Cảm Nghĩ Về Ngày Lễ Vu Lan

Đã đọc: 9306           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật Thích Ca đã sử dụng An Cư Kiết Hạ và ngày Tự Tứ như người thợ kim hoàn mài giũa viên đá thô thành viên ngọc quí, như người thợ rèn trui đàn thanh sắt vụn thành con dao bén ngót. Sau khi phát lồ sám hối các tỳ kheo đều có tinh thần tự giác và cầu tiến cao, giữ giới luật nghiêm minh thanh tịnh, đạo cao đức trọng, chánh định chơn tâm. Đức Phật rất vui mừng khi thấy các đệ tử đều giác ngộ. Họ giác ngộ mới giúp được chúng sinh giác ngộ nên Ngài khuyên mọi người hãy cúng dường cầu nguyện vào ngày Tự Tứ vì đó là ngày có công đức lớn thì việc gì cũng có thể thành tựu như ý. Cho nên ngày Tự Tứ còn gọi là ngày Phật hoan hỷ.

Hàng năm đến ngày Rằm tháng bảy thì tất cả các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ. Chùa lớn tổ chức lớn, chùa nhỏ tổ chức nhỏ thu hút đồng bào Phật tử tham dự rất đông. Họ đến chùa để cúng dường Tam bảo, cúng dường trai tăng cầu nguyện cho cha mẹ quá vãng tội chướng tiêu trừ, siêu sanh Tịnh độ và cầu nguyện cho cha mẹ còn tại thế được mạnh giỏi bình an, tai qua nạn khỏi.

Đây là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Từ xa xưa dân ta đã đưa hiếu thảo lên hàng đầu trong trăm nết của con người giống như mùa Xuân là chúa của bốn mùa trong trời đất, “Thiên hữu tứ thời Xuân tại thủ. Nhân sinh bách hạnh Hiếu vi tiên”. Sự so sánh đó có hàm ý trời đất không thể không có mùa xuân, con người không thể  không có lòng hiếu thảo. Nếu mùa xuân là môi trường lý tưởng cho cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở tạo nên cảnh sắc hữu tình cho thế gian thì lòng hiếu thảo là mảnh đất phì nhiêu màu mỡ cho con người ươm trồng nhân cách tốt đẹp. Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng bảy còn là ngày “xá tội vong nhân” nên nó trở thành ngày long trọng thiêng liêng trong lòng mọi người, chỉ đứng sau ngày tết Nguyến đán.

Theo lịch sử Phật giáo thì lễ Vu Lan xuất phát từ chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ là bà Thanh Đề bị đọa đày trong cảnh giới ngạ quỉ (quỉ đói). Ngạ quỉ là cảnh giới khá xấu, đứng trước súc sinh và địa ngục trong sáu cảnh giới phàm trần (lục phàm). Theo kinh Hoa Nghiêm thì cảnh giới ngạ quỉ do con người lấy tâm “ác kiến làm gốc, bỏn xẻn làm nghiệp” tạo ra tội rất nặng, dù Mục Kiền Liên đã đạt được lục thông hay các bậc thần kỳ, tà ma ngoại đạo và các thiên vương trong ba cõi sáu phương tụ tập lại cũng không cứu được bà Thanh Đề. Theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên bèn “nhờ thần lực của mười phương tăng”  mới cứu được mẹ.

Thần lực của mười phương tăng do đâu mà có? Các vị đã tu hành đắc đạo,  thần thông quảng đại rồi cùng nhau xuống “âm phủ” xin Diêm vương tha tội cho bà Thanh Đề và dẫn bà về cung trời Thiên Hoa Quang? Xin thưa không phải vậy mà là như thế nầy.

Sau khi đắc đạo, Phật Thích Ca thu nhận khá nhiều đệ tử. Mỗi năm Ngài sai từng tốp năm bảy vị tỳ kheo đi khắp nơi truyền bá giáo lý của Ngài, hóa độ chúng sinh từ bến mê sang bờ giác giải thoát khổ đau sanh tử luân hồi. Vào mùa hạ ở Ấn Độ mưa gió dầm dề khiến nước các sông dâng cao gây nên lũ lụt làm trở ngại lớn cho việc giao thông đi lại. Do đó, khi vào mùa hạ Phật Thích Ca kêu các tỳ kheo về nghỉ ngơi dưỡng sức đợi mưa gió lũ lụt bớt nhiều mới bắt đầu đi hoằng dương đạo pháp trở lại. Thời gian nầy gọi là An Cư Kiết Hạ kéo dài trong ba tháng, từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy mỗi năm. Ngoài việc nghỉ ngơi dưỡng sức, các vị tỳ kheo còn phải học tập trao dồi thêm đạo đức, giáo lý, giới luật đồng thời ôn lại quá trình truyền đạo, kiểm điểm cách sống, nếp sinh hoạt, chỉ ra ưu khuyết điểm của từng người để rút tỉa, đúc kết kinh nghiệm cho những lần giáo hóa sau tốt đẹp viên mãn.

Mùa An Cư Kiết Hạ kết thúc vào ngày Rằm tháng bảy. Vào ngày đó, trước khi đi hành đạo, các vị tỳ kheo tập họp thành từng nhóm, mỗi nhóm có một vị cao niên đạo cao đức trọng, tinh thông giáo lý, giới luật làm chứng minh sư. Rồi từng vị tỳ kheo lần lượt đứng lên trước cử tọa thành thật trình bày hết những ý nghĩ, lời nói, việc làm cùng tâm tư nguyện vọng đúng sai của mình trong thời gian qua cho tất cả mọi người nghe và xin mọi người phê phán chỉ giáo. Sau khi nghe vị tỳ kheo tự phê trình bày, vị chứng minh sư và các vị tỳ kheo còn lại sẽ đóng góp ý kiến với những cái tốt xấu, hay dở của vị ấy. Chỉ ra những khiếm khuyết sơ sót lỗi lầm mà vị ấy cố tình che dấu, khỏa lấp. Sau khi bị phê phán đóng góp vị tỳ kheo tự phê thấy cái nào đúng thì phát huy, cái nào sai thì thừa nhận, khắc phục sửa chữa và phải hứa không hề tái phạm. Người đời gọi việc làm nầy là tự phê bình và phê bình, đạo Phật gọi là phát lồ sám hối và ngày Rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ có nghĩa là tự mình nói lên ưu khuyết điểm cho mọi người nghe.

Xấu che tốt khoe là tâm lý chung của con người, ít ai dám vạch lưng cho người ta xem thẹo. Vì thế, Phật Thích Ca tổ chức An Cư Kiết Hạ và ngày Tự Tứ là để đánh giá tinh thần tự giác và cầu tiến của các đệ tử, tạo điều kiện cho họ tự hoàn thiện mình trên con đường tu học và giáo hóa chúng sinh..

Người có tinh thần tự giác là người tỉnh thức, sáng suốt, có can đảm và ý chí mạnh mẽ, chiến thắng chính mình, dám nêu khuyết điểm của mình trước đám đông. Người có tinh thần cầu tiến là người không cố chấp, biết nhận lỗi, biết lắng nghe ý kiến người khác, đổi mới tư duy, tinh tấn tu hành…

Phật Thích Ca đã sử dụng An Cư Kiết Hạ và ngày Tự Tứ như người thợ kim hoàn mài giũa viên đá thô thành viên ngọc quí, như người thợ rèn trui đàn thanh sắt vụn thành con dao bén ngót. Sau khi phát lồ sám hối các tỳ kheo đều có tinh thần tự giác và cầu tiến cao, giữ giới luật nghiêm minh thanh tịnh, đạo cao đức trọng, chánh định chơn tâm. Đức Phật rất vui mừng khi thấy các đệ tử đều giác ngộ. Họ giác ngộ mới giúp được chúng sinh giác ngộ nên Ngài khuyên mọi người hãy cúng dường cầu nguyện vào ngày Tự Tứ vì đó là ngày có công đức lớn thì việc gì cũng có thể thành tựu như ý. Cho nên ngày Tự Tứ còn gọi là ngày Phật hoan hỷ.

Trở lại việc Mục Kiền Liên cứu mẹ. Tại sao Phật Thích Ca bảo Mục Kiền Liên cùng các bậc thần kỳ, tà ma ngoại đạo và các thiên vương trong ba cõi sáu phương tụ tập lại cũng không cứu được bà Thanh Đề mà chỉ có mười phương tăng mới cứu được bà ấy? Tại vì tội người nào làm người nấy chịu và chỉ người đó mới tự cứu được họ. Kinh Hoa Nghiêm cũng nói rõ điều nầy “ác kiến đã dứt, bỏn xẻn chẳng sanh thì tâm ngạ quỉ được liễu”. Đã dứt có nghĩa là tự dứt, nhưng, do “ác kiến” và “lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt” nên bà Thanh Đề không thể tự cứu lấy mình mà phải nhờ đến mười phương tăng. Thật ra, mười phương tăng không cứu bà Thanh Đề như tôi nói trên mà giúp bà tự giải thoát. Khi mười phương tăng cùng nhứt tâm hướng về bà Thanh Đề cầu nguyện thì thần lực của họ phát ra phá vỡ màn vô minh của bà làm bà tỉnh thức, nhận biết lỗi lầm, ăn năn sám hối mới thoát được cảnh giới ngạ quỉ đọa đày bấy lâu.

Ở nước ta cũng có hai trường hợp tương tự, đó là vào năm 1010 thần lực của  sư Khánh Văn và sư Vạn Hạnh tỉnh thức quần thần triều Lê nên họ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi tức vua Lý Thái Tổ khai sáng triều đại nhà Lý. Năm 1963 thần lực của tăng ni miền Nam đã tỉnh thức giới quân nhân nên họ thay đổi cả một chế độ.

Đó mới là ý nghĩa đích thực của ngày lễ Vu Lan: tự giác, cầu tiến và giác ngộ. Có như vậy không cần ai cứu cũng giải thoát được khổ đau sinh tử luân hồi, ngược lại thì cứ trầm luân trong bể khổ triền miên không ai cứu được hết. Còn câu chuyện Mục Liên-Thanh Đề do người đời hư cấu, tưởng tượng ra để truyền tải thông điệp trên và làm hình ảnh biểu tượng mang tính giáo dục (răn đe) mọi người nên làm lành lánh dữ chứ không có thực..

Tinh thần của lễ Vu Lan là thế nhưng hiện nay có không ít chùa chỉ vài tăng ni, thậm chí nhiều hơn, không tổ chức An Cư Kiết Hạ và ngày Tự Tứ mà vẫn tổ chức lễ Vu Lan hoành tráng, long trọng. Nhiều tăng ni chưa diệt trừ được tâm ngã mạn, còn tham ái dục lạc thế gian, khoái ở chùa to, đi xe xịn, xài hàng sang…mà vẫn nhận lễ cúng dường trai tăng của đồng bào Phật tử liệu có kết quả không? Mình chưa giác ngộ làm sao giúp người khác giác ngộ, cũng như mình chưa giàu làm sao giúp người khác giàu được? Lại có nhiều Phật tử bỏ ra một hai mươi triệu cúng dường trai tăng báo hiếu cha mẹ (ngoài lễ Vu Lan) nhưng không hiểu ý nghĩa đích thực nên chỉ mang tính hình thức, phô trương chứ chẳng ích lợi gì!

Tôi đã từng đi chùa và nghe xem nhiều băng đĩa tăng ni giảng đạo. Đề tài phong phú đa dạng nhưng rất ít ai giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và ngày Tự Tứ. Nếu có thì họ chỉ nói nhiều về công lao dưỡng dục sinh thành của mẹ, là đề tài ăn khách được đông đảo Phật tử ưa chuộng. Hy vọng trong tương lai việc An Cư Kiết Hạ và ngày Tự Tứ được tổ chức phổ biến trong tất cả các chùa, tu viện, thiền viện trên cả nước cho lễ Vu Lan trở lại đúng với tinh thần, ý nghĩa đích thực của nó và thành tựu viên mãn như lời Phật Thích Ca đã dạy./

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.67

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập