Những điều linh thiêng kỳ lạ ở Hòn Ngọc- Mắt Rồng Và Vườn Tháp Huệ Quang Yên Tử.

Đã đọc: 2062           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bài gửi “ Mục tâm linh mầu nhiệm”

        Nói đến Yên Tử ai cũng nghĩ đây là vùng đất linh thiêng. Bởi từ xa xưa vùng đất này đã xuất hiện những đạo sĩ về đây tu hành theo đạo Tiên. Điển hình là An Kỳ Sinh người phương Bắc hàng nghìn năm trước đã về Yên Tử tu hành và bào chế linh đan dược, cuối đời đã hóa thân thành măng đá ở đất này. Nói đến non thiêng Yên Tử không chỉ người theo đạo Phật, mà con dân đất Việt từ lâu đã mệnh danh đây là đất Phật; đất của một “ ông vua hóa Phật “ gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của vua Trần Nhân Tông hai lần đánh tan giặc Nguyên-Mông bảo vệ bờ cõi Đại Việt và là người sáng lập nên Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, khi dời bỏ ngai vàng về Yên Tử tu hành đắc đạo lập nên Phái thiền Trúc lâm (thế kỷ XIII)

     Như chúng ta đã biết, Di tích lịch sử danh thắng Yên Tử nằm trải dài trên 18 cây số, với hàng chục ngôi chùa và hàng nghìn am tháp, xá lị. Khởi đầu là Chùa Trình, kết thúc là Chùa Đồng Yên Tử. Hoa Yên, người xưa quen gọi là chùa Cả. Đây là ngôi chùa nằm trung tâm của quần thể Di tích Phật giáo Yên Tử.

    Dưới chân chùa Hoa Yên là Vườn Tháp Huệ Quang. Nếu đi từ Hòn Ngọc-Mắt Rồng lên, vườn Tháp Huệ Quang ngự trên một đỉnh núi cao hơn đỉnh Hòn Ngọc. Giữa vườn tháp Huệ Quang là Lăng Quy Đức hay gọi là Tháp Tổ. Đây là lăng thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Quanh Lăng Tháp Tổ, có sáu mươi hai ngôi tháp của các thiền sư được xây bằng đá và gạch. Lăng Quy Đức thuộc đời Trần, các tháp còn lai vào thời Lê.

    Lăng Quy Đức tọa lạc giữa vườn tháp, bốn mặt tường xây vuông vức bao quanh, mái tường lăng lợp bằng ngói mũi hài đổ về hai phía, dáng cong theo kiểu dáng mái chùa. Hai cửa trước, sau cuốn vòm không cao lắm, người vào, ra phải cúi đầu khiêm cung. Tường lăng xây bằng gạch thời Trần. Toàn bộ lăng từ bệ đến đỉnh tháp đều bằng đá được ghép mộng theo kiến trúc cổ. Tháp xây theo hình tứ trụ thu nhỏ, đỉnh tháp là nụ sen. Tầng đầu mở cửa hướng Nam, bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông ngồi thiền ở thế liên hoa. Theo di chỉ cho biết, cả tường và lăng được tạo dựng sau một năm vua Trần nhập diệt Niết-bàn, tức vào năm 1309.

    Trải qua binh lửa nạn giặc ngoại xâm, Tháp Tổ bị phá, dân ta xây dựng lại, pho Tượng thiêng vẫn được bảo toàn. Thi thoảng xuất hiện cặp rắn đen nằm chầu bên tượngTổ trong tháp. Nhác thấy người, rắn thu mình ẩn núp sau bệ tượng…

    Điều đáng nói ở đây là, dọc theo đường gạch hoa cúc của Vườn Tháp Huệ Quang và Lăng Quy Đức, có hai hồ nước ngự hai bên tả hữu như chầu vào vườn tháp.  Theo phong thủy người xưa gọi đây là cặp mắt rồng. Hai hồ này được Tam Tổ trồng hoa sen. Nhưng không biết từ bao giờ, Mắt Rồng bên trái bị bồi lấp, chỉ còn là hố đất, cây độc mọc lên từ lòng hố ấy trông thật hoang dã. Vậy câu hỏi đặt ra, vì sao mắt rồng này không còn sinh thủy? Lý do địa chất bồi lấp hay còn một lý do nào khác ?!...

    Theo tác giả Trần Trương, Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nguyên Trưởng Ban Quản lý Yên Tử trong cuốn “ Chùa Yên Tử -Lịch sử truyền thuyết và Danh thắng” (NXB VH-TT-2011) trang 82 khi viết về Hòn Ngọc-Mắt Rồng liên quan đến vấn đề phong thủy vi diệu này ở Vườn tháp Huệ Quang và Lăng Quy Đức, tác giả cho rằng,xin được tóm tắt như sau:

      Để xác định đâu là Hòn Ngọc và Mắt Rồng theo địa lý phong thủy. Chúng ta hãy tính điểm xuất phát từ chùa Giải Oan (chân núi Yên Tử) đi theo đường dốc dây diều khoảng gần hai cây số. Ở cuối rặng Tùng về phía bên trái có lối mòn rẽ  sang gò đất cao. Gò đất này tròn như mâm xôi, cao chừng ba mét, bên trên có Tùng và có Tháp được goi là Hòn Ngọc.

       Theo truyền thuyết lịch sử ghi lại “ Cách đây khoảng nghìn năm trước, đạo sĩ An Kỳ Sinh về núi hái thuốc luyện linh đan. Khi ngang qua đây (tức khu Hòn Ngọc-Mắt Rồng) Ông giật mình sửng sốt bởi nhận ra triền núi cao trước mặt giống hệt như Mặt Rồng, có trán, mắt, mũi, miệng rồng, đủ cả. Miệng rồng phát ra thứ ánh sáng kỳ lạ. Bằng con mắt pháp thuật, ông nhận ra đó là Viên Ngọc Rồng do tinh khí của đất trời tạo nên. Ông ta biết vậy, lặng lẽ lên núi.

       Vài ngày sau, An Kỳ Sinh xuống núi, đến chỗ Viên Ngọc Rồng bữa trước. Bỗng một cảnh tượng dị thường đang diễn ra trước mắt. Vạt đất chuyển rung. Một gò đất mới được sinh ra-hòn ngọc trong miệng Rồng đã nhả. Khí thiêng phun tỏa mịt mù…

       Vì quá kinh hoàng với cảnh tượng đó, An Kỳ Sinh vội vã chạy lên núi, nhưng chưa kịp lên tới đỉnh,  ông ta đã chết đứng và hóa đá. Gò đất mới sinh là Hòn Ngọc.

       Hòn Ngọc xưa kia cao rộng hơn bây giờ. Vào năm 70 của thế kỷ trước. một đơn vị địa chất trong cuộc khảo sát thăm dò trữ lượng than khu Hoa Yên-Hòn Ngọc mở con đường cho xe leo núi đi từ chùa Giải Oan lên Hòn Ngọc làm đổ Tùng, xiêu Tháp. Đường lên Hòn Ngọc chỉ dùng cho xe chạy bằng bánh xích nên được dân bản đặt tên là “ đường xích”. Trong tám ngôi Tháp tọa lạc trên Hòn Ngọc vẫn còn ba ngôi khá nguyên vẹn. Đó là Tháp mộ Thiền sư Giác Liễu, Diệu Tường, Thích An An tu ở Yên Tử vào thời Lê Cảnh Hưng.

     Từ Hòn Ngọc này, qua dốc Voi Quỳ một đoạn là tới Vườn Tháp Huệ Quang và Lăng Quy Đức.

      Như trên đã đề cập, hai bên tả, hữu của Vườn Tháp Huệ Quang là Cặp mắt rồng. Và nguyên nhân nào mà một mắt rồng bên trái (tức hồ nước bên trái) không sinh thủy? Cũng theo tác giả Trần Trương trong cuốn “ Lịch sử truyền thuyết danh thắng chùa Yên Tử “ trang 88 viết như sau: “Ngày xưa, giặc phương Bắc sang xâm lược nước ta. Chúng đem theo cả phù thủy, thầy địa lý sang ta tìm các huyệt đạo của núi sông nước Việt để yểm bùa trị huyệt. Chúng mưu toan làm nước ta tuyệt diệt hết nhân tài, hồn thiêng sông núi tiêu tan để yên bề đô hộ dân Đại Việt. Chúng biết Yên Tử là đất linh (đất thiêng) nên tìm mọi cách chọc mù cặp mắt Rồng, phá bung bờ bao lòng hồ, yểm bùa, trồng cây độc ở ngay chính giữa đáy mắt Rồng bên trái. Mắt Rồng chỉ còn một mắt phải.”

     Mùa thu năm 1998, sư thầy Thích Diệu Nhàn nhiều năm trụ trì chùa Hoa Yên đã có cơ cảm và hội đủ các nhân duyên lành hỗ trợ, nên đã tiến hành khôi phục lại  Mắt Rồng bên trái, trả lại hình hài cặp Mắt Rồng thưở xưa.

     Trước năm 1992, vườn tháp Huệ Quang ngập tràn toàn cỏ tranh. Từ năm 1993, được Nhà nước đầu tư ngân sách và các nguồn kinh phí khác trùng tu tôn tạo Di tích danh thắng Yên Tử nói chung và Vườn Tháp Huệ Quang nói riêng, nên khu vườn tháp đã trở lại linh khí như vốn có.

     Vì sao người viết bài này phải dẫn giải dài dòng về khu vườn tháp nói trên. Bởi cũng tại vườn tháp linh thiêng vi diệu này, cách đây hơn hai mươi năm  đã xảy ra câu chuyện có thật mà nhiều người biết đến còn nhắc lại đến nay đó là: “Vào cuối năm 1992, có một đội xây dựng nhà khách Yên Tử phía dưới chùa Giải Oan.Việc xong, cả đội đi lễ chùa Đồng. Khi ngang qua Tháp Tổ, thấy một hòn đá đặt lên trên ngọn của một ngôi tháp đổ ( hồi đó chưa được trùng tu tôn tạo ) , hai cậu thợ trẻ trong đội liền đố nhau: Ai ném được trúng hòn đá cho là “Tài” (!). Một cậu vung tay. Hòn đá văng xuống đất. Lên tới chùa Đồng, cả đội mới phát hiện ra còn thiếu mất một người. Nhưng không ai lo, vì toàn là người địa phương Uông Bí cả.

    Sau mấy tiếng đồng hồ, xuống núi, về đến Tháp Tổ, cả  đội ngạc nhiên: cậu ném đá kia đang ngồi xếp tay bằng tròn, mặt áp vào tường Lăng, hai tay đặt lên đùi, hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, bám vai lắc mãi mà không tỉnh, ngồi im bất động như khúc gỗ!

     Một cậu vội vã lên chùa Hoa Yên thỉnh sư thầy Diệu Nhàn xuống làm lễ sám hối. Một lát sau, cậu thợ trẻ nghịch dại kia mới tỉnh, khóc nức nở rồi lặng lẽ theo anh em xuống núi.”

     Không phải bây giờ Khu Vườn Tháp Tổ  mới linh thiêng, mà từ lâu vùng đất non thiêng này vẫn ẩn chứa những điều như thế!

     Vẫn biết, “cảm ứng là vấn đề cá nhân, linh ứng là duyên của mỗi người, mầu nhiệm là vấn đề không thể nghĩ bàn, nhưng tất cả đều có điểm chung là có thể cơ cảm được”. Là người có may mắn gần gũi với Non thiêng Yên Tử, nhân đây ghi lại những điều mắt thấy tai nghe mà mình đã trải nghiệm, cũng như nhiều người đã thấy ở mảnh đất non thiêng này. Vẫn biết,Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Tất cả là do Tâm tạo. Nhưng vấn đề ở đây, không phải là duy tâm mê lầm thuần túy. Hiểu được như thế, để chúng ta tin sâu Tam Bảo, tin vào Chánh pháp trên bước đường tìm hiểu và cảm nhận Phật pháp nhiệm mầu.

.

                                                                     

 

 

   

         





Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập