Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Đã đọc: 7681           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Bìa sách "Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"

Thời đại ngày nay được xem là thời kỳ đất nước ta lặp lại chu kỳ 1000 năm lịch sử với nhiều thắng duyên để vươn lên tầm cao mới. Đây chính là nguồn cảm hứng để cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử gian truân nhưng rát vinh quang và ttự hào của dân tộc, đồng thời đây cũng là dấu ấn thu hút sự chú ý của toàn xã hội hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phật giáo của hai vương triều Lý - Trần là nền Phật giáo phục vụ cho dân tộc Việt, duy trì bồi đắp phẩm chất Việt, phát huy nội lực của dân tộc Việt. Đây là điểm sáng lung linh làm nổ bật lên vai trò đồng hành của Phật giáo với dân tộc đối với việc phát triển đất nước Đại Việt. Nhìn lại lịch sử dân tộc trong suốt thiên kỷ qua, chúng ta thấy, hễ thời kỳ nào Phật giáo thịnh hành thì thời đó đất nước thái bình an lạc; thời kỳ nào Phật giáo đóng vai trò chủ đạo trong đời sống văn hóa, đạo đức, tâm linh thì thời đó đất nước phát triển thăng hoa vượt bậc; thời kỳ nào mà quần chúng nhân dân hướng về đạo Phật, giữ gìn năm điều đạo đức, thực hành mười điều lành thì thời kỳ đó đất nước thịnh trị, xã hội được bình ổn và muôn dân ấm no hạnh phúc.

Download phiên bản PDF (có thể in ra để đọc) của sách "Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" ở phần đính kèm bên phải.

 

MC LC

 

Lời nói đầu

Lời Ban biên tập

Báo cáo đề dẫn Hội thảo Khoa học

 

Thích Trí Quảng

Nhận chân lịch sử, thắp sáng tương lai

 

Hoàng Như Mai

Nghìn năm văn vật đất Thăng Long

 

PHẬT GIÁO VỚI 1.000 NĂM THĂNG LONG Phật giáo đời Lý

Lê Cung

Chính sách nội trị và ngoại giao của nhà Tiền Lê qua thi pháp của

Thiền sư Đỗ Pháp Thuận

 

Minh Mẫn

Lý Thái Tổ và chiến lược xây dựng đất nước

 

Nguyễn Đại Đồng

Những đóng góp của Phật giáo thời Lý đối với Thăng Long - Hà Nội

 

Nguyễn Văn Sang, Lê Thị Thu Hiền

Vai trò của đội ngũ Tăng quan đối với sự phát triển của Đại Việt dưới triều Lý (1010 - 1225)

 

Nguyễn Thông Thức

Một số quan điểm triết lý nhập thế của các vị thiền sư góp phần xây dựng dân tộc trong giai đoạn triều đại nhà Lý

 

Trần Mai Ước

Giá trị về văn hóa và ý nghĩa lịch sử của triết học Phật giáo thời Lý

 

Thích Nhật Từ

Chiếu dời đô và vai trò dựng nước triều Lý

 

Đoàn Thị Thu Vân

Ba bài chiếu đời Lý - một tầm cao văn hóa mở đầu cho kỷ nguyên Thăng Long - Đại Việt

 

Trần Trọng Dương

Khuông Việt Thiền sư hay phức thể dung hội Nho - Phật

 

Phạm Quang Trung

Vạn Hạnh Thiền sư và công cuộc khởi nghiệp của triều Lý

 

Như Hùng

Vạn Hạnh Thiền sư: con người độc dị của ngàn năm trước và sau

 

Thích Vân Phong

Nguồn gốc hậu duệ thánh vương Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc

 

Phật giáo thời Lý - Trần

 

Nguyễn Công Lý

Phật giáo thời Lý - Trần với bản sắc dân tộc Đại Việt

 

Thích Giác Toàn

Tư tưởng Phật giáo và bản sắc văn học thời đại Lý - Trần

 

Nguyễn Quang Hà

Mấy suy nghĩ tản mạn về thời đại Lý - Trần và kinh đô Thăng Long

 

Thích Nhật Quang

1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Phật giáo thời Lý - Trần

 

Nguyễn Khắc Thuần

Tăng ban trong bộ máy nhà nước thời Lý - Trần

 

Hồng Ngọc

Một số đặc điểm của hai triều đại Lý - Trần

 

Thích Huệ Thông

Vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt Thời Lý - Trần và những thời đại về sau

 

Nguyễn Thanh Tuyền

Một số suy nghĩ về vai trò của Phật giáo đối với đời sống tinh thần nhân dân Đại Việt

 

Nguyễn Thị Bích Hải

Phật giáo Việt Nam - con đường đồng hành cùng dân tộc

 

Tạ Đức Tú

Khởi sùng Nho bất như Thích chi thâm tai!

 

Thích Phước Đạt

Tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Đại Việt trong quá trình hội nhập

 

Trương Văn Chung

Phật giáo - một sức mạnh tinh thần thời Đại Việt

 

Thích Đạt Đạo

Những nét tương đồng giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc

 

Phật giáo sau đời Trần

 

Lê Ngọc Thúy

Phật giáo và văn học Phật giáo trên vùng đất mới Nam bộ

 

Nguyễn Thị Kiều Tiên, Nguyễn Sơn Đông

Những nét đặc trưng của Phật giáo Khmer Nam bộ

 

Tạ Đức Tú, Võ Quang Vinh

Văn bia chùa Huế thể hiện tiến trình phát triển Phật giáo ở đàng trong

 

Thiền Phong

Trí Nhu và sự nối kế thiền Trúc Lâm Yên Tử

 

Trần Hoàng Hùng

Nhận thức mới về Phật giáo của Hải Lượng Thiền sư Ngô Thì Nhậm qua Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh

 

Trần Hồng Liên

Phật giáo Bình Dương đầu thế kỷ 20 qua tác phẩm Hán Nôm lưu hương diễn nghĩa bảo quyển

 

Trương Ngọc Tường

Những vị thành hoàng đời Lý được thờ tại Nam bộ

 

VĂN HỌC VỚI 1.000 NĂM THĂNG LONG Văn học Lý - Trần

Thích Phước Sơn, Đào Nguyên

Văn học Phật giáo Việt Nam đồng hành với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

 

Hà Văn Hoàng

Sự đốn ngộ của bậc chân tu qua thơ thiền thời Lý - Trần

 

La Mai Thi Gia

Nguồn gốc PG của mô típ tái sinh trong truyện kể dân gian VN

 

Lê Sơn

Văn học Phật giáo đã viết nên chương mở đầu xuất sắc của nền văn học Việt Nam

 

Lê Thanh Tâm

Con người giải thoát và con người mộng huyễn như là nguồn cảm hứng lớn trong thơ thiền Lý - Trần

 

Nguyễn Hữu Sơn

Tác gia hoàng đế - thi nhân Lý Nhân Tông trong tiến trình văn học sử thời Lý

 

Nguyễn Kim Châu

Ngộ và hành trình trải nghiệm đời sống của thiền nhân đời Trần

 

Phước Tâm

Tư tưởng nhập thế của Tuệ Trung qua bài ““Phật tâm ca”

 

Phạm Văn Ánh

Về việc xây dựng chùa tháp và mô hình vua Phật thời Lý

 

Phan Thị Hồng

Suy nghĩ về cảm hứng “thiền” qua Thiền uyển tập anh

 

Thích Đồng Bổn

Đóng góp thêm các bản dịch mới về bài kệ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh

 

Vu Gia

Văn học thời Lý - Trần và công cuộc dựng nước, giữ nước

 

Đào Nguyên

Một số bài minh Phật giáo và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

 

Văn học cổ điển sau đời Trần

 

Đàm Anh Thư

Cảnh sắc và con người đất Kinh Kỳ trong thơ văn thời thịnh Lê

 

Lê Thu Yến

Thăng Long trong thơ xưa

 

Nguyễn Đình Chú

Đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông - nhà văn hóa lớn của đất nước Đại Việt

 

Nguyễn Đông Triều

Cảm hứng “vô thường” trong một số tác phẩm văn tế trung đại Việt Nam

 

Nguyễn Đức Mậu

Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh - một biểu hiện của xu hướng dung hợp tư tưởng

 

Nguyễn Huệ Chi

Biểu tượng đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du

 

Nguyễn Thanh Tùng

Thăng Long - Hà Nội với sự tiếp nhận và truyền bá tư tưởng thi học mới từ Trung Hoa: trường hợp thuyết tính linh

 

Đinh Phan Cẩm Vân

Trí thức Kinh Kỳ - người trần thuật trong Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục 

 

Nguyễn Hùng Vĩ, Trần Trọng Dương

Những ghi chép chữ nghĩa khi đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

 

Phùng Hoài Ngọc

Thưởng thức danh tác “Tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng

 

Văn học hiện đại

 

Đoàn Lê Giang

Tiểu thuyết viết về Lý Công Uẩn của Phạm Minh Kiên và cảm hứng dân tộc trong tiểu thuyết lịch sử Nam kỳ trước 1945

 

Lê Huỳnh Diệu

Thăng Long Hà Nội trên những trang thơ An Giang

 

Nguyễn Thị Lam Anh

Tư tưởng Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần qua vở kịch “Rừng trúc

 

Nguyễn Thị Thu Trang

Hình ảnh Thăng Long - Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975

 

Nguyễn Văn Hạnh

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long suy nghĩ về xây dựng đất nước hiện nay

 

Phạm Thanh Hùng

Thăng Long - Hà Nội trong sáng tác của một số nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 - 1975)

 

Phong Lê

 

Hà Nội với quá trình hiện đại hóa văn học và Hà Nội trong văn học hiện đại (trước 1945)

 

Trần Thị Tú Nhi

Hà Nội giai đoạn giao thời qua những trang du ký

 

Nguyễn Thành Thi

Xu hướng tổng hợp thể loại trong “Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp

 

Trần Viết Thiện

Nguyễn Khải - người đi tìm hồn thiêng của đất kinh kỳ

 

Võ Văn Nhơn

Đôi thi sĩ đất Hà Tiên và Thăng Long - Hà Nội

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

Trúc Hà, nhà văn Hà Tiên khởi nghiệp trên đất Bắc

 

Phạm Ngọc Lan

Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp như một dụ ngôn về lịch sử và quá trình viết lại lịch sử

 

Trần Tùng Chinh

Tìm hiểu công thức truyền thống trong một số bài ca dao mới Nam bộ về hình ảnh Bác Hồ

 

Nguyễn Đăng Vy

Chùm tác phẩm viết về “Cô hàng nước Việt Nam” của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam

 

Thích Giác Toàn

Báo cáo tổng kết hội thảo khoa học

 

 


 

 

LỜI NÓI ĐU

 

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng đối với hơn 86 triệu người dân Việt. Đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, quy mô ở Thủ đô cũng như trong cả nước được tổ chức để chào mừng Đại lễ. Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long” do chúng tôi - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM - phối hợp tổ chức là một trong những hoạt động này.

Ngày 28 tháng 8 năm 2010 sắp tới, hơn 350 trí thức học giả sẽ gặp gỡ nhau. Một số tham luận sẽ được trình bày, nhiều ý kiến sẽ được trao đổi. Mọi việc sẽ diễn ra trong gọn một ngày, nhưng đã được chuẩn bị trong hơn một năm. Đồng cảm với ý nghĩa cao quý của cuộc hội thảo, đông đảo quí vị trí thức trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài đã nhiệt tình gửi về cho Ban Tổ chức hơn một trăm bài viết. Có thể khẳng định, đó là những trang viết đầy trách nhiệm, rất tâm huyết; trong đó không ít bài thực sự có giá trị học thuật cao. Tiểu ban nội dung chúng tôi đã đọc với tinh thần trân trọng từng bài viết và tuyển chọn, đưa vào công trình tập thể này là gần 80 bài.

Như định hướng ban đầu của cuộc Hội thảo khoa học, cuốn sách được chia ra làm hai phần: Phật giáo với 1000 năm Thăng Long và Văn học với 1000 năm Thăng Long. Việc phân định này thực ra chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi lẽ, trong phần thứ nhất (Phật giáo với 1000 năm Thăng Long), các tác giả - nhiều vị là các bậc chân tu, nhưng cũng có một số vị không trong Giáo hội - trong quá trình tìm hiểu, giới thiệu vẻ đẹp và chiều sâu của tư tưởng Phật giáo, mỹ học Phật giáo trong suốt một thiên kỉ định đô lập quốc của dân tộc ta cũng đã ít nhiều đề cập đến tinh hoa, bản sắc văn học Việt Nam, nhất là trong hai triều đại Lý Trần. Ngược lại, ở phần thứ hai (Văn học với 1000 năm Thăng Long), để làm rõ vẻ lung linh ngời chói của nền văn học cổ điển Việt Nam, các tác giả đương nhiên phải tìm đến, chỉ ra một trong những nguồn cội tư tưởng cơ bản: tinh thần “nhập thế độ sanh” của các vị thiền sư Việt Nam - những người gắn bó với Dân tộc và Đạo pháp từ ngàn năm trước.

Để quý độc giả tiện theo dõi, trong mỗi phần chúng tôi sắp xếp các bài nghiên cứu theo một chuẩn nhất quán: thời gian.

Vì vậy, 36 bài của phần thứ nhất được chia thành 3 chùm: Phật giáo đời Lý, Phật giáo đời Lý – Trần và Phật giáo sau đời Trần. Phần thứ hai cũng thế. 38 bài viết về “Văn học với 1000 năm Thăng Long” được phân làm 3 cụm: Văn học Lý Trần, Văn học cổ điển sau đời Trần và Văn học hiện đại.

Công trình tập thể của gần 80 bậc trí giả trong và ngoài Giáo hội; sự miệt mài không tiếc thời gian, sức lực của Ban Tổ chức Hội thảo khoa học, nhất là của 3 vị Đại đức Tiến sĩ Thích Nhật Từ, PGS.TS. Đoàn Lê Giang và TS. Nguyễn Thành Thi, tất cả chung đúc lại trong gần 900 trang sách mà quí vị đang có trong tay. Xin coi đây là một phẩm vật trí tuệ dâng lên Đại lễ. Cũng xin coi đây là món quà tinh thần mà hai tổ chức - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM - trân trọng gởi đến quí vị, quí bạn.

Xin hoan hỷ chờ đón những tín hiệu phản hồi chân tình và tích cực từ quí vị, quí bạn sau khi dự  Hội thảo khoa học cũng như sau khi đọc công trình này.

 

PGS.TS. Trần Hữu Tá

Phó chủ tịch - Tổng thư ký

Hội Nghiên cứu & Giảng dạy văn học TP.HCM Đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo

 

 

 


 

LỜI BAN BIÊN TẬP

 

 

Đã từ nhiều năm qua, HVPGVN tại TP.HCM (viết tắt là Học viện) và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM (viết tắt là Hội) có mối thâm giao. Nhiều giáo sư lão thành trong Hội như GS. Hoàng Như Mai, GS. Trần Thanh Đạm và GS. Mai Cao Chương v.v… đã từng là các giáo sư thỉnh giảng quan trọng từ những năm đầu, khi Học viện còn là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Về phía Học viện, HT.TS. Thích Giác Toàn, TT.TS. Thích Minh Thành và ĐĐ.TS. Thích Phước Đạt v.v… đã đang là uỷ viên của Hội.

Thường vào những ngày mùng 6 tết truyền thống, Hội tổ chức buổi sinh hoạt khai bút đầu xuân tại Tịnh xá Trung Tâm do HT. Thích Giác Toàn làm Trụ trì để cùng chia sẻ những mối quan tâm và đồng cảm về các vấn đề liên hệ đến đời và đạo, văn chương và triết lý, nghiên cứu và ứng dụng, nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa các thành viên và giữa Học viện và Hội. Hội thảo khoa học: “Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” là một trong những hợp tác chính thức mà hai cơ quan đã quyết tâm thực hiện trong cam kết của đầu xuân 2010.

Từ ngày 27-7 đến 2-8-2010, GHPGVN đã tổ chức thành công tuần lễ văn hoá Phật giáo hướng đến đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nhằm ôn lại tinh thần Phật giáo hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc và đóng góp vào lịch sử oai hùng của đất nước Rồng Tiên. Hàng vạn người bao gồm 3.000 vị giáo phẩm Phật giáo và Tăng Ni khắp mọi miền đất nước đã hân hoan trở về thủ đô để cùng tham gia các hoạt động nghi lễ, văn hoá, tâm linh, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, hoằng pháp và từ thiện, nhằm tôn vinh truyền thống dân tộc và duy trì đạo pháp. Hội thảo khoa học này là một trong những hoạt động học thuật quan trọng của Học viện và Hội, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Trị sự GHPGVN, nhằm hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, diễn ra vào tháng 10-2010 tại thủ đô Hà Nội.

Ban Tổ chức Hội thảo vô cùng hân hoan trong thời gian chuẩn bị Hội thảo thì khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá thế giới thứ 100 vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 31-7 theo giờ địa phương tại Brazil (tức 6 giờ 30 phút ngày 1-8-2010 giờ VN). Theo đó, các nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, chính trị, văn hoá, giáo dục, tôn giáo và triết học liên hệ đến Thăng Long - Hà Nội trong Hội thảo này, nói riêng, và các Hội thảo khoa học khác có cùng chủ đề, nói chung, tăng thêm nhiều ý nghĩa và giá trị thực tiễn.

Hội thảo khoa học lần này thu hút gần 100 nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, văn học Việt Nam và lịch sử Việt Nam trong đạo và ngoài đời, trong và ngoài nước tham gia viết tham luận. Đây là con số khá ấn tượng và đáng khích lệ. Trong số hơn 100 bài tham luận gửi cho Ban Tổ chức, có trên 20 bài đã được phổ biến trong Hội thảo: “Phật giáo đời Lý và 1000 năm Thăng Long” do Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Viên Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tại Hà Nội ngày 29-7- 2010 nên không được sử dụng lại trong Hội thảo này. Chúng tôi kính mong nhận được sự thông cảm từ quý tác giả trong trường hợp trên.

Về trình tự, các bài tham luận không sắp xếp theo tên tuổi của các nhà nghiên cứu, lại không theo mẫu tự của tên tác giả hay tựa đề tác phẩm, mà là theo hai nhóm chủ đề chính phụ, đồng thời theo diễn tiến thời gian bắt đầu từ triều Lý, Trần, đến các giai đoạn về sau và thời cận đại.

Về nội dung, Hội thảo khoa học này nhấn mạnh hai vấn đề lớn của lịch sử thủ đô Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, là “Phật giáo và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” và “Văn học và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.”

Trong nhóm đề tài thứ nhất, Phật giáo và Thăng Long, có 12 bài viết về Phật giáo đời Lý với vai trò dựng nước và phát triển đất nước từ móc dời đô lịch sử. Các tác giả đã phác hoạ bức tranh về chính sách nội trị của nhà Tiền Lê, vai trò dựng nước của Chiếu dời đô, chiến lược giữ nước của vua Lý Thái Tổ, vai trò của các vị Tăng quan, đóng góp to lớn của các thiền sư nổi tiếng như thiền sư Vạn Hạnh và Khuông Việt trong việc xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

 

Có 14 bài nghiên cứu bao quát về hai giai đoạn Phật giáo Lý Trần trong tương quan giữa tư tưởng, triết lý Phật giáo với lịch sử văn học của hai triều đại này. Thông qua đó, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Phật giáo là sức mạnh tinh thần thời Đại Việt, nhờ vào sự đồng hành của Phật giáo với dân tộc và vai trò văn hoá và đạo đức Phật giáo đối với đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt.

Ngoài ra, còn có 7 bài giới thiệu về giai đoạn Phật giáo sau đời Trần bao gồm Phật giáo Khmer, văn học Phật giáo ở Nam bộ, các loại văn bia Phật giáo trong văn học, cũng như phong tục Nam bộ.

Nhóm đề tài thứ hai, văn học và Thăng Long, bao gồm 36 bài viết, gắn liền 3 giai đoạn văn học là văn học Lý Trần, văn học cổ điển sau đời Trần và văn học hiện đại. Các bài trong mảng văn học Lý Trần rất đa dạng, phong phú, từ các chủ đề thiền, cảm hứng thiền, sự đốn ngộ, giải thoát, cho đến những câu chuyện văn chương của các thiền sư.

Nhóm bài về văn học cổ điển sau đời Trần đề cập đến hình ảnh đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du và thơ xưa, con người đất kinh kỳ trong thời Lê và trí thức kinh kỳ qua các tác phẩm nổi tiếng, các bài văn tế thời trung đại, và các tác phẩm văn học quen thuộc như Tụng Tây Hồ phú, Quốc âm thi tập, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục và Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.

Mảng văn học hiện đại được xem là có nhiều bài nhất, chiếm 15/36 bài thuộc nhóm văn học và Thăng Long. Sự đa dạng của nhóm đề tài này có thể kể Thăng Long trong văn xuôi, văn học hiện đại và văn học yêu nước; Hà Nội trong thơ An Giang, qua du ký và trong tiểu thuyết. Ngoài ra, còn có các nghiên cứu về các nhà văn nổi tiếng có liên hệ đến Thăng Long hoặc viết về Thăng Long như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Minh Kiên v.v…

Mặc dù, có nhiều cố gắng trong việc biên tập, nhất là thiện chí muốn đưa vào trong tập sách này càng nhiều càng tốt các bài nghiên cứu, Ban Biên tập không sao tránh khỏi những điều sơ thất, chẳng hạn như việc không sử dụng các bài nghiên cứu đã được sử dụng trong các hội thảo trước hội thảo này và việc các tác giả gửi báo cáo chậm trễ so với thời hạn dự kiến v.v… Ban Biên tập cũng đã nỗ lực tạo ra một phong cách thống nhất cho tất cả bài nghiên cứu với các mặc định về biên tập như cước chú, trích dẫn, sách tham khảo và phép viết nghiêng, hoa, thường, nhưng cũng không thể thực hiện trọn vẹn được ý tưởng ban đầu vì thời gian có giới hạn, trong khi tập sách này cần được in trước Hội thảo, để kịp tặng cho các học giả và đại biểu tham dự.

 

Thay mặt Ban Biên tập, chân thành cảm ơn Hoà thượng Tiến sĩ Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Học viện) và Giáo sư Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. HCM) đã hoan hỷ làm đồng Trưởng Ban Tổ chức danh dự và cố vấn cho Hội thảo này. Đồng thời, Ban Biên tập tri ân các tổ chức và cá nhân đã phát tâm ủng hộ tịnh tài và công sức cho sự thành công mỹ mãn của Hội thảo.

Hội thảo “Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” khép lại sau nhiều tháng chuẩn bị và nhất là sau một ngày thảo luận học thuật nghiêm túc và sôi nổi, nhưng những giá trị lịch sử, chính trị, văn hoá, kinh tế và tôn giáo của Thăng Long - Hà Nội sẽ còn mãi với đất nước Đại Cồ Việt và con rồng cháu tiên. Thăng Long - Hà Nội, trái tim của cả nước, đang mở cửa chào đón một thiên kỷ mới với biết bao niềm hân hoan về tương lai tươi sáng của tinh thần độc lập, tự chủ dân tộc, để đất nước Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau luôn được giàu mạnh, xã hội Việt Nam được công bằng, dân chủ và văn minh.

 

Cung kính,

ĐĐ.TS. Thích Nhật Từ

Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo

Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM

 

 

 


 

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC

VĂN HỌC, PHT GIÁO VỚI 1.000 NĂM THĂNG LONG

 

PGS.TS.Trần Hữu Tá

 

Từ hôm nay (28-8) cho đến ngày cử hành Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chỉ còn đúng 6 tuần lễ. 86 triệu người dân Việt hướng về ngày lịch sử trọng đại ấy – sự kiện đánh dấu một thiên kỷ dân tộc ta đã định đô lập quốc trên vùng đất Rồng bay – với lòng tự hào chính đáng về truyền thống tuyệt vời của dân tộc, để rồi cùng chung sức xây dựng một tương lai tươi sáng cho khỏi phụ lòng kỳ vọng của tổ tiên.

 

Trước tiên, xin phép được lướt nhanh một số trang sử có liên quan đến Đại lễ. 162 năm (năm 938) trước ngày Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền sau khi lên ngôi vương đã đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Xa hơn, trước đó 309 năm (năm 791), Phùng Hưng sau khi đánh thắng đạo quân đô hộ nhà Đường, khiến tướng giặc Cao Chính Bình sợ mà đột tử, đã đóng đô ở thành Tống Bình (thuộc khu trung tâm Hà Nội bây giờ). Bàn xa hơn, từ 555 năm trước đó (năm 545) Lý Bí lên ngôi đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân và chọn Long Biên (nay thuộc quận Gia Lâm, Hà Nội) làm kinh đô. Thật đáng ngạc nhiên, cách đây 2188 năm, có nghĩa là cách ngày dời đô của Lý Thái Tổ 1078 năm (năm 178 TCN), An Dương Vương đã tính kế lâu dài, cho xây thành Cổ Loa và tổ chức bộ máy chính quyền độc lập tại nơi đây. Vùng đất thiêng này, như thế đã liên tiếp được các bậc minh quân, tiền hiền nhiều đời từ xa xưa chọn lựa. Thế nhưng phải từ Lý Thái Tổ trở đi, Thăng Long mới vững vàng ở vị trí quan trọng nhất của đất nước.

Thủ đô của một quốc gia là biểu trưng thiêng liêng của quốc gia đó, là vầng sáng kỳ diệu để con dân nước đó hướng về. Thăng Long – Hà Nội tự bao đời nay luôn được ấp ủ trong trái tim của mỗi người dân Việt yêu nước, kể cả lúc thịnh trị, thái bình cũng như khi vận mệnh dân tộc lâm nguy, ở thế ngàn cân treo sợi tóc.

Chương trình, kế hoạch kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội trên thực tế đã được triển khai rộng khắp từ mấy năm nay – có những hoạt động sôi nổi, rầm rộ. Không ít hoạt động có vẻ lặng lẽ nhưng rất có chiều sâu. Như quý vị, quý bạn đã biết: hòa vào không khí phấn khởi chung, góp vào hệ thống hoạt động kỷ niệm chung của cả nước, thời gian qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như ngành giáo dục, giới văn học (kể cả sáng tác, nghiên cứu, phê bình) đã có không ít hoạt động tích cực để hưởng ứng Đại lễ. Thế nhưng, như một cơ duyên, gần một năm trước đây, một số vị cao tăng trong ban lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và đại diện BCH Hội Nghiên  cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM nhân một dịp gặp gỡ đã có sáng kiến hợp tác để tổ chức chung một hoạt động văn hóa có tầm cỡ, sát hợp với tư tưởng tinh thần của Đại lễ, tập hợp được tâm huyết và trí tuệ của trí thức khoa học xã hội nhân văn trong cả nước. Hoạt động này không cần ồn ào về hình thức nhưng phải đạt được chiều sâu học thuật, thực sự trang trọng và sang trọng, tạo được một điểm nhấn tốt đẹp trong vô vàn các hoạt động kỷ niệm đã tiến hành hàng năm nay và hiện vẫn còn tiếp tục được triển khai.

Sáng kiến này đã được toàn thể Ban lãnh đạo hai đơn vị nhất trí tán thành. Một Ban tổ chức được hình thành, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, để có ngày gặp gỡ, Hội thảo hôm nay.

Hoạt động học thuật này sẽ không thể thành công, nếu không được sự hưởng ứng nhiệt tình, tri kỷ của các bậc cao minh trong và ngoài Giáo hội, không chỉ ở TP.HCM mà còn rất nhiều địa phương trong cả nước – đặc biệt là những trung tâm văn hóa như Hà Nội, Huế, Cần Thơ… Chúng tôi chân thành ghi nhận tấm lòng của một số trí thức Việt kiều hải ngoại (Pháp, Đức, Hoa Kỳ…). Tiểu ban nội dung gồm 3 vị (TS.ĐĐ.Thích Nhật Từ, PGS.TS.Đoàn Lê Giang, TS.Nguyễn Thành Thi) đã rất cân nhắc trong việc nhận định, phân loại các bản tham luận. Ý kiến của 3 vị đã được Ban tổ chức nhất trí. Vì vậy, non 70 bài đã được chọn để in thành tập sách dầy dặn mà quý vị và quý bạn đang có trong tay.

 

Kết cấu của bộ sách gồm hai phần lớn: Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long và Văn học với 1.000 năm Thăng Long.

Phần thứ nhất (Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long) có 30 bài, được sắp xếp thành 3 tiểu mục: Phật giáo đời Lý, Phật giáo đời Lý – Trần và Phật giáo sau đời Trần.

Các tác giả không định dựng lại toàn bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo không chỉ đồng hành với dân tộc trong suốt một thiên kỷ định đô, mà đã có vị trí quan trọng trong sinh hoạt tâm linh của tổ tiên ta từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, tức là đã trên dưới 2.000 năm nay. Một tôn giáo đã từ ngọn nguồn Ấn Độ trực tiếp truyền tới và đã hình thành trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc thời Hậu Hán – trung tâm Lạc Dương và trung tâm Bành Thành. Thế nhưng, chúng tôi tin 32 bài viết trong phần này sẽ đem đến cho quý vị, quý bạn những kiến giải bổ ích về nhiều phương diện quan trọng của Triết học Phật giáo, Mỹ học Phật giáo, về bản sắc Phật giáo Việt Nam cũng như về đạo hạnh và sự nghiệp của các vị thiền sư kiệt xuất như Khuông Việt, Vạn Hạnh. Về một cái nhìn tổng hợp, khái quát, chúng ta hoàn toàn đồng thuận với ý kiến của Hòa thượng Trí Quảng trong bài viết Nhận chân lịch sử, thắp sáng tương lai: “Hàng ngàn năm qua vô vàn những Phật tử, những cao tăng chân chính ở nước ta luôn kiên trì một ý tưởng “nhập thế độ sinh”, một quan niệm “phụng sự dân tộc cũng chính là một Phật sự vô cùng quan trọng”, “sự an nguy của dân tộc cũng chính là nổi lo canh cánh trong lòng của những người con Phật”, phàm đã “một lòng kính Phật” thì cũng chân thành “thương dân”, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích các nhân.”

Chúng ta đang chứng kiến những nguy cơ tiềm ẩn và sự bùng phát dữ dội của khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế ở nhiều quốc gia, địa vực. Đáng lo ngại hơn, có thể làm đổ vỡ tất cả là sự khủng hoảng đạo đức. Cuộc khủng hoảng này nếu không được giải quyết căn cơ, thì dù thu nhập kinh tế có thể rất cao, cuộc sống vật chất có thể tăng tiến nhưng trong mỗi con người sẽ tất yếu diễn ra một nghịch lý: sự hướng thiện sẽ bị lãng quên, xu thế “vật hóa” sẽ không thể cản nổi. Bài viết của Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng như một số vị khác đã gợi ra một định hướng chuẩn – cho hôm nay và cho mai sau, cho sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân cá thể cũng như để đưa đất nước vươn lên một tầm cao mới, đó là tìm ra “phương án khả thi để dung thông văn hóa Phật giáo với văn hóa dân tộc, hòa quyện tâm từ bi cứu khổ của đạo Phật với đạo đức truyền thống của dân tộc, kết hợp trí tuệ giải thoát vô ngã của đạo Phật với tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây là vấn đề rất hệ trọng, đáng được Hội thảo hôm nay trao đổi, thảo luận.

Về phần thứ hai (Văn học với 1.0000 năm Thăng Long) có tới 39 bài viết. Số lượng trình bày trực tiếp trong ngày hôm nay không nhiều. Rất mong quý vị, quý bạn tìm hiểu từ bộ sách. Phần này cũng được chia thành 3 cụm: Văn học Lý – Trần, Văn học cổ điển sau đời Trần và văn học hiện đại. Đối tượng tiếp cận, khảo sát của bài viết rất đa dạng. Có khi từ góc độ thể loại (chủ yếu về thơ); nhiều bài nhằm vào một hệ thống tác gia (các vị thiền sư – thi sĩ thời Lý – Trần, các nhà văn tiêu biểu của hai khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa và hiện thực chủ nghĩa của giai đoạn văn học 1930 – 1945 cùng những tác phẩm viết về vùng đất kinh kỳ và con người Hà Nội của họ); Không ít bài lại tập trung đi sâu khám phá sức rung, sức gợi trong các trang văn của những tác phẩm văn học hoặc Phật học xuất sắc (như Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của đệ tam tổ Trúc Lâm Hải Lượng Thiền sư Ngô Thời Nhiệm, Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng, Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi .v.v…). Rộng hơn, một số vị đã đặc biệt quan tâm đến văn nghiệp của những tác giả gắn bó máu thịt với Thăng Long – Hà Nội như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn , Nguyễn Du, Nguyễn Khải …

“Cuộc hành trình theo gương mặt xã hội và chân dung tinh thần con người Hà Nội” nói như giáo sư Phong Lê, trải rộng suốt chiều dài lịch sử của nền văn học, như chúng ta đã rõ, giúp mọi thế hệ người đọc hiểu bản lĩnh dân tộc Việt và cốt cách con người Việt. Thế nhưng hiểu cho đến ngọn ngành triệt để quả là không đơn giản. Nhân dịp này, rất mong được quý vị và quý bạn nhiệt tình tham gia thảo luận để những vấn đề quan trọng nói trên càng được thêm sáng tỏ, khơi sâu.

Về quy trình và phương thức hội thảo, xin phép được đề nghị đôi điều: Thứ nhất, vì chúng ta chỉ có 2 buổi họp nên dù vận dụng linh hoạt, xen kẽ hai hình thức họp toàn thể và họp tiểu ban nhưng số lượng người trực tiếp trình bày tham luận của mình chắc chắn vẫn không được nhiều. Chúng tôi dự kiến tối đa là 20 vị. Xin được chân thành tạ lỗi với các tác giả có bài viết nhưng chưa có điều kiện thuyết trình.

Thứ hai, cũng vì sự khống chế của thời gian, nên các diễn giả không được thoải mái lắm khi trình bày. Xin đề nghị:

- Trong phiên họp toàn thể, mỗi người có tối đa 20 phút để đọc tham luận. Cuối phút thứ 19, người chủ trì sẽ xin được nhắc để diễn giả có thể kết thúc đúng thời gian quy định.

- Trong các cuộc họp tiểu ban, thời gian báo cáo là 15 phút. Cuối phút thứ 14, chủ tọa xin phép được nhắc.

- Khi thảo luận ở tiểu ban, mỗi ý kiến trao đổi xin khuôn lại trong 5 phút. Thứ ba, trong cả ngày hôm nay có ba lần nghỉ:

- Nghỉ giữa buổi sáng và giữa buổi chiều, mỗi lần 15 phút (9h55 đến 10h10; 15h45 đến 16h).

- Sau khi kết thúc buổi làm việc sáng, xin mời quý vị và quý bạn dùng tiệc chay và nghỉ trưa từ 11h45 đến 13h30.

Cứ đúng giờ nào chúng ta làm việc nấy, cố gắng để không bị động, vỡ hoặc lệch kế hoạch.

Kính thưa quý vị và quý bạn,

Chúng tôi hiểu, mấy trăm người chúng ta ai cũng đầy ắp công việc cần làm. Thời gian rất quý đối với tất cả. Nhiều vị lại lặn lội từ phương xa tới. Không ít vị tuổi đã cao, sức khỏe không được như thuở tráng niên. Vậy mà tất cả hồ hởi, nghiêm túc về họp mặt tại đây. Nếu không vì tấm chân tình hướng về sự kiện lịch sử ngàn năm có một của dân tộc, nếu không thực sự tâm huyết với học thuật và nếu không vì một chút lòng cảm mến với hai đơn vị chúng tôi, chắc chắn sẽ không ít vị khó mà khắc phục được những vướng bận riêng tư để có thể hiện diện hôm nay.

Chính vì tôn trọng nhiệt tâm của từng vị khách mời và kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp, thực sự có chiều sâu tư tưởng và khoa học của Hội thảo, chúng tôi mới dám mạnh dạn đề xuất những quy định về thời gian của từng việc như đã nói ở trên.

Một lần nữa xin thay mặt BTC Hội thảo chào mừng và cảm tạ sự có mặt của quý vị, quý bạn và xin bày tỏ lòng tin vững chắc vào kết quả của cuộc gặp gỡ rất có ý nghĩa của chúng ta hôm nay.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập