Tiếng Vọng Mùa Vu Lan Báo Hiếu

Đã đọc: 1801           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đức Phật là vị Bổn Sư – người Thầy uyên áo – nhẹ nhàng như hơi thở. Một người dựa trên núi sách mà nhắm mắt trong ảo tưởng sẽ không bằng kẻ qua đường đọc được một chữ thật. Người bệnh có cả kho thuốc mà không uống một viên thì làm sao lành bệnh. Không có ai ăn cho người khác no và học giúp cho người mù chữ ngồi không mà biết đọc cả.

Chú Nguyên Thọ thân kính,

            Hôm nay, ở chùa Làng chúng con đang chuẩn bị Lễ Vu Lan và làm Bông Hồng Cài Áo cho lễ Báo Hiếu Mẹ. Chúng con là thế hệ G-3, G-4 vẫn thường thắc mắc rằng:  Ngài Mục Kiền Liên là một vị đại đệ tử và  đệ nhất thần thông của Đức Phật. Ngài cũng là đứa con chí hiếu đã cứu Mẹ mình ra khỏi địa ngục. Nhưng rồi cuối đời vẫn bị bọn cướp giết chết phanh thây khi Đức Phật đang còn tại thế. Như vậy là Phật không ĐỘ cho đệ tử của mình sao anh? Nhắc đến đây con lại vừa buồn cười vừa xót xa khi cái bài hát “Sao Phật độ ta mà không độ Nàng” ngày nào cũng nghe hát đủ kiểu trên đài, TV, online.

Như thế thì chúng ta làm sao giải thích đây chú. Nhiều em đoàn sinh GĐPT hỏi quá mà con là huynh trưởng cũng bí luôn.

Nhân dịp Vu Lan kính nhờ chú giúp con giải thích Phật Pháp nghe như quá mâu thuẫn nầy. Xin kính cám ơn chú và chúc tất cả đều hạnh phúc an vui trong mùa Vu Lan hiếu hạnh.

Kính chú,

Con Tâm Như.

       

                           

 

Chào cháu Tâm Như,

Câu hỏi của con và đôi dòng trả lời, giải thích của Chú có thể sẽ không có gì mới mẻ. Nhưng sự lập đi lập lại cả bao lần cũng có khi vẫn còn chưa đủ như hơi thở vào, thở ra muôn đời vẫn thế và đã nghìn năm hay mỗi giây hiện tại vẫn mới, vẫn cần cho sự sống luân lưu.

Khi nói hay nghĩ đến Phật Pháp, muốn thoải mái đi vào thế giới huyền nhiệm nầy trước hết mình cần quên mình, quên lối nghĩ, lối suy diễn đã quen từ khi mới sinh ra giữa cuộc đời thường cho đến gặp Phật Pháp. Nghĩa là đi chùa thì lòng phải thơ thới, vui như chạy nhảy rong chơi trên đường làng hay trong xóm đêm trăng. Đừng có đi giữa đường trăng mà quên ngắm vầng trăng, đầu cúi gầm xuống đất, miệng kêu liên tục “Nam mô A Di Đà Phật” như các cụ già ở quê mình. Phật pháp quan trọng nhưng chẳng có gì quan trọng vì rốt cùng Phật pháp là buông xả chứ không phải để dính mắc. Dẫu cho là dính mắc với mình hay với ai. Đi chùa ra mà lòng còn vướng mắc những mối tơ vò như cúng dường, tu học, phải nghe bao nhiêu thời pháp mới đủ... thì coi chừng ý nghĩa cả Phật, Thầy và Trò đều hỏng vì cuộc hội ngộ trong Tâm mình không có.

Đức Phật không phải là vị vua Trời Phạm Thiên ngồi trên ngôi cao, có uy quyền tuyệt đối, muốn ban phước hay giáng họa cho ai cũng được; hễ xuống lệnh là cả vũ trụ đều quy phục tuân theo. Một sức mạnh nhuốm màu ảo ảnh như thế không có trong đạo Phật và thật sự thì cũng chẳng có ở đâu cả mà chỉ có trong tưởng tượng của lòng ham muốn khải đạo mà thôi.

Đức Phật là vị Bổn Sư – người Thầy uyên áo – nhẹ nhàng như hơi thở. Một người dựa trên núi sách mà nhắm mắt trong ảo tưởng sẽ không bằng kẻ qua đường đọc được một chữ thật. Người bệnh có cả kho thuốc mà không uống một viên thì làm sao lành bệnh. Không có ai ăn cho người khác no và học giúp cho người mù chữ ngồi không mà biết đọc cả.

            Phật độ, Pháp độ, Tăng độ... là giúp cho những chiếc bè đợi sẵn qua sông. Mình không lên bè và tự mình chống bè, nhắm hướng bờ bên kia mà tới thì bè sẽ lôi mình lạc đường về nơi vô định.

Tâm Như vừa hỏi về lịch sử và ý nghĩa của Đức Mục Kiền Liên phải không?

Đã hơn hai nghìn năm qua, những người muốn hỏi như Nguyên Thông thì nhiều không kể xiết. Hình ảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ từ nơi Địa ngục đã làm cho nước mắt những người con thương mẹ bao đời qua nhỏ xuống thành giếng thành hồ. Nhưng cũng có người thông tuệ (thật ra là bị định kiến của tâm lý hý luận) về nhiều mặt xã hội, chính trị và thương mãi gần đây đã cho rằng, Mục Kiền Liên đã “hối lộ” cúng dường vật chất cho chư tăng để hợp đồng cứu mẹ! Vui hay buồn thay, chân lý thì chỉ có một nhưng vọng tâm và tạp niệm của nhân gian thì nhiều như... hến sông Hương!

Thật ra, tư tưởng, hình ảnh và hành trạng của các nhân vật Phật giáo đều mang tính biểu tượng (Symbolism). Nghĩa là được hình thành và xây dựng lên như những ví dụ cụ thể đời thường để giải thích, minh hoạ cho dễ hiểu chứ không phải là tượng đài cố định để chấp nhặt vào đó mà lý giải từng sự kiện cuộc đời đang diễn tiến ra trước mắt.

Cần đọc kinh Phật như nghe lời giảng dạy của vị Thầy, như học sách giáo khoa. Nghe rồi, đọc rồi, hiểu rồi... phải tự chính mình kiểm nghiệm ra lời dạy đó có hợp với mình và có đúng với điều chân thật hay không “nghe và tin lời Phật mà không tự mình kiểm nghiệm để xác định niềm tin cho chính mình là phỉ báng Phật”. Chính Bổn Sư đã dạy cho chúng ta như thế kia mà.

Đến chùa, dựa vào minh sư mà học Phật và thu nhiễm được năng lượng lành của thế giới hữu hình và thế giới vô hình để nuôi lớn và thức dậy năng lực của chính mình rồi đem ra thực hành trong cuộc sống là TU “Tượng đài cao như núi, tiền bạc trùng trùng như biển khơi mà cánh cửa tâm linh khép chặt hay bị náo động, không mở rộng để thu nhiễm được năng lượng lành thì đi chùa không hơn được ở nhà hay đi chơi mà tâm thanh tịnh”;(TS. Ajahn Chah).

Các khuynh hướng cực đoan: Bái lạy Mục Kiền Liên như một đấng Đại Hiếu đại linh thần hay coi Mục Kiền Liên là một đại đệ tử thân cận không được Phật độ (bị bọn cướp giết chết không toàn thây) hay có khuynh hướng gần đây cho Mục Kiền Liên là nhân vật“hối lộ” chư tăng để cầu cứu chung tay cứu mẹ... đều phát xuất từ tâm lý phàm tục và giá trị phán xét đời thường tùy hoạt cảnh hơn là chân phương.

Biểu tượng Mục Kiền Liên siêu thoát và vượt trội cao vời quá những bậc thang đối đãi đời thường như xấu, – tốt, thương – ghét, vui – buồn... !

Mục Kiền Liên là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật và có uy lực đệ nhất thần thông từ thuở tu luyện là một đạo sĩ Bà La Môn trước khi quy y đầu Phật. Ngài có thể tàng hình, đằng vân đi trên mây nước, che núi chận sông, biến tướng cả Địa ngục để cứu Mẹ và cùng linh hồn Mẹ bay thẳng lên cõi trời Đâu Suất. Nhưng phép thần thông mới chỉ là phương tiện thiện xảo của một cá nhân nào đó, nhất là những nhà đạo học Ấn Độ. Đạo Phật từ căn bản, không dựa trên thần quyền của giáo chủ mà dựa trên những nguyên tắc sống từ bi, hỷ xả, tuệ giác. Nghĩa là sống Đạo giữa Đời thường: Bình thường giai thị Đạo (Tất cả những điều bình thường đều là Đạo). Đạo không phải là thế giới siêu nhiên do thần linh nào ban phát. Muốn đến với đạo thì cần phải sửa mình, luyện tập công phu (TU). Đức Phật không cho phép hàng đệ tử vốn đã tu phép thần thông theo giáo phái nào đó trước khi xuất gia cửa Phật thi triển thần thông trong quá tình tu chứng và độ sanh. Đạo Phật vừa là một hệ thống giáo dục; vừa là con đường đi siêu việt mà chơn chất để giúp người tự cứu khổ, mua vui chứ không phải là sự ban phát quyền năng huyền hoặc của thần thánh.

Từ hướng nhìn của đạo Phật vừa nêu trên, chúng ta thử dắt tay nhau đi tìm bóng dáng của biểu tượng Mục Kiên Liên.

Muốn cứu Mẹ đang bị luyện ngục thì người con hiếu thảo phải biết dùng công phu của mình để thỉnh nguyện sự trợ lực của những bậc tu hành đạo cao đức trọng chung lòng, chung sức mà tìm cầu, hóa giải.

Trong quan điểm Phật giáo, đây là biểu tượng cho cái tâm chí thành sẽ là sức mạnh căn bản có đủ uy lực vượt thắng mọi khó khăn mà những phương tiện ngoại vi như phép thần thông, phương tiện vật chất, địa vị, danh tiếng, đánh trống khua chiêng... chẳng làm nên chuyện.

Đồng thời, ý nghĩa cốt lõi của của quan niệm ĐỘ (cứu vớt, đưa tới bến bờ, vượt thắng trở ngại... như Phật độ, tế độ, siêu độ) có một ý nghĩa tích cực và chủ động hơn là được ân sủng thần thánh vớt lên và đưa qua bờ bên kia như đám củi rều trong nước lũ!

Cũng trong cái khung ý niệm về “độ” nầy, giới trẻ Việt Nam trong nước từ khoảng tháng Hai dương lịch tới nay, với con số lên cao hơn 10 triệu trong khối dân số 97 triệu đang xôn xao hát đủ lời, đủ kiểu, đủ cách xung quang bài hát phát xuất từ Trung Quốc “Độ Ta Không Độ Nàng” (Độ Ngã Bất Độ Tha) do một người trẻ tuổi là Cô Độc Thi Nhân sáng tác, hư cấu về một chuyện tình xẩy ra tại cửa chùa giữa một tiểu tăng và một cô gái đẹp, quý phái. Mối tình không thành và cô gái tự tử vì bị ép duyên. Tiếng vọng thị phi nêu lên câu hỏi rằng: Sao Phật độ cho nhân vật tiểu tăng mà không độ cho cô gái? Bài hát đã lãng mạn hóa và hiểu lệch lạc về khái niệm “độ” trong Phật giáo.

Biểu tượng Mục Kiền Liên cũng là một sự minh họa và kiến giải về khái niệm “độ” trong đạo Phật. Đức Phật đã độ cho Mục Kiền Liên trở thành một nhà tu chân chính đầy công hạnh trong tăng đoàn của Phật qua lý thuyết giảng dạy và cơ hội cùng môi trường ứng dụng, thực hành. Nhưng Đức Phật không làm thay việc báo hiếu cho Mục Kiền Liên. Đức Phật cũng không “độ” bằng cách thế mạng cho Mục Kiền Liên khi phải trả nghiệp dưới bàn tay thảm sát của bọn cướp để trả nợ tiền kiếp xa xưa đã nghe vợ bỏ đói cha mẹ chết trong rừng. Trước khi nhập Niết Bàn, Mục Kiền Liên phải tự mình tu chứng cho đến khi đạt quả A La Hán và phải tự mình trả sạch nợ nần, giải tỏa ác nghiệp do chính mình gây ra.

Tâm Như, có thể những điều chú Nguyên Thọ vừa nói chưa hoàn toàn trả lời hay lý giải hết những thắc mắc trong lời hỏi của con. Nhưng chú chỉ mong, thế hệ trẻ thuôc hàng con cháu như con đang và sẽ đến với đạo Phật đừng biến đạo Phật thành một thế giới nghiêng lệch của tuổi trẻ hay tuổi già theo khuynh hước cực đoan và biên kiến của bờ bên nầy tách biệt bờ bên kia.

Con thấy gì không? Một đạo Phật trong ngần như Suối Giải Oan, khiêm cung và tri túc như Chùa Một Cột, vững chãi giữa ba đào như tháp chuông Linh Mụ... đang bị cát bụi vô minh, lòng tham danh lợi, tín tâm chao đảo... che mờ chân đạo lý. Đạo Phật sẽ về đâu khi lễ hội tưng bừng mà mê tín, xa hoa. Tượng lớn, chùa to để nặng phần trình diễn. Nói càng nhiều thì tu càng ít. Áo mảo càng phô trương bên ngoài thì thân tâm càng còm cõi bên trong. Danh xưng, chức vị càng cao sang thì đạo tình càng phân hóa... Nghịch lý của đạo Phật trong thời đại mới là sức lôi, đà kéo ngược chiều giữa lý tưởng và thực tế. Lý tưởng Tu là Phá Ngã đang gặp thực tế ngược chiều tu là Chấp Ngã, Vị Ngã, Ngã Sở. Tu, dẫu vận dụng bao nhiêu phương tiện, đều cùng một mục đích: Cần phải có được một trạng thái thanh tịnh, an nhiên, không vướng mắc thì cái Chân Tâm mới xuất hiện. “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” là nẻo về thiêng liêng, tất yếu của người theo đạo Phật. Nhưng hình như hệ thống chùa viện và tâm tư người Phật tử càng ngày càng trôi dạt ngược chiều vì sự dính mắc, dựa dẫm và phụ thuộc càng ngày càng to thêm: “Phật sự đa đoan!”

Tâm Như ơi! Chú không muốn làm con phải hoang mang, thất vọng... nhưng trong môi trường truyền thông đại chúng thời nay, những hoa văn rồng rắn của khẩu hiệu ngôn ngữ không còn có lý do tồn tại nữa. Tuổi trẻ của các con nhận biết những thông tin tôn giáo (bất cứ tôn giáo nào) mà ngày xưa bị khuất lấp hay che mờ vì những bức trường thanh của giáo phẩm và đẳng cấp thì ngày nay thế hệ đàn em, đàn con cháu từ đô thị đến vùng quê biết còn tinh nhanh hơn là thế hệ đàn anh thời trước.

Và cái biết ngày xưa là để uất ức nhận chịu nhưng cái biết ngày nay là để phân tích, đánh giá và có phản ứng kịp thời. Mong tuổi trẻ các con năng động mà không hiếu động; hành động mà không vọng động, lấy cái tâm an nhiên tự tại và tinh thần từ bi, trí tuệ làm đầu.

Nhân mùa Vu Lan Hiếu Hạnh, chú quý mến chúc các con cùng bà con dân làng sức khỏe và an lạc.

 

Sacramento, Vu Lan 2019

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

 

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập