Lễ hội Vu Lan

Đã đọc: 3485           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chúng ta cũng có dâng sớ , với văn sớ bằng Tiếng Việt, mỗi phật tử có một tờ sớ và tự tay mình điền tên người thân đã quá vãng của mình vào văn sớ và theo nghi thức tất cả phật tử chúng ta cùng quỳ thẳng cùng tuyên đọc thầm, cầu nguyện cho người thân của mình . Xong khoá lễ ( có tụng Kinh Vu Lan và Kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ ) tất cả văn sớ đó cùng được đốt trong một chiếc lư to lớn để giữa trời .Trong ngày rằm chúng ta đã tổ chức lễ như vậy.

Lễ hội Vu Lan

( Khơi lại lòng hiếu lãng quên )

Thưa đại chúng !

Một câu thơ cổ nói về mùa thu như thế này : “ Một lá Ngô Đồng rụng mọi người đều biết đã là mùa thu”. Nơi miền Cao Nguyên nói chung và tại chùa Bửu Minh , Biển Hồ Trà của mình nói riêng chúng ta không thấy cây ngô đồng do vậy không thấy lá ngô đồng rụng, nhưng chúng ta có những biểu tượng khác nhắc cho chúng ta biết rằng đây là mùa thu .

          Chùa Bửu Minh cũ 

Những cơn mưa dai dẳng suốt ngày, trời thật thấp, mây mù giăng khắp nẻo, khí âm bàng bạc khắp nơi, ngàn cây nội cỏ ngấm mình trong nước nhiều ngày rầu rầu ủ dột .Và rõ nét hơn hết là những câu kinh Báo Hiếu được những người con Phật tụng niệm hằng đêm vọng lên trong đêm trường tịch mịch :

Phật lại bảo A Nan nên biết

Trong chúng sanh tuy thiệt phẩm người

Mười phần mê muội cả mười

Không tường ơn trọng đức dày song thân

Chẳng kính mến quên ân trái đức

Không xót thương dưỡng dục cù lao

Từ nhỏ chúng ta đã được dạy : “ Công cha như núi Thái Sơn , nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hoặc “ Làm con thì phải vâng lời cha mẹ , phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống và thờ phụng cha mẹ khi các người khuất núi”. Tất cả chúng ta hình như ai cũng biết đến điều ấy, nhưng rất ít người thực hiện . Quanh trong thôn làng chúng ta đây thôi, đây đó vẫn còn có người không cho cha mẹ ăn , đuổi cha mẹ ra khỏi nhà hoặc chỉ biết kết bè kết phái chuyên đi gây sự đánh lộn, xáo trộn làng xóm lấy đó làm thú vui, làm cho mẹ khóc hết nước mắt vì mình .

 

Chánh điện cũ chùa Bửu Minh    

Hôm nay là ngày rằm tháng bảy, lễ Vu Lan mùa Báo Hiếu quý vị đã quy tụ về đây thành tâm cầu nguyện cho hương linh Tổ Tiên ông bà, cha mẹ nhiều đời của mình thoát khỏi cảnh giới khổ đau mà sanh về cảnh giới an lành tịnh lạc . Mùa thu của xứ mình là mùa mưa dầm , rằm tháng bảy ít khi nào tạnh ráo, mà lòng phật tử chúng ta thì luôn nguyện cầu tạnh ráo nắng ấm . Bởi vì chúng ta chưa có một ngôi chánh điện to lớn rộng rãi để dung chứa bà con phật tử hành lễ, trong những ngày lễ lớn chúng ta thường tổ chức lễ ngoài trời vì chánh điện hiện tại của chúng ta quá hẹp . Trời Phật đã thương chúng ta, sáng hôm nay trời không mưa mà con có những tia nắng nhỏ len qua mây chiếu dọi xuống chúng ta nữa. Tôi vô cùng xúc động trong khung cảnh của buổi lễ sáng nay, các giới phật tử từ các cụ già đến các cháu thiếu nhi đều ngồi xếp bằng trước sân nhà Tổ ( trước lễ đài Vu Lan ) mà tụng Kinh Vu Lan-Báo Hiếu. Khoá lễ đã xong giờ đây xin quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu phương thức báo hiếu do Đức Phật chỉ dạy trong bài kinh mà chúng ta vừa mới tụng .

Thưa đại chúng !

Trong mười đệ tử lớn của Đức Phật, Ngài Mục Kiền Liên là người có công lớn trong việc hoằng truyền giáo lý của Đức Thế Tôn , điểm nổi bậc nhất của Ngài là lòng hiếu đối với thân mẫu .Theo tu học với Đức Phật được một thời gian thì Ngài chứng quả A La Hán và có được sáu phép thần thông , chạnh lòng nhớ đến thân mẫu , Ngài đã dùng mắt tuệ quán sát trong các cõi, thấy thân mẫu đã đoạ trong loài ngạ quỷ, hình hài tiều tuỵ da bọc lấy xương .( Bởi sinh tiền mẹ ngài huỷ báng Tam Bảo, tham lam bỏn sẻn , không hề biết bố thí cúng dường ,tạo nhiều nghiệp ác ) .Quá đau xót và thương cảm thân mẫu trong hình hài như vậy, Ngài đã vận thần thông xuống địa ngục thăm và dâng cơm cho thân mẫu . Đói khát mà thấy được cơm mẹ Ngài rất mừng, nhưng sợ các loài quỷ đói khác giành giựt, tay trái bà che bát cơm laị tay phải bốc ăn .Do nghiệp quá nặng cơm đã hoá thành than lửa mẹ Ngài ăn không được . Chứng kiến cảnh ấy lòng đau như cắt Ngài Mục Liên trở về tường thuật lại sự việc như thế với Đức Phật và cầu Phật cứu giúp.

Đức Phật dạy :

Lòng hiếu thuận của ông dầu lớn không ai có thể sánh bằng , tuy nhiên nếu chỉ mình ông thì không thể nào cứu được mẹ .Cần phải nhờ đến sức oai thần của chúng tăng mười phương , mới có thể giải thoát cho mẹ ông . Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của chúng tăng ở mười phương, đến ngày ấy người làm con nên vì cha mẹ đã mất trong bảy đời và cha mẹ trong đời hiện tại đang bị ách nạn ,mua sắm giường nằm nệm chiếu , bồn chậu đựng nước rửa, hương, dầu ,đèn, nến , năm thứ trái cây, cơm canh trăm thứ , những đồ ăn ngon lành nhất thế gian , đựng vào trong bồn cúng dường cho chư Đại Đức Tăng ở mười phương . Và nhất là phải cung thỉnh và cúng dường cho được tất cả các vị thánh chúng đang tu thiền nhập định trong núi, các vị đã chứng Bốn Thánh Đạo qủa, các vị đang đi kinh hành dưới cội cây , các vị Thanh Văn Duyên Giác đủ sáu pháp thần thông tự tại , các vị Bồ Tát Đại Nhân thị hiện làm Tỳ Kheo .

Còn về phần Chư Tăng Đức Phật dạy :

Trước khi thọ thực , phải dâng các vật phẩm trước tượng Phật và nhiếp tâm an trú trong định chú nguyện cho cha mẹ bảy đời đã mất và cha mẹ hiện tại của thí chủ . Nhờ năng lượng tu tập chú nguyện của mười phương chúng tăng mà cha mẹ nhiều đời của thí chủ được thoát khỏi cảnh giới khổ đau ở cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, và cha mẹ hiện tại của thí chủ được tăng tuổi thọ , thoát được tất cả những hoạn nạn khổ não, an vui hạnh phúc .Y theo lời Phật dạy Ngài Mục Liên đã thực hành theo phương pháp như vậy, và cũng chính trong ngày đó mẹ Ngài đã thoát khỏi cảnh khổ trong loài ngạ quỷ .

Qua phương pháp mà Đức Phật đã dạy trong kinh Vu Lan về cách cầu siêu cho hương linh cửu huyền thất tổ , cha mẹ nhiều đời của chúng ta được siêu sanh về cảnh giới an lành . Là đệ tử  Phật chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào lời Phật dạy , nhưng chúng ta cách Phật quá xa, tìm thỉnh sao cho được các hiền thánh, cao tăng như trong kinh mô tả, kinh tế gia đình khó khăn làm sao ta sắm sửa được các thức : Hương, dầu, đèn, nến, năm thứ trái cây, cơm canh trăm thứ , cùng những đồ ăn ngon lành nhất trên thế gian … Để cúng dường chư tăng mười phương .

Bởi phương pháp trên khó thực hiện, cho nên theo tập tục của các chùa Việt Nam lâu nay , phật tử chúng ta trong rằm tháng bảy thường về chùa thưa với chư tăng và ghi tên dâng sớ cầu siêu , kèm theo một chút tịnh tài . Rồi có khi bận việc chúng ta cũng không có thời gian đến chùa đội sớ , chúng ta khoán trắng cho các Thầy , nghĩ rằng như vậy là được, là đủ bày tỏ lòng hiếu.

Thưa đại chúng !

Chúng tôi chỉ muốn nói trong phạm vi của chùa mình. Cầu nguyện cho người chết, yếu tố chính là sự tu tập và công đức hành đạo, phụng đạo của chúng ta . Bởi có tu tập, có hành đạo, phụng đạo  chúng ta mới có một năng lượng nhất định để cầu nguyện cho người khác . Thử hỏi chúng ta không quy y Tam Bảo, không thường xuyên về chùa lễ bái tu tập, một năm chỉ đến chùa vài ngày lễ chính đến khi gia đình có người thân mất hoặc trong dịp siêu độ hương linh người thân của mình như trong dịp rằm tháng bảy, chỉ cần về chùa thưaThầy Trụ Trì viết cho sớ giấy và tuyên đọc là xong, phật tử  chúng ta luôn ỷ lại phó thác .

 Mấy mươi năm tu học và cũng làm được chút đỉnh công việc cho phật pháp, chúng tôi cũng có được năng lượng nhất định để cầu nguyện . Năng lượng đó ví dụ như một chiếc đèn pin , chiếu ánh sáng vào vùng tối, một vùng tối nhỏ sẽ sáng lên, không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả quý phật tử  có tu tập có hành trì thì các vị cũng có năng lượng cũng trở thành một chiếc đèn pin hợp cùng với đèn pin của chúng tôi chiếu dọi vào một vùng tối ,bóng tối sẽ tan biến và vùng sáng sẽ toả rộng mênh mông gấp bội . Sự cầu nguyện cũng vậy : “Một cá thể cầu nguyện không thể nào bằng một tập thể cầu nguyện” .

Ý thức được điều đó cho nên trong những năm gần đây tại đạo tràng chùa Bửu Minh của chúng ta luôn đề cao vai trò của tăng thân , luôn tâm niệm câu tục ngữ : “ Ăn  cơm có canh tu hành có bạn”. Những phật sự chúng ta làm, đều làm trong tinh thần tăng thân, có nghĩa là luôn luôn có thầy có bạn . Và nhất là khi cầu an cầu siêu chúng ta đã đến hộ niệm cho nhau rất ấm cúng nghĩa tình .

Chùa chúng ta còn thiếu thốn nhiều mặt, nhưng chúng ta đã dựng được một lễ đài Vu Lan với bức hình vẽ tiền thân của đức Phật gánh cha mẹ, cùng với một bài vị khổ lớn viết bằng chữ Việt “Phụng vì Chư Hương Linh cửu huyền thất tổ , cha mẹ nhiều đời, sáu thân quyến thuộc, của thập phương phật tử , liệt sĩ vì nước hy sinh , đồng bào tử nạn và 12 loại âm linh cô hồn” . Chúng ta đã cùng thức với nhau trong đêm 14 để nấu những món chay ngon nhất mà lúc sanh tiền người thân của mình ưa thích, để sáng ngày rằm chưng đặt nơi bàn tập thể giữa trời để dâng cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của thập phương Phật tử .

Chúng ta cũng có dâng sớ , với văn sớ bằng Tiếng Việt, mỗi phật tử có một tờ sớ và tự tay mình điền tên người thân đã quá vãng của mình vào văn sớ và theo nghi thức tất cả phật tử chúng ta cùng quỳ thẳng cùng tuyên đọc thầm, cầu nguyện cho người thân của mình . Xong khoá lễ ( có tụng Kinh Vu Lan và Kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ ) tất cả văn sớ đó cùng được đốt trong một chiếc lư to lớn để giữa trời .Trong ngày rằm chúng ta đã tổ chức lễ như vậy. Còn trước đó một ngày tức là ngày 14 chúng ta có buổi lễ Bông hồng cài áo , lễ Vu Lan năm nay phật tử chúng ta đã làm 2000 cái bông hồng và bông trắng ( chỉ 200 bông trắng thôi ) để cài vào áo cho nhau , để nhắc nhau rằng mình rất diễm phúc còn mẹ, còn cha hãy chăm sóc và thương yêu cha mẹ khi người còn ở bên ta. Đừng  đợi đến khi người khuất núi rồi mới biết thương biết tiếc thì đã muộn .

Chúng ta đã được các Hoà Thượng,Tôn Đức dạy rằng trong sinh hoạt tín ngưỡng của Đạo Phật nên chú ý Lễ nhiều hơn Hội, nên buổi lễ Bông hồng cài áo chúng ta đã tổ chức một cách trang nghiêm,đầy tính chất nghi lễ .Trước khi cài bông hồng chúng ta có khoá lễ tụng niệm cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, rồi đọc những đoản văn hay nhất viết về cha mẹ, tiếp đến ca khúc Lòng Mẹ và Ân Đức Sinh Thành được các Phật Tử trẻ hát lên .Phật tử xếp thành hàng trong chánh điện các cháu thiếu nhi được cài trước sau mới đến người lớn . Người cài và người được cài đều quỳ thẳng chắp tay xá chào nhau trước khi đón nhận hoa, cài hoa xong đứng lên lễ tạ Tam Bảo và cha mẹ ba lạy. Trong khung cảnh đạo vị thấm đẫm tình người, tình ruột thịt thiêng liêng nhiều Phật tử đã khóc .

Tại chùa Bửu Minh mình trong năm có mấy ngày lễ lớn , riêng lễ Vu Lan rằm tháng bảy thầy trò chúng ta đã đầu tư tâm sức cho ngày lễ này rất nhiều . Chúng ta đã làm rất nhiều chiếc lồng đèn ngôi sao, trái ấu, để cúng dường cho ngày lễ, viết hằng trăm bức thư pháp trên nền lụa màu xanh, màu vàng, màu đỏ được trích từ những câu Ca Dao, câu Kinh Phật có nội dung uống nước nhớ nguồn, hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ , ân đức sinh thành….treo khắp nơi trong vườn chùa : Cây tùng, cội mai , khóm trúc, cây bích đào, cây liễu đỏ, cây cau xanh …đều có những bức lụa thư pháp treo lủng lẳng trông rất đẹp mắt .Các cháu thanh thiếu nhi phật tử  còn làm được tờ báo tường với những bài viết chân chất bình dị mang nội dung biết ơn Phật , biết ơn tổ quốc, ơn cha mẹ thầy tổ , ơn bè bạn chúng sanh . Chùa có gói bán những gói quà nho nhỏ trị giá khoảng 5000 đồng mỗi phần để cho các phật tử trẻ tuổi mua về dâng cho cha mẹ nhân ngày Lễ Vu Lan - Báo Hiếu .

Tóm lại chúng ta đã dùng mọi phương cách trong khả năng của mình để khơi gợi, để nhắc nhở những người làm con đừng bao giờ quên ơn cha mẹ, đừng để trên gương mặt dãi dầu mưa nắng của cha mẹ phải nhỏ những giọt lệ khổ đau do những lời nói hay hành động vô tâm bất hiếu của mình .

Trong buổi lễ hôm nay có vị đã là phật tử, có vị chỉ vì cảm tình với đạo phật mà đến,  có vị ở gần chùa có vị ở rất xa, có người ở tít trong núi có ngưòi ở ven sông, nhưng  tất cả đã nhớ được hôm nay là ngày rằm tháng bảy, ngày lễ báo hiếu, đã tìm về chùa đã cùng ngồi với chúng tôi giữa sân chùa mà tưởng nhớ công ơn cha mẹ đã cùng ngồi tụng bài Kinh Báo Ơn Cha Mẹ, mà ngậm ngùi hối hận lỗi xưa .

Chúng ta đã mang ơn cuộc đời rất nhiều, không biết lấy gì đáp trả . Chỉ biết vâng theo lời Phật dạy luôn nhớ ơn và đền ơn . Cố giữ gìn lại những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên chúng ta để lại, đó là tinh thần Hiếu Đạo .

Chúng tôi xin kết thúc bài giảng hôm nay bằng lời Kinh Phật :

   

  -  Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu

  -  Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật .

   Mùa Vu Lan – Báo hiếu.
                                                                              Phật Lịch 2545( DL.2001)                                                                                                

                                                                                     Thích Giác Tâm

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập