HỘI TRẠI “LÝ CÔNG UẨN” – 2010 Sân Chơi Lành Mạnh và Lý Thú

Đã đọc: 5300           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tuần lễ Hội Thảo Hoằng Pháp Toàn Quốc tại tỉnh Kiên Giang, đó là cuộc hội ngộ quy mô, rộng lớn tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp cho hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử cả nước, nguồn đạo bất diệt đã được trao truyền, sẽ là ngọn đuốc sáng dẫn đường cho những người con Phật trên lộ trình chuyển hóa của mình.

Trong suốt một tuần “ ăn chay nằm đất” về phục vụ Hội Thảo với nhiều sự kiện bổ ích, chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc đoàn Tăng Ni thuộc Câu lạc bộ Hoằng Pháp Trẻ, với đội ngũ cộng tác hàng trăm tình nguyện viên là sinh viên, học sinh Phật tử.

Đại đức Thích Phước Huệ là bạn “đồng liêu”của chúng tôi, hiện nay đang giữ chức vụ Chủ nhiệm CLB Hoằng Pháp Trẻ, tư chất điềm đạm, nhạy cảm và năng động hiện rõ qua phong cách giao tiếp của thầy. Các hoạt động của Trung Tâm Việt Nam Thư Đạo tại Hội Thảo gây hấp dẫn và hiệu quả, thầy ngõ ý chính thức mời chúng tôi cộng tác trong chương trình sắp tới: Hội Trại Hè Lý Công Uẩn, chủ đề “Chắp Cánh Ước Mơ” được tổ chức tại Khu Du Lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, Bình Dương vào đầu tháng 6 dương lịch do Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo TP. HCM tổ chức. Chúng tôi xem qua chương trình và đồng ý ngay, chương trình rất hấp dẫn và thiết thực lợi ích cho tầng lớp thanh thiếu niên. Chúng tôi hứa ngoài việc phục vụ Hội trại, sẽ hết mình hỗ trợ Ban Tổ chức cả tinh thần lẫn tịnh tài, tịnh vật.

Ngày Khai mạc Hội trại đến rất nhanh, chúng tôi chính thức tham gia phục vụ với tên gọi: “Ban Trà Đạo và Thư Pháp”. Một nét văn hóa mới trong sinh hoạt của cộng đồng Phật giáo. Qua tìm hiểu và đi vào sinh hoạt thực tế, chúng tôi ghi nhận đây là những hoạt động có tính chất giáo dục rất cao, đáp ứng nhu yếu của đại đa số thanh thiếu niên thời đại, ngay bản thân chúng tôi cùng tham gia cũng thấy ảnh hưởng và tiếp nhận những năng lượng tốt đẹp mà Hội trại mang lại.

LÝ CÔNG UẨN THANH THIẾU HỘI TRẠI CHÚC

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

định di đô hưng sử nguyên 

Công anh hiệp đức hiển cao minh 

Uẩn huy dân thuận tài an định 

Thanh thế thiên thời trí trị bình 

Thiếu hậu lập nhân quy pháp Phật 

Hội long tương kết hướng chân huyền

Trại kim Lạc Cảnh danh Văn Hiến 

Chúc hỷ tam thiên hóa bạch liên

 

 

Dịch:

THƠ CHÚC HỘI TRẠI THANH THIẾU NIÊN

“LÝ CÔNG UẨN” - 2010 

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

quyết dời đô đẹp sử truyền

Công từ đức rộng bậc cao minh

Uẩn huy dân hợp tài an định

Thanh thế thuận thời trí trị bình

Thiếu hậu gieo nhân quy pháp Phật

Hội long kết nghĩa hướng chân huyền

Trại nay Lạc Cảnh danh Văn Hiến

Chúc hỷ ba ngàn đóa bạch liên

 

            I.      LIÊN ĐOÀN THANH NIÊN PHẬT TỬ VIỆT NAM (LĐTNPTVN): Thiết thực đem “Phật pháp đi vào đời sống”

1. Tính năng động và nhạy cảm của các bậc Lãnh đạo Giáo hội:

Phật giáo luôn có thế hệ hậu học kế thừa “Truyền Đăng Tục Diệm”, Gia đình Phật tử là một tổ chức thanh thiếu niên độc đáo của riêng Phật giáo Việt Nam, hoạt động có truyền thống, quy cũ, đường lối theo hướng dẫn của Tăng già. Sinh hoạt và tu học định kỳ dưới mái chùa do vị trú trì dẫn dắt. Nhiều năm trở lại đây, hoạt động tuy hiệu quả nhưng chưa phát triển mở rộng. Liên Đoàn Thanh Thiếu Niên Phật Tử Việt Nam ra đời để đáp ứng nhu cầu này. Mở rộng vòng tay nhân ái, cùng nắm tay nhau đi lên.

Hằng năm, công tác hoằng pháp, giáo dục của Giáo hội hoạt động nhiều lãnh vực rộng lớn khắp cả nước. Phương châm giáo dục Thanh thiếu niên là một công tác thiết yếu của Giáo hội để giúp ổn định phần nào đời sống xã hội. Thời “mở cửa, hội nhập” với nhiều hiện tượng suy thoái đạo đức, những loại hình văn hóa độc hại ngoại nhập đang có xu hướng ảnh hưởng xấu đến tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Học đường chỉ đủ sức y theo thời khóa biểu giảng dạy, truyền trao kiến thức, kỹ năng. Vấn đề quản lý, hướng dẫn sinh hoạt và giáo dục đạo đức hướng thiện hầu như rất ít tác động. Hiện trạng này làm thiệt thòi cho nền giáo dục hiện đại đối với thanh thiếu niên. Tinh hoa Phật pháp có thể đem lại hiệu quả tức thì khi người trẻ biết tiếp nhận học hỏi và thực hành đúng mức.

Hướng tới giáo dục thanh thiếu niên: “Đạt kết quả tốt trong học tập, xây dựng lối sống lành mạnh, đạo đức trong sinh hoạt hàng ngày”, đó là tâm nguyện của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội. Vì vậy, lãnh đạo Giáo hội đã hết lòng ủng hộ Liên đoàn TNPTVN và đứng đầu là Đại đức Thích Nhật Từ, người đã tận tâm, tận lực tổ chức các chương trình hoạt động giáo dục hằng năm.

2. Đại đức Thích Nhật Từ, người cố vấn CLB Hoằng Pháp Trẻ:

Đại đức Thích Nhật Từ là vị thầy tâm huyết, có sáng kiến trong tổ chức và kinh nghiệm trong giáo dục. Đại đức đang giữ các chức vụ quan trọng trong nền Giáo dục Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Phó Ban Phật giáo Quốc tế và Chủ tịch của chương trình Đạo Phật Ngày Nay.

Nhờ tính tận tụy và sở học uyên thâm, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tổ chức, đặc biệt Đại đức đã cố vấn cho “Câu Lạc Bộ Hoằng Pháp Trẻ”, (tiền thân của LĐTNPTVN) gồm hơn 80 Tăng Ni trẻ, có kiến thức Phật pháp vững vàng và nhiệt huyết, đã thực thi các yêu cầu và đáp ứng kịp thời mọi lĩnh vực trong công tác tổ chức mà lãnh đạo giao phó, đã đạt được các thành quả mỹ mãn – Đại đức Thích Nhật Từ đã vận dụng tốt tiềm năng có sẵn của Phật giáo để phục vụ công tác hoằng pháp và đáp ứng nhu yếu xã hội. Chúng tôi chấp bút đề thơ tán thán công đức thầy:

THÍCH NHẬT TỪ ĐẠI ĐỨC THI CHÚC

Lý Công Uẩn Hội Trại Trưởng Ban

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

Giác lộ uy nghi tịnh pháp không 

Ngộ như nghiêm tế ấn tông phong 

Nhật quang biến chiếu thọ ân đức 

Từ tánh viên thông quảng diệu thường

Dịch:

THƠ CHÚC ĐẠI ĐỨC THÍCH NHẬT TỪ

Trưởng Ban Tổ chức Hội Trại “Lý Công Uẩn”

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

Giác lộ uy nghi hiện pháp không

Ngộ như nghiêm tịnh ấn tông phong

Nhật quang chiếu khắp hưởng ân đức

Từ tánh viên thông quảng diệu thường

         II.      CÂU LẠC BỘ HOẰNG PHÁP TRẺ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ:

Dưới sự chứng minh của Chư Tôn Giáo phẩm GHPGVN mà cố vấn là Đại đức Thích Nhật Từ, Câu lạc bộ Hoằng Pháp Trẻ dù mới ra đời gần 4 năm nhưng nhờ cơ cấu tổ chức nhân sự chặt chẽ dưới sự điều phối hợp lý của Chủ nhiệm Câu lạc bộ: Đại đức Thích Phước Huệ, người sáng lập nên CLB Hoằng Pháp Trẻ, hằng năm đã duy trì được đường lối tổ chức sinh hoạt đạt kết quả tốt đẹp. ĐĐ. Thích Phước Huệ tốt nghiệp Cử nhân Phật học, nhiều năm giảng dạy giáo lý và phụ trách biên tập website: Đạo Phật Ngày Nay, chủ biên của Bộ giáo trình Phật Pháp Vào Đời, và 2 trang web: hoangphaptre.com, hkt.vn, thầy tham gia công tác hoằng pháp, giáo dục, từ thiện hằng năm trên diện rộng. Nhờ vậy, đã hun đúc và kết tụ trong thầy nhiều hoài bảo cống hiến, nhiều kinh nghiệm trong điều hành tổ chức, tận lực cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.

THÍCH PHƯỚC HUỆ ĐẠI ĐỨC THI CHÚC

Lý Công Uẩn Hội Trại Phó Ban

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

Pháp như phát minh đạo 

An đức biến thế hào 

Phước tú tự hạo nhiên 

Huệ khai qui chân giáo


Dịch:

THƠ CHÚC ĐẠI ĐỨC THÍCH PHƯỚC HUỆ

Phó Ban Tổ chức Hội Trại “Lý Công Uẩn”

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

Pháp như khai mở đạo mầu

An hòa lập đức nhân cao giúp người

Phước từ hạo khí dâng đời

Huệ khai chân giáo sáng ngời niềm tin

Các công tác hằng năm đã được Tăng Ni trẻ triển khai linh động, phổ cập kịp thời và hoàn thành xuất sắc các hình thức hoạt động có tính chất quy mô: tổ chức Hội trại hè Thanh thiếu niên hằng năm; tuyển nhân sự phục vụ đại hội, hội nghị Phật giáo; các khóa thuyết giảng hoằng hóa dài hạn vùng xa, trại tù, trại trẻ mồ côi… các khóa bồi dưỡng kỹ năng được thường xuyên tổ chức trong sinh hoạt Câu lạc bộ nên ngày càng nâng cao hiệu quả công tác. Quan trọng vẫn là Ban tổ chức biết phân bổ nhân sự đúng người, đúng việc. Sống, tu học và công tác trong tinh thần lục hòa, cộng trụ.

Tổ chức nào của Phật giáo cũng vậy, nếu không biết vận dụng tốt tinh thần lục hòa thì sớm muộn gì cũng tan rã. Câu lạc bộ Hoằng Pháp Trẻ đã thể hiện tinh thần này rất cao. Trong tương lai chắc chắn tổ chức này sẽ đóng vai trò năng động, đóng góp thiết thực cho Giáo hội và sẽ hình thành đường hướng hoạt động cho ngày mai vững mạnh hơn, cống hiến nhiều hơn nữa.

      III.      TÂM ĐẮC CỦA CÁC BẬC ĐẠI GIA:

-     Trong các hoạt động qui mô của Phật giáo, xưa nay đều nhờ vào nguồn tài lực của các bậc Đại thí chủ, Mạnh thường quân, các Nhà hảo tâm (tên mới là các bậc Đại gia ủng hộ Phật giáo).

-      Đó là các vị ân nhân phát hạnh Bồ tát, nhờ nhân duyên hạnh ngộ “Cao Tăng, Thạc Đức” khai mở nguồn tâm, thể hiện mối thịnh tình, nghĩa cử cao đẹp hết lòng ủng hộ Phật giáo. Tất nhiên, họ còn phải cân nhắc, xem xét, còn phụ thuộc vào tính chất phổ lợi của các chương trình hoạt động mang tính xã hội hóa. Nghĩa là các chương trình, dự án đề ra phải có tính thiết thực cao, phục vụ lợi ích chung, đây là điểm cần chú ý của các nhà tổ chức.

-     Chúng tôi có cơ duyên tiếp xúc với các “bậc đại gia” công tâm, (ở miền bắc thì có anh Xuân Trường, chị Lan, chủ đầu tư Bái Đính, miền Trung có anh Minh, chị Tuyết chủ đầu tư Liễu Quán, …), mới thấy rõ việc làm của họ. Đạo tâm của họ rất lớn, sẵn sàng hiến cúng với một lý do duy nhất: thực hiện tâm nguyện của cuộc đời họ.

-     Một số tỉnh thành nhờ vào tình hình kinh tế và an ninh ổn định nên chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần xã hội, cùng gắn bó mật thiết với Phật giáo để cùng đi lên.

-     Tiềm năng và nhân sự Phật giáo rất lớn (gần 7.000 ngôi chùa và hơn bốn mươi triệu tín đồ), quan chức chính quyền và các bậc đại gia nếu biết vận dụng và kết hợp với tính chất nhập thế thiết thực của Phật giáo thì sẽ giúp ổn định và phát triển rất nhanh, lịch sử đã minh chứng điều đó.

-     Hội trại lần này đã được ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Khu Du Lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến - Bình Dương phối hợp với các phòng ban Công ty đã ủng hộ hết mình. Trong lời phát biểu tại buổi Khai mạc Hội trại ông đã bày tỏ sự đồng tình và tán dương công tác giáo dục thanh thiếu niên theo đường hướng Phật giáo, ông mong muốn được đóng góp phần công đức khiêm tốn của mình vào công tác công ích xã hội, ông cũng đặc biệt chú ý đến công tác chăm lo cho mầm xanh đất nước thế hệ tương lai. Đây là một lời chúc tụng gởi tặng ông:

TUỆ HÙNG UY DŨNG THI CHÚC

Đại Nam Văn Hiến Lạc Cảnh Khu Tổng Giám Đốc

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

Tuệ tính long toàn ánh viễn lân

Hùng tâm ấn xuất vạn thanh tân

Uy quang hưng tác thành nhân kiệt

Dũng trí cao hành lợi quốc dân

Dịch:

THƠ CHÚC TUỆ HÙNG UY DŨNG

Tổng Giám Đốc Khu Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến

Tuệ Nhật Mặc Nhân thi đề

Tuệ chân anh chiếu gần xa

Hùng tâm ấn xuất ngọc ngà thanh tân

Uy quang hun đúc tài nhân

Dũng kiên hành lợi quốc dân phú cường

       IV.      HỘI TRẠI HÈ: Sinh hoạt lành mạnh và lý thú:

  1. 1.   Chương trình Hội Trại:

-     Chủ đề của Hội trại lần này được lấy tên “Lý Công Uẩn” với chủ đích “Chắp Cánh Ước Mơ” cho tuổi trẻ nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong buổi lễ Khai mạc Hội trại, HT. Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TW, đã khai mở cho tuổi trẻ biết học hỏi, noi theo những gương sáng của tổ tiên chúng ta, mà cụ thể là vị vua anh minh Lý Công Uẩn đã mở ra một chương sử mới oanh liệt, hào hùng cho dân tộc, biết dựa vào nền tảng nhân bản và vô úy của đạo Phật để gìn giữ và xây dựng đất nước độc lập, vững mạnh và hùng cường.

-     Do tính chất quy mô của Hội trại lần này (lần 3 - 2010) được tổ chức tại Khu Du Lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến - Bình Dương, chương trình phong phú, đặc sắc nên các tỉnh thành đăng ký số lượng rất lớn: 23 tỉnh thành, 47 đạo tràng, gần 3.000 trại sinh.

Chương trình kéo dài ba ngày: thức dậy vào lúc 5 giờ sáng và ngủ nghỉ lúc 22 giờ khuya. Gồm các hoạt động chính như sau: 

Ngày thứ 1 (3 tháng 6 năm 2010):

-       Tập trung đất trại – Họp mặt chụp hình lưu niệm.

-       Ký tên vào lá cờ Phật giáo kỷ lục.

-       Thi rèn luyện kỷ năng và trò chơi.

-       Tổng duyệt văn nghệ.

-       Tư vấn mùa thi và lễ cầu nguyện.

-       Chính thức Khai mạc Hội trại – Đốt lửa trại.

-       Chương trình thi văn nghệ.

Ngày thứ 2 (4 tháng 6 năm 2010):

-       Thiền hành - Tụng kinh và nghe thuyết pháp.

-       Thi viết Phật pháp.

-       Dự nghe thuyết trình các chủ đề phong phú về Phật pháp và cuộc sống gia đình…

-       Thiền hành vì một hành tinh xanh, cổ động thông điệp phòng chống tệ nạn xã hội: HIV, ma túy, rượu bia, thuốc lá, game độc hại…

-       Lễ đốt nến, thả hoa đăng và cầu nguyện hòa bình.

-       Sinh hoạt nhóm giao lưu của các Tăng Ni CLB và trại sinh.

Ngày thứ 3 (5 tháng 6 năm 2010):

-       Thiền hành - Tụng kinh.

-       Khen thưởng, quà tặng hội trại.

-       Lễ Bế mạc.

  1. 2.   Sân chơi lành mạnh, bổ ích và lý thú:

-     Đặc biệt, thời khóa và oai nghi cho một ngày áp dụng theo Thiền môn quy cũ: nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng để trại sinh dễ dàng tiếp nhận.

-     Ngoài các chương trình trên, ban tổ chức cũng tạo được sự kiện: Được cấp 2 kỷ lục: 1- Lá cờ Phật giáo có nhiều chữ ký trại sinh nhất (3000 chữ ký), 2- Cây Bồ đề có nhiều lá ghi lời cầu nguyện nhất (3000 lá). Đêm đốt 3.000 ngọn nến cầu nguyện hòa bình thật trang nghiêm, hoành tráng, tạo ấn tượng tốt đẹp.

-     Các đề tài thuyết giảng và thuyết trình mang tính chất thực tế để giúp các cháu vững tiến trên đường học tập, rèn luyện kỷ năng sống: lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi, thuyết trình các đề tài dành riêng cho tuổi trẻ và cuộc sống, cuộc thi văn nghệ, thi viết Phật pháp v.v…

-     Tiếp cận sinh hoạt tu tập thiền môn: oai nghi, thiền hành, tụng kinh, nghe pháp … nhất là được tiếp xúc trực tiếp chư Tôn đức Tăng Ni, (các Thầy: Trí Chơn, Phước Tiến, Pháp Tiến, Thiện Xuân, Pháp Như, Sc. Như Thuận, Sc. Huệ Nghiêm, …) giúp các cháu cảm biết, trực nhận để tiếp thu năng lượng, biết tiết kiệm thời gian, năng lực để tỉnh trí đầu tư vào học tập rèn luyện bản thân. Đặc biệt, các phương pháp thực tập của Phật giáo, giúp các cháu nhận ra mục đích sống của mình, xa lìa các thói xấu, biết gìn giữ thân tâm để học tập hiệu quả và sống đời đạo đức thuần túy.

-     Hội trại còn các chương trình mang tính tuyên truyền, cảnh báo các tệ nạn: HIV, bia rượu, thuốc lá, game độc hại, ma túy… hiện nay đang hoành hành tại học đường.

-     Các trại mang tính đặc thù riêng của từng vùng miền: cung cách bài trí, sinh hoạt, trại nào cũng thiết lập bàn thờ Phật, treo cờ Phật giáo và dựng cổng chào.

-     Hầu hết đều có Tăng Ni hướng dẫn từng tỉnh thành, phân đều từng trại, từng chùa, đạo tràng nên sinh hoạt qui cũ, nề nếp. Đấy là Ban tổ chức khéo léo vận dụng.

-     Giới thiệu sinh hoạt văn hóa Phật giáo:

  • Chương trình văn nghệ được tổ chức như một phong trào thi đua, có tuyển chọn, tinh lọc và phần thưởng để khuyến khích các đơn vị, gồm nhiều loại hình: ca hát, hoạt cảnh, vũ điệu, kịch, hát dân ca, trò chơi nhân gian , … Có nét mới là cuộc thi “Duyên Dáng Áo Lam”, giới thiệu vẻ đẹp thuần khiết, hiền hòa của thanh thiếu niên Phật tử.
  • Tại hội trại còn có các gian hàng trưng bày giới thiệu đặc sắc:

1.  Gian hàng kinh sách, băng giảng, hàng lưu niệm Phật giáo:

Trung Tâm Đạo Phật Ngày Nay tham gia phục vụ hội trại trưng bày kinh sách, băng đĩa, vật phẩm… phong phú phục vụ nhu cầu của các trại sinh.

2.  Gian phục vụ Trà Đạo và Phố Ông Đồ tặng chữ Thư pháp:

Do Đại đức Thích Chỉnh Tuệ - Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam Thư Đạo phụ trách, đây là một loại hình sinh hoạt thuần túy và hấp dẫn – Gian “Viên Như Việt Trà” tạo một không gian giản dị, thông thoáng dành phục vụ miễn phí Tăng Ni và quí khách. Gian “Phố Ông Đồ” tặng chữ cho trại sinh và tình nguyện viên, chuyển tải những thông điệp của Phật đạo trên tranh chữ - Đặc biệt sáng tác thơ tại chỗ, đề tên, họ, hiệu chùa, chúc thọ, câu đối thư pháp, … thu hút trại sinh và khách tham quan cả ngày lẫn đêm.

Trong dịp này, Tuệ Nhật Mặc Nhân sáng tác kịp thời các bài thơ về Hội trại, thơ chúc tặng chư Tôn đức, Ban giám đốc Đại Nam v.v…

Mỗi trại sinh, không riêng ai đều được tặng chữ thư pháp hoặc tranh vẽ: trên quạt nan, hàng lưu niệm, trên mũ, trên áo, mành tre, hộp danh ngôn Thư pháp, trên đá, gỗ, v.v…

-     Mặc dù chương trình đầy ắp, lấp kín thời gian, nhưng tinh thần trại sinh sảng khoái, nhờ tiếp sức nguồn năng lượng tươi mát của quí Tăng Ni, được tham dự các chương trình sinh hoạt lành mạnh, bổ ích và lý thú, trên gương mặt mỗi người đều nở nụ cười hoan hỷ, đồng điệu. Thời gian như ngắn lại, sống chan hòa, học tập trong tình thầy trò đồng đạo, trân quý thắm thiết.

          V.      MỞ THÊM RỘNG CON ĐƯỜNG:

1. Ba ngày dự Hội Trại là khoảng thời gian quá ít để gặp gỡ, trao đổi tâm tình. Nếu được sự tài trợ lớn của các nhà hảo tâm và sự gia trì pháp lực của chư Tôn đức, chắc chắn Ban Tổ chức Hội trại sẽ tận lực gia tâm hơn nữa để chương trình Hội trại được mở rộng về thời gian cũng như thu nhận thêm thành phần thanh thiếu niên bên ngoài.

-     Chương trình Hội trại sẽ nhiều thành phần tham gia hơn nữa, đặc sắc và thiết thực hơn nữa để cống hiến cho thế hệ trẻ.

-     Sẽ có các chương trình thu nhận và hướng phát triển cho Tăng Ni trẻ và thanh thiếu niên Phật giáo trở thành tổ chức hộ trì hiệu quả cho Giáo hội.

  1. Hiện nay, tại các trường cơ sở Trung học đang có nhu cầu: “giáo dục học đường bằng đường hướng đạo đức Phật giáo”, chúng tôi gặp gỡ chị Nguyễn Y Chi, hiện là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn đầu tư giáo dục chuyên mở các trường cơ sở Trung học để đào tạo, giảng dạy. Chị cho biết, thực tế hiện nay đang có các Công ty chuyên trách giảng dạy kỹ năng sống, hướng nghiệp, đến đặt vấn đề với cơ sở của chị… tại sao Phật giáo không mở các khoa đào tạo, thực hành theo đường hướng Phật giáo để giúp các cháu sống và học tập tốt hơn tại các trường học, các thầy làm việc này sẽ tốt hơn người khác nhiều. Đây là nhu yếu của thời đại, của đường hướng Phật giáo nhập thế hôm nay.

        Trong một tương lai không xa, chắc chắn với xu hướng phát triển mới của thời đại, đội ngũ Tăng Ni trẻ cũng như tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử sẽ được lãnh đạo Giáo hội quan tâm nhiều hơn nữa, các quan chức chính quyền, các thành phần xã hội khác, các bậc Đại gia, các nhà hảo tâm, …cùng đồng lòng gắn bó mật thiết với Phật giáo. Biết khai thác, phát huy tiềm năng Phật giáo đóng góp vào vấn đề an sinh, giúp ổn định cơ sở hạ tầng kiến trúc xã hội, xây dựng đất nước ngày thêm phồn vinh, thịnh vượng trên nền tảng tư tưởng, văn hóa, đạo đức truyền thống, cởi mở, bao dung, đoàn kết và hòa hợp.


















































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập