Bình Giải Tập Tục Cúng Sao Hạn

Đã đọc: 30037           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. DẪN NHẬP

Việt Nam là nước có nền văn hiến lâu đời. Lịch sử thường nhắc đến bốn nghìn năm văn hiến. Trước khi đạo Phật truyền vào Việt Nam, ở đây đã tồn tại nền văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Khác với các tôn giáo Thần khải, Phật giáo truyền đến đất nước nào không bao giờ xóa sổ nền văn hóa, tín ngưỡng ở đất nước đó. Trái lại, hòa nhập vào nền văn hóa đó, sống chung hòa bình với nó, làm mới nó và thậm chí nâng nó lên thành một nền văn hóa, tín ngưỡng khởi sắc hơn bằng cách đưa triết lí Phật giáo làm cơ sở lí giải cho nó; đồng thời dung hóa nó, làm thành một thứ Phật giáo bản địa- Phật giáo mang sắc thái Việt Nam.

Đồng thời với Phật giáo, các tôn giáo như Khổng giáo, Lão giáo cũng được truyền vào Việt Nam. Phật giáo và các tôn giáo này cũng không hề xung đột, loại trừ nhau, mà nương tựa vào nhau, bổ sung cho nhau và cùng tồn tại.

Sự giao lưu ảnh hưởng giữa Phật giáo, tín ngưỡng bản địa, Khổng giáo và Lão giáo đã tạo ra nền văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam phong phú và đa dạng.

Mức độ giao lưu tiếp biến và đan xen giữa các tôn giáo và tín ngưỡng trên diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng đến nổi, có những hội lễ, tập tục có nguồn gốc từ tín ngưỡng của tôn giáo này lại thấy có mặt ở tôn giáo kia và ngược lại.

Trong Phật giáo hiện nay có hàng mấy mươi nghi thức, hội lễ và tập tục có nguồn gốc từ dân gian và các tôn giáo khác. Trong tín ngưỡng dân gian và tôn giáo khác cũng có hàng mấy chục nghi thức, hội lễ, tập tục có nguồn gốc từ Phật giáo.

Qua thời gian, có những hội lễ, tập tục của tôn giáo này lại chỉ còn tồn tại ở tôn giáo khác.

Dưới đây chúng ta tìm hiểu một tập tục của Phật giáo có nguồn gốc từ Lão giáo và sau đó đi vào tín ngưỡng dân gian. Đó là tập tục cúng Sao Hạn.

II. NGUỒN GỐC TẬP TỤC CÚNG SAO HẠN

Cúng sao hạn là tập tục đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Tập tục này có nguồn gốc từ Lão giáo. Sao hạn được tính căn cứ trên học thuyết ngũ hành xung khắc. Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có môt vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu.

Tuy bắt nguồn từ Lão giáo ở Trung Hoa, nhưng tập tục này lại ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt và trở thành một tập tục lâu đời của người Việt. Người Việt tin rằng, mỗi năm có một vì sao cai quản, có sao tốt có sao xấu. Nếu gặp sao xấu, người ta phải cúng sao giải hạn để được an lành. Có tất cả chín vì sao chia nhau cai quản con người và tám niên hạn. Chín vì sao là: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hớn. Tám niên hạn là: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Đại Võng, Diêm Vương.[1]

Từ Lão giáo qua dân gian rồi đi vào Phật giáo, nhưng ngày nay, tập này được xem như tục tập của Phật giáo. Đoán sao, đoán hạn và cúng giải sao hạn ngày nay hầu hết là diễn ra ở các chùa.

III. BÌNH GIẢI

1. Mặt Tích Cực

Cúng sao giải hạn là tập tục đã tồn tại lâu đời và ăn sâu trong tâm thức đại đa số người Việt Nam. Tập tục này có nguồn gốc Lão giáo, nhưng ngày nay nghiễm nhiên trở thành tập tục của Phật giáo. Bởi lẽ, ngày nay cúng sao giải hạn đa số là diễn ra ở các chùa, người đứng ra tổ chức cúng sao giải hạn là qúy thầy và đại đa số quần chúng cũng nghĩ rằng đây là tập tục của Phật giáo, ít ai nghĩ rằng nó có nguồn gốc từ Lão giáo, được dân gian hóa và rồi ảnh hưởng đến Phật giáo. Một số người vội phê phán, bài bác cho đây là hủ tục, là mê tín dị đoan. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, hầu hết 80 phần trăm dân số Việt Nam theo Phật giáo và cả một số tín đồ Cao Đài, Hòa Hảo, những người lương đều có tin vào sao hạn. Muốn bỏ tập tục này đi không phải một ngày một buổi và không phải dễ bỏ. Không phải nói bỏ là bỏ được. Chúng ta thường cho rằng triết lí Phật giáo là cao siêu, màu nhiệm, cần gì đế nhũng tập tục kia. Nhưng chúng ta không biết rằng, đại đa số dân chúng Việt Nam trình độ còn thấp. Hơn thế nữa, đây là tập tục có từ ngàn xưa của ông cha họ, họ khó có thể bỏ. Ông cha họ đã tin, họ làm theo. Không theo họ vô tình chống lại tổ tiên họ. Toan Ánh có đưa ra ý kiến “Dù sao chúng ta cũng nên nhớ rằng tiền bối chúng ta vẫn tin theo sao và niên hạn, còn ngày nay tin hay không tin tùy ở  chúng ta. Tin thì tin, không tin chúng ta cũng chớ nên báng bổ ông cha chúng ta.”[2]

Phật giáo có thế mạnh là có đầy đủ cả hai mặt lý và sự. Chúng ta khi hoằng dương Phật pháp muốn thành công phải vận dung cả hai mặt này. Trên phương diện triết lí, học thuật và lí luận, chúng ta nghiêng về lí. Nhưng trên phương diện tín ngưỡng quần chúng, chúng ta phải nghiêng về sự. Lí sự phải viên dung. Tổ Bồ Đề Đạt Ma chú trọng về lí nên cuộc đối thoại giữa Ngài và vua Lương Võ Đế đã thất bại. Các nhà truyền giáo Kyto đã thất bại ở Trung Quốc và một số nước phương Đông vì họ chống lại phong tục tập quán của người phương Đông. Thấy được khuyết điểm này, qua Tông Huấn Á Châu của giáo hoàng Gioan Phao Lồ II và Thần Học Theo Cung Cach Á Châu của Tống Tuyền Thịnh, họ đã thay đổi chiến lược truyền giáo, bằng cách chấp nhận phong tục tập quán ở xứ sở này. Đây là bài học kinh nghiệm cho Phật giáo.

Các tôn giáo như Hồi giáo, Bà La Môn giáo, Kyto giáo chỉ nhờ nghi lễ mà nâng số lượng tín đồ lên cao một cách khủng khiếp. Phật giáo do qúa chú trọng về triết lí và học thuật mà không tranh thủ được nhiều tín đồ như các tôn giáo trên. Trong khi phần nghi lễ Phật giáo rất đa dạng phong phú. Chúng ta cần phát huy thế mạnh này hơn nữa vào công cuộc truyền bá Phật pháp. Cúng sao hạn là một trong những hình thức giúp chúng ta lôi kéo số lượng tín đồ về phía Phật giáo.

Chúng tôi đã từng thấy một thực trạng rằng, trong một cuộc thuyết pháp, số lượng người tham dự không đông bằng một cuộc cúng sao Hội. Hằng năm, ở mỗi một chùa có tới hàng ngàn gia đình đến cúng sao giải hạn. Danh sách đọc từ bảy giờ tối tới mười một giờ khuya chưa hết. Có chùa, danh sách cúng sao hạn đọc mấy ngày chưa hết.

Vì sao có thực trạng đó? Vì việc cúng sao liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và công cuộc làm ăn của nhiều người. Trong khi nghe thuyết pháp thì lại kén chọn đối tượng hơn. Nó tùy thuộc vào căn cơ, chủng tánh và trình độ của mỗi người. Có người nghe hiểu có người nghe không hiểu. Có người nghe một cách say mê thích thú, có người nghe ngủ gật, có người nghe hiểu để ứng dụng vào đời sống cho có an vui hạnh phúc, có người chỉ thỏa mãn tri thức mà thôi. . . . Do đó, hoằng dương Phật Pháp phải nắm vững tâm lí quần chúng này. Nếu không chú ý đến tâm lí quần chúng, công cuộc hoằng pháp dễ bị thất bại.

Chính vì vậy, cho rằng cúng sao hạn là mê tín, là sai cũng chưa hẳn. Chúng ta biết rằng, cúng sao giải hạn là tập tục có nguồn gốc từ Lão giáo, nhưng khi cúng sao hạn chúng ta không dùng kinh, nghi thức của Lão giáo để cúng mà dùng kinh Phật giáo, nghi thức Phật giáo. Đây là dịp tốt để cho những ai chưa phải Phật tử được nghe lời kinh tiếng kệ, tiếng mõ tiếng chuông mà thức tỉnh tâm hồn. Những ai đã là Phật tử rồi có dịp ôn lại lời kinh tiếng kệ để việc học Phật, tu Phật càng vững chãi hơn, tinh tấn hơn. Hơn thế nữa, qua việc cúng sao giải hạn chúng ta có điều kiện, có cơ hội để tiếp cận, gần gũi quần chúng, giúp cho họ những điều họ cần. Đồng thời qua việc đoán sao hạn, chúng ta có dịp khuyên họ làm lành lánh dữ, đi chùa tụng kinh lạy Phật, bố thí cúng dường . . . Chẳng hạn, một người nào đó năm đó gặp sao xấu, hạn xấu, ta khuyên người đó năm nay nên làm phước, cúng dường Tam Bảo, ăn chay mỗi tháng mấy ngày, bố thí cho người nghèo . . . thì tai ách sẽ thuyên giảm, tiêu trừ. Lời khuyên ấy chắc chắn Phật tử và người dân địa phương sẽ nghe và sẽ thực hiện. Điều ấy, một người có uy quyền chưa chắc khuyên được, nhưng qúy thầy với ngôn ngữ Từ Bi, ái ngữ sẽ khuyên được.

Thực tế, nhiều người khi được cúng sao giải hạn và làm lành, làm phúc, bố thí, cúng dường rồi, đã thấy khỏe hơn, làm ăn phát đạt hơn và từ đó tin tưởng vào Phật pháp hơn, về chùa thường hơn. Và đây là cơ hội tốt để qúy thầy có dịp tiếp tục hướng dẫn họ tu tập, gieo trồng hạt giống tốt, gieo duyên với Phật pháp. Và từ đó, cánh cửa đi vào Phật pháp với họ không còn cách xa nữa.

Đạo Phật đã truyền vào Việt Nam hơn hai ngàn năm qua. Từ khi có mặt ở đất nước này, đạo Phật đã ăn sâu, thâm nhập vào tâm thức quần chúng, đã ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt văn hóa xã hội, nghệ thuật, kiến trúc . . .có thời đạo Phật quốc giáo, chiếm địa vị độc tôn như thời Lý - Trần. Nhưng do tinh thần tùy duyên, tinh thần bao dung, đạo Phật không bao giờ xóa bỏ văn hóa, tín ngưỡng bản địa hay bài bác tôn giáo khác. Trái lại đạo Phật đã dung hóa tín ngưỡng bản địa, đưa hệ thống tín ngưỡng này lên một tầm mức cao hơn. Hệ thống tứ Pháp thờ tại chùa Pháp Vân ở miền Bắc là một điển hình cụ thể. Qua hệ thống này, đạo Phật Ấn Độ đã biến thành đạo Phật Việt Nam, Phật Pháp Vân được người dân Việt xem như đức Phật lập nên nền tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Các tôn giáo như Lão giáo, Khổng giáo cũng được đạo Phật tiếp thu, dung hóa, cùng tồn tại phát triển và đã làm nên hệ thống Tam giáo đồng nguyên đặc thù ở Việt Nam.

Tinh thần dung hoá, không kỳ thị tín ngưỡng, tôn giáo khác đã làm cho đạo Phật được truyền bá khắp nơi, tác động, ảnh hưởng đến các tín ngưỡng khác, tôn giáo khác. Điều này trong sinh họat tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam chúng ta thấy rất rõ. Đình miếu có hội lễ bao giờ cũng có mời các nhà sư Phật giáo đến tụng kinh cầu an, chẩn tế cầu quốc thái dân an . . .  Các Nho gia xưa kia, do nhiễm học thuyết của Chu Đôn Di và Trình Di nên ganh tị, chống đối Phật giáo nhưng về già rồi cũng qui hướng Phật cả. Các Nho sĩ như Trương Hán Siêu, Chu Văn An thời trẻ có ác cảm với Phật giáo, nhưng rồi cuối cùng cũng trở về sống an nhiên nơi cảnh chùa chiền. Ngược lại, khi giao lưu, dung hóa, Phật giáo cũng ảnh hưởng, tiếp thu từ các tín ngưỡng, tôn giáo trên các phong tục, các giá trị nhân sinh quan, làm phong phú thêm cho kho tàng tín ngưỡng Phật giáo, đưa Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Việc tiếp thu tập tục cúng sao hạn từ Lão giáo qua dân gian rồi ảnh hưởng tới Phật giáo là một minh chứng cho sự dung hóa, tiếp thu tín ngưỡng, tôn giáo khác của Phật giáo.

Ngày nay ở Việt Nam, Lão giáo và Khổng giáo chỉ còn chủ yếu trên sách vở. Các tín ngưỡng, tập của các tôn giáo, các tín ngưỡng bản địa ngày nay hầu như chỉ còn thấy trong các chùa và nghiễm nhiên trở thành của Phật giáo. Tất nhiên, khi đi vào Phật giáo, nó sẽ có vài cải biến cho phù hợp với giáo lí nhà Phật. Nhưng xét trên nguồn gốc chúng lại có nguồn gốc từ dân gian hoặc các tôn giáo khác. Điều này nói lên rằng, chùa là nơi giữ gìn vốn qúy văn hóa dân tộc.

Một khi đã như thế, chúng ta phải cố bảo lưu, duy trì và phát huy những giá trị tích cực của nó để một mặt góp phần phát huy tín ngưỡng, bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác nó là những phương tiện để hoằng dương Chánh pháp Phật đà.

Đối với Phật tử và người dân, giữ gìn các tập tục của cha ông như tập tục cúng sao hạn (và những tập tục, phong tục khác) là tiếp bước cha ông, là giữ gìn vốn qúy của dân tộc. Trong thời điểm giao lưu văn hóa toàn cầu, giữ gìn và phát huy cội nguồn văn hóa, tín ngưỡng truyền thống là việc làm cần thiết và đáng trân trọng. Bên cạnh đó, việc cử hành các nghi lễ, các tập tục có nguồn gốc dân gian hay các tín ngưỡng khác có mặt lâu đời ở Việt Nam trong các chùa, giúp cho Phật tử có dịp về chùa lễ Phật, làm việc phúc thiện, góp phần cải tạo bản thân, cải tạo xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nếu chùa Phật giáo, ngoài sinh hoạt tâm linh, sinh hoạt thuần túy Phật giáo lại còn mở rộng sinh hoạt văn hóa dân tộc, tín ngưỡng dân gian, thì chúng tôi tin rằng chùa Phật giáo sẽ trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá của toàn xã hội mà một thời ngôi chùa Phật giáo đã từng đảm nhiệm chức năng này. Ngày xưa, chùa Phật giáo đồng thời làm cả hai nhiệm là nơi sinh hoạt tâm linh và nơi sinh hoạt của cọng đồng làng xã. Ngày nay, chúng ta đưa ngôi chùa đi vào sinh hoạt đồng thời cả hai nhiệm vụ là đưa ngôi chùa trở về thực hiện hết chức năng vốn có của nó. Muốn thế, chúng ta phải mạnh dạn chấp nhận tất cả những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nhân gian diễn ra ở trong các ngôi chùa. Nói thế, không có nghĩa chúng ta chấp nhận tràn lan tất cả các loại tín ngưỡng tạp nhạp, mê tín vào sinh hoạt trong chùa. Chúng ta phải chọn lọc, phải phân biệt tín ngưỡng nào là văn hóa, tín ngưỡng nào là phi văn hóa, tín ngưỡng nào là nhân bản, tín ngưỡng nào là phi nhân bản và đồng phải làm mới lại tất cả những những hội lễ và tập tục trên cơ sở văn hóa, tâm linh và bối cảnh thời đại.

Ở đây, cúng sao hạn là một tập tục lâu đời của dân gian đi vào Phật giáo và được Phật giáo tiếp thu, giữ gìn từ đó đến nay. Như thế, nó chắc chắn không phải tập tục phi văn hóa, phi nhân bản. Bởi nếu nó phi văn hóa, phi nhân bản thì nó đã chết từ lâu. Cho nên, việc giữ gìn, làm mới lại nó và cho phép nó sinh hoạt trong các chùa Phật giáo không có gì xấu ác, mê tín cả. Ngược lại, đây là cách thức giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và lấy đó làm một trong những cánh cửa phương tiện đưa người về Phật đạo.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ phong tục, tập tục nào khác, cúng sao hạn cũng có những mặt tiêu cực của nó.


2. Mặt Tiêu Cực

Bất kỳ một tập tục, nghi thức, hội lễ nào, từ lúc ra đời, trải qua sự biến đổi của các thời đại, những người thừa kế tập tục, nghi thức, hội lễ đó bao giờ cũng có những thêm bớt, làm biến đổi tập tục, nghi thức, hội lễ ban đầu. Hơn nữa, cùng một tập tục, nghi thức, hội lễ nhưng đối với triều đại này nó diễn ra theo một chiều hướng, triều đại kia lại theo chiều hướng khác, do tác động của ý thức hệ chính trị đang nắm quyền. Do đó, đến ngày nay, các tập tục, nghi thức, hội lễ chắn chắc đã có những biến đổi, thêm bớt. Một khi bị biến đổi, thêm bớt dưới tác đông chính trị, chúng thường biến đổi theo hướng tiêu cực. Dưới thời thực dân pháp xâm lược chúng ta thấy rõ đều đó. Đặc biệt không riêng gì các tín ngưỡng dân gian mà cả tôn giáo lớn như Phật giáo cũng bị xen vào những tín ngưỡng mê tín. Tục cúng sao hạn sao thoát khỏi tình trạng này. Đại loại các câu truyền miệng trong dân gian khi nói về sự cát hung của sao hạn ảnh hưởng đến con người được thêm vào mà không thấy có trong sách vở như: “Thái Bạch sạch cửa nhà”, “ Toán [Tán] là đi Tận là hết, Toán tận là đi hết”, “Huỳnh Tuyền là suối vàng” . . .

Từ những câu nói trên, qua sự đoán sao đoán hạn của những người không có Chánh tâm diễn dịch ra và tuyên bố một cách chắc nịch rằng, nếu sao đó, hạn đó mà không giải, không cúng thì sẽ hao tài, mất mạng . . . Từ đó, làm cho người mắc các sao hạn xấu luôn luôn run sợ, không dám khởi sự làm ăn hay đi đau xa cả. Trong cơn sợ sệt qúa độ, họ đi cúng sao giải hạn thì người cúng lại bày thêm những thứ lễ vật và nghi thức mang màu sắc mê tín như thỉnh bùa để đeo, làm phép . . . Nếu thấy không hết, họ lại đi vái van cầu xin Phật, xin thần đủ mọi nơi mọi chỗ. Rốt cuộc tiền mất tật mang. Trong khi cốt yếu của việc cúng sao giải hạn, nhất là cúng sao giải hạn theo quan niệm Phật là nền giáo dục răn đe, khuyến cáo người ta làm lành lánh dữ, làm thiện làm phúc để chuyển hóa tài ương thành sự tốt lành.

Cúng sao giải hạn là một phương tiện, một cách đưa Phật giáo đi vào cuộc đời, tranh thủ số lượng tín đồ. Nhưng nếu không khéo sẽ biến nó thành ra một sự cứu cánh thì sẽ đánh mất bản chất cứu cánh của Phật giáo là giải thoát. Giáo lí đạo Phật có khả năng dung hóa, hòa nhập nhưng không bao giờ biến chất. Vì nó được xây dựng trên nguyên tắc “Tùy duyên bất biến”. Tuy nhiên, nếu người làm công tác truyền bá giáo pháp không cẩn thận sẽ bị lôi cuốn theo dòng xoáy của cái phương tiện, đánh mất cứu cánh. Chúng ta xem sao đoán hạn, cúng giải cho một ai đó là cách thức đưa họ vào đạo, nhưng nếu chúng ta giảng giải không khéo, không thông và cử hành lễ cúng mang nặng hình thức phù chú bí ẩn thì vô tình chúng ta đưa họ vào con đường mê tín mà không hay biết.

Cúng sao hạn có nguồn gốc từ Lão giáo, được ông cha chúng ta tiếp thu, biến thành tập tục của mình và đã làm theo. Ngày nay, chúng ta tiếp tục tin theo là một trong những hình thức giữ gìn phong tục truyền thống dân tộc, làm cái việc cha ông đã làm. Nhưng vì hiện nay tập tục này hầu hết diễn ra ở các chùa nên dưới mắt một số người cho rằng, đây là tập tục mê tín của Phật giáo. Vì thế, nếu không làm rõ nguồn gốc và mục đích của Phật giáo khi thực hiện tập tục này, sẽ làm giảm giá trị ưu việt của Phật giáo. Thực tế này, một vài năm trước đây đã có một vài tờ báo xuyên tạc, cho đây là mê tín dị đoan. Trong khi, rõ ràng tập tục này là tập tục của Lão giáo. Phật giáo chỉ sử dụng tập tục này như một phương tiện giáo dục, răn nhắc mọi người lánh ác làm lành mà thôi.

Hiện nay, đa số những người cúng sao hạn là những người bình dân, họ luôn tin tuyệt đối vào trời Phật, vào khả nằng chú nguyện, cầu nguyện của qúy thầy. Do đó, cúng sao giải hạn nếu không đi đôi với việc khuyến thiện, nổ lực cá nhân sẽ dẫn đến tâm lí ỷ lại, trông chờ vào thế lực siêu hình, đánh mất khả năng tự độ của bản thân. Chưa kể, nếu không nhận thức rõ ý nghĩa, mục đích cúng, người được cúng giải sao hạn sẽ nghĩ mình đã cúng sao, giải hạn rồi thì an tâm, làm gì cũng được, thì qủa là điều tại hại. Vô hình trung, nó dẫn đến tai họa cho cá nhân và xã hội.

Hiện nay, mỗi dịp lễ tết người ta đến chùa cúng sao giải hạn rất đông. Lợi dụng sự tín tâm của nhiều người, những kẻ vì lợi nhuận thường bày bán đủ các loại lễ vật cúng sao hạn trước các cửa chùa, gây ra cái nhìn không tốt về đạo Phật trong mắt của nhiều người đi lễ chùa. Một số chùa khi cử hành nghi thức cúng sao hạn cũng rất nặng nè, phiền phức, mang vẻ âm u huyền bí, làm mất sự trong sáng của nền tín ngưỡng Phật giáo và bản chất của tập tục. Và do đó, dễ biến tập tục này thành tập tục mê tín. Mong qúy chùa có cử hành tập tục cúng sao hạn nên lưu ý điều này.

Nói tóm lại, bản thân tập tục cúng sao hạn tự nó không xấu cũng không hẳn là là hoàn toàn tốt; không phải mê tín cũng hoàn toàn không phải không có những mặt trái. Xấu hay tốt, mê tín hay không mê tín là ở chỗ chúng ta theo tập tục đó với ý nghĩa, mục đích gì. Đối với Phật giáo, việc xác định mục đích, ý nghĩa của tập tục cúng sao hạn là việc làm rất quan trọng. Nếu xem cúng sao giải hạn như một phương tiện truyền bá Phật pháp, là một cách thức khuyên mọi người làm lành lánh dữ thì nó tốt. Ngược lại, xem nó như là cứu cánh và đưa thêm vào đó những nội dung tạp nhạp, bày ra những hình thức phù chú, mê hoặc thì nó xấu. Xấu hay tốt, tích cực hay tiêu cực là tùy ở chúng ta.

IV. KẾT LUẬN

Phong tục tập quán của một dân tộc là truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc đó. Dù qua thời gian phong tục có thay đổi, có biến dạng nhưng bản chất của nó cơ bản vẫn là tốt. Bên cạnh những phong tục, tập tục, hẳn nhiên có những hủ tục. Chúng ta phải giữ gìn, phát huy vốn qúy của dân tộc bằng cách giữ gìn những phong tục, tập tục mang màu sắc văn hóa và nhân bản và loại dần những phong tục, tập tục phi văn hoá, phi nhân bản.

Truyền thống có những những tinh hoa đồng thời cũng có những hủ tục. Nhưng không phải vì một số hủ tục mà ta bỏ đi tất cả truyền thống. Vấn đề là chúng ta phải biết cắt tỉa những cành nhánh có hại cho cây truyền thống để chúng cho những hoa qủa đẹp. Hoa qủa đẹp này là cái ta phải nâng niu, giữ gìn để làm dưỡng chất nuôi sống bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngay trong một phong tục, tập tục tốt nếu chúng ta không khéo cũng dễ biến nó thành mê tín và như thế cũng chẳng khác gì hủ tục. Giữa tập tục và hủ tục chỉ cách nhau trong gang tấc. Khéo làm theo thì thành văn hóa, thành nét đẹp, không khéo làm theo thì thành mê tín.

Trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, Phật giáo đóng một vài trò rất quan trọng. Chùa Phật giáo là nơi giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, Phật giáo cần đi tiên phong trong việc giữ gìn sự trong sáng của tất cả các phong tục tập quán dân tộc. Đồng thời loại dần những hủ tục, những mặt tiêu cực của các tập tục có hại cho bản sắc văn hóa dân tộc.

Đối với các phong tục đã đi vào Phật giáo và trở thành của Phật giáo, chúng ta luôn xem nó như một phương tiện để quần chúng hoá, xã hội hóa Phật giáo.

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Mật Thể, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Hà Nội:  NXB Tôn Giáo, 2004.

Nhất Hạnh, Hoa Sen Trong Biển Lửa, Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại xuất bản, 1966.

Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, I, Huế: Thuận Hóa, 1999; Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, II, TP.HCM: NXB TP.HCM, 2001; Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, III, TP. HCM: NXB Tổng Hợp TP. HCM, 2005.

Ngô Đức Thọ dịch, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, I, II, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 2004.

Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, TP.HCM: NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2005.

Toan Ánh, Nếp Cũ Tín Ngưỡng Việt Nam, quyển hạ, TP.HCM: NXB Trẻ, 2005.

Thích Đồng Bổn, Phong Tục Dân Gian Nam Bộ và Phật Giáo, TP.HCM: NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2007.

Thích Hoàn Thông, Nghi Lễ, Tài liệu viết tay.

Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn Học, 2000.

Trần Hồng Liên, Góp Phần Tìm Hiểu Phật Giáo Nam Bộ, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 2004.

Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Sài Gòn: Phong Trào Văn Hóa, 1970.

Tân Việt, Một Trăm Điều Nên Biết về Phong Tục Việt Nam, Hà Nội: NXB Văn Hóa Dân Tộc, 1994.

Trần Quốc Vượng, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, 2005.

Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, 1997.

 


[1] Theo Thích Đồng Bổn, Phong Tục Dân Gian Nam Bộ và Phật Giáo, TP. HCM: NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2007, tr. 20 – 21 và Toan Ánh, Nếp Cũ Tín Ngưỡng Việt Nam, quyển hạ, TP. HCM: NXB Trẻ, tr. 214.

[2] Toan Ánh, Sđd, tr. 220.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (3 đã gửi)

avatar
Tran Van Hoang 09/03/2010 07:04:07
Mình rất đồng tình với bài viết này.Rất hay,rất ý nghĩa.Nếu quí Thầy ở các chùa hiểu và làm đúng qua đó hướng dẫn mọi người biết tu nhân tích đức thì hoàn toàn chánh kiến
Cám ơn tác giả nhiều
avatar
huynhvanhoang 04/06/2010 17:36:26
Bài bình giải nầy ,đối với tôi chưa thuyết phục lắm mặc dù tác giã đả rất cố gắng để thuyết phục bởi lẻ rất đơn giản là còn đó sự mâu thuẩn với lý thuyết rất cơ bản do Đức Bổn sư đả thuyết là NHA^N QUẢ Và NGHIỆP
avatar
nguyen kim anh 08/02/2011 00:34:38
toi khong dong tinh vi nhu the la sai voi luat nhan qua cua phat giao
tổng số: 3 | đang hiển thị: 1 - 3

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.20

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập