Một Chuyến Đi Về

Đã đọc: 938           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ngày trước, tôi thường muốn trở thành một người thợ chụp hình. Tôi có thể cầm chiếc máy ảnh trên tay, nhìn những thứ tôi rung động, chụp lại, lưu vào trong máy từng khoảnh khắc, nào đó, mà trên đường đời, bất chợt, tôi bắt gặp. Cái cảm giác khát khao muốn thu giữ những phút chốc bất chợt đó vào trong máy ảnh khiến tôi cho rằng ước vọng đó là ước vọng mĩ mãn nhất của cuộc đời một người muốn lưu giữ những thứ đẹp nhất trong đời mình. Nhưng về sau, lớn dần, tôi yêu viết. Ngòi viết có một sức mạnh thật thần kì, nó dường như mang sức mạnh của tất cả những loại nghệ thuật trên đời, và tôi bắt đầu đắm chìm trong nó, mặc sức viết, cho thỏa những câu chuyện của đời mình.

Cứ như một gã mục đồng, tôi thong dong tận hưởng những thú vui nơi miền quê với những mảng sương trắng trôi lững lờ. Rất ít khi tôi về quê, bởi những chuyến xe luôn được đong đếm bằng ngày đêm, nên mỗi khi về, những dư chấn trong lòng tôi luôn là những khoảng trắng đang được tô điểm lấp đầy bởi những luyến thương nơi tôi sẽ đến. Lần này tôi về quê, cũng thế, hành trình tôi đi biến thành những câu chuyện, cho tôi mặc sức viết.

Câu chuyện thứ nhất:

Chị tôi lấy chồng. Cái cảm giác một người thương mà đi lấy chồng nó xốn xang và trái ngang theo nhiều cách. Nếu không có dịp này cũng chẳng biết sẽ mất bao lâu tôi mới đặt chân lại vùng đất ấy: vùng đất với mùi rơm thơm nắng, với mùi của những chú trâu đang đưa đẩy vẫy những cái tai một cách qua loa, mùi mồ hôi của ngoại tôi bươn xuống cánh đồng cho lúa non thơm mùi sữa, và cả mùi của sự yên tĩnh thanh bình, đến độ chú gà trống cất tiếng gáy mỗi sáng trở thành thanh âm duy nhất ồn ào.

Chị tôi lấy chồng và bỗng chốc trong tôi chị là cô dâu đẹp nhất và cũng khiến tôi bao trọn thứ cảm xúc quá đỗi man mác buồn. Sắp xếp hết mọi công việc, lên xe, tôi về. Dẫu đinh ninh chị sẽ đẹp như thế nào trong ngày cưới mọi thứ nghĩ suy của tôi dường như vẫn chưa thể nào lột tả hết được vẻ ngỡ ngàng khi tôi thấy chị. Tôi vừa xuống xe đã vội đến với chị, trong nhà hãy đã nghịt người. Và ở đó, chị, trong chiếc áo dài màu đỏ truyền thống, đầu đội vòng xoan, một bông hoa sữa vén mái tóc qua tai trở thành điểm nhấn. Thấy tôi, vô thức, chị rẽ dòng người tiến lại rồi bỗng ôm chầm, cái ôm của chị là cái ôm của người dễ đã gần bảy, tám năm chưa gặp, nên nó sâu cay ấm nồng. Trong tôi, dâng tràn cảm xúc hạnh phúc biết nhường nào bởi cái ôm ấm áp từ chị. Qúa khứ trong tôi dội về những cơn sóng lòng như từng đợt lũ đánh vào kí ức, mảng kí ức mà tôi đã "nhỡ" quên khi bôn ba trước sóng gió cuộc đời. Chúng tôi, những đứa cháu đầu tiên trong đại gia đình nhà ngoại, sáu đứa chúng tôi luôn quấn quýt bên nhau. Ấu thơ trong tôi là những hôm sáu đứa cùng nhau mang cơm cho ngoại đang chăn vịt ở dưới chân cầu, cả đám nhỏ lít nhít, tay xách nách mang muốn ghi điểm với ông bà nên lún những bàn chân nhỏ xíu dưới cát trắng để tới bên ngoại. Là những hôm ngủ cùng nhau quên trời đất sau khi lăng xăng cả ngày mệt nhoài chơi đồ hàng với những dậu mồng tơi, để rồi nửa đêm bật dậy nháo nhào vì phát hiện có đứa "tè dầm" lành lạnh. Là những lúc cả lũ được dì Tám dẫn đi tắm sông, đứa nào cũng hì hục bơi...trên cạn, đợi dì bế từng đứa xuống tắm. Chị lớn hơn tôi một tuổi, nên tôi thân với chị nhất, và cũng yêu thương nhất.

Chị trông rất đẹp. Thấy tôi, chị cười rất tươi, tay xiết chặt tay, còn tôi chỉ kịp buông một câu :" Chị là cô dâu đẹp nhất đấy", thì chị đã bị quan khách kéo đi tiếp. Suốt buổi, tôi giành thời gian ngắm chị: mái tóc dài buông như ngày xưa chị vẫn tự hào, giọng nói trẻ con (ấy thế mà giờ đã thành cô dâu rồi đấy), và ánh nhìn dõi theo tôi rồi nói khẩu hình:"  Ăn nhiều vô đấy" khiến tôi đượm lòng. Thế là chị đã đi lấy chồng, đi về một miền xa xứ, thâm tâm tôi hạnh phúc thay cho chị. Nhưng trong lòng tôi cũng níu giữ một cảm giác của sự xa cách, nó cứ như tôi sẽ không thể gặp lại chị như chừng tám năm đã trôi qua. Thế nhưng khi nhìn ánh mắt chị, vòng ôm của chị và cái nắm tay ấy, đột nhiên hạnh phúc trong tôi che lấp mọi lắng lo, và dường như chuyến đi này với tôi là quá đủ.

Câu chuyện thứ hai:

Lũ trẻ con nhà ngoại, những đứa nhóc mà tôi gọi là thế hệ sau của chúng tôi, (con của các dì tôi, nhưng nhỏ hơn sáu đứa chúng tôi nhiều tuổi), chúng thích tôi. Cái thích của trẻ con dường như rất dễ để nhận ra, chúng xúm xít quanh một ai đó và khi người đó rời xa, thì chúng buồn. Mỗi năm tôi gặp chúng chỉ một lần khi cậu, dì đưa chúng lên phố bán bông vào dịp tết. Có lẽ vì chúng cô đơn bởi cha mẹ luôn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, và cuộc sống làng quê tưởng rất đỗi nhịp nhàng nhưng đôi lúc quá thanh bình khiến lũ trẻ hiếu động trở nên nhàm chán. Những lúc rảnh rỗi tôi thường giành thời gian cho chúng, chụp hình, vui đùa và kể chuyện. Phải nói đây cứ như lần đầu tiên, tôi găp khi chúng ở quê. Tôi ở đâu chúng đi theo đó, như vô thức. Tôi nói thích hoa giấy, chúng chạy biến rồi mang về cho tôi những nhành hoa giấy nhỏ, còn kéo tôi đi xem cây hoa giấy chúng vừa phát hiện. Đứa này đè giọng đứa kia:

- Chị, chị, hoa đó em hái trước tụi nó bắt chước đó.

Tôi nhìn cây hoa giấy ở trên cao, và những đứa trẻ chỉ chừng ngang hông tôi thắc mắc, nhưng nhìn mặt mũi tụi nó lấm lem, quần áo có những dấu chân, tôi chợt hiểu có lẽ tụi nó đã ra sức cõng nhau và té uỵch. Chưa kịp cảm thương, một bé nhỏ tới gần tôi, nó vẫn còn ngọng lắm:

- Chị- con bé bắt đầu ấp úng, bẽn lẽn - Em với không tới, ai cũng có hoa tặng chị hết, em thì không có...- Chân nó di di trên nền đất, nhìn đến tội.Tôi ôm nó vào lòng, và tự nhiên cảm thấy mình vừa nhận một bó hoa rực rỡ lắm rồi.

Câu chuyện thứ ba:

Ngày còn bé tôi ngây ngô lắm. Tôi là đứa cháu duy nhất ở xa của ngoại, chỉ về quê vào những dịp hè nên ngoại rất cưng chiều. Khi tôi còn nhỏ, ngoại hay dẫn tôi ra biển tắm vì tôi rất thích nước, có lẽ chẳng thể nào quên việc cái đồng hồ mới của tôi bị vô nước mặn, hư, nên mẹ đét đít tôi rất đau. Ngoại xót cứ nằng nặc giành lỗi về phần mình. Nay, tôi về, cũng chừng ấy năm không gặp, tóc ngoại giờ bạc trắng cứ như bà tiên trong cổ tích. Thấy tôi, ngoại cứ ngồi cạnh, nắn nắn, bóp bóp tay chân tôi, mắt nhìn đăm đắm như muốn thâu tóm hình hài đứa cháu thân thương. Mắt ngoại có vẻ ươn ướt còn môi thì cứ mấp máy không rõ lời.

- Bây ăn cái gì? Trưa có ăn cái chi đâu?

Tôi mới cười cười, ngoai ngồi vuốt vuốt tóc tôi:

- Bây cứ đi xa miết, tao nhớ quá. Bây có còn nhớ hầu nhỏ bây hứa gì với tao không?

Tôi lúc lắc đầu, ngoại cười hiền:

- Bây không cần làm vất vả mua gậy vàng cho tao đâu, về với tao luôn là được rồi.

Tôi chợt nhớ trong khoảnh khắc nhòa qua, có cô bé thấy ngoại nó bắt đầu đi khập khiễng đã nói:

- Bà, bà, sau này con sẽ mua cho bà cây gậy bằng vàng, thay thế cho ngoại đi khỏi ngã. Con còn mua cả một tòa lâu đài cho ngoại nữa, ngoại khỏi ở trong căn nhà dột nữa.

- Tại sao phải là gậy vàng hở bây?

- Con thấy vàng là đắt nhất mà bà - Con bé ngô nghê nói.

Bỗng dưng tôi ôm chầm lấy ngoại mà khóc nức nở. Từng ấy năm rồi sao ngoại? Từng ấy năm con đi, nước mắt ngoại hóa thành dòng sông và chưa bao giờ nguôi thương nhớ. Lúc tôi còn bé, cũng là ngoại thay tã, tắm rửa khi ba mẹ tôi bôn ba theo những chuyến hàng xa. Rồi khi cả nhà dời lên phố, những buổi gặp gỡ chỉ còn là những khi chú ve cất tiếng kêu báo gọi mùa hạ đến, và khi tôi bắt đầu bươn chải vào đời, xách balo đi về miền xa thẳm, tất cả nỗi nhớ chỉ còn gói gọn trong những cánh thư. Ông tôi đương nằm dài trên chiếc phản to, ngoái nhìn khi thấy tôi chợt cất bước:

-          Bây đi đó hả? Bây về lần này tao chả chơi bài với bây được.

Rồi ông cười xòa. Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi tết đến, người ta hay chơi với nhau dăm ván bài gọi là cầu thần tài đầu năm, ông cháu tôi cũng hay xun xoe cùng nhau chơi bài phạt quỳ như thế, hoặc giả đôi khi cháu hiếu thắng, bắt ông chơi một hai ngàn cho kì được lấy tiền mua bánh. Nên cứ mỗi khi ông chấu tôi gặp lại thể nào cũng chơi bài phạt quỳ. Nay thăm ông, sức khỏe ông không còn như trước, ông không nghe rõ lời tôi nói nữa, và cũng chỉ có thể nằm một chỗ. Tôi ghé tai ông nói thật to:

-          Ông ơi, ông phải thật khỏe lên, ông mà không khỏe con không chơi bài với ông nữa.

Tôi thấy ông nhoẻn cười, nụ cười móm mém, thều thào.:" Bây cứ đợi". Tôi lên xe về lại phố bỏ lại đăng sau những luyến thương, những cái vẫy tay, những cái chớp chớp mắt của lũ nhỏ và ánh dõi theo của ngoại tôi. Bỏ lại đám cưới còn đang dang dở cuộc vui của người chị mà tôi nhất mực yêu thương về lại trong lòng thành phố. Bao giờ cũng thế, chẳng hiểu có phải riêng tôi, cảm xúc phức tạp hay không mà khi đặt chân về lại nơi phố thị xô bồ tôi luôn mang trong mình hai cảm giác: Một là quen thuộc vì đã ở một khoảng thời gian dễ đến chục năm, hai là cảm giác xa lạ, vì tôi vừa bỏ lại một miền quê đầy nhớ thương từ tận trong kí ức để về lại với phố, và khi cảm giác miền quê trở thành chốn thương, xa khỏi chốn thương, tôi bỗng dưng thấy mình nhỏ bé và xa lạ.

 

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập