Dũng Khí Linh Thiêng

Đã đọc: 1969           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sống nghịch đời thuận đạo cần có một ý chí sắt đá – dũng khí linh thiêng. Nhờ ý chí sắt đá này mà ta vững tâm bước qua mọi khen chê thị phi thế tục, thậm chí thị phi tông môn pháp phái. Nhờ dũng khí đó mà ta kiên định hơn trong lập trường tu thân và hành đạo. Nhờ lòng dũng cảm đó mà ta dám làm những gì cần phải làm cho bản thân và đạo pháp. Và cũng nhờ sự linh thiêng của dũng khó đó mà có thể thức tỉnh những hồn say đang lạc lối đường tơ.

Cuộc đời có đó lại không

Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi

 

Lúc một người ra đi từ biệt cõi trần, cái gì còn sống mãi trong lòng người ở lại? Tiền vàng bạc nén, lầu cao xe xịn ư? Không, chúng chỉ là phương tiện vật chất tạm dùng cho thân xác bên ngoài. Danh cao chức lớn, bằng cấp học vị ư? Càng không, chúng nhanh chóng tiêu tan như làn sóng trước bị làn sóng sau đánh đổ. Còn lại tấm lòng, câu thơ trên đã gợi ý như thế. Với tôi, tấm lòng ấy là toàn bộ nhân cách sống, lý tưởng sống và đức hạnh sống. Một trong những biểu hiện trầm mà hùng của nhân cách ấy, của lý tưởng ấy và của đạo hạnh ấy là dũng khí tu hành. Dũng khí này càng sống động mãnh liệt và càng linh thiêng hơn khi người ấy lìa trần trong niềm kính thương của hàng vạn trái tim. Tôi muốn nói đến dũng khí thiêng liêng trong cuộc đời tu hành của thầy Nguyên Thanh – Nguyễn Tư Trừng.

Khi thầy nằm xuống, ai đã từng một lần tiếp xúc với thầy cũng bùi ngùi thương xót. Tôi, chắc chắn các bạn cũng thế, không lạ với chuyện sanh ly tử biệt. Không lạ bởi đã chứng kiến nhiều, thậm chí đau thương hơn. Không lạ vì đó là chuyện đương nhiên phải đến, phải trải qua của thân phận người. Không lạ vì rồi đây chính mình cũng chạm trán đối đầu. Tuy vậy, không lạ nhưng bỗng dung trở thành rất lạ: bao nhiêu kỷ niệm với thầy tuôn về trong ký ức, rất nhiều hình ảnh thân thương về thầy chen chân hiện khởi, vô vàn câu chữ thân quen thầy viết thầy nói đua nhau vọng lại. Trong cảnh trạng tuôn về, đua nhau và chen chân như thế, biết chọn lọc sao đây để sắp xếp thành đoản văn cảm niệm ân thầy? Vì suy tư chọn lọc tôi đành lỗi hẹn với lời hứa soạn bài cảm niệm cho bạn bè đọc khi họ phúng điếu trước bát hương linh cửu thầy.

Tôi biết rất nhiều người đã viết, đang viết và sẽ viết, cảm nghĩ của họ về thầy. Ngay cả những ai chưa hoặc không viết, họ vẫn đang nhớ và thầm niệm ơn thầy. Tôi cũng đang làm việc đó, như là một lần nữa suy tư về thầy, một lần nữa cảm niệm công ơn thầy, một lần nữa nhắc nhở bản thân sống với cái dũng khí tu hành mà thầy đã thể hiện trong suốt cuộc đời mình. Tôi nói một lần nữa bởi khi thầy còn sinh tiền, thầy đã gợi cảm hứng cho tôi viết bài Duy ma xứ Huế.

Dũng khí linh thiêng toát ra từ ánh mắt thầy, dáng đi thầy, tiếng nói thầy, cử chỉ thầy. Nói chung là toàn bộ thân tâm thầy đều biểu hiện dũng khí ấy, cái khí chất dũng cảm vượt lên trên mọi dị biệt thị phi thường tục để thực hiện nhân cách, lý tưởng và đức hạnh của một người con Phật. Và cũng chính cái khí chất ấy khiến người có trí phải chú ý đến thầy. Họ kính trọng thầy vì dũng khí ấy. Họ thương mến thầy vì dũng khí ấy. Họ thấy đời họ ý nghĩa hơn vạn lần khi sống cuộc đời mà có dũng khí như thầy. Thầy khác người do thầy hâm nóng dũng khí đó. Thầy lạ lùng do thầy mang dũng khí đó. Thầy thâm sâu và cao sang cũng vì thầy thể hiện một cách hào hùng dũng khí đó. Ngay bây giờ đây, thầy xuất hiện nổi bật trong tâm trí chúng ta cũng bởi thầy là hiện thân của dũng khí đó. Dũng khí linh thiêng là những điều giản dị sau đây.

Người đời đa dục thì thầy thiểu dục. Thế gian háo danh thì thầy vô danh. Học trò thầy rượt đuổi lối sống bằng tâm vô yểm túc duy đắc đa cầu; thầy lại thực tập hạnh tri túc, an bần thủ đạo. Người ta lầu cao cửa rộng; thầy nương thân chốn nhà thấp vườn xanh. Ai kia xe ngựa dập dìu, còn thầy nâng nui “ô tô hai bánh” cũ mèm. Bạn bè thầy vui cảnh con đàn cháu đống; tôi thương thầy cảnh sớm tối đơn thân chiếc bóng. Nhìn người bên cạnh nhung gấm lụa là, tôi kính thầy thư thả với chiếc nhật bình nâu sờn bạc màu hương khói. Bậc học giả tri thức ăn trên ngồi trước nhưng thầy, cũng từng giáo sư, vẫn an nhiên ăn bần ngồi sau. Ở đời ai không bảo thưởng thức sơn hào hải vị là sang? Ngược lại, thầy nhấn mạnh rau cà dưa muối, khoai lang củ sắn mới sang. Người ta sống nhanh hưởng vội còn thầy sống chậm bao dung. Nương vào chút công lao phục vụ đoàn thể, biết bao người sống nhìn mặt đặt tên; với thầy ai một lần gặp cũng nhìn mặt là yêu thương, nghe tên liền tha thứ. Bao dân sĩ trí thức mai một dần tín tâm với Tam Bảo thời ngũ trược nhưng thầy trung kiên một lòng kính Phật trọng Tăng. Số đông chạy theo lối sống rượt đuổi ngũ dục bên ngoài, thầy chánh niệm tỉnh giác với đời sống ngũ quán nội tâm bên trong. Người ta phức tạp thì thầy đơn sơ. Người đời nông cạn, đấu đá, tỵ hiềm còn thầy sâu sắc, nhường nhịn, bao dung. Năng lực nào đã giúp thầy can đảm sống ngược đời thuận đạo như thế? Cái gì đã tiếp sức cho thầy dám thể hiện những hành động "khác người" đến thế? Tôi khẳng định đó là dũng khí tu hành.

Dũng khí ấy đến từ đâu? Tôi đoan chắc dũng khí ấy đến từ sự chánh tín, như pháp tự của thầy. Chính niềm tin chân chánh vạch đường cho lý tưởng cao đẹp. Dũng khí ấy ngày càng mạnh mẽ, vững chãi và tỏa sáng bằng chánh hạnh. Chính những hành vi cử chỉ nhẹ nhàng tự tại, chậm rãi của thầy xác định nhân - cách - sống thầy cao quý. Và rồi, niềm tin cộng thêm sự thực tập chánh pháp đã hun đúc thành một vị đức - hạnh - sống thanh tao, đúng như pháp danh Nguyên Thanh của thầy.

Tôi ý thức rằng không nên ca ngợi ai một trăm phần trăm, dù đó là thần tượng, là mẫu người lý tưởng, là người mình yêu thương. Điều này cho thấy, sống trong đời mấy ai hoàn hảo, toàn hảo. Mà tôi đâu có ca ngợi khống thầy. Tôi chỉ nêu những dẫn chứng tiêu biểu và cụ thể về thầy mà tôi, và chắc chắn các bạn cũng vây, thấy bằng mắt, tôi nghe bằng tai, tôi cảm bằng tâm hồn. Ai thì không biết, nhưng theo tôi, chính những công hạnh "ngược đời" nên trên là hành động xuất phát từ dũng khí tu hành. Những việc đó cần có lòng can đảm và niềm tin chân chánh mới có thể làm được, sống được. Lòng cam đảm ấy, thầy có, thậm chí có nhiều, và các bạn cũng có, nhưng không dễ nhận ra và thưởng thức.

Sống nghịch đời thuận đạo cần có một ý chí sắt đá – dũng khí linh thiêng. Nhờ ý chí sắt đá này mà ta vững tâm bước qua mọi khen chê thị phi thế tục, thậm chí thị phi tông môn pháp phái. Nhờ dũng khí đó mà ta kiên định hơn trong lập trường tu thân và hành đạo. Nhờ lòng dũng cảm đó mà ta dám làm những gì cần phải làm cho bản thân và đạo pháp. Và cũng nhờ sự linh thiêng của dũng khó đó mà có thể thức tỉnh những hồn say đang lạc lối đường tơ. Thời gian mười năm học hỏi và thân cận với thầy đã nuôi dưỡng dũng khí ấy trong tôi.

Một lần nữa tôi lại thắp nén hương lòng cách nửa vòng trái đất kính viếng trước hương án thầy. Sống trong lòng mà chết cũng trong lòng. Ai bảo thầy từ biệt trần gian? Thầy vẫn còn sống một cách sinh động trong từng nếp suy tư, nơi từng cách tu hành của chúng ta. Thể xác thầy tan nhưng tinh anh thầy sáng. Chúng ta phải tiếp tục thắp sáng tinh anh ấy: dũng cảm sống theo chánh pháp trong đời ngũ trược.

 

Chùa Việt Nam, Boston 10.10.2012

Học trò Hoàng Châu Thành

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập