Người Mẹ Trong Ca Dao

Đã đọc: 5861           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hình ảnh người mẹ trong ca dao đã được các văn nghệ sĩ vô danh khắc họa bằng chất liệu dân gian đến từng chi tiết, đầy tính nhân văn, giàu tình thương và lòng nhân ái dễ gần dễ mến.chứ không mang màu sắc mệnh phụ phu nhơn hay phi thường vĩ đại.

Hồi còn bé, ngay những năm đầu bậc tiểu học tôi đã học thuộc lòng bài ca dao nói về công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Đây còn là bài học đạo đức (đức dục) vỡ lòng đầu tiên dạy học sinh phải biết công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và phải hiếu thảo với cha mẹ. Người xưa rất tế nhị, nếu nói suôn công cha nghĩa mẹ cao dày thì người ta không hình dung được cao dày bao nhiêu nên ông cha ta đã so sánh cụ thể, rõ ràng. Không có gì cao to hơn núi, không có gì nhiều hơn nước nguồn, chỉ có công cha nghĩa mẹ mới ngang bằng mà thôi. Núi còn là biểu tượng của nam tính, cứng rắn mạnh mẽ là tính cách của cha; nước là biểu tượng của nữ tính, uyển cuyển mềm mại.là tính cách của mẹ. Bài ca dao đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước “phát dương quang đại” bằng cách phổ thành nhạc phẩm “Ơn Nghĩa Sinh Thành” rất nổi tiếng và đi vào lòng người từ thế kỷ trước đến nay.

Mỗi người đều có hai vai, một bên công cha một bên nghĩa mẹ, hai vai gánh nặng. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy khi nói`đến công lao sinh thành dưỡng dục thì từ xưa đến nay người ta hay nói đến mẹ nhiều hơn cha. Hình ảnh của mẹ xuất hiện thường xuyên hơn cha trong ca dao tục ngữ, các tác phẩm văn học nghệ thuật cùng một số lĩnh vực khác. Tại sao vậy? Theo tôi thì có hai nguyên nhân. Một là dân tộc ta theo chế độ mẫu hệ từ ngày đầu lập quốc, tôn bà Âu Cơ lên làm quốc mẫu nên trở thành truyền thống. Hai là do vị trí vai trò và tính cách của cha và mẹ. Cha là chủ, là trụ cột trong gia đình, phải bươn chải mưu sinh cho vợ con có cái ăn cái mặc, rồi ăn no mặc ấm đến ăn sang mặc đẹp nên thời gian gần gũi bên con không nhiều. Công cha rất lớn nhưng cha lại thường khó tính, nghiêm khắc hay thể hiện quyền lực bằng sức mạnh cơ bắp, dùng hình phạt nhiều hơn giáo dục, dùng roi vọt nhiều hơn lời lẽ ngọt ngào dạy dỗ con, do đó mà con sợ cha hơn mến cha thành thử tình cảm cha con không được gắn bó, mặn mà cho lắm.

Ngược lại, mẹ là “nội tướng” lo việc trong gia đình, thời gian tiếp xúc với con nhiều hơn cha. Hơn nữa, mẹ đã mang nặng đẻ đau còn thường xuyên ôm ấp, chăm sóc các con từ sơ sinh đến trưởng thành. Lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ, manh quần tấm áo, dạy con từng cử chỉ hành động, lời ăn tiếng nói từ lúc con chập chững bước đi và bập bẹ tiếng nói đầu đời. Bảo vệ con không bị bệnh tật khi trái gió trở trời, không bị tai ương trước thiên tai nhân họa. Tình mẫu tử thiêng liêng xuất phát từ đó, từ những việc nhỏ nhặt bình thường nhưng rất cảm động, bởi vậy không ai ngạc nhiên khi thấy hình ảnh của mẹ đã được các văn nghệ sĩ dân gian đưa vào đầy ắp trong kho tàng ca dao của nước ta.

Đàn ông đi biển có đôi

Đàn bà đi biển mồ côi một mình.

Người xưa đã so sánh chuyện sanh nở của đàn bà giống như chuyện đi biển của đàn ông. Biển luôn luôn có gió to sóng lớn có thể nhận chìm ghe thuyền bất cứ lúc nào, sanh nở cũng có nhiều khó khăn trắc trở có thể làm thương vong sản phụ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đàn ông không đi biển cô độc mà với nhiều người cho nên khi gặp nguy hiểm họ sẽ nương tựa lẫn nhau. Còn đàn bà sanh nở không ai san sẻ được đau đớn trắc trở mà chỉ một mình “vượt cạn” và khi được mẹ tròn con vuông thì niềm vui và hạnh phúc không chỉ riêng của mẹ mà cho cả gia đình, còn ngược lại thì…chỉ một mình mẹ thương vong!.

Mang nặng đẻ đau là vậy, nuôi nấng chăm sóc con cũng không kém vất vả gian nan. Các mẹ trước kia đa số nghèo nàn thiếu thốn, ăn uống thất thường không đủ sữa cho con bú phải cho con uống nước cơm, nước cháo pha đường hoặc lên tiếng van xin chị em sản phụ hàng xóm lân cận:

Con tôi khát sữa bú tay

Ai cho bú thép ngàn ngày mang ơn

Ôi! vì con mà phải hạ mình van xin nghe đến nao lòng như vậy thì thử hỏi có tình nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử?

Khi con mới biết ăn, răng mọc chưa đều, mẹ phải nhai nhuyễn từng miếng cơm, lừa từng cọng xương nhỏ cho con không bị mắc nghẹn, hóc xương. Hình ảnh đó không bao giờ nhạt phai trong lòng những người con có hiếu:

Ngồi buồn nhớ mẹ thưở xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.

Mẹ không chỉ lo cho con ăn uống đầy đủ mà còn lo cho con giấc ngủ tròn đầy. Trẻ sơ sinh đái dầm liên miên làm ướt hết tã lót và chiếu, mẹ phải thay tã và dời con đến chỗ chiếu khô. Khi hết chỗ dời mẹ đành nằm chỗ ướt nhường chỗ khô cho con được giấc ngủ ngon lành:

Đêm đêm con trẻ đái dầm

Mẹ nằm chỗ ướt con nằm chỗ khô.

Khi trái gió trở trời con bị bệnh mẹ cũng không khác gì con:

Con ho lòng mẹ tan tành

Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi.

Rồi đến ngày con đi học, ở nông thôn ngày xưa toàn đường đất và cầu khỉ cầu tre, vào mùa sa mưa nước nổi đường xá lầy lội trơn trợt, cầu kỳ gập ghềnh lắc lẻo khó đi thì chính mẹ là cây gậy cho con chống chỏi khi qua chỗ lầy lội trơn trợt, là tay vịn cho con nương vào khi qua cầu:

Khó đi mẹ dẫn con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời

Con ơi! Trường học sẽ cho con cái chữ, cái kiến thức còn trường đời cho mẹ thêm vốn sống, kinh nghiệm vì trường đời không bằng phẳng suôn sẽ như trường học mà lắm chông gai, nhiều cạm bẫy, nếu thiếu vốn sống và kinh nghiệm mẹ khó dìu con đi trên đường đời.

Hình ảnh người mẹ trong ca dao đã được các văn nghệ sĩ vô danh khắc họa bằng chất liệu dân gian đến từng chi tiết, đầy tính nhân văn, giàu tình thương và lòng nhân ái dễ gần dễ mến.chứ không mang màu sắc mệnh phụ phu nhơn hay phi thường vĩ đại.

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một như đường mía lau

Chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau không phải đặc sản quí hiếm mà là những thứ nông sản tầm thường nhưng thơm ngon, mềm dẽo, ngọt ngào hơn các loại chuối, nếp, đường khác. Chính vì vậy mà ai chẳng có một lần trong đời:

Chiều chiều ra đứng cửa sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Ngoài ca dao, hình ảnh người mẹ mộc mạc quê mùa, thuần lương chất phác, nhân từ đôn hậu còn có trong âm nhạc, nổi tiếng nhất và đi vào lòng người nhiều nhất là nhạc phẩm “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân. Hôm mẹ vợ tôi mất, em vợ tôi mướn dàn kèn đồng (hay còn gọi là Nhạc Tây) đến tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước khi di quan, họ thổi bài “Ơn Nghĩa Sinh Thành” và bài “Lòng Mẹ” khiến cho cả đám tang lặng yên xúc động, đám em vợ tôi và nhiều người cầm lòng không đậu sụt sịt khóc.

Ngày nay, y học tiến bộ rất nhiều, dụng cụ y khoa tối tân, xã hội có đầy đủ cháo dinh dưỡng, sữa tươi sữa bột, tã lót cao cấp nên các bà mẹ bây giờ không còn gặp những trường hợp như thế nữa! Đường xá cầu kỳ ở nông thôn cũng được bê tông hóa, phương tiện hiện đại nên việc đưa đón con đi học chẳng có gì khó khăn vất vả như ngày xưa. Tuy nhiên, tôi xin nhắc nhở quí bà:

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.

 

Nhân ngày Phật Hoan Hỷ và mùa Vu Lan báo hiếu tôi xin gởi đến những ai còn cha còn mẹ lời khuyên hãy nên“Đêm đêm thắp ngọn đèn trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Chớ đừng như vầy nhé “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”*. Còn những người mất cha mất mẹ như tôi thì tôi gởi lời cầu nguyện hương linh ông bà cụ được siêu sanh Tịnh Độ.

Nam mô đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát./

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
huyền 02/12/2017 18:29:16
mô phật!
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập