu chân lý, phải giác ngộ đầy đủ chứ khong phải chỉ dừng lại ở sự nghe lời và cầu mong. Sự giác ngộ ở đây không giống như việc ta tìm hiểu một giáo lý, một chủ nghĩa thông thường như chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy tâm. Càng không phải là căn cứ vào nội dung các câu chữ mà ai đó đã sáng tạo ra, không phải là sự học thuộc lòng " biện thông thế trí ". Bởi hiểu biết mới chỉ là tri thức.

Hiểu biết và làm đúng theo hiểu biết, làm được theo hiểu biết mới là Tuệ. Đạo Phật đòi hỏi sự giác ngộ viên mãn đầy đủ - tức đòi hỏi Trí tuệ chứ không phải dừng ở trí thức và hơn thế vạch ra con đường đạt tới Trí tuệ viên mãn đó. Hơn nữa, giáo lý Phật giáo còn hấp dẫn chúng ta bằng một hệ thống lôgic chặt chẽ, một phương pháp tiếp cận thực tế rất khoa học mà từ đó đã chỉ ra sự phân tích một cách sắc sảo mối quan hệ với thế giới bên ngoài và nội tâm con người. Nhờ đó hệ thống lôgíc và phương pháp Nhân Minh khoa học đó mà ngay từ khi mới đắc đạo, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bác bỏ được hoàn toàn những giả thuyết ngoại đạo khác, bảo vệ được chân lý. Qua hàng nghìn năm, đạo Phật vẫn trường tồn và cho tới hôm nay vẫn sống trong lòng gần một phần năm dân số thế giới cũng chính vì lý do đó.

Những điều mà đức Phật dạy và dẫn dắt chúng sinh là những điều chính Ngài đã thể nghiệm. Đó không phải là những điều Ngài nghĩ ra, mà là những điều Ngài chứng đắc. Ngài cũng được sinh ra, được lớn lên, có gia đình và địa vị xã hội. Và tất nhiên cũng trải qua sinh, lão, bệnh, tử-những nỗi khổ của một con người. Khi đắc đạo, Ngài là người rõ hơn ai hết con đường chân chính phải đi để tới bờ giác ngộ giải thoát. Nỗi khổ sinh tử luân hồi đã được đoạn diệt, chỉ còn lại sự thanh tịnh và vị giải thoát tràn đầy. Sự giác ngộ và chứng đắc ấy đã trở thành cứu kính Niết bàn.

Bản thể của đức Phật nhập vào vũ trụ, không còn khái niệm Tiểu ngã, Đại ngã, không còn khái niêm về các pháp...Tất nhiên giáo pháp của Như Lai là vi diệu, không thể diễn đạt bằng lời. Chỉ có sự giác ngộ mới nhận biết hết được. Song,việc tiếp cận với giáo lý Phật giáo bằng việc tìm hiểu nghiên cứu những kinh điển Phật giáo đối với chúng ta lại trở lên vô cùng cần thiết; và đó chính là phương tiện giúp chúng ta trên đường đi tới giải thoát khổ đau.

Xin trở lại ý định ban đầu của vấn đề: Vậy đạo Phật giải phóng con người ở chỗ nào? Làm thế nào để đạt được sự giải phóng đó? Tất nhiên, con người được giải phóng khỏi đau khổ, khỏi những điều ngang trái hiển nhiên là rất tốt, rất cần thiết. Nhưng để đạt được điều ấy có khó khăn lắm không? Có phải hy sinh những gì mà mình vẫn hằng tâm đắc...và có nhanh không? Tất nhiên, để vót một que tăm đối với một người sáng mắt, khoẻ tay là quá dễ. Song đối với một người què, một người mù thì là khó khăn. Cũng thế, đối với một người có sẵn lòng từ thiện, muốn làm những điều thiện, nhưng vì chót làm ác mà nay ân hận, quyết định tuyệt giao với cái ác thì việc tu thiện đối với họ sẽ nhanh, thời gian để đạt được sự giải phóng trong lĩnh vực này sẽ ngắn, bởi họ đã có chủng tử thiện.

Nhưng đối với một người xưa nay quen lừa dối, quen làm ác, bảo họ quay về đường thiện thì rất rắc rối và không thể chốc lát có thể làm được. Vì những khó khăn không giống nhau nên trong chúng ta, người thì hay làm ác, người thì hiền lành, người thường gian dối, người quen thật thà...Tuy vậy, dẫu nghiệp của mỗi người có nặng nhẹ khác nhau, thì họ vẫn có chung một cái gì đó tốt đẹp nằm sâu trong tâm thức. Trong những ngày cuối cùng của mình trên cõi thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết kinh Niết bàn. Và Ngài chỉ rõ: Mọi chúng sinh đều có Phật tánh.

Như vậy đủ biết, con người chúng ta, bản tính Chân như là bình đẳng. Bản tính đó như tấm gương trong sáng soi tỏ mọi vật, mọi điều; khiến cho ta nhận thức đúng đắn mọi pháp mỗi khi ta cảnh tỉnh phản chiếu vào tâm thức. Song vì vô lượng kiếp đã trôi qua, do tập khí và nghiệp dẫn, chúng ta đã tạo ra biết bao điều ác, gieo nhiều nhân xấu...do hàng hàng lớp lớp những tạo tác đó vây bọc lấy cái gương (chân như) ấy, tạo thành màn Vô minh (ngu tối) dầy đặc che khất chân tính trong sáng của tâm mình. Điều đó khiến cho tâm thức chúng ta sai lầm, thiên lệch, nhận giả làm chân, nhận chân làm giả. Vì thế mà làm việc thiện thì khó, bỏ những thói quen đã gắn chặt với mình lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, giải thoát sẽ là việc khó - đó là điều tất nhiên đối với chúng ta.

Trong lịch sử Phật giáo, khi đức Phật còn tại thế, chúng ta đã từng biết có những vị tu hành chỉ cần nghe một tiếng quát của sư phụ hay một câu kệ là đã giác ngộ. Song ngày nay, chúng ta ở cách Phật đã xa, điều kiện kinh tế xã hội khác hẳn với mấy ngàn năm trước, chúng ta làm sao mong mình có phúc phận như vậy được? Tuy nhiên hãy gác lại tất cả nhưng điều vi diệu, cao xa. Hãy chưa nói tới sự giải thoát trọn vẹn - thành Phật. Hãy nói trong đời sống hiện tại này một cách thô thiển và rất thực dụng thì đạo Phật giải phóng con người ở chỗ nào? Có thể đạt được sự giải thoát trong đời thường này không?

Những câu hỏi này đối với các Phật tử chắc không khó trả lời. Bởi vì giáo lý Phật giáo dù mênh mông, vi diệu, nhưng nó lại được bắt rễ từ thực tế đơn giản nhất và nó bình đẳng một cách triệt để nhất. Cái đơn giản ấy có thể thấy trong câu nói thông thường như chân  lý của đức Phật: Tâm tức Phật, Phật tức Tâm. Mọi chúng sinh đều có Phật tánh cũng có nghĩa rằng, mọi chúng sinh đều có thể thành Phật. Mọi chúng sinh đều sẽ giải thoát.

Cái gì làm cho mỗi con người phải khổ? - Ngoài những nỗi khổ chung của kiếp người là sinh, lão, bệnh, tử, ngoài những cái mà toàn xã hội phải chịu như chiến tranh, thiên tai... ra, thì nguyên nhân của mọi nỗi khổ khác là do chính tự tâm con người đã sinh ra vậy. Theo giáo lý Phật giáo thì tham là nguồn gốc sâu xa nhất tạo ra mọi nỗi khổ, mọi phiền lão của con người trên thế gian này. Sở dĩ con người có lòng tham vì cái tâm vô minh không chịu hiểu luật nhân quả, không biết luật vô thường, và như thế mà sinh vấp ngã nặng nề. Họ cho rằng trên đời này, bản thân họ là thực có (có cái tôi) và cũng cho rằng có cái " của tôi ".

Cái tôi đó chỉ sinh ra một lần, chết là hết. Vì thế, họ làm mọi cách để cho " cái tôi " thoả mãn và "cái của tôi " phát triển càng nhiều càng tốt. Thật là nguy hiểm biết bao, họ không hiểu rằng con người cũng như mọi pháp đều đo nguyên nhân giả hợp mà thành. Con người chỉ là sự giả hợp của 5 uẩn. Mà 5 uẩn đó thì: Sắc như bọt nước tụ lại, Thọ như bong bóng phập phồng, Tưởng như hơi bốc vật vờ, Hành như cây chuối, Thức ở mộng ảo.

Vì không hiểu điều đó mà con người từ khi ra đời đã tạo ra biết bao những nhân duyên mới trong mỗi hành động bởi thân, khẩu, ý của mình. Mà theo quy luật nhân quả thì đến lúc, đến kỳ, như nước, như mây, trùng trùng điệp điệp, quả theo nhân mà kết, mà chín. Con người chết đi không phải là hết, cái chết chỉ là sự bắt đầu của cuộc sống mới. Nhân sinh quả ,quả sinh nhân, luân hồi mãi mãi. Những tạo tác (những nhân) cũng lại tuỳ duyên mà thành quả.

Vì thế có những hành động ác độc chưa kết quả ngay trong đời hiện tại, và cũng có những nhân lành chưa gặt hái hiện tiền. Song, không thể có một quả nào không do nhân tạo thành. Ngược lại, không có một nhân nào không kết quả, không thành trong đời này, trong kiếp này thì thành trong kiếp khác, đời sau. Cũng chính vì không hiểu luật nhân quả mà con người không giải thích được vì sao họ ở hiền (theo quan niệm hoàn toàn thông thường) mà lại không gặp lành. Còn kẻ ác sờ sờ ra đó mà không thấy bị quả báo gì! Đó là bởi có những nhân chưa hội đủ duyên để tạo quả hiện tiền. Còn những điều ngang trái mà họ phải chịu (tuởng như là oan trái) lại là quả của nhân bao đời trước đây nay gặp duyên mới chín.

Nếu ta nhìn cuộc đời khi hiểu rõ quy luật nhân quả và thấu lý vô thường thì thấy cuộc đời con người chỉ là một giai đoạn, môt khúc của vòng luân hồi vô tận mà thôi. Vậy thì không có cái tôi thực sự trường tồn, cũng không có "cái của tôi " là vĩnh hằng. Rút cục là những tham ái, mưu cầu lợi dưỡng cho " cái tôi " giả dối kia chỉ là sự ngu tối mà thôi. Vả lại, do quy luật nhân quả chặt chẽ, những mưu cầu, toan tính không thể có gì đảm bảo là sẽ được như ý mình. Và vì vậy, chấp ngã, tham ái chính là nguyên nhân sinh ra mọi nỗi khổ đau trên đời.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tìm đạo là xuất phát từ cái khổ của con người và mục đích của đạo là diệt khổ giải thoát. Chính vì thế, nếu ai quan niệm rằng đạo Phật là sự khổ hạnh, bi quan, yếm thế là hoàn toàn sai lầm. Đạo Phật đâu phải chủ trương như thế mà trái lại, với một hệ thống lô gíc chặt chẽ (phương pháp Nhân Minh học) đạo Phật giống như người thầy thuốc đã tìm ra đúng bệnh trạng của chúng sinh. Dẫu có ai đó cố tình không chịu hiểu, thì trong một lúc nào đó, cái Phật tính trong tâm kia dù bị vùi sâu trong màn vô minh, có thể sẽ cựa quậy và mách bảo với họ rằng: Đúng, tham ái làm ta khổ. nếu ta không tham, không sân, si để cố níu kéo sự mong cầu, ham muốn thì sao đến nỗi khổ này.

Đó chính là khi lương tâm con người đã được thức tỉnh. Hay nói cách khác, là màn vô minh bị xé rách mà Phật tính hé sáng cho con người giác ngộ, nhận ra chân lý vậy. Con người được giải thoát cũng như con người khỏi bệnh. Song thầy thuốc thế gian chỉ có thể giúp bệnh nhân khỏi những căn bệnh thuộc về thân người. Còn Phật giáo lại điều trị cái bệnh của tâm - cái mà không ai nhìn thấy, không ai biết được, nhưng lại quan hệ và quyết định tới toàn bộ hành vi cuộc sống của con người. Và đó mới là sự giải thoát trọn vẹn, đầy đủ nhất. Nếu tâm ta hiền hoà, nhu thuận thì tâm ta tự tại hoan lạc. Dù trong thân ta cái tay, cái răng có đau cũng chỉ là tạm thời mà thôi. Thậm chí nó chẳng đáng kể gì. Lành tay, lành răng là thoát cái khổ tạm thời. Lành Tâm là thoát khổ vĩnh viễn.

Cần chú ý một điều rằng, có thể có những người đồng ý với quan điểm vô ngã, vô thường trên, nhưng họ lý luật rằng: Đời người giả tạo, vô thường, Vậy phấn đấu làm gì cho mệt? Chẳng qua cuộc đời này cũng chỉ là một khúc đoạn trong cái luân hồi vô tận mà thôi! Tu hành diệt khổ có gì lớn lao đâu...Thực ra nếu hiểu như vậy thì thật là nông cạn, không phải là hiểu đúng đạo Phật. Đấy là chưa kể sẽ dẫn tới sai lầm mà xưa nay người ta thường mắc phải: Cho đạo Phật là tự ti, yếm thế, bi quan. Vì nếu như không phấn đấu tạo nhân tốt trong hiện tại, thì tương lai không có quả tốt, tất sẽ thêm khổ mà thôi.

Quy luật vô thường, nhân quả... và tất cả những nguyên nhân gây ra khổ não cho con người như trong đạo Phật phân tích là chính xác và triệt để. Mặt khác kinh Phật còn nói: Đựơc sinh là con người là điều rất khó ví như xâu sợi chỉ treo buông từ đỉnh núi cao vào chôn kim vậy. Cho nên được làm thân con người là điều quý giá và phúc đức. Bởi vì lẽ thứ nhất, con người là một trong các loài chúng sinh có khả năng thực hiện đạo giải thoát hy hữu nhất. Chỉ có con người mới có khả năng tu đạo Phật tốt nhất. Và vì thế, lẽ thứ hai, việc giác ngộ của môt con người thực ra không phải chỉ riêng họ, không chỉ có lợi cho những loài chúng sinh hữu tình và vô tình, những loài nhỏ bé, yếu ớt hơn con người, mà còn mang lại lợi ích cho những người chung quanh.

Lòng từ bi  của con người đó sẽ là sự bảo đảm an toàn nhất, tốt nhất cho cuộc sống yên vui của xung quanh. Như thế đủ thấy rằng, con người có cơ duyên với đạo Phật biết chừng nào. Giải phóng con người không phải chỉ giải phóng những nỗi khổ muôn đời do thiên nhiên, địch hoạ gây ra, giải phóng con người mà đạo Phật nhắm tới, đó là đưa họ thoát khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử và giải phóng họ khỏi những tham ái, sân si, chất chứa đậm đầy trong tâm thức họ ngay trong đời sống hiện tại này. Sự giải phóng sau vừa khó khăn phức tạp, vừa đơn giản dễ dàng. Khó khăn phức tạp bởi nó đã ngấm sâu và kết chặt trong tâm thức con người, và chỉ có thể kết quả khi chính tự con người đó dám đoạn tuyệt với những ô trược ấy, không ai có thể làm thay họ được.

Song, nó cũng đơn giản, dễ dàng vì con đường giải phóng ấy đã được vạch ra trên sự chứng nghiệm thực tế sống động của chính Đức Phật và bản thân các vị Bồ-tát đều đã xuất thân từ con người như chúng ta đã thấy. Vậy, chỉ cần có niềm tin và quyết tâm hành động là được. Một thí dụ đơn giản: Con người khi trưởng thành, ai cũng mong muốn có một nghề ổn định, có một gia đình yên ấm, sống vui hoà về tinh thần, đầy đủ về vật chất và làm tốt nghĩa vụ đối với người thân. Tuy nhiên điều mong ước đơn giản ấy không hề đơn giản chút nào. Bởi vì lòng tham muốn cố hữu của con người không ai dám nói rằng mình đã đầy đủ, và hài lòng với tất cả. Chỉ có người nào có được cái tâm thanh tịnh triệt để mới có được niềm vui ấy.

Đó là niềm vui của sự " biết đủ", niềm vui đoạn diệt những ham muốn và tham ái. Nếu nói về vật chất thì thế nào là đủ? Có người cho rằng có một căn nhà đơn giản, ngày hai bữa cơm thanh đạm, có chiếc xe máy bình thường đi làm, thế là đủ. Nhưng có người thì cho rằng phải có nhà lầu, xe hơi có nhiều tiền v.v. Có thể nói, mỗi con người có một mong muốn khác nhau, và chính những mong muốn (nói đúng ra là những tham muốn) đó đã gây ra mọi nỗi khổ cho con người. Bởi vì chưa được như ý là họ day dứt chưa yên. Ham muốn càng cao, khi không đạt được thì đau khổ sẽ càng nhiều. Với một người biết luật nhân quả, thấu lẽ vô thường, họ sẽ " biết đủ". Và cuộc sống vật chất mà họ hiện có không làm họ bận tâm nhiều.

Họ không day dứt vì phải có cái này, cái kia. Họ biết rằng những ham muốn và ý chí quyết đạt được tham muốn bằng mọi giá, chỉ làm phiền cho tâm, làm não cho thân mà thôi. Nếu không quán triệt thuyết nhân quả, không hiểu thấu lẽ vô thường, không "biết đủ" thì sẽ dẫn tới những xử sự không đúng. Điều đó sẽ là nguyên nhân gây ra những nỗi bất hạnh cho mình, cho những người xung quanh...Đạo Phật gọi những thứ tình cảm "khó xử" đó là tà duyên (không chính đáng). Đó là một trong 5 giới mà người đệ tử của Phật phải gìn giữ, không được vi phạm. Bởi xét cho cùng những tham ái về vật chất, nó đều là ngọn nguồn của mọi khổ đau. Biết "tri túc", không phạm vào những điều ngăn cấm đó sẽ giữ được hạnh phúc cho mình và gia đình mình.

Tóm lại, trong cuộc sống vật chất, tinh thần của cá nhân, người biết đủ là người có niềm vui và hạnh phúc, là người giải thoát khỏi những nỗi khổ của đời thường. Nếu trong cuộc sống chung với mọi người, gặp những điều mà ta không muốn vì sao? Ví như có người tìm mọi cách để hại ta, nói xấu ta? Lúc ấy, đạo Phật dạy ta lấy Đức Bi mà đối lại. Mọi người cũng như ta đang sống trong biển khổ luân hồi. Nếu ta lấy oán để trả oán, lấy hận để trả hận thì biết đến bao giờ mới san bằng cho nhau? Ngược lại, những nhân xấu mà ta tạo ra sẽ ngày càng chồng chất đời đời kiếp kiếp cứ theo nhau mãi.

Thực tế trong lịch sử không ít điều này. Lửa chỉ có thể được dập tắt bằng nước. Người học Phật hiểu được những hành vi không tốt của người khác đối với mình theo hai cách: Một là do những kiếp trước đây, ta đã từng gieo những nhân ác mà bây giờ phải chịu quả báo. Hai là, nếu không phải là quả báo thì hãy thương xót những chúng sinh đang gây ác cho ta, bởi sau này họ phải chịu quả báo, mà ta kiên nhẫn không trả đũa họ. Nếu không giáo hoá được họ thì bản thân ta cũng đừng tạo nhân xấu làm gì.

Khi gặp kẻ cố tình làm ác chúng ta cần cùng với những người thiện tâm tìm cách ngăn chặn hành động ác, thuyết phục và cảm hoá họ để hành động ác không gây tác hại cho mọi người. Hãy lấy lòng từ bi mà xử sự với họ để tâm ta được yên tĩnh và lửa tham ác của họ sẽ không bốc cao thêm. Một người đã hiểu luật nhân quả và lẽ vô thường sẽ không có gì ngạc nhiên khi gặp những điều ngang trái. Ít nhất thì họ cũng cắt nghĩa được nguyên nhân vì sao lại thế. Nếu giác ngộ hơn nữa, họ sẽ không hề day dứt, phiền lo vì những điều ấy. Họ sẽ được ung dung tự tại. Ung dung tự tại giữa cảnh đời thường dẫu có xảy ra những điều ngang trái, thì đó là được giải phóng rồi.

Phật giáo nói, Khổ là hiện tượng của nhân sinh vô thường. Vô thường là quy luật của vũ trụ; sự tiêu trừ khổ và vô thường chính là giải thoát. Nguyên tắc của giải thoát là Tánh không, mục đích của giải thoát là Vô ngã. Để thấu hiểu Vô thường, Tánh không và Vô ngã chỉ có thể thông qua tu hành Phật pháp mới có thể thực sự thể nghiệm sự vi diệu đó. Qua những kiến giải nông cạn nêu trên, với tư cách là người bước đầu đến với đạo Phật, bài viết này chỉ dám đề cập đôi nét về sự giải thoát có tính ứng dụng một phần trong thực tế cuộc sống diễn ra.

Ở đây chưa dám đề cập đến sự công phu tu tập mà đạo Phật đem lại kết quả giải thoát toàn vẹn. Với những người tin sâu và trọn đời đi theo con đường Giáo Pháp, thì coi Phật giáo là Minh triết, nhưng với người chưa tìm hiểu và tin sâu sẽ đặt câu hỏi? Đạo Phật có phải là Khoa học không? Trước khi trả lời câu hỏi này, tốt nhất chúng ta hãy tìm hiểu về định nghĩa của từ khoa học, theo từ điển khoa học giải thích " Kiến thức có thể hình thành theo một hệ thống, cái tuỳ thuộc vào sự trắc nghiệm các dữ kiện và xác định được quy luật tự nhiên, một phần  tuỳ thuộc vào những gì được nghiên cứu chính xác".

Qua giải thích này, ta thấy khoa học dựa trên tư duy lôgíc. Trong Phật giáo có nhiều phương diện nội hàm vượt ra ngoài lôgíc nên không phù hợp với định nghĩa trên. Nhưng giáo lý cốt lõi của đạo Phật ta thấy Tứ Diệu Đế*  thì hẳn phù hợp. Chân lý thứ nhất mà đạo Phật đề cập Khổ đau là một kinh nghiệm ta có thể xác định được. Chân lý thứ hai chỉ rõ rằng đau khổ có nguyên nhân là tham ái điều này ta có thể hiểu được rõ ràng. Chân lý thứ ba, chấm dứt đau khổ không nương nhờ vào thần linh tối cao mà đơn giản chỉ là dựa vào bản thân để loại bỏ khổ đau ta hiểu đó là tự lực. Chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế đó là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Chân lý này cũng không có gì siêu hình mà tuỳ thuộc vào việc thực hiện phương pháp đặc biệt đó là (tu hành) như pháp.

Từ chân lý rộng lớn và bao trùm của Phật giáo mà các nhà khoa học nói chung, trong đó có nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 là ông Albẻt Einh tein (1879-1995) đã khẳng định về tính khoa học sâu sắc của Phật giáo được đề cập dưới đây, và cũng xin mượn lời nhận định đó để kết thúc bài viết này: " Tôn giáo tương lai là tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phải xuất phát từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được điều đó. Và nếu có bất cứ một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu của nền khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo vậy".

***

Chú thích:

Tứ Diệu Đế:  là một Nguyên lý căn bản của Phật giáo trên con đường tu giải thoát. Để tìm hiểu nghiên cứu và tu hành theo giáo lý của Phật giáo, Quý vị và các bạn cần tìm đọc các cuốn sách: "Bước đầu học Phật" của cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa và cuốn "Tu là chuyển nghiệp"và"Bước đầu học Phật"của hoà thượng Thích Thanh Từ. Nhà xuất bản tôn giáo ấn hành. Đây là những cuốn sách rất quý báu dẫn đường đến với đạo Phật.

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập