Đạo Phật với nền giáo dục đạo đức xã hội đương đại

Đã đọc: 1450           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi nền kinh tế phát triển, ai cũng nghĩ đời sống vật chất, tinh thần sẽ được cải thiện và khi đời sống ấm no, thì mối quan hệ giữa người với người sẽ ngày càng tốt hơn. Nhưng thực tế, khi nền kinh tế xã hội phát triển, thì tinh thần và đạo đức hiện nay ở hầu hết các khu vực và quốc gia lại rơi vào tình trạng tiêu cực và suy thoái trầm trọng. Đứng trước thực tại suy thoát này, các nhà Giáo dục, Tâm lý học và các nhà Xã hội học đều cho rằng, nguyên nhân “lệch chuẩn”đạo đức hiện nay là do mặt trái của cơ chế thị trường…Còn các nhà khoa học nói chung, thì cho đây là một “nghịch lý” thế kỷ.

Phân tích, nhìn nhận đánh giá sự vật đúng sai, theo đạo Phật vấn đề vẫn nằm ở diễn biến vô thường. Chân lý tối hậu là phải chịu được sự khảo nghiệm của thời gian. Mọi giả lập đều không đưa con người đến giác ngộ-giải thoát, mà chỉ làm cho con người mê lầm, bối rối và sợ hãi trước thực tại. Bởi tham đắm và chấp tưởng là nguyên nhân dẫn con người đến với những hệ lụy và tiêu cực không thể lường trước được, khi con người tự đánh mất mình.

 Theo đạo Phật, vị trí của con người là tối thượng, con người là chủ nhân của chính mình, không có một thực thể hay quyền năng nào định đoạt được số phận của họ. Đức Phật dạy: “Này các đệ tử, các người là nơi nương tựa của chính mình, không còn ai khác nữa”. Ngài giảng dạy, khuyến khích động viên mỗi người hãy tu tập và tìm sự giải thoát cho chính mình bằng khả năng, trí tuệ của mỗi bản thân. Như vậy, trí tuệ và sự nỗ lực bản thân con người là điều kiện cần có để con người đạt được sự giác ngộ, giải thoát và an lạc. Vì vậy, ngay sau khi Đức Phật chứng quả giác ngộ vô thượng chánh đẳng, chánh giác, Ngài đã đem ra thuyết giảng cho các đệ tử và được ghi lại trong Tam Tạng Kinh điển của đạo Phật để truyền bá trong nhân gian rất cao siêu, mầu nhiệm mà cũng rất thực tế khiến chúng ta có thể cảm nhận được. Giáo lý trong ba tạng kinh điển này, Đức Phật nói về nhân sinh quan và thế giới quan của đạo Phật. Về nhân sinh quan chắc không cần thiết phải nói thì ai cũng biết rằng, giáo lý đạo Phật mang đậm sắc thái luân lý. Luân lý đó được thể hiện trong giáo pháp của Phật qua bốn câu kệ “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo” (Không làm các điều ác, siêng làm các điều thiện, giã tâm ý trong sạch, đó là lời dạy của Chư Phật) và đưa ra đường lối tu dưỡng đạo đức để đạt được hạnh phúc, an lạc và giải thoát. Đức Phật đã chỉ dạy từ việc lớn như quốc gia chính sự, đền việc nhỏ như hòa khí trong gia đình. Đó là sự thật mà chúng ta thấy hầu hết trong các kinh điển. Do vậy, mà trong bài này người viết xin chỉ đưa ra một số giáo lý về đạo đức nói tới Hạnh phúc an lạc Niết bàn, đó là giáo lý về Ngũ giới (Năm cách); giáo lý về Bát chính đạo (con đường thánh thiện-con đường trở thành bậc thánh) đó là những giáo lý mang tính đạo đức xã hội một cách sâu sắc mà ngày nay xã hội đang đòi hỏi. Và chỉ có giáo lý này, mới có thể ngăn chặn được sự suy thoái đạo đức ngày càng gia tăng như hiện nay. Dưới đây là nội dung của Ngũ giới, tức Năm điều răn cấm đối với nhân loại, hay 5 điều kiện để con người thực sự là người có nhân cách:

 

Thứ Nhất là không sát sinh, tức là không được giết hại sinh mạng từ loài người cho đến các loài vật, bởi vì mạng sống là giá tri tuyệt đối cao nhất, quý nhất. Trong khi con người ai cũng muốn sống mà lại giết hại các sinh mạng khác thì thật là vô lý. Với lòng từ bi của mình, Đức Phật coi mọi loài đều là con mình, nên Ngài không đồng ý cho đệ tử của Ngài.sát hại lẫn nhau và giết hại các loài khác, mà phải tôn trọng sự sống của mọi người, mọi loài. Không sát hại các sinh mạng cũng có nghĩa là không làm hại đến các loài thực vật và khoáng vật. Như vậy, nhân loại sẽ ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, ý thức được môi sinh mà con người cần phải có để bảo vệ sự sống cho mình và cho mọi loài. Giữ được giới không sát sinh tâm ta sẽ được an ổn vì khỏi lo thù oán, oan gia nghiệp báo, bảo vệ được sự sống chung và nhân loại chúng ta sẽ có hòa bình an lạc.

 

Thứ hai là không trộm cướp: nghĩa là không lấy tài sản của người khác khi người đó chưa cho. Bất kể là những thứ quý giá như vàng ngọc, tiền bạc cho đến những thứ nhỏ nhoi như cây kim sợi chỉ, chúng ta không muốn ai lấy của mình thì tại sao lại tìm cách cướp đoạt của người khác. Với tâm bình đẳng của Đức Phật, Ngài không cho đệ tử làm những việc trái lẽ phải, trái đạo đức và bất công nên Ngài cấm trộm cướp. Đức Phật dạy trong kinh Tứ thập nhị chương “Người tham luyến sắc tài không chịu rời bỏ cũng như đứa bé tiếc một chút mật dính trên lưỡi dao, nó thè lưỡi liếm, liền bị cái họa đứt lưỡi”. Do vậy, mà vì tham tiền, tham bạc nên nhiều người tự gieo mình vào trong khám đường, dưới địa ngục phải chịu nhiều hình phạt khổ sở, gây đau khổ cho mình và cho người. Nếu trong chúng ta ý thức được những khổ đau do lừa gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, biết tôn trọng quyền sở hữu của người khác, không ai lấy của ai thì xã hội sẽ được an bình, ngủ đêm không phải cài cửa, thật là hạnh phúc an vui.

 

Thứ ba là không tà dâm: Nghĩa là không phạm đến trinh tiết của người không phải là vợ (chồng) mình. Tất cả những sự tư thông lén lút là pham giới tà dâm. Hạnh phúc đâu còn khi vợ chồng không tin nhau. Còn gì đau khổ hơn khi sống chung gia đình mà chồng hoặc vợ có bụng dạ tình cảm riêng tư với người khác. Phật dạy, người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió quyết sẽ bị lửa cháy tay (kinh 42 chương). Thật vậy, xưa nay biết bao gương đã chứng minh những kẻ đam mê sắc dục phải tan nhà, mất mạng. Nếu cả nhân loại chúng ta ý thức được những khổ đau do tà dâm gây ra, giữ dục thanh tịnh thì nhân phẩm được nâng cao, gia đình được đầm ấm, xã hội an bình hạnh phúc.

 

Thứ tư là không nói dối: Nghĩa là không nói những lời sai sự thật. Đạo Phật là đạo chân thật, người tu đạo Phật phải tôn trọng sự thật nên không được nói dối. Nói dối sẽ làm mất lòng tin của nhau, gây cho nhau đau khổ. Nếu lời nói không đúng sự thật thì ai dám tin. Mất lòng tin thì mất tất cả. Nếu chúng ta không tin nhau, nghi ngờ nhau thì xã hội sẽ ra sao? Có phải là một xã hội đầy sự nghi kỵ, bất trắc và lo âu chăng !? Chúng ta không nói dối là biết tự trọng, không làm tổn thương người khác. Ý thức được những khổ đau do nói dối gây ra, mỗi chúng ta không nói dối thì chính chúng ta được an ổn, thanh cao. Nhân loại không nói dối thì xã hội này được an lạc, hạnh phúc biết bao.

 

Thứ năm là không dùng những chất kích thích độc hại: Đây là giới cấm không uống rượu và là giới cấm sau cùng trong 5 giới mà ngay từ thời Phật tại thế, Ngài đã thấy tác hại của việc uống rượu. Và khi xã hội phát triển, những chất độc hại như thuốc lá, ma túy, ma túy tổng hợp phát triển tràn lan thì các quốc gia và thế giới đã có cơ quan phòng chống. Bởi tác hại của các chất độc hại này khi sử dụng sẽ làm con người say sưa, mất hết nhân tính, trí tuệ, gây nhiều bệnh tật, nguy hiểm cho sức khỏe không chỉ với đối tượng nghiện hút mà cho cả thế hệ tương lai. Rượu chè, ma túy còn làm khuynh gia bại sản đối với nhiều gia đình và làm mất an ninh xã hội. Sự khổ đau do các chất độc hại gây nên là khó có thể lường hết được. Ý thức được những khổ đau do việc sử dụng rượu, thuốc lá, ma túy gây ra. Chúng ta trong khi ăn uống phải có chính niệm, những gì có độc tố gây bệnh thì nhất định chúng ta không sử dụng để giữ gìn sức khỏe cả về thể chất và tâm hồn chúng ta. Không sử dụng các chất độc hại nói trên, thì nhân loại chúng ta sẽ an bình hạnh phúc. Chúng ta sẽ giành được khoản tiền lớn từ việc chống ma túy và cai nghiện…để làm vào những việc phúc lợi dân sinh thì xã hội chúng ta được tiến bộ, văn minh và tươi đẹp biết chừng nào!                   

 

Năm điều răn của Đức Phật đối với chúng ta thật là quý báu. Mỗi chúng ta hãy làm theo 5 điều khuyên ấy thì nhất định chúng ta là những con người thật sự có đầy đủ nhân cách và phẩm giá, sẽ tạo cho xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ và thật sự có an vui hạnh phúc.

 

Kinh Singalovada trong Trường A Hàm, Đức Phật dạy chàng Thiện Sinh – Người thường lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ theo ý nghĩa sau: Phương Đông là chỉ cho cha mẹ; Phương Nam là bậc thầy; Phương Tây là vợ con; Phương Bắc là bạn bè, quyến thuộc, láng giềng; Phương Hạ là tôi tớ, người làm công và thợ thuyền; Phương Thượng là những vị tu sĩ Sa môn, Bà la môn (dưới đây là nội dung sáu phương)

      

        Thứ nhất là cha mẹ với con cái: Cha mẹ bậc thiêng liêng đối với con cái. Đức Phật dạy: Cha mẹ là thượng đế. Người theo đạo Phật trước hết phải tôn kính cha mẹ, con cái phải lễ bái cha mẹ “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đạo con”(ca dao vn).Con cái hàng ngày phải làm bổn phận đối với cha mẹ như làm bất cứ điều gì cần làm cho cha mẹ, phải giữ danh dự cho gia đình và tiếp nối truyền thống của gia đình, phải chăm sóc cha mẹ lúc già yếu và khi ốm đau, phải bảo vệ tài sản cho cha mẹ, phải làm lễ cẩn trọng khi cha mẹ chết…Đối lại, cha mẹ cũng có trách nhiệm với con cái như phải nuôi nấng, dưỡng dục con cái trưởng thành, phải giữ cho chúng tránh xa những thói tệ nạn xã hội, phải hướng chúng làm những việc thiện lành và lợi ích, phải cưới gả chúng vào những gia đình tử tế, khi phân chia tài sản cho chúng phải công bằng…

        Thứ hai là mối quan hệ thầy trò: Người học trò phải kính trọng, vâng lời thầy “Tôn sư trọng đạo”, phải lo cho thầy những điều thầy cần thiết, phải học hành chăm chỉ, nhớ và làm theo những điều thầy dạy…Đối lại, với thầy phải huấn luyện dạy dỗ trò những điều cần dạy dỗ và dạy dỗ nhiệt tình, cẩn thận, thương yêu học trò như con mình…

        Thứ ba là quan hệ vợ chồng: Tình cảm vợ chồng là tình cảm thiêng liêng, nên đạo Phật dành cho mối quan hệ này là sự tôn trọng cao cả. khác với Nho giáo (vợ như tấm áo cởi ngay tức thì). Vợ chồng phải trung thành, chồng tôn trọng vợ, phải đảm bảo đời sống tiện nghi cho vợ, phải luôn làm cho vợ vui lòng…Đối lại, người vợ phải chăm sóc chồng, coi sóc việc nhà thay chồng, phải làm vui lòng khách và bạn bè của chồng, phải giữ gìn tiền của chồng kiếm được…

        Thứ tư là liên hệ giữa bạn bè và bà con láng giềng: Các mối quan hệ này với nhau, phải tử tế, thân thiện, nhân từ, phải nói lời hòa nhã dễ nghe, phải làm lợi ích cho nhau, phải hòa thuận với nhau, phải giúp nhau khi cần và đừng bỏ nhau khi hoạn nạn…

        Thứ năm là quan hệ giữa chủ và thợ hay người làm công: Người chủ khi giao việc, phải tùy theo khả năng và sức lực của thợ, phải trả lương cho thích hợp, phải cung cấp thuốc men khi đau ốm, thỉnh thoảng phải nên cho quà tặng vào những dịp lễ tết.  Đối lại, người giúp việc hay người làm công phải siêng năng không được biếng nhác, không được ăn cắp giờ, phải làm hết sức lực, trách nhiệm của mình, phải lương thiện vâng lời và không được lừa gạt chủ…

        Thứ sáu là liên hệ giữa Sa môn, Bà la môn với các gia chủ: Gia chủ phải có lòng từ kính với các bậc Sa môn, Bà la môn, nên cúng dàng các vật cần thiết như cơm, áo, thuốc thang, sàng tọa…Ngược lại các Sa môn, Bà la môn nên có bổn phận khuyến khích gia chủ không làm ác, chỉ làm thiện, giữ cho thân, khẩu, ý được trong sạch, có lòng từ bi hỷ xả đối với gia chủ, dạy bảo gia chủ đi theo con đường chính đạo, khuyến khích gia chủ làm lợi ích cho cộng đồng xã hội. Hướng cho họ nếp sống hướng thượng, tốt đẹp.

        

Với bài kinh nói trên, Đức Phật đã hướng dẫn cho thanh niên Singalocada về cách ứng xử giữa người với người, giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng xã hội thật là chân tình, thật là nhân cách, và thật là tốt đẹp. Nếu ai cũng thực hành như vậy, thì cộng đồng nhân loại sẽ có cuộc sống an vui và hạnh phúc biết nhường nào!

        

Cùng với 5 điều răn cấm và bài kinh nêu trên, trong giáo lý Đức Phật, chúng ta thấy phần lớn trong các kinh, bằng cách này hay cách khác Đức Phật thường đề cập tới Bát chánh đạo (Tám con đường chính dẫn tới chấm dứt khổ đau) hay cũng gọi là Bát Thánh đạo (Tám con đường chính dẫn tới thánh thiện). Đó là Chánh kiến (sự thấy biết chân chính), Chánh Tư duy (suy nghĩ chân chính), Chánh ngữ (lời nói chân chính), Chánh nghiệp (hành động chân chính), Chánh mạng (sự sống chân chính), Chánh Tinh tiến (cố gắng chân chính), Chánh niệm (nhớ tưởng chân chính) và Chánh định (sự tập trung tư tưởng chân chính). Dưới đây là khái lược của Bát chánh đạo:

 

1 -  Chánh tri kiến: là sự biết các sự vật, đúng như sự thật của nó (thấy biết được bản chất các sự vật). Do vậy, chính kiến là thấy, hiểu được giáo lý về bốn sự thật (Tứ diệu đế) là sự hiểu biết có trí tuệ cao, thấy được thực tại tối hậu. Trí tuệ này có thể đạt được khi tâm đã sạch mọi cấu nhiễm và hoàn toàn phát triển nhờ thiền định.

 

2-  Chánh tư duy: là những tư tưởng nhằm loại trừ phiền não để đạt được giác ngộ và giải thoát của lý tưởng về lòng yêu thương nhân loại, muôn loài; lý tưởng vô ngã vị tha, không có những dục vọng tầm thường và vị kỷ.

 

3-  Chánh ngữ: là không nói dối, chỉ nói lời chân thực như phần ngũ giới đã nói ở trên. Không nên nói năng bừa bãi, vô căn cứ, lời nói nên đúng lúc và đúng chỗ. Nếu không thể nói được điều gì lợi ích hơn, tốt hơn thì nên giữ sự “im lặng của bậc Thánh”.

 

4-  Chánh nghiệp: là hành động (hành vi) của chính mình phải hợp với đạo đức, không sát hại, tổn thương đến các sinh mạng, không trộm cướp, tà dâm, giúp người khác sống cuộc sống hòa nhã, khả ái hơn.

 

5-  Chánh mạng: là sống bằng nghề nghiệp không mang lại thiệt hại cho người khác và xã hội như: buôn bán chất ma túy, đồ ăn uống say sưa, độc dược, giết hại súc vật, lừa đảo…phải nên sinh sống bằng nghề nghiệp chính đáng và không gây hại cho người và vật.

 

6-  Chánh tinh tiến: là ý chí mạnh mẽ ngăn ngừa những điều xấu ác chưa phát sinh, trừ bỏ những điều xấu ác đã phát sinh, làm phát sinh những điều thiện chưa phát sinh, tăng trưởng những điều thiện đã phát sinh.

 

7-  Chánh niệm: là luôn luôn ý thức rõ ràng được những hoạt động của mình từ hành động, lời nói đến ý nghĩ sao cho mỗi việc làm, lời nói hoặc ý nghĩ của mình đều đem lại lợi ích cho mình và cho người, không gây tác hại cho xã hội.

 

8-  Chánh định: là khi có chính niệm thì chúng ta sẽ có chính định. Và khi sống trong chính niệm thì chúng ta làm việc gì cũng trong tư tưởng tập trung có năng lượng đem lại lợi ích cho mình và cho người, không gây tác hại đến cộng đồng xã hội.

 

Bát Chánh đạo chỉ là một phần trong giáo lý của Đức Phật. Chỉ cần những cố gắng nhỏ để áp dụng tám bước này vào đời sống cũng sẽ mang đến cho chúng ta hạnh phúc. (xin nêu sơ lược duyên khởi về Bát chính đạo)

 

Đây là bài Chuyển Pháp Luân của Đức Phật giảng tại vườn nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như nghe. Trong đó Bát Chánh đạo là chủ đề đầu tiên mà Đức Phật chuyển pháp. Từ sự quan sát cuộc đời của mình qua những kinh nghiệm sống trong hai giai đoạn: Giai đoạn được coi là hưởng thụ lợi lạc theo thế tục trong cung điện và sáu (6) năm tu khổ hạnh. Đức Phật nhận ra rằng: Mình là người tu hành đang đi tìm Đạo, đừng để lạc vào trong các quan điểm, thái quá hay bất cập, hoặc giả định của cuộc đời, sau cùng là không có kết quả khả quan. Để chứng đạt thành quả duy nhất muốn tìm, từ đó, Ngài tự tu tập, giới, tâm Thanh tịnh, dựa vào kinh nghiệm bản thân, không (dụng công) như kiểu tu trước và Ngài đã khám ra con đường Trung đạo, theo tiếng pali có nghĩa là, giữa, Việt dịch là con đường ở giữa, Hán Việt gọi là Trung đạo.

 

Ý nghĩa chính của con đường Trung đạo là sự thức tỉnh của Đức Phật, qua sự so sánh trong hai kinh nghiệm từng trải trong đời của Ngài và rút ra một kết luận, để khuyên người đang đi tìm đạo: Nếu đắm mình trong dục lac dẫn đến nguy hại và tự hành hạ mình bằng các hình thức khổ hạnh nghiêm khắc, cũng sẽ dẫn đến đau khổ. Với kinh nghiệm thực chứng sâu rộng, con đường Trung đạo mà Ngài tìm ra là phương pháp diệt Khổ, để đưa con người đến sự an vui thanh tịnh trong cuộc sống

 

Con đường Trung đạo này còn được gọi là Bát chính đạo và tiếng pali có nghĩa là cao quý, cao thượng. Bát chính đạo gồm có tám yếu tố quan trọng như đã đề cập ở trên. Bát chính đạo được chia làm ba nhóm: Chính kiến, chính tư duy thuộc về trí tuệ. Chính ngữ, chính nghiêp, chính mệnh thuộc về giới luật. Chính tinh tấn, chính niệm, chính định thuộc về định. Tám yếu tố của Bát chính đạo không phải là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, như là yếu tố này phải đứng trước yếu tố kia, mà chúng giao thoa tương hỗ lẫn nhau.

 

Như vậy, nếp sống đạo đức và luân lý trong đạo Phật nhằm mục đích làm cho đời sống cá nhân con người, cũng như toàn xã hội đều đạt tới an lạc và hạnh phúc. Không thể có sự phát triển tâm linh nào nếu không có nếp sống căn bản đạo đức Phật giáo. Với giáo lý Ngũ giớiBát chánh đạo, cùng bài kinh dạy cách sống tốt đẹp nói trên, là một phần nhỏ trong đạo đức học Phật giáo đã xây dựng cho nhân loại một nền móng đạo đức vững chắc. Nhân loại chúng ta ngày nay đã và đang ứng dụng nó vào cuộc sống. Sự ứng dụng đó ngày nay càng đòi hỏi hơn bao giờ hết vì nhân loại đang sống trong sự phát triển kinh tế, vật chất với nhu cầu cao của đời sống con người. Ở Việt Nam chúng ta đang đối đầu với mặt trái của cơ chế thị trường thì lại càng đòi hỏi nó phải được ứng dụng nhiều hơn nữa trong cuộc sống. Trên thế giới, Hội nghị Quốc tế Phật giáo do chính phủ Srilaka tổ chức tại Colombo năm 1998, với chủ đề “Bức Thông điệp vĩnh hằng của Đức Phật Tổ (Thetimeles  of  Sammasambuddha) đã thông qua nghị quyết trong đó có  đề câp tới 5 điều răn cấm của Đức Phật cần được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nêu bật giá trị của 5 điều răn dạy nói trên đối với các tầng lớp thanh thiếu niên…Năm giới và Bát chánh đạo là hệ thống đạo đức toàn cầu, thực tế đã và đang được ứng dụng để tạo sự phát triển của loài người về đạo đức, tinh thần và trí tuệ, được xây dựng dựa trên các nhu cầu đạo đức và tâm lý của con người nhằm đạt được một cuộc sống an lạc, hạnh phúc và thịnh vượng.

 

Từ Hội nghị Quốc tế Phật giáo và Thông điệp nêu trên, đã cho thấy giáo lý của Đức Phật cho một nền giáo dục đạo đức xã hội đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo lịch sử sáng lập và phát triển của các tôn giáo, thì đa phần những vị giáo chủ hoặc là thượng đế, thượng đế mặc khải hay thượng đế nhập thể với các hình thức khác nhau. Riêng Phật giáo thì Đức Phật (vị giáo chủ) là một con người thực thụ. Ngài tuyên bố tất cả những gì Ngài thực hiện được, đạt được và hoàn thành được đều hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ của chính con người Ngài. Con người và chỉ có con người mới có thể thành Phật và trở thành người giác ngộ, nếu họ nỗ lực. (HT Thích Gia Quang)

Nền giáo dục đạo đức xã hội đương đại có thể áp dụng giáo lý nêu trên của Đức Thế Tôn để làm dường cột giáo dục trước sự suy thoái đạo đức hiện nay. Bởi giáo lý này đã được kiểm chứng, vượt qua sự khảo nghiệm của thời gian. Đó là Chân lý nhất như mầu nhiệm, nếu chúng ta thành tín và thực hành nó với thái độ rốt ráo.

 

                                          

 

Tài liệu tham khảo

 

-   Bước đầu học Phật – HT. Thích Thanh Từ  (Nxb-TG -2001)

-   Tám quyển sách quý – HT  Thích Tiện Hoa  (Nxb-Tp.HCM- 1989)

-   Bài: Vài nét về đạo Phật với nền giáo dục đạo đức xã hội (Tap chi nghiên cứu Phật học- số 5-2001)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập