Chỉ số động tâm hay chỉ số tịnh tâm của một con người

Đã đọc: 1484           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thường mỗi người sinh ra đều có sẵn một chỉ số sức khỏe, trí tuệ, niềm vui nhất định trong cuộc đời. Nếu phung phí vào những việc vô bổ thì chúng sẽ dần trở nên cạn kiệt. Vậy nên, đừng khờ dại, hưởng thụ chúng qua những trò giải trí mà hãy để dành lại cho muôn đời sau. Chỉ có thế, tâm hồn ta mới lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thản. Tâm hồn thanh tịnh không chỉ giúp ta hạnh phúc, mà còn giúp ta trở nên thông minh, sáng tạo hơn. Khi tâm lắng đọng, ta không bị suy nghĩ vẩn vơ chi phối nên có thể tập trụng suy nghĩ một cách nhạy bén, nhẹ nhàng. Do đó, ai muốn học giỏi thì hãy tĩnh tâm tọa thiền. Đó là bí quyết.

Vừa qua, vào ngày 23, 24/12/ 2017, nhân khóa tu thiền tại chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã chia sẻ bài Pháp thoại về chủ đề “CHỈ SỐ ĐỘNG TÂM HAY CHỈ SỐ TỊNH TÂM CỦA MỘT CON NGƯỜI”, với sự tham dự của hơn 2000 phật tử gần xa và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng.

Bài Pháp thoại cho thấy vai trò quan trọng của nội tâm thanh tịnh trong việc tu hành, xây dựng Phật pháp, cũng như nhận định giá trị của một con người. Đồng thời, chỉ ra những phương pháp tu học sao cho hiệu quả, đạt được một nội tâm thanh tịnh tuyệt đối. Từ đó khẳng định giá trị của bản thân và đóng góp tích cực chủ động cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa cho rằng tu theo đạo Phật là chọn con đường khó đi. Ai hiểu được điều này, phải là người rất trí tuệ. Vậy nên, khi mới chứng đạo, Phật ngồi yên trong cái định chứ chưa chuyển Pháp luân, bởi Ngài thấy khoảng cách từ cái tâm phàm phu cho đến tâm giác ngộ thật xa vời. Và để gỡ sự vô minh, si mê, phiền não, chấp ngã trong tâm thức chúng sinh là điều gần như không thể. Vì thế, chọn con đường tu dễ coi chừng lại nhầm.

Chỉ trừ một số bậc đại căn, đại cơ, còn chúng sinh bình thường đều phải rất vất vả mới bước được trên con đường thanh lọc nội tâm. Nếu không có những bậc Thánh nối nhau xuất hiện trên đời, có lẽ trái đất đã bị diệt vong bởi cái bản ngã nơi mỗi chúng sinh. Tiếc là những vị Thánh xuất hiện rất hiếm nên giữa 2 bờ thiện - ác, cái ác luôn chiếm đa số. Thế giới vì thế mà vẫn còn bấp bênh, bất ổn.

Để chuyển hóa thế giới này thành nơi thiện lương hoàn toàn là một điều không tưởng. Cũng vậy, để chuyển một nội tâm đầy phiền não thành một nội tâm sáng suốt, giác ngộ thật không dễ dàng. Do đó, phải là người tương đối hiểu đạo lí mới thấy tu theo đạo Phật là vô cùng khó khăn. Cần chuẩn bị tâm thế thật kĩ lưỡng mới đi được trên con đường gian nan đó hết kiếp này đến những kiếp về sau.

Chúng ta thấy đạo Phật có rất nhiều tông phái. Có tông phái được cho là khó đi nhưng càng tu, trí tuệ càng sáng. Ngược lại, có tông được cho là dễ đi nhưng lại không giúp khai mở trí tuệ vì ta không phải động não, tìm tòi hay đấu tranh vất vả với chính mình. Thế nên, khi tiếp xúc với những người không tín ngưỡng, người trí thức, nếu họ phát hiện ta chọn con đường tu đơn giản, đơn giản đến mức ngu ngơ thì họ xem thường cả đạo Phật.

Trong những cái khó đi của đạo Phật có thiền định. Tâm ta đã quen suy nghĩ, tính toán, nên khó buộc nó phải dừng lại, khó để bao vây, hóa giải, khống chế vọng tưởng cho đến khi tâm trở thành an nhiên thanh tịnh. Và cũng rất khó để chiến đấu với tham lam, ích kỷ, thù hận đã ghim sâu trong lòng ta từ bao kiếp. Tuy nhiên, từ công phu thiền định khó nhọc này sẽ kết tinh thành một nội tâm yên tĩnh, đó mới là giá trị của con người.

Thượng tọa khẳng định, trí tuệ, công đức, giá trị của một người phụ thuộc vào mức độ động tâm hay tĩnh tâm của người đó chứ không phụ thuộc vào tiền bạc, chức vị, nhan sắc… Người có tâm động loạn là người có giá trị thấp, còn người có nội tâm yên tĩnh là người có giá trị cao. Đó là định nghĩa mà chư Phật cũng hoan hỉ, chư Thiên cũng tán thán.

Để hiểu điều này, trước hết ta phải hiểu rằng trong cấu trúc của tâm lí, ai càng loạn động bao nhiêu thì càng dễ nổi sân, hận. Còn tâm càng yên lắng, trầm tĩnh thì càng bao dung, giỏi chịu đựng. Vì vậy, họ làm cho cuộc đời bình yên hơn. Và rõ ràng, giá trị của họ cũng cao hơn.

Giá trị, đức độ của con người cũng không nằm nơi tuổi tác cao hay thấp mà nó nằm ở chỉ số tĩnh tâm. Tâm loạn động thì dễ bị kích động dâm dục. Nó khiến cho người già hay trẻ em đều có thể làm bậy.

Lại thêm, tâm loạn động thì luôn hàm chứa sự ích kỉ, khiến người ta không từ thủ đoạn nào để tranh giành quyền lợi với người xung quanh. Chỉ khi tâm thanh tịnh, cái ích kỉ mới mất dần, con người vì thế mà trở nên vị tha, bao dung hơn. Nghĩa là, tâm thanh tịnh giúp con người rời xa bản ngã, dần trở thành bậc Thánh giữa cuộc đời. Do đó, người có giá trị giữa cuộc đời là người có tâm thanh tịnh. Ai hiểu đúng điều này sẽ được Chư thiên bảo hộ.

Rõ ràng, khi tâm loạn động thì ta phải tìm những trò vui thú (các thú vui thác loạn). Không ngờ, đằng sau những lạc thú đó là bao nhiêu phiền lụy, mất mát, khổ đau. Còn khi tâm thanh tịnh, ta không cần tìm kiếm, tự nhiên hạnh phúc sẽ tràn đầy. Chúng ta cứ nghĩ hạnh phúc là điều gì to tát, ghê gớm. Thực chất, khi tâm hồn trầm lắng, ta mới nhận ra hạnh phúc ngập tràn trong cuộc sống, nằm cả nơi những điều nhỏ bé quanh ta.

Ngược lại, khi tâm loạn động thì ta không cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy bởi ta đang mải mê chạy theo những thú vui vô nghĩa, tầm thường. Nó không chỉ khiến ta mất công, mất sức mà còn gây tổn phước. Hết phước rồi, hoặc là ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, hoặc là tâm ta hay xuất hiện nỗi buồn vô cớ. Nếu nặng nề quá, ta có thể bị trầm cảm, thậm chí là tự sát luôn.

Thường mỗi người sinh ra đều có sẵn một chỉ số sức khỏe, trí tuệ, niềm vui nhất định trong cuộc đời. Nếu phung phí vào những việc vô bổ thì chúng sẽ dần trở nên cạn kiệt. Vậy nên, đừng khờ dại, hưởng thụ chúng qua những trò giải trí mà hãy để dành lại cho muôn đời sau. Chỉ có thế, tâm hồn ta mới lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thản.
Tâm hồn thanh tịnh không chỉ giúp ta hạnh phúc, mà còn giúp ta trở nên thông minh, sáng tạo hơn. Khi tâm lắng đọng, ta không bị suy nghĩ vẩn vơ chi phối nên có thể tập trụng suy nghĩ một cách nhạy bén, nhẹ nhàng. Do đó, ai muốn học giỏi thì hãy tĩnh tâm tọa thiền. Đó là bí quyết.

Minh chứng cho điều này, Thượng tọa đã lấy ra rất nhiều ví dụ về các vị Lãnh tụ, những vị thiên tài hay vĩ nhân nổi tiếng trên thế giới. Dù không ý thức rằng đây là con đường tu hành giải thoát, nhưng họ luôn nhiếp tâm được thanh tịnh.Ví dụ như triết gia Hy Lạp Socrates đang đi trên đường bỗng nhập định, đứng yên một ngày liền không nhúc nhích, hôm sau mới trở về nhà. Hoặc Khổng Tử, Lão Tử cũng có thể nhiếp tâm vững vàng.

Gặp những người tài giỏi, tiếp xúc và nhìn vào mắt họ ta sẽ thấy tâm họ rất thanh thản. Chính sự thanh thản đó làm cho người ta thông minh hơn. Còn người có đôi mắt chập chờn, loạn động sẽ không thông minh. Nên đi trên con đường thiền định là ta đang đi trên con đường của trí tuệ, bởi tâm ta đang được rèn giũa để trở nên thanh tịnh.

Ngoài ra, người có nội tâm thanh tịnh sẽ đạo đức hơn bởi họ lúc nào cũng điềm đạm, cởi mở, nhường nhịn, vị tha. Hiểu điều này, người phật tử phải xây dựng được cho mình một nội tâm thanh tịnh.
\
Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở, khi đến với đạo, sẽ có nhiều người mời ta vào con đường dễ tu. Tuy nhiên, con đường khó tu mới đúng với Chánh pháp của Phật. Trên con đường đó, ta phải vất vả chiến đấu với chính mình, phải thực sự tinh tấn, nỗ lực để nhiếp tâm trong thanh tịnh. Chỉ đi con đường này, ta mới góp phần xây dựng Phật giáo có chiều sâu tâm linh, sâu sắc, và giá trị nhân văn cao cả. Còn không sẽ làm người khác coi thường. Do đó, có thể nói đi theo con đường thiền định chính là ta đang nâng giá trị của Phật giáo lên.

Bài Pháp được xây dựng khá ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào nội dung các đạo lí, giúp các phật tử dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận và tu học. Thay vì đi đưa ra những đạo lí mới mẻ, Thượng tọa lại chọn cách đi sâu vào những khái niệm quen thuộc, khiến bài Pháp trở nên gần gũi nhưng lại vô cùng sâu sắc. Vậy mới thấy, đạo Phật bao la, rộng khắp nhường nào, dù có tu học cả đời, ta cũng không thể thấy hết được những điều kì diệu ẩn chứa trong đó.

Thêm nữa, nhiều người bắt đầu đến với đạo Phật sẽ rất lung túng trong việc lựa chọn tông phái bởi mỗi tông lại có con đường tu hành khác nhau. Dù biết con đường nào cũng đều đi về mục tiêu vô ngã nhưng khoảng cách, giá trị của mỗi con đường không giống nhau. Với khả năng trạch Pháp của Thượng tọa, mọi người đã có thể chọn cho mình con đường đi đúng đắn là thiền định. Đây là con đường tu hành vất vả, nhưng chỉ có vất vả tu thiền ta mới nâng được giá trị của bản thân và giá trị của đạo Phật lên, Có thể nói các phương pháp Người hướng dẫn đó tuy gần gũi, nhưng không phải ai cũng có thể nhìn ra được, mà đòi hỏi cần có một cái tâm sâu sắc với đạo Phật,

Tóm lại, đường đi đã rõ nhưng muốn có một kết quả tốt trong tu tập, đòi hỏi chúng ta phải tu học thật nghiêm túc, phải có tư duy sâu sắc, có quán chiếu, chiêm nghiệm, thực hành lời Phật dạy qua sự hướng dẫn của chư Tăng thì mình mới đủ sức chuyển hóa tham, sân, si thành vô lượng trí tuệ, từ bi. Mong rằng, ai tu hành cũng được tâm sáng chí bền trong tiến trình đưa đến giải thoát và giác ngộ./.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập