Truyện ngắn : Phía sau những cuộc đời bất hạnh

Đã đọc: 1623           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đêm giao thừa. Gió tết ở phía sông đêm nay bỗng nhiên mát lạnh, thổi phần phật vào khoảng sân rộng đang rực sáng ánh đèn. Đêm nay cả bệnh viện không ngủ. Những dĩa bánh ngọt và những ly trà nóng được rót ra để phục vụ hơn chín mươi bệnh nhân bị bệnh phong đang điều trị tại đây và toàn thể nhân viên bệnh viện. Không những vậy, có rất nhiều người dân xung quanh biết chuyện cũng đến chung vui.

-Tui đề nghị chúng ta cùng vỗ tay thật to để chúc mừng chị Xuân đã tình nguyện hợp đồng ở lại với chúng ta. Và cũng để đón chào xuân mới. Nào một…hai…ba cũng vỗ tay nào.

Tiếng vỗ tay giòn dã liên tục vang lên trong đêm vắng. Mọi cặp mắt đổ dồn về chị, một con người quá đỗi quen thuộc với những người xung quanh. Người nhiều nhất biết đến chị cũng đã gần ba mươi năm; người ít nhất cũng đã sáu năm. Những đôi mắt xúc động đỏ hoe hoe, trong đó có cả đôi mắt của chị, người đã tự nguyện đến đây phục vụ với biết bao câu chuyện vui buồn đan xen. Lúc đến đây chị đang là một cô giáo trẻ, rất trẻ là đàng khác đã đến đây phục vụ những người bất hạnh mang trên người căn bệnh vốn có một số ít người còn định kiến e dè, xa lánh, sợ sệt. Giờ đây giữa khoảng không sâu thăm thẳm mênh mông, dưới những ánh đèn cao áp vàng vọt, tóc chị đã bạc trắng và có nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ. Chuyện thường thôi. Chị đã bước sang tuổi năm mươi lăm, đã hơn ba mươi năm gắn bó với cái bệnh viện mà ít ai lui tới thăm nom, an ủi, động viên.

Ba mươi năm trước, cô giáo trẻ đã xin chuyển công tác về đây trong sự ngỡ ngàng của gia đình, họ hàng, láng giềng. Mặc. Chị cứ khư khư bảo thủ ý kiến của riêng mình. Mới tháng trước đây, chị cùng nhiều đồng nghiệp có dịp đến làm công tác xã hội từ thiện tại bệnh viện nầy. Cảnh tượng nhũng bệnh nhân đang bị căn bệnh phong hoành hành mỗi ngày, nỗi đớn đau lẫn biến dạng trên cơ thể khiến họ chơi vơi trong biển đời bất hạnh. Có người đã chết thật cô đơn không người thân đến tiễn biệt dù rất muộn màng, Những đôi mắt thất thần, vô hồn, tuyệt vọng, cầu cứu sự cảm thông, chia sẻ đã làm Xuân không ngủ ray rức nhiều đêm liền. Họ không có tội. Tất cả đều do sự sắp đặt của tạo hóa. Vậy mà họ đang sống thật “ biệt lập” dù xung quanh bệnh viện không hề có những bức tường ngăn cách nào.

-Con định làm “ người hùng” giữa cuộc sống bon chen này hả ? Họ bệnh nguy hiểm như thế nào con cũng rõ, có “ điên” mới lên đó công tác. Rồi được gì? Có chăng là bệnh tật, là sự xa lánh của họ hàng dòng tộc. Ai đời đang công tác ở ngành giáo dục gần nhà, lại đăng ký sống chung với “ hủi”. Mẹ Xuân chì chiết.

-Bà nói làm gì cho thêm bực dọc. Nó muốn thì cứ đi. Mai này có “ ma” mới lấy nó làm chồng hay những thằng “ điên” mới cưới một cô giáo bệnh “ tâm thần”. Có đi thì đi luôn đừng đem cái bệnh “ hủi” đó về đây lây lan cho gia đình nầy. Hứ…hứ…Ba Xuân chen vào với nét mặt giận dữ.

Đã vậy, buổi liên hoan chia tay ở trường mẫu giáo của chị công tác chỉ vỏn vẹn có hai người : Xuân và người nữ hiệu trưởng. Tất cả đông nghiệp đều vắng mặt để phản đối, để níu kéo Xuân thay đổi quyết định “ chết người” của chị. Mấy đêm không ngủ, Xuân gầy rạc đi thấy rõ nhưng vẫn không thay đổi ý kiến của mình.

Vượt qua quãng đường khá xa mới đến được bệnh viện, Xuân như hụt hẫng trước lời chào đón “ răn đe” của người giám đốc bệnh viện đi kèm cái nhìn ghi ngờ, dò xét:

-Cô định công tác ở đây bao lâu ? khi nào chuyển công tác? có gì thông tin cho tôi hay trước để tiện việc sắp xếp. Chuyện này xảy ra thường xuyên lắm. Tôi đã quen với cái điệp khúc “ hăm hở - khóc - than thở - rồi đi” tại bệnh viện này nhiều năm nay. Đây chìa khóa nhà công vụ của cô đây.

Xuân thơ thẩn vừa buồn, vừa lo vì những lời nói của người giám đốc xa lạ kia. Hình ảnh ngôi nhà nhỏ ấm áp đầy ắp tiếng cười mỗi ngày hiện về mồn một. Ngôi nhà ấy sẽ vắng chị, thay vào đó là bầu không khí nặng nề, đơn lẻ khi thiếu vắng Xuân. Ba mẹ chị nói đúng ?. Đồng nghiệp chị đã không sai khi tất cả đều ngăn cản quyết định của chị ? Căn phòng  “công vụ” tềnh toàng ẩm thấp cuối bệnh viện đã hiện ra trước mặt. Chiếc ống khóa rỉ sét của căn phòng nằm chơ vơ như một lời thách thức, báo hiệu nó đã vắng chủ từ rất lâu. Có lẽ chủ nhân là những người đến rồi đi thật vội vàng vì khổ cực vì sợ hãi chăng ?

-Cô mới đến nhận công tác hả ? Lâu rồi không ai đến ở căn phòng này. Một giọng nói rè rè, đục đục vang lên đưa Xuân về thực tại.

-Dạ. Em mới đến đây. Chị tên gì ? điều trị ở đây lâu chưa ?

-Tôi tên Nhung, quê ở cách đây hơn trăm cây số. Đến đây trị bệnh đã mười năm.

-Mười năm ? Xuân ngạc nhiên tột độ.

-Ừ. Thì mười năm, có chi đâu lạ. Nhiều người ở đây còn lâu hơn tôi nữa kìa.

-Rồi gia đình chị có thường đến đây thăm nom chị không ?

- Hồi đầu thì có, nhưng riết rồi bặt tăm. Nghe nói hai đứa con gái đã có chồng. Cũng mừng cho chúng. Chị Nhung nói khẽ với đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.

-Sao lại nghe nói. Xuân thắc mắc.

- Chúng nó mặc cảm với bạn bè, với gia đình bên chồng nên nói dối là tôi đi biệt tăm hàng chục năm qua giờ không liên lạc được. Vậy cũng tốt, miễn sao chúng hạnh phúc là tôi mừng. Chị bật khóc và đưa đôi tay co rút nhám nhúa vì bệnh phong lên lau vội những giọt nước mắt. Xuân cũng khóc theo.

Cái tin có người nữ điều dưỡng mới về với bệnh viện làm các trại điều trị xôn xao phấn chấn hẳn lên. Hàng trăm bệnh nhân kéo nhau đến thăm hỏi, động viên, “ coi mắt” người mới với không khí thật tất bật, vui tươi như ngày tết. Đã lâu rồi họ mới có ngày vui như hôm nay. Người hái hoa rừng cắm vào chiếc bình nhỏ đặt trên chiếc bàn nhỏ; người quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm; người thì mang đến những chiếc đàn thùng rồi cùng nhau ca hát rôm rã với những bài hát vui nhộn gõ nhịp bằng những chiếc thìa, bát ăn cơm. Xuân nghe ấm lòng hơn khi bắt gặp những đôi mắt thân thương, tin cậy, trìu mến đang nhìn chị. Họ đáng thương quá, dễ yêu quá. Vậy mà….số phận may mắn lại không mỉm cười với họ.

Chỉ mới vài hôm mà Xuân đã tường tận lai lịch từng bệnh nhân.  Chú Ba Tường hát vọng cổ rất hay; chú Sáu Ánh vốn là đại gia giàu nứt đỗ, đổ vách” một thời nhưng khi phát bệnh lên đây không một ai thăm viếng; Chị Tám Hoa may vá thêu thùa khéo tay không ai bì kịp; Dì Chín Nhanh thì có tài chế biến thức ăn rất dân dã nhưng thơm ngon, lạ miệng….Mỗi người một cảnh đời nhưng đều có chung một điều là trống vắng người thân. Họ thân thiện, giúp đỡ, thương yên, bão ban nhau hơn cả người thân trong gia đình. Mỗi khi có người bệnh vắn số, họ lại tổ chức tang ma rất trang trọng, nghĩa tình để hương hồn họ bớt tủi thân khi đi về bên kia thế giới. Cứ mỗi lần như vậy, hầu hết các bệnh nhân không ngủ. Cả bệnh viện lặng chìm trong nỗi mất mác nặng nề, khó tả.

-Chị nói sao ? tôi không nghe rõ. Người giám đốc mới nhậm chức hỏi lại.

- Anh cho tôi đi học cách làm chân giả và dép loại “đặc biệt” cho bệnh nhân được không ? Thấy họ vất vả đi lại, tôi xót quá.

- Chị suy nghĩ kỹ càng chưa ? Nếu đã chính chắn thì tôi đồng ý ngay.

Xuân chạy như bay về phòng trong niềm vui tràn ngập, ngày mai này chính chị sẽ làm ra những chiếc chân giả, những đôi dép kỳ diệu cho bệnh nhân mắc bệnh phong để họ đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn, chắc họ mừng lắm.

Công trình của Xuân hoàn thành mỹ mãn trong niềm vui của toàn thể nhân viên bệnh viện và bệnh nhân.Từ nay, họ đã có được sự hỗ trợ của những vật dụng diệu kỳ từ tấm lòng nhân ái của người điều dưỡng tên Xuân, cái người ít nói, hay cười với đôi mắt huyền đầy vẻ tự tin rất lạ. Đâu chỉ vậy những điểm sinh hoạt vui chơi, giải trí được sửa sang chu tất, những suất chè giải nhiệt lúc trưa hè, những chiếc chăn bông mới đêm đông đã đến với bệnh nhân từ đồng lương hiếm hoi, dè xẻn của Xuân.

Mới đó mà đã hơn ba mươi năm. Cô giáo trẻ tên Xuân nay đã già nua vì nắng gió, vì tuổi tác của cuộc đời. Qui luật của đất trời không một ai cưỡng được. Chị đã làm được một điều kỳ dịu mà từ trước đến giờ chưa ai đến đây làm được: đến, trụ lại đây suốt quãng đời tươi trẻ của mình.

Cái ngày nhận quyết định nghỉ hưu, cả trăm bệnh nhân vây kín căn nhà công vụ của chị Xuân, những đôi mắt buồn xa xôi, những tiếng khóc nghẹn ngào, những cái nắm tay âu yếm. Không ai muốn xa rời người điều dưỡng đã mang đến niềm tin vào cuộc sống cho những bệnh nhân luôn nhận lấy những sự kỳ thị, xa lánh suốt mấy mươi năm qua.

Hôm nay cả bệnh viện lại không ngủ. Cái tin chị Xuân được đồng ý cho hợp đồng lại sau khi nghỉ hưu như luồng gió hồi sinh, lạc quan ùa vào các trại điều trị. Tiếng cười, tiếng nói và cả tiếng khóc vui mừng lại tràn ngập như lúc chị mới về đây công tác.

Đêm ba mươi tết không trăng sao. Nhưng những người đang có mặt quanh đây đang cảm nhận đêm nay trăng sáng rực lạ thường, ánh trăng trong lòng mỗi người thật dịu dàng, ấm áp biết bao, ánh trăng đang chia xẻ niềm vui bất tận với những con người không may mắn đang nắm chắc tay nhau trong niềm hạnh phúc yêu đời.

Xuân đã về.

 

 

 

 

 
 
 
 
 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập