Chương 4: Cắt lớp thực tại

Đã đọc: 1487           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Chương 4: Cắt lớp thực tại

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 03-01-2010.
Phiên tả: Nhật Hạnh


 

I. PHÂN TÍCH NGỮ CẢNH

    Trong chương IV, ta nghiên cứu và thực tập về nghệ thuật cắt lớp thực tại. Đây là phần rất quan trọng, bổ sung cho việc tu tập quán chiếu Bát-nhã cắt lớp cái tôi. Nếu ta hiểu thực tại bao gồm mọi sự vật hiện tượng, từ những điều có thể hình dung được bằng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, cho đến những hiện tượng chỉ tồn tại đơn thuần trong ý niệm thì việc cắt lớp chúng sẽ giúp ta có tầm nhìn chân thật về bản chất của thực-tại-đang-là.

    Nếu sự chấp mắc vào cái tôi dẫn đến ảo giác đề cao hoặc hạ thấp chính mình, thì hai trạng thái tinh thần mâu thuẫn này làm dòng cảm xúc con người luôn luôn trong tư thế thăng trầm và khó tìm được chân giá trị của hạnh phúc. Việc chấp mắc vào thực tại cũng dẫn đến những hệ lụy tương tự.

    Nguồn gốc của mọi chấp trước đều bắt nguồn từ nhận thức sai lầm. Nhận thức nào đánh giá sai về thực tại thì nhận thức ấy đã bị một lớp vỏ của ý niệm qua sự diễn đạt bằng ngôn ngữ phủ trùm lên và biến nhận thức ấy trở thành một chân lý giả hiệu, một cách mặc nhiên.

    Trong chương này, dựa theo kinh nghiệm thực tập của Bồ-tát Quan Thế Âm, Bát-nhã Tâm Kinh dạy chúng ta nghệ thuật dùng trí tuệ Bát-nhã để cắt lớp thực tại. Nghệ thuật đó được mô tả bằng một câu phán đoán rất đơn giản nhưng giá trị minh triết rất sâu. Nguyên bản chữ Hán được dịch từ tiếng Sanskrit là: “Thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”.

    1. Ý nghĩa chân thực của câu văn

        Điều gì càng cô động, điều đó càng khó hiểu; điều gì càng cô đọng thì việc ứng dụng vào thực tiễn càng không giản đơn. Điểm đặc biệt của Bát-nhã Tâm Kinh một phần nằm ở chỗ này.         Trong cấu trúc văn phạm chữ Hán, nhất là Hán cổ, bản chất của tự loại lệ thuộc rất nhiều vào vị trí, mà từ ngữ đó được sắp đặt. Chữ Hán không có những hình thức tu từ học như văn phạm (grammar) và luận lý (logic) trong tiếng Anh, do đó, từ một danh từ có thể trở thành tính từ, trạng từ hay động từ, hoặc ngược lại. Vì vậy, việc ngắt câu, chấm phết sai vị trí sẽ dẫn đến tình trạng lý giải sai ý nghĩa của từ.

        Ta thử chấm phết câu  “thị chư pháp không tướng”. Có hai cách ngắt câu. Cách thứ nhất: “Thị chư pháp, không tướng, …”, cách thứ hai: “Thị chư pháp không tướng, ….”. Cách ngắt câu thứ 2 rất dễ bị lẫn lộn ngữ nghĩa. Phần lớn các bản dịch chữ Việt dựa vào chấm câu thứ 2 và dịch nghĩa như sau: “Tướng không của các pháp”, với ý nghĩa là “tính không thực thể của mọi sự vật hiện tượng”.

        Nếu đặt câu đó ra khỏi ngữ cảnh của kinh Bát-nhã thì dịch nghĩa vẫn được xem là đúng, vì ở đây đang phân tích về bản tính không-tự-tính của mọi sự vật. Nhưng nếu ta đặt ý nghĩa này trong ngữ cảnh của bài Bát-nhã Tâm Kinh thì cách dịch như vừa nêu trên là có vấn đề.

        Theo ngữ cảnh, ý nghĩa đơn giản như sau: “Mọi sự vật, hiện tượng, tức là chư pháp, đều không có thực tướng, hay đều không có tự tính, tức là không”. Nguyên văn tiếng Sanskrit là sarvadharmāśūnyatā-lakaā.

        Chữ lakaā là tướng, śūnyatā là tính không và chữ sarvadharmā là tất cả mọi sự vật hiện tượng. Theo ngữ cảnh Sanskrit, câu văn này nói rất rõ ràng rằng: “Tất cả sự vật hay hiện tượng, bản chất của chúng là tính không, hay tướng trạng được thể hiện và được chúng ta nhận thức là không thực thể”. Nên lưu ý câu văn không mô tả ý nghĩa rằng, tính không của mọi sự vật-hiện tượng, hay tính không thực thể của mọi sự vật-hiện tượng.

    2. Ba lớp cắt của thực tại

        Khi đánh giá mọi sự vật hiện tượng là không thực thể thì việc cắt lớp thực tại được diễn ra bằng ba phán đoán kéo theo sau, đó là: “Bất sanh - bất diệt, bất cấu - bất tịnh và bất tăng - bất giảm”.

        Trong bản Việt dịch của chúng tôi, vế thứ 3 tôi đổi thành vế thứ 2, vế thứ 2 đổi thành vế thứ 3 thì: Bất sanh bất diệt là phạm trù triết học lớn nhất; theo đó bất tăng bất giảm là một phần kéo theo sau. Bất cấu bất tịnh  là một phần ứng dụng để xử lý cảm xúc, làm cho cảm xúc trong những tình huống nhơ uế, tâm vẫn được bình an vô sự.

II. PHÂN TÍCH THỰC TẠI 

    1. Mục đích

        Ta thử đặt câu hỏi cắt lớp thực tại để làm gì? Để trả lời câu hỏi đó, tôi muốn nói rõ về khái niệm cắt lớp. Cắt lớp thực tại không phải là chặt chẻ thực tại theo chiều dọc, chiều ngang giống như chẻ một thanh củi, hay cắt ngang quả táo, hoặc cắt dọc cắt ngang một trái dưa hấu. Cắt lớp là dùng lăng kính trí tuệ để nhìn thẩm thấu được bản chất thật của thực tại là gì?

        Khi cắt lớp thực tại như thế, mục đích của chúng ta là để nhắm đến điều gì? Cắt như thế nào chính là phương pháp và mục đích. Tuệ giác Bát-nhã luôn liên hệ đến hai phương diện này.

        Cắt thế nào là phương pháp nhận thức, để hành giả không bị đánh lừa khi mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm …; Mục đích gì để con người không bị vướng dính vào bất kỳ nhận thức sai lầm nào, khi các nhận thức được thể hiện bằng phán đoán ngôn ngữ hay biểu đạt thân thể.

        Cắt lớp thực tại bằng lăng kính Bát-nhã nhằm mục đích cho chúng ta trở nên an vui hạnh phúc khi sống với, sống trong, sống bên cạnh các thực tại diễn ra trong ta và xung quanh chúng ta. 

    2. Thực tại và ý niệm

        a) Thực tại và ngôn ngữ

            Trước khi đi vào phần phân tích bản chất của thực tại bằng sự cắt lớp, điều mà ta cần phải lưu ý là thói quen dán lên trên thực tại một lớp vỏ bằng hệ thống ngôn ngữ mặc định. Những khái niệm mặc định trong hệ thống ngôn ngữ làm cho ta không chỉ đơn thuần dừng lại ở những mặc định ấy như một chức năng, mà con người bám víu vào và nghĩ rằng, chỉ có chừng đó thôi.

            Như vậy, lớp ngôn ngữ mặc định mà con người phủ lên trên thực tại, nếu đúng thì chức năng sử dụng sẽ tích cực; nếu lớp phủ sai lầm thì chức năng của nó sẽ nguy hại đến nhận thức và đời sống hạnh phúc của mỗi người.

        b) Thực tại và các chuẩn mực xã hội

            Thấy rõ được mặt tích cực và tiêu cực của các khái niệm mặc định trong ngôn ngữ che phủ lên thực tại, ta phải soi rọi lại những ý niệm do chính ta, đứng từ góc độ của mình, đã, đang hay sẽ tạo ra là hết sức quan trọng.

            Ví dụ, ở những nước nghèo, giá trị của những căn nhà ở mặt tiền đường trong lòng thành phố luôn có giá trị cao. Trong khi đó, trong bối cảnh của những nước đang phát triển, các căn nhà sang trọng và có giá trị cao không phải nằm ở mặt tiền đường mà nằm ở trên núi, dọc theo vùng duyên hải, hay bên các dòng sông đẹp. Đó là những ý niệm, khái niệm mặc định về giá trị nhà cửa tại các quốc gia được xem là chân lý về giá trị nhà cửa.

            Tại các nước phát triển, những nhận định vừa nêu dựa vào yên tĩnh, an ninh, an toàn và nhiều phương diện khác. Tại các nước kém phát triển, khái niệm mặc định dựa trên tiêu chí làm ăn được, nhà cũng chính là nơi vừa kinh doanh, văn phòng, vừa cũng là nơi ở.

            Như vậy, các dân tộc tuỳ vào bối cảnh kinh tế, xã hội mà có những hệ thống mặc định khác nhau. Tâm lý học xã hội gọi đó là các hệ thống chuẩn mực xã hội. Các hệ chuẩn mực này sẽ mặc định thực tại trong xã hội ấy; hay nói cách khác, những thực tại của một xã hội được mặc định bởi các hệ thống chuẩn mực xã hội. Ta nhận thấy ngay rằng, hệ chuẩn mực của xã hội người Nhật sẽ khác hoàn toàn với hệ chuẩn mực của xã hội người Ấn Độ. Nếu ta gọi mỗi một hệ chuẩn mực mặc định là một hệ qui chiếu thì từ hệ qui chiếu này nhìn qua hệ qui chiếu khác thì cho là không đúng, hay có vấn đề.

            Cũng thế, thực tại được cho là đúng, khi được nhìn từ góc độ này; và sẽ trở thành sai, khi nhìn từ góc độ khác. Vì thế, thực tại không có mặc định trong tự thân. Mọi mặc định chỉ là do con người đứng từ nhiều góc độ văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo. Trên thực tế, thực tại không phải vậy.

        c) Thực tại và các giá trị xã hội

            Kiến thức về đa văn hóa, đa tôn giáo, đa triết học sẽ giúp ta ứng xử một cách khôn khéo và nếu áp dụng vào trong đời sống kinh tế, xã hội, ta có thể thành công dễ hơn. Nghĩa là khi không lấy văn hóa của mình làm hệ quy chiếu trong việc đánh giá các tôn giáo, các văn hóa, các nền minh triết khác, ta sẽ tránh được những va chạm văn hóa, minh triết, hoặc xung đột nhận thức.

            Sự dị biệt về mọi hệ giá trị do con người mặc định trong xã hội rất cao. Do đó, theo lời khuyên của các bậc tiền nhân Trung Quốc và Việt Nam là “nhập gia tùy tục”, tức là vào nơi nào đó ta phải lấy văn hóa đó làm điểm tựa và như vậy, ta không bị những cú sốc văn hóa do lấy mình làm hệ quy chiếu. Vì bản chất thực tại văn hóa của các nước không phải là một định tính vốn dĩ chúng ta có thói quen ứng xử như thế.

            Sống với quan niệm viên dung về tầm nhìn trong các bối cảnh văn hóa đa dạng sẽ làm cho chúng ta dễ sống hài hòa và không tạo ra bất kỳ một sự xung đột mâu thuẫn nào trong đời sống xã hội giữa các quốc gia và các nền văn hóa, văn minh khác nhau. Tình trạng không thừa nhận thực tại lẫn nhau dễ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, làm khổ chính mình và làm khổ người. Áp dụng kiến thức về bản chất của thực-tại-đang-là, khác với những gì chúng ta áp đặt lên thực tại, hành giả sẽ có cái nhìn rất hoan hỷ, cởi mở và dễ thích ứng.

            Trên nền tảng đó nếu ta có thể áp dụng câu: “Đi một đàng học một sàng khôn”, trong việc sử dụng những kinh nghiệm đúng đắn, ta không tự đưa mình vào trong thế kẹt vướng dính vào hệ quy chiếu đến cái tôi, bao gồm luôn cái tôi văn hóa, trong khi ta đang có mặt trong những thực tại khác.

        d) Những ví dụ

            Thực tại không phải là những gì chúng ta áp đặt lên. Chẳng hạn, một người giàu có, thích nghe chim hót, nên đã mua một con sáo đắt tiền, có thể là 10.000USD. Vì quý trọng và thương yêu con sáo, chủ nhân đã nhốt nó trong cái lồng bằng vàng và có một vài chỗ lộng kim cương, mỗi ngày người đó ngắm nhìn, nghe tiếng sáo hót líu lo, lòng cảm thấy hân hoan và hạnh phúc.

            Người đó luôn nghĩ rằng, con sáo cũng được hạnh phúc như chính mình, vì được chăm sóc bằng tất cả sự trân quý nhất. Đó là mặc định về nhận thức của người chủ trong việc nuôi con sáo trong lồng.

            Nếu ta giải mã được các dòng cảm xúc, nhận thức và thái độ của các loài vật thông qua tiếng kêu, động tác nhảy nhót và những biểu hiện của chúng thì có lẽ những người nuôi sẽ không còn có cảm giác rằng mình đang thương và làm cho chúng được hạnh phúc, bởi vì mọi sinh vật đều cần tự do, cần sống trong môi trường sống của chúng. Như vậy, một thực tại, nhưng ít nhất có 2 góc nhìn rất khác biệt. Từ góc độ chủ nhân, ta nghĩ rằng đây là cách làm con vật được hạnh phúc; từ góc độ bản thân con vật, nó đang cần tự do, đang cần trở về nơi môi trường sống của nó.

            Nếu có một gia nhân, hàng ngày chăm sóc, lau rửa cái lồng, cho con vật ăn. Gia nhân này thấy tiếc rằng, tiền của đổ ra cho con vật là điều ngớ ngẩn, giá mà có số tiền ấy có thể giúp ích những người thân yêu, hay làm những điều cần thiết khác. Vì vậy, ta hiểu được rằng, mỗi người có cảm nhận khác nhau về một thực tại, do góc nhìn, do hệ qui chiếu cá nhân, mà không ai giống ai cả. Mỗi người là một thực tại chủ quan độc nhất vô nhị.

            Như vậy, cũng một thực tại, nhưng ở góc độ khác, có người đặt những khái niệm khác với những hệ giá trị sẵn có và nghĩ rằng khái niệm đó là một hệ quy chuẩn, trong khi những khái niệm sẵn có của người thì chỉ xem là tham khảo hay đôi khi, bác bỏ. Tính chủ quan trong vấn đề nhận thức, đánh giá về thực tại luôn dẫn đến những sự xung đột trong tương quan kinh tế, văn hóa xã hội, chính trị và cả tôn giáo.

            Với những ví dụ, ta thấy việc cắt lớp thực tại nhằm giúp người thực tập thấy rõ rằng, tuệ giác Bát-nhã sẽ giúp ta đánh giá thực tại như chúng-đang-là. Những điều người ta áp đặt lên, hay tô vẽ lên trên thực tại, không phải là bản thân của thực tại. Thấy được như thế, khi tiếp xúc với các tương quan xã hội, những bất đồng không trở thành mối đe dọa. Sử dụng tuệ giác ở phương diện tích cực, ta sẽ thấy rằng những khác biệt sẽ bổ trợ nhau.

            Tính đa dạng và khác biệt qua những đặc thù khác với mình là một sự bổ sung, chứ không phải là loại trừ. Cái nhìn bổ sung dẫn đến sự bao gồm, cảm thông và điềm tĩnh. Cái nhìn loại trừ dẫn đến tình trạng có mình không có người, có người thì không có mình, từ đó trở nên độc tôn, ích kỷ và xấu xa. Vì vậy, giá trị của việc cắt lớp thực tại không chỉ đơn thuần để thấy thực tại như là một bức tranh, mà cốt để ta có những ứng xử khôn khéo trong đời, điều này quan trọng hơn.

III. PHÂN TÍCH BA LỚP CẮT CỦA THỰC TẠI

       Bây giờ ta đi vào 3 phương diện cắt lớp của thực tại được nêu trong Bát-nhã Tâm Kinh.

       1. Không sanh, không diệt

           Tất cả sự vật hiện tượng vốn không có thực thể, nên có thể được định nghĩa rằng chúng không sanh và không diệt. Lớp cắt “không sanh không diệt” của thực tại cho ta tầm nhìn chuẩn xác hơn về thế giới quan và nhân sinh quan.

           Về phương diện tục đế, tức chân lý mặc ước, hay chân lý tương đối, ta thấy rằng hệ quy chiếu của sanh diệt chỉ phản ánh về bề mặt của thực tại, chứ không phải là bản chất của thực tại. Ví dụ, hình dung những gợn sóng nước nhấp nhô trên đại dương theo hình sin ta biết hiện tượng này lệ thuộc rất nhiều vào lực hút của mặt trăng và mặt trời, vào sức gió, hay vào những tác động khác của môi trường như lực quay Coriolis của trái đất. Cũng thế, sóng nước trên sông cũng phụ thuộc vào lưu lượng và các điều kiện khác; sóng nước trong ao, hồ đều như thế.

           Nếu ta khẳng định rằng lớp sóng đó là bản chất của thực tại nước, ta sẽ lầm, vì không phải lúc nào cũng có sóng trên mặt nước. Có những lúc mặt nước rất phẳng, khi các điều kiện tạo ra dao động của nước tạm thời không có mặt. Như vậy, sự sanh và diệt của sóng nước chỉ là hiện tượng vật lý, chứ không phải là bản thể tự thân của nước. Ẩn dưới hiện tượng nổi sóng thì sóng cũng là nước, ngay cả khi sóng đang là sóng thì sóng cũng chính là nước.

           Đứng về mặt chân đế, tức chân lý tuyệt đối, chân lý không dựa vào các đối lập nhị nguyên thì bản chất của thực tại là không tự sanh ra và không tự mất đi, dầu vĩnh viễn hay tương đối. Ta thử áp dụng vào tình huống của nước, nước tự sanh ra nước, đúng không? Câu trả lời không hẳn thế. Như vậy, cái gì sanh ra nước? Bảo rằng tất cả những cái khác với nước tạo ra nước cũng là một điều sai. Nếu ta cho rằng những cái không phải nước tạo ra nước là đúng thì bản thân của mình cũng không có gì cố định.

           Ví dụ, tôi tên Nguyễn Văn A và những người không phải Nguyễn Văn A. Những người không phải Nguyễn Văn A trong một thời gian, với điều kiện nào đó, trở thành Nguyễn Văn A thì sao? Không thể có chuyện đó. Như vậy, những gì đã tạo ra Nguyễn Văn A cũng tương tự như những gì đã tạo ra nước.

           Nói theo triết học Phật giáo, thực tại không tự nó sanh ra. Như vậy, thực tại phải lệ thuộc vào rất nhiều điều kiện. Mỗi một thực tại đều gồm các yếu tố trong tự thân của nó, cộng với những yếu tố bên ngoài, sự tương tác với môi trường xung quanh, những điều kiện thuận và nghịch, những phản ứng diễn ra đồng thời, trước thời, hoặc sau đó và nhiều cái khác nữa. Tất cả yếu tố ấy đã tạo ra thực tại mà ta tạm mặc định đây là nước, vốn khác với các thực tại khác như lửa, gió, các chất rắn ….

           Về phương diện nhận thức luận, khi đặt thực tại trên chân lý tuyệt đối thì ta thấy là thực tại không có nguồn gốc ban đầu; nhưng trên chân lý tương đối thì thực tại có sinh ra. Do đó, sanh và diệt chỉ là những ý niệm mà con người dán nhãn lên thực tại qua hiện tượng trình hiện.

           Tất cả chúng ta đều được sanh ra từ cha mẹ, cha mẹ chúng ta được sanh ra bởi ông bà. Ông bà của chúng ta được sanh ra bởi ông bà cố và cứ như thế ta truy nguyên. Trong một hệ quy chiếu thời gian tương đối thì sự sanh chắc chắn là có, khi phân tích về tính tuyệt đối thì ta không truy nguyên ra được sự bắt đầu. Như vậy, cắt lớp thực tại “bất sanh bất diệt” không phải để phủ định những điều gì mà con người cần phải mang ơn.

           Những kẻ bất hiếu có thể nói rằng theo học thuyết bất sanh bất diệt, cha mẹ không phải là cha mẹ của tôi, tôi chỉ mượn cái nghiệp duyên và gá vào trong phôi thai của ông bà, để tôi làm đứa con trong gia đình này với sự cộng hưởng nghiệp của gia đình và nghiệp của bản than, để tôi tiếp tục sống trong tiến trình của sinh tử như là một thực tại và thực tại đó chịu trách nhiệm lấy nghiệp riêng của mình. Nói như thế là phủ định những ơn nghĩa mà làm người phải thể hiện.

           Cắt lớp thực tại “bất sanh bất diệt”, có nghĩa là mọi thực tại đều không có nguyên nhân đầu tiên, nên không có sự kết thúc cuối cùng, nhằm mục đích giúp cho ta thấy sự tương quan đa chiều. Bất kỳ điều gì góp phần vào, dầu chỉ là một yếu tố nhỏ, sự tạo nên hoặc hình thành một điều gì cho ta hoặc và cho cộng đồng, người có tuệ giác cần phải nhận biết và mang ơn.

           Chiều sâu của sự phân tích Bát-nhã nằm ở chỗ cho ta thấy rõ mồn một thực chất của mọi thực tại. Tuệ giác Bát-nhã không làm hành giả trở nên cống cao, tự cao tự đại, nghĩ rằng mình không nhờ ai hết, tất cả mọi thứ do mình mà ra. Như vậy, sự biết ơn và đền ơn trong lăng kính Bát Nhã sâu sắc nhiều hơn.

       a) Bất sanh: Thực tại không tự nó sinh ra

           Vế thứ nhất của lăng kính là bất sanh, nghĩa là mọi sự vật hiện tượng không tự nó sinh ra, giúp người thực tập điều chỉnh được nhận thức sai lầm về những nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ và sự sống.

           Các tôn giáo nhất thần bao gồm: Do Thái, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Chính thống, Anh giáo, Hồi giáo, Nho giáo… cho rằng nguồn gốc đầu tiên của mọi sự vật hiện tượng trong đó có con người  là Thượng đế.

           Nếu đặt ra câu hỏi với các giáo sĩ của các tôn giáo này: Vậy cái gì là nguyên nhân đầu tiên sanh ra Thượng đế? Tất cả mọi câu trả lời giống nhau bằng các cách diễn đạt khác nhau là “Thượng đế là siêu việt ngôn ngữ, siêu việt giới hạn, vượt lên trên những tương đối của con người nên không thể nào áp dụng các giới hạn tương đối để đánh giá sự tuyệt đối là Thượng đế, Thượng đế là vô sinh, không ai sinh ra Thượng đế hết. Thượng đế trong tự thân là sự hiện hữu và Do đó, không có gì phá hủy được Thượng đế”.

           Triết gia lỗi lạc của lịch sử triết học phương Tây tầm vóc như Kant gián tiếp hay trực tiếp thừa nhận Thượng đế là một hiện hữu có thực, Thượng đế cũng có đặc tính chung, tức Thượng đế không được bất cứ cái gì sinh ra và Thượng đế sinh ra các thứ khác. Lịch sử triết học cũng như lịch sử tôn giáo cứ như thế mà trôi chảy tới tận bây giờ và vẫn diễn ra theo tình trạng bất đồng.

           Về phương diện Phật học, Bát-nhã Tâm Kinh xác định mọi sự vật hiện tượng không tự sinh ra, nên nó cũng không phải do cái khác sinh ra, mà là một quy trình tương tác đa chiều, nên Thượng đế không phải là nguyên nhân của vũ trụ và con người. Do đó, việc mang ơn đáp nghĩa với Thượng đế là không tương thích.

           Từ đó, học thuyết Phật giáo quay trở về với con người và đặt con người vào tương quan xã hội, với bốn ơn lớn là ơn tổ quốc, ơn cha mẹ, ơn thầy cô giáo, ơn tất cả mọi người và chúng sinh. Tầm nhìn đó rất thiết thực, rất nhân bản. Giá trị của tư tưởng đó làm cho con người sống trong cộng đồng, nếu có nhờ ai giúp đỡ, dầu chỉ là gián tiếp trong một khoảng thời gian ngắn ngủi không đáng kể, cũng phải hàm ơn; huống hồ, điều được giúp đỡ là một việc quan trọng hoặc có giá trị hay có ảnh hưởng lớn đến sự thành công, hay hạnh phúc.

           Như vậy, khi ta thực tập bất sanh, mọi sự vật không từ nó sinh ra, ta sẽ có cái nhìn rất rõ về tính tương quan đa chiều, vì vậy, ứng xử của ta trong tình huống này là giải phóng sự nô lệ của tâm thức ta ra khỏi ách thần linh. Nô lệ vào thần linh là mất tự do lớn nhất.

           Con người trong xã hội ngày nay đấu tranh cho tự do như nhân quyền, bình đẳng, mậu dịch, chính trị và nhiều loại tự do khác, nhưng lại không thấy rõ được rằng, việc giải phóng loài người ra khỏi ách nô lệ thần linh là tự do lớn nhất. Với tự do ấy, con người sẽ điều chỉnh được những nhận thức sai lầm từ tôn giáo, từ triết học, để sống có trách nhiệm trọn vẹn với bản thân và đây là tự do đích thực.

           Khi cho rằng mọi sự vật không tự sinh ra, chủ nghĩa duy vật quy kết nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ là vật chất. Chủ nghĩa duy tâm cho rằng nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ là tâm. Cả hai đều không còn chỗ đứng, nếu không nói là sai.

           Rất nhiều nhà tư tưởng quy kết đạo Phật là thuyết duy tâm và thỉnh thoảng trong Phật giáo cũng có các nhà Phật học cho rằng đạo Phật là duy tâm bởi vì thấy đức Phật phân tích quá nhiều về tâm ở trong kinh. Phân tích về tâm để chuyển hóa tâm khác hoàn toàn cho rằng tâm là nguồn gốc của mọi sự vật hiện tượng, bao gồm thế giới vật chất.

           Câu dẫn đến sự tranh luận nhiều nhất đó là bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm, mà mỗi buổi chiều các vị tu sĩ Bắc tông trong các ngôi chùa Bắc tông thường tụng trong các khóa lễ cúng cô hồn: “Ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo”. Nghĩa đen là: “Cần phải quán sát về bản chất của mọi sự vật hiện tượng hay thế giới vũ trụ, tất cả đều do tâm tạo”. Từ đó, nhiều người đã quy kết đạo Phật là duy tâm.

           Câu này cần phải được hiểu theo 2 nghĩa. Nghĩa một, tâm là nguồn gốc đầu tiên của vật chất và từ đó, có ra thế giới thiên hình vạn trạng như ta thấy. Như vậy, tâm là nguyên nhân khởi thủy. Nếu hiểu theo nghĩa đen này thì rõ ràng đạo Phật là chủ nghĩa duy tâm, đối lập với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Mac lê nin cho rằng vật chất là nguyên nhân khởi thủy, từ vật chất có ra tâm thức và tâm thức là một phần của bộ não mà bộ não là vật chất. Cho rằng thế giới hiện thực bắt đầu từ vật chất hay bắt đầu từ tâm đều là sai lầm, cực đoan, không phải là chánh tri kiến.

           Nghĩa thứ 2 cần phải hiểu trong ngữ cảnh này là gì? Bản chất của mọi hiện tượng tâm lý đều bắt nguồn từ tâm, vì một trong 15 nghĩa của chữ Pháp là hiện tượng tâm lý. Vấn đề ở chỗ là ta dịch chữ pháptrong ngữ cảnh này có nghĩa gì mới quan trọng.

           Cứ thấy chữ “pháp” là dịch “sự vật hiện tượng”, thì câu “nhất thiết pháp duy tâm tạo” có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng do tâm tạo ra, làm sao mà không rơi vào chủ nghĩa duy tâm được.

           Nếu “pháp” được hiểu là hiện tượng tâm lý, tức tâm sở do tâm dẫn đầu thì rõ nghĩa hơn. Thậm chí các hành động của lời nói và việc làm cũng là một pháp cũng do tâm dẫn đầu, có gì là sai? Ở đây nói đến mối liên hệ hai chiều giữa ý thức và hành vi. Ý thức khi phát khởi theo chiều hướng nào đó, hành vi sẽ kéo theo sau với sự tương thích.

           Có lúc ta không thực hiện được hành vi bởi những rào cản luật pháp, bởi những ngăn chặn, bởi những lý do tế nhị, bởi những nghi thức hay chuẩn mực ứng xử, hoặc bởi sự kiềm chế bản thân. Điều này không có nghĩa là hành vi không được đạo diễn bởi tâm ý thức.

           Vì thế, trong nghĩa thứ 2, tất cả các hiện tượng tâm lý và những hành động con người đều do tâm tạo tác giống như chiếc xe lăn theo con vật kéo, như bóng đuổi theo hình, âm vang đồng hành với cái tiếng. Rõ ràng đây là nguồn lực ta cần thấy rõ để xử lý những bế tắc phát sinh từ nguồn gốc, chứ không ở ngọn ngành.

           Phương diện thứ 2 là phương diện ứng dụng trong khoa học và các lĩnh vực  nghệ thuật. Mọi ý tưởng, công việc đều do tâm tạo ra, rõ ràng thế. Ý tưởng luôn luôn đi trước. Ví dụ, nhìn thấy con chim lượn trên bầu trời các nhà khoa học đã chế tạo ra máy bay. Như vậy, hình ảnh máy bay mà ta thấy là phát xuất từ ý niệm về sự bay và thăng bằng ở trên bầu trời.

           Ý niệm luôn luôn đi trước và sự vật nhờ đó được phát minh. Dựa vào góc độ đó ta thấy việc đánh giá tầm quan trọng của ý thức sẽ giúp ta phát minh ra những sự vật mới, nếu những ý tưởng đó mang quy luật phù hợp với tương quan nhân quả.

       b) Bất diệt: Thực tại không mất đi vĩnh viễn

           Đối với vế thứ 2 của lớp thứ nhất, mọi sự vật hiện tượng không mất đi vĩnh viễn, tức “nhất thiết chư pháp bất diệt” thì không có lý do gì ta phải bị khổ đau cùng cực với sự ra đi của người thân hoặc sự mất đi của một sở hữu nào đó mà ta đã phải dành dụm đến mấy mươi năm mới có được.

           Ta không thể mặc cả được với cái sống và cái chết. Ta chỉ có thể cố gắng làm cho điều đó diễn ra theo cách thức tương đối mà mình đã có sự chuẩn bị. Hầu như cuộc sống chọn lấy ta và cái chết cũng chọn lấy ta, chứ ta không chọn lấy chúng, ngoài những người tự tử, tức là mất sự kiểm soát của tâm, không còn nhận thức đúng sai, nên tự kết liễu bản thân và cho rằng kết thúc như thế là chấm dứt mọi khổ đau, đó là sự sai lầm về nhận thức.

           Nhìn sự thăng trầm, biến đổi trong diễn trình sanh già bệnh chết, thành trụ hoại không, … chỉ là những trình hiện của một bản thể vô tự tánh, chứ không phải là sự mất đi vĩnh viễn thì sự vắng bóng tạm thời của những điều đó không tạo ra các đợt khổ đau hay tiếc nuối lâu dài. Tuệ giác Bát-nhã trong tình huống này cần phải được nhận thức như thế.

           Người Việt Nam thường dùng chữ mất. Ví dụ, khi người ông người bà vì tuổi già hoặc do bệnh tật hoặc bị tai nạn qua đời thì ta dùng là mất. Nghĩ là mất, bằng hữu thức hay vô thức nghĩ rằng người đó không còn nữa với mình và do vậy đây là dấu chấm cuối cùng, nên nỗi khổ niềm đau nhân lên nhiều hơn.

           Hãy nghĩ rằng mọi sự vật không tự nó sinh ra, nên không mất đi vĩnh viễn, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Mọi sự vật luôn luôn đang trong quá trình trở thành, chứ không đứng ở một chỗ, trở thành một cái gì đó có liên hệ với chính nó hoặc khác với chính nó.

           Do đó, dùng từ “qua đời” tức là kết thúc đời này như một chương, như một trang sách để bắt đầu một chương mới, một trang sách mới, trong một kiếp sống mới, với một con người mới hay một loại hình chúng sanh mới tương thích với những nghiệp như một kết quả tổng thể mà chúng sanh đó đã tạo.

           Trước cái chết của người thân, ta không cảm thấy đau khổ thì tình thương lúc đó sẽ được chuyển thành hành động có lợi cho mình và cho người. Nói theo kinh Địa Tạng là làm thế nào “kẻ còn lẫn người mất đều được lợi lạc” chứ không khéo cái chết của người này kéo theo nỗi khổ niềm đau và cái chết của người khác.

           Thiên nga chết có đôi có cặp vì nghĩ rằng bạn đời của nó qua đời thì nó không còn ý nghĩa gì để sống nữa, nên chết theo. Nhiều đôi vợ chồng già có mấy mươi năm hạnh phúc cũng nghĩ như thế, mất người bạn đời là mất hết tất cả, nên thà chết còn hơn. Có những ngẫu nhiên, khoảng vài ngày hay 100 ngày hoặc 1 năm sau khi người thân qua đời, người còn lại chết theo. Nếu mê tín ta cho rằng trùng tang, hay sát chủ.

           Thật ra, tình thương lưu luyến nhiều quá và sự tổn thất như một “sốc” nặng – gọi là chấn thương tâm lý - làm cho người còn lại dần dà suy kiệt các chức năng sinh-vật-lý, cộng với tuổi già làm người đó bị chết đi. Trong trường hợp những đôi vợ chồng trẻ, 1 người đi trước, người còn lại dù có thương người kia đến đâu cũng hiếm khi chết theo.

           Kiến thức về mọi sự vật không mất đi vĩnh viễn sẽ giúp ta giải phóng được tâm lý bám víu vào cuôc đời, bám víu vào những điều mê đắm và bám víu vào sự sống.

    2. Không tăng, không giảm

        Cắt lớp thứ 2 bằng lăng kính tuệ giác, là mọi sự vật hiện tượng không tăng thêm và không giảm đi, chúng được bảo hòa. Điều này hơi khó hiểu trên mặt hiện tượng, nhưng rất dễ nhận ra ở mặt bản thể.

        Trên mặt hiện tượng, nếu buổi sáng sớm, ăn một tô hủ tiếu thật no, sau đó đi làm việc đến trưa, cảm thấy bao tử bắt đầu hơi trống rồi. Ta có cảm giác rằng thực phẩm đã được tiêu hóa. Thực ra, khi ta ăn, thực phẩm tăng trong bao tử, tổn giảm ở tô hủ tiếu. Khi ta tiêu hóa, thực phẩm tổn giảm trong bao tử, nhưng năng lượng trong ta tăng lên, giúp ta hoạt động.

        Ngày cuối tháng bước ra những siêu thị, trở về lại nhà, ta thấy tiền giảm đi nhiều, thậm chí hết luôn do mua sắm. Ta giảm tiền, nhưng tăng đồ đạc mua được. Siêu thị tăng tiền, nhưng giảm hàng hóa do ta mua.

        Ý niệm về sự giảm tiền trên sẽ đưa đến hệ quả là phải nghĩ đến việc tiện tặn, quản trị tài chính như thế nào để phòng xa như bệnh tật, lễ tiết, giao thiệp, hiếu thảo, nuôi nấng con cái, giúp đỡ anh chị em, người thân,… dẫn đến sự tính toán cân đối ngân sách gia đình. Nếu không có sự tăng – giảm các khoản chi tiêu trên cơ sở những ưu tiên và hiểu biết cảm thông thì tình cảm vợ chồng có thể rạn nứt vì những điều không có giá trị gì cho ai. Như thế, tuy tăng khoản chi này, giảm khoản chi kia, trên tổng thể, vẫn bão hòa với số tiền lương hàng tháng.

        Trong thí nghiệm nổi tiếng của Lavoisier về nguyên lý bảo toàn năng lượng và vật chất, ông đã chứng minh một cách khoa học rằng, vật chất chẳng tăng hay giảm đi đâu, mà chúng chỉ trao đổi nhau năng lượng để trở thành vật chất hoặc/và năng lượng khác. Từ đó, năng lượng và vật chất cũng chẳng mất đi đâu.

        Về mặt khoa học vũ trụ, những ngôi sao đen, sao lùn trắng, lùn vàng, thậm chí lỗ đen vũ trụ là những khối siêu vật chất, cực kỳ lớn, bị nén lại do lực hấp dẫn, nên thể tích trở thành như thế, với một lực hút vô cùng lớn. Trước, chúng là khối vật chất khổng lồ; nay, chúng nhỏ lại đậm đặc với năng lượng khổng lồ.

        Mặt trời của thái dương hệ ta cũng thế. Khoa học dự đoán khoảng 4 – 5 tỷ năm nữa, mặt trời sẽ phình lớn ra đến nỗi nuốt chửng cả trái đất và vài tỷ năm sau, nó nguội dần và định hình thành một sao lùn vàng nhỏ hơn mặt trời hiện nay, nhưng trọng lượng thì nặng hơn nhiều lần. Như vậy, cái tăng và cái giảm của vật lý thiên thể cũng cho ta thấy mối tương quan tăng giảm giữa vật chất và năng lượng, đồng thời vẫn bảo toàn được tổng số.

        Trong sinh học, chu trình vật chất và năng lượng như chu trình nước, chu trình Charbon, chu trình Hydro, chu trình Oxy, chu trình Nitrogen và chu trình của những vật chất vi lượng khác đã tạo thành chu trình sinh thái quyển.

        Về mặt hiện tượng, sinh khối tăng trưởng rất nhanh và cao (dân số tăng, cây trồng và vật nuôi tăng, …); nhưng về bản chất của vật chất và năng lượng, đó cũng chỉ là những chu trình tụ tán của năng lượng và vật chất. Chẳng có gì tăng lên và cũng chẳng có gì giảm đi cả trong tổng trọng khối của hành tinh này. Như vậy, cảm giác hay nhận thức về hiện tượng giảm đi hay tăng lên đối với bất kỳ hiện tượng nào, luôn luôn có mặt, nghĩa là hiện tượng tăng và giảm được cảm nhận rất rõ như các ví dụ vừa kể.

        Cảm nhận hay nhận thức về hiện tượng tăng và giảm trong thế giới hiện thực làm con người khổ tâm nhiều. Ví dụ, như, phái nữ mà tăng thêm 3 ký là bỏ ăn bỏ ngủ rồi, phải ráng nhịn ăn, để không tăng ký nữa, giữ vóc dáng, nhưng vì thế ăn không đủ dinh dưỡng thì mang lại sự nguy hiểm sức khỏe. Cuối năm 2008, có tin siêu người mẫu nổi tiếng thế giới vì kiêng ăn đến độ cơ thể suy kiệt nên đã chết.

        Micheal Jakson khi chết người ta giám định pháp y, mổ xẻ trong bao tử người ta không thấy cái gì hết ngoài những chất thuốc được uống vào cách đó mấy ngày. Những thuốc này chống chỉ định của bác sĩ dẫn đến sự cạn kiệt của sức khỏe và cái chết diễn ra như một hệ quả theo sau.

        Trên mặt hiện tượng, nếu tăng cân không phải do bệnh lý thì sự tăng cân là sự giảm thực phẩm ngoại thân khi ăn vào, hoặc giảm tiêu thụ năng lượng của cơ thể, để tăng tích luỹ năng lượng vật chất qua sự tạo mỡ mà thôi.

        Như một nhà đầu tư trong thương trường, do thắng lợi lớn nên tiền vốn được tăng lên gấp nhiều lần, đó là một khoản lời lớn, điều này làm nhà đầu tư có cảm giác hạnh phúc ăn mừng và nhiều người đắm vào sự hưởng thụ vì thấy rất rõ là mình được gia tăng của cải từ vốn đầu tư.

        Khi bị thua lỗ, từ một doanh nhân rất thành công, nay trở thành trắng tay, người đó mặc cảm với bản thân và có khuynh hướng không muốn tiếp xúc với bất cứ những người nào trước đây mình đã từng tiếp xúc, vì bây giờ mình không còn là gì so với họ.

        Thực ra, tiền-của chỉ chạy từ túi người này qua túi người khác. Vấn đề là nhân duyên có đủ để nó tích luỹ lại hay tiêu tán đi mà thôi.

        Tăng và giảm chỉ là 2 mặt của thực tại trong một không-thời-gian nhất định. Trong một không-thời-gian đối lập, hiện tượng tăng và giảm đã diễn ra ngược lại như các ví dụ vừa nêu, giống như hiện tượng phù sa bồi hoặc hiện tượng bồi và lở trên một dòng sông. Tất cả chỉ là những ý niệm, khái niệm mà con người dán nhãn lên thực tại trình hiện mà thôi.

        Đó là cái nhìn “tương tức” của trí tuệ “Bất Tăng Bất Giảm” về thực tại. Cho nên, nếu không tiếp cận với bản chất của các hiện tượng vật chất, để thấy được bản chất của thực tại là không tăng không giảm thì mỗi một hiện tượng tăng trên bề mặt của thực tại, sẽ làm chúng ta có thể mừng, có thể lo. Và ngược lại, mỗi một hiện tượng giảm trên bề mặt của thực tại, có thể làm chúng ta khổ đau hay hạnh phúc. Những điều tăng hay giảm đó không phải là những thứ chúng ta cần.

        Về mặt tâm lý, việc quán chiếu về mọi sự vật hiện tượng không tăng không giảm giúp ta có cái nhìn quân bình dòng cảm xúc. Áp dụng cái nhìn này trong các mối tương quan xã hội sẽ mang lại những giá trị tinh thần thâm thúy và rất tích cực.

        Dòng cảm giác khổ đau làm con người trở nên teo hẹp (co rút bản ngã – cái giảm) và nguy hại hơn sự khổ đau ấy có thể trở thành âm tính là trạng thái mặc cảm tự ti. Trong khi niềm tự hào, hãnh diện khi nghĩ mình được tăng trưởng một điều gì đó, làm người đó giản nở cái tôi (bành trướng bản ngã – cái tăng) và sự tự hào này có thể trở thành dương tính, đó là tính ngạo mạn.  Thực ra, cái “ngã” chẳng tăng hay giảm gì cả!

        Giản nở là dương tính của cái tôi, còn teo hẹp là âm tính của cái tôi. Âm và dương của cái tôi đều là 2 thái cực nên tránh. Trong khi, vô ngã là quay trở về hiện thực ở ngay bản chất của thực tại đang là, để thấy rõ thực tại ấy, mà không bị vướng dính vào thực tại ấy, trong lúc thực tại ấy đang tăng hay đang giảm. Vì ta biết rất rõ tăng và giảm chỉ là những biểu hiện trên bề mặt của thực tại chứ không phải là bản chất của nó.

        Cái gì thuộc về bản chất, cái đó không thay đổi, phải có một định tính lâu dài, trong khi trên thực tế, mọi thực tại đều biến thiên theo quy luật riêng của nó. Đôi lúc ta muốn thực tại diễn tiến theo chủ quan của ta, nhưng điều đó không xảy ra, nếu không hội đủ các nguyên nhân và điều kiện tính. Vì thế, bản chất của hiện tượng tăng hay giảm là do duyên sinh, chúng trình-hiện trong chuỗi “sinh, trụ, hoại, diệt” theo lẽ duyên sinh.

        Thấy rõ được sự tuần hoàn như vậy, dòng cảm xúc tích cực sẽ bắt đầu xuất hiện, lúc đó ta có đủ khôn ngoan để xử lý những tình huống diễn ra ngoài ý muốn của chúng ta. Ví dụ, do một tai nạn hoặc bị trộm cướp, mà ta bị mất mát, bị thiệt hại một khối tài sản cực lớn, ta nghĩ rằng, không thể nào tái tạo được nữa. Nhiều người tiếc nuối, khổ đau ghê gớm. Hệ quả là ta tự hành hạ chính ta bằng nỗi khổ niềm đau dày vò ngày đêm, không quên được. Nỗi khổ niềm đau đó sẽ tăng lên gấp hai lần, ba lần, hoặc nhiều hơn nữa, tùy theo mức độ quan trọng hóa mà ta dán cho tài sản đó và ta lại tiếp tục gieo rắc nỗi khổ niềm đau ấy cho những người thương yêu ta nữa.

        Bát-nhã Tâm Kinh dạy ta cách thức quán chiếu trong trường hợp khổ đau này rằng, nhân duyên đã ly tán thì tài sản tất chuyển di – nếu do tai nạn; hoặc tài sản ấy thực ra không hề mất vì đã có một người nào đó đang sử dụng nó – nếu do trường hợp bị trộm cướp – và kẻ cướp ấy sẽ nhận lại cái quả mà họ đã gieo theo luật nhân quả nghiệp báo – hãy tội nghiệp cho những kẻ vô mình ấy về những ác quả mà họ sẽ thọ nhận. 

        Hoặc, thay vì cho rằng mình bị mất, ta nghĩ rằng ta đang bố thí cho người đang có nhu cầu cực kỳ khẩn thiết mà họ không thể không làm việc ác này để cứu sinh mệnh của họ hay người thân. Hãy rải tâm từ bi mà cầu nguyện cho họ được tai qua nạn khỏi, bằng sự bố thí của mình.

        Hãy thực tập như thế, ta sẽ thấy tâm mình cao thượng hơn, thoải mái hơn và thấy rằng ta đã có những hành động có giá trị hơn. Và như thế, khổ đau sẽ không có mặt, sẽ không sinh khởi, đã chuyển hóa từ tâm tham tiếc và sân hận thành tâm từ bi bắt đầu có mặt. Đó là tính bất tăng bất giảm. Cái nhìn đó hoàn toàn hiện thực, rất bao dung và như vậy, ta giải phóng được khổ đau.

        Ta có thể nhận thấy tính “bất tăng bất giảm” thể hiện qua những hoạt động từ thiện của những tổ chức từ thiện, những chương trình từ thiện hay những cuộc đấu giá từ thiện. Những người nhiều tiền chia sẻ bớt cho người bất hạnh, cho dù hành động từ thiện ấy có phần kết thúc bằng cái tôi rộng lượng, cái tôi giúp đỡ. Tuy nhiên, điều ấy vẫn có ý nghĩa và giá trị cho các mảnh đời bất hạnh. Học trí tuệ Bát-nhã về bất tăng bất giảm để ứng dụng vô ngại hơn.

        Không sanh diệt, không tự nó sanh ra, không tự nó mất đi, mọi hiện tượng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác thì tự thân hiện tượng ấy đã không tăng không giảm rồi, bởi vì, có sanh là tăng, có diệt là giảm. Trên hiện tượng giới, thực tại xuất hiện như có sanh và có diệt, có tăng, có giảm; nhưng đứng trên phương diện tuyệt đối tính thì bản chất của thực tại là sự trôi chảy trở thành. Với tầm nhìn hay nhận thức như thế, mọi sự tăng giảm biến động của thực tại lúc đó, chỉ có tính cách mặc ước, giả định, tạm thời, mang tính điều kiện. Vì thế, ta không nên để dòng cảm xúc khổ đau hạnh phúc trở thành một cơn sóng thần, một trận bão lốc, cuốn xoáy ta trầm luân, chìm nổi theo chúng như một tên nô lệ cần mẫn, mà ta phải dành lại quyền làm chủ lấy bản thân mình.

        Hành vi ứng xử và đáp ứng với mọi thực tại như thế là trạng thái minh triết của tinh thần, nhưng việc thực tập này rất khó. Tuy nhiên, nếu ta kiên trì quán tưởng, trước sau gì ta cũng đạt được, dầu chỉ là đôi phần, bán phần hay đại đa phần hay trọn phần càng tốt nữa. Đừng nghĩ rằng khó mà không chịu làm thì ta sẽ vĩnh viễn không làm được.

    3. Không dơ, không sạch

        Phương diện thứ 3 cần phải cắt lớp thực tại là “bất cấu bất tịnh”. Nghĩa là không dơ, không sạch; cũng đồng nghĩa với không cấu uế cấu nhiễm, không thanh tịnh. Trên hiện tượng giới, sạch và dơ chỉ là trình hiện tạm thời chứ không phải là bản chất vĩnh hằng của thực tại.

        Kim loại trong không khí thông thường đều bị ôxy hóa. Tình trạng ôxy hóa sẽ tạo ra sự rỉ sét, làm giảm đi tuổi thọ của kim loại, vốn dĩ có thể tồn tại lâu hơn. Khi ta trông thấy như thế, ta cho rỉ sét là dơ, trong khi về mặt bản chất, kim loại chuyển biến tính chất từ nguyên chất thành một chất oxid kim loại.

        Trong không gian này, bất cứ chỗ nào, không khí cũng có những hạt bụi và thời gian qua, mọi vật đều phủ mờ một lớp bụi gọi là dơ, khi ta phủi sạch lớp bụi đi, gọi là sạch. Áo quần để lâu trong tủ đóng kín, những loại mốc phát sinh trên nền vải do ẩm độ của không khí, sẽ làm áo quần bị nhiễm dơ, mặc vào có thể bị dị ứng da hay dị ứng mũi có hại cho sức khỏe.

        Tháng 11 năm 2008 vừa qua, chúng tôi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần thứ 5 tại Nhật Bản. Khi máy bay đáp xuống phi trường KoBe, từ cổng phi trường dẫn về trung tâm Hội nghị Thượng đỉnh Phật Đản thế giới, giữa đoạn đường đi, trên một lô đất hàng trăm mẫu với một khối núi như các hoa sen tựa vào nhau, mỗi dãy núi như những cánh sen, toàn thể các đại biểu của Phật giáo nhìn thấy một tòa nhà rất đẹp, như một cung điện được trang sức bằng những màu sắc lộng lẫy khác nhau.

        Chúng tôi có cảm giác rằng sẽ được dẫn đến đó để tham quan, vì từ bên ngoài nhìn vào, ai cũng có cảm giác rằng, có lẽ đây là viện bảo tàng hay cung điện cho trẻ em chơi. Màu sắc, hình thù rồi cách trang trí của nơi này cho chúng tôi có cảm giác như thế, theo hệ quy chiếu thông thường của chúng ta về phương diện văn hóa nghệ thuật.

        Khi đi ngang nơi đó, chiếc xe đi luôn không dừng lại, ai cũng hỏi sao không dừng lại ở đây để tham quan cảnh đẹp. Hướng dẫn viên trên các đoàn xe đó nói rằng đó là nơi xử lý rác thải của thành phố Kobe. Công nghệ xử lý rác ở đất nước Nhật rất tinh vi chứ không bỏ bừa bãi như ở những nước nghèo. Rác bỏ bừa bãi là bị phạt.

        Người ta thu gom rác, rồi đưa vào nhà máy để xử lý thành những khối bêtông thật to. Có nơi, xử lý rác thành gas, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Nhiều năm về trước tại các tiệm hớt tóc, tóc vụn được xem như rác. Bây giờ tóc vụn được bán, không có gì vô dụng nữa. Trong các xưởng gỗ ngày nay, mạt cưa hoặc và gỗ vụn được nén lại thành những loại gỗ ép, không có gì bỏ hết cũng chẳng còn dơ và sạch.

        Vùng sông nước ở miền Nam Bộ Việt Nam trước đây, người nghèo dùng đọt non và bông lục bình để ăn. Bây giờ người ta sử dụng công nghệ trồng lục bình, cao khoảng chừng 5-6 tấc rồi cắt ra. Phần được cắt này phơi khô và chế biến thành các loại nệm, đệm, thậm chí giả những loại mây tre lá.

        Như vậy, rác trở thành hoa, vật vô dụng trở thành hữu dụng, chỉ cần ta có kiến thức sự vật “không tăng không giảm”, biết sử dụng thì nó tăng, không biết sử dụng thì nó giảm, định luật bảo toàn của nó chuyển từ dạng này sang dạng khác. Biết sử dụng như thế giúp ta có được nhiều tính năng và phụng sự cho con người một cách hợp pháp thì hạnh phúc được nâng cao.

        Thấy người Campuchia ăn mắm bò hóc, ta chê dơ, hôi; còn người Campuchia chê ta ăn mắm tôm thối! Người Pháp mê phô mai Camemberg; người khác chê thủm! Người Tàu ăn đậu hủ lên men khô có mùi thối, còn người Việt ăn chao không thối!

        Trước khi xà phòng được chế tạo, mỗi khi rửa tay, người ta chỉ biết lấy nước tẩy rửa, thậm chí người ta có thể tạo ra một vật nhám nhám, dùng lòng bàn tay mình cọ sát mài rửa chung với nước. Sau đó dùng những loại thực vật phơi khô xoa lên thì mùi thơm rất ấn tượng. Người Nhật Bản cho đến bây giờ dầu công nghệ cao, vẫn còn sử dụng phương pháp truyền thống này. Đó là những loại lá khô đặc biệt, có những mùi giống như quế của Việt Nam, có khả năng khử trùng và tạo ra mùi thơm, người ta nghiền nát ra, cho vào những lọ nhỏ và bán những lọ nhỏ như thế khoảng 30-40USD.

        Phương Tây làm ra những chai thuốc tẩy nhỏ, không cần phải có nước để rửa lại, bán khoảng 1-2USD thôi. Vậy cái dơ không bao giờ vĩnh hằng, cái dơ sẽ được tẩy sạch tức khắc bằng cách chỉ sử dụng những lọ nhỏ trên hoặc nhiều hóa chất tẩy rửa khác. Cái sạch cũng thế, không bao giờ vĩnh hằng, sạch có thể chuyển biến thành dơ khi bụi bám, ảnh hưởng oxy hóa, sự rỉ sét …, nên ta không nên cố tình bám chấp.

        Trong hệ sinh thái của hành tinh xanh này, các vi khuẩn nấm, mốc đã, đang và sẽ hoạt động không ngừng nghỉ, ngày cũng như đêm, có không khí hay không cần không khí, chúng hoạt động cực kỳ tích cực trong những môi trường tương thích của chúng. Những khuẩn lên men thối ấy phân hủy tất cả những vật chất hữu cơ.

        Thử hỏi, nếu một ngày nào đó, không còn vi khuẩn thối phân huỷ xác chết thì trái đất này sẽ ngập tràn xác chết không tiêu hoại được! Thiên nhiên đã có con đường riêng để làm sạch môi trường và bảo vệ dòng sông sự sống như thế.

        Như vậy, dơ và sạch trên thế giới hiện tượng là những khái niệm, ý niệm mà ta dán nhãn lên những hiện tượng diễn ra trên bề mặt thực tại, nhưng trong bản chất về sự vĩnh hằng, thực tại vốn không phải như thế.

        Áp dụng nhận thức này trên thế giới tinh thần, ta dễ dàng xử lý cảm xúc trong những tình huống mà ta có quá ít sự lựa chọn và vì thế, ta phải làm sao để vượt qua một cách dễ dàng, mà ta vẫn không cảm thấy mình bị mất đi hạnh phúc. Ví dụ, trong tình huống mà sự hiện hữu chỉ toàn những điều dơ bẩn.

        Trong chuyến hành hương sang Ấn Độ, một nơi mà môi trường rất ô nhiễm, rác rưởi có mặt khắp mọi chốn, nhất là ga xe lửa, các tàu xe lửa không hề có bể chứa, chất thải thả ngay xuống ngay đường ray. Khi đến đó, mùi xú uế nồng nặc vô cùng. Hoàn cảnh này, chúng ta không có sự chọn lựa nào khác hơn là quán chiếu thực tướng Bát-nhã, ta chỉ cần quán tất cả mọi vật “bất cấu bất tịnh”, cái mũi của mình dần dần sẽ làm quen. Nếu lúc đó, lấy khăn tay bịt mũi thì cái xú uế vẫn nằm trong sự tưởng tượng. Ta cũng quán “bất cấu bất tịnh” nhằm mục đích thấy rõ được giá trị tâm linh là quan trọng nhất trong chuyến hành hương, chứ không phải là sự hưởng thụ ăn uống, cảnh quan, như chuyến du lịch hưởng thụ, cung phụng cho 5 uẩn, lúc đó giá trị bình thường sẽ trở thành siêu thường.

        Chúng ta phải tuân thủ qui luật sinh học của thế giới hiện tượng. Ta phải có ý thức vệ sinh để được an toàn cho thân thể 5 uẩn này và cho môi trường, nơi chúng sinh đang sinh sống.

        Từ cái nhìn qua lăng kính Bát-nhã, không có vật gì vô dụng, cái dơ cũng có thể trở thành cái hữu dụng. Về mặt tinh thần, đối với sạch và dơ của đạo đức cũng tương tự. Phạm trù dơ và sạch trong phạm vi đạo đức cũng là những ý niệm hay khái niệm dán lên thực tại, từ góc độ của mỗi hệ qui chiếu mà thôi. Tuy nhiên, ta vẫn phải tuân thủ hệ thống chuẩn mực xã hội về đạo đức này, để không làm phiền cho cộng đồng và phiền não cho bản thân. Do đó, thấy được cái “không dơ không sạch”, ta xử lý và biến những điều vô giá trị trở thành có giá trị, biến những tình huống có tác dụng tiêu cực trở thành tác dụng tích cực.

        Đức Phật nói trong kinh Bốn Mươi Hai Chương, cho đến lúc nào trở thành thánh A-la-hán trở lên, mới có thể tự tin rằng mình là bất thối chuyển và không còn dơ về đạo đức nữa, không còn thối chuyển về đạo đức nữa, chỉ còn có sạch ngày càng nhiều hơn, thanh tịnh hơn và trong sáng hơn. Đây là ý nghĩa chính của “bất cấu bất tịnh” đối với thánh nhân.

IV. KẾT LUẬN

      Nói tóm lại, “mọi sự vật, hiện tượng, tức chư pháp, đều không có thực tướng, hay là đều không có tự tính, tức là không”, nên không có khởi đầu, không có kết thúc vĩnh viễn; không tăng thêm cũng không tổn giảm; không có sự cấu uế cũng không có sự thanh tịnh. Đó là cái nhìn viên dung vô ngại của hành giả tu tập tuệ giác Bát-nhã, nghĩa là không nhìn các pháp có sanh, có diệt, có tăng, có giảm, có cấu uế, có thanh tịnh theo hệ qui chiếu nhị nguyên; mà nhìn các pháp trong thực tướng của nó. Trong Bát-nhã, quán “không” tức chẳng quán “giả tướng”, nghĩa là chẳng quán các pháp theo nhị nguyên đối đãi, ấy là quán “thực tướng”.

      Cắt lớp thực tại như vậy để ta ứng xử khôn ngoan và làm chủ được bản thân và nhờ đó vẫy tay chào những nỗi khổ niềm đau vốn dĩ chỉ tồn tại trên bề mặt của hiện thực chứ không phải bản chất của thực tại. Đó là giá trị lớn nhất chúng ta học được của bản kinh này. Xin trích một đoạn ngắn trong bộ kinh Đại Bát-nhã, Hán dịch do Pháp sư Trần Huyền Trang, Việt dịch do HT. Thích Thiện Siêu:

      Lại nữa, bạch Thế Tôn! Vì tất cả pháp vô sanh, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô sanh. Tất cả pháp vô diệt, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô diệt.

      Tất cả pháp vô tự tánh, nên phải biết  Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô tự tánh. Tất cả pháp vô sở hữu, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô sở hữu.

      Tất cả pháp không, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng không. Tất cả pháp vô tướng, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô tướng.

      Tất cả pháp vô nguyện, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô nguyện. Tất cả pháp xa lìa, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật đa cũng xa lìa.

      Tất cả pháp vắng lặng, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vắng lặng. Tất cả pháp bất khả đắc, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng bất khả đắc.

      Tất cả pháp bất khả tư nghì, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật đa cũng bất khả tư nghì. Tất cả pháp vô giác tri, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật đa cũng vô giác tri.

      Tất cả pháp chẳng trọn nên thế lực, nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật đa cũng chẳng trọn nên thế lực. Bạch Thế Tôn! Tôi vin ý đây nên nói Bồ-tát Ma ha tát Bát-nhã Ba-la-mật đa, tên Ðại Ba-la-mật đa.

      Chương 3 và 4 đã cắt lớp cái “tôi” và “thực tại”. Hai “pháp” này được Bồ-tát Long Thọ giải thích trong bộ Đại Trí Độ

      “Hai pháp thu nhiếp tất cả pháp là chúng sinh (tức cái tôi) và pháp (tức thực tại). Hai pháp do nhân duyên hòa hợp sinh, nên chỉ có giả danh, vô tự tánh. Nếu pháp vô tự tánh, tức pháp vô sinh. Vì hai pháp này vô sinh, nên biết, hết thảy pháp không.”

      Chương kế tiếp, chúng ta sẽ tiếp tục cắt lớp tất cả các thực tại khác, bao gồm 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan, 18 nhóm thực tại, 12 nhân duyên và tứ diệu đế: 

      “Cho nên, trong tánh “không,” không có sắc, thọ, tưởng cũng không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có mười tám giới, từ mắt đến ý thức; không hề có vô minh, không có hết vô minh, cho đến không già chết”.

 

***

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập