Chương 3: Cắt lớp cái tôi

Đã đọc: 1876           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Chương 3: Cắt lớp cái tôi

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 27-12-2009.
Phiên tả: Mỹ Tuyết


 

I. CÁI “TÔI” VÀ SỰ VẬT (Ngã và Pháp trong Tâm Kinh)

  1. Ngã và Pháp

      Trong chương ba, ta đi sâu vào phần triết học của Bát-nhã Tâm Kinh. Nội dung chương này đề cập đến “thực tướng” của cái “tôi” hay “ngã” và “sự vật, hiện tượng” hay “pháp”.

      Để hiểu triết lý chính yếu của bản kinh này, các khái niệm “thực tướng”, “ngã” và “sự vật” cần được hiểu một cách bao quát. Ngã và sự vật là hai ý niệm được Bát-nhã Tâm Kinh đề cập đến. Thuật ngữ Phật giáo gọi Atma là “ngã” và Dharma là “pháp”.

      Về Ngã, ta đã hiểu qua chương trước, trong đoạn văn “ngũ uẩn giai không”, là một tổ hợp sinh-tâm-vật-lý gồm có 5 nhóm yếu tố, mà ta thường đồng hóa chúng với cái “tôi”.

      Ngũ uẩn với 6 giác quan, trong tương tác với ngoại cảnh sẽ mang lại kinh nghiệm giác quan trong tâm trí, mà ta cho là có các “sự vật” bên ngoài ta thực sự.

      Thực ra, những “sự vật” mà ta kinh nghiệm chỉ là những phóng ảnh của các trải nghiệm giác quan trong tâm trí của ta; hay nói cách khác, đó là những gì giác quan của ta “xào nấu” và đem lại cho ta. Các “sự vật” này là đối tượng của nhận thức được gọi là ngũ uẩn ngoại thân, còn tấm thân ngũ uẩn này là chủ thể nhận thức, gọi là “ngũ uẩn nội thân”.

      Đây là cách nhắc khéo ta rằng, mọi cái mà ta nhận thức được, kể cả chính bản thân này chỉ là “nhận thức của ta” mà thôi, không phải “thực-tại-như-chúng-là”. Nếu ta gọi ngũ uẩn nội thân là Ngã thì ngũ uẩn ngoại thân là Pháp. Trong Phật giáo, thuật ngữ “Pháp” là một phạm trù bao quát hơn nhiều.

      Nội dung của thuật ngữ “Pháp” rất rộng. Bất cứ điều gì con người có thể thấy, nghe, ngửi, biết từ nhỏ nhất cho đến tất cả các hành tinh hay địa cầu, thậm chí có nhiều sự vật, hiện tượng ta chỉ có thể tưởng tượng và hình dung, nhưng trong thực tế, không hề có một thực tại tồn tại tương xứng với những gì mà thực tại được định danh, đều được gọi chung là Pháp. Cho nên, trong ý nghĩa rộng, Ngã cũng là một Pháp.

      Khái niệm Pháp trong triết học Phật giáo có 15 nghĩa và nghĩa trong ngữ cảnh của Bát-nhã Tâm Kinh, là mọi “sự vật, hiện tượng” bao gồm: Tâm và thế giới vật chất. Trong bản dịch của chúng tôi, tạm gọi “pháp” là “sự vật” cho dễ hiểu.

  2. Tướng và thực-tướng

      Khái niệm “thực tướng” chỉ cho bản chất của sự vật và hiện tượng đang tồn tại trong thế giới như “chúng-đang-là”, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Thực tướng đó được gọi là Dharmata, chữ Hán dịch là “pháp tính, pháp tánh”.

      Sự khác nhau giữa “pháp” và “pháp tính” nằm ở chỗ, “Pháp” là sự vật, cá thể hay tập thể, tâm hay vật lý, khái niệm hay ngôn ngữ và tất cả những gì liên hệ đến chúng một cách trực tiếp và gián tiếp trong các mối tương quan, gọi chung là “thực tại”, đó cũng là tất cả “ngũ uẩn nội và ngoại thân”. Mọi nhận-thức của ta về thực tại được gọi là “tướng” của thực tại; trong khi “Pháp tính” là bản chất của chúng được gọi là thực thể hay thực tướng.

      Ở đây, khi dùng khái niệm “thực tướng” của ngã và sự vật thì ta đã phân định trong phạm vi gần là “pháp” được giới hạn trong phạm trù “sự vật”. Từ đó, tâm cũng là một loại sự vật nhưng nằm trong nhóm “ngã”, đặc biệt là phần tâm trong năm nhóm sinh-tâm-vật-lý. Khái quát như thế để ta thấy rõ được bản chất của triết học Tâm Kinh nhằm giúp ta có được tầm nhìn thẩm thấu vào bản chất của thực tại.

      Tuệ giác Bát-nhã được sử dụng như một lăng kính, cắt lớp thực tại, không để chia chẻ chúng ra thành các mảnh vụn, mà giúp ta có cái nhìn bao quát nhất, chuẩn xác nhất về chúng. Mọi ý niệm chấp trước về thực tại sẽ được lăng kính Bát-nhã này giải phóng đi.  

      Mục đích của Bát-nhã Tâm Kinh nằm ở chổ đó, rất khác biệt và vượt lên trên các hệ thống triết học đông hay tây, kim hay cổ. Mọi hệ thống triết học chỉ phân tích thực tại dưới ngôn ngữ và logic. Tính thuyết phục của logic trong việc sử dụng kỹ năng của ngôn ngữ làm cho giá trị chân lý đúng và sai được thừa nhận ở mức độ tương đối. Trong khi đó, Phật giáo không dừng lại ở điều mà các hệ thống triết học quan tâm.

      Siêu việt lên trên mọi hệ thống triết học hay Tâm lý học của thế gian, Phật giáo dạy chúng ta sử dụng nhãn quan tuệ giác để tháo mở tất cả những cái “gút” mà ta và thực tại có thể vướng víu nhau, vì ngộ nhận, do hiểu biết sai lầm, do dòng cảm xúc bám víu, v.v...; Việc giải phóng chúng ta ra khỏi những rắc rối này được xem là mục tiêu hướng về của trí tuệ Bát-nhã: Vượt qua khổ ách.

      Dưới đây là đoạn Tâm Kinh mô tả về “cắt lớp cái tôi”:

      “Này Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy”.

      Bồ-tát Quán Tự Tại đã dạy Ngài Xá Lợi Phất như thế. Mô tả về thực tướng của ngã nằm trong hai câu vừa nêu quả thực là một minh triết rất súc tích, mà giá trị hành trì cũng rất cao.

II. TƯƠNG LIÊN GIỮA CÁI TÔI VÀ THỰC TƯỚNG CỦA NÓ

    Trước nhất, chúng ta để ý đến công thức của Bát-nhã Tâm Kinh sử dụng là một đẳng thức theo phương thức cắt lớp: “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”.

Vế A # Vế B.

    Nếu ai chưa có thể chấp nhận được đẳng thức này thì có thể tạm chấp nhận đẳng thức thứ hai, ở mức độ đơn giản hơn: “Sắc tức là không, không tức là sắc”.

Vế A = Vế B

    A đây, thực tại mà chúng ta đang khảo sát qua đoạn kinh này cũng bao gồm năm nhóm sinh-tâm-vật-lý là cái “Tôi”, hay chính là “Ngã”. Đẳng thức thứ nhất, Ngã chẳng khác “không”, tức Ngã tương tự vế B. Trong đẳng thức thứ hai, Bồ-tát Quán Tự Tại xác định rõ thêm, Ngã chính là “không”, tức chính là vế B. “Chẳng khác” và “tức chính là” là hai mối quan hệ tương hỗ, kéo theo, giúp ta dễ dàng hiểu. Vấn đề mấu chốt ở đây là chữ “không”.

    Trong chương 1 và 2, chúng ta đã phân tích tánh Không (sunyata) trong triết học Bát-nhã và triết học Phật giáo nói chung. “Không” chẳng phải là một phủ định từ, mà là tính “không thực thể” hay “không có tự tính” trong mọi sự vật, hiện tượng. Trở lại vấn đề định nghĩa A không khác B, A chính là B thì việc mổ xẻ, cắt lớp cái tôi sẽ được hiểu một cách rõ ràng hơn.

  1. Sự vật hiện hữu vốn không thực thể

      Thứ nhất, đó là một sự khẳng định 2 chiều và được lập lại 2 lần, nhằm thể hiện chân lý là bản chất của thực tại không phải là ta và ta không dính vào chúng.

      “Không-có-thực-thể hay không-thực-thể” khác hoàn toàn với khái niệm “không-có-hiện-hữu hay không-hiện-hữu”.

      Tất cả mọi hiện tượng, sự vật, trong tự thân là một hiện hữu, nhưng sự hiện hữu này không-có-thực-thể. Không-có-thực-thể, bởi vì mọi hiện hữu phải chịu quy luật chi phối của những yếu tố như không gian, thời gian, điều kiện, môi trường, hoàn cảnh và những yếu tố ấy luôn luôn diễn ra theo một tiến trình trôi chảy để trở thành hiện hữu khác.

      Cái gì mang tính điều kiện và tổ hợp đều được gọi là “không-tự-tính”, “không-thực-thể” hay là “không-tính”. Nếu có tự tính và có thực thể thì mọi sự vật, hiện tượng sẽ luôn luôn, vĩnh hằng, không thể và không bao giờ thay đổi. Ta thử quan sát bên ngoài giảng đường, bây giờ là 17h25, trời bắt đầu hơi tối, phải một giờ nữa thì trời tối hẳn. Không gian với ánh sáng hơi tối và tối hẳn là một tiến trình đang trôi chảy, ảnh hưởng và lệ thuộc rất nhiều vào sự chuyển động của mặt trời tại ngay điểm mà ta đang có mặt, đó là Sài Gòn và một vài tiếng sau thì mặt trời sẽ có mặt ở nữa bên kia của trái đất. Nên không gian tối sẽ phủ trùm khắp bầu trời của Sài Gòn và cả nước Việt Nam.

      Như vậy, ta có thể nói không gian sáng mờ vào lúc 05h30 chiều tại Sài Gòn, mà cụ thể là bên cạnh chùa Xá Lợi này là không có tự tính vì nó luôn thay đổi, nếu nó có tự tính thì nó sẽ như vậy, mãi mãi, ánh sáng buổi chiều này sẽ mãi mãi như thế và sẽ không bao giờ ngã tối để trở thành ban đêm và ban đêm sẽ không bao giờ trở thành bình minh, đứng bóng và hoàng hôn.

      Trên thực tế, những giả định tính chất vĩnh hằng như trong tự thân của mọi hiện hữu là không có thật. Thói quen nhận xét, đánh giá của con người thường theo khuynh hướng tiếc nuối dẫn đến sự ngộ nhận rằng: Chúng có tự tính trong tự thân của chúng, nhưng trên thực tế thì không.

      Như vậy, cái gọi là “không” là “không thực thể”, nhưng vẫn là một sự trình hiện, một hiện hữu và tính hiện hữu này tồn tại trong từng sự vật, trong đó có chúng ta, hệ sinh vật, thế giới vật chất, các sự kiện, các khái niệm, các hiện tượng khác cũng đều theo một quy luật tương tự như thế. Do đó, tuệ giác Bát-nhã giúp ta nhìn thấy rất rõ là: Cái gọi là tôi trong vật lý này được đẳng thức hóa bằng tính “không”, tức là “không thực thể”. Nhưng cái tôi ấy vẫn là một hiện hữu và hiện hữu này phải chịu trách nhiệm về đạo đức, về luật pháp, về mọi thứ trên cuộc đời này xảy ra trực tiếp đến nó, bao gồm luôn tất cả những phản ứng hay kết quả tốt và xấu.

      Cho nên, cắt lớp hữu ngã để giúp ta thấy rõ vô ngã tồn tại trong đó như là cái không-thực-thể. Điều này không có nghĩa là phủ định hết tất cả những giá trị đạo đức và pháp lý mà con người vốn có trách nhiệm liên đới trực tiếp.

  2. Năm uẩn và khổ ách

      Rất nhiều nhà triết học Ấn Độ giáo thời đức Phật và sau thời Phật đến gần 1.000 năm sau vẫn biếm nhẽ học thuyết vô ngã của Phật giáo, cho rằng đó là cội nguồn của việc phá vỡ hệ thống luật pháp và đạo đức. Họ ngộ nhận rằng vô ngã là không thực thể và kéo theo sau là không có hiện hữu. Cho nên, con người không chịu trách nhiệm pháp lý và đạo đức trước những hành vi, lời nói, việc làm của mình. Đây là sự hiểu lầm nghiêm trọng. Bát-nhã Tâm Kinh cắt lớp cái tôi để tìm thực tướng của ngã, nhằm rũ bỏ những khổ đau bám víu trên đó.

      Theo Phật giáo, khổ đau gồm có hai loại: Khổ tâm và khổ thân. Khổ thân thì cụ thể, dễ nhìn thấy thường ta gọi là đau, như đau đầu, đau răng, đau tay, đau chân, đau bụng, đau gan, đau tim v.v... và nhiều thứ đau khác. Cái đau đó ta đánh đồng là khổ. Dầu sau đi nữa, việc đánh đồng này được coi là sự ngộ nhận vì đau là phản ứng sinh học của cơ thể, cảm nhận đau giúp cho cơ thể tránh được những tổn thương, và những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sinh tồn.

      Khổ là phản ứng tâm lý kéo theo sau, khi ta không làm chủ được cái đau của sinh học cơ thể. Hai điều này có thể là một tiến trình kéo theo nhưng cũng có thể không kéo theo. Vấn đề ở chỗ, mức độ ta tu tập thế nào để đối diện trước nỗi đau như là một hiện tượng. Khổ tâm bao gồm nhóm cảm giác, nhóm ý niệm, nhóm tâm tư và nhóm nhận thức. Những nỗi khổ tâm ấy, nếu không bám vào nhóm này thì có mặt ở nhóm khác hoặc bao gồm cả hai, cả ba hay cả bốn.

      Khi dùng tuệ giác Bát-nhã cắt lớp thực tại cái Tôi về phương diện vật lý là thân thể, hoặc về phương diện tâm lý gồm thọ, tưởng, hành, thức thì ta thấy rất rõ rằng, khổ chỉ là một ý niệm mờ ảo và sai lệch khi con người không đánh giá đúng được thực tại của những tổ hợp tạo ra cái gọi là Tôi này.

Cho nên, việc phân tích cắt lớp cái tôi để ta rũ bỏ những khổ đau chứ không phải để phủ định tính cách đạo đức và pháp lý của những hành vi liên hệ thân thể này. Do đó, mọi phản biện của các triết gia Ấn Độ giáo về “vô ngã là trái đạo đức” hoàn toàn không có chỗ đứng.

  3. Thực tướng của năm uẩn

      Trong ngôn ngữ của Tâm Kinh và Phật học nói chung, cái Tôi là skandhah, theo tiếng Sanskrit tức các tổ hợp. Bản chất tổ hợp là số nhiều, tức tập hợp của những cái khác, ở đây là các tổ hợp trùng trùng, điệp điệp như một chuỗi mắc xích của các điều kiện hình thành nên bất kỷ một sự vật hay hiện tượng gì.

      Ý niệm của chuỗi mắc xích và tổ hợp gợi cho chúng ta về điều mà trong tự thân của các tổ hợp ấy không phải là sự vĩnh hằng, luôn luôn trôi chảy để tạo thành sự vật hay hiện tượng mới. Thử lấy lăng kính skandha tức uẩn hay tổ hợp để nhìn, đánh giá mọi sự, mọi vật. Phương pháp này có tính triết lý và khoa học cao.

    a) Tính vô ngã của thân thể vật chất

        Ví dụ về tính vô ngã của mọi vật chất, ta hãy dùng hình ảnh khu rừng. Trên thực tế, “rừng” là một khái niệm, bản chất của khái niệm “rừng” là một tổ hợp được nối kết bởi nhiều cây, nhiều chủng loại, nhiều dạng thực vật và do đó, nếu tách riêng các yếu tố hình thành nên khu rừng thì ta không có một thực tại gọi là rừng. Nghĩa là khi tách tất cả các cây ra bằng cách đốn để biến chúng thành gỗ thì khái niệm “rừng” không còn nữa.

        Hoặc khái niệm khác như chổi lông gà, bản thân nó được kết nối bằng hàng trăm lông gà, mà mỗi lông gà được cấu tạo bởi nhiều sợi. Khi ráp những lông gà này lại thì ta có một vật có chức năng quét bụi, quét rác trên bàn thờ hay bàn ghế ở mức độ đơn giản. Trong khi đó, chổi quét rác ở sân hoặc chổi bông được ghép từ những cây bụi nhỏ thì cũng là những tổ hợp mà thôi, chứ tự thân của chúng không có một thực tính nào cả.

        Tương tự, bằng lăng kính này ta có thể nhìn thấy tất cả  mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời này, từ vật lý đến tâm lý, không có điều gì là tồn tại trong tự thân của chúng. Tất cả mọi hiện tồn đều mang tính điều kiện, tính tổ hợp và tính thay đổi. Mọi hiện hữu không bao giờ là vĩnh hằng. Những tính chất như thế được gọi là không (sunyata).

    b) Tính vô ngã của tâm

        Điều Bát-nhã Tâm Kinh muốn nhắn gởi chúng ta là: Mọi hạnh phúc và khổ đau của kiếp người và các chủng loại sinh vật nằm ở quan niệm cái Tôi và cái Tôi sở hữu. Khi nói tôi hạnh phúc ta có khuynh hướng đánh đồng hạnh phúc chính là Tôi và Tôi là hạnh phúc. Ví dụ, ăn một tô phở ngon, ta có cảm giác là “tôi-đang-trải-nghiệm-cái-ngon” và cái ngon đây là tô phở.

        Tương tự, đối với những gì ta không thích, chẳng hạn té xe, ngã lăn trên đất thì ta có thói quen phán đoán là: Tôi té ngã trên mặt đất, tôi bị thương tật, tôi bị đau. Như vậy, cái đau, cái thương tật, cái té ngã trên đất được đánh đồng với tôi và trên thực tế, tiêu cực diễn ra với tổ hợp tạm gọi là tôi này thôi chứ không phải là tôi.

        Hệ quy chiếu cái tôi và cái tôi sở hữu tạo ra hạnh phúc tạm thời và những rắc rối đôi lúc trở thành lâu dài. Những phản ứng cảm xúc hạnh phúc thường chỉ tồn tại trên bộ não tối đa là 30 giây. Trong khi đó, ảo giác về khổ đau mà chúng ta nghĩ là tôi đang bị khổ, tôi đang bị đau thì có khuynh hướng tồn tại lâu hơn, do ám ảnh và chấp dính.

        Do con người bị mặc cảm và có khuynh hướng lý giải rằng mình là một nạn nhân, trong một biến cố hay một sự việc nào đó, cái đau, cái khổ dù qua rồi nhưng nỗi ám ảnh vẫn làm ta liên tưởng đến nó thường xuyên trong tâm và ngộ nhận rằng là: Tôi vẫn đang tiếp tục bị đau.

        Dùng tuệ giác Bát-nhã phân tích về “Nhân Vô Ngã”, tức trạng thái vô ngã của bản thân để thấy rõ được đặc tính của cái tôi là không tôi. Lúc đó hệ quy chiếu này sẽ bị chặt đứt và do đó, không còn nỗi khổ, niềm đau nào được xem là một phản ứng được đồng hóa với cái gọi là “tôi” nữa. Tiến trình tu tập Bát-nhã là thế, chứ không đơn thuần cắt lớp như cộng hưởng từ (MRI) hay là CT scan hoặc nội soi.

III. TÍNH VÔ NGÃ CỦA MỌI HIỆN TƯỢNG

  1. Khổ ách vốn không thực thể

      Trong chương thứ hai, mấu chốt của việc tu tập theo Bát-nhã Tâm Kinh là “độ nhất thiết khổ ách” và đây chính là tông chỉ xuyên suốt toàn bộ Tâm Kinh.

      Phân tích bất cứ điều gì như một đối tượng, từ những thực tại, trong tự thân chúng ta cho đến thực tại ngoài xã hội cũng để nhằm đến một mục đích duy nhất là vượt qua “tất cả mọi khổ ách”. Cho nên, ai quán chiếu mà không hướng đến mục đích này thì có thể rơi vào tình trạng đi tìm kiếm tri thức thuần túy. Đó là một phương diện của triết học chứ không phải Phật học.

      Chữ philosophy mà hiện nay người ta dùng để mô tả môn triết học được ghép bởi hai tiền tố là philosophia, mà nghĩa đen của chúng là sự đam mê hay yêu thích về minh triết, chỉ đơn thuần vậy thôi. Ngành triết học vốn sử dụng kỹ năng lý luận, logic của ngôn ngữ, trên một cấu trúc là làm sao cho người ta có thể chấp nhận rằng các giả định đặt ra có giá trị chân lý và chỉ đơn thuần dừng lại chỗ đó.

      Phật học dùng tuệ giác cắt lớp mọi thực tại để chúng ta thấy như “chúng-đang-là” và hạn chế một cách tối đa việc dán nhãn lên đối tượng bằng các mặc định, chấp trước, tâm trạng riêng tư, để ta không cắt vụn hoặc bóp méo thực tại. Nhờ đó, khi những chướng duyên, tật ách, khổ đau, bế tắc và sợ hãi diễn ra, ta có thể tách rời chúng ra và không đồng hoá chúng với mình làm một. Nếu gọi Phật học là triết học thì đó là triết học vô ngã. Triết học đó giúp ta giải phóng niềm đau khỏi thực tại, mặc dầu trong thực tại chúng đang có mặt như “chúng-đang-là”.

  2. Bốn trình tự thể nhập tánh Không

      Trong triết học Phật giáo, các vị tổ sư đã phân tích bốn phương diện của tiến trình tu Tánh không.

    a) Thực tại đang trình hiện vốn không có thực thể

        Thứ nhất, xem thực tại thông qua các hiện tướng là không có thực thể. Nội dung này được mô tả trong Sanskrit là sunyata mà bản thân của sunyata là chính thực tại và thực tại đó vốn không có thực thể. Thân thể này cũng như thế, mọi thứ trong cuộc đời này không có gì khác biệt với sự thực như thế.

    b) Thực tại phải có đủ nguyên nhân và điều kiện tính

        Bước thứ hai, hành giả phải thấy rằng, cái được gọi là không thực thể, trên thực tế được đẳng thức hóa bằng một diễn trình của các mắc xích nhân duyên. Tức là thực tại được hình thành, tạo dựng, biến thiên, thay đổi để trở thành một thực tại mới. Tính duyên khởi, tương tác đa chiều với những sự vật trong tự thân và những sự vật khác xung quanh là một quy luật không thể nào phủ định.

        Nói đến tánh không là nói đến duyên khởi và nói đến duyên khởi là nói đến tánh không. Mọi sự vật hiện tượng, không có sự vật nào là có tự tính và do đó, tất cả đều mang tính điều kiện, vì duyên khởi chính là điều kiện tính của mọi sự vật, hiện tượng.

    c) Tính Không trong mọi hiện tướng

        Bước thứ ba, khi ta thấy được duyên khởi và tính điều kiện là một hoặc là bản chất của thực tại thì khái niệm “tánh không” trong mọi hiện tướng của sự vật hiện tượng là “không”;  hoặc cả hai – hiện tướng và không tính – chính là một. Thuật ngữ Phật giáo gọi là tính Bất Nhị. Nói cách khác, mọi hiện hữu đều là vô tướng hay không-có-tự-tướng. Hiện tướng chỉ là “giả tướng” do vọng thức “xào nấu” cho ta.

        Công thức Bát-nhã đưa ra là “không khác với”, sau đó, “chính là” hay “tức là”. Cách thức lặp lại như vậy để giúp chúng ta dễ dàng hiểu hơn, nếu đi thẳng vào “chính là” thì đôi lúc ta bị dị ứng. Nói thẳng vào vấn đề, đôi lúc ta khó chấp nhận. Đầu tiên, phải dẫn dụ cho thấy sự vật “không khác với”, sau đó đến sự vật “chính là”. Thân thể này “chẳng khác với” tính không thực thể, thân thể này “chính là” không thực thể, ta thấy dễ dàng hiểu hơn, có hai lớp và lớp một tạo tiền đề giúp ta hiểu được lớp hai và ngược lại.

    d) Tính bất nhị vượt lên trên ngôn thuyết

        Vấn đề thứ tư là sự bất dị giữa hiện tướng và tính duyên khởi của mọi sự vật. Hiện tướng và tính duyên khởi đó vượt lên trên giới hạn của ngôn ngữ và ý niệm.

        Nói cách khác, dù ta có nỗ lực mô tả những tính chất mà chúng ta đã thảo luận thì cũng chỉ là sự tương đối. Muốn hiểu sâu hơn, ta phải cảm nhận những điều ấy bằng tâm. Vì ngôn ngữ với những giới hạn của nó, đôi lúc nếu không khéo sẽ làm cho ta hiểu sai về bản chất của thực tại. Ngôn ngữ chỉ là lớp vỏ của thực tại chứ không phải là tự thân của “thực-tại-đang-là”. Phải chính ngay thực tại do ta cảm nhận trực tiếp, chứ không phải thực tại gián tiếp của nội hàm khái niệm mà ngôn ngữ mô tả, hay phân tích.

        Phần này có vẻ hơi khó hiểu, khô khan vì đó là triết học. Nếu ta để ý, sẽ thấy rất rõ việc khó hiểu, khô khan như thế không phải là không có mục đích. Nhờ cảm nhận một cách rõ ràng như thế nên ta không còn để cho khổ đau bám trên tâm hoặc trên thân nữa.

IV. TÍNH VÔ NGÃ CỦA CÁI TÔI (Cái tôi vốn không thực thể)

       Bằng bốn trình tự tánh không như thế, ta sẽ phân tích nhân vô ngã, hay đặc tính của cái gọi là “tôi vốn chính là không tôi”, tức là không có thực thể trong cái tôi.

    1. Thân thể hay sắc uẩn vốn không có thực thể

        a) Thân thể và trách nhiệm xã hội

            Môn sinh học đã phân tích thân thể bao gồm đầu, mình và tứ chi, lục phủ ngũ tạng. Nếu phân tích kỹ hơn về tính Hóa Lý thì thân thể lại là một tổ hợp của rất nhiều nguyên tử và phân tử. Chia chẻ nhỏ hơn theo lý thuyết Hạ Nguyên tử thì thân thể lại còn có những hạt vật chất khác tạo thành.

            Cứ chia chẻ, phân tích, ta không bao giờ tìm được nguồn gốc của loại vật chất cơ bản nguyên thủy, đầu tiên hơn hết, để từ đó, xây dựng nên thân thể này, bởi vì vật chất luôn luôn diễn ra theo tương quan đa chiều hay N chiều. Khi ta cắt lớp chi chít như thế thì thấy rất rõ ràng các hiện tượng đau trên cơ thể mà thường ta ngộ nhận là chính mình chỉ là một ảo giác thôi.

            Về mặt sinh học, hiện tượng đau không phải tồn tại chính ngay nơi bị thương tổn hay đau, mà chỉ tồn tại duy nhất trong não bộ. Não bộ định vị cho ta biết đau đang diễn ra ở đâu, để ta tránh hay làm giảm được thương tổn và điều này chỉ phục vụ cho bản năng sinh tồn mà khoa học gọi là “phản xạ đau”.

            Hiện tượng đau do thương tổn có thể tồn tại cho đến khi thương tổn chấm dứt. Chẳng hạn, khi bị đau răng, sưng lên ở phần miệng, há miệng ra là đã đau rồi, nếu bị phỏng lại càng đau hơn, thậm chí uống sữa vào cũng cảm thấy nhức nhối. Ta phải bớt nói, bớt hoạt động mấp máy của môi thì hạn chế được phần đau diễn ra ở miệng. Cái đau đó, về phương diện sinh học, là bản năng tự vệ sinh học không thể nào phủ định.

            Cắt lớp cái tôi của thân thể vật lý để thấy rằng đau vốn không có thực thể. Sự hiểu biết này giúp ta vượt qua được cái đau đó một phần nào. Nếu tu tập một cách trọn vẹn, dứt điểm thì cái đau đó sẽ được vượt qua hết.

            Việc phân tích vô ngã trong mọi thực tại là để vượt qua nỗi đau mà vốn dĩ tâm lý ta vướng víu, như một thói quen, như một phản ứng, như một văn hóa, như một phong tục.

            Có một số người hiểu sai về vô ngã đối với thân thể. Họ lý luận như thế này: Cánh tay mà họ sử dụng phạm pháp như trộm cắp, cái miệng sử dụng để lừa đảo, hay cái thân vi phạm luật pháp như giết người hay gây thương tổn cho tha nhân, không phải là tôi, nên không có lý do gì để tôi phải chịu trách nhiệm pháp lý khi tòa án phán quyết trừng phạt bỏ tù nhiều năm. Lý luận như thế là một sự ngụy biện và không hiểu chi về vô ngã của Phật giáo.

            Nếu cho rằng cánh tay này không phải là tôi, chỉ là một tổ hợp các nguyên tử và phân tử và khi vi phạm luật pháp thì chỉ cánh tay tay này vi phạm luật pháp, còn cái tôi gắn liền với cánh tay này như Nguyễn văn A hay Nguyễn thị A không vi phạm luật pháp. Lúc đó tòa chỉ cần phán quyết “Chặt cánh tay này”, vì cánh tay này không phải của anh…., của chị…., tay này vi phạm luật pháp, cho nên, phải chịu hình phạt chặt đi. Chắc hẳn kẻ phạm pháp sẽ sợ hãi và chấp nhận chịu sự phán quyết của tòa án, còn hơn để bị chặt đứt cánh tay.

            Trở lại vấn đề đạo đức và luật pháp, trong hữu ngã và vô ngã thì giá trị minh triết từ Bát-nhã Tâm Kinh là gì? Những kẻ vô trách nhiệm, vô đạo đức, vô lương tri cho rằng: Thân thể này không phải là tôi, tôi không lệ thuộc vào thân thể này. Cho nên, tôi đã lỡ phạm tội giết người và tòa theo phân tích với những bằng chứng, sẽ tuyên án tử hình tôi. Tôi có thể giết thêm 5, 10 người nữa thì tôi cũng không có tội gì vì cái tôi này chính là vô ngã, đây lại càng là một sự ngụy biện nguy hiểm hơn nhiều lần.

            Khi phân tích triết lý vô ngã của cơ thể theo phương diện Phật học, không có nghĩa là đạo Phật cắt đứt mối liên hệ đạo đức và pháp lý với những hành động liên hệ đến thân, mà ngược lại giúp cho con người thấy rõ tính trách nhiệm để sống đạo đức hơn. Đó là giá trị của thực tập vô ngã trên thân.

         b) Khổ đau vốn không thực thể

            Nếu lỡ nỗi khổ niềm đau trỗi dậy, tác động đến thân này thì người hiểu được triết lý tánh không phải thấy rằng: Thân thể ta vốn không có thực thể, nên cái đau đó sẽ không tồn tại lâu dài, rồi mọi thứ sẽ được vượt qua. Việc trải nghiệm này là một minh triết để giải phóng nỗi khổ niềm đau. Bản chất của việc cắt lớp cái tôi trên thân là để nhắm đến điều đó.

            Ví dụ, trong gia đình, đứa con phạm lỗi lầm nhỏ, dù người cha đã nhắc đứa con 3 lần, 4 lượt nhưng đứa con vẫn có thói quen không quan tâm nên tái phạm. Cả giận quá, người cha tát một tát tay, nếu soi gương thì má của cậu bé này đỏ ửng hồng lên, rát và đau. Nếu không kềm được cảm xúc, cậu ấy sẽ có những phản ứng bất hiếu với cha. Có đứa đánh lại, có đứa chửi bới lại, có đứa bỏ nhà đi, thể hiện sự bất kính. Chuyện đó đã từng diễn ra trong cuộc đời này.

            Áp dụng học thuyết vô ngã để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, đứa bé sẽ nghĩ rằng: Gò má này không phải là tôi một cách vĩnh hằng, nó chỉ đóng vai trò tiếp nhận cảm giác, nên cái đau do má bị tát bởi cơn giận của cha tôi không tồn tại với tôi lâu dài. Quán sát như thế, cái đau sẽ lẫn khuất đi rất nhanh. Nếu nghĩ rằng thân thể này là của tôi, bị tát một bạt tay làm sưng vù như vầy sẽ làm tôi mất đẹp, thì cái tôi đó đã được đánh đồng với vẻ đẹp, với niềm hãnh diện, với ngoại hình, do vậy nỗi khổ, niềm đau trỗi dậy bằng sự phẫn uất sẽ gấp bội lần. Do đó, tương quan tình cảm cha con sẽ bị bế tắc.

            Có nhiều trẻ em phạm pháp chỉ vì lý do rất đơn giản là nhìn thấy đứa bạn nào đó có vẻ thấy ghét. Thế nào là “Thấy ghét quá?” Mỗi đứa trả lời một kiểu. Đứa cho rằng tóc thằng này nhìn như cái mồng gà, thấy không ưa, nên đánh cho nó biết. Đứa khác cho giọng của thằng này chì chiết, hách dịch, thấy ghét, nên không đánh chịu không nỗi. Có nghĩa là chúng đã đánh đồng lời nói, ánh mắt, nụ cười, dáng vẻ và thể hiện đi, đứng, nằm, ngồi của một người nào đó là chính người đó. Do vậy, khi ghét những điều mà y không thích, đồng nghĩa với ghét chính người kia nên nỗi lên tham, sân, si rồi vi phạm luật pháp.

            Sự chấp trước sai lầm về cái tôi dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nạn nhân trong tình huống này không hề làm điều gì sai mà bị người khác ứng xử sai như thế. Nếu không hiểu được triết lý vô ngã thì con người có thể phản ứng sai lầm tương tự, kháng cự lại và làm tình huống trở nên nặng nề hơn.

            Rất nhiều người kháng cự sai, trở thành người đóng vai trò của luật pháp, thẩm phán. Công việc đó để cho luật làm, mình không làm. Ta được quyền tố cáo, thực hiện trình bày rằng mình bị tổn thất để luật phân định. Ta không nên làm thay thế công việc của luật.

            Giả sử người đó có ô, dù, được người bao che cũng không vì vậy mà ta khởi lên tâm niệm hận thù. Nếu luật không trị người đó thì nhân quả sẽ trị người đó. Vấn đề là thời gian. 

            Hiểu vô ngã sẽ giúp ta điềm tĩnh hơn đối với những biến cố xảy đến với mình và do đó, chúng ta không phải khổ đau lâu dài. Sự thực hành như vậy là một bản lĩnh, minh triết, sáng suốt, chứ không phải là nhút nhát. Khi bị người đối xử thất lễ mà ta vẫn điềm tĩnh trước những việc đã và đang xảy ra, người thất lễ đó sẽ tức tối lắm. Càng tức tối càng làm cho người đó nể phục người bị họ nhục mạ chừng ấy.

           Thường tình trong đời, người ta cho đó là người hiểm thâm nên không để lộ sắc mặt. Là một người thực tập vô ngã, đây không phải là hiểm thâm. Điều rất rõ là những hành vi thất lễ, thiếu văn hóa đối với tôi, trên thân tôi, những điều ấy không nên hiểu bằng việc đánh đồng những điều lăng mạ ấy là tôi. Cho nên, tâm tôi không đau vì những điều không có thực tính đó. Người đó có bản lĩnh cảm thấy mình không bị lay chuyển trước những lời thị phi.

            Ví dụ, người nào đó ghét mình, nói rằng: Tay bà A có sáu ngón, thừa một ngón, xấu vô cùng (trên thực tế, tay bà A vẫn bình thường), không phải vì mô tả bà A có 6 ngón mà 6 ngón đó lại trở thành hiện thực đối với bà ta. Một người nào đó mô tả: Ông B bị cụt giò, trên thực tế ông ta có hai chân đàng hoàng và không phải vì bị nói xấu như thế, mà chuyện cụt giò trở thành hiện thực đối với ông B. Rất nhiều người không thấy được như thế, vì họ không tu tập vô ngã, cứ nghĩ ông B cụt hai giò đó chính là tôi nhưng, trên thực tế tôi vẫn đang đi 2 chân trên mặt đất, vẫn đang rất khỏe mạnh. Người ta đang nói xấu mình mà mình đánh đồng mình với điều nói xấu đó, cho nên, phiền não, khổ đau trỗi dậy rất dễ.

            Trong tâm lý chiến, người ta thường sử dụng các cách nói khoác, nói chọc tức, nói khiêu khích để làm người khác bị khổ đau, dằn vặt. Đó là sự bất chiến tự nhiên thành, không cần phải đấu mà người kia cũng bị ngã gục.

            Có người muốn cướp chồng người khác, chỉ cần nói “chồng bà ngoại tình, nay với cô này, mai với cô kia”, người vợ nghe giận quá, làm đơn ly dị. Thế là người ly gián hưởng trọn. Người ghen quá mức đã đánh đồng những mô tả về các hành vi không chân chính mà mình nghe được từ một người nào đó về người hôn phối của ta, mà ta xem như là cái tôi sở hữu hay cái tôi của chính người mình thương, nên cảm giác bị thương tổn, bị lừa đảo trỗi dậy, khống chế, phủ trùm làm cho ta sân hận và giải quyết việc sân hận bằng ly thân, nặng hơn ly thân là ly dị.

            Tâm lý chiến như vừa nêu được sử dụng rất nhiều trong cuộc đời. Người có tu tập vô ngã sẽ bình tĩnh, không bao giờ nghe bất kỳ sự mô tả nào rồi đánh đồng điều ấy là một hiện thực.

            Theo Phật giáo, mô tả dù bằng ngôn ngữ hay chữ viết, chỉ là lớp vỏ của thực tại, chứ không phải là bản thân thực tại. Việc mô tả có thể đúng với thực tại đang diễn ra nhưng cũng có thể sai, bóp méo, tô hồng hay bôi đen thực tại tuỳ theo dụng ý, góc nhìn, các dữ liệu của người mô tả đó. Sẽ là một sai lầm lớn khi nghe mô tả, ta liền đánh đồng nó với hiện thực. Kiến thức về vô ngã giúp ta không dễ dàng đánh đồng hai thứ, một bên là lớp vỏ, còn một bên là thực tại, với nhau. Ta không nên để tình huống ngoại cảnh làm chủ tâm lý của ta, từ đó, ta sống có chiều sâu hơn và do vậy vượt qua nỗi đau một cách dễ dàng hơn. 

    2. Cảm thọ vốn không thực thể

        Đối với thọ, tưởng, hành, thức, sự quán chiếu cũng diễn ra tương tự. Chúng chẳng khác tính không thực thể; chúng chính là tính không thực thể. Nếu ráp lại, ta sẽ có phán đoán như thế này: “Dòng cảm xúc của tôi bao gồm hạnh phúc, khổ đau, trung tính chẳng khác gì tính không thực thể; dòng cảm xúc đó với 3 phản ứng như vừa nêu chính là không thực thể”. Khi quán chiếu được áp dụng vào những tình huống thực tế, ta thấy giá trị trị liệu khổ đau rất hiệu quả.

        Ví dụ, ở trong một lớp, có một học sinh bị phát hiện không tập trung học, thầy giáo quở trách và yêu cầu học sinh này chọn một trong hai hình phạt, hoặc bị trừ điểm hoặc lên bảng thụt xì dầu. Sợ bị trừ điểm, học sinh có thể chọn giải pháp thụt xì dầu, việc này làm mỏi cơ bắp và máu dồn lên trên cơ thể, làm cho mặt của cậu học sinh đó đỏ ửng lên, vì bị hổ thẹn với chúng bạn. Cảm xúc tiêu cực này có thể trở thành một ách nạn lớn.

        Nhiều cô cậu học sinh khi bị thầy, cô giáo phạt cảm thấy mình bị mất giá trị quá, rồi nghĩ tiêu cực rằng “tôi không còn là chính tôi nữa” nên đã chọn con đường quyên sinh. Báo chí, trong thời gian qua có đưa tin khi bị phạt trên lớp, nhiều học sinh nữ đã tự tử. Trước khi chết có em đã viết thơ tuyệt mệnh để lại nói rằng: Nhân phẩm của tôi đã bị mất hết rồi, tôi chọn cái chết tốt hơn là sống. Như vậy, cô bé học sinh này đã đánh đồng dòng cảm xúc là chính toàn thể tâm-vật-lý sự sống,  được gọi là cái tôi này, đó là một ngộ nhận rất lớn.

        Dòng cảm xúc chỉ xuất hiện trong thời gian bị phạt, dưới sự quan sát của nhiều học sinh đồng lứa thôi, ở trong lớp thôi, sau đó đâu còn nữa. Ấy thế mà cô ta vẫn có khuynh hướng kéo dài như một thực tại đang diễn ra, thực tế nó đã kết thúc lâu rồi mà nỗi ám ảnh này vẫn còn đeo đuổi, thậm chí suốt cuộc đời, có người chết mang theo. Đó là sai lầm lớn trong vấn đề đánh đồng dòng cảm xúc là tôi.

        Khen và chê tác động đến dòng cảm xúc rất lớn, ai cũng thích khen vì khen làm mình nở lỗ mũi, nghe mát lỗ tai và khi tai được mát thì đi vào trái tim. Tai và trái tim có mối quan hệ tương sinh. Khi tim hài lòng thông qua tai dẫn đến phản ứng, nhận thức và thái độ cảm thấy hạnh phúc, vui sướng biết nhường nào. Chính vì thế nhiều người bị lâm vào kế “bị khen ảo” lại tưởng thật. Kết quả trở thành trò cười hay thành con lật đật của người quan sát, thấy những phản ứng sai lầm của ta về những lời khen mang tính nịnh hót vốn không có một giá trị tương thích nào trong thế giới hiện thực.

        Ví dụ, một người không có duyên, tiếp xúc với người có thói quen khen “hôm nay anh đẹp quá, bữa nay em đẹp quá, xinh quá”, nghe thật là tràn ngập niềm hãnh diện. Dư hương đọng lại trong tâm làm y sung sướng dù y không đẹp. Dòng cảm xúc dễ đánh lừa ta và hậu quả của lời khen đánh lừa làm cho người được khen sai lầm, ngủ quên trên chiến thắng và kết quả là bị người khác hại. Cho nên, người tu học Phật không để dòng cảm xúc đánh lừa mình.

        Trong kinh Trường Bộ, mỗi khi được ai khen, đức Phật khuyên ta hãy quán chiếu về bản thân mình thật kỹ rằng tư cách, đạo đức, phẩm hạnh, kiến thức, khả năng, có tương thích với lời khen không? Nếu câu trả lời là có thì nên thấy bình thường, vì tôi làm tốt, người ta khen, có gì đâu nở mũi. Nếu câu trả lời là không tương thích thì lại càng không xứng đáng để nhận lời khen nên cũng không cần nở mũi một cách ảo tưởng rằng: Tôi là người được người khác khen thế này, thế kia.

        Hãy vượt lên trên dòng cảm xúc từ lời khen tiếng chê; nỗ lực phấn đấu và trở thành người thành công trong sự khiêm hạ. Hệ quả là, trong tương quan xã hội, mọi người sẽ quý mến, dù ta không cố tình lấy đó làm trình diễn để đắc nhân tâm. Với những lời chê làm chao đảo, thất vọng, người sống với cảm xúc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí thoái chí, bỏ cuộc.

        Trung bình một năm, tôi phải làm công việc bất đắc dĩ là tư vấn cho vài trăm tình huống bất hạnh. Trong những tình huống đó, tình yêu cũng có, làm ăn cũng có và cảm giác bị người âm theo cũng có. Cứ khoảng 2, 3 ngày là có 3, 4 trường hợp đến nói: Tôi bị âm theo, tôi bị ma nhập. Ngày hôm nay cũng có một anh khoảng 30 tuổi đến nói rằng: Thầy ơi! Giúp vợ tôi, vợ tôi bị vong theo.

        Hỏi: Vong nào theo?

Anh nói: Đứa con mà vợ tôi sanh ra được năm ngày, cách đây 2 năm, bị chết non, lâu lâu nhập vô vợ tôi. Vợ tôi nói con chưa được siêu, ba má phải giúp cho con được siêu, mua giấy vàng mã, áo quần cho con mặc, giờ lạnh lắm, mùa đông đến rồi...

        Tôi hỏi: Lý do nào hai anh chị cảm giác rằng con anh chị đang theo?

        Nói: Cứ 5, 6 giờ chiều, thỉnh thoảng, khi mệt mỏi, vợ tôi nói như thế. 

        Hỏi: Sao anh tin?

        Nói: Tôi gặp thầy pháp, thầy pháp nói thế.

        Nghe phán một câu như thế thì dòng cảm xúc chao đảo luôn. Rất nhiều người bị thất bại trong đời vì không phân tích được nguyên nhân như đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Diệu Đế, cứ đổ thừa cho hương linh, có thể là con mình, cha mình, mẹ mình và như vậy, ta tạo nỗi hàm oan cho những người quá cố mà vốn dĩ họ không có một phương tiện gì để minh oan cho họ. Cho nên, tội vô tình nhưng rất nặng.

        Khi còn sống, ta giải bày, chia sẻ không bằng lời nói thì bằng chữ viết, không tự mình thì nhờ người khác. Người chết không thể tự minh oan. Do mê tín, ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người quá cố.

        Có người nói: Cha tôi chết vào ngày trùng tang nên giờ tụi tôi ngóc đầu lên không nổi. Người thì nói: Cha tôi chết vào ngày sát chủ cho nên, tụi tôi đầu tư cái gì, thất bại cái đó.

        Dòng cảm xúc mê tín dị đoan này làm cho người đó bị khổ đau suốt cuộc đời. Nếu không gặp được những người tin nhân quả, lý giải mọi thứ trên nhân quả, giúp cho người đó đánh giá lại nhận định sai lầm thì người đó khó có thể đạt được hạnh phúc.

        Khi thực tập Bát-nhã Tâm Kinh, dòng cảm xúc này không phải là tôi, dòng cảm xúc này không có thực thể, dòng cảm xúc này chính là cái không thực thể thì không có lý do gì ta để nỗi đau ở trên tính không thực thể, ta phải rũ bỏ nó đi càng sớm càng tốt.

        Chị em phụ nữ muốn bớt khổ đau phải thực tập vô ngã về cảm xúc. Bán cầu não bên phải (lý trí) của nữ giới hoạt động yếu hơn nam giới, trong khi bán cầu não cảm tính của nữ giới lại hoạt động mạnh hơn. Cho nên, nữ giới rất dễ hạnh phúc bởi những lời khen, rất dễ đau khổ bởi những lời chê và rất nhạy cảm bởi những lời thị phi. Do đó, những thăng trầm khổ đau, lên xuống trong cuộc đời sinh khởi bởi cảm xúc là rất lớn. Thực tập vô ngã về cảm xúc, sẽ giúp ta vượt qua chúng một cách thành công.

    3. Ý tưởng vốn không thực thể

        Đối với ý tưởng hay tưởng uẩn, việc thực tập sẽ như thế này: “Tưởng tượng, ý niệm hóa vốn không khác gì tính không thực thể. Tưởng tượng, ý niệm hóa chính là không thực thể. Không thực thể chính là tưởng tượng, ý niệm hóa. Tính không thực thể chẳng khác gì tưởng tượng và ý niệm hóa”. Do vậy chúng ta không dại gì tưởng tượng quá nhiều thứ không có lợi cho chúng ta.

        Nhà ở quê thường ánh sáng đèn không đầy đủ. Dọc theo những con đường làng, có những bụi cây tre. Một cơn gió thổi qua, tre tương tác với nhau tạo nên những tiếng kêu cọt kẹt, cọt kẹt. Nếu trước đó vài ngày có xem phim ma hay đọc truyện ma, nghe kể chuyện ma thì tiếng cọt kẹt đó sẽ làm cho ta tưởng tượng con ma đang theo dõi mình, con ma đang đồng hành với mình, con ma đang nhát mình, con ma muốn hại mình và do vậy có nhiều người chạy mệt xỉu luôn. Khi đến nhà, bật công tắc lên, chui vào giường, trùm đầu bịt kín lại như thể làm việc đó thì ma không nắm đầu mình được, nhát mình được vậy.

        Việc ẩn náu trong chiếc mền chỉ tạo ra cảm giác trấn an, vì hiểu một cách sai lầm rằng ma không thể thấy khi có cái gì che đậy. Trên thực tế ma không hại mình được, ma là đối tượng thật đáng thương, vì họ chưa siêu. Do đó, thay vì sợ ma ta hãy thương tưởng họ. Nếu có cảm giác rằng họ đang ở xung quanh ta thì hãy nhắc nhở họ rằng: Đây không phải là cảnh giới lâu dài, sự tồn tại trong cảnh giới ngạ quỷ chỉ là một trung gian tạm thời, do chấp trước, do uất hận, do tình yêu, do tình thương, do trách nhiệm hoặc do hận thù, cần phải rũ bỏ để được tái sinh. Làm được như thế các hương linh sẽ biết ơn ta nhiều lắm.

        Chẳng những họ không hại ta, nếu họ vẫn tiếp tục chưa được siêu, họ sẽ có thể hỗ trợ chúng ta. Người còn sống, muốn hại người khác đôi lúc còn chưa hại được huống hồ người đã chết rồi làm sao hại? Người chết không có tay, không có chân, không có miệng để ra lệnh, để nói, để yêu cầu, để nhờ vả, làm sao hại được? Do tưởng tượng, ta vẫn nghĩ họ có thể làm mọi thứ. Đó là một sai lầm.

        Ý thức của con người bao giờ cũng đi trước những điều được sáng tạo. Sử dụng tưởng tượng và hình dung hóa có nghệ thuật sẽ giúp ta phát minh. Nhìn con chim với đôi cánh liệng bay dựa vào sức gió không bị rơi, nhà khoa học đã phát minh ra chiếc máy bay. Quan sát cách lượn và bơi của con cá trong môi trường nước, người ta chế tạo ra chiếc tàu ngầm.

        Sử dụng các quy luật nhân quả và duyên khởi sẽ giúp ta phát minh nhiều thứ. Khoa học giả tưởng đặt nền tảng trên sự tưởng tượng luôn đi trước khoa học thực nghiệm. Có nhiều giả tưởng trở thành một hiện thực và có nhiều giả tưởng chỉ tồn tại như một ý niệm, sẽ không có thực như lông rùa, sừng thỏ. Trẻ em được khích lệ xem phim giả tưởng để kích thích trí thông minh và tính sáng.

        Có một dạo khi các đài truyền hình ở Việt Nam chiếu phim “Cô gái Mai-ka”, các em coi khoái chí, mê mẩn. Gần đây những bộ phim khoa học giả tưởng của Hollywood đã làm cho các em mê hơn nữa, nhờ vậy trí thông minh lại càng phát triển. Tưởng tượng tích cực sẽ giúp ta đóng góp nhiều trong cuộc đời. Điều gì con người nghĩ được có thể trở thành hiện thực.

        Ví dụ, cây viết có chức năng của một máy quay phim, của máy thu thanh, của một cây súng, hoặc điều khiển các dụng cụ từ xa. Chuyện đó, cách đây 20 năm là một ảo tưởng, nhưng bây giờ đang trở thành hiện thực. Có thể trong cây viết hiện nay chưa có đủ 4 tính năng vừa nêu nhưng trong tương lai, các nhà khoa học có thể chế tạo, thậm chí cây viết đó mỏng, nhỏ, gọn, đẹp hơn. Như vậy, những tưởng tượng tích cực đi trước thì các phát minh khoa học sẽ có thể theo sau. Cũng có nhiều tưởng tượng không có ích gì cho ai, chỉ là nỗi ám ảnh.

        Tâm thần hoang tưởng là một chứng bệnh nguy hiểm mà ai vướng vào thì khổ đau trên cơ thể, cảm xúc và tâm rất lớn và đôi lúc làm người khác khủng hoảng theo. Có nhiều người cứ nghĩ bản thân họ bị lợi dụng. Cho nên, chơi với ai một thời gian là chia tay và có thể có khuynh hướng ứng xử theo hướng cóc cần, thậm chí ứng xử thiếu hậu.

        Có người tâm thần hoang tưởng nguy hại hơn, nghĩ mình là Thánh, Thượng đế giáng trần, Phật sống, Bồ-tát sống. Một số người tâm thần hoang tưởng không hại ai, lừa đảo ai. Có người lừa đảo, từ ảo giác rằng mình là Thánh, Chúa, Phật, Bồ-tát nên họ có thể quyến rũ được rất nhiều người, nói đâu người ta tin đó. Nói chuyện hoang đường, người ta dễ tin, vì tâm lý con người bao giờ cũng tham, gần gũi với Chúa sống hơn là gần gũi người phàm. Gần gũi một vị Phật sống, Bồ-tát sống có giá trị gấp nhiều lần vị phàm tăng. Dựa vào tâm tham đó, người lừa đảo đã phát triển sự hoang tưởng vốn có trong tâm để làm cho mình có nhiều tín đồ.

        Năm 2008, ở Texas có một sự kiện tai tiếng toàn cầu mà nói ra đôi lúc không ai tin. Một người chủ trương đa thê tuyên bố với mọi người rằng ông là hiện thân của Chúa Giê-su, nên quý bà theo ông vô số, ông có đến mấy chục vợ, mấy chục con. Nhờ đó ông đã hình thành giáo phái gần 10.000 người.

        Họ tôn thờ ông như Chúa vậy, mặc dù ông nói nhiều điều chẳng đúng đâu vào đâu và không có gì đạo đức, nhưng người ta lại nghe theo, làm theo một cách cuồng tín. Bản thân ông chỉ là một thương gia có nhiều tiền. Ông cất một nhà thờ to, trong lô đất gần 800 mẫu ở Texas, như cung điện. Ông biết tô hồng rằng ông là Chúa.

        Bằng công thức: “Mưa dầm thấm đất”, bằng sự truyền giảng, quảng bá, quảng cáo, ông tuyên truyền để cho tín đồ cảm giác rằng khi được tiếp xúc với ông là trở nên một nhân vật quan trọng, hạnh phúc lắm. Phải sắp hàng, phải đăng ký, phải được duyệt v.v... Những điều đó làm người ta cảm giác rằng mình quan trọng. Đó là những kỹ thuật tâm lý rất nguy hiểm, đặt trên sự hoang tưởng của người dụ dỗ và sự tưởng tượng của các nạn nhân.

        Khi FBI tấn công, bắt được ông, nhiều phụ nữ được giải phóng khỏi ách nô lệ của ông vẫn còn không tin hỏi: Ủa, ông ta là Chúa mà, Chúa đâu bị con người bắt.

        Chuyện khó tin lại có thật 100% tại Hoa Kỳ, nơi vốn được xem là tiên tiến nhất nhì thế giới, lại vẫn còn đó những hiện tượng mê tín. Thực tập vô ngã sẽ giúp ta giải phóng mình khỏi những tưởng tượng sai lầm.

        Có nhiều chị em phụ nữ bị chứng thiếu Vitamin K nên cơ thể dễ bị bầm, đụng vô chỗ nào là bầm tím chỗ đó. Nếu đi gặp mấy ông thầy pháp sẽ bị chẩn đoán là ma cắn, chị em nghe sợ hãi, phải cúng tốn tiền, vô ích.

        Các lang băm dùng ba lọ cao có chất nóng thoa lên thì tự động sẽ tan máu bầm. Chị em không hiểu, nghe thầy pháp nói ma cắn nên thấy sợ quá, phải cúng cho ông ta nhiều tiền với sự biết ơn.

        Nếu có kiến thức khoa học, ta sẽ không tốn tiền một cách vô cớ như thế, đây chỉ là do tưởng tượng sai hoặc mê tín mà ra.

        Người lừa đảo làm nạn nhân tự tưởng tượng rằng mình đang là người bị khổ đau và nếu không nương tựa vào người này thì mình sẽ không bao giờ được hạnh phúc. Kết quả là tiếp tục bị lệ thuộc vào sự tưởng tượng. Những người sống bằng nghề lang băm lừa dối về sau khổ lắm, gieo nhân nào, sẽ gặt quả nấy, vấn đề là thời gian.

    4. Tâm lý vốn không thực thể

        Thực tập vô ngã đối với hành tức tâm tư lại càng quan trọng hơn, “vì hành” như một tảng băng ngầm, trong khi cảm xúc chỉ hời hợt, bốc lửa bên ngoài. Cảm xúc có thể biểu hiện qua sự đỏ mặt hay xanh mét, giận, liếc mắt, đập bàn, xô ghế. Tưởng tượng – tưởng uẩn – là phần chìm bên trong, bao giờ cũng có, ngay cả trong giấc mơ. Tuy nhiên “hành” là tâm tư, trạng thái ngấm ngầm rất sâu bên trong, thậm chí, ở lớp vô thức, nó vẫn tồn tại, đôi lúc ta không thể biết.

        Những chứng bệnh như trầm cảm, mặc cảm, lãnh cảm, tự ti đều thuộc về hành, làm ta chìm trong khổ đau. Thất vọng cũng là một trạng thái của “hành”. Tuyệt vọng dẫn đến cái chết  là sự bế tắc lớn nhất của “hành” về mặt tiêu cực.

        Ai rơi vào những hoàn cảnh đó, dù từ nguyên nhân nào đều phải quan niệm thế này: Hành uẩn này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào nó. Hành uẩn này vốn không có thực thể, Tôi không bị kẹt vào cái không thực thể này. Cho nên, tôi không dại gì đánh đồng cái tôi với cái không thực thể đó. Vì vậy, những khổ đau liên hệ đến tâm tư như mặc cảm, trầm cảm, tự ti, uất hận, oán hờn hay tuyệt vọng sẽ rũ bỏ ta và ta sẽ rũ bỏ được chúng.

        Nhiều chị em chung thủy với những gã sở khanh, cứ nghĩ rằng cuộc đời mình đã trao cho người đó rồi thì từ đây về sau sẽ không sống hạnh phúc được nữa, nếu thiếu người ấy. Cho nên, cứ cố tình bám víu theo và người kia càng sở khanh với mình nhiều chừng nào, tâm tư mình càng tức tối và bám víu chừng đó. Tại sao tôi tốt, tôi đẹp, tôi giàu sang, tôi đàng hoàng như thế này, mà người kia lại không thấy được giá trị. Càng bám víu theo tâm tư đó, càng khổ đau dài dài. Đó là sự hoạt hoá của hành uẩn.

        Cách tốt nhất trong trường hợp này là nghĩ rằng: “Ồ, tôi may quá, vì nhận rõ người đó là một tên lừa đảo nên tôi không dại gì theo nữa” thì hiệu quả biết mấy. Có nhiều người không thấy được như thế, cứ bám víu theo tâm tư ấy vốn chẳng mang lại tương lai tốt đẹp gì. Cột chặt tâm tư này vào khổ đau là giết bản thân. Do đó, việc thực tập vô ngã để nhổ lên nổi đau này  là phương cách tốt nhất.

    5. Tâm thức vốn không thực thể

        Cuối cùng, quán chiếu vô ngã trên tâm thức. Thức chẳng khác gì tính không thực thể, thức chính là tính không, tính không chính là thức, tính không chẳng khác gì thức. Thức, ở đây gồm có 6 theo Phật giáo Nam tông, 8 theo Phật giáo Đại thừa.

        Sáu cơ quan nhận thức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức, tạo ra những đánh giá. Chúng liên hệ đến dòng cảm xúc, ý niệm, tâm tư. Sáu quan năng này là quan trọng cho cuộc sinh tồn, vì không có chúng, sẽ không có những dòng cảm xúc, ý niệm và tâm tư.  

        a) Nhận thức Mắt hay cái thấy vốn không thực thể

            Việc thực tập vô ngã trên thức sẽ giúp ta có cái nhìn chuẩn xác hơn về mọi hiện tượng trình hiện trước hay trong tâm thức ta. Việc gì đã qua thì hãy khép lại trong quá khứ. Chuyện gì chưa tới thì đừng mơ mộng tương lai, mà thiếu đi giá trị của hiện thực. Những gì ta muốn, hãy làm bằng nỗ lực, bằng phương pháp, bằng tấm lòng, bằng các điều kiện thuận lợi thì ta sẽ đạt được điều đó. 

            Đó là nhận thức đặt trên nền tảng của nhân quả. Khi những tình huống diễn ra ngoài ý muốn, ta hãy thực tập nhận thức đó trên nền tảng của vô ngã để không níu nỗi đau về phía bản thân mình. Đó là người khôn ngoan, người đang thực tập Bát-nhã. Ai có tánh so bì nhiều chừng nào thì con mắt sẽ là một phương tiện cho nỗi khổ đau chừng đó.

            Ví dụ, ra ngoài thấy một chị em nào đó mặc một chiếc áo đẹp, sang trọng, giá 5 chục ngàn đô mà mình chỉ có chiếc áo 5 chục ngàn đồng thì khổ đau trỗi dậy liền. Thấy một chị em nào đó có nước da quá trong sáng, đẹp, nét đi dịu dàng mà mình không được là khổ liền. Đó là vì ta đánh đồng nhận thức đó chính là tôi, mà vốn dĩ cái tôi đó chỉ đóng chức năng thôi. Việc ngộ nhận như thế làm cho khổ đau tồn tại lâu, khi thấy người ta ăn sang, mặc đẹp mà ta không có, nên phải đua đòi. Vì tâm đua đòi nên đi vào con đường sai lầm. Do đó, nỗi khổ đau hay tội lỗi phát sinh từ việc đánh đồng cái tôi thông qua nhận thức của mắt.

        b) Các thức giác quan vốn không thực thể

            Tương tự đánh đồng cái tôi với nhận thức của tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

        c) Mạt-na thức và Alaya thức vốn không thực thể

            Phật giáo Đại thừa giới thiệu thêm 2 loại thức, là Mạt na thức và Alaya thức. Mạt na thức là hệ qui chiếu của cái tôi gai góc. Cái tôi đó biểu hiện thành 4 trạng thái hay có thuộc tính: Ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái.

            Ngã si tức là si mê về bản thân mình, nhận thức mê muội về bản thân, Tâm lý học gọi là “hình ảnh tâm trí”, si mê “hình ảnh tâm trí” (narcisism). Ngã kiến cho rằng thân này hoặc là thường còn, hoặc chết rồi là hết, hoặc cho rằng thân này có một tự thể. Ngã mạn là cống cao, trong khi tự ti là đánh giá thấp về chính mình, nên trở thành người mặc cảm. Ngã ái là yêu chuộng cái thân này, không thấy nó vô thường hay vô ngã nên suốt đời cung phụng nó và cuối cùng ta trở thành nô lệ của nó.

            Bốn thuộc tính này là tảng băng ngầm của cái tôi làm cho chúng ta khổ đau về mọi phương diện, dẫn đến nhiều nhận thức lệch lạc, nhiều ứng xử tiêu cực và đôi lúc làm cho ta suy nghĩ: “Sao ta đã cố gắng làm chủ, nhưng vẫn không làm chủ được?”. Khi 4 thuộc tính này vẫn nằm nguyên trong tầng sâu của vô thức, chúng sẽ trỗi dậy mỗi khi có những tác nhân kích thích, lúc đó, chúng sẽ làm cho ta trở thành kẻ nô lệ.

            Alaya thức là một kho tàng tâm thức, nơi đó, chứa tất cả những hạt giống tích cực, tiêu cực, tốt, xấu, phàm, Thánh. Người sử dụng hạt giống tốt nhiều chừng nào thì trở thành Thánh chừng đó. Người sử dụng hạt giống xấu nhiều chừng nào thì trở thành kẻ xấu.

            Không thể đánh đồng cái gọi là tôi với, hoặc mắt hoặc tai, mũi, lưỡi, thân, ý, hoặc là Mạt Na thức hay Alaya thức. Cũng không thể đánh đồng cái gọi tôi với 6 hay 8 loại thức này, vì ngoài thức như một tổng thể của tâm, còn có thân thể sinh-vật-lý nữa.

           Đánh đồng cái “tôi” với một trong 2 thức, hoặc đánh đồng cái “tôi” với thân và tâm cũng là điều sai lầm. Do thân này tồn tại vài chục năm rồi hết. Khi ta qua đời, sự sống vẫn tiếp tục chuyển sang một hình thức khác mà thuật ngữ Phật giáo gọi là tái sinh, trong tiến trình đó, không có một thực thể nào được gọi là cái “tôi” cả.

V. KẾT LUẬN

    Hậu quả của việc đánh giá sai về cái tôi sẽ dẫn đến tình trạng những gì liên hệ đến cái tôi, như những sở hữu, bị đánh đồng như chính cái tôi. Do đó, nỗi khổ niềm đau ngày càng được tăng trưởng. Chẳng hạn, ta có thói quen đánh đồng danh tính do cha mẹ đặt trong khai sinh là tôi. Ta cũng có khuynh hướng đánh đồng cách thức ăn mặc, nghệ thuật giao tế, cách thức biểu đạt lời nói, cách tạo ra nét riêng trong cuộc sống là cái tôi.

    Trên thực tế, đó là những điều sở hữu của tôi do tôi huân tập bởi văn hóa, phong tục tập quán, hay chủ nghĩa kinh nghiệm cá nhân được đánh đồng với cái tôi. Kết quả là bất cứ điều gì liên hệ đến hoặc làm thương tổn, hay đụng chạm vào những điều mà ta cho là tôi thì sự khổ đau bắt đầu trỗi dậy, phản ứng bảo vệ hay kháng cự bắt đầu có mặt.

    Cắt lớp cái tôi để thấy rõ đó là 5 tổ hợp để ta không chạy theo các phản ứng liên hệ đến 5 tổ hợp này. Như vậy, ta làm chủ được dòng cảm xúc, làm chủ được tiến trình ý niệm hóa, làm chủ được tâm tư, làm chủ được nhận thức và làm chủ được thân thể này. Đây là phần rất quan trọng của sự thực tập.

    Tu tập quan trọng của Bát-nhã Tâm Kinh là quán chiếu nhóm thân tâm theo công thức “chẳng khác với” tánh không và dẫn đến tiến trình thấy thân-tâm ấy “chính là” cái không-thực-thể hay “chính là” tánh không là vô ngã thì hành giả sẽ vượt qua được những nỗi đau bám ở trên thân hay tâm.

    Ngôn ngữ chỉ là lớp vỏ, là bảng chỉ đường đến “thực tại”. Ta không nên chấp mắc vào ngôn ngữ. Cố gắng suy nghĩ, tìm hiểu nội dung của “sắc, không” theo đoạn Tâm Kinh.

    Hãy trải nghiệm rằng, mọi nhận thức mà ta có, không có thực thể. Chúng luôn đổi thay, xuất hiện do những nguyên nhân và điều kiện nào đó. Đừng để chúng làm chủ mọi hành vi và ứng xử của ta. Xin trích một đoạn ngắn trong bộ kinh Đại Bát-nhã, Hán dịch do Pháp sư Trần Huyền Trang, Việt dịch do HT. Thích Thiện Siêu:

    “Vì hữu tình vô sanh, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô sanh, hữu tình vô diệt, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô diệt. Hữu tình vô tự tánh, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô tự tánh. Hữu tình vô sở hữu, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô sở hữu. Hữu tình không, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng không.  Hữu tình vô tướng, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô tướng. Hữu tình vô nguyện, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô nguyện. Hữu tình xa lìa, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng xa lìa. Hữu tình vắng lặng, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vắng lặng. Hữu tình bất khả đắc, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng bất khả đắc. Hữu tình bất khả tư nghì, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng bất khả tư nghì. Hữu tình vô giác, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng vô giác.

    Hữu tình chẳng trọn nên thế lực, nên phải biết Bát-nhã Ba-la-mật đa cũng chẳng trọn nên thế lực.

    Bạch Thế Tôn! Tôi vin ý đây nên nói Bồ-tát Ma ha tát Bát-nhã Ba-la-mật đa, tên Ðại Ba-la-mật đa.”

    Qua chương này, phần thực tướng của ngã (Nhân vô ngã) đã được trình bày hoàn tất. Phần thực tướng của pháp  là những sự vật hay hiện tượng ngoài cái tôi, bao gồm thế giới xung quanh, sẽ được phân tích ở chương kế tiếp.

***

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập