Vận dụng thế nào để vừa uyển chuyển, vừa trì được giới luật?

Đã đọc: 1566           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image HT.Thích Minh Thông

HT.Thích Minh Thông - Phó Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Trưởng ban Tăng sự TP.HCM: “Vận dụng thế nào để vừa uyển chuyển, vừa trì được giới luật?”

Vừa qua, GN đã giới thiệu bài viết “An cư kiết hạ: xuất giới như thế nào là đúng pháp?” ghi lại ý kiến của HT.Thích Minh Thông (Khánh Hòa). Ở số này, GN tiếp tục đăng tải ý kiến của HT.Thích Minh Thông (TP.HCM) về việc áp dụng những vấn đề này trong hoàn cảnh hiện nay như thế nào cho đúng pháp. 

Như chúng ta được biết, Đức Phật chế giới đa phần dựa theo nguyên tắc “tùy phạm tùy chế”, riêng những vấn đề về luật đều mang tính chất xã hội, những tập quán, tập tính của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Tức là những gì xã hội khi đó quan niệm là nên làm, là tốt cho đoàn thể những người tìm cầu sự giải thoát, thì được Đức Phật cho áp dụng. Tất nhiên những điều đó luôn được soi rọi dưới trí tuệ của Ngài, cùng với sự cố vấn của các bậc trí thức thời bấy giờ, trước khi đem ra áp dụng. Vấn đề an cư xuất phát cũng từ tính yếu tố xã hội này.

Uyển chuyển vận dụng nhưng không nên tùy tiện dễ dẫn tới hỗn loạn 

Trong quá trình sinh hoạt của Tăng-già cùng với sự vận động của xã hội, sự tương tác, ảnh hưởng là điều tất yếu phải - sẽ xảy ra. Xã hội có sự tương tác đối với Tăng đoàn ở một phần nhất định nào đó, góp phần dần định hình cũng như tạo nền nếp chặt chẽ, quy củ hơn trong các hoạt động sinh hoạt của Tăng-già. Nhìn lại toàn bộ những tích truyện trong giới luật chúng ta sẽ thấy rõ ràng điều đó. 

An cư là một truyền thống đặc trưng của Phật giáo. Đây là một sự kế thừa tập quán của những tôn giáo khác ở xã hội Ấn Độ bấy giờ. Có điều Đức Phật làm cho vấn đề an cư trong ba tháng mùa mưa dần chặt chẽ và quy củ hơn. Tất cả những quy định đó cũng chỉ nhằm một mục đích là dành cho chư Tăng Ni có một thời gian không vướng bận gì ngoài tu tập, để tâm đến việc thăng tiến trong đạo lộ giải thoát. Ở các tôn giáo khác cũng như vậy, họ dành thời gian để tịnh tu. Như ở một tôn giáo bạn, họ có tháng tĩnh tâm - hoàn toàn ở trong tu viện trong 1 tháng và không bước chân ra ngoài.

Ban đầu, Đức Phật không cho phép chư Tăng ra ngoài trong thời gian an cư, trừ đi khất thực. Nhưng sau đó Ngài cho phép xuất giới. Nhưng việc xuất giới này phải tuân thủ những quy định, mà trong bài viết ghi lại ý kiến của HT.Thích Minh Thông (Khánh Hòa) trên GN số 907 đã phân tích rất rõ. Sự quy định các pháp bắt buộc trước khi xuất giới không phải là sự ngăn cản hay làm khó dễ ai cả. Yếu tính của việc này chính là sự ổn định, có khuôn phép cho một tập thể đông đảo Tăng chúng. Không có một tập thể nào mà không được điều tiết bởi các quy định, nếu không, trật tự sẽ bị phá vỡ và dẫn đến hỗn loạn, mạnh ai nấy làm theo điều mình thích. Mà bản chất của Tăng đoàn là hòa hợp. Nếu một tập thể hỗn loạn, không có quy định thống nhất cho mọi hoạt động nội bộ thì không thể nói là hòa hợp được. 

Giới luật mà Đức Phật chế định đều có sự uyển chuyển - trừ những nguyên tắc không thể, chỉ có chúng ta không biết cách vận dụng nó thì lỗi ở chúng ta. Ngày nay chúng ta luôn viện cớ “xã hội bây giờ”, “thời đại này”… để bỏ qua. Thực ra, các pháp yết-ma cho những sự xuất giới hay những vấn đề khác, chúng ta phải hiểu đó là Đức Phật muốn hướng tới sự hòa hợp, trách nhiệm và bổn phận của nguyên vị cá nhân cũng như của tập thể Tăng chúng. Mỗi cá nhân trong tập thể phải có trách nhiệm giữ sự ổn định của tập thể thông qua các quy định, nguyên tắc xử sự. Nếu các thành viên ai cũng sống thiếu trách nhiệm thì tập thể ấy sớm muộn sẽ hư, vì mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy làm điều mình muốn. 

Hinh da xuly.jpg
Giới luật mà đức Phật chế định đều có sự uyển chuyển - trừ những nguyên tắc không thể; 
chỉ do chúng ta không biết cách vận dụng nó - ảnh: Bảo Toàn


Tránh tình trạng “phi pháp trở thành như pháp, như pháp trở thành phi pháp” 

Vừa rồi, một Thượng tọa ở tỉnh Quảng Trị gọi cho chúng tôi hỏi “có vị Ni tự xuất giới đi nước ngoài tham dự một hội nghị Ni giới quốc tế 10 ngày, vậy có bị phá hạ không?”. Tôi trả lời theo nguyên tắc luật thì phá hạ. Luật cho Ni xuất giới 7 ngày nhưng cũng phải làm đúng pháp là đối thú tác pháp, không thể tự tiện đi mà không bạch báo. Có bạch báo mà đi trên 7 ngày cũng phá hạ, coi như vị ấy mất mùa hạ năm nay. Có ý kiến cho rằng do Phật sự ở xa nên không thể đi theo quy định. Có lẽ chúng ta luôn biện minh cho điều chúng ta làm sai để thành đúng. Phương tiện đi lại hiện nay không mất nhiều thời gian như ngày xưa. Các việc đó đều có thời gian để chúng ta chủ động sắp xếp. Và nhất là chúng ta nên chủ động trong mùa an cư. Chúng tôi dạy các lớp luật cũng thường lưu ý các vị lớn nên làm gương cho các vị nhỏ. Nếu lớn không tôn trọng luật Phật chế thì đòi hỏi các vị trẻ tôn trọng, sao họ nghe. Đó là một sự không công bằng. 

Cũng có vị nói với chúng tôi những pháp đó quá phiền, mất thời gian và không cần thiết trong tình hình xã hội ngày nay. Chúng tôi chỉ xin thưa một điều là những việc ấy tuy có tốn chút ít thời gian, nhưng đó là một việc làm tôn trọng tập thể nơi mình đang sống. Chưa nói pháp yết-ma hay đối thú tác bạch đó còn mang tính linh thiêng của đạo mình đang theo, đang hành. Bỏ đi thì mình sẽ không còn là mình trong các sinh hoạt đặc thù của Tăng-già. Mà, điều đặc thù này không có một tôn giáo nào có được như chúng ta.

Trong sự sinh hoạt của xã hội hiện nay, theo cá nhân chúng tôi nghĩ, nếu chúng ta biết cách thì chúng ta vẫn trì giữ được giới luật. Thiết nghĩ việc mời 4 vị Tăng lên chánh điện để tác pháp yết-ma thọ nhật (pháp xin đi trên 7 ngày) không có gì là khó cả. Vấn đề là chúng ta có tôn trọng và thực hiện hay không. Chúng ta xin đi và nói rõ lý do xuất giới trước một tập thể tức là chúng ta tôn trọng tập thể. Cá nhân chúng tôi thiển nghĩ, những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thọ giới lâu năm mà không thực hành những pháp như vậy thì các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mới thọ giới làm sao biết mà làm theo. Dần dà giới luật không được thực hiện và tôn trọng thì sẽ mai một là điều không tránh khỏi. Chúng ta luôn nói “Giới luật là thọ mạng của Tăng-già”, nhưng liệu chúng ta có muốn giữ cho Tăng-già thọ mạng hay không? Chúng tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ cho thấu đáo.

Trong những năm gần đây, bản thân chúng tôi cố gắng xiển dương lại Luật học cũng chỉ nhằm mục đích làm cho việc trì luật được sống lại, các Tăng sự trong Tăng được tôn trọng và thực hiện. Thực ra, hàng ngày chúng ta họp hành, biểu quyết, quyết định… những việc của Tăng hay của Giáo hội đều là Tăng sự, nhưng chúng ta làm theo kiểu hành chánh thế gian mà không áp dụng cho đúng luật. Chúng tôi nghĩ chỉ cần có nghi thức yết-ma thì không khí buổi làm việc đó sẽ khác, nó sẽ có không khí linh thiêng hơn, tính quyết định của nó “hòa hợp” hơn theo như phần bỉnh pháp “Tăng có hòa hợp không?”.

Nói tóm lại, thọ trì giới luật đã thọ nhận cũng như chúng ta tham gia vào một tổ chức có điều lệ. Chúng ta hứa sẽ tuân thủ các quy định thì chúng ta phải thực hiện. Dưới góc độ Luật học thì sự uyển chuyển là luôn có, còn lại chúng ta biết cách uyển thế nào cho đúng pháp. Bản thân chúng tôi khi có được những đề nghị nên khai phương tiện, chúng tôi luôn cố gắng thận trọng xem xét các trường hợp có thể vận dụng sự uyển chuyển để khai hay không. Nếu trường hợp ấy xâm phạm đến các nguyên tắc cơ bản, phá vỡ những chuẩn mực mà hậu quả của nó có thể dẫn đến sự rối loạn Tăng-già và làm mai một thọ mạng giáo pháp thì chắc chắn chúng tôi không góp ý khai mở. Còn các vị ấy có khai mở hay không là việc cá nhân họ. Chúng ta uyển chuyển giới luật nhưng đồng thời cũng phải thận trọng để không phải rơi vào tình trạng khó xử trong tương lai, nhất là “phi pháp trở thành như pháp, như pháp trở thành phi pháp”.

Pháp Đăng ghi

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập