26 - Tâm và Ta

Đã đọc: 11031           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

MỤC LỤC 

Lời giới thiệu

Lời nói đầu

Chương 1: Ta

     Cái Ta

     Đặc tính của ngã

     Nội kết

Chương 2: Vô ngã

     Vô ngã là gì ?

     Vô ngã và Tánh Không

     Hai loại ta

     Lợi ích của vô ngã

Chương 3: Vô ngã còn gì ?

     Vô ngã còn gì?

     Vấn đề ngôn ngữ

     Vô ngã còn tâm

     Tâm và kinh

Chương 4: Tâm

     Tâm là gì ?

     Lộ trình tâm

     Tóm lược

Chương 5: Từ tâm ra ta

     Ta ở đâu ra ?

     Nghi vấn

Chương 6: Từ ta về tâm

     Đưa tâm trở về

     Làm sao từ bỏ ái dục?

     Con đường trở về

     Thiền Tứ Niệm Xứ

     Trở về chân tâm

     Nghi vấn

Kết Luận

     Chú giải danh từ Việt Phạn

     Sách tham khảo

 


 Lời Giới Thiệu

Tâm và Ta của Thầy Thích Trí Siêu gồm hai phần. Phần đầu có 3 chương, phân tích học thuyết vô ngã, là phần mở rộng của quyển Vô ngã do chính tác giả xuất bản năm 1990. Phần hai gồm 3 chương, phân tích bản chất của tâm, dựa vào kinh điển Pàli và Đại thừa.

Ý niệm về cái ta/ tôi, thường được hiểu trong mặc định xã hội là con người. Theo Phật giáo, con người là một tổ hợp của thân và tâm. Thân được cấu tạo bởi bốn yếu tố: đất (nguyên lý chất rắn), nước (nguyên lý chất lỏng), gió (nguyên lý vận động) và lửa (nguyên lý nhiệt lượng). Tâm là tổ hợp của bốn nhóm: cảm xúc (thọ), tri giác (tưởng), tâm tư (hành) và nhận thức (thức). Do chấp vào mặc định xã hội, ta có thói quen đẳng thức hoá cái gọi là “tôi” với một trong bốn nhóm sau đây: a) Tôi = thân, b) Tôi = tâm (thọ, tưởng, hành hoặc thức), c) Tôi = thân + tâm, d) Tôi = sở hữu, e) Tôi = tên gọi, f) Tôi = vị trí xã hội. Từ nhận thức sai lầm vừa nêu, con người xã hội sống trong khổ thân, khổ tâm hoặc cả hai do nội kết giữa ta và người.

Vô ngã trong nguyên ngữ Pàli là Anatta, có nghĩa đen là “chẳng phải là ta”. Tiết đầu ngữ “a” trong thuật ngữ này không sử dụng dưới nghĩa phủ định từ “không có” như trong các bản dịch chữ Hán “vô”. Tiết nguyên ngữ “a” cần được dịch là “phi”, tức “chẳng phải là”. Anatta do đó có nghĩa “chẳng phải là tôi”, khác hoàn toàn với “không tôi”. Không có cái tôi được hiểu sự hiện hữu của con người là không có, trong khi trên thực tế là có thật, từ đó, dịch ngữ “vô ngã” dẫn đến các hiểu lầm về lời Phật dạy như vừa nêu.

Khi gọi là chẳng phải là tôi, một mặt ta thừa nhận tổ hợp tâm vật đã từng, đang từng và tiếp tục hiện hữu cho đến khi con người nhắm mắt lìa đời. Mặc dù thế, sự hiện hữu đó theo đức Phật là mang tính điều kiện, do nương tựa vào nhiều yếu tố mà hình thành (duyên khởi). Cái gì mang tính duyên khởi, cái đó sẽ biến hoại với thời gian.

Về phương diện mặc định xã hội và luật pháp quốc gia cũng như quốc tế, “phi ngã” như vừa nêu vẫn tiếp tục thừa nhận các  hành vi, hậu quả của hành vi ở hiện tại và tương lai. Do đó, theo Phật dạy, kẻ gây tạo những điều bất thiện như giết người, trộm cắp, lừa đảo, ngoại tình v.v… phải đối diện với các khung hình phạt nặng nhẹ tuỳ theo luật pháp của các quốc gia. Việc sống ngoài vòng luật pháp của một số phần tử xã hội đen, do tinh ranh hay được bao che, chỉ là nhất thời. Tác nhân của các hành vi bất thiện phải gánh lấy các hậu quả về phương diện luật pháp và nhân quả. Phi ngã không có nghĩa phủ định sự hiện hữu của con người về phương diện xã hội và luật pháp, mà nhằm phân tích tính tổ hợp và không có tự tính về phương diện vật lý trong thế giới hiện thực.

Nếu vô ngã là tính duyên hợp và tính không thực thể của sự vật và hiện tượng về phương diện vật lý thì vô thường là tính thời gian không có bắt đầu và không có kết thúc, theo đó cái tạm gọi là tôi chỉ là một hiện hữu tổ hợp chịu sự chi phối khốc liệt của thời gian. Trong hàng trăm bài kinh, đức Phật thường dạy rằng: “thân thể là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ cần phải quán vô ngã. Quán vô ngã cần được thực hiện với chánh trí là: cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi. Nhờ thực tập như thế, ly tham có mặt, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát” (nhiều bài kinh trong Tương Ưng Bộ kinh).

Vô ngã về phương diện tâm lý là thái độ khiêm cung trong chân thành và giản dị. Người thực tập vô ngã sẽ giải phóng được tâm khinh mạn do cậy tài ỷ sức, thái độ phỉ báng người do nghĩ mình giỏi hơn, thái độ loại trừ do muốn mình được độc tôn. Đối lập với sự cống cao ngạo mạn, người chấp ngã có khi rơi vào mặc cảm (về xuất thân, vị trí xã hội, ngoại hình và năng lực kém) và mất tự tin. Từ đó dẫn đến các biến thái phức cảm tâm lý như ganh tị hơn thua, an phận thủ thường, nhút nhát, vô cảm và tuyệt vọng.

Tác giả đã dựa vào nhiều kinh điển khác nhau nhằm phân tích “vô ngã” dưới góc độ không thực thể, vô chủ, không có thật từ góc độ vật lý cho đến triết học tánh không; đồng thời còn giải thích các nghi vấn và các hiểu lầm về vô ngã. Người thực tập vô ngã sẽ giải phóng được tham, sân, si, có thái độ chịu đựng và kiên trì, dấn thân trên Bồ-tát đạo để đạt được tuệ giác.

Tác giả đã khéo léo phân tích vô ngã về phương diện triết lý nhưng con người xã hội vẫn phải tiếp tục tạo nghiệp, chịu quả báo, tu chuyển hoá để được giải thoát hoặc tiếp tục tái sinh trong thế giới hiện hữu. Các tấn công và phê bình của Bà-la-môn giáo về học thuyết vô ngã thường là do không hiểu được vấn đề nêu trên. Theo tác giả, con người mặc dầu vô ngã vẫn còn đó cái tâm thiện và ác, phàm và thánh. Sau khi con người chết, kho tàng thức tâm khởi rời khỏi cơ thể, mang theo các hạt giống trong kiếp sống và tiếp tục đi đầu thai theo nghiệp. Các hiện tượng thần đồng, năng khiếu bẩm sinh, tiềm năng và sở trường vốn thiên sai vạn biệt trong thế giới con người và động vật là do sự không mất đi của kho dự trữ các hạt giống của tâm này.

Khái niệm tâm trong đạo Phật (citta) được hiểu nôm na là chủ thể nhận thức, phán đoán và đánh giá thế giới hiện tượng và bản thân. Nói chung là các tri giác: “thấy, nghe, ngửi, nếm”. Đi xa hơn, A-tì-đạt-ma, Tâm lý học Phật giáo, còn phân tích hai phương diện khác của tâm là ý và thức. Ngoài ra còn có các thái độ tâm lý, được gọi là tâm sở (cetasika). Theo A-tì-đạt-ma, có 89 tâm được phân làm bốn nhóm: 1) Tâm dục giới: gồm 54 tâm. 2) Tâm sắc giới: gồm 15 tâm. 3) Tâm vô sắc giới: gồm 12 tâm. 4) Tâm xuất thế: gồm 8 tâm.

Tác giả đã giới thiệu một cách bao quát về luồng tâm, lộ trình tâm, đồng thời so sánh với Duy thức học Đại thừa và Thiền tông. Các khái niệm tánh giác, bản tánh, hậu tánh, chơn tâm, bản tâm, vọng tâm đều được giải thích cặn kẻ. Các hình thức tâm trong giấc ngủ và mộng mị, tâm của trung quán thân và các biểu hiện của phiền não sở dĩ có mặt là do thiếu sự làm chủ tâm. Đưa tâm trở về bản thể thanh tịnh là một tiến trình chuyển hoá tham ái, sân hận và si mê. Vận dụng các pháp quán bất tịnh, biệt tướng, tai hại của sắc dục có khả năng giúp hành giả thanh lọc tâm. Áp dụng Thiền tứ niệm xứ, quán chiếu bản chất của thân thể, cảm giác, tâm nhị nguyên và các ý niệm trong nó sẽ giúp hành giả đạt được chánh niệm tỉnh thức trong đi, đứng, nằm, ngồi, co duỗi, nói nín, động tĩnh, thức và ngủ. Làm được như thế, sự trở về chân tâm là một hiện thực.

Đọc “Tâm và Ta”, độc giả sẽ thấy rõ trọng tâm của tu tập Phật giáo chủ yếu là phá chấp ngã và chấp tâm. Không chấp ngã, con người sẽ được thong dong, tự tại và giải thoát. Làm chủ được tâm, hành giả trở thành bậc thánh. Dầu không có cao vọng muốn độc giả chứng đạt thánh quả, tác giả của tác phẩm này chỉ muốn nhắn gửi một thông tin rất thật là: “Bạn không phải là thân xác này, đừng nhận lầm thân xác, thọ, tưởng, hành, thức là ta”. Bản chất và lý lịch thật sự của bạn là tâm “chơn tâm”, tức “tâm thanh tịnh, vắng lặng, vô sinh diệt và vô ngã.”

                              Giác ngộ, ngày 04-08-2010

                                       Thích Nhật Từ

              Phó viện trưởng HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh

 


Lời nói đầu

Nhiều người đến với đạo Phật để tìm cách giải trừ phiền não, khổ đau. Họ đọc tụng kinh chú, ăn chay, niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí, nhưng lại không biết diệt trừ bản ngã thì phiền não và khổ đau vẫn còn hiện hữu. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo vẫn chấp vào cái Ta, kiêu căng, ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi; đến khi cái ngã bị trái ý, tổn thương thì giận dữ, sân si tạo khẩu nghiệp mắng chưởi, mạ nhục kẻ khác. 

Nhiều Phật tử thường hỏi tôi có cách gì tu cho bớt tham, sân, si không? Chẳng lẽ họ không biết tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền hay sao? Nhưng tụng kinh để sửa đổi tánh tình hay để cầu xin được phước? Niệm Phật để sinh về Cực Lạc hay để bớt lo âu, buồn giận? Trì chú để đạt được quyền năng, thần thông hay để diệt trừ tham lam, sân hận? Ngồi thiền để làm cái gì? Kiến tánh thành Phật chăng? Nhưng làm sao thành Phật được khi bản ngã không trừ? 

Dù tu theo bất cứ pháp môn nào, Thiền, Tịnh, hay Mật mà còn chấp ngã, không biết dẹp trừ bản ngã, lúc nào cũng lo cho cái ngã của mình hơn kẻ khác thì phiền não không giảm mà nhiều khi còn tạo thêm nghiệp xấu.

Cách đây 15 năm (năm 1990), tôi có viết quyển “Vô Ngã”, trong đó chỉ đơn giản giới thiệu hai phương pháp tu tập vô ngã và không nói nhiều về lý thuyết. Sau một thời gian tham vấn, học đạo với nhiều truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Tây Tạng, tôi nhận thấy rằng pháp môn căn bản và quan trọng nhất của đạo Phật vẫn là Vô Ngã. Vì thế quyển “Tâm và Ta” ra đời để tiếp tục và bổ túc về phần giáo lý vô ngã. Trong khi viết tôi đã nương vào hai truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo. Đối với tôi cả hai truyền thống đều có giá trị của nó, không có cái nào hay hơn hoặc đúng hơn, tất cả đều tùy trình độ và căn cơ của chúng sinh.

Mong rằng sách này sẽ đem lại cho bạn đọc nhiều lợi ích.

                                        Tịnh Lâm Thất, đầu xuân 2005

                                                     Thích Trí Siêu

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Các đính kèm

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập