Nghi thức tưởng niệm đức Phật (Đản sanh, xuất gia, thành đạo, nhập niết bàn)

Đã đọc: 16941           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

 

LỜI NÓI ĐẦU

1. VÀI NÉT VỀ ĐỨC PHẬT

Từ “Phật” trong âm Hán Việt là từ viết tắt từ chữ Phật-đà, được phiên âm từ chữ “Buddha” của tiếng Pali và Sanskit, vốn là danh từ chung chỉ cho bậc đã giác ngộ hoàn toàn, mà người Việt Nam từ xa xưa đã đọc chuẩn là “Bụt”.

Quê hương của Ngài là tiểu bang Thích-ca (Sakya), 1/16 nước liên bang Ấn Độ thời cổ đại. Kinh đô của đất nước này là vương thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), nằm dọc theo bờ sông Rohini, chạy dài theo chân Hy-mã-lạp-sơn, nay thuộc về vùng Terai của nước Nepal.

Đức Phật, người đã khai mở và giới thiệu con đường tuệ giác vốn là thái tử Cồ-đàm (Gotama) Tất-đạt-đa (Siddhattha), con của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mâyâ), sanh vào ngày trăng tròn tháng Vesak, nhằm ngày rằm tháng 4, năm 624 TTL. Vua và hoàng hậu đều là những người nhân đức, trị vì muôn dân bằng con đường đạo đức.

Như nhiệm vụ chu toàn trong việc hiến tặng cho đời một con người siêu phàm, Mẹ của Ngài đã qua đời bảy ngày sau khi hạ sinh ra Ngài. Em của hoàng hậu là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề (mahâpajâpati) đã thay người quá cố nuôi dưỡng thái tử với tư cách kế mẫu. Khi còn trẻ, Ngài là một thái tử tuấn tú và thông minh xuất chúng. Văn chương và võ nghệ đều tinh thông hơn người.

Tin mừng thái tử ra đời, vua Tịnh Phạn đã có người xứng đáng kế nghiệp chẳng mấy chốc vang khắp xứ. Nổi tiếng nhất trong số các đạo sĩ tiên tri và giỏi về nhân tướng học là đạo sĩ A-tư-đà (Asita) đã tìm đến hoàng cung, xem tướng thái tử. Nhìn thấy những tướng đặc biệt nơi thái tử, đạo sĩ mừng rỡ, rồi lại buồn khóc. Được hỏi duyên cớ, vị đạo sĩ thưa: “Thái tử là bậc xuất chúng. Nếu chịu nối nghiệp cha sẽ trở thành bậc đại minh vương (cakkavattin), thống nhiếp thiên hạ bằng đạo đức. Nếu chọn con đường tâm linh sẽ trở thành bậc thầy vĩ đại nhất trong loài người. Tôi mừng vì có một bậc siêu phàm ra đời. Tôi buồn vì tuổi già tôi không thể  sống tới ngày đó để học được đạo lý cao siêu”.

Đức Phật đã được tôn xưng là “Bậc thánh minh triết (muni = mâu-ni) của dân tộc Thích-ca (sakya)”. Danh hiệu “Thích-ca-mâu-ni” bắt đầu xuất hiện từ đó. Đối với các vị Sa-môn vô thần và Bà-la-môn hữu thần, hai hình thái tôn giáo đối lập về ý thức hệ tu tập, đức Phật được biết đến qua danh hiệu “Sa-môn Cồ-đàm”. Đối với những người đi theo dấu chân tỉnh thức của Ngài, đức Phật được biết đến qua danh hiệu “Thế Tôn” bậc được cả thế giới tôn kính, bậc khả kính trong đời. Trong thực tế, Ngài được gọi nôm-na là đức Phật Thích-ca hay đức Phật Tổ.

Sau khi trở thành bậc tuệ giác, đức Phật Gotama thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em đồng tu của Ngài tại vườn Nai, Sarnath. Từ ngày ấy, theo Nam tông, đức Phật giáo hóa suốt 45 năm, theo Bắc tông 49 năm, không mệt mỏi. Đối tượng thính chúng của Ngài rất đa dạng, bao gồm mọi tầng lớp xã hội, nam nữ, già trẻ, mọi sắc tộc màu da, từ người cao sang đến kẻ hạ tiện, từ thương gia đến hành khất, từ người thánh thiện đến kẻ cướp đường, hoàn toàn không hề có tâm phân biệt đối xử. Nhờ đó, an lạc và hạnh phúc đã có mặt ở mọi nơi. Năm 80 tuổi đức Phật qua đời ở Kusinàrà (Câu-thi-na), nay thuộc bang Uttar (Pradesh), để tiếp tục hành trình hóa độ ở các hành tinh khác.

2. VÀI NÉT VỀ NGHI THỨC

Phần “Thi kệ cuộc đời đức Phật” trong Nghi thức này được biên soạn hoàn tất năm 1994, được thọ trì tại chùa Giác Ngộ từ dạo đó. “Kinh Tiểu sử đức Phật” được tôi trích dịch vào năm 2015. Đến năm 2018, tôi gộp thành “Nghi thức tưởng niệm đức Phật” để thuận lợi cho việc đọc tụng trong các dịp kỷ niệm đức Phật đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập niết-bàn.

Theo Nam tông, đức Phật sinh vào ngày trăng tròn Vesak nhằm ngày rằm tháng 4. Ngày này được gọi là ngày tam hợp, vì tưởng niệm ngày Phật đản sinh, thành đạo và vô dư niết-bàn cùng một ngày cho thuận tiện. Theo Bắc tông, đức Phật đản sinh vào ngày mùng 8 tháng 4, thành đạo ngày mùng 8 tháng 12 và nhập niết-bàn ngày 15 tháng 2.

Nghi thức gồm có ba phần. Phần nghi thức dẫn nhập mang tính hành trì tôn giáo, thể hiện lòng tôn kính Phật, Pháp và Tăng. Phần sám nguyện và hồi hướng nhằm khuyến tu. Theo sau là xướng lễ cuộc đời của đức Phật.

Phần chánh kinh gồm có “Kinh tiểu sử đức Phật” do tôi tuyển dịch và “Thi kệ cuộc đời đức Phật” do tôi nhuận thơ và hiệu đính. Thi kệ này vốn là bài đọc đầu tiên trong quyển Kinh tụng hằng ngày do tôi biên tập và xuất bản năm 1994, theo sau đó là 48 bài kinh căn bản của hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Thi kệ gồm hơn 900 câu, tôi đã tỉnh lược một phân nữa, nhuận thơ và hiệu đính các sự kiện lịch sử, có đối chiếu với các tài liệu về cuộc đời đức Phật trong kinh điển Nam tông và Bắc tông. Mục đích giúp cho người đọc tụng hiểu được cuộc đời của Phật và những đóng góp của Ngài cho nhân loại.

Cả “Kinh tiểu sử đức Phật” và “Thi kệ cuộc đời đức Phật” đều có ba phần chính. Phần thứ nhất mô tả sự đản sinh, dòng họ gia thế của đức Phật, trình bày tài đức siêu tuyệt của Ngài, đời sống vương giả, vợ đẹp, con xinh không thể kềm chân Ngài trước lý tưởng xuất gia, cầu quả vị giác ngộ giải thoát.

Phần thứ hai trình bày ý chí xuất trần của Phật, trải qua sáu năm khổ hạnh rừng sâu, tu tập tất cả các pháp môn nổi tiếng lúc bấy giờ. Ngài đã chóng chứng ngộ các pháp tu đó nhưng rồi Ngài nhận ra rằng các pháp này chưa đưa đến giải thoát thật sự. Cuối cùng Ngài từ bỏ khổ hạnh, chuyên tâm thiền định, tu tập Trung đạo tức bát chính đạo mà thành Phật.

Phần thứ ba nói về sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Phật trong suốt 45 năm, bao gồm sự hóa độ theo căn cơ thứ lớp, vận dụng nhiều phương tiện, độ tất cả những người hữu duyên với tinh thần bình đẳng. Bài thi kệ kết thúc bằng cách nhắc lại những lời giáo huấn sau cùng của Phật trước khi Ngài Niết-bàn vô dư.

Để đánh dấu sự đóng góp vĩ đại của đức Phật cho hạnh phúc của con người, Kinh điển mô tả bằng các ảnh dụ: “Như lật ngửa lên những gì bị úp xuống, như dựng đứng lại những gì bị ngã xuống, như đem ánh sáng vào trong bóng tối để người có mắt có thể nhìn thấy”. Tại Việt Nam, tuần lễ Phật đản được tổ chức từ ngày đản sinh theo Bắc tông và kết thúc vào ngày đản sinh theo Nam tông, từ mùng 8 tháng 4 đến rằm tháng 4. Đây là sự tôn vinh chỉ có trong các chùa theo Bắc tông Việt Nam.

Mục đích của “Nghi thức tưởng niệm đức Phật” này là giúp người đọc tụng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của Phật. Nhờ vậy, người đọc tụng phát lòng tôn kính đối với Phật và giáo pháp minh triết của Ngài.

Bao nhiêu công đức có được từ việc xuất bản Nghi thức này xin hồi hướng đến tất cả mọi người và muôn loài.

Chùa Giác Ngộ,

Ngày 22-5-18 (mùng 8-4 Mậu Tuất)

Kính cẩn

Thích Nhật Từ

 

 


 

MỤC LỤC

 

Lời nói đầu

PHẦN 1: NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM ĐỨC PHẬT

1. Nguyện hương

2. Tán Phật và đảnh lễ Tam bảo

3. Tán dương giáo pháp

4. Kinh tiểu sử đức Phật

5. Thi kệ cuộc đời đức Phật

6. Kinh tinh hoa trí tuệ

7. Xướng lễ đức Phật

8A. Sám Phật đản

8B. Sám quy nguyện

9. Hồi hướng công đức

10. Lời nguyện cuối

11. Đảnh lễ Ba ngôi báu

PHẦN 2: NGHI THỨC PHẬT ĐẢN

1. Nguyện hương

2. Đảnh lễ Tam bảo

3. Tán hương

4. Tán dương giáo pháp

5. Sám khánh đản

6. Kệ tắm Phật

7. Hồi hướng công đức

8. Lời nguyện cuối

9. Đảnh lễ Ba ngôi báu

 


 HẠ TẢI FILE PDF Ở PHẦN ĐÍNH KÈM BÊN PHẢI.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập