Truyện giả tưởng: Hào Khí Trưng Vương

Đã đọc: 1816           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trưng Trắc là đàn bà mà cầm quân đánh trận như gió cuốn sóng trào, đuổi quan lại của ta dễ như đuổi nô lệ, hạ 65 thành trì nhanh như phủi bụi trên bàn, đe doạ các quận ngoài biên.

Hán Quang Vũ giật mình đánh thót khi đọc sớ tấu về việc Trưng Vương dấy binh khởi nghiệp, lập quốc xưng vương ở Lĩnh Nam. Ông ta lo lắng nói với quần thần:

-Trưng Trắc là đàn bà mà cầm quân đánh trận như gió cuốn sóng trào, đuổi quan lại của ta dễ như đuổi nô lệ, hạ 65 thành trì nhanh như phủi bụi trên bàn, đe doạ các quận ngoài biên. Đất linh sanh hào kiệt, không biết sau lưng Trưng Trắc còn có những ai? Ngũ Lĩnh là đất của ta nên phải sớm diệt Trưng Trắc, nếu để lâu sẽ sanh hoạ lớn. Các khanh thấy thế nào?

Bọn quần thần cùng tâng bốc Quang Vũ anh minh và khuyên ông ta diệt trừ Trưng Vương để tránh đêm dài lắm mộng!

Quang Vũ bèn huy động binh mã, vũ khí, xe thuyền, lương thực của các quận Trường Sa, Hợp Phố, Quế Dương giao cho Mã Viện thống lĩnh sang đánh Trưng Vương. Viện chia quân làm hai đường thuỷ bộ tiến vào Lĩnh Nam. Trưng Vương dàn quân chống cự nhưng thế lực của Viện rất mạnh nên Bà rút về cố thủ ở Lãng Bạc, Cấm Khê. Viện lại xua quân tấn công, quân Bà vỡ tan, máu loang hồ Lãng Bạc, Bà cùng em gái hy sinh!

 

Khí thiêng khi đã về thần, anh linh Trưng Vương bay thẳng đến núi Nghĩa Lĩnh, vào đền Hạ khấu đầu phủ phục tạ tội với Quốc mẫu Âu Cơ. Quốc mẫu âu yếm nói:

-Con hãy bình thân, con gái yêu của me.

Trưng Vương đứng lên vòng tay cung kính tạ ơn Quốc mẫu. Mẹ nói tiếp:

-Từ khi nền quốc thống nước nhà rơi vào tay Triệu Đà rồi nhà Tây Hán đến nay đã gần 250 năm. Trong khoảng thời gian đó, thật đáng xấu hổ biết bao khi bọn đàn ông con trai chỉ biết cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho triều đình phương Bắc chứ không ai làm nên chuyện khôi phục. Con là goá phụ, tang chồng chưa hết mà vấn tóc quấn khăn xướng lên tiếng nói trí nhân, giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập họp quân binh đánh đuổi bọn thống trị tham tàn đáng mặt nữ lưu hào kiệt. Con chẳng những khôi phục nền quốc thống, lấy lại đất đai bờ cõi của An Dương mà còn cứu muôn dân ra khỏi vực thẩm khổ đau, xua tan nỗi uất hận của lê dân bá tánh bị đè nén mấy trăm năm dài. Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia, thời gian tồn tại lâu hay mau là do khí số. Điều đáng quí là con đã nói cho người phương Bắc biết rằng phụ nữ nước ta không chỉ là a hoàn, tì thiếp mà hãy còn đó những Nữ Oa đội đá vá trời, họ đừng coi thường chúng ta.

An Dương Vương tiếp lời mẹ Âu Cơ:

-Muội dấy binh khởi nghiệp, lập quốc xưng vương đã làm chấn động hai miền Man Di, Hoa Hạ. Lưu Tú (Quang Vũ) diệt được quần hùng, thắng được đại địch nhưng vẫn quên ăn mất ngủ khi lo việc ngoài biên. Mã Viện từng làm cỏ nước Tiên Linh, tiêu diệt nước Tham Lang mà lúc dẫn quân sang Lĩnh Nam còn lo ngai ngái. Tuy muội thất bại nhưng tên tuổi vẫn vẻ vang, tuy phấn nhạt hương phai nhưng tiếng tăm vẫn bất hủ. Chẳng bằng con gái huynh, trong lúc vận nước như chỉ mành treo chuông, nó không giúp ích được gì còn nối giáo cho giặc làm nước mất nhà tan chẳng phải xấu hổ lắm sao?

An Dương Vương xúc động, buồn buồn. Hùng Vương thứ sáu nhìn An Dương, nghiêm nghị nói:

-Theo huynh thì đệ chớ trách Mỵ Châu mà hãy tự trách mình. Nó trẻ người non dạ nên không biết Triệu Đà là tay giảo quyệt bội tín, Trọng Thuỷ là thằng chồng bất nghĩa vong tình mới lầm mưu gian của cha con bọn chúng. Suy cho cùng, việc Triệu Đà thôn tính Âu Lạc do lỗi của đệ hết bảy tám phần. Nằm cạnh một nước lớn lúc nào cũng có dã tâm xâm lược, đáng lẽ đệ phải lo sửa sang chính sự, cố kết lòng dân, chiêu hiền đãi sĩ dâng sách lược giữ nước an dân, tuyển tướng luyện binh phòng thủ ngoài biên đề phòng bất trắc. Đệ lại không biết mối bang giao hai nước là bình phong, tình thông gia hai nhà là gian kế, quá tin tưởng và trông cậy vào sức mạnh của nỏ thần, đặt sự an nguy của đất nước trong cuộc vui chơi còn dẫn cừu thù vào tận nơi cung khuyết. Đến khi quân địch áp sát đế đô rần rật như lửa cháy mái nhà, nỏ thần không còn mới giật mình tỉnh ngộ thì quá muộn màn. Giả sử lúc đó có thiên tướng thần binh giúp sức cũng chẳng đuổi được giặc dữ huống chi một chiếc móng rùa?.

An Dương Vương ngồi nín thinh. Quốc mẫu Âu Cơ nói đôi lời phủ dụ rồi phong Trưng Vương là “Trung Trinh Tiết Liệt Phu Nhân”

 

Để tỏ lòng thương mến người nữ anh hùng, dân chúng lập đền thờ Trưng Vương bên bờ sông Hát tại huyện Phúc Lộc. Toàn bộ đền đài cung điện và đồ thờ phượng đều sơn màu đen do hồi chống quân xâm lược máu của nghĩa binh nhuộm đỏ chiến trường nên kiêng màu đỏ. Dân chúng trong vùng cũng không mặc đồ đỏ, còn khách thập phương đến viếng, nếu mặc đồ đỏ thì phải thay đồ khác mới được vào đền.

Một đêm mùa hè, Trưng Vương ra trước tiền đình đứng nhìn cảnh vật. Gió lặng trang. Không gian phủ một màn khói sương mờ đục. Trăng thượng tuần mông lung huyền ảo. Giòng Hát giang trải dài một màu trắng tang tóc thê lương. Xa xa, tiếng vạc kêu sương rời rạc, tiếng quốc gọi hè thiết tha như những tiếng kêu trầm thống của người dân mất nước. Trong cảnh giới u minh, từng đoàn nghĩa binh chết trận và nhân dân bị quân thù tàn sát không nơi nương tựa sờ soạn dẫn nhau đi trong mõi mòn tuyệt vọng. Ở trần gian, tiếng khóc than thương nhớ của những người mẹ mất con, những đứa con mất cha và những người vợ mất chồng còn văng vẳng bên tai làm cho Trưng Vương xúc động nghẹn ngào, cảnh vật chung quanh Bà cứ nhoè dần sau màn nước mắt tuôn rơi lăn dài trên má.

-Thiện tai! Thiện tai!

Một giọng nói hiền từ, nhỏ nhẹ vang lên sau lưng Trưng Vương. Bà vội lau nước mắt và quay lại nhìn. Một cụ già râu tóc bạc phơ, phương phi cốt cách, bước từng bước nhẹ nhàng đến trước mặt Trưng Vương. Bà hỏi:

-Dám hỏi tiên sinh là ai? Từ đâu tới?

Cụ già mỉm cười đôn hậu, chắp tay vái chào Trưng Vương:

-Thái Bạch Kim Tinh kính chào Thi phu nhân.

Trưng Vương vội vàng quì xuống vòng tay cung kính đáp lễ:

-Trưng nữ bái kiến Tinh quân. Không hay Tinh quân hạ cố nên chậm trễ tiếp nghinh, xin Tinh quân miễn chấp.

Thái Bạch đỡ Trưng Vương đứng lên, vui vẻ nói:

-Thi phu nhân hà tất đa lễ.

Trưng Vương mời Thái Bạch vào đền uống trà đàm đạo nhưng ông ấy khoát tay, nói:

-Không cần đâu. Ta vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống truyền thánh chỉ cho Thi phu nhân đây

Ông lấy thánh chỉ ra và lệnh “Trưng Trắc tiếp chỉ”. Trưng Vương quì xuống lắng nghe.

Số là, việc Trưng Vương dấy binh khởi nghiệp, lập quốc xưng vương chẳng những chấn động hai miền Man Di, Hoa Hạ mà còn kinh động thiên đình. Một hôm, Ngọc Hoàng nói với Thái Bạch Kim Tinh :”Không gì khó thu phục bằng lòng người, không gì khó tập hợp bằng thế nước, càng không gì khó bằng một phụ nữ mà tập hợp được nhiều nam nhi làm người cùng chí hướng với mình. Vậy mà Trưng Trắc chỉ hô lên một tiếng, đàn ông con trai trong cả nước đều cúi đầu chịu sự chỉ huy. Quan chức ở 65 thành trì cũng phải nín hơi không dám chống cự. Từ tạo thiên lập địa đến nay, Nữ Oa nương nương chỉ đội đá vá trời chứ không biết khiển tướng điều binh, Lữ Trĩ lấy quyền mẫu hậu cướp ngôi vua con trị vì thiên hạ cũng không biết cầm quân đánh trận. Còn bọn Bao Tự, Tây Thi chỉ đem nhan sắc ra lung lạc và mê hoặc lòng người, cho nên Trưng Trắc mới là người đàn bà có một không hai trong tam giới vậy”.

Để nhìn tận mắt người nữ anh hùng đất Lĩnh Nam, Ngọc Hoàng bèn sai Thái Bạch Kim Tinh xuống trần gian truyền cho Trưng Vương vào chầu ở điện Linh Tiêu.

Trưng Vương theo Thái Bạch Kim Tinh lên thiên đình. Bà mặc bộ võ phục màu đen bó sát người trông thật oai phong lẫm liệt. Bà cũng không quên trang điểm thật đẹp như hồi mới khởi binh. Lúc bấy giờ có người hỏi Bà sao tang chồng chưa hết lại đang lúc xuất quân mà ăn mặc trang điểm đẹp đẻ đến thế? Bà thản nhiên trả lời :”Việc binh không để ảnh hưởng. Nếu giữ lễ mà làm xấu dung nhan thì nhuệ khí tự nhiên suy kém. Cho nên ta mặc đẹp để mạnh thêm màu sắc ba quân và khiến cho bọn giặc trông thấy động lòng, lợi chí đấu tranh, dễ dành phần thắng”. Từ Nam Thiên môn đến điện Linh Tiêu, tất cả thiên tướng thiên binh đều nhìn Bà bằng ánh mắt khâm phục và thiện cảm.

Ngọc Hoàng hết lời khen ngợi Trưng Vương và sắc phong Bà làm “Lĩnh Nam Vương” cai quản toàn cõi Giao Châu. Trưng Vương nhận sắc phong nhưng trong bụng không mảy may vui sướng vì Bà cho đó là cái chức hão, hữu danh vô thực. Hồi còn giúp nước giúp dân được lại không cho, bây giờ âm dương đôi ngã liệu có thể làm được gì? Nói ra thì bảo do mệnh trời! Mệnh trời gì bất công đến thế? Những kẻ tham tàn bạo ngược thì được làm thái thú, thứ sử còn những người yêu nước thương dân thì cho làm thánh làm thần! Đây chỉ là cái lý của bọn thống trị để khống chế, tiêu diệt những người yêu nước thương dân sức yếu thế cô.

 

Trở về cung điện ở Phúc Lộc, dù không có thực quyền nhưng Trưng Vương vẫn thường xuyên đi tuần thú, quan sát đời sống của nhân dân trong lãnh địa bà cai quản. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Bà thất bại, Giao Châu lại nội thuộc vào nhà Đông Hán rồi nhà Đông Ngô. Chánh sách cai trị của chúng vẫn không thay đổi, vẫn gò bó khắc nghiệt. Quan lại nhân từ độ lượng như sao buổi sáng, tham tàn bạo ngược như nấm mùa mưa, cho nên rừng vàng biển bạc  của đất Lĩnh Nam bị bọn xâm lược khai thác sạch sành sanh. Nhân dân còn bị bọn quan lại địa phương nhũng nhiễu, sưu cao thuế nặng, sai dịch triền miên nên càng nghèo đói cơ cực..

Con giun bị xéo mãi cũng oằn, có nhiều cuộc chống đối lẻ tẻ nổi lên nhưng đều bị bọn quan lại địa phương đàn áp, dập tắt hết. Có thể nói nhân dân khổ sở vì sai dịch, tiều tuỵ vì đói nghèo, chết chóc vì giặc giả chưa bao giờ thậm tệ đến thế. Nhiều người bỏ nhà cửa, quê hương bồng bế nhau đi tứ xứ tìm kế sinh nhai hoặc vào ở trong rừng trong rú để không bị bọn tham quan ô lại áp bức, bóc lột. Họ chẳng biết trông cậy vào ai, chỉ biết cầu khẩn Bà nhưng Bà hoàn toàn bất lực, trong khi đó bọn sĩ phu Lý Tiến, Lý Cầm, Bốc Long, Trương Trọng lại cúi đầu cầu khẩn, van xin được làm tôi tớ cho triều đình phương Bắc. Nhìn đồng ruộng bỏ hoang, làng xóm tiêu điều và từng đoàn người dắt díu nhau tha phương cầu thực Trưng Vương vô cùng xót xa, tự trách mình vô dụng và căm giận bọn sĩ phu nhu nhược chỉ biết sung sướng bản thân chứ không nghĩ đến nỗi đau của lê dân bá tánh. Bà cũng hằng mong và chờ đợi một vị anh hùng nào đó xuất hiện đánh đuổi bọn ngoại xâm như Phù Đổng Thiên Vương thuở trước.

Một hôm, trên đường tuần thú phương Nam, Trưng Vương phát hiện một hiện tượng lạ tại huyện Ninh Hoá quận Cửu Chân. Một vùng khí thiêng sông núi quần tụ trong vườn hoa nhà Triệu viên ngoại. Khí thiêng sông núi quần tụ nơi nào, nơi đó sẽ có nhân vật phi phàm xuất hiện, có khi là vị minh quân có khi là đấng anh hùng. Nhìn vùng khí thiêng quần tụ, Trưng Vương mừng rỡ nói thầm :”Thời cơ đã đến! Nước ta cởi được ách nô lệ hay không, khôi phục được nền quốc thống hay không là nhờ người nầy”.

Nhân vật phi phàm sắp xuất hiện được Trưng Vương đặt hết niềm tin và hy vọng là một bào thai mới vừa hình thành từ tinh cha trứng mẹ trong bụng Triệu viên ngoại phu nhân đang đi dạo trong vườn hoa. Trưng Vương bèn bấm đốt tay nhẫm tính và rất vui mừng khi biết bào thai là bé gái, liền bước đến ngắm nghía Triệu phu nhân một hồi rồi bỏ đi mất dạng. Lát sau, Triệu phu nhân bỗng xây xẩm mặt mày, ngã dài trên thảm cỏ, mấy đứa a hoàn hốt hoảng chạy đến đỡ bà dậy đưa vào nhà gọi đại phu đến chẩn mạch bốc thuốc. Nhưng, bà lại đứng lên như chẳng có việc gì xảy ra rồi kể cho Triệu viên ngoại cùng mấy đứa a hoàn nghe một chuyện. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê bà thấy bầu trời sáng rực, đầy mây ngũ sắc, một làn bạch khí từ trên không trung bay xuống chun vào bụng bà, không biết điềm lành hay dữ? Triệu viên ngoại mừng rỡ bảo đó là điềm lành, bà ắt sanh quí tử.

 

Mười tháng sau bé gái chào đời, Triệu viên ngoại đặt tên là Triệu Ẩu. Lớn lên, Bà Triệu không chịu lấy chồng, không chịu học may vá thêu thùa mà chỉ luyện tập võ nghệ và đọc binh thư. Năm 19 tuổi, Bà chiêu mộ nghĩa binh, chế tạo và mua sắm khí giới, tích trữ lương thảo chuẩn bị đánh đuổi giặc Ngô. Triệu Quốc Đạt-anh trai Bà-khuyên can, Bà dõng dạc nói:”Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồn sóng dữ, chém cá tràng kình ngoài biển đông, quét sạch giặc Ngô ra khỏi bờ cõi để cứu dân thoát nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta”

Bốn năm sau, khi thấy thế lực đủ mạnh, Bà Triệu bắt đầu đánh chiếm các châu huyện. Khi xuất trận Bà thường mặc võ phục màu vàng, xưng là “Nhuỵ Kiều Tướng Quân” ngồi trên lưng voi chỉ huy tướng sĩ. Quân của Bà tiến như vũ bão, thắng như chẻ tre, chiếm toàn bộ Cửu Chân và chuẩn bị tiến sang Giao Chỉ. Bọn thái thú, thứ sử khiếp đảm rụng rời sai quân sĩ đánh trống “Trường Thành” liên tục; đốt khói “Cam Toàn” suốt ngày đêm làm kinh động thiên đình. Ngọc Hoàng hỏi Thái Bạch Kim Tinh:

-Chuyện gì xảy ra dưới trần gian?

-Tâu bệ hạ, Nhụy Kiều tướng quân đánh đuổi giặc Ngô ạ. Thái Bạch đáp.

-Nhuỵ Kiều tướng quân là người như thế nào?

-Bẩm, Nhuỵ Kiều tướng quân tên Triệu Ẩu, tự Trinh Nương, tuổi ngoài hai mươi, chưa chồng, có sức khoẻ, lắm cơ mưu, võ nghệ cao cường, khởi binh đánh giặc Ngô từ năm 19 tuổi.

-Con gái chưa chồng mà tài cao chí lớn thế à?

-Tâu vâng! Nhưng, còn điều nầy thần không biết có nên nói cho bệ hạ nghe chăng?

-Khanh cứ nói cho trẫm nghe.

-Hơn hai mươi năm trước, trong một lần tuần thú phương Nam, Trưng Trắc phát hiện ra Triệu Ẩu khi ấy mới là một bào thai. Biết Triệu Ẩu do khí thiêng sông núi chung đúc nên, là nữ lưu anh kiệt, Trưng Trắc bèn thác sanh làm con họ Triệu thành thử thân xác của Nhuỵ Kiều tướng quân là Triệu Ẩu còn thần thức thì của Trưng Trắc ạ! Bà ấy đã cãi lại lý Nhân duyên, phạm giới luật nhà Phật, tâu bệ hạ?

-Lại Trưng Trắc! .

 Ngọc Hoàng kêu lên rồi bước xuống ngai vàng, đi ra cửa Nam thiên đứng nhìn xuống trần gian với ánh mắt đăm chiêu tư lự. “Người đàn bà nầy tài đức vẹn toàn, một lòng yêu nước thương dân, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lăng đến cùng, xứng đáng con dân Lạc Việt, thật đáng khen thay”. Ngài nói thầm./

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập