Bình Phước: Tổ chức Đại giới đàn là nỗ lực lớn của BTS sau 22 năm thành lập

Đã đọc: 995           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

HT. Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Giác Ngộ nhân sự kiện BTS GHPGVN tỉnh nhà tiến hành tổ chức Đại giới đàn sau 22 năm thành lập.

Hòa thượng cho biết thêm:
- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước được thành lập năm 1997, tách ra từ BTS Phật giáo tỉnh Sông Bé. Từ đó đến nay Phật giáo tỉnh nhà thực hiện thành tựu nhiều Phật sư to lớn như: Hình thành hoàn chỉnh các ban ngành trực thuộc giữ chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Trị sự; thực hiện công tác thống kê toàn tỉnh với 130 ngôi chùa và 56.500 tín đồ Phật tử tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện; thực hiện thường xuyên, liên tục các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, tập trung vào nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, chăm sóc người có công, tặng quà từ thiện, xây cầu, làm đường, tặng xe lăn, hiến máu nhân đạo, khuyến học với tổng kinh phí lên đến 100 tỷ đồng; xây dựng 3 phòng khám bệnh Đông y đang hoạt động hiệu quả, miễn phí cho hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi tháng. Đặc biệt, chư Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh đã trùng tu, kiến tạo 80 cơ sở tự viện, 2 tự viện được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
 
Tuy vậy, hoạt động ngành Tăng sự dù được xem là quan trọng nhất của Tăng đoàn nhưng do thiếu nhân sự, địa bàn ít chư Tăng Ni nên hàng năm thường chỉ tổ chức an cư, thực hiện các hồ sơ giấy tờ liên quan chứ chưa thể chủ động tổ chức Đại giới đàn như một cách để xiển dương giới pháp, tạo dựng và bồi dưỡng thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa để các Phật sự được duy trì một cách vững bền.
 
Chính vì lẽ đó, Đại giới đàn lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Bình Phước là một nỗ lực rất lớn của tập thể Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh trên cơ sở đồng thuận của TƯGH và lãnh đạo chính quyền các cấp tại tỉnh nhà, sự khát ngưỡng của Tăng Ni và Phật tử các giới.
 
Lần đầu triển khai một sự kiện về Tăng sự khá lớn, vậy công tác chuẩn bị ra sao, bạch Hòa thượng?
 
- Để thực hiện Phật sự quan trọng liên quan đến giới luật này, BTS GHPGVN nhiệm kỳ V (2017-2022) sau khi ra mắt đến nay chỉ vừa chừng 5 tháng đã tiến hành nhiều phiên họp để thảo luận và thống nhất nhiều công việc cần phải làm và phân trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân thành viên.
 
Chỉ hơn một tuần nữa Đại giới đàn sẽ chính thức diễn ra, mọi sự chuẩn bị đang được tập trung cao nhất. Theo đó, Đại giới đàn lần đầu tiên của Phật giáo tỉnh Bình Phước mang tôn hiệu của Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh, bậc cao tăng lỗi lạc của Phật giáo VN thời hiện đại, được tổ chức từ ngày 3 đến 6-8-2018 (nhằm ngày 22 – 25-6-Mậu Tuất) tại 2 địa điểm: Giới đàn Tăng (chùa Thanh Tâm, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú); Giới đàn Ni (chùa Quang Minh, phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài). Ban Tổ chức đã cung thỉnh HT.Thích Minh Thông làm Tuyên luật sư; HT.Thích Như Niệm làm Hòa thượng Đường đầu cho đàn giới Tỳ-kheo; cá nhân chúng tôi làm Hòa thượng Đường đầu cho đàn giới Sa-di; cung thỉnh NT.Thích nữ Tịnh Nguyện làm Đường đầu Hòa thượng đàn Tỳ-kheo-ni; NT.Thích nữ Từ Nhẫn làm Đường đầu Hòa thượng đàn Thức-xoa; NT.Thích nữ Như Như làm Đường đầu Hòa thượng đàn Sa-di-ni.
 
Theo số liệu cập nhật chưa chính thức, đã có 144 giới tử phát nguyện thọ giới gồm: 26 giới tử phát nguyện thọ giới Tỳ-kheo, 23 giới tử phát nguyện thọ giới Sa-di, 38 giới tử thọ Tỳ-kheo-ni, 29 giới tử thọ Thức-xoa-ma-na và 28 giới tử thọ Sa-di-ni.
 
Lần đầu tổ chức chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều bỡ ngỡ cho các thành viên Ban Tổ chức, Ban Kiến đàn và tập thể Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, nếu có sự đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng và hòa hợp, đoàn kết của chư Tăng Ni và Phật tử các giới thì Đại giới đàn Trí Tịnh sẽ thành tựu viên mãn.
Phiên họp của BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước chuẩn bị cho Đại giới đàn Trí Tịnh
 
Với số lượng Tăng Ni đăng ký thọ giới khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành lân cận, theo Hòa thượng, nghi thức tấn đàn sẽ gọn nhẹ hơn không?
 
- Đại giới đàn Trí Tịnh được tổ chức trong 4 ngày với nhiều hoạt động cụ thể và phần lớn hướng đến việc thanh tịnh hóa giới tử để các vị có thể đắc giới trên cơ sở: Giới trường trang nghiêm, giới sư thanh tịnh và giới tử có lòng khát ngưỡng. Do vậy, sau khi giới tử tập trung vào ngày 3-8, Ban Tổ chức dành nhiều thời gian khảo hạch, sinh hoạt nội quy giới trường, tổ chức sám hối, tọa thiền, khai đạo giới tử, tụng luật trường hàng. Phần khảo hạch được tổ chức dưới dạng thi viết và thi vấn đáp trên cơ sở đề cương mà Ban Trị sự công bố trước đó đến từng giới tử khi đăng ký, nộp hồ sơ thọ giới.
 
Thời gian còn lại là để đăng đàn truyền giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Bồ-tát giới, giới sư Ni dẫn giới tử Tỳ-kheo-ni đến Đại Tăng cầu chánh giới. Vì lượng giới tử ít nên thời gian tấn đàn sẽ ngắn lại so với nhiều Đại giới đàn có đông giới tử khác.
 
Giới đàn là hoạt động riêng biệt trong Tăng sự trên cơ sở kính ngưỡng giới pháp để làm nền tảng bảo hộ cho sự tu tập. Do vậy, khi tổ chức Đại giới đàn, điều quan trọng nhất là đúng pháp Phật chế và trang nghiêm chứ không nhất thiết phải quy mô mang tính hình thức. Với ý nghĩa đó, Phật giáo tỉnh Bình Phước trong tâm niệm lần đầu tiên tổ chức Phật sự này, trong điều kiện của tỉnh, đối chiếu thực tế lượng Tăng Ni và tự viện thì việc gần 150 giới tử phát nguyện thọ giới là phù hợp. Đối với các nghi thức tấn đàn truyền giới cũng sẽ tuân thủ hướng dẫn của TƯGH và những quy định trong giới luật mà thực hiện, chú trọng đến nội dung và chất lượng giới tử.
 
Cũng là vị giới phẩm lãnh đạo ngành Tăng sự của TƯGH, trước hiện tượng nhiều tỉnh thành liên tục tổ chức các Đại giới đàn với quy mô lớn dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng giới tử, theo Hòa thượng, có nên điều chỉnh lại việc này?
 
- Chúng tôi cũng nghe một số ý kiến từ các Hội nghị chính thức hoặc thông qua tiếp xúc với chư tôn túc lãnh đạo Phật giáo một số tỉnh, thành về hiện tượng Tăng Ni khi đến thọ giới ở một tỉnh A, không vượt qua vòng khảo hạch nhưng sau đó ngay lập tức lại có tỉnh B tổ chức Đại giới đàn và vì nhu cầu cần giới tử nên đã dễ dàng cho qua phần khảo hạch để truyền giới. Rồi cũng có hiện tượng nhiều giới tử đã thọ Tỳ-kheo nhưng khi kiểm tra lại thì vẫn chưa thuộc kinh kệ căn bản, giới luật Phật chế và khả năng, tiếp nhận hiểu biết, ứng dụng giáo lý để tu tập vẫn còn thấp. Một số ý kiến khác lại cho rằng có nhiều tỉnh liên tục khai mở Đại giới đàn chỉ chú trọng đến hình thức tốn kém, đưa ra các quy định có sự sai khác và chồng chéo với TƯGH mà ít quan tâm đến đối tượng quan trọng nhất là giới tử thọ giới.
 
Tất cả các ý kiến trên là những cơ sở để Ban Tăng sự TƯGH tiến hành các phân tích, đánh giá và điều chỉnh lại Nội quy chuyên ngành nhiệm kỳ 2017-2022 đã được dự thảo và đang cho công bố để tiếp nhận ý kiến đóng góp rộng rãi từ các cấp Giáo hội, đông đảo Tăng Ni và quần chúng Phật tử cả nước. Trong dự thảo nội quy mới này sẽ có nhiều quy định gắn liền với sinh hoạt của Tăng Ni, tự viện thời nay và chắc chắn sẽ có những điều khoản liên quan đến Đại giới đàn để mọi thứ đi vào khuôn phép, kỷ cương hơn.
 
Chân thành cảm ơn Hòa thượng!
 
_Nguồn: giacngo.vn_

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập