Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc - hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17)

Đã đọc: 871           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

 

 

Phần này bàn về cách dùng màu, mùi, mồi, vị và bùi/buồi vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Một cách giải thích là từ tư duy tổng hợp trong tiếng Việt cho nên mới cho ra tương quan trên. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là CGK (cảm giác kèm), HV (Hán Việt), CNNAGN (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển, hội Khai Trí Tiến Đức), CQN (Chữ Quốc Ngữ), TQ (Trung Quốc), BK (Bắc Kinh), TK (thế kỉ), các bản chữ Nôm của LM Maiorica như CTTr (Các Thánh Truyện - tháng 12), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu). Tương quan ngữ âm HV và Việt ghi trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc Việt hay Hán Cổ của chúng, cần nhiều dữ kiện hơn để thêm chính xác. Trang/cột/tờ của VBL được ghi xuống để người đọc dễ tra cứu thêm. Các cách đọc phiên thiết trình bày theo thời gian (lịch đại): từ thời Hán đến thế kỉ XVII (Tự Vị, Chính Tự Thông) cho đến giọng BK hiện nay so sánh với các phương ngữ khác cũng như âm HV (đồng đại). Dấu hoa thị * đứng trước một âm cổ phục nguyên (reconstructed sound), không nên lầm thanh điệu hay chỉ số đứng sau một âm tiết và số phụ chú.

1. Hiện tượng cảm giác kèm synesthesia

Khoảng 4 % dân số trên hành tinh con người có khả năng đặc biệt là nhìn thấy âm thanh (seeing sounds/A), nhìn số hay chữ lại thấy màu sắc, nghe thấy màu sắc (hearing colours/A) hay nếm thấy âm thanh (td. của âm nhạc, tasting notes/A) ...v.v... Có nhiều cách dịch hiện tượng bí ẩn trên, tiếng Anh gọi là synesthesia (hay synæsthesia), tiếng Việt gọi là cảm giác kèm, cảm giác đi kèm, khớp thần kinh, cảm giác kết hợp, cảm giác đồng thời, giác quan thứ phát, chứng liên kết giác quan[2]… Người viết sẽ dùng cách dịch đơn giản nhất là cảm giác kèm (CGK) trong bài này. Nên xem lại cấu trúc tiếng Anh synesthesia để hiểu rõ hơn CGK: synesthesia có gốc Hi-Lạp với tiền tố σύν syn- nghĩa là cùng/với (with/A) hợp với αἴσθησις esthesia nghĩa là cảm giác (sensation/A). Nói cách khác, CGK xẩy ra khi một cảm giác nào dẫn đến một cảm giác khác đi cùng. Nguyên nhân sinh học hay tâm lí tạo ra CGK chưa được xác định chính xác cho đến nay dù có nhiều giả thiết khoa học đã được đề xướng. Thí dụ như theo kết quả của nhóm nghiên cứu GS Simon Fisher (2018), thuộc Viện Ngôn ngữ tâm lí học Max Planck (Hà-Lan), thì CGK có thể do chức năng của gene. Điều này phù hợp với tính chất di truyền (và bẩm sinh) của CGK đã được nhiều nhà khoa học ghi nhận. Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp giải trình tự gene (DNA sequencing) để khảo sát yếu tố di truyền của những người tham gia. Họ so sánh gene giữa các thành viên trong gia đình bị CGK với gene của các thành viên trong gia đình bình thường không bị CGK. Kết quả cho thấy, không có một gene duy nhất chịu trách nhiệm tạo ra CGK ở cả ba gia đình. Thay vào đó, 37 biến thể gene có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Để hiểu rõ hơn phần nào về CGK, ta có thể xem tương quan giữa âm thanh (thính giác) và hình ảnh (thị giác) qua hiệu ứng kiki và bouba - xem hình chụp bên dưới của hiệu ứng kiki và bouba - trích từ trang https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/hien-tuong-cam-giac-kem-va-kha-nang-nem-tu-ngu.html. Hai tấm hình, một có cạnh nhọn (hình bên trái ở dưới) và một có cạnh bầu tròn (hình bên phải ở dưới), được trưng ra và người ta phải ghép âm kiki và booba với hai tấm hình này. Nhà tâm lí học Wolfgang Köhler[3] (năm 1929) đã phát hiện rằng hơn 95% số người tự nhận bản thân không có CGK đều trả lời theo cùng một cách - tức là hình dạng nhọn ở bên trái nên là kiki và hình dạng bầu tròn bên phải nên là booba. Thí nghiệm này cũng được lặp lại nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau, cho các lứa tuổi khác nhau và kết quả rất giống[4] với kết quả của GS Wolgang Köhler, miễn là các âm có thể đọc được trong tiếng bản địa (hiện diện trong hệ thống âm thanh bản địa).


Bức ảnh này được sử dụng như một thí nghiệm để chứng minh con người không hề liên kết các âm thanh với hình dạng một cách tùy tiện, mà chúng ta đều có khuynh hướng đưa ra các mối liên hệ giống nhau. CGK do đó khó có thể coi là một dạng của sự rối loạn thần kinh[5].

Một số nhân vật nổi tiếng bẩm sinh đã có CGK (họ thường có óc sáng tạo cao) như nhà văn Vladimir Nabokov, nhà soạn nhạc Olivier Messiaen, nam ca nhạc sĩ Billy Joel, nam ca nhạc sĩ Stevie Wonder (Mỹ), nhà khoa học Richard Feynman, nhà bác học/họa sĩ Vincent Van Gogh (Hà-Lan), họa sĩ Wassily Kandinsky (Nga), nữ diễn viên điện ảnh Marilyn Monroe …

Trong các ngôn ngữ hiện đại, tiếng Việt có những cách dùng đặc biệt phản ánh sự chung đụng của các giác quan, tương tự như hiện tượng CGK đã gợi ý.

2. Các cách dùng mùi/vị vào thời VBL (1651)

2.1 Mùi có thể là mùi (ngửi) hay vị (nếm)

VBL đã ghi nghĩa của mùi là sapor/L (nghĩa là vị, phải nếm mới biết được) như mùi chua, mùi cay - khác với mùi bốc ra (hơi, phải ngửi mới biết được) như mùi thơm, mùi thối (VBL trang 489). Mùi[6] là âm cổ của vị HV 未 味 - chữ mùi/vị 味 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu vi 微 khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

無沸切, 音未 vô phí thiết, âm vị (TVGT, ĐV, QV,  TV, VH, CV, LT, TVi)

莫拜切, 音韎 mạc bái thiết, âm muội (TV, LT)

武沸切 vũ phí thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 未 味 (vị)

莫珮切,音妹 mạc bội thiết, âm muội (KH)

亡曷反,音沫 vong hạt phản, âm mạt (ThVn 釋文)

莫葛切 mạc cát thiết (LT)

無貴切, 音未 vô quý thiết, âm vị (CTT)  ...v.v...

Giọng BK bây giờ là wèi so với giọng Quảng Đông mei6 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] mi5 [宝安腔] mui3 [客英字典] mui3 mi5 [东莞腔] mui5 [客语拼音字汇] mi4 mui4 [海陆丰腔] mui6 [沙头角腔] mui5 [台湾四县腔] mui5 [陆丰腔] mui6 潮州话:bhi7 - - giọng Mân Nam/Đài Loan là bi7, tiếng Nhật là mi bi và tiếng Hàn là mi. Dựa vào cách đọc phiên thiết, âm HV và phương ngữ - một dạng âm cổ phục nguyên của vị là *muj mà tiếng Việt (và các giọng Mân Nam) vẫn còn bảo lưu qua dạng mùi. Vị đã từng có nghĩa là mùi vị (nếm) từ thời Lễ Kí, TVGT... và mùi (ngửi). Tiếng Trung (Hoa) bây giờ thường dùng từ ghép như 味道, 味覺 vị đạo, vị giác (chỉ mùi/nếm) so với 氣味 khí vị (mùi/ngửi). Liên hệ 'hữu cơ' giữa mùi và vị có thể thấy được khi ngửi: hoặc bằng mũi (orthonasal olfaction) hay còn có thể qua cuống họng (retronasal olfaction). Khó mà nghĩ ra cách bịt (đóng) miệng từ mũi hoàn toàn, do đó khi nói đến vị, ta rất khó mà bỏ qua mùi được! Thêm vào đó là liên hệ ngôn ngữ của mùi (ngửi) và mùi/vị (nếm) có thể giải thích bằng sinh vật học và hóa học: vị giác ở lưỡi (nếm) và khứu giác ở mũi (ngửi) đều dùng một tế bào nhận (receptors). Khi khứu giác không hoạt động (không ngửi thấy mùi được) thì ta cũng không nếm được vì các tế bào nhận không làm việc. Hình lưỡi bên dưới cho thấy các vùng "nếm" của thức ăn - trích từ trang https://courses.lumenlearning.com/boundless-ap/chapter/taste-and-olfaction/

 Bitter/đắng, sour/chua, salty/mặn, sweet/ngọt

2.2 Mùi là màu (sắc) vào thời VBL

VBL trang 781

Mùi cũng có nghĩa là màu (sắc) vào thời LM de Rhodes. Hai dạng mùimàu đều hiện diện trong VBL, LM de Rhodes chia mùi thành hai mục khác nhau: mùi(ngửi, nếm) khác với mùi (màu) như mùi nhuộm (duộm), mùi thôi (VBL trang 489) - so với mục thức và mục sắc có nhiều cách dùng nhất (thâm, tía, tím, chàm, xanh, sắc đỏ ...). Chữ Nôm mùi có một dạng là vị HV 味 so với màu có một dạng là mưu/mâu HV 牟: "mặc những áo đỏ cùng lấy những ngọc có mùi đỏ kết thêu vào triều thiên đội" trang 92, Đức Chúa Giê Su[7] quyển chi cửu chi thập (LM Maiorica); "Song le, kẻ chẳng có mùi tốt trong linh hồn, thì cấm chẳng cho lấy mùi tốt mà vẽ mặt các Thánh" trang 138 Các Thánh Truyện tháng Hai…v.v.... Học giả Trương Vĩnh Ký (1884, sđd) ghi "couleur sf. là sắc, màu (mùi T.)" cho thấy ở Đàng Ngoài (td. Tonkin) vẫn còn dùng dạng mùi từ thời VBL - xem các hình chụp ở bên dưới (tài liệu từ Đàng Ngoài so với Đàng Trong). Mùi là màu vào thời VBL/1651, như các cách dùng[8] mùi đỏ, mùi xanh, mùi vàng (thức vàng), mùi tím, mùi chàm, mùi thôi ra - hình chụp bên dưới từ trang 96 "Dictionnaire élémentaire annamite-français" của Théophile Legrand de la Liraÿe/1868.

Nam Hoa Tự điển/trang 311 (1940) của học giả Nguyễn Trần Mô

 

 Théophile Legrand de la Liraÿe (1868)

 

Trích từ "Petit lexique annamite-français" Al. Pilon/1908

Một điểm nên nhắc ở đây là tiếng Mường Bi vẫn còn dùng mùi để chỉ màu như "wảl mùi dầm" nghĩa là chiếc váy màu đen[9] (màu đậm/đen - NCT).

2.3 Mồi là đồ ăn (esca/L - VBL)

Mồi là đồ ăn, để nhử vật khác. Thời VBL, mồimùi đều có thể dùng thay cho nhau (tương quan u-ô như tui-tôi, hùm-hồm ... mồi nhồi ~ mùi nhùi ~ bùi dùi VBL trang 478). Vị cũng có một nét nghĩa là thức ăn/món ăn như 海味 hải vị là đồ (ăn) từ sinh vật sống dưới biển/seafood/A, hải sản), 美味 mĩ vị là đồ ăn ngon (delicious food/A) cũng như 鮮味 tiên vị ... Nét nghĩa "thức ăn" đã hiện diện từ thời cổ đại, như từng được Hàn Phi Tử 韓非子 (279 TCN- 233 TCN) dùng trong câu 食不二味,坐不重席 (thực bất nhị vị, tọa bất trùng tịch - không ăn hai món, không ngồi cùng chiếu - hàm ý tiết kiệm, không phung phí/NCT). Các nét nghĩa đồ ăn, màu sắc, mùi (ngửi) và vị (nếm) đều có tương quan trong truyền thống ẩm thực[10].

2.4 Mùi có những nghĩa mở rộng

2.4.1 Mùi và bùi: VBL đã ghi mùi nhùi có thể dùng như bùi dùi, gợi ý cho khả năng hoán chuyển của hai phụ âm môi m và b. Tương quan giũa phụ âm đầu m- và b- vẫn còn hiện diện vào thời từ điển Việt Bồ La (1651) như mồ nhìn - bồ dìn, bồ hôi - mồ hôi, mạ vàng - bạ vàng ... mồ côi - bồ côi, mủn - bủn, mùi nhùi - bùi nhùi ... Liên hệ m-b rất rõ nét khi so sánh tiếng Việt và Mường (Bi) như băl ảo - may áo, băng tle - măng tre, bẳng - mắng, bẳm - mắm, bâm hồng - mâm rồng, bất lằng - mất lòng, bẻo - méo, bóc - móc, bỏi - muối, bớ - mở, bú - mủ, búnh - mủn … Do đó, ta có cơ sở để liên hệ mùi và bùi[11], "bùi miệng" nghĩa là ngon miệng (VNTĐ), "bùi tai" nghĩa là êm tại dễ nghe (VNTĐ). VBL chỉ ghi cách dùng "bùi ngon" cũng như bùi (sapidus/L ~ có mùi ngon, bùi). Như vậy, mùi-bùi còn liên kết với thính giác (bùi tai) - thật là một kết quả thú vị và rất phù hợp với hiện tượng CGK - mùi/bùi/vị (cùng một gốc *muj) đã kết nối thị giác (mùi ~ màu), khứu giác (mùi - ngửi thấy), vị giác (vị - nếm thấy) và thính giác (bùi - nghe thấy). Đây cũng là kết quả của khoảng không gian khi thu hẹp lại qua tư duy tổng hợp: ta thử quan sát một đối tượng nào đó - trong khi đứng từ xa ta có thể nhìn thấy mùi (màu) sắc, đến gần hơn nữa thì ta có thể ngửi thấy mùi, và gần hơn nữa (sát người) thì ta có thể nếm thấy vị (âm mới hơn, âm Hán Việt) của cùng một sự vật. Không những thế, tiếng động phát ra từ đối tượng còn có thể nghe ‘bùi’ tai - qua thính giác.

2.4.2 Mùi và muồi: cây trái khi chín sẽ tạo ra một số chất hóa học[12] (td. khí etilen C2H4) hòa lẫn trong không khí chung quanh, do đó dễ nhận biết được qua khứu giác. Thành ra không khó giải thích tại sao tiếng Việt lại chỉ các loại trái cây chín quá là "chín muồi".

2.4.3 Mùi và các nghĩa mở rộng: chỉ sự hứng thú, thức ăn ưa chuộng, trải nghiệm (mùi nhớ, truyện Kiều câu 256) như mùi đời, mùi đạo ...v.v… Trích từ truyện Kiều - mùi dùng 5 lần so với màu dùng 22 lần, sắc dùng 5 lần, thức dùng 2 lần, mồi dùng 2 lần:

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập