Phương Pháp Tu Tập Thông Qua Tứ Trọng Ân

Đã đọc: 715           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Vu Lan giờ đây không chỉ là ngày lễ của Phật giáo. Vu Lan còn là một ngày hội của dân tộc – ngày hội của đạo Hiếu.

Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan

Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn 

Những ai là kẻ mang ơn nặng 

Đều vận lòng thành đón Vu Lan.

 

Vu Lan giờ đây không chỉ là ngày lễ của Phật giáo. Vu Lan còn là một ngày hội của dân tộc – ngày hội của đạo Hiếu.

Hiếu là gì? Hiếu là biết nhớ ân và biết đền ân. Như vậy, Vu Lan không nên và không thể gói gọn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vu Lan cần phải được mở rộng ra làm cho phát triển rộng rãi hơn ở những mối quan hệ ân tình với nhau. Trong Phật giáo, các mối quan hệ ân tình đó được tổng hợp thành Tứ trọng ân – bốn ân lớn lao mà ai cũng cần ghi nhớ và cần đền đáp.

Thứ nhất là ân cha mẹ. Để có được tình thương rộng lớn, mỗi người nên bắt đầu bằng những tình cảm đơn giản nhất, dễ nhận biết nhất và phổ biến nhất. Do đó, ân cha mẹ được đặt vị trí đầu tiên. Một em bé lớn lên trong sự thương yêu của cha mẹ. Rồi từ đó, em bé biết ân của cha mẹ mình và thực tập đền ân với cha mẹ. Chính chất liệu này nuôi dưỡng tâm hồn của em bé. Ban đầu, tình thương ấy được tập trung và dồn nén cho đối tượng là cha, là mẹ của em. Sau đó, tình thương ấy bắt đầu lan rộng ra đến ông, bà, cô, chú, anh, chị, em,… Rồi tình thương này được phát triển đến bà con, dòng họ hay nói một cách tổng quát đó là tình thương đối với gia đình huyết thống.

Khi em bé đến tuổi đi học, tiếp xúc với môi trường học đường, đồng nghĩa, em bé ngày nào đã bắt đầu vươn mình xa hơn và rộng hơn so với các mối quan hệ trong gia đình huyết thống. Khi các mối quan hệ bắt đầu phát triển cũng là lúc tình thương của em bé cần được mở rộng ra và làm lớn thêm hơn. Ân thứ hai các em bé bắt đầu tiếp xúc đó là ân sư trưởng – ân thầy bạn, ân của những người đã hướng dẫn chúng ta về mặt kiến thức và về mặt đạo đức. Ân giáo dục này ban đầu cũng được gói gọn trong môi trường học đường với các đối tượng là thầy cô, bạn bè xung quanh em bé. Em sẽ bắt đầu nhớ ân của thầy, của cô đã nắn nót, chăm chút cho các em từng nét chữ. Em bắt đầu nhớ ân của bạn bè vì đã san sẻ cho em từng kiến thức hoặc giản đơn hơn đôi khi chỉ là miếng bánh, cái kẹo. Nhưng những ghi nhận ân nghĩa ban sơ này lại là cơ sở để các em có thể tiếp tục phát triển lớn hơn đối với tất cả những ai đã và đang hướng dẫn cho các em về kiến thức và đạo đức ở môi trường xã hội.

Sự chuyển giao giữa môi trường học đường – một xã hội thu nhỏ đến môi trường xã hội cộng đồng dần hình thành thông qua ân giáo dục và phát triển đến ân quốc gia, xã hội. Trong thời kỳ phong kiến, ân xã hội được đặt để nơi sự trị vì sáng suốt của một vị vua cùng bộ máy thuộc quyền. Vị vua với vai trò lãnh đạo chính trị, xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giữ vững độc lập, tự cường cho một quốc gia là một ân điển vô cùng to lớn đối với đời sống của nhân dân. Sau khi chế độ quân chủ được thay thế bằng các hình thức chính trị khác, ân Quốc vương được thay đổi thành ân Quốc gia, xã hội. Khi đối tượng được mở rộng ra không còn là một con người cụ thể mà trở thành một tập thể lớn lao thì đòi hỏi tình thương yêu và tâm hồn của em bé ngày nào cũng phải lớn rộng ra tương đương như vậy. Giờ đây, tình thương của em không còn trong khoảng không gian nhỏ bé của một gia đình hoặc một lớp học, một ngôi trường mà nó được mở toang ra đối với tất cả mọi mối tương quan trong xã hội. Đó có thể là mối tương quan trên phương diện Quân sự và Chính trị đối với việc quốc gia gìn giữ nền độc lập của một dân tộc. Đó cũng có thể là mối tương quan trên phương diện Kinh tế khi đời sống được áo ấm, cơm no. Và đó cũng có thể là mối tương quan trên phương diện Xã hội với những phân công Xã hội khác nhau để đảm bảo sự phát triển chung của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, mặc dù đã phát triển lớn đến mức đó là ân nghĩa Xã hội nhưng thực tế sự lớn rộng này vẫn có giới hạn nhất định của nó. Tri ân Xã hội sẽ bị giới hạn trong một quốc gia, một dân tộc, một vùng lãnh thổ cụ thể trên phương diện địa lý. Lúc này, đòi hỏi cần có một đối tượng rộng lớn hơn để em bé có thể tiếp tục mở rộng hơn tình thương yêu của mình. Đối tượng đó chính là Tam Bảo. Thứ nhất đó là Trí Tuệ - Phật Bảo. Đối tượng của em giờ đây không còn là một con người cụ thể hoặc một xã hội nhất định, mà đối tượng của em giờ đây chính là Trí tuệ - nhận chân được Thánh Đế và nhận chân được lẽ phải trương phương diện thế gian. Khi em nhận chân được Thánh Đế và sự thật trên phương diện thế gian, em sẽ có định hướng để thực hành. Em thực hành như thế nào? Em thực hành phát triển Từ Bi bằng tinh thần bình đẳng không phân biệt – đây chính là Pháp Bảo. Từ xuất phát điểm đầu tiên là Từ bi thông qua tình thương sơ khởi hạn hẹp trên phương diện gia đình, em bé tiến dần trên con đường đạt đến Trí tuệ. Mỗi nấc thang trên con đường đạt đến Trí tuệ lại là một cơ sở y cứ để em bé tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn yếu tính Từ bi. Sự song hành của Trí tuệ và Từ bi giúp em có khả năng kiến tạo một quốc độ, một vùng không gian Thanh tịnh và Hòa hợp – đây chính là Tăng bảo. Thanh tịnh là gì? Thanh tịnh là không ô nhiễm. Thế nào là không ô nhiễm? Là khi chúng sanh chín muồi trong đạo đức khiến phẩm giá được nâng cao và đầy đủ điều kiện thuận lợi trong việc tu tập. Thế nào là Hòa hợp? Hòa hợp là không phân biệt. Thế nào là không phân biệt? Không phân biệt gồm bốn yếu tố: 1/ rộng lớn về chủng loại, 2/ rộng lớn về số lượng, 3/ đưa đến an vui và 4/ xa rời điên đảo.

Từ những phân tích sơ bộ như trên chúng ta thấy rằng, Tứ trọng ân không chỉ là một bài pháp của đức Thế Tôn trên phương diện tổng hợp và phân loại các ân đức mà người Phật tử cần ghi ân và báo ân; mà Tứ trọng ân còn là một phương pháp tu tập dành cho người Phật tử tại gia ứng dụng trực tiếp ngay trong đời sống.

Bài pháp này đầu tiên hướng dẫn người Phật tử tại gia phát khởi tình thương rộng lớn thông qua việc xác định bằng các đối tượng gần gũi xung quanh mình. Việc phát khởi tình thương rộng lớn này chính là phát Bồ-đề tâm và bước chân lên cỗ xe của Bồ-tát Đại thừa. Tiếp theo sự phát khởi là sự vận hành cỗ xe của Bồ-tát. Bằng hai bánh xe Từ Bi và Trí Tuệ, người Phật tử tại gia vận hành song song để đi từ xuất điểm là Từ Bi Ba-la-mật đến kết điểm là Trí Tuệ Ba-la-mật. Trong quá trình vận hành chiếc xe Bồ-tát ấy, người Phật tử tại gia an trụ, giữ vững định hướng và nhất quán trong quá trình đi đến mục tiêu bằng tâm không phân biệt.

Kỷ niệm mùa Vu Lan, Phật lịch: 2565.

Tuệ Quý - Phước Châu

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập