Bình Dương: Dấu ấn khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính và kỹ năng xử lý thông tin

Đã đọc: 1465           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo thông tin đã đưa, Văn phòng II T.Ư Giáo hội phối hợp Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ hành chính và kỹ năng xử lý Thông tin khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây nguyên (Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kom Tum, Gia Lai, Lâm Đồng).

Thời gian: Từ ngày 04 - 08/07/ 2018 (21 - 25/05/Mậu Tuất), tại chùa Hội An - Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, phường Hòa Phú, Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Thành phần tham dự: Chư tôn đức Ban Thường trực BTS GHPGVN, Ban Thư ký, Ban TTTT các tỉnh miền Đông, Tây nguyên và Chư tôn đức Ban Thường trực BTS, Ban TTTT GHPGVN tỉnh Bình Dương, BTS Phật giáo 09 huyện thị thành trực thuộc Phật giáo tỉnh Bình Dương.

Mục tiêu khóa học để hiểu rõ những điểm mới của Hiến chương Giáo hội vừa được tu chỉnh lần thứ VI tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022 và kỹ năng hoạt động hành chính văn phòng; nắm vững về quan điểm tư tưởng của Giáo hội, Pháp luật Nhà nước về người làm công tác truyền thông và một số nội dung của Luật tín ngưỡng tôn giáo; Chủ trương và quan điểm về công tác Truyền thông Phật giáo, kỹ năng quay phim, chụp hình, viết tin.

* Sáng ngày 04-07-2018 (21-05-Mậu Tuất), tại hội trường Chùa Hội An, Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương , phường Hòa Phú, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã diễn ra lễ khai mạc Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hành chánh và Kỹ năng Xử lý Thông tin Khu Vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Chứng minh và tham dự lễ khai mạc có sự hiện diện của: HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN; HT. Thích Huệ Thông, Thành viên HĐCM Trung ương GH, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT. Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự TƯ GHPGVN, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Bình Phước ; HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ Tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông Tin Truyền Thông TƯ GHPGVN; TT. Thích Thiện Thống, Phó Chủ Tịch HĐTS GHPGVN; TT. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế TƯ GH;  HT. Thích Tấn Đạt, Uỷ viên Thư ký HĐTS, Phó VP II TƯ GH, Phó Ban Thường trực Ban Hoằng Pháp TƯ GH; HT. Danh Lung, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó VP II TƯ GH; HT. Thích Thiện Đức, UV Thường trực HĐTS, Phó Ban Kiểm soát TƯ GH, Phó BTS PG TP. HCM; HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn Phòng II TƯ GH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, cùng Chư Tôn đức Trưởng BTS 10 tỉnh thành khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và hơn 400 đại biểu về tham dự.

Về phía lãnh đạo và chính quyền có: Ông Trà Quang Thanh, Vụ Phó vụ Công tác phía Nam Ban Tôn giáo Chính Phủ; Bà Nguyễn Lê Hà, Phó Phòng PA88 Cục An Ninh Xã hội Bộ Công An; Ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Bình Dương; Ông Trần Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương; Bà Vũ Thị Oanh, Phó Trưởng Phòng PA88 Công An tỉnh Bình Dương; Bà Nguyễn Thu Cúc, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một và các vị đại diện lãnh đạo ban ngành thuộc phường Hòa Phú đồng về tham dự.

Phát biểu khai mạc, HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn Phòng II TƯ GH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Được sự chấp thuận của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, được sự cho phép của Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương phối hợp với Văn Phòng II TWGH tổ chức Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hành chánh và Kỹ năng xử lý thông tin cho các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên với sự tham dự của 10 đơn vị tỉnh thành và hơn 400 đại biểu tham dự khóa tập huấn được diễn ra trong 05 ngày, từ ngày 04-08/07/2018 (nhằm ngày 21-25/05/Mậu Tuất).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII GHPGVN nhiệm kỳ 2017-2022 với mục tiêu 09 điểm, nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động hành chánh Giáo hội, kỹ năng xử lý thông tin của tổ chức GH các cấp ban ngành chuyên môn, giúp cho hoạt động hành chánh GH từ Trung ương xuống địa phương có hệ thống, ngày càng hoàn thiện đi vào nề nếp và mang tính chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu khách quan trước sự ra đời và có hiệu lực của Luật Tín ngưỡng - Tôn  giáo, các quy định của GH ngày càng chặt chẽ, hoàn thiện hơn. Đây là yếu tố góp phần cho sự phát triển của GHPGVN.

Xác định được điều đó, VP II TWGH đã phối hợp với BTS các tỉnh, các ban chuyên môn liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các vị đang lãnh đạo hoạt động tại các Ban Trị sự, các ban chuyên môn với 02 nội dung quan trọng là Nghiệp vụ Hành chánh GH và Kỹ năng xử lý thông tin, qua đó sẽ giúp cho các thành viên nhận thức sâu, nắm chắc về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong tổ chức GH; có thêm kiến thức, kinh nghiệm hoạt động của GH.

Năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật tín ngưỡng - Tôn giáo, hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI và các nội quy, quy chế, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của GH. Tại Khóa Bồi dưỡng lần này, chúng ta được nghe và tiếp thu các kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực hành chính, tổng quan về công tác hành chánh, văn phòng; kỹ năng soạn thảo văn bản hành chánh văn phòng tại các cấp GH, bồi dưỡng về kỹ năng xử lý thông tin truyền thông.

Bên cạnh đó, Khóa Bồi dưỡng là dịp để các đơn vị tỉnh thành gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt cùng những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của GH. Đây là những chuyên đề hết sức cơ bản, cung cấp những kỹ năng kiến thức cần thiết cho hoạt động hành chánh GH.

Hành chánh văn phòng luôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi tổ chức, để làm tốt chức trách, trách nhiệm được giao, đòi hỏi mỗi người làm công tác hành chánh GH ngoài tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết, cần thiết vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng, giúp những người làm công tác hành chánh văn phòng thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Phát biểu báo cáo công tác tổ chức Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ hành chánh và Kỹ năng xử lý thông tin do TT. Thích Minh Lực, Phó BTS kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Bình Dương: Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hành chánh và kỹ năng xử lý thông tin truyền thông có 314 đại biểu chính thức tham dự đại diện cho 10 tỉnh thành miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Về mặt pháp lý, chủ trương xin phép thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII của HĐTS TƯ GHPGVN, Sở Nội vụ - Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương phối hợp với Văn Phòng II TWGH tổ chức Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hành chánh và Kỹ năng xử lý thông tin cho các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Nội dung tập huần gồm: Triển khai Hiến chương GH vừa được tu chỉnh lần thứ VI; Quan điểm tư tưởng của GH, pháp luật, nhà nước về người làm công tác truyền thông, luật tín ngưỡng tôn giáo; Chủ trương và quan điểm về công tác truyền thông PG, kỹ năng quay phim, chụp hình, viết tin, viết thông cáo báo chí, ứng xử giao tiếp với báo giới, xử lý thông tin.

Thành phần Ban giảng huấn gồm có: Chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo GH có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành công tác hành chánh GH. Giảng viên học viện hành chánh. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước, cơ quan về thông tin truyền thông, các chuyên gia có kinh nghiệm cho lĩnh vực báo chí thông tin truyền thông.

Thay mặt BTC, HT. Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó VP II TƯ GH, Phó Ban Thường trực Ban Hoằng Pháp TƯ GH thông qua thời khóa biểu xuyên suốt trong thời gian học. HT. Danh Lung, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó VP II TƯ GH đọc nội quy của khóa học.

Đại diện chính quyền, Ông Trần Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương, phát biểu chúc mừng khóa bồi dưỡng diễn ra thành công tốt đẹp.

* Sau buổi khai mạc khóa bồi dưỡng Nghiệp vụ Hành chánh và kỹ năng xử lý thông tin truyền thông. HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ Tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông Tin Truyền Thông TƯ GHPGVN chia sẻ: Tầm quan trọng và ý nghĩa của Thông tin truyền thông.

Hòa thượng nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, đặc biệt là kể từ khi chính thức thành lập Ban TTTT TƯ đến nay, khi đề cập đến lĩnh vực TTTT Phật giáo, chúng ta phải nhìn nhận khách quan để thấy được bên cạnh các thông tin về các hoạt động Phật sự của Giáo hội trên tất cả các mặt, những thông tin đó là tích cực mang tính xây dựng, thì vẫn có những thông tin tiêu cực được đăng tải trên báo điện tử, trên youtube và trên các trang mạng xã hội.

Theo đó, trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông, khi mà các phương tiện thông tin đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng vừa cá nhân hóa (các trang cá nhân) vừa tích hợp trên trang mạng xã hội để kết nối cộng đồng như chúng ta đã và đang tiếp xúc hàng ngày qua máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện nghe nhìn khác. Ở đâu đó còn có các thông tin tiêu cực, bất lợi thì chúng ta cần phải giảm thiểu mặc dù cũng cần có những góc nhìn đa chiều với những quan điểm đánh giá đa dạng, khác nhau nhưng mang tính xây dựng.

Đến nay, GHPGVN đã trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các mặt hoạt động phật sự ở khắp mọi vùng miền của đất nước, nhưng có thể nói rằng công tác hoằng pháp thông qua công tác TTTT giữa các vùng miền trong nước, giữa vùng đồng bằng với vùng núi, giữa miền ngược với miền xuôi vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn.

Có thể nói đây là thiệt thòi đáng tiếc cho việc lan tỏa chánh pháp đạo Phật đến vùng sâu vùng xa. Chính vì vậy, việc truyền bá phật pháp thông qua  các kênh truyền thông về vùng sâu vùng xa cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu của sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, nhất là trong thời kỳ Phật giáo đang phát triển và có nhiều đóng góp tích cực vào đời sống xã hội của đất nước.

Khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là những địa danh có những đặc thù so với các vùng miền khác trong nước. Ở Tây Nguyên, đa số tín đồ Phật giáo là người dân tộc Kinh còn tín đồ người dân tộc thiểu số thì rất ít, Tăng Ni người dân tộc thiểu số gần như chưa có. Do vậy, khi bồi dưỡng nguồn nhân lực, mong rằng quý Tăng Ni chú trọng cho những vấn đề trọng yếu nêu trên, đây cũng là vấn đề đặt ra cho công tác TTTT trong cả nhiệm kỳ VIII.

* Chiều ngày 04/07/2018: Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS TW GHPGVN, chia sẻ chủ đề: Chủ trương của Giáo hội về công tác thông tin truyền thông.

TTTT là quyền lực thứ 4 trong xã hội, mặc dù không có cụ thể quy định, nhưng nó có sức mạnh chi phối đa chiều. Bất kì ai sử dụng TTTT mà không có định hướng ĐÚNG, do vô tâm hay hữu ý đã gây ra nguy hiểm cho nhiều người. Thời gian qua, có nhiều TTTT không chuẩn xác gây tổn thất lớn lao về tinh thần vật chất cho cá nhân và tập thể, chư tôn đức thấy rõ vấn đề đó và chỉ đạo coi trọng công tác TTTT và phải chủ động xử lý TTTT một cách hiệu quả.

Qua bốn kì kết tập kinh điển, ngày nay Tam tạng giáo điển được lưu truyền và hình thành qua hình thức: Truyền miệng, chữ Sankrit, Hán, Anh, Phạn, từ đó hình thành TTTT mở rộng đến đại chúng khắp châu lục. Chúng ta tự hỏi: “Tại sao Phật giáo có nhiều bộ kinh?”. Vì Đức Phật nói mỗi đối tượng tiếp nhận TTTT PG phải tùy thuộc vào yếu tố: Khế Lý, Khế Cơ, Khế Thời, Khế Xứ.

Hiện nay có rất nhiều khóa tu với nhiều chủ đề khác nhau, chúng ta dùng nên dùng phương tiện phù hợp cho mỗi lứa tuổi, tùy thuộc không gian. Nếu không quán triệt Tùy Duyên Phương Tiện, sẽ gây nên nhiều xung đột, mâu thuẫn chia rẽ các hệ phái, làm sai lệch bản chất của Phật giáo.

Chư Tăng Ni ngày nay được thừa hưởng nền TTTT PG do các bậc tiền nhân để lại. Từ những buổi đầu, chư vị Tổ thầy thấy công tác TTTT PG rất quan trọng và thành lập báo chí PG như: Vạn Hạnh, Đuốc Tuệ, Viên Âm, Tam Bảo, Pháp Âm, Từ Bi Âm, Giác Ngộ, tạp chí văn hóa PG, tạp chí nghiên cứu PG, tạp chí PG nguyên thủy, tạp chí Phân ban Ni giới v.v., Hiện nay có hàng nghìn trang mạng PG từ các ban nghành viện, ban trị sự, cá nhân tương tác TTTT PG…, nhưng số lượng chư tôn đức Tăng Ni đầy đủ khả năng làm TTTT PG là bao nhiêu?

Xuất phát tầm quan trọng, một trong chín mục tiêu lớn NK VIII đặt vấn đề làm công tác TTTT PG như thế nào? Chư tôn đức thảo luận đưa ra ý kiến xây dựng đẩy mạnh TTTT PG thành kênh Hoằng Pháp toàn quốc. Để làm TTTT PG phát tiển có tầm quy mô chính thống, danh sách kiện toàn nhân sự, nội quy hoạt động và quản lý, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ mang tính chuyên nghiệp, ban TTTT PGTW cần có định hướng cụ thể, vì đó là tính cấp thiết đi kèm chuyên môn cao mới có hiệu quả tốt nhất truyền đạt TTTT PG.

Ngoài các phương tiện hỗ trợ về măt kỹ thuật công nghệ số, chúng ta phải có kỹ năng nhuần nhuyễn, kịp thời đưa thông tin và phản biện chuẩn xác về Phật giáo, cụ thể; chủ động xử lý khủng hoảng truyền thông Phật giáo, phải hết sức khéo léo để tránh các hiệu ứng dư luận không tốt trong xã hội, vì TTTT luôn tạo sự tò mò cho mọi người, vô tình gây ra tác nhân không lường trước được hệ lụy về sau…

Làm thế nào để quản lý tốt các trang báo giấy, báo mạng Phật giáo? Đó là trách nhiệm của ban TTTT PG cần có thời gian họp bàn về với các admin trang web PG. Đồng thời, định hướng lâu dài kênh truyền hình Phật giáo AVG? Kế hoạch sắp tới, website Phatsuonline TV phát triển thành trang mạng PG chạy trên mạng điều hành, thay cho phần mềm ứng dụng Zalo đang chạy hiện nay.

* Sáng ngày 05- 07- 2018 ( nhằm ngày 22- 05- Mậu Tuất), Ông Trần Tấn Hùng,  Phó Ban Tôn giáo Chính Phủ, Vụ Trưởng vụ tôn giáo đặc trách phía Nam đã triển khai về “Luật tín ngưỡng, tôn giáo”.

Theo nghị quyết số 25/2003/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp  hành Trung ương  Đảng khóa IX về công tác tôn giáo đã khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH của nước ta…”.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo (trên 90 triệu dân, 54 dân tộc). Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống riêng với nhiều loại hình từ tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông bà, tổ tiên, những người có công với dân tộc, với cộng đồng, đến tín ngưỡng tôn giáo; có tôn giáo nội sinh, có tôn giáo du nhập từ nước ngoài vào, có tôn giáo đã tồn tại hàng trăm năm, có tôn giáo mới hình thành…đều duy trì sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường, ổn định tại các cơ sở thờ tự, các điểm nhóm và tại tư gia. Có thể nói trên 95% dân số Việt Nam thực hành các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo.

Tính đến tháng 06 -2017, nhà nước đã công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo với khoảng 25,3 triệu tín đồ chiếm 27% dân số (tăng 35% so với năm 2003), với 60.799 chức sắc (tăng 65%), 133.622 chức việc (tăng 69%); số lượng cơ sở thờ tự có 27.916 (tăng 33%).

Sau khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, với chủ trương của Đảng “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với tổ quốc và nhân dân”. (Văn kiện hội nghị lần thứ VII BCHTƯ khóa IX) thì xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến các loại hình tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng.

Từ đó, các loại hình tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng đã được phục hồi và ngày càng phát triển. Tính đến tháng 07- 2015, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những nguyên tắc trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước Việt Nam là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo, với công tác tôn giáo được cụ thể hóa tại điều 24 của Hiến pháp năm 2013 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

* Vào lúc 09h30: Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh VPII TWGH, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Bình Dương đã chia sẻ chủ đề: Triển khai hiến chương và một số quy định của Giáo hội.

Tại khóa bồi dưỡng, HT. Thích Huệ Thông đã triển khai Hiến chương được sửa đổi lần thứ VI và một số quy định của Giáo hội, cũng như các thể thức văn bản về hành chánh đạo. Ngài cũng đã cho biết lịch sử của PGVN từ thập niên 20-30, thời gian đó các tổ chức Giáo hội chưa ra đời, chỉ mang tính tập hợp của một số Chư Tôn đức để hình thành các tổ chức mang tính vùng miền và các địa phương rồi đến phong trào chấn hưng Phật giáo.

Từ thập niên 40 trở về sau, các tổ chức hội ra đời nhưng vẫn không tính quy mô. Cho đến những thập niên 60 dưới sự đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo bắt đầu đấu tranh. Những giai đoạn đó, có hàng chục các tổ chức Giáo hội ra đời và hoạt động riêng rẽ. Năm 1981, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, các tổ chức của Giáo hội được hình thành trước năm 1975, cụ thể 09 tổ chức hệ phái cùng ngồi lại với nhau và đi đến thống nhất thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vào tháng 11 năm 1981, thời điểm đó hiến chương GHPGVN ra đời.

Hiến chương là một sản phẩm của Trí Tuệ, của tập thể Chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử cư sĩ Việt Nam mà hình thành nên. Trong hiến chương có những quy định, những điều khoản nhằm để ổn định xây dựng và đáp ứng nhu cầu PG ở giai đoạn lịch sử lúc đó. Cũng như thời Đức Phật thành đạo, mười hai năm đầu không có giới luật, chư tăng sống theo tinh thần lục hòa cộng trụ, cho đến khi đệ tử có vi phạm thì Đức Phật chế giới, cũng như chiếc áo rách thì mới vá. Từ đó có Luật tứ pháp Ba-la-di và các quy định khác được hình thành để đáp ứng, giải quyết những sự phát triển của Tăng đoàn thời đó.  

Sau đó, các nội quy đã ra đời như: Tăng sự, Giáo dục, Hướng dẫn Phật tử, Văn hóa….Nội quy của các ban ngành viện hình thành ra đời, nhằm củng cố ổn định cho các tổ chức trực thuộc. Sở dĩ nguyên nhân mà Đức Phật chế giới cũng nhằm để xây dựng một đoàn thể Tăng đoàn cho được thánh thiện thì Hiến chương cũng giống như bộ luật và là đạo luật cao nhất của Phật giáo, dưới hiến chương là các nội quy, quy chế của Giáo hội.

Hòa thượng đã phân loại về các thể thức, thể loại văn bản hành chánh của Giáo hội. Hành chánh có nghĩa là thi hành các chính sách chủ trương và các quy định của nhà nước cũng như của các tổ chức. Hành chánh Giáo hội dựa trên yếu tố tinh thần tập thể, các văn bản Giáo hội ra đời không mang tính cá nhân. Hòa thượng  cũng dành thời gian để các học viên nêu ra những thắc mắc của mình, hầu hết học viên đều hoan hỷ  tiếp thu lời giảng và mong muốn Giáo hội sớm mở khóa hành chánh chính quy để đào tạo các cấp Giáo hội, cụ thể là bộ phận văn phòng và thư ký.Trong suốt thời gian chia sẻ, HT đã cô đọng, đúc kết nhiều năm kinh nghiệm thực tế trực tiếp xử lý và điều hành công việc hành chính Giáo hội đến với khóa bồi dưỡng.

* 14h00: TT. Thích Đạo Phước, Phó Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông khu vực phía Nam, chia sẻ chủ đề: Phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại kỹ thuật số trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo, phát triển GHPGVN, ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông, công nghệ thông tin phát triển rất nhanh chóng và có nhiều tác động lớn đến sinh hoạt của người phật tử cũng như mọi người trong xã hội. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo, nhằm phát triển GHPGVN, ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin. GHPGVN nói chung và Ban Hoằng pháp nói riêng nên có chủ trương khuyến khích chư tôn đức giảng sư chọn các phương thức truyền bá mới, gắn với thời đại mà trong đó ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ là cần thiết.

Bên cạnh đó cũng cần có tiếng nói khẳng định vị thế riêng của Phật giáo, cần có đội ngũ chuyên trách xử lý khủng hoảng truyền thông, xử lý những phản hồi nhạy cảm. Bởi nhiệm vụ của truyền thông là phải nói lên tiếng nói của lương tâm Phật giáo, làm cho mọi người nhận ra Chân - Thiện - Mỹ. Để có được những kết quả to lớn như trên, thiết nghĩ một vị giảng sư muốn hoằng dương Phật pháp lợi lạc chúng sinh, cần nên để tâm vào hai việc, đó là trang bị cho mình một nền tảng tri thức nhất định về Phật pháp, về công nghệ thông tin và kết hợp vận dụng hoằng pháp trực tiếp với gián tiếp.

* 15h00: Thượng Tọa TS Thích Minh Nhẫn, Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổ trưởng Tổ Thông tin Tuyên truyền VP2 TƯGH chia sẻ chủ đề: Chiến lược phát triển Truyền thông Phật giáo - Kênh Hoằng pháp thời đại kỹ thuật số.

Những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo, đã bị một bộ phận kẻ xấu lạm dụng khai thác triệt để truyền và đăng tải thông tin thiếu tính chân thật, khách quan nhằm làm tổn hại uy tín và niềm tin của người dân đối với đạo Phật. Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo… mỗi cá nhân đều có cơ hội làm truyền thông một cách thuận lợi và nhanh chóng, mang đến nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống, bên cạnh đó mặt trái và sự tác hại của mạng xã hội cũng rất khó lường nếu không biết kiểm soát.

Thuận lợi, khó khăn hiện nay, những nguy cơ và thách thức cho tương lai của truyền thông Phật giáo. Trước thực trạng đó, Thượng tọa đã chia sẻ với tăng, ni, cư sĩ làm công tác truyền thông Phật giáo về kế hoạch và giải pháp thực hiện để “phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp”. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thông nâng lên tầm chuyên nghiệp; tổ chức hội thảo, tọa đàm… các vấn đề liên quan đến truyền thông Phật giáo; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin cho công tác truyền thông Phật giáo để thông tin tốt đẹp của đạo Phật được truyền bá đa phương tiện cả phần nghe và nhìn.

Tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho các nhân sự chuyên ngành của Ban Thông tin – Truyền thông của Giáo hội các cấp, nhằm đạt hiệu quả tác nghiệp nhanh, chính xác đúng sự thật và có năng lực sử dụng các ứng dụng liên quan đến mạng xã hội, Website để kịp thời chuyển tải nội dung đến xã hội và cộng đồng mạng, định hướng dư luận và công tác phản biện. Các tỉnh trong khu vực nên phối hợp, liên kết, hỗ trợ nhau về công tác truyền thông Phật giáo. Ba là xây dựng, đào tạo mỗi Phật tử trở thành một Hoằng pháp viên sử dụng điện thoại thông minh phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp.

Thượng tọa cũng chia sẻ cho các học viên sơ lược về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa văn bản hành chính, lưu trữ tài liệu bảo mật hồ sơ, quản lý danh bộ.  Với kiến thức uyên thâm và tầm nhìn chiến lược, đã nhận được sự đồng tình niềm hân hoan của Tăng Ni, Phật tử. Ngài nhấn mạnh về tầm quan trọng của truyền thông Phật giáo, thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động từng ban, ngành của GHPGVN, đến hình ảnh Phật giáo trong lòng dân tộc.

Với công nghệ hiện nay, đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để phát triển truyền thông Phật giáo như: lập kênh truyền hình trực tuyến trên Facebook, Youtube, các Website… để chuyển tải thông tin đa phương tiện. Nếu làm tốt công tác truyền thông, Phật giáo sẽ ngày càng phát triển vững mạnh hơn.

* Sáng ngày 06/07/2018 (23/05 Mậu Tuất): Hòa thượng Thích Tấn Đạt - UV Thư ký HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Phó Ban Thường trực Ban Từ thiện Xã hội TƯ, Phó VP II TƯ GH, chia sẻ chủ đề: Ứng dụng truyền thông trong công tác Hoằng pháp.

Hòa thượng nêu lên tầm quan trọng của công tác truyền thông liên hệ từ thời đức Phật trải qua các giai đoạn, được truyền thừa và nối tiếp liên tục. Mỗi thời đại đều có những phương cách Truyền thông - Hoằng pháp khác nhau nhằm đem giá trị Phật pháp phổ biến đến với mọi người dân trong các tầng lớp xã hội.

Dựa vào những thành quả của cuộc cách mạng 4.0 mang lại sẽ cho ngành hoằng pháp những phương thức mới để dễ dàng hơn trong việc hoằng pháp. Bắt kịp những ứng dụng trong công nghệ 4.0 vào những phương thức hoằng pháp thì ngành hoằng pháp sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Hàng phật tử dễ dàng tiếp cận những bài pháp hay hệ thống tam tạng kinh điển. Sử dụng công nghệ đám mây: Để lưu trữ toàn bộ hệ thống Tam tạng Kinh điển Phật giáo; Lưu trữ những bài giảng của chư vị Giảng sư; Để soạn và lưu trữ tài liệu diễn giảng có thể chỉ cần dùng smart phone để tải xuống.

 Sử dụng trí tuệ nhân tạo: Trong việc trích dẫn, trích nguồn cho bài giảng; Tìm hiểu, phân tích trên internet những xu hướng thời đại và tìm nguồn trong kinh điển Phật giáo để có những đề tài giảng mang tính thực tế nhưng không rời xa kinh điển; Tạo ra những mô hình thực tế ảo để truyền tải giáo lý đức Phật. Và sử dụng hệ thống máy móc hiện đại (Robot): Trong công việc livestream các bài giảng của các giảng sư.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ vào việc hoằng pháp có những giá trị tích cực nhưng vẫn tồn tại một số những hạn chế.  Mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra cho vị giảng sư lệ thuộc quá đà vào công nghệ truyền thông. Những bài giảng tuy mang tính thực tiễn có trích dẫn trích nguồn nhưng lại thiếu tư duy và tính trải nghiệm trong quá trình tu tập. Và nếu không kiểm soát được những thông tin chính xác hoặc sẽ dẫn đến sự phát tán nhanh chóng của những bài giảng không đúng với tinh thần nhà Phật.

* 09h30: Hòa thượng Thích Minh Thiện - Uỷ viên HĐTS, Phó Ban Hoằng Pháp TW, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An, chia sẻ chủ đề: Hoằng Pháp qua Phương Tiện Truyền Thông Phật giáo.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, với sự tiện lợi của ngành công nghệ thông tin, làm thế nào để vận dụng khéo léo trong việc  Hoằng Pháp qua phương tiện Truyền Thông Phật Giáo, là một vấn đề mà Giáo hội quan tâm để chuyển tải lời Phật dạy rộng khắp, lợi lạc hữu tình và cũng là mục tiêu phát triển mà Chư Tôn Đức Giáo Phẩm lãnh đạo Giáo Hội và Ban Hoằng Pháp lưu tâm. 

Người hoằng pháp ngày nay dùng phương tiện truyền thông hiện đại để tăng hiệu quả truyền tải thì cần những điều kiện sau: Phải được đào tạo kỹ năng chuyên môn về nội điển. Phải có nhiệt huyết với tâm nguyện phụng sự chúng sanh: “Hoằng Pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”. Biết sử dụng thành thạo hệ thống mạng hay phải biết quản trị mạng, kiểm soát các bài giảng, bài viết trước khi thông tin rộng rãi. Nếu được kiểm soát một cách chặt chẽ, logic và khoa học thì chắc chắn sẽ đem lại kết quả rất cao, ngược lại thì hậu quả rất là khó lường.

* 14h00: TT.TS Thích Minh Nhẫn, Uỷ viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổ trưởng Tổ Thông tin Tuyên truyền VP2 TƯGH, chia sẻ chủ đề: Hoằng pháp trong thời đại công nghiệp số.

1/ Định hướng kênh truyền hình của Phật sự online để có thể thành một kênh chung cho tất cả Tăng Ni trong cả nước chuyển tải trực tiếp các sự kiện, thông tin các buổi lễ diễn ra của Phật giáo.

2/ Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hoằng pháp, đời sống và hành chánh. Trong phần này, Thượng tọa đã chia sẻ những ứng dụng đối với mạng xã hội như: facebook, zalo, viber… vào đời sống, công việc và trong công tác Hoằng pháp lợi sanh.

3/ Cách sử dụng dữ liệu đám mây, lưu trữ thông tin cá nhân, lưu trữ tư liệu và chia sẻ cho bạn bè.  

* 15h30: ĐĐ. Thích An Đạt, Tổ trưởng Tổ Báo chí TƯGH, Phóng viên Báo Giác Ngộ, chia sẻ chủ đề: Nghiệp Vụ Báo Chí Phật Giáo.

Chính những chuyển biến trên buộc chúng ta phải có những điều chỉnh phù hợp trong hoạt động báo chí như sau:

 + Phải chọn lọc thông tin, dưới hình thức ngắn gọn, thiết thực, kịp thời, nhanh chóng, mới, và “nóng” (hot).

  + Trong xu hướng tiếp cận thông tin đa dạng như hiện nay, con người không chỉ tiếp nhận thụ động mà còn chủ động trong việc trao đổi thông tin hai chiều như một nhu cầu cần thiết của đời sống.

 + Sự cạnh tranh khốc liệt trong việc cung cấp thông tin đến với độc giả ngày càng đòi hỏi người làm công tác truyền thông phải hết sức nhanh lẹ và kịp thời. Nếu không, đó chỉ là những tin “nguội” thiếu tính hấp dẫn.

Do yêu cầu trên, bắt buộc một cơ quan báo chí, ngoài lực lượng phóng viên cơ hữu của toà soạn, cần phải có sự hỗ trợ tích cực của công tác viên thường trú tại các địa phương. Nhằm giúp cho việc truyền tải thông tin kịp thời và nhanh chóng, cần phải xây dựng thường xuyên hình thái “làm công tác cộng tác viên”:

      + Phải trình bày, trang bị cho người làm báo gián tiếp (cộng tác viên) một số kỹ năng phục vụ công tác truyền thông của tờ báo.

      + Những vấn đề cơ bản giúp cho cộng tác viên tác nghiệp là điều kiện không thể thiếu và không được xem nhẹ. Bởi vì làm công tác truyền thông là một kỹ năng có tính chuyên môn đặc thù ở dạng thực hành, không phải chỉ là lý thuyết. Cho nên phải nắm qua một số quy trình cơ bản.

Không những thế, Đại đức còn nêu rõ những  cách để trình bày cho một bài tin. Một tin tức phải truyền tải một “thông điệp” tới độc giả, thông điệp kết luận của người viết. Trước khi viết, người viết phải suy nghĩ làm thế nào để nổi bật lên thông điệp đó, bằng thông tin, bằng cái mới, cái hấp dẫn, và cái chính xác. Một bản tin đòi hỏi những yếu tố sau: tin tức chính xác, xác định nguồn gốc của tin, công bằng, cân bằng, không thiên vị và thấu đáo.

13 nguyên tắc khi viết tin cho tất cả học viên nắm rõ, bao gồm:

1/ Cố gắng đưa thông tin: ai, cái gì, ở đâu, tại sao, khi nào, như thế nào, bao nhiêu ngay trong 3 đoạn đầu tiên của tin.

2/ Dùng thuật ngữ chuẩn xác và không dùng từ thừa. Viết câu ngắn, từ ngắn thay vì câu dài, từ dài. Hãy rút thông tin quan trọng nhất lên câu đầu tiên của tin trong vòng 14 -20 chữ (không vượt quá 25 chữ). Hãy dùng thì chủ động thay vì bị động.

3/ Nên dùng dấu chấm hết câu nhiều hơn các loại dấu khác. Dùng liên từ phù hơp ở các đầu đoạn.

4/ Đoạn đầu tiên của tin không vượt quá 40 từ. Ý nghĩa của mỗi đoạn là do nội dung bên trong đó, chứ không phải ở độ dài.

5/ Hãy sử dụng ngôn ngữ hằng ngày (dễ hiểu) không phải ngôn ngữ, thuật ngữ chuyên ngành của các chính trị gia, luật sư hay các nhà kinh tế học. Hãy giải thích một cách ngắn gọn và phù hợp những gì mà có thể độc già không hiểu.

6/ Không được để ý kiến cá nhân chi phối nội dung tin. Không được nói độc giả nên nghĩ gì và làm gì.

7/ Cung cấp sớm thông tin về chức năng của (các) tổ chức mà bạn đang viết. Đây là việc của Phóng viên chứ không phải của Biên tập viên.

8/ Sử dụng càng ít từ mang tính trừu tượng càng tốt. Hãy sự dụng từ có ý nghĩa cụ thể, rõ ràng.

9/ Sử dụng các câu trích, dẫn (quote) một cách chính xác, đặc biệt là tít của tin.

10/ Hãy chú ý việc đang viết tin, bài cho trang báo nào. Các từ viết tắt có thể được chấp nhận đối với các trang bài của bào Phật Giáo. Các trang tin hay bài (features) thì cần có những giải thích rõ ràng hơn.

11/ Đừng sử dụng mang tính chuyên môn trong tin, nó sẽ khiến độc giả mất tập trung và hầu hết những từ này là không cần thiết.

12/ Độc giả của Báo Giác Ngộ là Tăng, Ni, Phật tử nên việc đưa tin phải hết sức thận trọng để mọi người cảm nhận được những diễn biến phát triển của Phật Giáo.

13/ Luôn để ý đến khả năng bị phản hồi, khó chịu của Tăng, Ni vì nội dung tin bài.

* Sáng ngày 07/07/2018: Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao,  Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội, Giám Đốc Công An tỉnh Bình Dương, báo cáo tình hình kinh tế, an ninh quốc phòng, hệ thống chính trị, tôn giáo trong đó có Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương.  

Từ tháng 01/1997, khi tỉnh Bình Dương còn là tỉnh Sông Bé dân số Bình Dương lúc bấy giờ chưa đến một triệu người, cho đến hôm nay năm 2018, dân số Bình Dương sau 20 năm tăng gấp đôi là trên hai triệu dân. Với lượng dân cư trên 2 triệu người: người tại tỉnh nhà là 1 triệu người và số lượng dân cư ngoài tỉnh đến Bình Dương sinh sống và làm việc hơn 1 triệu người (62 tỉnh thành và người nước ngoài). Với 62 tỉnh thành về sinh sống tại Bình Dương độ tuổi từ 14-30 tuổi chiếm khoảng 80% , số còn lại là trên 30 tuổi và người già.

Về mặt kinh tế và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Bình Dương:

+ Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở hết sức bền vững và gần dân theo một phương châm “4 tại chỗ” là lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ,  phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

+ Trong lao động sản xuất của các khu công nghiệp thì việc sử dụng lao động và người lao động hiện nay được cải thiện và không còn sự xung đột giữa chủ và người lao động làm thuê.

+ Chính quyền và nhà doanh nghiệp tỉnh Bình Dương luôn luôn hướng tới môi trường sạch.

Về mặt tình hình an ninh ở khu vực và địa bàn tỉnh Bình Dương: Tội phạm hình sự, Bình Dương được xếp vào 1 trong 18 tỉnh thành phức tạp, loại tội phạm có tổ chức, băng nhóm xếp vào 1 trong 10 tỉnh thành trong cả nước.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ của Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, các học viên lần lượt đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến nhằm đưa ra những ưu tư, thắc mắc của từng vị trong nhiều năm qua trên bước đường hoằng pháp lợi sanh.

* 10h00: Bà: Trần Thị Kim Vân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Chính Trị tỉnh Bình Dương đã có buổi chia sẻ  với chủ đề: Văn Bản Hành Chánh.

Văn bản hành chính thông thường dùng để chuyển đạt thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước như công bố hoặc thông báo về một chủ trương, quyết định hay nội dung và kết quả hoạt động của một cơ quan, tổ chức; ghi chép lại các ý kiến và kết luận trong các hội nghị; thông tin giao dịch chính thức giữa các cơ quan, tổ chức với nhau hoặc giữa tổ chức và công dân. Văn bản hành chính đưa ra các quyết định quản lý, do đó, không dùng để thay thế cho văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản cá biệt. Văn bản hành chính thông thường là loại văn bản hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước, được sử dụng giải quyết những công việc có tính chất như hướng dẫn, trao đổi, đôn đốc, nhắc nhở, thông báo…

Văn bản hành chính có vai trò chủ yếu là cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn cụ thể các chủ trương, chính sách của nhà nước, hỗ trợ cho quá trình quản lý hành chính nhà nước và thông tin pháp luật. Yêu cầu về ngôn ngữ văn bản:Tính chính xác, rõ ràng; Tính phổ thông đại chúng; Tính khuôn mẫu; Tính khách quan; Tính trang trọng, lịch sự.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ còn hướng dẫn cho gần 400 học viên tham gia Khóa Bồi dưỡng về quy trình xây dựng và ban hành văn bản, bao gồm 5 bước.

          +  Bước 1: Điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin và xử lý thông tin. Phân tích, đánh giá tình hình làm căn cứ cho việc ra quyết định. Dự đoán, lập phương án và chọn phương án tốt nhất.

          +  Bước 2: Soạn thảo văn bản

          +  Bước 3: Thông qua văn bản

          +  Bước 4: Ban hành văn bản

          +  Bước 5: Gửi và lưu trữ văn bản

* 14h00: Giáo sư Tiến sĩ Lê Bá Trình, Nguyên Phó Chủ tịch TƯ MTTQVN, Giảng viên Trường Đại học Nhân văn Thủ đô Hà Nội, TP. HCM chia sẻ  với chủ đề: Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin truyền thông.

Giáo sư Tiến sĩ Lê Bá Trình, Nguyên Phó Chủ tịch TƯ MTTQVN, Giảng viên Trường Đại học Nhân văn Thủ đô Hà Nội, TP. HCM cho biết: Thông tin là một nhu cầu, là một điều kiện và động lựccủa con người góp phần phát triển của nhân loại. Nếu không có thông tin thì cuộc sống sẽ không phát triển được, đặc biệt ngày nay khoa học công nghệ đang phát triển thì thông tin càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, xã hội cũng hứng chịu nhiều tác động tiêu cực trong những khủng hoảng mà truyền thông mang lại.

Mặt khác, trong một cộng đồng của xã hội, một tổ chức kể cả các tổ chức tôn giáo có nhiều cá nhân, nhóm hay bộ phận khác nhau họ khác nhau về xu hướng, quan điểm, quyền lợi vì thế trong quá trình sinh hoạt, làm việc cùng nhau đôi lúc xảy sinh mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn, chống đối đó nếu không được xử lý kịp thời và hiệu quả thì sẽ phát triển ngày càng cao, dẫn đến xung đột lẫn nhau. Xử lý thông tin, giải quyết những điểm nóng xảy ra trong đời sống xã hội, trong tôn giáo nói chung và trong sinh hoạt phật sự nói riêng là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ để bảo đảm sự ổn định của xã hội, là nhiệm vụ tuyên quyết để thực hiện phương châm: Tốt đời, đẹp đạo. muốn giải quyết điểm nóng thì chúng ta phải kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin của nó.

Tiếp nhận thông tin là quá trình xác định nhu cầu thông tin, tìm nguồn thông tin, tập hợp thông tin của những vấn đề, nội dung, sự kiện liên quan đến lĩnh vực nhất định trong đời sống. Quá trình tiếp nhận thông tin vừa là bị động và vừa là chủ động của chủ thể.

Xử lý thông tin là hoạt động phân tích, phân loại thông tin theo các nguyên tắc và phương pháp nhất định, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề đó. Xử lý thông tin là quá trình đối chiếu, chọn lọc, chỉnh lý, biên tập thông tin theo mục đích, yêu cầu xác định. Đây là công việc bắt buộc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng thông tin, tránh sự quá tải, nhiễu thông tin. Xứ lý thông tin là việc sắp xếp, phân tích các dữ liệu có được theo yêu cầu, tiêu chí cụ thể một cách khoa học, chính xác, khách quan nhằm cung cấp những cơ sở để xem xét, giải quyết vấn đề.

Nhờ có thông tin mà các nhà quản lý có thể giải quyết đúng đắn và hiệu quả các vấn đề sau:

+ Nhận thức vấn đề cần phải lập kế hoạch và ra quyết định

+ Xác định cơ hội cũng như thách thức đối với tổ chức

+ Xác lập các cơ sở tiền đề khoa học cần thiết để xây dựng các mục tiêu.

+ Lựa chọn các phương án để thực hiện các quyết định quản lý .

* Sáng ngày 08-07-2018 (nhằm ngày 25-05-Mậu Tuất), ngày cuối cùng của Khóa Bồi dưỡng, Thượng Tọa Thích Thiện Thống, Phó Chủ Tịch HĐTS GHPGVN đã có buổi chia sẻ  khái niệm một số quy tắc trong quản lý hành chánh.

Quản lý là một hoạt động mang tính ý thức của một con người trong một tổ chức nhất định nào đó và mỗi một tổ chức có một khái niệm, quản lý khác nhau. Chung nhất quản lý là điều kiện, là chỉ đạo một hệ thống, một công việc căn  cứ vào những quy định của tổ chức đã ban hành. Quản lý là hoạt động mang lại lợi ích cho tập thể và số đông. Theo Các Mác thì xem quản lý là một chức năng đặc biệt nảy sinh từ bản chất xã hội trong quá trình lao động.

Về mặt tổ chức: Giáo hội là một tổ chức thì khái niệm quản lý cần phải được quan tâm và hiểu đúng. Muốn thực hiện chức năng quản lý của mình vào các phật sự từ tổ chức Giáo hội cho đến tổ chức một ngôi chùa, phải xác định 2 chủ thể để cùng nhau hoạt động. Chủ thể quản lý: Trong một tổ chức Giáo hội từ Trung Ương đến địa phương và đối tượng bị quản lý là các thành viên của GH, các tự viện, các Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử.

Về mặt điều kiện học thì quản lý này trên cơ sở các thành viên phải thực hiện theo yêu cầu của người nhạc trưởng. Quản lý sẽ tạo nên một trật tự, nếu không có quản lý thì cho dù có phát triển đi nữa cũng chỉ là phát triển vô điều kiện. Về mặt tổ chức, GH là một tổ chức có yếu tố rất đặc biệt tác động đến tất cả các mối quan hệ, đến tất cả các ứng xử của đối tượng bị quản lý. Và quản lý đó phải theo một trật tự, một quỹ đạo để tạo nên sự ổn định và phát triển. Thượng tọa đã nhắc nhở tất cả học viện hãy cố gắng  sống và tuân thủ theo Hiến chương của GH. Thời Đức Phật cũng đã thiết lập sự quản lý trên nền tảng giới luật, tất cả Tăng Ni thời đức Phật đều phải tuân thủ, không thể có một sự bình đẳng trong quản lý.

Quyền uy là thuộc ý chí của người này bắt buộc người kia phải chấp hành. Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni của giáo đoàn phải phục tùng ý chí của đức Phật đó là giới luật. Và ngày nay chúng ta có Hiến chương, quy chế, nội quy hay các chùa thì có thanh quy...

* 09h00: Ông Trần Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương đã có buổi chia sẻ và trao đổi những thắc mắc về Luật tín ngưỡng tôn giáo.

Luật tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng và ban hành trên cơ sở kế thừa và nâng pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Có những quy định trước đây trong pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo đã quy định nhưng không tiếp tục thực hiện, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho quần chúng tín đồ tôn giáo và các tôn giáo hoạt động.

Trước đây, việc phong phẩm của các tôn giáo cần phải được đăng ký nhưng hiện nay việc phong phẩm là  hoạt động riêng nội bộ của mỗi tôn giáo chỉ cần thông báo qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn bổ nhiệm làm chức sắc, chức việc trong hệ thống hành chánh đạo thì yêu cầu phải đăng ký cho Ban Tôn giáo tỉnh. Chức sắc là những vị được phong phẩm, còn chức việc là những người được bổ nhiệm vào những vị trí, chức vụ trong hệ thống hành chính đạo.

Theo luật tín ngưỡng tôn giáo, việc xây dựng và sửa chữa các cơ sở thờ tự, các công trình của tín ngưỡng tôn giáo đều phải xin phép. Nhưng hiện nay, Luật tín ngưỡng tôn giáo đã đổi mới hơn thì các công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo phải xin phép theo quy định của pháp luật, còn các công trình phụ trợ, các công trình không để thực hiện các nghi lễ, chỉ phục vụ cho công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo: nhà khách, nhà tăng, nhà xứ, nhà ăn, phòng tắm... thì chỉ xin phép xây dựng như các công trình nhà ở riêng lẻ mà thôi.

* 10h00: Bế Giảng Khóa Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Hành Chánh Và Kỹ Năng Xử Lý Thông Tin.

Quang lâm chứng minh có: TT. Thích Thiện Thống, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT. Thích Huệ Thông, Thành viên HĐCM TƯGH, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương;  HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn Phòng II TƯ GH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương; TT.TS Thích Minh Nhẫn, Uỷ viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổ trưởng Tổ Thông tin Tuyên truyền VP2 TƯGH...cùng chư tôn đức trong Ban Tổ chức, Chư Tôn đức học viên 10 tỉnh Khu Vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cũng đồng tham dự.

Về phía chính quyền tham dự có: Ông Trần Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương.

TT. Thích Minh Lực, Phó Ban  BTS , Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Bình dương báo cáo về việc tổ chức Khóa Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Hành Chánh Và Kỹ Năng Xử Lý Thông Tin  diễn ra từ ngày 04- 08/ 07/ 2018 ( từ nag2y 21-25/ 05/Mậu Tuất), cho biết đã thành tựu viên mãn với thời gian 5 ngày tập huấn cho gần 400 Tăng Ni, Phật tử tham gia trên tinh thần nắm rõ về Nghiệp Vụ Hành Chánh Và Kỹ Năng Xử Lý Thông Tin trong công tác hoằng pháp.  Sau đó, Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận đến tấ cả các học viên.

Khóa học đã cung thỉnh Chư Tôn đức chia sẻ các đề tài chuyên môn: “Quan điển, tư tưởng và đường hướng về công tác truyền thông Phật giáo” do HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTTT TƯGH trình bày; “Chủ trương của Giáo hội về công tác thông tin truyền thông” - TT. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; “Khái Niệm Một Số Quy Tắc Trong Quản Lý Hành Chánh” - TT. Thích Thiện Thống, Phó Chủ Tịch HĐTS GHPGVN;  “Đẩy Mạnh Công Tác Truyền Bá Giáo Lý Chính Pháp Của Phật Giáo, Phát Triển GHPGVN, Ngăn Chặn Và Xử Lý Khủng Hoảng Thông Tin” - TT. Thích Đạo Phước, Phó Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông khu vực phía Nam; “Triển Khai Hiến Chương Và Một Số Quy Định Của Giáo Hội” - HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh VPII TWGH, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Bình Dương; “Ứng dụng truyền thông trong công tác Hoằng pháp” - HT. Thích Tấn Đạt, UV Thư ký HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Phó Ban Thường trực Ban Từ thiện Xã hội TƯ, Phó VP II TƯ GH; “Hoằng Pháp qua phương tiện truyền thông Phật giáo” - HT. Thích Minh Thiện,  Uỷ viên HĐTS, Phó Ban Hoằng Pháp TW, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An; “Chiến lược phát triển Truyền thông Phật giáo – Kênh Hoằng pháp thời đại kỹ thuật số” - TT.TS Thích Minh Nhẫn, Uỷ viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổ trưởng Tổ Thông tin Tuyên truyền VP2 TƯGH;  “Hoằng pháp trong thời đại công nghiệp số” - TT.TS Thích Minh Nhẫn, Uỷ viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TƯ, Tổ trưởng Tổ Thông tin Tuyên truyền VP2 TƯGH; “Nghiệp Vụ Báo Chí Phật Giáo” - ĐĐ. Thích An Đạt, Tổ trưởng Tổ Báo chí TU7GH, Phóng viên Báo Giác Ngộ; “Triển khai về Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo” - Ông Trần Tấn Hùng,  Phó Ban Tôn giáo Chính Phủ, Vụ Trưởng vụ tôn giáo đặc trách phía Nam; “Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin truyền thông” - Giáo sư Tiến sĩ Lê Bá Trình, Nguyên Phó Chủ tịch TƯ MTTQVN, Giảng viên Trường Đại học Nhân văn Thủ đô Hà Nội, TP. HCM; Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao,  Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội, Giám Đốc Công An tỉnh Bình Dương; Ông Trần Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương; “Văn Bản Hành Chánh” - Tiến sĩ Vũ Thị Kim Vân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Chính Trị tỉnh Bình Dương.

Tại lễ bế mạc, đại diện cho gần 400 học viên từ 10 tỉnh thành về tham dự khóa bồi dưỡng đã phát biểu cảm tưởng của mình sau khi tham gia 05 ngày của khóa học.

Đại diện TƯGH, TT. Thích Thiện Thống và HT. Thích Huệ Thông đã phát giấy chứng nhận cho gần 400 học viên theo suốt thời gian khóa học.

Ban đạo từ tại buổi lễ, TT. Thích Thiện Thống, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN đã có lời huấn từ đến các học viên tham dự khóa học, Thượng tọa đã sách tấn chia sẻ những kinh nghiệm làm người lãnh đạo phải có đức tin về Chính pháp, hiểu luật nhân quả, phục vụ cho GHPGVN bằng trí huệ từ bi của đạo Phật.

Kết thúc buổi lễ, toàn thể học viên chụp hình lưu niệm cùng với Chư Tôn đức trong Ban Tổ chức trong niềm hoan hỷ của tất cà mọi người.










































































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập