Từ Cái Chết Của Ba Tôi

Đã đọc: 4128           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

“Nếu con được thành Phật mà chúng sinh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sinh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện thì con chẳng trụ ở ngôi chính giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê chính pháp”.

Thế là ba tôi từ giả cõi đời, ông rời anh em chúng tôi ở tuổi 89, kể cũng đã là thọ lắm rồi; so với ông cố của tôi mất lúc 76, 77 tuổi và ông nội tôi thì chỉ khoảng 73. Có điều đáng mừng là ở tuổi nầy ba tôi hãy còn tỉnh táo, đầu óc minh mẫn, mắt còn có thể đọc báo không cần kiếng, tai vẫn thính khi chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau. Năm trước ông hãy còn mạnh để đi chơi đảo Kangaroo cùng với con cháu nhân dịp em vợ tôi từ bên Mỹ sang. Lúc ấy, ông vẫn còn có thể trèo lên đồi cát cao ở Little Sahara, hay đi ra tận bờ biến nơi những con seal phơi mình trên bãi biển. Nhưng trên đường về từ bãi biển tôi đã dừng lại với ông để nghe ông thở mệt nhọc, tôi đã có phần hơi lo lắng cho ông. Sau trận đi bắt nghêu ở Goolwa, ông có vẻ nhuốm bệnh. Và khi dự đám cưới cháu nội sau cùng, ông tỏ ra thỏa mãn và trở về Melbourne. Từ đó bệnh trở dần càng làm cho ông yếu đi; ông không thể đi Adelaide được, chúng tôi và con cháu phải gồng gánh lên thăm ông để một mai ông mất thì cũng đã gặp con cháu đầy đủ rồi. Thỉnh thoảng có những báo động từ các em của tôi, rồi ông lại khỏe. Đến khi đứa em trai kêu: “Ông có lên thì lên sớm sớm đi để coi chừng hối hận đó!”. Tôi và vợ tôi vội vàng sắp xếp công việc để lên thăm ông, có cô em vợ tôi đi cùng. Ngày lên thăm ông, sáng sớm trời hãy còn lạnh mà ông ở trần đi ra ngoài, tôi đi theo để trông chừng ông. Ông vẫn kể nhiều chuyện trong dòng họ, những chuyện trong cuộc đời, và những điều “hậu sự” của ông. Ông nhớ rất nhiều, không sai sót chi tiết nào cả. Ông còn nói nhà thương ở gần chưa có chỗ cho ông nằm, còn hai nhà thương ở xa thì có; và tôi có hỏi đến ngày ông mất cần có thầy tụng niệm không và ông muốn thầy ở đâu đến tụng, và muốn tiến hành như thế nào, ông cũng kể rõ những điều ông muốn. Nhưng đến trưa, trong lúc tôi cùng thằng em đang mua đồ ăn ở Saint Alban thì điện thoại vợ tôi cho hay nhà thương Sunshine Hospital cho biết đã có chỗ; chừng nửa tiếng sau nó sẽ đến và đưa ba vào nhà thương. Tôi và thằng em vội chạy về đúng lúc nhân viên nhà thương cũng vừa đến.

Ba tôi vào nhà thương được hơn một ngày thì ông lại làm mệt, tôi và em gái tôi phải gọi con cháu về gắp. Chúng phải vội vàng về nhà thương thăm ông. Chắc có lẽ vì vui với con cháu, ông lại khỏe ra. Trong trường hợp ấy, tôi và em trai tôi phải lo đi hỏi về dịch vụ mai táng có lo chuyển quan tài về Việt Nam theo như ý ba tôi muốn. Sau khi bàn chuyện xong, anh Mai Thành Lập đại diện cho công ty Allison Monkhouse có biếu một máy niệm A-Di-Đà-Phật. Nhân đó, tôi nhớ lại rằng trong Kinh Địa Tạng có ghi:

“Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nhẫn đến một người vì người bịnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một Đức Phật, thời người chết đó, trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp khác đều tiêu sạch cả.

Năm tội lớn vô gián kia dầu rất nặng nề đáng lẽ trải qua ức kiếp hẳn không ra khỏi đặng quả khổ, nhưng bỡi lúc lâm chung, nhờ người khác vì đó mà xưng niệm danh hiệu của Phật cho nên những tội nặng đó cũng lần lần tiêu sạch.

Huống là chúng sanh tự mình xưng danh hiệu của chư Phật, người nầy đặng vô lượng phước lành, trừ diệt vô lượng khổ”.                (Kinh Địa Tạng, H.T Thích Trí Tịnh dịch, chùa Pháp Bảo- Sydney ấn tống 1994- Phật lịch2538, trang 137-138).

Từ suy nghĩ như vậy, tôi còn thấy rằng nằm trong nhà thương thì buồn, ba tôi sẽ có những suy nghĩ vẩn vơ, hay nhớ lại những điều không hay, không vui, sẽ làm cho ông không cảm thấy thoải mái; tôi hỏi ý ông muốn nghe cái gì để cho đỡ buồn không hay là nghe giảng kinh hoặc nghe tụng. Ông nói nghe cái gì cũng được. Thế là tôi bắt máy tụng để ông nghe, tôi chỉ mong ông nghe để ông khỏi phải suy nghĩ những chuyện thế gian phiền não trong cuộc đời nữa, và để ông làm quen với đạo Phật trong lúc mà người ta gọi là “gần đất xa trời” nầy. Vả lại, máy cũng thay thế cho người khác tụng để dần xâm nhập vào trong tiềm thức của ông để mong rằng một lúc nào đó ông cũng biết niệm Phật vào lúc lâm chung.

Vài ngày sau ông khá tỉnh, con cháu trở về với công việc làm của chúng. Tôi và vợ tôi lại trở về Adelaide mà lo những công việc cần thiết phải làm và sắp xếp công việc nếu một mai ông mất thì cũng không bị động. Em gái tôi lo chăm sóc ba tôi như thường ngày, nhưng bây giờ nó vất vả hơn vì phải vào và ngủ trong nhà thương, ban ngày có Thiếm Út (vợ em trai tôi) trông phụ.

Chừng gần hai tuần sau thì các em tôi cho biết ông yếu dần. Vào khoảng cuối tuần của tuần thứ hai, em tôi có cho biết anh chị ba Bé (người bà con cùng quê) có vào thăm và ngõ ý, nếu gia đình muốn thì anh chị sẽ nhờ đến Ban Hộ Niệm Vãng Sanh của Niệm Phật Đường Tịnh Nghiêm (thuộc Tịnh Tông Học Hội, phái của Pháp Sư Tịnh Không) ở vùng Cairnlea (Ban Hộ Niệm Hải Sơn) đến tụng Vãng Sanh cho ông. Gia đình đồng ý với sự vui vẻ của ba tôi, ban hộ niệm đã cử người luân phiên đến tụng cho ông, ông cũng bắt đầu niệm Phật. Quả là hi hữu vì trong suốt cuộc đời ông, tôi chưa hề thấy ông nói đến chuyện tu hành và ngay cả một chút nào về đạo Phật. Quan niệm của ông cũng như bao nhiêu người khác cứ nghĩ “ăn hiền ở lành” là được rồi!

Ba tôi đã yếu nhiều, mặc dù thỉnh thoảng làm mệt, nhưng mấy em tôi muốn tôi lên gấp. Tôi và vợ tôi dự trù lên ngày Chủ Nhật, nhưng chúng tôi đã có sẵn vé máy bay vào sáng ngày Thứ Hai, nên thôi để qua Thứ Hai vậy.

Từ phi trường đứa cháu chở qua tiệm ăn, rồi chạy thẳng vào nhà thương. Trước đó nửa giờ, ba tôi đã làm mệt và muốn ói. Bác sĩ đến khám tôi tạm dịch cho ba tôi, lúc nầy ba tôi hãy còn biết và bắt đầu thấm mệt; rồi vợ tôi ở lại với ba tôi. Tôi và đứa em gái về nhà, chiều tôi sẽ đến và ngủ lại qua đêm. Ban hộ niệm cứ làm những công việc của họ. Đêm ấy cũng như suốt ngày ba tôi chắc thấm thuốc nằm ngủ mê man, điều ấy Trưởng ban hộ niệm là Hải Sơn cho biết là sẽ không tốt, nhất là sự trợ niệm sẽ không đạt được kết quả như mình mong muốn. Nửa đêm, tôi gọi điện thoại cho hai em tôi để hỏi ý kiến để xin nhà thương giảm bớt lượng thuốc giảm đau. Nhưng nhân viên cho biết là có thể do sức của ba tôi giảm dần chứ không phải là do thuốc đâu. Điều ấy sáng hôm sau bác sĩ cũng xác định như vậy, nhưng họ cũng giảm lượng thuốc xuống còn tối thiểu! Ba tôi có tỉnh hơn chút ít, nhưng sức của ông đã giảm thấy rõ. Tôi nói bên tai ba tôi, kêu ông ráng niệm Phật và chấp tay để niệm, rồi cạo râu cho ông. Ông chấp tay lên, cái chấp tay của ông thấy dễ mến lạ! Miệng ông chỉ cử động nhẹ, lưỡi đưa lên đưa xuống khiến cho người nhìn biết là ông cũng đang niệm Phật. Hồi lâu, tôi thấy chấp tay sẽ khiến cho ông mỏi, tôi nói với ông thôi để tay chồng nhau trên ngực, và tôi xếp tay trên ngực cho ông.

Từ trưa hôm ấy, Hải Sơn bàn với tôi là ban Hộ Niệm sẽ niệm ráo riết 24 trên 24 cho ông. Trong những cuộc trao đổi với Hải Sơn tôi cũng thấy rằng: Người được trợ niệm tỉnh táo được chừng nào tốt chừng nấy, họ niệm Phật theo người trợ niệm thì kết quả sẽ “vô vàn” vì trong 48 Đại Nguyện của Đức Phật A-Di-Đà thì Đại Nguyện thứ 18 là:

“Nếu con được thành Phật mà chúng sinh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sinh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện thì con chẳng trụ ở ngôi chính giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê chính pháp”.

Và trong đạo Phật người ta sợ người sắp lâm chung chìm vào trong cơn hôn mê vì như vậy sẽ đi vào cảnh giới “bàng sanh” cho kiếp sau. Và nếu người sắp lâm chung mà còn có thể niệm Phật được thì cả hai điều kiện vẹn toàn như đoạn Kinh Địa Tạng mà tôi đã trích dẫn ở trên.

Trong Pháp môn Niệm Phật Tam Muội như Đại Thế Chí pháp vương tử đã bạch cùng Phật rằng:

“Mười phương các Đức Như Lai thường nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh, tuy mẹ nhớ cũng chẳng có ích gì; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không xa cách nhau. Nếu chúng sanh đem tâm nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại hay trong tương lai chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng cần tu hành phương tiện nào khác mà tự nhiên tâm được khai ngộ”.      (Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông, khóa VI-VII, trang 219).

Và, trong Kinh A-Di-Đà Đức Phật có thuyết:

“Xá Lợi Phất! Không phải chỉ có chút ít nhơn duyên căn lành phước đức mà vãng sanh về cõi kia đâu! Nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào, nghe nói đến tên Phật A-Di-Đà, chuyên tâm trì niệm danh hiệu Ngài từ một ngày cho đến bảy ngày mà tâm không loạn động. Người kia đến khi mạng chung, Phật A-Di-Đà cùng thánh chúng hiện ra trước mặt. Tức thì tâm người kia không bị loạn động, bỏ thân Ta Bà liền được vãng sanh cảnh Cực Lạc”           (Di Đà Yếu giảng, Thích Phước Nhơn, Phổ Quang ấn hành, Phật lịch 2542-1998, trang 160).

Tôi cũng biết rằng: Trong hoàn cảnh gấp rút nầy Ban Hộ Niệm của Hải Sơn muốn hết tình với ba tôi, nên tất cả các vị đến trợ niệm đều sắp xết thời gian mà luân phiên đến trợ niệm. Chúng tôi người trong gia đình, nếu có mặt cũng ra sức niệm theo để hồi hướng về cho ba hay ông. Hải Sơn bảo người trong gia đình không cần phải lo ăn uống gì cho những người trợ niệm cả, cứ lo công việc của mình.

Lúc ấy tự dưng tôi nghĩ đến con người trong thế giới Ta Bà nầy: Chúng sinh được Luân hồi đến cõi Ta Bà nầy có rất nhiều phước báu vì chỉ có cõi nầy mới có Phật pháp để tu mà thoát ra khỏi vòng “Luân Hồi Sinh Tử” đúng như điều trong Kinh điển có đề cập đến là “Thân người khó được” (Nhân thân nan đắc). Nhưng có bao nhiêu người có được “căn duyên”; người ta cứ vì sự sống, dục ái, cung phụng cho thân xác mà vướng vào Tham, Sân, Si rồi đi xa hơn là Sát, Đạo, Dâm, Vọng, cùng tạo nghiệp để nghiệp cuốn mình trôi trong vòng Luân hồi. Hầu hết con người không thấy được mục đích làm người sâu xa ấy, và họ cũng khó tin vào đạo, cho nên “cá vượt Vũ Môn” chẳng được bao nhiêu để hóa thành rồng!

Và với Ban Hộ Niệm Vãng Sanh của Hải Sơn nầy khiến cho tôi có nhiều suy nghĩ về một cách tu. Đây là pháp tu “Niệm Phật” thực tiễn. Những người Hộ niệm là những người đang thực hành cách tu của mình. Nhưng họ tiến xa hơn, họ đang tu theo hạnh “Niệm Phật”, nhưng cộng vào sự tu tập của mình với một hạnh Bồ Tát, họ là những người đang “xăn tay áo, lội xuống sông” cố kè người sắp lâm chung, giúp người sắp chết bằng mọi cách để được đến bờ bên kia (giác ngạn). Quả là công đức vô lượng! Cho nên, họ cố niệm hết mình như mình có thể; cố tìm cách để người lâm chung cũng niệm để chính họ tự tạo công đức cho mình, phối hợp cùng công đức của người hộ niệm. Tất cả làm lực lớn để dìu người sắp lâm chung sang sông về với Đức Phật A-Di-Đà (Đó chẳng là công việc của Bồ Tát đấy ư?).

Nhưng, mỗi người đều có nhân quả và cơ duyên riêng. Nếu ba tôi là người đã có duyên với Phật pháp từ lâu thì những ưu phiền, nghiệp chướng ông đã bỏ đi rồi, chứ không có những biểu hiện không ưng ý hay chẳng vừa lòng trong giai đoạn nầy. Trong cuộc sống ông thường hay nói câu “đến chết tao cũng chẳng quên” hay đại khái như vậy. Có đôi lúc ông buồn anh em tôi, tôi cũng đã xin lỗi để ông vui lòng nhưng ông vẫn còn hờn, thì huống hồ gì đến những người khác. Những lúc sau nầy, nhiều chuyện dồn về, ông lại có nhiều suy tư hơn. Đôi lúc tôi chỉ nói: Ba cứ coi những chuyện xảy ra trong cuộc đời nầy giống như vai trò trong một vở tuồng hát, hát chơi cho vui vậy thôi; bây giờ ba cứ quên hết nó đi, đừng để tâm đến nữa. Ba suy nghĩ nhiều nó chẳng tốt cho ba đâu. Chiếc xe nầy cũ lắm rồi cũng nên đổi xe mới; thân nầy bệnh già thì cần đến thân khác”. Tôi chỉ dám nói đến đó thôi! Và tôi cũng biết mình không thể nào nói được xa hơn!

Trong lúc trợ niệm, Hải Sơn và nhiều người cũng đã nhìn thấy điều ấy qua từng chuyển biến trên gương mặt ba tôi. Hải Sơn cùng góp ý với anh em tôi để giải quyết vấn đề. Nhưng nguyên nhân không phải đơn thuần là một lý do, hay ở một chuyện mà là trong suốt cuộc đời của ba tôi. Ông đã cố chấp quá nhiều chuyện và nhiều vấn đề. Những vấn đề ấy ông không hề buông bỏ. Đó là điều mà người có tìm hiểu và tin theo đạo Phật rất sợ: Khi lâm chung những chuyện ấy sẽ là những chướng ngại cho sự siêu thoát hay thoát khỏi luân hồi. Trong những thời gian có cơ duyên để tìm hiểu vào đạo Phật, tôi cũng có thấy được điều trở ngại ấy cho nên đôi lần tôi đã nhắc đến “cái cận tử nghiệp” và “nguyện lực”. Nguyện lực là những điều mình ước muốn, theo đuổi và nguyện được như vậy: Mình thương mến ai nguyện theo người đó, hay ghét, thù hận ai nguyện theo họ để làm một cái gì. Hoặc những chuyện gì tích tụ trong tiềm thức, trong cuộc đời sau bao nhiêu năm ôm ấp đến lúc nầy hiện ra để quấy rối tâm trí người sắp lâm chung, đó là “Cận tử nghiệp”. “Nguyện lực” và “Cận tử nghiệp” nầy mới chính là “yếu tố quyết định” con đường đi “đầu thai” của người sẽ ra đi. Do đó, sự “buông bỏ” tất cả những ưu phiền, không thương ghét oán hận, thù hằn, không hề nhớ đến ơn nghĩa, thân thương, không tiếc nuối bất cứ một cuộc tình, những tài sản còn mất... giống như một người nghệ sĩ trình diễn, dù đóng vai tàn bạo hay đau thương đến đâu, khi rời sân khấu không mang theo bất cứ một tình tiết hay hóa trang nào của sân khấu cả. Có như vậy thì tâm mình mới “an nhiên tự tại” mà ra đi, và nếu mình biết niệm Phật nữa thì thật là quý giá vô ngần! Ba tôi dù không ghét nhưng ông ơ thờ với những gì của đạo Phật, nhưng tới giai đoạn nầy được sự giúp đỡ như vầy, và ông thay đổi được thế nầy cũng đã là quý lắm rồi!

Ông được sự trợ niệm nhiệt tình của Ban Hộ Niệm Hải Sơn trước lúc lâm chung và sau khi lâm chung thêm 18 (mười tám) tiếng đồng hồ nữa. Bao nhiêu người đã cố gắng dìu ông sang vương quốc của Đức Phật A-Di-Đà, đã hồi hướng cho ông, cũng như những “oan thân, trái chủ” nhiều kiếp của ông đều được siêu sinh về Cõi Tịnh Độ. Tôi cũng mong muốn ông cùng những “oan thân, trái chủ” của ông đều được như vậy! Ông mất đi vào lúc 9 giờ rưỡi tối, lúc đó gương mặt ông rất đẹp, Hải Sơn cứ khen ngợi hoài. Mọi người cố gắng không tiếng động (kể cả chúng tôi cũng không khóc) hay động đến cái giường mà chỉ là tiếng niệm Phật không thôi! Khoảng thời gian nầy tôi mới chứng kiến được sự mầu nhiệm của niệm Phật, đây là lần mắt thấy tai nghe: Lúc chết miệng ba tôi há ra có lẽ vì giây phút cuối cùng lưỡi đớ và thụt sâu vô trong che mất đường thở ra mũi, tức ông bị ngộp thở nên miệng phải mở ra; nhưng sau gần một giờ niệm Phật của ban Hộ Niệm và người nhà chúng tôi, miệng ba tôi từ từ khép lại mà không một ai làm cho khép lại cả. Đã thế sau gần 18 giờ niệm, tôi lại có ngạc nhiên khác vì nước da mặt của ba tôi hơi sậm lại, tôi thấy lạ lùng nên quan sát vùng chung quanh miệng của ông vì nơi đó hãy còn trắng bệt. Hồi sau, nước da ở nơi đó cũng sâm lại. Và cũng chỉ có những tiếng niệm Phật mà thôi!

Trong những câu vấn đáp của Pháp Sư Tịnh Không có đề cập đến những “oan thân, trái chủ” nhiều kiếp nầy, họ thường hay biến hiện thành thân nhân của người sắp chết khiến người sắp chết tưởng rằng thân nhân của mình mà dễ tin rồi đi theo họ, để họ trả thù lại những ân oán xưa. Điều nầy khiến tôi tìm lại Kinh Địa Tạng. Quả thực, trong Kinh Địa Tạng có ghi:

“Trong cõi Diêm-Phù-Đề, những người làm lành đến lúc mạng chung cũng còn có trăm nghìn quỉ thần ác đạo hoặc biến ra hình cha mẹ, nhẫn đến hóa làm người thân quyến dắt dẫn thần hồn người chết làm cho đọa lạc vào chốn ác đạo, huống chi là những kẻ, lúc sanh tiền đã sẵn tạo nghiệp ác.

Bạch Đức Thế Tôn! Những kẻ nam tử nữ nhơn ở cõi Diêm-Phù-Đề, lúc lâm chung thời thần thức hôn mê không biện được lẽ lành điều dữ, cho đến mắt cùng tai không còn thấy nghe gì hết.

Hàng thân quyến của người lâm chung đó, nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát, tu tạo nhơn duyên phúc lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỉ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết.

Bạch Đức Thế Tôn! “Tất cả chúng sanh lúc lâm chung nếu đặng nghe danh hiệu của một Đức Phật, danh hiệu của một Bồ Tát, hoặc nghe một câu một bài kệ kinh điển đại thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô gián cùng tội sát hại, những nghiệp ác nho nhỏ đáng lẽ phải sa vào chốn ác đạo, liền đặng thoát khỏi cả”.                 (Kinh Địa Tạng, HT. Thích Trí Tịnh dịch, chùa Pháp Bảo Sydney ấn tống 1994- Phật lịch 2538, trang 127-128).

Cho nên, trong những câu “hồi hướng” của Ban Hộ Niệm Hải Sơn mà tôi được nghe có điều “bao la” hơn, ngay cả những kẻ thù (oan thân, trái chủ) cũng được hồi hướng để những “hận thù” trong lòng họ sẽ được “tiêu tan” và họ phát “Bồ Đề Tâm” để được siêu sinh về Cực Lạc Quốc:

Nguyện đem công đức nầy

Trang nghiêm Phật Tịnh Độ

*Hồi hướng cho hương linh của Ông/ Bà......

*Hồi hướng cho oan thân, trái chủ của Ông/ Bà....

             được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Trên đền bốn ơn nặng

Dưới cứu khổ tam đồ

Nếu có ai thấy nghe

Đều phát tâm Bồ Đề

Hết một báo thân nầy

Đồng sanh Cực Lạc Quốc!

Ban Hộ Niệm Hải Sơn và cả Đạo Tràng Tịnh Nghiêm đã giúp tụng niệm cho ba tôi vào một buổi tối nữa ở nhà quàn sau những buổi tụng cúng của các Thầy: Thích Phước Tấn (Chùa Quang Minh), Thích Thiện Tâm (Chùa Hoa Nghiêm) và thầy Thích Phước Thiền cùng với sự hộ niệm của Ban Hộ Niệm chùa Quang Minh. Đó là phước đức lớn của ba tôi!

Ba tôi đã mất đi, nhưng ông đã hiện ra trong cơn “mơ màng” của bà suôi gia của tôi ở phi trường Sydney để chỉ cho bà biết bà đã “sai chỗ”, để bà kịp đổi “cổng vào” cho kịp chuyến bay, và anh Mai Thành Lập muốn thắp cho ông ba cây hương vì sự chuyển quan tài về Việt Nam không còn trở ngại nữa.

Quả thực phước đức của ba tôi không dừng lại ở đó! Sau khi má tôi mất vào khoảng 2 năm trước, thì ngôi nhà của hai ông bà cất trước kia để khi về Việt Nam có chỗ nghỉ ngơi, đã bị đứa cháu phá đi khi nó cất nhà mới theo quy hoạch của đường sá. Lúc đầu, ba tôi không muốn đem thi hài về Việt Nam nữa, nhưng mồ mã ông đã xây từ 10 năm trước rồi; anh em tôi nói mãi ông mới chịu đem về cho gần với má tôi. Vấn đề khác được đặt ra! Về Việt Nam sẽ đặt quan tài ở đâu?

Nhờ Lan, đứa em con cô Út của tôi, tìm mãi; cuối cùng tiện nhất là nhà quàn của chùa Thiên Phước (khu phố Đông Tư, phường Lái Thiêu, Thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương) ở Lái Thiêu. Sở dĩ, chùa Thiên Phước có nhà quàn là vì Trụ trì là Đại Đức Thích Thiện Đạo (người xuất gia khi lớn tuổi) thấy người đi đến làm trong các xí nghiệp đa số là người tứ xứ, nghèo, khi chết đi không đủ tiền để lo ma chay nên Đại Đức biến bên hông chùa làm nhà quàn đồng thời là nơi cho các cơ sở Phòng thuốc Từ Thiện, lẫn phát thuốc trị bệnh, châm cứu cho những người nghèo.

Hòa Thượng Thích Thiện Duyên, trụ trì chùa Hưng Long (chùa Bà Thao- Xã Thạnh Phước, Huyện Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương), khi hay tin ba tôi mất và sẽ đưa về Việt Nam, Hòa Thượng bảo “Thầy sẽ đón ở phi trường và sẽ lo cho”. Thầy đến phi trường theo xe huê hiên tụng niệm, lo cho ba tôi từ lúc đó. Khi về chùa Thiên Phước, Đại Đức Thích Thiện Đạo cho để quan tài trong chùa làm lễ (điều nầy làm tôi ngỡ ngàng) chứ không là ngoài nhà quàn như dự tính, nhưng chỉ đơn giản vì ba tôi là “Cậu” của Hòa Thượng Thích Thiện Duyên. Sáng hôm sau Thầy Duyên đã soạn sẵn những mâm bưởi để cúng cùng những tràng hoa phúng điếu cho ba tôi. Sự cảm động nhất là tràng hoa phân ưu của Thượng Tọa Thích Huệ Thông từ Chùa Hội Khánh.

Đám của ba tôi sau ba ngày cũng hoàn tất! “Mở cửa mã” lẫn “xả tang” ngay sau khi vừa chôn cất ba tôi xong. Thờ cúng tạm thời gởi vào Chùa Long Sơn ở Tân Ba, cùng với má tôi ở đó. Khi em trai tôi về lại Úc; nó sẽ thỉnh ông, bà cùng về với nó.

Tôi viết bài nầy trước là để:

-Ở Úc: Tri ân tất cả Quý Thầy (Thượng Tọa Thích Thiện Tâm, Thượng tọa Thích Phước Tấn, Đại Đức Thích Phước Thiền, các Thầy, Sư Cô cùng Ban Hộ Niệm chùa Quang Minh); nhất là Ban Hộ Niệm Hải Sơn, anh chị Nguyễn Văn Bé, Đạo Tràng Niệm Phật Đường Tịnh Nghiêm thuộc Tịnh Tông Học Hội của Pháp Sư Tịnh Không; Anh Mai Thành Lập cùng công ty mai táng Allison Monkhouse; đặc biệt là nhà thương Sunshine Hospital cùng các Bác sĩ, Y tá, Nhân viên ở khoa Palliative Care (ở Melbourne); Ông Lý Thành (Hai Đề) và Nhóm Thân Hữu Tiên Sư, Tổ Sư (ở Nam Úc).

-Ở Việt Nam: Tri ân đến Hòa Thượng Thích Thiện Duyên, Thượng Tọa Thích Huệ Thông, Đại Đức Thích Thiện Đạo cùng tăng, ni chùa Thiên Phước; Ni Sư Trụ Trì và các Sư Cô chùa Long Sơn ở Tân Ba; và tất cả những ông bà thân bằng quyến thuộc dù ở Úc hay ở Việt Nam đã thăm viếng, giúp đỡ cho lễ tang của ba tôi kể cả các cấp chính quyền.

Sau nữa:

-Nhân cái chết của ba tôi mà chúng ta có thêm một số kinh nghiệm sống để một mai, khi chết chúng ta cũng có được một cái chết “an nhiên, tự tại” không vướng bận nào còn lại trong lòng. Và hi vọng, nếu được trợ niệm cũng như còn niệm Phật được đến khi chết thì tất Phật A-Di-Đà, đã thành Phật từ lâu, tức là Ngài không quên những đại nguyện của Ngài; Ngài và các Thánh Chúng sẽ hiện tiền hoặc phóng quang dẫn độ người lâm chung về cõi Tây Phương Tịnh Độ.

-Chúng ta lại có dịp nhìn và tìm hiểu sâu về Kinh Địa Tạng hơn, để từ đó ta chọn được con đường tốt nhất giúp cho người lâm chung sớm được siêu thoát và về trong cảnh giới an lành; đồng thời tránh đi những mê tín dị đoan hay những tập tục thái quá mà chúng ta đã có từ xưa.

-Và cuối cùng, tôi cũng muốn hồi hướng về cho ba tôi, cùng những “oan thân, trái chủ” của ông, hay “những ai nghe thấy” đều phát Bồ Đề Tâm để cùng nhau được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

 

Nguyên Thảo,

06/01/2013.

(Kỷ niệm ngày ba tôi mất 5/12/2012,

nhằm 22/10 âm lịch năm Nhâm Thìn)    

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập