Mùa lễ Vu Lan

Đã đọc: 4240           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tháng 7 âm lịch, đặc biệt rằm tháng 7 là đại lễ Vu Lan, Phật tử và khách thập phương nô nức tới chùa, thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ, cầu cho vong hồn người thân và “cô hồn thập phương” siêu thoát.

Vu Lan phiên âm từ chữ Phạn: Ullumbama nghĩa là cứu vớt người đau khổ. Đại lễ Vu Lan còn gọi là ngày Báo hiếu hay Xá tội vong nhân. Người ta thường sửa lễ cúng, ít ra là ngày 1, rằm và 30 tháng 7, gọi là “cúng cô hồn” rồi phát đồ cúng cho trẻ em nghèo. Các chùa phát cơm chay rộng rãi, trong ngày này không ai phải đói khát, trẻ mồ côi, người nghèo đều được hưởng lộc Phật. Phong tục này có ý nghĩa sâu xa từ những truyền thuyết…

 

* Câu chuyện về lòng hiếu hạnh.

Theo truyền thuyết, sau khi tu thành chính quả, Tôn giả Mục Kiền Liên - đệ tử thần thông bậc nhất của Phật tổ - dùng thiên nhãn nhìn thấy mẹ mình bị đầy làm quỷ đói ở địa ngục. Ngài thương xót, với hai tay xuống dâng mẹ chén cơm nhưng bà vừa bưng lên thì cơm hóa thành than hồng, không thể ăn được. Ngài đau xót, xin Phật tổ giải thoát cho mẹ, nhưng Đức Phật dạy vì mẹ ngài đã nhiều kiếp gieo nhân xấu nên phải chịu quả báo. Muốn giải thoát thì không chỉ mình ngài mà phải nhân ngày rằm tháng 7 tổ chức cúng dường, nhờ uy lực và sức chú nguyện của Phật và đông đảo chúng tăng. Tôn Giả làm theo đúng lời Phật dạy, và nhờ đó cứu được mẹ khỏi bể khổ.

Một truyền thuyết khác kể về Xá Lợi Phất, cũng là một đệ tử lớn của Phật tổ. Mẹ ngài cũng vì tạo tội mà phải chịu đọa đầy ở cõi âm. Được Phật chỉ dạy, ngài cũng bền lòng cùng chúng tăng tu hành thanh tịnh và thành tâm cầu nguyện vào mỗi rằm tháng 7 nên cuối cùng đã cứu rỗi được linh hồn người mẹ yêu quý...

 

* Nghĩa tình trong mùa Vu Lan – Báo hiếu      

Những truyền thuyết đó là tấm gương cho nhiều thế hệ: không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về vật chất mà còn quan tâm giúp đỡ để cha mẹ có đời sống tinh thần trong lành và an hưởng tuổi già. Rằm tháng 7 trở thành đại lễ Vu Lan để cúng dường Đức Phật và chúng tăng, cầu cho cha mẹ được sống an lạc và nếu cha mẹ đã mất thì sẽ được siêu sinh. Theo quan niệm nhà Phật, hiếu kính với cha mẹ là nền tảng của đạo làm người: Đã bất hiếu là vong ân bội nghĩa, quên cội nguồn thì không điều ác nào không dám làm. Một người thương đủ hạng người và muôn loài nhưng nếu không yêu kính cha mẹ thì chưa xứng đáng là con người, và mọi tình thương kia đều giả dối, không có gốc rễ.

 Mùa Vu Lan nhắc nhớ công ơn sinh thành, là dịp con cháu quây quần về thăm, chăm sóc và tặng quà cho cha mẹ. Khắp các chợ và cừa hàng rất sẵn đủ loại quà hấp dẫn để người tiêu dùng tùy chọn. Có những món quà độc đáo như tour Báo hiếu của các công ty du lịch, đưa cha mẹ đi tham quan nghỉ dưỡng, vãn cảnh chùa...Khách đi tour này được chăm sóc chu đáo với lịch trình, chế độ ăn, nghỉ thích hợp, có bác sĩ chăm sóc. Đó thực sự là món quà ý nghĩa, mang lại niềm vui trọn vẹn cho cha mẹ.

 Phổ biến và được ưa chuộng trong mùa Vu Lan là hoa, nhất là hoa hồng. Khi vào lễ chùa, mỗi người lựa một bông hồng cài lên ngực áo: Bông màu đỏ khi còn đủ tình yêu thương của cha mẹ, bông màu hồng nếu chỉ còn cha hoặc mẹ và màu trắng nếu đã mất cả hai người. Đó chỉ là một sự ước lệ nhưng cũng mang ý nghĩa giáo dục rất suâ sắc, bởi bông màu nào cũng gợi lên tình cảm gắn bó và nhắc nhở người làm con về sự tri ân sâu sắc với bậc sinh thành. Đó là một phong tục rất đẹp trong mùa lễ này.

 Vu Lan còn là mùa đền ơn đáp nghĩa có tính xã hội rộng lớn. Người ta sinh ra và tồn tại nhờ nhiều ân tình. Theo nhà Phật, có bốn ơn lớn mà ta phải biết và báo đáp: Ngoài ơn cha mẹ còn có truyền thống tôn sư trọng đạo là ơn sư trưởng; Ta sinh ra và lớn lên nhờ chúng sinh hữu tình là mọi người trong xã hội và vạn vật vô tình như cỏ cây, không khí...Nên yêu thiên nhiên đất nước và truyền thống yêu thương đùm bọc là thể hiện ơn chúng sinh; Và ơn tổ quốc là tình cảm thiêng liêng với bao thế hệ đã xây dựng, giữ gìn cuộc sống hôm nay.

 Trong mùa lễ Vu Lan, nhiều tấm lòng nhân ái đã mang đến cho những mảnh đời thiếu may mắn sự cảm thông, an ủi và niềm tin, đặc biệt là những cụ già không may mắn được con cháu chăm sóc trong mùa báo hiếu. Nghĩa tình đó như thông điệp tha thiết về nét đẹp truyền thống về lòng nhân ái, tình yêu thương đùm bọc của dân tộc ta, đâu chỉ trong mùa lễ Vu Lan.

 

Theo: TVO

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập