Kỹ Thuật In Khắc Gỗ ở Việt Nam

Đã đọc: 2544           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đối với nghệ thuật in khắc gỗ, Việt Nam tiếp thu qua con đường truyền bá tôn giáo và học nghề in khắc gỗ từ Trung Hoa (trường hợp tiến sĩ Lương Nhữ Hộc, thời Lê).

Theo sử sách ghi lại, năm 1018, vua Lý Thái Tổ đã cho Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang nhà Tống để thỉnh Đại tạng kinh và năm 1020 kinh mới được chở về. Trong các năm 1034, 1081, 1098, vua Tống còn tặng thêm cho vua Lý ba cuốn Đại tạng kinh nữa. Đó là chưa kể những bản Đại tạng kinh được nhà vua cho san khắc ngay trong nước vào những năm 1023, 1027, 1036.

Năm 1396, Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy gọi là Thông bảo hội sao, mỗi loại đồng là một hình hoa văn khác nhau, rau rong, sóng nước, mây, rùa, lân, phượng, rồng, đòi hỏi một kỹ thuật khắc ván tranh rất tinh tế để có thể in ra một số lượng tiền lớn và chính xác. Tiền càng to hình vẽ càng quan trọng, điều này chứng tỏ nghề in khắc gỗ giai đoạn này đã đóng một vai trò rất lớn trong đời sống xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Hồ Quý Ly đưa ra những luật định để trị tội kẻ làm tiền giả cũng minh chứng, trong nhân gian, việc khắc ván in bằng bản gỗ đã phổ biến và có những người tài khéo trong việc khắc những hoa văn chi tiết, tinh xảo.

Đến thời Lê, do nhu cầu về sách cho sự nghiệp giáo dục và văn hóa ngày càng lớn, đã hình thành một trung tâm in sách cho cả nước thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 1443, Lương Nhữ Hộc (1420 - 1501) người làng Hồng Liễu, tỉnh Hải Dương, hai lần được cử đi sứ nhà Minh vào năm 1443, 1459, học được nghề in khắc gỗ và truyền dạy cho dân hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng, huyện Gia Lộc. Nhưng phải đến năm 1470, nghề này mới thực sự phát triển và giúp thực hiện nhiều bộ sách quan trọng trong đó có bộ Đại Việt sử ký toàn thư, khắc năm 1697. Là một người học vấn uyên bác, quan tâm đến giáo dục và việc nâng cao trình độ văn hóa cho dân tộc, Lương Nhữ Hộc đã thừa kế, phát huy nghề in của đất nước, học hỏi thêm kỹ thuật của nước ngoài, xây dựng thành công nghề in khắc gỗ. Dân hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng nổi tiếng khắp cả nước và lập nhiều cơ sở in ở Thăng Long. Theo cuốn Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm của Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi, “tuổi nghề của Hồng Liễu là 211 năm (1683 - 1904), gần như dài nhất trong các làng nghề đồ họa ở Việt Nam. Thực ra, đây là con số xác định từ niên đại trên sách còn lại. Nếu tính từ 1470 đến 1904 thì nghề in khắc gỗ Liễu Tràng đã có trên 500 năm tồn tại”. Thợ Hồng Lục, Liễu Tràng, ngoài việc khắc in sách theo lệnh của Nhà nước, còn nhận khắc in cho nhà chùa, nhà xuất bản hay sách dạy học. Đến cuối TK XIX đầu TK XX, khi chữ quốc ngữ ra đời và máy in offset được Pháp mang đến Việt Nam, những người thợ ở đây lại chuyển sang khắc ván in sách bằng chữ quốc ngữ, hoặc những sách nửa chữ quốc ngữ nửa chữ Hán. Sau năm 1954, khi kỹ thuật in ấn phát triển, các nhà in không sử dụng ván gỗ để chế bản nữa, những người thợ khắc bản in chuyển sang chuyên khắc dấu cho nhà nước và làm việc ở các hợp tác xã thủ công.

Bên cạnh tranh in khắc bản kinh và sách báo (đen trắng) phát triển từ TK XI đến TK XIX, từ TKXVI, tranh in khắc gỗ Việt Nam sử dụng thêm những ván in màu (hoặc tô màu, in nét đen) và mở rộng thêm nội dung sáng tác. Tiêu biểu như tranh dân gian Đông Hồ ở Bắc Ninh (TK XVI), tranh dân gian Hàng Trống ở Hà Nội (TK XVII), tranh dân gian Kim Hoàng ở Hà Tây, tranh dân gian làng Sình ở Huế (TK XVIII). Trong quá trình phát triển, hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống vẫn có những ảnh hưởng từ tranh dân gian Trung Hoa nhưng khi thể hiện nội dung trong từng tác phẩm, nghệ nhân dân gian Việt Nam vẫn có cách nghĩ và diễn tả riêng, “thuận tay hay mắt, lấy con mắt là một đồng cân, thuận mắt ta ra tay người”. Ngày nay, ván gỗ hiện vẫn giữ vai trò quan trọng như một chất liệu độc lập để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang tính thưởng ngoạn. Các họa sĩ sáng tác trên chất liệu này vẫn không ngừng mở rộng kỹ thuật, phát triển và hoàn thiện kỹ thuật ngày một phong phú hơn để nâng cao hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm. Trải qua những biến cố của thời gian, tranh in khắc gỗ truyền thống Việt Nam không phát triển và thịnh hành như những thế kỷ trước nhưng dấu ấn của nó trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với các nước trong khu vực Đông Á là một thực tế không thể phủ nhận.
---
Trích KỸ THUẬT IN KHẮC GỖ Ở ĐÔNG Á - HOÀNG MINH PHÚC
Bài đăng trên Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016.

Hình: Ván khắc được lưu giữ tại thư viện Huệ Quang.






Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập