59 - Sống vui sống khỏe

Đã đọc: 19903           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Giảng tại chùa Châu Long, Tiền Giang, ngày 26-02-2007 Phiên tả: Tâm Việt

Do sức ép của công việc, sức ép của mọi thứ trong xã hội đã làm thay đổi cấu trúc đời sống sinh hoạt gia đình truyền thống. Việc đạt được giá trị vật chất thì đồng lúc đó đánh mất đi những yếu tố và giá trị của đời sống tinh thần làm cho trạng thái tinh thần con người trở nên hết sức căng thẳng. Chính vì vậy làm sao để sống vui sống khỏe để giải tỏa những căng thẳng đó cũng là một vấn đề quan trọng hiện nay.

MỤC LỤC

 

Chương 1: Nụ cười hoan hỷ

     Ý nghĩa nụ cười

     Niềm vui “Tọa xuân phong”

     Cười như thang thuốc bổ

     Nụ cười trong văn hóa Việt - Tây

     Niềm vui trong kinh Thiện Sanh

     Phước báu và nụ cười

     Gieo hạt giống hạnh phúc

Chương 2: Thiền nụ cười

     Khái niệm “Thiền cười”

     Câu lạc bộ cười

     Nụ cười về phương diện sinh lý

     Đừng lạm dụng nụ cười để mua vui

     Giá trị trị liệu của nụ cười

     Thực tập nụ cười

     Nụ cười trong chánh pháp

     Liệu pháp nụ cười thiền quán

     Trong nghịch cảnh hãy cười khì

     Hãy cười hồn nhiên

     Cười tan muộn phiền

     Nụ cười và chánh niệm với hơi thở

Chương 3: Xả stress

     Mặc cảm: Kẻ gây tai họa

     Quán tưởng giảm stress

     Thất tình nên bị stress

     Vượt qua khổ đau thất tình

     Mẹo vặt giảm stress

     Xả stress theo Phật giáo

Chương 4: Ngủ ngon và hạnh phúc

     Nhu cầu giấc ngủ

     Tác hại của thuốc ngủ

     Thức ăn, uống nên tránh

     Giấc ngủ không mộng mơ

     Lập thời gian biểu

     Hạ nhiệt cơ thể

     Làm cho thân thể mệt mỏi

     Hướng đến cảm giác nhàm chán

     Đừng làm tâm mệt

     Kiểm soát nhận thức

     Tránh ngủ nướng và tiếng ồn

     Ánh sáng và gối ngủ

     Theo dõi hơi thở

     Đồng hồ báo thức

     Quán thi thể và massage

     Đừng bận tâm múi giờ và múi địa lý

Chương 5: Sống vui sống khỏe

     Điệu hò an vui

     Ai nói gì thì mình cứ nghe

     Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều

     Buồn chi mà ba bốn bữa, để tâm tư héo sầu

     Ta cười ta thở thật sâu

     Nỗi buồn tan biến thật mau

     Tang tình tang tính tình tang

 


Chương 1: NỤ CƯỜI HOAN HỶ

Ý NGHĨA NỤ CƯỜI        

  Nụ cười là nghệ thuật bày tỏ tâm tình. Sắc thái của tâm vốn đa dạng và phong phú mà biểu đạt của nó là một nụ cười, đôi khi lại là những giọt nước mắt. Vui quá, người ta vẫn có thể rơi nước mắt. Nụ cười nở trên môi cũng vậy, có thể là biểu hiện của niềm vui sướng tột cùng hoặc một nỗi buồn sâu thẳm. Do đó, nụ cười hoan hỷ rất cần thiết trong cuộc sống vì nó mang lại an vui hạnh phúc, còn tâm sự vui buồn thì nơi đâu cũng có. Các hình thái của tâm thường được biểu thị qua sự vận động của cơ thể. Người có niềm vui, trên gương mặt hiện nét rạng ngời, hớn hở; tinh thần phấn chấn, hân hoan; dáng đi tự tin, thư thái; và nụ cười luôn tươi như hoa.

  Vừa rồi, có một người bán vé số khoảng 70 tuổi mời mua, chúng tôi trả lời rằng: “Tu sĩ không mua vé số, vì không ước mong được hay mất. Sống vượt lên trên ham muốn đó thì niềm vui đạt được rất nhiều”. Bác bèn nói: “Thầy ơi, gia đình tôi khổ lắm, con ở xa, cháu lại thất nghiệp. Mong thầy giúp cho vài tờ vé số, cầu cho thầy trúng độc đắc!”. Chúng tôi mời bác dùng cơm chay, khi ấy bác chỉ nở một nụ cười cám ơn rồi buồn thảm trở lại.

  Trong cuộc sống, người ta dễ dàng nở nụ cười mang lại niềm vui cho kẻ khác, nhưng nở nụ cười cho chính bản thân thì rất khó. Sống cho chính bản thân là sống với một tiến trình của những buồn lo nếu thiếu nghệ thuật quản lý, điều phối, niềm vui sẽ biến mất. Người ta thường mơ tưởng xa xôi rằng, hạnh phúc là nhà cao cửa đẹp, phương tiện vật chất đủ đầy, sự nghiệp, vị trí cao trong xã hội… nhưng ngay cả khi đã đạt được những điều mong ước đó, niềm vui thực sự vẫn không xuất hiện. Bản chất của niềm vui không tỷ lệ thuận với vật chất. Nó là nghệ thuật phối hợp nhằm tạo ra tiến trình quân bình cảm xúc. Niềm vui đạt được bằng cách đó sẽ sâu lắng, nhẹ nhàng, dù bản thân đang đối mặt với mọi biến cố thăng trầm, vinh nhục.

NIỀM VUI “TỌA XUÂN PHONG”

  Người Trung Hoa thường sử dụng cụm từ mô tả niềm vui, “tọa xuân phong”. Gió xuân luôn mang đến sự mát mẻ, dịu dàng, những làn gió nhè nhẹ thổi làm cho tâm hồn và thân thể chúng ta cảm thấy thư thái. Nếu chỉ thưởng thức gió xuân dưới góc độ của khí hậu, thời tiết thì giá trị tồn tại của nó sẽ không lâu, vì chỉ trong chốc lát, sự oi bức buổi trưa bắt đầu xuất hiện. Chúng ta cần thưởng thức “gió xuân” dưới góc nhìn sâu sắc hơn, không phải bằng mắt trần mà phải nhìn bằng tuệ giác. Dưới góc nhìn của tuệ giác, chúng ta cảm nhận mỗi làn gió tượng trưng cho từng cảnh huống trong cuộc đời thổi đến một cách vô tình hay hữu ý. Niềm vui, nỗi buồn thổi đến trong đời mình, nếu không biết cách xử lý, nỗi đau sẽ làm chúng ta mất hết nụ cười. Ngồi giữa gió xuân là trạng thái quán niệm thân thể mình như núi sừng sững giữa nghìn trùng biển khơi, không có bất kỳ dòng cảm xúc nào của buồn lo có thể khống chế và xung kích.

  Khuynh hướng tâm lý tự nhiên của con người thường bám vào những niềm vui, lời ca tụng, thành công, phát triển,… Bằng ngược lại, nỗi buồn sẽ xuất hiện. Như vậy, niềm vui đó chỉ mang tính điều kiện và không tồn tại lâu dài. Ngồi giữa gió xuân với tâm quán chiếu rằng: Mỗi ngọn gió trong cuộc đời có thể đẩy đưa chúng ta đến mười phương trời, tâm sẽ mất phương hướng vì lúc buồn, lúc vui, khi được, khi mất. Do đó phải ngồi vững chãi thì tâm mới được an nhiên thư thái. Giá trị của hạnh phúc nằm ở cách thức sống thản nhiên và thư thái trong cuộc đời.

  Kéo theo niềm vui, có rất nhiều kiểu cười: Cười mỉm chi, cười ngạo nghễ, cười châm biếm, cười gượng gạo, cười tự nhiên, cười thư thái… Mỗi điệu cười thể hiện một sắc thái khác nhau của tâm. Các sắc thái này làm cho tâm chúng ta biến động. Chỉ cần quán chiếu, chúng ta có thể biết người đang mang nụ cười đó chất chứa tâm trạng như thế nào.

CƯỜI NHƯ THANG THUỐC BỔ

  Nụ cười dưới góc nhìn của y học là một liều thuốc bổ. Nó tạo ra quá trình trao đổi chất thu nạp luồng khí trong lành bên ngoài vào cơ thể, máu được tươi nhuộm, các tế bào được làm mới, não trạng được kích thích theo chiều hướng tích cực, thân thể hân hoan và vô cùng nhẹ nhõm. Đôi khi, thiếu nhận thức chúng ta không thấy được giá trị quý báu của thiên nhiên đối với hạnh phúc và sự sống của bản thân. Tập hít thở với nụ cười thư thái thì bao nhiêu phiền não trong cõi lòng sẽ tan theo mây khói.

  Cuộc sống thôn quê có nhiều cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên trong lành. Từ đó, chúng ta liên tưởng đến nghệ thuật thưởng thức gió xuân của tâm sao cho tâm được thản nhiên bình an trước mọi cơn lốc bão táp của cuộc đời. Giá trị an vui đó mới trường tồn.

  Nhiều người chỉ sử dụng nụ cười như một nghệ thuật giao tế. Do đó, cần thiết phải tạo những nụ cười hoan hỷ cho chính bản thân mình. Thân bằng quyến thuộc, những người xung quanh sẽ tiếp nhận giá trị hạnh phúc từ nụ cười của chúng ta. Giữ trạng thái u sầu ủ dột thì dù cố gượng cười, người thân cũng không thể đón nhận niềm vui. Vì chúng ta không tự tạo cho bản thân nguồn hạnh phúc với nụ cười và lòng hoan hỷ nên người khác không thể tiếp nhận được.

  Nhân và quả là một tiến trình song hành, cho nên hãy cố gắng tặng cho người thân giá trị hạnh phúc thông qua sự hoan hỷ. Đắc nhân tâm trong nghệ thuật giao tế với nụ cười chỉ là cách thức sống cho người khác. Đắc nhân tâm với chính mình, với nghĩa cử cao thượng, với tinh thần thư thái, thong dong sẽ làm cho mọi người mến phục một cách tự nhiên, không vì chúng ta có quyền cao chức trọng, địa vị cao sang mà người khác tìm cách ngoại giao làm vui với mình.

NỤ CƯỜI TRONG VĂN HÓA VIỆT - TÂY

  Một bài ca với ca từ như sau: “Ôi thói đời cười ra nước mắt”. Nụ cười đó chỉ toàn nước mắt khổ đau khi quan hệ tình người không phát xuất từ trái tim mà phát xuất trên ngoại giao. Thế giới phương Tây là điển hình trong việc đề cao giá trị riêng tư, cho nên người phương Tây sống bằng ngoại giao nhiều hơn thực lòng. Gặp nhau lúc nào người ta cũng hỏi nhau một câu xã giao quen thuộc: “How are you?”. Tất nhiên, khi đề cập đến câu hỏi đó, họ không hề mong đợi câu trả lời rằng “Tôi rất khỏe”, cũng như họ không hề bận tâm đến chuyện phiền não trong cuộc sống mà người đối diện đang gặp phải. Hỏi như là một nghi thức xã giao: “Bạn khỏe không?” rồi họ ra đi. Người trả lời cũng đáp lại một cách xã giao như một quy ước xã hội: “Tôi khỏe, cám ơn!”, rồi cũng ra đi.

  Cách thức mang niềm vui xã giao như vậy không có giá trị. Nó gần như một phản ứng mà con người khi sinh ra đã được huấn luyện. Nhiều gia đình phương Tây sống cạnh nhau mấy chục năm nhưng vẫn không biết họ tên nhau, cũng chưa từng bước qua cửa nhà nhau, giả sử có bước qua, gia chủ cũng chưa chắc sẵn lòng mời gọi. Chủ nghĩa cá nhân phát triển rất mạnh nên nụ cười của thế giới phương Tây phần lớn là xã giao, không có năng lực mang lại hạnh phúc và an vui cho người khác. Trong khi đó, nụ cười mộc mạc cộng thêm cái tâm với cả tấm lòng khi tiếp xúc, người khác sẽ cảm nhận được giá trị tình người và hạnh phúc có mặt nơi đây.

  “Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên kẻ tâm giao”, đây cũng là cách thức tương ứng với nụ cười xã giao. Khi có điều kiện và phương tiện, nhất hô bá ứng diễn ra như một nghệ thuật. Nhưng khi sa cơ thất thế, cơ hội tìm một lời tâm giao cũng không còn. Ánh mắt nụ cười ngày xưa hớn hở, vui mừng bây giờ chỉ còn là làn gió thổi hay một thoáng chốc mây bay. Tất cả đều vô thường, không có gì bền bỉ. Hạnh phúc trong cuộc đời là sống với nhau bằng tình người, dẫu không giàu sang, phú quý nhưng vẫn rất đẹp. 

  Văn hóa làng xã Việt Nam là một trong những môi trường tạo dựng hạnh phúc, mặc dù ngày nay ít nhiều bị mai một do ảnh hưởng của thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Các dịp lễ hội văn hóa xưa là cơ hội để chúng ta ngồi lại với nhau trong niềm vui, trái tim và tấm lòng, bây giờ chỉ còn là cơ hội để đàn ông nhậu nhẹt, phụ nữ thì đánh bài. Giá trị văn hóa làng xã mất dần trong xu hướng chạy theo chủ nghĩa toàn cầu hóa của phương Tây với các giá trị vật dục. Thế giới phương Tây quá chán ngán đời sống vật chất, họ đang hướng về phương Đông để tìm kiếm những giá trị tinh thần thì chúng ta lại đang vứt bỏ những giá trị quý báu đó. 

  Hạnh phúc là sự bình an của tinh thần, không tỷ lệ thuận với giá trị vật chất mà chúng ta có. Do đó, trong các hội hè lễ tiết, hãy duy trì và phát huy truyền thống văn hóa làng xã vì nó là vành đai của hạnh phúc. Đánh mất gốc rễ văn hóa làng xã thì tình người sẽ không còn mà chỉ đơn thuần là sự giao tế.

  Đại thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Cười rằng, tri kỷ trước sau mấy người”. Tri kỷ trong thế hệ trước không mấy người hiểu ta, tri kỷ trong thế hệ sau cũng tương tự như vậy. Sự chênh lệch thế hệ tạo nên khoảng cách văn hóa. Dòng cảm xúc, tâm tình, nhận thức, ứng xử, ngoại giao, cá tính ở những thế hệ khác nhau sẽ tạo nên những giá trị khác biệt đôi lúc còn dẫn đến mâu thuẫn. Những mâu thuẫn đó không thể tạo ra được nụ cười và niềm vui. Nụ cười và hơi thở của hạnh phúc thường bắt nguồn từ trái tim thật sự hiểu biết. Hiểu biết dẫn đến cảm thông. Thay vì trách cứ, chúng ta có thể tha thứ, tạo ra ranh giới của sự tương nhượng mà hai bên cùng tôn trọng hàng rào tương nhượng đó, không xâm phạm lẫn nhau. Như vậy là chúng ta đã giảm thiểu sự khác biệt đến mức tối đa. Sau đó mở rộng thêm sự hiểu biết cộng đồng và nghiệp chung ở mức độ lớn nhất để niềm vui có thể xuất hiện.

  Trong một tập thể, người trước, kẻ sau, người bên trái, kẻ bên phải cũng không được mấy người hiểu nhau và có cùng chí hướng, không được mấy người có cùng tâm tình buồn vui với mình. Thậm chí hình ảnh các cặp vợ chồng trẻ nắm tay nhau ngồi bên vệ cỏ, dạo bước thong dong trên các lối đi với nụ cười hớn hở trên đường phố cũng chưa chắc phản ánh niềm vui thật sự trong họ, bởi vì sự hiểu biết đôi lúc chưa đạt đến độ đồng cảm giữa hai bên.

  Năm 2000, khi bang Gujarat ở Ấn Độ bị động đất, một phái đoàn Phật giáo Úc châu nhờ chúng tôi hướng dẫn làm từ thiện. Trong phái đoàn có một cặp vợ chồng nhìn vẻ ngoài rất hạnh phúc, chồng đâu vợ đó, luôn quấn quýt bên nhau. Ai trong phái đoàn nhìn vào đều cảm thấy thèm khát hạnh phúc. Một số người trong đoàn nhờ chúng tôi hỏi họ bí quyết gì để được hạnh phúc bên nhau như vậy. Chúng tôi đã đặt câu hỏi với người chồng. Anh ta phải tránh vợ và bộc bạch riêng với chúng tôi: “Thầy ơi, thực sự cuộc đời tôi khổ lắm!” Anh kể rằng vợ chồng anh do cá tính đối lập nên không hạnh phúc. Họ đã đóng kịch với tất cả bạn bè và đang bị đốt cháy trong cách thức giả tạo đó.

  Do đó, nụ cười hoan hỷ thật sự phải phát xuất từ trái tim của sự hiểu biết. Nếu chỉ ngoại giao bên ngoài bằng cái mặc cảm hay sự sĩ diện thì không thể có hạnh phúc thật sự. Đóng kịch để mang lại niềm vui và sự thèm muốn cho người khác trong khi bản thân lại không hoan hỷ thì sự phản nghịch tâm lý khiến tâm chúng ta đau đớn nhiều hơn. Trong khi nằm một mình với sự thiếu hiểu biết, cảm thông của hai bên, nỗi đau đó đốt cháy chúng ta từng giờ. Con cái sẽ là những người đầu tiên nhận ra được bất hạnh này. Chúng ta chỉ có thể che giấu người dưng nhưng không thể che mắt người thân đang sống bên cạnh, hàng ngày chứng kiến sự giao tiếp, sinh hoạt của chúng ta. Do đó, nụ cười ngoại giao không thể có đủ năng lực mang lại hạnh phúc thật sự.

  Cách thức trong tâm lý ứng xử để mang lại niềm vui cho bản thân tùy thuộc vào nghệ thuật vận dụng của tâm. “Trước sau mấy người” là câu trung tính có thể ứng dụng bằng hai, ba sự phản nghịch tâm lý khác nhau. Nếu là người tiêu cực, có tham vọng bất hiện thực thì họ sẽ than vắn thở dài: “Đời tôi chẳng có được mấy người tri kỷ”. Sau những lời than thở đó, họ tự đánh mất những người bạn rất thân ở bên cạnh, vì mong mỏi quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu.

  Giá trị hiện thực như viên ngọc quý ngay bên cạnh, đôi lúc chúng ta lại đánh mất, rồi chạy đi tìm kiếm ở phương trời xa lắc nào đó. Sống với nụ cười, hơi thở trong chánh niệm và tỉnh thức để nhìn thấy được cái hiện hữu của mình là một chân giá trị. Hiện hữu trong lành mạnh, hiện hữu trong hiểu biết, và thương yêu.

  Phản ứng tâm lý thứ hai có thể có ở một số người, nhất là những người lạc quan rằng: “Thật may mắn ít ra tôi cũng có được vài người tri kỷ”. Tâm niệm như vậy, chúng ta sẽ không những cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái mà còn có nguồn an ủi để sống phấn chấn, hân hoan. Thậm chí, người lạc quan cũng có thể liên tưởng rằng Phật hiểu được mình, bởi đức Phật có tuệ giác không bị giới hạn bởi không gian vật lý, không bị ngăn cách bởi thời gian tâm lý. Các việc làm nghĩa nhân cao thượng luôn được Phật quán chiếu dù bạn bè có ganh tỵ, phê bình, chỉ trích, để chúng ta chán nản bỏ cuộc. Do đó đừng dại dột bỏ cuộc, vì như vậy là tự biến mình thành nạn nhân, vẫy tay chào hạnh phúc của phước báu.

  Mỗi giá trị phục vụ tha nhân và đóng góp cho cộng đồng đều mang đến niềm vui sâu lắng tồn tại lâu dài. Nếu không ai hiểu chúng ta, ít nhất đã có đức Phật thấu suốt, đừng lo sợ, chán nản hay thất vọng. Nên học theo thái độ tâm lý thứ hai: “Thật may mắn ít ra tôi cũng có được vài người tri kỷ”. Bản chất cuộc đời không bao giờ diễn ra theo chiều hướng chúng ta mong đợi mà diễn ra theo tiến trình nhân quả của con người, của thiên nhiên, giữa con người với thiên nhiên, và giữa con người với con người. Ước nguyện chỉ là chất xúc tác để nhân diễn ra, còn quả lại tùy thuộc vào duyên. Do đó, mơ mộng nhiều, thần tượng quá, lý tưởng cao, khao khát cháy bỏng, tham vọng tột cùng thì khổ đau càng chồng chất. Ngôn ngữ Phật giáo thường gọi là “cầu bất đắc khổ”.

  Phật pháp dạy hãy sống với hiện thực. Sống thực, làm thực thì kết quả sẽ có thực. Mơ màng mong ước xa xôi không đem đến một kết quả nào, chúng ta sẽ chìm ngập trong nỗi đau của những điều không thành tựu. Trong tình huống không ai hiểu mình, hãy mỉm cười với vận mệnh, với số phận, với nhân quả và những tình huống; luôn tin chắc tự mình sẽ vượt qua. Vận mệnh do chính hành vi của chúng ta tạo bởi sự dẫn dắt của nhận thức trong tâm. Tâm thay đổi, vận mệnh sẽ thay đổi theo, vì nó chịu chi phối bởi một loạt các hành vi và nghiệp. Vì vậy, hãy cười hoan hỷ, hãy tích cực, hãy làm mới, chúng ta sẽ có được những giá trị mình mong đợi.

NIỀM VUI TRONG KINH THIỆN SANH

  Kinh kể rằng, một sáng nọ, đức Phật và A Nan cùng 1.250 vị Tỳ kheo cất bước thong dong qua các cánh đồng để tạo ruộng phước cho bá tánh phát tâm cúng dường. Đức Phật và đại chúng đã dừng lại ở một ngôi nhà đơn sơ, tuy nghèo nhưng gia chủ rất giàu lòng nhân ái. Mặc dù không biết đức Phật là ai, chỉ thấy ánh áo vàng thư thái, nụ cười an nhiên với những bước chân thoát tục, bà cảm thấy tâm mình hân hoan theo. Phát tâm nhưng không có gì để cúng ngoài trái me, trái quýt, ly nước mời đức Phật cùng đại chúng. Trong lúc nhận phẩm vật, một đàn heo chạy đến bên chân Ngài và các vị Tỳ kheo. Phật mỉm cười nhìn đàn heo. A Nan và các vị Tỳ kheo rất đỗi ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy Phật cười với một con heo. Chắc hẳn phải có duyên cớ.

  Duyên cớ này được đức Phật kể qua câu chuyện tiền thân. Kiếp trước của con heo này là một con gà mái sống trong ngôi tu viện lớn. Tăng chúng trong tu viện rất tinh tấn. Sáng tinh mơ, các vị đã thức dậy ngồi thiền, sau đó đi từng bước giữa cuộc đời để thuyết pháp độ sinh cho người hữu duyên. Con gà mái sống trong tu viện cảm thấy an ổn, nó tiếp nhận trường lực của lòng từ bi từ những vị xuất gia và rất hạnh phúc. Vì là gà mái nên nó không biết gáy. Tuy nhiên, cứ mỗi sáng sớm, nó luôn cất tiếng gáy “Ò ó o…” bắt chước gần như một con gà trống. Qua âm thanh lạ lùng đó, các vị Tỳ kheo được thức dậy đúng giờ để thực hiện thời tu tập. Nụ cười, hơi thở buổi sớm với không khí trong lành của gió, mây, không gian bạt ngàn giữa sự tĩnh lặng và an lạc đã tươi nhuận thân tâm các vị xuất gia. Nhờ đó, họ đã làm Phật sự rất tốt.

  Sau khi hóa kiếp, con gà mái được tái sinh làm công chúa nhân từ. Vì tiền thân được sống trong vùng từ trường của lòng từ bi nên đi đến đâu nàng cũng khuyến tấn người dân làm lành lánh dữ. Bản thân nàng luôn tiên phong trong việc giúp đỡ những khu làng xóm nghèo khó. Vì muốn lấy lòng nhà vua nên những người thân cận giàu có luôn hưởng ứng tất cả những gì công chúa làm. Nàng tận dụng phước duyên này đến nhiều nơi để làm từ thiện, xây dựng làng xóm, nâng cấp đường sá, chăm sóc đời sống dân chúng…

  Có lần, công chúa tình cờ nhìn thấy một đống dòi bọ lúc nhúc, nàng liên tưởng đến nhan sắc của mình và cảm thấy đây là một phước báu rất lớn không phải bỗng dưng mà có được. Nàng được như hôm nay là kết quả của những hạt giống thiện đã gieo trồng trong quá khứ, trong khi loài dòi bọ bất hạnh này phải sống bằng chất phóng thải. Từ khi nhìn thấy hình ảnh đám dòi bọ và quán tưởng phước báu, sự khác nhau của những hành động dẫn đến phước và nghiệp, công chúa lại làm nhiều việc phước hơn.

  Khi qua đời, nàng tái sinh lên cõi trời Phạm thiên hưởng an lạc hạnh phúc nhiều kiếp, nhiều năm. Trên cõi trời, nàng lại quên gieo trồng phước báu, chỉ đắm say trong hưởng thụ. Phước báu rơi vào tình trạng “tọa thực sơn băng”, ngồi hưởng mãi thì núi phước cũng lở. Cuối cùng, nàng đã không kiềm chế được thân phận “lên voi xuống chó” của mình, rơi vào tình huống ganh tỵ, làm điều xấu. Sau khi chết, tái sinh thành con heo. Nghiệp lực làm cho loài heo gắn liền với những thứ bẩn thỉu, dơ dáy để hưởng thụ vật chất, to thân béo bụng, nhưng não trạng lại không có gì. Chính vì vậy, nhà Phật nói, làm được thân phận con người là hạnh phúc lớn nhất mặc dù không ít người phải chịu khổ đau: Khiếm thị, khiếm thính, tàn tật, bệnh hoạn hoặc nghèo khó… Nhưng dù sao con người vẫn có ý thức, có ngôn ngữ để truyền thông, và khả năng lao động.

  Như vậy, hạnh phúc không phải là sự hưởng thụ mà là cách thức nhìn thấy giá trị mình đang có, phát huy nó theo cách để mang lại hạnh phúc và an vui lâu dài, không bị thăng trầm trong nhân quả của phước báu và tội báo.

  Trong một tiến trình thời gian, chúng ta thấy sự thăng trầm trong phước báu của con heo nhanh như trở bàn tay. Từ một con gà mái không có ý thức, giao cảm được từ trường của các vị xuất gia nên phát tâm trở thành đồng hồ báo thức, góp phần mang lại hạnh phúc cho cuộc đời. Công việc nho nhỏ ấy tưởng chừng như không có ý nghĩa nhưng nếu được thực hiện bằng cả trái tim, tấm lòng thì cũng có thể làm thay đổi vận mệnh.

PHƯỚC BÁU VÀ NỤ CƯỜI

  Người Phật tử đi chùa phát tâm làm công quả, không cần phải nói, phải tâm sự, trò chuyện mà hãy để tâm tĩnh lặng, lắng nghe lời kinh, tiếng pháp. Khi có năng lực hành trì thì chỉ cần niệm Phật thầm trong tâm để không gian của chùa vốn yên tĩnh trở nên trang nghiêm và mang giá trị cao hơn. Chúng ta cúng dường vị trí ngồi trên điện Phật cho các vị pháp hữu khác là đã gieo được phước báu của sự cúng dường, lại làm công quả ở nhà bếp sinh thêm phước báu thứ hai. Giữ im lặng, không đánh mất sự tập trung của người khác thì có được phước báu thứ ba. Nghe pháp thoại, tâm đắc một câu nào đó thì giá trị theo tinh thần Phật dạy mang lại phước báu thứ tư, chuyển hóa cuộc đời mình. Khi cuộc đời mình thay đổi, những người thân sẽ thay đổi theo, đó là phước báu thứ năm. Như vậy, bằng một hành động công quả đơn giản đã có đến năm phước báu khác nhau. Và nếu chúng ta mạnh dạn chia sẻ những giá trị đạt được cho người thân lại có thêm phước báu thứ sáu…. Có được phước báu với nụ cười hoan hỷ, chỉ cần với trái tim, tấm lòng là chúng ta tự biết việc gì cần để làm.

  Hạnh phúc bắt nguồn từ những công việc rất nhỏ. Ai đợi chờ chuyện lớn mới làm sẽ vĩnh viễn không có cơ hội nhận được phước báu. Tích tụ những việc nhỏ về lâu về dài, việc “góp gió thành bão” này sẽ tạo ra núi công đức giúp chúng ta vượt qua các ách nạn trong cuộc đời. Có một Phật tử tên Hoa Tài ở đạo tràng Pháp Hoa của Hòa thượng Trí Quảng, đã phát nguyện cúng dường phần ẩm thực trong tất cả các lễ ở chùa. Phước báu tạo ra sự đầy đủ về ăn uống giúp cho các vị tu sĩ tu tập tốt hơn sẽ đem đến cho cô cuộc sống giàu có sung túc ở kiếp sau.

  Đức vua Thái Lan hiện tại đã 80 tuổi, trị vì 60 năm, là vị vua trị vì lâu nhất trên thế giới. Mỗi khi biết nhà vua dự định đi đến những làng quê hẻo lánh, các bộ trưởng, quan chức, nhà kinh tế, nhà văn hóa phải cho mở mang đường sá, xây sửa cầu, lót đường cho vua đi. Lợi dụng điều đó, mặc dù ốm đau bệnh tật nhưng mỗi năm nhà vua cũng cố gắng đi đến vài chục địa điểm khác nhau, đặc biệt những làng quê nghèo khó, hẻo lánh, chưa có đường sá, cơ sở hạ tầng. Làng mạc được sửa sang, làm mới và dân cư nơi đó được sung túc, hạnh phúc hơn. Khi đến nơi, nhà vua không quên mời các nhà sư giảng kinh, thuyết pháp để nơi đó vừa có được sự sung túc về vật chất mà vừa có thêm giá trị tinh thần.

  Nếu là những người có vai trò như trưởng lão của một làng xã hay ông bà tổ tiên của một gia tộc, đến ngày lễ của làng xã, văn hóa của họ tộc, chúng ta nên đề xuất việc thiện nguyện. Vì kính nể nên con cháu sẽ hưởng ứng. Như vậy, chúng ta đã gieo phước duyên cho con cháu và người thân của mình. Nói cách khác, chính mình là trục xoay, là hạt nhân của phước báu. Đề xướng phải đi đôi với phát tâm thực hiện. Chỉ nói suông mà không hành động thì sẽ không được hưởng ứng mạnh. Đó là cách thức chúng ta tạo ra tình quyến thuộc trong chánh pháp, tình thân trong hạnh phúc. Nhờ đó, đời này qua kiếp khác, chúng ta sẽ lại gặp những người biết làm phước, sống hạnh phúc, tâm thơ thới nhẹ nhàng.

  Một cặp vợ chồng hiện nay là chủ tiệm cơm chay Phước Hải. Cách đây ba năm, họ làm nghề bán vé số. Họ đã ước nguyện rằng, nếu được giàu sang sẽ lập một quán cơm chay để gieo hạt giống của tình thương và từ bi, giảm bớt nghiệp sát của người. Quả nhiên, sau lời phát nguyện đó, vợ chồng họ trúng số độc đắc, bèn cất một ngôi nhà khang trang, phát tâm trùng tu một ngôi tịnh xá khất sĩ ở gần nhà và làm rất nhiều việc thiện. Phước báu đó càng làm gia tăng phước. Tuy nhiên, bà Phật tử này có may mắn là lời nguyện cầu được báo ứng. Có rất nhiều người cũng nguyện cầu nhưng không được, hằng ngày bỏ ra ít tiền với niềm mơ ước tốt, nụ cười hy vọng nhưng rồi chúng nhanh chóng trở thành sầu não, xanh xao. Thay vì vậy, hãy mua một con heo công đức để dành những khoản tiền lẻ, nửa năm hoặc ba tháng, chúng ta đến ngôi chùa gần nhất hoặc những trung tâm từ thiện xã hội, dẫn theo trẻ nhỏ và đưa chúng tự tay cúng dường cho quý thầy hay những hoàn cảnh neo đơn, bất hạnh. Công đức của việc cúng dường này có hiệu năng gấp đôi so với việc làm một cách giấu giếm, thầm lặng.

  Nhiều nữ Phật tử đã phải giấu chồng con khi làm từ thiện. Họ giải thích vì sợ chồng cằn nhằn, con cái không cho tiền nữa. Khi tiếp nhận phần hiếu thảo của con cháu, chúng ta nên để chúng biết rằng hạnh phúc của mẹ là mang lại niềm vui cho người khác. Do đó, nếu con cháu muốn mẹ hạnh phúc thì cũng nên tùy hỷ việc làm của họ. Thiện nguyện là một việc tốt, cần phải xã hội hóa để nhiều người cùng làm, không nên giấu giếm làm một mình. Chúng ta cần giải thích cho vợ hoặc chồng biết đây là nghĩa cử cao thượng có giá trị mang lại niềm vui. Khuyến tấn con em nhỏ tuổi tự tay tích tụ con heo công đức dưới sự chứng kiến của người lớn. Biết phát tâm từ nhỏ, sau này khi lớn lên chúng sẽ không tiêu xài tiền phung phí vì đã thấy được nỗi khổ, niềm đau, sự chắt bóp, dành dụm mới có được. Nên hướng dẫn con em nở một nụ cười, chắp tay xá chào và mong người tiếp nhận được an vui, hạnh phúc. Niềm hoan hỷ trong sự cúng dường sẽ gia tăng phước báu một cách tự nhiên gấp nhiều lần dù chúng ta không mong cầu.

GIEO HẠT GIỐNG HẠNH PHÚC

  Bản chất của nghiệp sẽ quyết định mọi thứ diễn ra trong cuộc đời. Không có ông trời hay thần linh, mẹ sanh mẹ độ, quan công thổ địa hoặc bà chúa xứ nào có thể can thiệp vào vận mệnh của chúng ta. “Quy y Phật, bất quy y thiên thần quỷ vật”, khi đã phát nguyện làm đệ tử Phật thì không nên tin có trời, thần linh, ma quỷ và các vật linh trong các nền văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Đức Phật là tổ phước duy nhất trong cuộc đời với tuệ giác vô cùng. Theo Ngài, chúng ta thực tập nhân quả, từ bi hỷ xả, thực tập mang lại niềm vui và nụ cười cho người khác,… hạnh phúc đến trong những việc làm cao thượng mà mình tự gieo trồng. Khi quy ngưỡng một bậc thầy như vậy, chúng ta không cần phải quy ngưỡng thêm bất cứ một vị thầy nào khác.

  Thái độ không gieo trồng các hạt giống tốt mà lại mong chờ quả tốt bằng cách đi cầu thần, cầu bà, cầu các vật linh, yếu tố của lòng mê tín làm cho sự si mê luôn có mặt bên chúng ta. Nơi nào lòng si mê chưa được chuyển hóa thành tuệ giác, nơi đó còn khổ đau. Người theo Phật không nên thờ nhiều trong nhà, chỉ thờ các vị Phật, mỗi vị mang một hạnh nguyện và hạnh nguyện đó gắn liền với tên tuổi của các Ngài. Chẳng hạn, khi thờ đức Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta phải học hỏi hạnh lắng nghe thông qua sự quán chiếu nỗi khổ niềm đau, sự than thở của người thân, người dưng và cộng đồng xã hội nói chung, hiểu và giúp họ vượt qua nỗi khổ, niềm đau đó. Mỗi hành động dấn thân, hy sinh là chúng ta đã tạo được nụ cười, sự hoan hỷ ở người khác.

  Đừng thờ Phật và Bồ tát theo cách cầu nguyện để các Ngài gia hộ cho mình. Dĩ nhiên, khi làm việc tốt, nhân quả sẽ tự gia hộ và Phật gia hộ là điều chắc chắn. Không làm gì mà chỉ cầu nguyện sẽ không ai giúp. Giả sử Phật và Bồ tát giúp đỡ thì hóa ra các Ngài là những vị quan liêu: Ai van xin lạy lục thì được giúp. Sự thật lòng từ bi của các Ngài không giống con người. Do đó, phải đến với chư Phật bằng hạnh nguyện để học hỏi những tấm lòng vô ngã vị tha, những hành động mang lại nụ cười và niềm vui cho cuộc đời đầy lầm than; có như vậy, chúng ta mới thật sự là đệ tử Phật.

  Đừng phụng thờ bà Chúa Xứ, bởi vì nếu phụng thờ, cầu nguyện bà giúp đỡ với phẩm vật dâng cúng là heo, gà là chúng ta đang gây nghiệp sát sinh. Phước chưa thấy mà nghiệp đã gieo, hạnh phúc chưa có mà tội lỗi, khổ đau đã có mặt. Người nam cũng không cần phải thờ Quan Công, vì đức Phật đã có bi trí dũng. Đó là sự hùng cường, bất khuất, nghĩa khí, cương trực, vô úy, sống bản lĩnh với đạo đức, với hạnh phúc, bản lĩnh với tâm linh, với các giá trị phục vụ vô ngã của mình. Ở đức Phật có đủ tất cả các tính đó, cho nên chúng ta không cần phải nương vào các vị thần ở tôn giáo khác để tìm những đức tính này. Đại đạo Tam kỳ phổ độ có thờ Phật, Chúa, Thần thánh, thờ Ông, các bậc vĩ nhân… nhưng Phật luôn được đặt ở vị trí cao nhất.

Giá trị của đức Phật và đóng góp của Ngài vô biên. Các tôn giáo khác có cái nhìn khách quan đã đặt Ngài riêng trên tầm cao so với các đấng thần linh khác vì giá trị cống hiến xứng đáng. Chúng ta là Phật tử mà không thấy được điều đó, lại đi thờ các thần linh và chỉ mong cầu lợi lộc cho bản thân mình, tâm sẽ trở nên ích kỷ nhỏ nhoi, mất hết phước báu. Chủ nghĩa hưởng thụ lấy bản thân làm nền tảng, không mảy may bận tâm đến người khác, những kẻ làm điều xấu xa, độc ác, tù đày cũng chỉ vì nghĩ đến cái tôi quá lớn của mình. Chúng ta cần học Phật để mở rộng tâm mình, gieo các hạt giống phước báu lớn hơn. Niềm vui, nụ cười của mình chính là hạnh phúc của người khác. Nghĩa là, phải dấn thân phục vụ, giúp cho cộng đồng, xã hội và nhân loại.

Hưởng thụ thường dẫn đến các hệ lụy. Chủ nghĩa toàn cầu hóa của nền văn hóa phương Tây đang lan tràn ở châu Á. Là người Việt Nam, nếu không biết cách, bên cạnh sự tiếp thu các giá trị văn minh, kinh tế của phương Tây, chúng ta sẽ lẫn theo cả rác rưởi của nền văn hóa vật dục, làm cho con người mất gốc rễ hạnh phúc. Dẫu có là triệu, tỷ phú giàu nhất thế gian, mỗi ngày cũng chỉ cần có ba nhu cầu: Ăn, mặc và ngủ. Giàu đến đâu thì đêm cũng chỉ ngủ trên một chiếc giường, ngày ăn ba bữa, mặc cũng không quá ba bộ mỗi ngày. Ăn mặc, ở, ngủ nghỉ hay những nhu cầu thường nhật nói chung chỉ mang lại các giá trị hạnh phúc giác quan. Những giá trị đó rất giới hạn, mang tính điều kiện, không biết sẽ dẫn đến đắm trước và phá vỡ hạnh phúc thật sự. Nhiều người khi so sánh mình với người khác giàu hơn, sung túc hơn đã không chịu nỗ lực tự thân mà đua đòi dẫn đến đánh mất chính mình. Chạy theo vinh hoa phú quý là đánh mất tư cách, nụ cười sẽ không lâu dài.

  Có lần, chúng tôi đến trại giam K.20, tỉnh Bến Tre, thuyết giảng cho 1.847 phạm nhân tuổi đời từ 18 đến 30. Các tội danh ở đây thường là cướp giật tài sản, buôn bán ma túy, môi giới mại dâm và các quan tham ô, rút ruột công trình. Tuổi đời còn trẻ lẽ ra là lực lượng đóng góp rất nhiều cho đời sống xã hội, quê hương đất nước, chỉ vì chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ và mất phương hướng nên dẫn đến khổ đau cùng cực. Mỗi ngày gỡ một tờ lịch trôi qua trong niềm đau đớn, ân hận. Người xưa từng nói “Một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài”, do thời gian dày vò tâm lý đã làm cho người chịu đựng cảm thấy dài đằng đẵng với trạng thái mỏi mệt, căng thẳng, mặc cảm, giằng xé lương tâm. Chưa kể đến nhân tình thế thái, lúc còn ăn sung mặc sướng, có người chu cấp thì quấn quýt yêu thương; bây giờ trở thành phạm nhân thì họ xa lánh, không thèm thăm viếng. Nhiều cha mẹ, gia đình có con trong tù cảm thấy như trút được một gánh nặng. Tù nhân bị các quản lý trại giam xem như tội đồ, khinh khi dè bỉu. Tình trạng đại bàng đen, đại bàng đỏ lấn lướt, hà hiếp cũng làm mất an vui. Có tiền phải giấu giếm, trở nên bỏn xẻn, nếu không muốn bị trấn lột bởi đại bàng, đàn anh đàn chị, ma cũ bắt nạt ma mới. Đó là thế giới của khổ đau, mạnh hiếp yếu, con người ở trong môi trường đó nếu không biết cách sẽ trở nên hẹp hòi, ích kỷ.

  Nhân vật Trư Bát Giới trong Tây Du Ký là ví dụ điển hình. Nhân vật này chỉ có hai tay chân như người, còn lại là mõm heo, đầu heo, tai heo, bụng heo, tướng đi heo, ăn uống giống heo, cá tính heo, não trạng, hành động, ứng xử, giao tế hoàn toàn heo. Cuộc hành trình tâm linh của thầy trò Đường Tăng từ Trung Hoa sang Tây Trúc gặp trở ngại 108 nạn cũng từ con heo này. Khi còn ở trên cõi trời, ông là Thiên Bồng Nguyên Soái, vì chủ nghĩa hưởng thụ mà bị đày xuống trần gian. Nghiệp tạo trên thiên đình là tán tỉnh, hưởng tình, hưởng vật dục, ăn nhậu nên đọa xuống làm con heo. Nỗi khổ niềm đau của Trư Bát Giới không chỉ giày vò bản thân mà còn phiền lụy đến thầy trò Đường Tăng.

  Đức Phật đã kể câu chuyện của con heo nhân dịp gia chủ phát tâm cúng dường để đưa tất cả chúng ta vào một sự suy tư về tiến trình nhân quả trải qua trong ba đời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Thấm nhuần luật nhân quả, chúng ta mới bắt đầu nỗ lực gieo những hạt giống tạo ra nụ cười, hạnh phúc, phước báu lâu dài. Muốn được như vậy, chúng ta phải làm lành, lánh dữ, thà nghèo giữ được nhân tâm đạo đức thì giá trị hạnh phúc đó sẽ theo ta mãi. Theo kinh Phật, ai sống đời giữ năm điều đạo đức, quy ngưỡng Phật như là một nền tảng tâm linh, quy ngưỡng lời Phật dạy như là nền tảng tri thức của tinh thần, quy ngưỡng những vị xuất gia chân chính như là người hướng dẫn tại các chùa, thì người đó sẽ không bao giờ sợ hãi. Sống theo đạo đức thì nơi đâu chúng ta cũng thản nhiên vui cười.

  Thế giới giang hồ là thế giới của thanh trừng, loại trừ và giết chóc. Bàn tay đẫm máu này sẽ bị bàn tay của kẻ khác vấy máu lại. Nguyên lý “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” sẽ làm cho thế giới đó không có được một ngày hạnh phúc thật sự. Những kẻ đàn anh đàn chị cũng chỉ sống trong ảo giác chứ không thể là đàn anh đàn chị thật sự. Chúng ta sử dụng điều kiện vật chất từ mồ hôi nước mắt lương thiện của chính mình giúp đỡ người khác có nụ cười hạnh phúc thì vị thế của chúng ta được tôn trọng, quý kính và thương yêu. Gây đau khổ cho người, nghiệp báo đó sẽ theo đuổi bằng tù đày, bệnh tật, chết yểu, khổ đau, và một tiến trình tái sinh rất bất hạnh.

 

***

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Đăng nhập