Tiểu sử Hòa Thượng Thích Trí Viên

Đã đọc: 1892           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

-         Uỷ viên Hội đồng Trị sự GHPGVN

-         Phó trưởng ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà

-         Nguyên Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Khánh Hoà

-         Nguyên Hiệu Phó trường TCPHKhánh Hoà

-         Trú trì chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa và chùa Hoà Tân, Khánh Hoà

 

  1. THÂN THẾ

Hoà thượng họ Dương, huý Minh Hồng, pháp danh Chúc Đạo, tự Trí Viên, hiệu Không Ngã, sinh ngày 5 tháng 3 năm 1947, tại làng Lộc An, thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thân phụ là ông Dương Mai, pd. Chúc Hoa, thân mẫu là bà Trương Thị Năm, pd. Chúc Hạnh. Hoà thượng là con trai duy nhất trong gia đình 01 trai 02 gái.

 

  1. THỜI KỲ HỌC ĐẠO

Gia tộc họ Dương thuần nông, chất phát, có truyền thống tin Phật nhiều đời. Năm 12 tuổi, khi túc duyên hội đủ, Hoà thượng được phép của song thân xuất gia tu học với Hoà thượng thượng Đồng hạ Đắc, hiệu Thắng Huệ, trụ trì chùa Bảo Sơn, Tuy Phước, Bình Định.

Năm 14 tuổi, Hoà thượng được Bổn sư cho tham học tại lớp Sơ Trung, tu viện Nguyên Thiều, dưới sự hướng dẫn của Hoà thượng Thích Giác Tánh, Hoà thượng Thích Đỗng Quán, Thượng toạ Thích Đồng Từ, v.v.

Năm 17 tuổi, sau khi Bổn sư viên tịch, Hoà thượng dưới sự hướng dẫn của sư huynh Tâm Quang và Hoà thượng Thích Nguyên Ngôn, được Hoà thượng Thích Huyền Quang giới thiệu, vào học nội, ngoại điển, trú tại Phật học viện Huệ Nghiêm.

Năm 1967, Hoà thượng thọ giới Sa Di tại chùa Giác Sanh, Gia Định.

Năm 1968, Hoà thượng được cho đi tham học tại Phật Học Viện Trung Phần, Hải Đức, Nha Trang.

Năm 1970, Hoà thượng cùng các huynh đệ đồng chí hướng thành lập Gia đình Thập Bát Không, nhằm sách tấn tu học để sau này phụng sự đạo pháp, nhất là ngành Giáo dục.

Năm 1971, Ban giám đốc PHV Trung Phần mở lớp Chuyên khoa Phật học, Hoà thượng trúng tuyển và học lớp này.

Năm 1973, tròn 26 tuổi, Hoà thượng thọ giới Tỳ Kheo tại Giới Đàn Phước Huệ do PHV Hải Đức tổ chức. Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Chánh Chủ đàn, Hoà thượng Thích Phúc Hộ làm Đàn đầu Hoà thượng.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất. Lúc bấy giờ, các trường Phật học đều tạm nghỉ. Hoà thượng cùng một số huynh đệ tiếp tục trú lại Phật Học Viện để tu học, sau đó tham gia lao động sản xuất kinh tế, dưới chủ trương của cố Hoà thượng Thích Đỗng Minh, theo phương châm “Bất tác bất thực”. Ban ngày lao động, ban đêm học Kinh – Luật, dưới sự hướng dẫn của Hoà thượng Thích Thiện Siêu.

 

  1. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO VÀ KIẾN LẬP ĐẠO TRÀNG

Năm 1977, Hoà thượng được Ban đại diện GHPGVN tỉnh Khánh Hoà công cử làm trụ trì khuôn hội Kỳ viên – chùa Trung Nghĩa, Nha Trang.

Năm 1989, GHPGVN tỉnh Khánh Hoà được thành lập, Hoà thượng được cử giữ chức vụ Uỷ viên BTS, Phó ban Hoằng pháp, Phó ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Khánh Hoà.

Năm 1990, trường Cơ Bản Phật Học Khánh Hoà thành lập. Hoà thượng tham gia giảng dạy, đồng thời cùng các ban ngành khuôn hội Kỳ Viên phát tâm đại trùng tu chùa Trung Nghĩa.

Năm 1992, chùa Trung Nghĩa khánh thành, và được sự đồng thuận của Giáo hội, chính quyền, đã chính thức đổi tên thành chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa.

Năm 1993, Hoà thượng làm Phó chủ khảo Giới đàn Trí Thủ I, do BTS PG tỉnh Khánh Hoà tổ chức tại chùa Long Sơn, Nha Trang. Cố Trưởng lão HT. Thích Thiện Bình làm Chánh chủ đàn, và Cố Trưởng lão HT. Thích Trí Nghiêm làm Đàn đầu Hoà thượng.

Những năm sau đó, bên cạnh việc phục vụ Giáo hội, Hoà thượng tiếp tục xây dựng, chỉnh trang ngôi Già lam Kỳ Viên Trung Nghĩa, hướng dẫn Phật tử thành lập Ban tương tế để giúp nhau trong lúc khó khăn; thành lập Ban bảo trợ để giúp đỡ tài chánh cho GĐPT tỉnh Khánh Hoà sinh hoạt.

Tại đại hội Phật Giáo tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 1997-2002, Hoà thượng được cử làm Trưởng ban Hoằng Pháp GHPG tỉnh Khánh Hoà.

Năm 1999, để hỗ trợ việc học hỏi giáo pháp cho hàng Phật tử, Hoà thượng cùng Ban Hoằng pháp tỉnh mở lớp học Phật Pháp Cư Sỹ Áo Lam – Nha Trang. Đến nay, lớp học vẫn duy trì.

Năm 2005, Hoà thượng được sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, đã tổ chức Hội thi Phật Pháp cho Phật tử các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong dịp này, khoá Hội thảo Hoằng pháp các tỉnh miền Trung, và Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức tại Khánh Hoà.

Năm 2005, Hoà thượng khai sáng đoàn Cựu Huynh Trưởng GĐPT Tâm Thị, sinh hoạt tại chùa Kỳ Viên, làm tiền đề thành lập đoàn Cựu Huynh Trưởng GĐPTVN sau này.

Năm 2007, được sự hiến cúng của môn đồ Hoà thượng Thích Đức Minh, Hoà thượng nhận kiêm trụ trì chùa Hoà Tân, Cam Lâm, Khánh Hoà.

Đại lễ Vesak 2008 và 2014 được tổ chức tại Việt Nam, Hòa thượng được BTSPG tỉnh Khánh Hoà uỷ nhiệm tổ chức chương trình thuyết giảng, văn nghệ tại Hội trường Nhà Văn hoá tỉnh.

Năm 2011, được sự hoan hỷ của Hoà thượng Thích Trí Quảng, Hoà thượng thành lập đạo tràng Bổn Môn Pháp Hoa tại chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, và chùa Hoà Tân.

Tại đại hội Phật Giáo tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2012-2017, Hoà thượng được cử làm Phó Ban Trị Sự, kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp GHPG tỉnh Khánh Hoà.

Năm 2012, Tại Đại hội đại biểu Phật Giáo toàn quốc, nhiệm kỳ 2012-2017, Hoà thượng được tấn phong giáo phẩm Hoà Thượng và cử vào Uỷ viên Hội đồng Trị Sự.

Cùng năm, chùa Bảo Sơn nước Mỹ, do Đại đức Thích Huệ Giáo trụ trì, đã cung thỉnh Hoà thượng ngôi vị Viện chủ.

Năm 2013, Hoà thượng khởi công trùng tu chùa Hoà Tân, sau gần hai năm thi công, chùa đã khánh thành vào tháng tư, năm 2016.

Trong quá trình hành đạo, Hoà thượng đã truyền trao Tam Quy Ngũ Giới cho hàng ngàn Phật tử tại gia. Đệ tử xuất gia có trên 20 vị, có nhiều vị đã trưởng thành, phụ trách trụ trì, công tác Phật sự nhiều nơi trong và ngoài nước.

Trong công tác Giáo dục, Hoà thượng đã đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đào tạo Tăng Ni tài đức tại tỉnh nhà. Trong cương vị Trưởng ban Hoằng pháp, Hoà thượng đã dày công xây dựng và nuôi dưỡng tâm thức cho hàng cư sĩ tại gia, và sinh hoạt Gia đình Phật tử.

Suốt cuộc đời, Hoà thượng đã đem hết tâm tư và khả năng để phụng sự chúng sanh nhằm báo ân chư Phật, có lúc, thân lâm trong bệnh nhưng cũng không xao lãng trách nhiệm. Những Phật sự được Giáo hội giao phó, Hoà thượng đều cố gắng chu toàn.

Như một hiện thân của sự dũng mãnh, bao dung và năng động trong Phật sự, bất cứ nơi nào cần, bước chân Hoà thượng đặt đến, ở đó, Phật sự sớm được trôi chảy.

 

  1. NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI CÙNG

Cùng với sự biến chuyển vô thường của thời gian, như một chiếc xe cũ đã đến hồi hư hoại, thân tứ đại của Hoà thượng mỗi ngày một suy yếu.Ý thức được giới hạn của tự thân, nhiều lần Hoà thượng ngỏ ý trao lại mọi trọng trách cho Giáo hội để tập trung vào con đường tâm linh giải thoát.

Tại đại hội Phật Giáo tỉnh Khánh Hoà lần thứ 6, nhiệm kỳ 2017-2022, mặc dù đã ở tuổi 71, Hoà thượng tiếp tục được cung thỉnh giữ chức vụ Phó trưởng Ban Trị Sự.

Theo vòng xoáy vô thường, thân tứ đại phải trả về cho tứ đại. Vào tháng 12-2015, Hoà thượng lâm trọng bệnh; mặc dù đã được các Giáo sư, Bác sĩ của các bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hoà, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đa Khoa VINMEC tận tình chữa trị, nhưng bệnh duyên thâm trọng, Hoà thượng đã xả báo thân tại chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, vào lúc 11 giờ 45, ngày 26 tháng 8 năm Đinh Dậu (15/10/2017), hưởng thọ 71 tuổi đời, 44 hạ lạp.

Hôm nay, Hoà thượng đã xả báo an tường, đi vào cõi tịnh, nhưng hạnh nguyện độ sanh, lòng từ vô biên, và những lời dạy của Hoà thượng sẽ mãi mãi song hành với Tăng Ni, Phật tử.

 

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ TÔNG, TỨ THẬP TỨ THẾ, KỲ VIÊN TRUNG NGHĨA, HOÀ TÂN NHỊ TỰ TRÚ TRÌ, KHÁNH HOÀ TRỊ SỰ PHÓ BAN, HUÝ THƯỢNG CHÚC HẠ ĐẠO TỰ TRÍ VIÊN HIỆU KHÔNGNGÃ HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập