Lễ Đôlta cũng là Lễ Báo Hiếu của người Khmer Nam Bộ

Đã đọc: 11114           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tháng tám, tiết thu mát mẻ, ngoài đồng ríu rít tiếng chim kêu (người Khmer gọi đó là “Satt đôn ta” - chim tổ tiên). Đôlta là dịp để con cháu trong gia đình biết ơn bà “chà đôl” và ơn ông “chà ta” những người đã dày công nuôi dưỡng, sinh thành.

Nếu như lễ Vu Lan của người Kinh được xem là “mùa báo hiếu” của con cái với đấng sinh thành, thì lễ Đôlta (có nghĩa là cúng ông bà) của đồng bào dân tộc Khmer cũng có ý nghĩa tương tự. Lễ Đôlta, họ hàng anh em, con cháu trong gia đình quây quần bên nhau, biếu quà ông bà, cha mẹ và làm lễ cầu phước cho người quá cố.

Trước đây, lễ Sene Đôlta kéo dài suốt 2 tuần, nhưng ngày nay, do công việc mua, bán, làm mùa bận rộn... đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức lễ Sene Đôlta chỉ trong ba ngày, nhưng bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ.

Ngày cúng thứ nhất - cúng tiếp đón

Sáng sớm, mọi nhà dọn dẹp lại bàn thờ Phật, bố trí một giường thờ với mùng, mền, chiếu, gối và bộ quần áo mới để rước ông bà về dự. Một mâm cơm được bày biện gồm thức ăn với bốn chén, đũa và rượu, trà, bánh, để nơi giường thờ. Gia chủ mời họ hàng thân tộc đến thắp nhang đèn cúng bái. Quanh mâm cơm cúng, phụ nữ ngồi xếp chân sang một bên, đàn ông ngồi chồm hổm, cùng chắp tay lạy và đọc kinh cầu nguyện cho vong hồn những người thân quá cố về hưởng vật thực.

Sau ba tuần rượu, trà khấn vái, chủ nhà gắp thức ăn mỗi món một ít, rót một chút rượu và trà cúng lên bốn chén cơm, xong mang ra đặt ở bốn góc rào chung quanh nhà, mỗi nơi cắm một nén nhang mời vong hồn ông bà về dự lễ cùng con cháu.

Buổi chiều, mọi người ăn mặc đẹp, dọn mâm cơm cùng thức ăn mới cúng ông bà, sau đó thắp hương mời vong hồn ông bà đến chùa nghe nhà sư tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp. Buổi tối, các vị A cha lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng Tam bảo đem ra ngoài để chung quanh điện Phật cho những vong hồn cô đơn đang đói khát ăn, vì những vị này không có con cháu đến chùa dâng cúng. Cũng trong thời gian này, các trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ được tổ chức tại sân chùa, thu hút đông đảo bà con đến vui chơi trong lễ Sene Đôlta.

Ngày cúng thứ hai - được tổ chức ở chùa

Ngày cúng thứ hai là ngày cúng chính. Lễ cúng do các sư tụng kinh cầu siêu cho vong hồn ông bà của mọi nhà trong phum sóc. Sau khi các vị sư độ cơm xong, các phật tử cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa.

Đến chiều, rước vong hồn ông bà về nhà, cúng mâm cơm và mời vong hồn ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu. Để tỏ lòng mến khách và tình đoàn kết trong cộng đồng phum sóc, gia chủ mời bạn bè người Kinh và người Hoa tại địa phương đến nhà chung vui.

Ngày thứ ba - ngày cúng tiễn

Mỗi nhà làm một mâm cơm cùng thức ăn và bánh trái ngon, đặt bốn chén cơm với bốn đôi đũa ở bốn góc giường thờ, mời vài vị sư cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa vong hồn ông bà và những người thân quá cố.

Chủ nhà gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén, xong đổ bốn chén này vào chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối, gắn thêm hình nộm cá sấu và treo cờ hình tam giác, có nơi người ta còn để thêm các gói đậu, mè, muối, bánh trái... mỗi thứ một gói nhỏ để ông bà có thức ăn dự phòng và tránh tai nạn xảy ra dọc đường, thắp một nén nhang rồi thả chiếc thuyền này xuống sông rạch gần nhà để tống tiễn ông bà. Kết thúc ba ngày lễ, chủ nhà thu xếp mùng, mền, chiếu, gối và bộ đồ mới trên giường thờ cất vào tủ để đón lễ năm sau.

Với tinh thần đoàn kết giữa 3 dân tộc anh em, lễ Đôlta không chỉ là ngày lễ của đồng bào dân tộc Khmer mà người Kinh, Hoa cũng đến chung vui, gắn kết tình làng nghĩa xóm

ngày 07 /10 /2010

Huỳnh Đạo đài truyền thanh TP bạc liêu

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập