Lễ hội chùa Hương: Không còn “rác âm thanh”

Đã đọc: 3327           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong lễ hội chùa Hương năm 2011, tình trạng loa đài quảng cáo sản phẩm tại khu vực chùa Thiên Trù đã được xử lý triệt để, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong các mùa lễ hội tiếp theo như vệ sinh môi trường, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định, bày bán thịt động vật...

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội nổi tiếng và kéo dài nhất ở miền Bắc (từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch), thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Năm nay, thực hiện tốt quy chế tổ chức lễ hội của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thắng cảnh Hương Sơn thực sự là di tích đặc biệt của quốc gia, từng bước đề nghị UNESCO công nhận chùa Hương là Di sản Thế giới, Ban tổ chức cho biết sẽ tập trung khắc phục những tồn tại từ mùa lễ hội trước, tăng cường kiểm tra mọi hoạt động văn hóa, xử lý vi phạm, ngăn ngừa các tệ nạn dễ nảy sinh trong lễ hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan…

Cấm hoàn toàn loa đài quảng cáo


Thực tế, trong những ngày đầu năm đã có rất đông du khách đến với Khu di tích danh thắng và du lịch Hương Sơn, ngày cao điểm lên tới 5 vạn khách. Trước những thay đổi trong công tác quản lý lễ hội, khách trẩy hội chùa Hương năm nay sẽ thấy không gian chùa Thiên Trù năm nay không bị xâm chiếm bởi hàng loạt loa đài với âm thanh chát chúa, quảng cáo các loại sản phẩm tiêu dùng. Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: Ban quản lý đã cấm toàn bộ hệ thống loa đài quảng cáo, nếu ai cố tình phát loa, sẽ bị thu giữ phương tiện. Thay vào đó, hệ thống truyền thanh đã được lắp đặt với âm lượng nhỏ nhằm tuyên truyền về khu di tích, nhắc nhở người dân có ý thức khi trẩy hội... Việc làm này đã được đông đảo người dân ủng hộ.

“Rác âm thanh” đã được dẹp bỏ, nhưng rác hữu cơ và vô cơ thì vẫn còn là vấn đề nóng. Để bảo đảm môi trường trong lễ hội, một bãi xử lý rác đã được xây dựng tại thôn Yến Vỹ, xử lý rác từ đền Trình trở ra. Hà Nội đang giao triển khai xây dựng lò đốt rác ở trong bến Thiên Trù… Tuy nhiên, có thể thấy, sau mỗi ngày hội, rác thải có ở khắp nơi, trên mặt suối, đặc biệt ở các bến đò, trên các con đường từ chùa Thiên Trù đến động Hương Tích. Một lực lượng thu gom rác thải cả trên bờ và dưới nước đã được huy động, tuy nhiên, khi du khách vứt rác bừa bãi thì lực lượng này không thu gom xuể.

Không những vậy, ngoài việc đặt tiền lên tay thần, phật, các khe đá trong động Hương Tích đều được người dân nhét tiền vào. Ga cáp treo từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích cũng đầy những tiền lẻ do du khách thả xuống, dù đã có tấm biển ghi dòng chữ lớn: “Đây là ga kỹ thuật, không phải suối Giải Oan, đề nghị quý khách không vứt tiền xuống ga”... khiến Ban quản lý phải huy động lực lượng thu gom.

4.500 thuyền phục vụ du khách


Tạo thuận lợi cho khách hành hương, từ năm trước, bằng nhiều nguồn kinh phí, các con đường trong khu di tích đã được nâng cấp, như tuyến đường bộ từ chùa Thiên Trù đến động Hương Tích đã được mở rộng khoảng 4m, lát đá bằng phẳng. Ban tổ chức cũng vừa đầu tư gần 5 tỷ đồng cải tạo tuyến đường đi từ Thiên Trù đi động Hinh Bồng, san lấp bớt những đoạn quá dốc. Cáp treo từ Thiên Trù đến động Hương Tích đã được nâng cấp, tránh tình trạng mất điện đột ngột như năm trước. Dù vậy, trong những thời điểm đông khách, do công tác phân luồng chưa đảm bảo, tại đây vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc.

Đường thủy, một trong những tuyến giao thông quan trọng của chùa Hương, cũng được cải thiện. Bến Thiên Trù được đầu tư nạo vét, mở rộng về phía bờ phải khoảng 4.000m2 để thuyền đò neo đậu. Theo thống kê, có tới 4.500 thuyền đăng ký phục vụ trong ngày hội. Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, hầu hết các thời điểm, bến thuyền đều thông thoáng, đủ phương tiện phục vụ du khách. Nhưng có thể thấy, vẫn còn tình trạng chủ thuyền đò lấy thêm tiền ngoài giá vé quy định (vé đò thắng cảnh có giá 30.000 đồng, gồm cả tiền bảo hiểm, vé đò phổ thông là 25.000 đồng và đò chất lượng cao là 35.000 đồng). Hơn thế, trên dòng suối Yến, không ít thuyền chở tới hơn 20 người, cả người già, phụ nữ và trẻ em, nước mấp mé mép thuyền. Trước đó, Ban quản lý Khu di tích đã xây dựng đề án thuyền đò chất lượng cao, nhưng mùa lễ hội năm 2011 chỉ có khoảng 500 thuyền chất lượng cao được đưa vào khai thác. Theo những người dân ở đây, vì thuyền chất lượng cao sẽ phải tốn thêm kinh phí lắp ghế ngồi cho du khách, hơn nữa, mỗi thuyền chỉ chở được từ 6 – 8 người, chi phí mỗi lần chở giảm, nên chưa có nhiều người dân ủng hộ đề án này.

Để lễ hội chùa Hương an toàn, lành mạnh, giữ được các nét đẹp văn hóa, trong các mùa lễ hội tới, Ban tổ chức lễ hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách và người dân, đồng thời có những biện pháp giải quyết triệt để những tồn tại trong nhiều năm qua.

  Theo: nhandan.com.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập