Tết – Phút suy niệm về bài Cáo Tật Thị Chúng

Đã đọc: 10008           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong cuộc sống thường nhật, con người ít khi nào trở về với chính mình vĩnh viễn, chỉ trừ những bậc chứng đạo, người đã sống tự tại với thực tại và đang đi trong cõi không về.

Ở Việt nam, có thời kỳ xuất hiện nhiều bậc đạt đạo như thế. Quí ngài có một đời sống bình thường nhưng vẫn ẩn chứa ý nghĩa phi thường, chơn thường; và thiền sư Mãn Giác là một nhân vật điển hình cụ thể.

Chuyện đến đi, thành trụ của kiếp người là qui luật tất yếu, bình thường, nhưng Ngài lại phát hiện và sống trong đó như một thực tại miên viễn, không khứ không lai.

Thiền sư đã để lại bài thơ, thể loại tự do nhưng nội dung chứa đựng hương vị thiền học, đượm chất đậm đà mùi mẫn của thi ca lẫn chút cuồng ngông của người khám phá:

“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

Như đã nói, thiền sư là con người ẩn chứa muôn màu vẻ của trời đất thiên nhiên, của tình cảm thiết tha hoà huyện với thi ca và của người thỏng tay vào chợ, vừa thoải mái, tự nhiên, siêu nhiên đối với bản thân mình và vũ trụ bao la, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về.

Quan niệm nhân sinh, vũ trụ của Ngài cho ta thấy là người biết thở với nhịp thở của thiên nhiên, nên rất hiểu sự đến đi của nó vốn là qui luật bình thường:

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười

Chuyện đến đi, cười khóc quả là cái mà con người hằng ngày chứng kiến và sống. Ngày hôm nay tôi tiễn một người bạn đi du học, ngày mai tôi lại chia tay một người thân yêu gần gũi nhất về thế giới Niết-bàn, biết bao đau khổ, đắng cay trước cảnh sanh ly tử biệt, tâm lý đời thường luôn dằng vặt; và ngày mốt tôi lại đón một bậc Thầy tôn kính, tôn thờ luôn hoài vọng hướng về ngày đoàn tụ này. Ôi biết bao niềm nhung nhớ, bao hạnh phúc dâng trào để tại sân bay, có người khóc vì hạnh phúc quá Thầy ơi, và cũng có người tung tăng nô đùa cười cười nói nói không ngừng. Tất cả đều là dòng chảy của nghiệp thức, tâm niệm nhìn nhận về một thực tại.

Ðối với Thiền Sư, việc hoa có rụng, xuân có tàn cũng vậy thôi, có gì phải tiếc nuối đến rụng rời tay chân hay đau buồn khổ sở khi thấy bóng xuân đi.

Mùa xuân của người ngộ đạo khác với mùa xuân của người tìm đạo hoặc lạc đạo, Xuân Diệu là một điển hình của hai hạng người này:

“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang quan
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”
(Xuân Diệu)

Thường, những tâm hồn thi sĩ, hay nhạy cảm với thiên nhiên trời đất để rồi có người thật sự thoát khỏi những thế tục thường tình khi thấy nhân sinh muôn hình vạn trạng. Nhưng cũng có thi sĩ kiểu Xuân Diệu đa sầu, thương cảm hay thở than với số kiếp đoạ đày của thân phận mình. Họ không hiểu nguyên lý vô thường và sự hiện hữu của chân thường chỉ trong gan tấc. Lìa cái này là có cái kia. Cũng như lìa bóng tối là ánh sáng hiện hữu. Đi tìm ánh sáng bằng tất cả các phương tiện khoa học hiện đại là đi tìm bóng tối và tâm hồn cũng vẫn phải đau thương quằng quại trong thế giới đoạn trường kiểu Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.

Nếu như mình có huệ nhãn, đủ can đảm rũ sạch mọi đối đãi phân hai, buồn vui, thương ghét, sạch dơ, không có thiên nhiên, siêu nhiên hay thường nhiên thì chuyện ngã nhân, bỉ thử, Xuân đi Tết đến, mai vàng đua nở đào trắng rụng dần của nguyên lý thành trụ chỉ là nhưng ẩn hiện của tâm lý mù mờ, vu vơ vũ trụ. Có biết đâu, bên trong những cái đó còn có một miên viễn sống trong lòng thực tại. Chỉ cần biết thở là đủ để cảm nhận.

Vì vậy, Chân Không Thiền Sư đời Lý cũng đã táo bạo để lại tiếng chuông cảnh thức cho con cháu mình bằng lời nói mạnh dạn của người sống đạo:

Xuân đi cứ ngỡ xuân tàn
Hoa dù nở rụng tiết xuân vẫn là
  (Thơ Văn Lý Trần, tập 1, Viện Văn Học, Hà Nội, 1978, trang 302).

Mùa xuân có đến có đi, cõi đời có suy có thịnh, có vinh có nhục là do con người chưa gội sạch những bợn nhơ của hơn thua, tranh giành, ngã nhân bỉ thử; hay nói theo thuật ngữ Phật học là chưa tắm mình trong chánh pháp, vẫn còn bị não phiền làm chủ tâm tư. Ngày nào nội tâm đủ sức mạnh táo bạo gạt bỏ những phân tranh tông môn pháp phái, vùng miền, gạt bỏ mọi thành trì kiến chấp, kiến giải của tự thân thì ngày đó, ngay giờ phút đó cơ hội phản chiếu, phản bổn hoàn nguyên sẽ đến với chính mình và lúc đó mọi cửa nẻo bí ẩn của cuộc đời đều được  mở tung:

“Thuở nhỏ chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Trải chiếu giường thiền ngắm mặt hồng”

(Trần Nhân Tông, Thơ Văn Lý Trần, tập 2, Viện Văn Học, Hà Nội, 1978, trang 463).

Khi đủ sức gan lì sáng suốt, dám trải chiếu giường Thiền để ngắm mặt hồng của nàng Xuân thì con người mới đủ tiêu chuẩn để khám phá lòng trong trắng, trinh nguyên của mùa xuân trường tại. Còn lẩn quẩn trong khám phá, học tập, tìm kiếm, hơn thua thì đừng hòng đặt chân đến bức màn the phủ kín của cửa không môn!

Tâm hồn con người nhỏ bé là lúc còn phan duyên, lo sợ bị chi phối của người khác, của cảnh vật hay của vô thường. Vì cứ nghĩ ai cũng già chết mà. Có lý quá chứ! Nhưng Thiền Sư thì chả sợ khỉ mốc gì! Chết già đâu có cầu, cũng chẳng một mảy niệm hào ly nào rung động. Nhất là đối với người tu học sống đạo, việc đến đi chết chóc của kiếp người chỉ là lẽ thường, ai cũng phải đi qua.

Nhận chân được điều này để thân tâm toàn tịnh, thể tánh hiển bày, cuối cùng Mãn Giác để lại hai câu kết, không phải kiểu kết của một bài thơ mà là lối mở của nhà thiền: 

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành Mai.

Giữa đêm trường băng giá, cành Mai tự tánh tức mình nở, báo hiệu một mùa xuân vĩnh hằng, luôn ngự trị trong pháp giới tạng thân thanh tịnh. Cành mai này vượt khỏi không gian và thời gian. Nói trong đêm đông băng giá là chuyện mặc ước của pháp giới, nếu nói tận cùng ngữ nghĩa của nó, ta có thể nói Mai của mùa xuân nở bất cứ lúc nào khi đủ điều kiện nhân duyên. Nó vượt khỏi mọi định thể của con người, siêu vượt không gian và thời gian, siêu vượt cả sự sống và lẽ chết, như một màn sương tan đi rồi phủ trở lại trong đêm đông, mờ ảo, lung linh, huyền diệu, nhưng không đáng để cho con người lưu tâm.

Như vậy, tinh thần lời phú chúc của Mãn giác trước giờ tạm chấm dứt kiếp sống hiện tại để đến một nơi khác hoằng dương có lẽ vừa là bài học về cái nhìn hiện tiền, vừa là kỷ niệm của người đến để làm công việc như nhiệm vụ và trách nhiệm rồi đi, vậy thôi!

Kỷ niệm này có giá trị nhất định trong kiếp nhân sinh, đủ đầy ý nghĩa an lạc, chuyển hoá dòng tâm thức đang cuồng loạn của con người.

Sự chuyển hoá tâm thức này không mấy ai dám làm nếu còn những phân ranh. Và như vậy, nếu có đi nơi khác chắc không dễ để lại vật gì kỷ niệm cho người sau ngưỡng mộ đâu! 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập