Lỗi của ai hay lỗi của ta ?

Đã đọc: 3629           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Một trong những thói quen tâm lý muôn đời, rất phức tạp của nhân loại, là tính hay đổ lỗi cho tha nhân hoặc cho hoàn cảnh ngoại thân. Muốn đỗ lỗi, thì phải tìm ra lỗi. Đỗ lỗi và bới lỗi là hai mặt của cùng một tâm hành bất thiện và là một lậu hoặc. Bởi vì nó là một biến thái vô cùng hiễm độc của Tham-Sân-Si, mà chỉ loài linh trưởng thứ 3 này mới có .

Con cáo chận bắt con gà. Gà năn nỉ : “Tôi có lỗi gì với anh, mà anh lại săn giết thịt tôi ?”

Cáo hỏi : “Mày có 4 chân như tao không ?” – Gà : “Tôi chỉ có 2 chân !”

Cáo tiếp : “Mày có hàm răng như tao không ?” – Gà : “Không, gà chỉ có mỏ mà thôi”

Cáo : “Như vậy, mày không giống tao, tức là mày có lỗi với tao, tao ăn thịt mày”.(nhại lại một câu truyện ngụ ngôn thế giới).

Như vậy, từ xưa lắm rồi, kẻ cậy mạnh hiếp yếu bằng cách bới ra các lỗi phi lý, được ví như những hành vi súc sinh vậy.

Một trong những thói quen tâm lý muôn đời, rất phức tạp của nhân loại, là tính hay đổ lỗi cho tha nhân hoặc cho hoàn cảnh ngoại thân. Muốn đỗ lỗi, thì phải tìm ra lỗi. Đỗ lỗi và bới lỗi là hai mặt của cùng một tâm hành bất thiện và là một lậu hoặc. Bởi vì nó là một biến thái vô cùng hiễm độc của Tham-Sân-Si, mà chỉ loài linh trưởng thứ 3 này mới có .

"Ai thấy lỗi người khác, Thường sanh lòng chỉ trích, Người ấy lậu hoặc tăng, Rất xa lậu hoặc diệt."-(PC 253)

Trong đời sống hàng ngày, không thiếu những trường hợp đỗ lỗi nhẹ nhàng cho hoàn cảnh, tại…bị… Ở gia đình, thuở nhỏ, làm bể ly chén, đỗ lỗi cho mèo chó hay ai đó đã để cheo meo; đi học trễ, đổ lỗi cho …kẹt xe,… ; cho đến khi nồi cơm khê, món ăn nêm quá mặn, đổ lỗi cho quá nhiều việc lu bu. Thậm chí, đi xin chó con về nuôi, cũng tìm người nào trong nhà ít đi lại đây đó để bắt chó, kẻo sau này, chó lớn lên không chạy rông! Chuyện ảo tưởng vậy mà người ta vẫn tin.

Trong gia đình, khi công việc mưu sinh thất bát, người ta không tìm nguyên nhân ở sự quản trị và vận hành công việc, mà đỗ lỗi cho “ông Táo”, đặt bếp sai hướng, để rồi lại bỏ thêm tiền ra để sửa chữa hướng bếp – đã thất bại, lại chịu thêm chi phí không sinh lợi . Đôi khi, lại đổ thêm lỗi cho cái …. “WC, đặt miệng bồn cầu sai hướng !”, rồi lại sửa WC, chi phí càng cao hơn cả sửa bếp. Kể cũng ngộ, cái miệng bồn cầu lại chịu lỗi thay cho người ta.

Cũng có khi đổ lỗi cho cây “đòn dông” nhà mình hay nhà đối diện, chà , sửa cái này phải phá cả nhà ra để xây lại, thôi, di dời cái cửa qua một bên. Không khéo lại cho rằng “cửa nhà đối diện cao và rộng hơn cửa nhà mình, nó hốt của cải và phước đức mình ra ngoài” Ôi trời ! Còn nhiều cái lắm, như cái cây cổ thụ bên kia đường (hay bên nay đường)chắn giữa cửa nhà; cái giếng nhà đối diện bên kia đường nằm ngay trục đòn dông nhà hay nằm ngay trục giữa cửa nhà mình; năm nay là năm xấu hay hạn Tam tai, đại hạn La hầu, Kế Đô…, mà bất nhân nhất là “tại con vợ khắc tuổi”. Người chồng bị tai nạn nghề nghiệp, đổ lỗi cho …tại con vợ xung khắc tuổi. Phá gia cang, phá hạnh phúc gia đình của người ta cũng bởi các thầy chiêm tinh ! 

Thực sự, đổ lỗi cho vật vô tri vô giác và hoàn cảnh, thời gian là …vô tội vạ, lại bảo vệ được tự ngã không bị thương tổn, chẳng ai trách móc bao giờ ! Nhưng đổ lỗi cho tuổi vợ con là nỗi bất nhân và ngu xuẩn nhất.

Trên quan trường, thói rình mò, bắt bẽ từng lời nói để bới lỗi người khác, hầu tranh quyền cố vị của kẻ bất tài, thất đức mà ở quyền cao. Trong kinh doanh, sự tìm hiểu về quá khứ của một nhân viên sắp tuyển dụng là một nghệ thuật quản trị, nhưng đôi khi, lại lấy đó để rồi sẽ đỗ lỗi, bới lỗi họ, mỗi khi có điều gì đó xảy ra, và cũng để biện minh cho một phần hay toàn phần về trách nhiệm quản trị của mình. Đây là phản ứng tự vệ của một tự ngã mang quyền cao nhưng hèn kém về trình độ .

Người chồng đổ lỗi cho vợ con hư tại mẹ, cháu hư tại bà,…, vợ đổ lỗi chồng chẳng biết dạy con .Người chồng ngoại tình đổ lỗi cho vợ không đảm đang, hoặc bới lỗi vợ những điều nhỏ nhặt, để rồi kết luận rằng lầm lẫn trong hôn nhân, và có khi lại là cái cớ ….ly thân hay li dị.

Người vợ bỏ bê việc gia đình, cắn đắng với chồng, đỗ lỗi cho chồng không quan tâm đến gia đình. Hoặc người vợ đổ lỗi cho chồng đã thất bại trên trường đời, để cả nhà lâm vào nghèo túng, gây áp lực tâm lý tiêu cực lên người chồng đã và đang khổ sở về nỗi thất bại. Áp lực chất chồng áp lực, nó bùng nổ để rồi ra toà ly dị .

Ở Mỹ, những người chồng thất bại trong việc mưu sinh hay trên thương trường, một số bị nếm mùi áp lực kiểu này, nên vấn nạn ly dị và thậm chí, đi đến tự tử, đã có xảy ra .

Còn nhiều lắm, nhiều lắm những trường hợp ngoài đời thường, mà thói bới lỗi, đổ lỗi đã dẫn đến nỗi khổ niềm đau của ái biệt ly, oán tăng hội và cầu bất đắc .

Tâm lý thích bới lỗi trong trạng thái thô thiển của nó, có thể là sự phóng chiếu của những mặt hạn chế hay nhược điểm của họ vào tha nhân (như là một mặc cảm bù trừ), những kẻ này luôn luôn khoe mình có con mắt nhìn người, họ gặp ai, cũng có thể nói lên những mặt tiêu cực của người đó, để bảo vệ cái tự ngã nhỏ bé hẹp hòi thô tháo của họ, đó là tâm so đo, đố kỵ, ghen tị, do mặc cảm ngã mạn mà ra.

Ở trạng thái thông thường, có thể đó là sự phóng chiếu những khát khao, ước vọng thầm kín trong vô thức, mà trong đời này, họ đã đánh mất hoặc không thể có, những kẻ này, nhìn người bằng đôi mắt nghi ngờ và sẵn sàng kết tội ai đó một cách võ đoán, vô căn cứ, khi người bị kết tội không thoả mãn được những ước vọng thầm kín của họ. Ở những kẻ này, tâm si quá lớn, lại bị mạn ảo tưởng khuếch đại mà ra .

Trạng thái sâu xa, vi tế, có thể là sự phóng chiếu những khát khao trong thời thơ ấu, bị chìm trong lãng quên của vô thức (nội kết, ẩn ức tâm lý ), mà điển hình như bà Mã phu nhân đã tìm lỗi Tiêu Phong trong Lục mạch thần kiếm của Kim Dung đã diễn tả. Đây là trạng thái nội kết với tâm sân si và mạn, đã dẫn khởi các tâm tham ác dấy lên.

Trong cùng tận sâu xa vi tế và nguy hiểm nhất, người ta đánh đồng sự đổ lỗi bằng phân tích nguyên nhân hay điều kiện, họ sử dụng nguyên lý nhân duyên như là một “nguyên cớ”. Điều này chỉ có tâm mới biết được tâm thôi, cho nên mới có tình ngay mà lý gian. Đó là những kẻ hiễm độc .

Nói chung, ai cũng có lỗi, còn ta thì không, nên còn là sự hạ liệt nhân cách . Hành vi nào cũng có tính mục đích, có những mục đích bất thiện được dẫn dắt bằng bới lỗi và đổ lỗi, tại đây, nghiệp ác sâu dầy .

Về mặt tạo nghiệp, sự phóng chiếu này, chẳng những không giải tỏa được nội tâm, mà còn tạo thêm những chướng ngại nội tâm (nội kết, kiết sử, sự dồn nén) nữa mà thôi . Vì thấy lỗi trong chính mình sẽ làm tổn thương tự ngã, và vì họ không có khả năng thừa nhận nó, họ không có khả năng tự hoà giải với chính mình, cho nên buộc họ phải phóng chiếu lỗi lầm qua người khác .

Mỗi khi phóng chiếu như vậy, nó càng sinh khởi thêm sự dồn nén khác (các nội kết, các lậu hoặc) ngày càng nhiều, do các bất-thiện-tâm đã sinh khởi từ mỗi sự so sánh; đồng thời, làm trầm trọng thêm những dồn-nén-đã-có, ngày càng sâu dầy, kết tụ chìm dần trong Kiết Sinh Thức (thức tái sinh) để dẫn đến Sinh-Hữu (sự mong muốn Trở-thành, Tồn-tại). Vì vậy, trạng thái tâm lý bới lỗi và đổ lỗi góp phần làm giàu cho kho nghiệp bất thiện của mỗi người .

“Người ta rất dễ tha thứ những lỗi lầm của chính mình, nhưng rất không dễ tha thứ cho tha nhân” và khổ đau xuất hiện do những tổn thương gây ra bởi sự bới lỗi hay đổ lỗi, để bảo vệ cái “tôi” và những “cái của tôi” . 

Đôi khi, có những điều đổ lỗi hay bới lỗi người khác không thành hay bị vạch mặt, kẻ đã làm nên nghiệp xấu này, vì bảo vệ tự ngã, họ cũng đã xin lỗi người bị hại. Thế nhưng, họ có thành tâm hối lỗi không ?

“Ngày nay, (trước Phật đài) chúng con chí thành cúi đầu đảnh lễ, hổ thẹn cầu xin sám hối. Những tội đã làm (qua nhiều đời, nhiều kiếp), nguyện tiêu diệt hết (trong tâm), những tội chưa làm, (sẽ) không dám phạm” – Lương Hoàng Sám.

Những lời cô đọng ấy, đã được một nhà Tâm lý học Tây phương ngày nay diễn tả trùng hợp và văn nhã : “Một lời xin lỗi có văn hóa cần phải hội đủ 3 yếu tố “R”: Regret (sự hối tiếc, ăn năn), Responsibility (trách nhiệm) và Remedy (sửa sai, làm cho tốt hơn)”. Trong đó, yếu tố “sửa sai” là quan trọng bởi thể hiện sự thành tâm của người mắc lỗi, cũng là cách tôn trọng những người đã chịu hậu quả từ lỗi lầm đó. (The Power of Apology: Healing steps to transform all your relationships - Beverly Engel – trích từ một tờ báo online mà người viết đã quên tên) .

Trong Phật giáo, thói đổ lỗi và bới lỗi này là sự vi phạm nghiêm trọng giới luật, đó là vi phạm lời dạy của Phật về ái ngữ, và cả chánh ngữ, nó vừa là nói dối, nói điều không có thật, nói lời sai sự thật, nói lời thêm bớt, nói lời chia rẽ, nói lời có ác ý (đòn xóc hai đầu),….

Để đối trị và diệt trừ tâm trạng bới lỗi và đổ lỗi, Đức Phật đã dạy chúng đệ tử qua nhiều kinh, ví dụ như Kinh Tứ Niệm Xứ, Kinh Tất cả Lậu Hoặc hay Kinh Pháp Môn Thể Nhập …hoặc thực hành Nhẫn Độ trong Lục Độ, hay tâm tuỷ hỷ trong Tứ vô lượng…. Nhất là phải phản tỉnh sâu vào nội tâm, phát triển cho được tuệ quán trong tâm hành, xem xét trạng thái hành hoạt của tâm trong mọi công việc hàng ngày.

Tâm lý đổ lỗi và bới lỗi là một loại thói quen, tập khí lâu đời, nhiều kiếp, nó hiện hữu rất thực trên những sátna tâm hành trong mọi hữu tình, mà ai ai cũng có, nó đi đôi với tự ngã, nên rất khó mà diệt tận. Nhưng không phải là không diệt nó được, chỉ là có thực tâm muốn hay không mà thôi. “Tội do nhân duyên mà sinh, thì cũng do nhân duyên mà diệt” – Lương Hoàng Sám – cho nên, khi nhân duyên sinh ra nó đã bị diệt đi, thì tập khí ngàn đời ấy cũng đồng thời tự diệt tận.  

Tâm Nhẫn

Âm hưởng qua quyển Đoạn trừ Lậu Hoặc – Tỳ Kheo Pháp Thông dịch

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập