Ký Ức Về Mẹ

Đã đọc: 2208           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tháng bảy về báo hiệu mùa Vu Lan nữa sắp về. Suốt cả chục ngày liền  mưa gió dầm dề khiến vạn vật co ro, không gian u buồn lạnh lẽo, len lỏi vào tận cõi lòng tôi.

Được ngày tạnh ráo tôi ra thăm vườn chôm chôm để tìm chút thư giãn, giải tỏa nỗi buồn. Con chó Tô lẽo đẽo theo tôi chạy đến ngữi chỗ nầy chỗ khác..Lá khô nằm sắp lớp trên mặt đất, ướt sũng nước mưa, oằn mình dưới những bước chân dẫm đạp của tôi chứ không còn rào rạo vui tai như lúc trước.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là con gà mái đang miệt mài bươi tung các lớp lá tìm trùn dế cho bầy con còn nhỏ chực chờ xung quanh. Con Tô chạy lại bầy gà. Con mẹ ngưng bươi, quay qua đối diện với con chó, vừa lên tiếng báo động nguy hiểm khẩn cấp, vừa xòe rộng đôi cánh, xừng lông cổ sẳn sàng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ bầy con, trông nó dữ tợn như một con chim ưng. Bầy con nghe mẹ báo động chạy vội vào ẩn núp trong các bụi cỏ mất dạng. Tôi kêu con Tô trở lại. Con gà mẹ thấy không còn nguy hiểm nữa mới túc con ra dẫn đi chỗ khác. Ôi! Mẫu tử tình thâm không chỉ có ở loài người mà còn cả loài cầm thú, nó cũng không đơn thuần là thương yêu chiều chuộng, nuôi dưỡng chăm sóc bầy con mà còn trông nom bảo vệ chúng bằng mọi giá. Gà không phải là loài thông minh nhưng nhìn những gì con gà mái thể hiện trước con chó cho thấy tình mẫu tử thiêng liêng đến mức nào?

Những tưởng sẽ tìm được niềm vui nào ngờ hình ảnh con gà mái lại làm cho tôi buồn thêm và nhớ má tôi da diết.

Má tôi không vĩ đại như bà Mạnh mẫu cũng không nổi tiếng như các mẹ Việt Nam anh hùng, các đại mỹ nhân mà bình thường như bao bà mẹ khác. Năm mười bảy tuổi, ông ngoại từ chối gả má cho người con trai cùng xóm mà gả cho người con trai xa lạ ở xã bên cạnh. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nhưng ông ngoại vẫn sợ má “lộn chồng” nên răn đe “mầy mà quày nạy tao sẽ cạo đầu bôi vôi bán cho mọi (người dân tộc thiểu số ở vùng cao)”. Khẩu xà tâm Phật, ngoài miệng nói cứng rắn chứ trong lòng ngoại vẫn thương yêu má, sợ má buồn bã cô đơn nơi xứ lạ quê người, ông mướn một bé gái chừng mười bốn mười lăm tuổi, theo má bầu bạn sớm hôm đến hai tháng mới thôi. Nhưng, ngoại đã quá lo xa, hôn nhân đến trước tình yêu đến sau, tía má tôi đã ăn ở với nhau đến răng long đầu bạc và có bảy mặt con

Nội tôi thuộc hàng khá giả, nhiều ruộng đất, lắm trâu bò, có kẻ ăn người ở trong nhà lo việc đồng áng và…chín người con. Tía tôi thứ tư, sau hai chị gái thành ra má tôi là con dâu cả trong gia đình với sáu người em, người lớn nhứt mười bốn tuổi, người nhỏ nhứt mới quá thôi nôi. Thời bấy giờ nền luân lý đạo đức phong kiến còn ảnh hưởng khá nặng trong đời sống gia đình nội tôi, điển hình là bà nội khá khó tính, nghiêm khắc, cô Hai lại hay về hùa với bà. Cho nên, làm dâu trong một gia đình như thế khá khó khăn nhưng má tôi vẫn vượt qua được trở ngại bằng lòng nhân từ đức hạnh của mình, nhanh chóng chiếm được cảm tình của ông bà nội, chị em chồng cùng người ăn kẻ ở.

Nhà đông người nhưng vào mùa đồng áng chỉ một mình má tôi lo việc cơm xôi, phải làm từ một giờ khuya đến bốn giờ sáng cho xong. Thời gian đầu có ông nội cùng thức với má, ngồi uống trà hút thuốc cho má đỡ “sợ ma”, nhắc nhở từng việc làm và đề phòng bất trắc, khi má quen việc quen cảnh ông mới thôi.

Gia đình cô Ba tôi khá nghèo, nhiều lúc không có tiền mua gạo, mua thuốc cho dượng Ba hút, trong khi ông nội tôi có đôi ba thiên lúa, tự trồng thốc hút cả năm không hết. Nghe cô Ba than thở, má tôi nhiều lần cho tiền cho gạo cô Ba và lén lấy thuốc của ông nội cho dượng Ba hút. Đối với các chú còn nhỏ, má tôi thương yêu chăm sóc như con của má cho nên khi má qua đời (tuổi 90) các chú đều đến để tang như hồi bà nội tôi mất.

Ông năm Keo là người làm cho nội tôi lâu đời nhứt. Ông nghiện rượu, mỗi bữa cơm uống một xị. Có rượu năng suất làm việc của ông rất cao. Một hôm ông đi ăn giỗ nhà hàng xóm nhậu say túy lúy bỏ việc ngót hai ngày. Bà nội nổi trận lôi đình đuổi việc ông. Má tôi theo năn nỉ bà mấy ngày liền bà mới cho ông Năm làm lại nhưng cấm uống rượu. Má tôi lại năn nỉ và nói cho bà biết công dụng của rượu đối với ông Năm bà mới vỡ lẽ, nghe ra. Ông Năm trả ơn má bằng cách làm tiếp việc nặng nhọc, cơm xôi hàng đêm.

Trong ấp có bà Hai Xiêm thuộc loại bần cố nông, không có cục đất chọi chim, sống và nuôi cháu ngoại bằng nghề cấy cắt lúa thuê. Bà Hai hỏi công cấy trước của nội tôi. Đến ngày cấy bà ấy bỏ trốn do lãnh công của người khác trùng ngày nên không thể cấy cùng lúc được. Bà nội giận lắm, sai má chạng vạng đến nhà bà Hai rình bắt bà ấy đem về làm tội làm tình. Bà Hai không có ở nhà, chỉ có hai đứa cháu ngoại leo nheo lóc nhóc. Má đứng ngoài hè chờ đợi. Bà Hai (đi mượn gạo) về. Các cháu bà hỏi “Có hông ngoại?”. Bà Hai lắc đầu buồn bã “Hổng có con ơi! Trong hũ còn chút đỉnh để ngoại vô nấu cháo cho tụi con ăn đỡ đói”. Má tôi lặng lẽ rút lui và ngày hôm sau lén xúc cả chục lít gạo đem cho bà Hai.

 Khi gặp cố Hòa thượng Thiện Hoa má tôi hỏi Hòa thượng những việc đó có phải trộm cắp không, có phạm giới và có tội không? Hòa thượng cười vui vẻ nói rằng lấy của người khác làm của riêng mình là trộm cắp, mới phạm giới và có tội, còn việc đó là lấy của nhà, không phải trộm cắp và giúp người nghèo đói cơ khổ không có tội mà còn được phước nữa.

Hồi chín năm, tía tôi tham gia kháng chiến. Bà nội sợ bị liên lụy, bị chánh quyền thực dân làm khó dễ nên cho mẹ con tôi ra riêng nhưng không cho một tấc đất ruộng để sinh sống. Má tôi vẫn không hề giận hờn oán trách hay kể công phân bì, xin xỏ mà ngoan ngoản nhận chịu, tần tảo nuôi con và cho con ăn học bằng đủ thứ nghề, từ mua gánh bán bưng đến cấy cắt lúa thuê. Lúc đầu má tôi cũng bị bọn làng lính hoạnh họe nhưng sau đó thấy má “chây lì” chúng không khó dễ nữa.

Anh Tư tôi bị gọi nhập ngũ khoá Hạ sĩ quan. Má tôi lo sợ cuống cuồng, chiến tranh không có giới hạn, tai họa tiềm ẩn khắp nơi khó lường, bom đạn không có mắt biết đường nào tránh né?

Bên nội tôi thuộc giòng dõi địa chủ, có nhiều người làm việc trong bộ máy cai trị của thực dân, má tôi bèn nhờ họ giúp đỡ nhưng không ai chịu đoái hoài. Không có chỗ nương tựa, má tôi bèn nhờ Hòa thượng Thiện Hoa giúp đỡ, ngài vui vẻ nhận lời nhưng với điều kiện anh Tư phải đi tu. Sự việc xảy ra đã đặt má tôi trước hai con đường phải chọn một. Để anh Tư đi tu, anh ấy sẽ dứt được tham ái dục lạc thế gian, giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi. Tuy nhiên, má sẽ mất đi một cánh tay đắc lực trong việc mưu sinh, tạo thêm gánh nặng cho má, vất vả cơ cực chất chồng trên đôi vai gầy guộc oằn xuống như cây đòn gánh. Còn cho anh Tư nhập ngũ, anh ấy có thể giúp ích được cho má nhưng sẽ trở thành kẻ thù của tía tôi, thành tay sai của thực dân, cầm súng đàn áp dận chúng, bắn giết đồng bào, tạo nhiều nghiệp chướng. Mỗi con đường chỉ đơn thuần là một lối đi cho nên trước khi chọn hoặc từ chối phải quan sát kỹ lưỡng chính xác theo mách bảo của con tim thì nó mới là lối đi tốt, nếu không, chỉ là vô ích. Má tôi đã chọn con đường thứ nhứt.

Như vậy vẫn chưa yên. Biết anh Tư đi tu, bọn làng lính`quyết định bắt má tôi, buộc phải đưa anh ấy ra. May nhờ chú cai Tám Ngọng báo trước má tôi mới lánh mặt kịp thời, đến bàn bạc với Hòa thượng Thiện Hoa đưa anh Tư về ở  cù lao Tân Qui là quê hương của Hòa thượng, xa xôi hẻo lánh ít bị làng lính bố ráp. Sợ anh Năm anh Sáu sau nầy dẫm phải vết xe cũ, má tôi lại hy sinh một lần nữa, cho hai anh vào chùa trước khi bị gọi đi quân dịch. Lúc bấy giờ, chị Ba đã lấy chồng, các con còn nhỏ dại, má tôi lại phải một mình tần tảo nuôi con. Nếu luật vô thường như cái giũa làm thân thể má tôi ngày càng hao mòn thì gian nan là ngọn lửa trui rèn ý chí và nghị lực của má ngày càng rắn chắc.

Hòa thượng Thiện Hoa nhiệt tình đào tạo các anh tôi và nhiều tăng sĩ khác (trong đó có Hòa thượng Thanh Từ) thành cán bộ cốt cán tinh túy của Phật giáo để hoằng dương đạo pháp trong tương lai. Tuy nhiên, các anh tôi đều hoàn tục gây thất vọng lớn cho Hòa thượng, má tôi cũng vô cùng buồn bã. Hòa thượng an ủi má tôi mà cũng an ủi chính mình “Các cháu đã không có duyên với Phật pháp thì mình không nên cưỡng ép chị ạ. .Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, đã đặt những bậc thang đầu tiên cho chúng bước lên, phần còn lại là của chị, chị hãy cố gắng dạy dỗ chúng thành người tốt trong xã hội”. Má tôi đã hoàn thành tâm nguyện của Hòa thượng, anh Tư tôi trở thành giáo viên, anh Năm buôn bán theo nghiệp mẹ.

Năm 1962 anh Sáu tôi tham gia cách mạng đến năm 1969 hy sinh. Nhận giấy báo tử của đơn vị không lâu má tôi lại nhận được thư của anh Sáu gởi về xin tiền xài và quần áo mặc. Má tôi chết ngất, một phần vì mất đi núm ruột, một phần vì ân hận không thể giúp đỡ được con, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nầy!?. Má tôi gầy mòn khô héo, vật vả khóc than mấy tháng liền mỗi khi nhìn cái thư của anh Sáu. Tía tôi phải lén lấy cái thư đốt bỏ má mới dần dần nguôi ngoai.

Đây là một sơ xuất đáng tiếc. Số là, trước khi hy sinh, anh Sáu gởi thư về nhà xin tiền xài và quần áo mặc nhưng cái thư đến chậm hơn giấy báo tử. Đáng lẽ nó được hủy bỏ nhưng không biết tại sao người ta vẫn đưa cho má tôi khiến má bị cú sốc quá lớn.

Bà ngoại tôi mất khi má mới biết bò. Mồ côi mẹ từ lúc đầu đời, má hiểu rất rõ tâm trạng của người con thiếu tình mẫu tử nên má dồn tình thương cho các con của má. Tôi đã nhận của má quá nhiều nhưng chưa báo đáp được bao nhiêu mà còn phạm phải lỗi lầm.

Má tôi ăn chay niệm Phật từ thời con gái cho đến cuối đời. Khi má bị bệnh tê liệt ngồi một chỗ và đôi mắt bị đục thủy tinh thể gần như mù, ăn uống phải đút nhưng má vẫn không quên mười ngày chay trong tháng. Không biết tại sao má nhớ hay đến thế? Một lần má bệnh, Bác sĩ khuyên hạn chế hoặc thôi ăn chay cho đủ chất dinh dưỡng, trị bệnh mau lành. Hôm đó nhằm ngày mồng tám, tôi lờ đi và cho má ăn cơm với thịt kho, má nhớ nhưng không cưỡng lại được sự ép buộc của tôi nên ăn cơm ăn thịt mà như ăn sỏi ăn sạn, đôi mắt buồn hiu chực khóc. Tôi rất hối hận, không dám ép má nữa. Hiếu thảo là tính tốt nhưng phải đặt nó đúng nơi đúng chỗ nó mới có ý nghĩa cao đẹp đích thật. Vậy mà…

. Rằm tháng bảy là ngày Tự tứ, lễ Vu Lan báo hiếu cho cha mẹ nhưng từ khi tía má tôi mất tới giờ, mỗi việc cúng dường trai tăng, cầu nguyện hương linh tía má siêu sanh Tịnh độ mà đã biết bao mùa Vu Lan qua đi tôi vẫn không thực hiện được. Vì thế, mỗi năm khi tháng bảy về, mưa dầm sùi sụt tôi cũng sụt sùi ngồi nhìn những mùa Vu Lan đến rồi đi, đến rồi đi trong bùi ngùi nuối tiếc./

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập