Câu Chuyện Về Chiếc Ghế

Đã đọc: 4256           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi nhớ, một trong những điều làm tôi bối rối đến đổ mồ hôi hột mỗi lần thị giả cho Ôn Kỳ Viên là đến đoạn thầy công văn đọc sớ, Ôn sẽ ngồi chứng sớ, mà tôi lại không biết Ôn sẽ ngồi bên nào. Khi thì bên trái, khi thì lại là bên phải. 

Nghe có hai bên như thế thôi, nhưng bạn thử tưởng tượng cái cảnh bạn bê chiếc ghế chạy qua chạy lại ở giữa chánh điện, ngang qua mặt quý thầy thì vô phép, còn đi đường vòng thì lại để Ôn đứng chờ lâu. Xung quanh bạn thì đông nghịt những Phật tử tín tâm đang quỳ san sát nhau đến độ; mỗi lần cúi lạy, cũng không có một centimet nào để mà cái trán có thể chạm được đến đất. Mà còn chưa tính là, nhiều khi, ở chùa Ôn đang hành lễ không có con đường vòng sau chánh điện nữa chứ. Vậy là, Ôn dạy tôi bài học ngồi ở vị trí nào cho nó đúng phép.

Ôn dạy tôi, hai bên trái và phải, ngồi chỗ nào, thiền môn có quy định, không được ngồi tùy tiện, ngồi phải đúng quy tắc, đúng thời điểm và phù hợp với chức sự được cung an. 

Từ ngoài nhìn vào, bên phải là vị trí của Hòa Thượng chứng minh. Còn bên trái, là vị trí của vị chủ sám. Như vậy, khi nào Ôn vừa là Chứng Minh kiêm Sám Chủ thì Ôn sẽ ngồi bên phải. Còn ở Già Lam, Ôn Viện chủ Chứng Minh, Ôn chỉ là Chủ Sám, nên Ôn sẽ ngồi bên trái trong tất cả các lần cung thỉnh, tuyên sớ, chứng điệp,… Đây là điều mà không phải mới quy định đây, nó là những lề lối do chư Tổ đặt ra, là nếp đạo mà mình cần phải luôn luôn ghi nhớ.

Ôn dạy tôi cái điều tưởng chừng như đơn giản ấy, mà bấy lâu nay tôi không hề để ý đến. Vậy là từ giờ trở đi, tôi lại thêm một kiến thức nho nhỏ bỏ túi cho mình. 

Mà cái chuyện chiếc ghế ngồi ấy, không chỉ dừng ở đó. Cũng là Hòa thượng Chứng Minh bên phải, Hòa thượng Chủ Sám bên trái; tôi y theo lời dạy của Ôn Kỳ Viên mà kê ghế, tự tin là kỳ này mình không sai, ấy vậy mà, tôi lại được Ôn Kỳ Viên dạy thêm về chiếc ghế.

Ôn dạy, tuy là hai vị ngồi hai bên như thế, nhưng không được kê ghế bằng nhau. Ghế của Hòa thượng Chứng Minh phải gần bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ hơn, hoặc là phải chính giữa của bàn thỉnh sư. Ghế Hòa thượng Chứng Minh phải cao hơn, đẹp hơn và to hơn để xứng với công hạnh của một vị Hòa thượng an tọa trên đó.

Trải tọa cụ lên ghế, cũng là một bài học của sự tỉnh thức. Tọa cụ, có đầu có đuôi, khi trải cần để ý cái hoa trên gấm để mà trải cho đúng chiều của tọa cụ. Trải vừa tầm ngồi của Hòa thượng, không dài quá, tọa cụ sẽ vướng chân ghế khó khăn lúc lấy ghế ra khi Hòa thượng tiếp tục làm lễ, nhưng cũng không ngắn quá, sẽ hỏng chân ghế, nhìn mất trang nghiêm.

Màu sắc của chiếc tọa cụ cũng phải được chú ý, nếu đó là ghế của Hòa thượng Chứng Minh thì trải màu đỏ, còn nếu là ghế của Hòa thượng Chủ Sám thì trải ghế màu xanh lá hoặc xanh dương. Nhờ bài học này, mà trong Giới Đàn Thập Thiện Bồ Tát giới cho quý anh chị em trong GĐPT, tôi đã âm thầm đi chuẩn bị ba cái tọa cụ: một đỏ, một xanh lá, một xanh dương để trải cho Hội đồng Tam sư an tọa. Chỉ là một sự chuẩn bị nhỏ như thế thôi, ấy vậy mà, khi Hòa thượng Đường Đầu, Hòa thượng Giáo Thọ và Hòa thượng Yết Ma đăng tòa, lòng tôi sung sướng đến lạ kỳ.

Sau này, khi Ôn Kỳ Viên không còn làm Sám Chủ nữa, Ôn lên Đệ nhị Chứng Minh. Ôn Trú Trì cung thỉnh Ôn Phước Chánh – Trú trì chùa Hoằng Quang (Huế) đương vi Chủ Sám đàn tràng. Quý ngài vẫn rất giữ khuôn phép trong vị trí ngồi khi thỉnh sư, Ôn Già Lam ngồi bên phải, Ôn Kỳ Viên ngồi bên Trái, còn Ôn Hoằng Quang thì nhất quyết không ngồi mà đứng chắp tay như hội đồng kinh sư. Chúng tôi kê ghế, thỉnh Ôn Chủ Sám ngồi, Ôn bảo dẹp, để chướng, thỉnh quý Ôn lớn ngồi là được rồi, còn Ôn, cứ để Ôn đứng không sao cả. Có thế mới thấy được cái hạnh khiêm cung của quý vị tòng lâm thạc đức, thạch trụ thiền môn.

Có những lúc, vì sức khỏe khiếm an, Hòa thượng Già Lam không thân lâm chứng minh đại lễ, chỉ có một mình Ôn Kỳ Viên quang lâm, ngài vẫn không ngồi vào vị trí của Ôn Già Lam đã ngồi. Cho dù, quý thầy có thỉnh Ôn ngồi vào ghế của Ôn Già Lam với lý do, hôm nay, Ôn Chứng Minh chứ Ôn Viện chủ không có mặt. Ôn Kỳ Viên vẫn nhất nhất không chịu ngồi. Ngài dạy chúng tôi, vẫn kê ghế, vẫn trải tọa cụ, như là có Ôn Già Lam đang hiện diện, còn ngài vẫn ngồi ở vị trí Đệ nhị Chứng Minh mà thôi.

Đây là câu chuyện cái ghế của nhị vị Hòa thượng Trưởng lão mà tôi có duyên được hầu cận. Chỉ có cái chỗ ngồi nhỏ như thế thôi mà tôi được quý Ôn dạy bảo thật nhiều điều. Tôi không biết các bạn có cho đây là những điều quan trọng hay không? Nhưng với tôi, gần quý Ôn, hầu quý Ôn, học được cái thân giáo và cái hạnh nguyện của quý Ôn, chúng tôi mới nhận ra rằng, trong mỗi mỗi một hành động, cho dù là nhỏ nhặt nhất cũng thể hiện được phẩm chất, tư cách và đức độ của người đang thực hành.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

2.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập