B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 33. Kinh chuyển hóa cái tôi

Đã đọc: 4110           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

 33. KINH CHUYỂN HÓA CÁI TÔI

 ***

CAO NGẠO DO HIỂU SAI

Tôi nghe như vầy. Khi đức Thế Tôn ở rừng Đại Lâm, giảng đường Trùng Các, thuộc Vesali. Có Ni-kiền-tử tên Saccaka, tánh ưa luận chiến, lý lẽ sắc bén, được người tôn kính. Ông thường tuyên bố: “Ta chưa từng thấy bất kỳ Sa-môn hay Bà-la-môn là vị Hội chủ hay vị Giáo trưởng, hay A-la-hán, khi đối thoại ta, không ai không run, toát mồ hôi hột. Khi ta đối thoại với một cột cây, cột cây còn sợ huống là con người”.   O

Vào một buổi sáng, tôn giả Mã Thắng, đắp y, cầm bát vào Vesali, thứ tự khất thực. Nhìn thấy tôn giả từ xa đi lại, ông Saccaka liền bước đến gần, chào đón xã giao, đứng qua một bên, thưa Mã Thắng rằng: 

– Thế nào là cách ngài Gotama huấn luyện đệ tử? Đâu là giáo huấn ngài Gotama giảng dạy đệ tử?

– Này Saccaka, đây là giáo huấn và phương pháp chính được đức Thế Tôn dạy cho đệ tử: “Này các hành giả, hình thái vô thường, cảm xúc vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Năm yếu tố đó không có thực thể nên lại vô ngã”.  O

– Thật sự chúng tôi vô cùng thất vọng khi nghe biết được Đức Gotama chủ trương như thế. Có thể chúng tôi sẽ có dịp gặp ngài Gotama tại nơi nào đó để thảo luận kỹ, trừ tà kiến này. 

Bấy giờ năm trăm người Licchavi đang có mặt tại giảng đường Trùng Các vì các công vụ. Ông Saccaka nói các vị ấy:

– Hôm nay sẽ có cuộc đàm luận giữa ngài Gotama và bản thân ta. Nếu Gotama đứng đối thoại ta như thầy Mã Thắng, một vị đệ tử nổi tiếng của ông đã làm với ta, thì có khác gì ta như lực sĩ tay nắm lông cừu, kéo tới kéo lui, vần quanh bốn hướng; như người nấu rượu, sau khi nhận chìm thùng rượu xuống nước, nắm một góc thùng, kéo tới dằn lui; như người nghiện rượu nắm góc cái sàng, lắc qua lắc lại; như con voi lớn ở tuổi sáu mươi, lặn xuống hồ sâu, chơi trò phun nước. Với Gotama, ta cũng như vậy. Này các tôn giả người Licchavi hãy đến chứng kiến cuộc đàm luận này.    O

Các Licchavi đã có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Có người cho rằng ông Saccaka có thể thắng được ngài Gotama. Nhưng lại có người đã tin ngược lại.

Khi rất nhiều người có mặt đông đủ, ông Saccaka nói các Tỳ-kheo:

– Ngài Gotama đang ở đâu vậy? Tôi muốn yết kiến ngài Gotama.

– Giờ này Thế Tôn đang ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây trong rừng Đại Lâm.    O

TỰ NGÃ KHÔNG LÀ GỐC SỰ SỐNG

Ông Saccaka cùng với mọi người đến chỗ Thế Tôn. Có người chúc tụng, hỏi thăm xã giao, ngồi xuống một bên.  Có người đảnh lễ. Có người chấp tay. Có người xưng tên. Có người im lặng, không nói một lời. Ông Saccaka nói với Thế Tôn: “Tôi muốn thưa hỏi Ngài vài câu hỏi, nếu tôi được phép”.

– Này Saccaka, hãy tự do hỏi như điều ông muốn. 

Ông Saccaka đã hỏi câu hỏi mà ông đã hỏi tôn giả Mã Thắng. Thế Tôn trả lời như lời trả lời của đệ tử ngài.

– Kính thưa tôn giả, tôi có ví dụ. Như các hạt giống, cây cỏ lớn lên, các loại công nghiệp dù nhẹ hay nặng, đều nương vào đất. Tự ngã con người chính là hình thái (sắc), nương tựa hình thái, chính là cảm xúc, nương tựa cảm xúc, chính là dòng tưởng, nương tựa dòng tưởng, chính là tâm hành, nương tựa tâm hành, chính là nhận thức, nương tựa nhận thức, tạo ra tất cả việc làm thiện ác.

– Này Saccaka, có phải ông nói: “Sắc là tự ngã, thọ là tự ngã, tưởng là tự ngã, hành là tự ngã, thức là tự ngã?”

– Kính thưa tôn giả, quả thực như vậy. Chúng là tự ngã. Mọi người ở đây đều nghĩ như vậy.      O

– Này Saccaka, mọi người tại đây có quan hệ gì đối với ông không? Ông nghĩ thế nào, nếu một vị vua đã làm quán đảnh, chẳng hạn như vua Pasenadi nước Kosala, vua A-xà-thế của Ma-kiệt-đà, có quyền lực lớn trong quốc gia mình, muốn giết những ai đáng bị giết chết, muốn tước đoạt thứ đáng bị tước đoạt, muốn tẩn xuất người đáng bị tẩn xuất? Việc muốn là làm có được hay không?

– Kính thưa tôn giả, với các giáo đoàn hay các đoàn thể như các Vajji, hay các Malla, còn có quyền hành trong quốc gia mình, muốn giết là giết, muốn tước là được, muốn tẩn là làm. Huống hồ trường hợp của các vị vua của những nước lớn đã làm quán đảnh, có nhiều quyền lực và sống tương xứng với những quyền ấy.

– Ông nghĩ thế nào, khi ông nói rằng: “Sắc là tự ngã?” Ông có quyền gì đối với sắc ấy? Ông có ra lệnh: “Sắc thái của tôi phải như thế này, không được thế khác?”

Được hỏi như vậy, ông Saccaka hoàn toàn im lặng. Đã hai lần hỏi, ông vẫn im lặng không thể trả lời. Thế Tôn bèn nói:

– Ông nên trả lời. Nay không phải lúc ông im lặng nữa.  O

VÔ NGÃ NÊN KHÔNG KHỔ ĐAU

Bấy giờ Dạ-xoa tên Kim Cang Thủ cầm chùy sắt lớn, phun lửa đỏ hừng, đứng trên không gian, gần Saccaka, phát ra ý định: “Nếu Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba, câu hỏi hợp lý mà Saccaka vẫn không trả lời, thì ta sẽ đánh bể đầu bảy mảnh”. Chỉ có Thế Tôn và Saccaka thấy biết việc đó. Ông Saccaka hoảng hốt, sợ hãi, lông tóc dựng ngược, tìm sự che chở, nương tựa an ổn nơi đức Thế Tôn, liền thưa thỉnh Phật, hỏi lại câu hỏi. Đức Phật liền hỏi:

– Ông nghĩ thế nào, khi ông nói rằng: “Sắc là tự ngã?” Ông có quyền gì đối với sắc ấy? Ông có ra lệnh: “Sắc thái của tôi phải như thế này, không được thế khác?”  Hãy suy nghiệm kỹ. Sau đó trả lời. Lời nói của ông bây giờ trái ngược với lời nói đầu. Đầu đuôi lộn xộn, không có thống nhất. Khi ông nói rằng: “Thọ là tự ngã” ông có quyền gì đối với thọ đó?” Ông có được quyền ra lệnh thế này: “Cảm xúc của tôi phải như thế này, không được thế khác? Dòng tưởng của tôi phải như thế này, không được thế khác. Tâm hành của tôi phải như thế này, không được thế khác. Nhận thức của tôi phải như thế này, không được thế khác?”   O

– Kính thưa tôn giả, không thể như vậy.

– Hãy suy nghiệm kỹ, rồi hãy trả lời. Những thứ sắc thái, cảm xúc, dòng tưởng, tâm hành, nhận thức, là thường còn mãi hay phải vô thường?

– Kính thưa tôn giả, chúng đều vô thường.

– Cái gì vô thường, cái ấy là khổ hay là hạnh phúc?

– Kính thưa tôn giả, vô thường là khổ.

– Cái gì vô thường, khổ đau, biến hoại cần được quán chiếu hợp với chân lý như phán đoán này: “Cái này thực sự không phải của tôi, không phải là tôi, lại càng không phải tự ngã của tôi.”

– Ông nghĩ thế nào? Ai ái luyến khổ, chấp trước vào khổ, tham đắm khổ đau, quán khổ và nói: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi.” Quan niệm như vậy, người ấy không thể thấu rõ khổ đau của chính bản thân, do vậy không thể diệt trừ tận gốc được khổ đau đó. Như có một người muốn được lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa bén, vào tận rừng sâu. Nhìn thấy cây chuối to lớn thẳng đứng, không có khúc đốt, liền chặt cây chuối, cả gốc lẫn ngọn. Sau đó lột sạch từng vỏ cuộn tròn, không tìm thấy được đâu là lõi cây. Tương tự cũng vậy, khi được Ta hỏi về lời của ông, ông đã tỏ ra trống rỗng, thất bại. Những lời tuyên bố vừa rồi của ông ở Vesali rằng ai cũng run, hoảng hốt khiếp sợ, ngay cả cột cây, khi phải đối thoại với người như ông. Nhưng tại nơi đây, từ trán của ông, như một người thường, những giọt mồ hôi đang đầm đìa chảy, thấm qua áo quần, rơi xuống mặt đất. Còn với Như Lai không hề như vậy.  O

KHÔNG PHẢI CỦA TÔI, LÀ TÔI, TỰ NGÃ CỦA TÔI

Bấy giờ Thế Tôn để lộ kim thân cho mọi người thấy. Ông Saccaka trở nên lặng người, hổ thẹn, thụt vai, bàng hoàng cúi đầu, im lặng như câm. Trong hội có người tên Dummukha, thuộc Licchavi, liền bạch Thế Tôn:

– Như một hồ sen cách làng không xa, có một con cua. Rất nhiều nam nữ tìm đến hồ ấy lặn bắt được cua rồi để trên đất, lần lượt đập nát các càng cua con. Cua đã gãy càng không thể lội được. Con thấy tương tự, các thuyết quanh co, kế gian, tranh luận của Saccaka đã bị Thế Tôn bẻ gãy, đập tan.

Khi nghe nói vậy, ông Saccaka liền lên tiếng rằng:    O

– Ông hãy ngừng nói, này Dummukha! Tôi đang đàm luận với Gotama, chứ không phải ông. Ngài Gotama, hãy tạm để yên những lời thảo luận của ngài và tôi và các Sa-môn và Bà-la-môn khác. Cuộc đàm luận này thật là vô bổ, thật đáng hối tiếc! Cho đến mức nào, một đệ tử Thánh chấp nhận giảng huấn, hành trì giáo pháp, nghi ngờ dứt sạch, do dự không còn, thành tựu vô úy, không cần nương tựa vào bất kỳ ai ở trong giáo hội?

– Này Saccaka, vị đệ tử Thánh đối với sắc pháp, cảm xúc, dòng tưởng, tâm hành, nhận thức, quá khứ, hiện tại hay là tương lai, dù nội hay ngoại, dù thô hay tế, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, thấy được như thật bằng chánh trí tuệ: “Cái này thật sự không phải của tôi, không phải là tôi, lại càng không phải tự ngã của tôi.” Cho đến khi ấy, vị đệ tử Thánh mới thật sự là chấp nhận giảng huấn, hành trì giáo pháp, nghi ngờ dứt sạch, do dự không còn, thành tựu vô úy, không cần nương tựa vào bất kỳ ai ở trong giáo hội.

– Vậy kính thưa ngài, cho đến mức nào, một vị Tỳ-kheo là A-la-hán, các lậu đã hết, tu hành hoàn tất, việc làm đã làm, đặt gánh nặng xuống, đã đạt mục tiêu, kiết sử đã dứt, được chánh giải thoát?  O

– Này Saccaka, vị Tỳ-kheo ấy đối với sắc pháp, cảm xúc, dòng tưởng, tâm hành, nhận thức, quá khứ, hiện tại hay là tương lai, dù nội hay ngoại, dù thô hay tế, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, thấy được như thật bằng chánh trí tuệ: “Cái này thật sự không phải của tôi, không phải là tôi, lại càng không phải tự ngã của tôi” chứng được giải thoát, không còn chấp thủ. Cho đến lúc đó vị Tỳ-kheo ấy là A-la-hán, các lậu đã hết, tu hành hoàn tất, việc làm đã làm, đặt gánh nặng xuống, đã đạt mục tiêu, kiết sử đã dứt, được chánh giải thoát.     O

QUY NGƯỠNG, CÚNG DƯỜNG

Với tâm giải thoát, vị Tỳ-kheo ấy thành tựu trọn vẹn ba điều vô thượng: Tuệ giác vô thượng, con đường vô thượng, giải thoát vô thượng. Được giải thoát đó, vị ấy chỉ lễ, cung kính, tôn trọng với đức Như Lai: “Thế Tôn giác ngộ. Những gì Phật dạy là để giác ngộ. Phật đã điều phục. Những gì Phật dạy là để điều phục. Phật đã tịch tĩnh. Những gì Phật dạy là để tịch tĩnh. Phật đã vượt qua. Những gì Phật dạy là để vượt qua. Phật chứng niết-bàn. Những gì Phật dạy là để chứng đạt niết-bàn cao thượng.

Được nghe nói vậy, ông Saccaka bạch với Thế Tôn:    O

– Kính thưa tôn giả, con thật lỗ mãng, con thật khinh suất. Con đã dám nghĩ dùng lời phàm tục để luận chiến với ngài Gotama! Có thể an toàn đối với người liều đấu với voi điên, chống đám lửa hừng, đấu rắn độc dữ, nhưng không an toàn cho một người phàm dám khởi tà tâm chống lại Thế Tôn! Xin ngài nhận lời, ngày mai thân lâm cùng các Tỳ-kheo dùng cơm của tôi!

Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu. Ông Saccaka liền nói với các vị Licchavi:     O

– Này Licchavi. Ngài Gotama đã nhận lời mời với các Tỳ-kheo ăn cơm ngày mai. Hãy đem cho tôi những gì quý vị nghĩ là hợp thời.

Các Licchavi mới tờ mờ sáng đã đem đầy đủ cho Saccaka năm trăm phần cơm nấu trộn với sữa. Sau khi sửa soạn, ông đã đích thân thỉnh mời Thế Tôn. Thế Tôn đắp y cầm bát, đi đến khu rừng của Saccaka, ngồi vào chỗ dọn với chúng Tỳ-kheo. Ông Saccaka tự tay hầu hạ, các món thịnh soạn, loại cứng và mềm. Trai tăng vừa xong, ông Saccaka lấy chiếc ghế thấp, ngồi xuống một bên, bạch với Phật rằng:

– Kính bạch tôn giả, việc cúng dường này, nếu có công đức, mong người cúng dường hưởng hạnh phúc.

– Này Saccaka, sẽ có công đức cho người phát tâm cúng dường những người đáng được cúng dường, chẳng hạn như ông, dầu ông không phải là không có tham, không phải là người không hề có sân, không phải là người không còn si mê. Sẽ có công đức cho người như ông,  phát tâm cúng dường cho người đáng được cúng dường như Ta, là bậc ly tham, ly sân, ly si.    O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật   (3 lần) O

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập