Vĩnh Long: Tổ chức khóa tu thiền tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Đã đọc: 3260           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chiều ngày 22/04/2017, (nhằm ngày 26/03/năm Đinh Dậu), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN nhận lời mời của TT Thích Phước Hạnh – Phó ban thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã quan lâm hướng dẫn khóa tu thiền và thuyết giảng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long).

Tại đây, Người đã giảng giải về ý nghĩa và phương pháp dụng công của Thiền. Đồng thời giải đáp cho Chư Tăng Ni, phật tử những thắc mắc liên quan đến Thiền và cuộc sống. Nhờ đó, mọi người hiểu được tầm quan trọng của pháp môn tu tập này và có phương pháp thực hành đúng đắn. Đây vừa là chìa khóa giúp mọi người đi đến tâm linh, vừa là cách đóng góp thiết thực cho sự hưng thịnh của Phật giáo tỉnh Vĩnh Long nói riêng và cả khu vực miền Tây nói chung.

Đây là khóa tu đầu tiên được tổ chức từ ngày 21 - 23/04/2017, do TT Thích Chân Quang hướng dẫn Thiền. Trên tinh thần anh em hợp tác, Người hi vọng sẽ tổ chức được khóa thiền ổn định, lâu dài.

Được biết, TT Thích Phước Hạnh mặc dù tu Tịnh độ, nhưng qua quá trình tu tập, Người hiểu rằng người tu phải có thiền định. Vậy nên, Người mới tâm huyết mở khóa tu Thiền, làm viền mối Thiền cho miền Tây. Đây cũng là cơ duyên Người được thuyên chuyển về đây quản lí, phát huy cơ sở chùa Phật Ngọc Xá Lợi này.

Theo Thượng tọa Giảng sư, với bao công sức của các phật tử, đàn na đóng góp xây dựng được một cơ sở như thế này, thì phải đem về đây cái sự tu tập để cho những người đã từng góp vào một viên gạch, một bao xi măng đều được nhiều công đức. Còn xây chùa to rồi mà không ai tới tu thì người cúng dường cũng không được phước nhiều.

Ngược lại, xây chùa rồi mà có nhiều người đến tu tập thì người cúng dường mới có phước. Tuy nhiên, đó là chuyện nhỏ. Còn chuyện lớn, cái quan trọng là làm sao phát huy được sự tu tập cho tứ chúng (cả Tăng Ni và phật tử), để ai cũng có được công phu tu hành đi đến kết quả tốt đẹp nhất.

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở, trong kinh Pháp Cú Đức Phật đã nhiều lần khẳng định: “Có Thiền trí tuệ sinh, không Thiền trí tuệ diệt”. Do đó, chúng ta tu gì thì tu nhưng nếu chưa tu Thiền thì chỉ đứng ngoài cổng, chưa vào được trong nhà Phật.

Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của thiền định, nên TT Thích Phước Hạnh đã tổ chức khóa tu Thiền hàng tháng cho các phật tử. Tấm lòng cũng như trí tuệ của Người thật đáng cho chúng ta kính ngưỡng.

Nói về Thiền, Thượng tọa Giảng sư khẳng định: ngồi thiền rất vất vả, cực khổ. Có vậy mới thấy giá trị của sự tu hành. Người nào đến chùa chỉ để nghe Pháp, không tham gia tọa thiền là tu ăn gian, không đem đến kết quả lớn lao, vĩ đại. Từ phàm phu để trở thành Thánh thì vất vả trên mọi phương diện chứ không phải dễ. Chỉ người nào đủ ý chí, đủ kiên nhẫn để tu tập mãi con đường thiền định thì mới đi đúng trên con đường hướng đến mục đích giác ngộ.

Để đi đúng trên con đường thiền, trước hết, cuộc đời ta phải rất đạo đức, tức biết phụng sự, hi sinh; hết sức tôn kính Tam Bảo; hết mực yêu thương chúng sinh. Thứ hai, trong công phu tu tập thì phải miệt mài, tinh tấn. Được như vậy, ta mới khả dĩ từ phàm thành Thánh. Nói đó để ta hiểu rằng công đức của các bậc Thánh là không thể bàn tính được. Nếu may mắn được gặp các Ngài, ta phải biết kính ngưỡng vô biên. Còn nếu ta chỉ chọn lối tu nhàn hạ, dễ dàng thì muôn kiếp không bao giờ chứng Thánh.

Đặc biệt, với Tăng Ni, những người từ bỏ thế gian, chọn con đường khó để đi thì càng phải tu tập cho nghiêm túc, tinh tấn, bởi thiền cực kì khó. Tại sao lại khó? Do khi thiền, chúng ta phải đối diện với kẻ thù lớn nhất là bản thân, là cái vọng tưởng của ta. Dù ngồi thiền, sám hối, lễ Phật thì vọng tưởng vẫn khởi lên. Ngay cả người tu thiền được mấy tháng hay cả năm mà tâm vẫn còn loạn động. Cái vọng tưởng của ta quá lớn nên phải cố gắng tu để diệt dần nó đi. Tức là ta có phương pháp tu đúng, kiên nhẫn tập trong một thời gian dài, rồi một ngày nào đó ta sẽ làm chủ được tâm của mình.

Mà ai tu được đến mức đó mới thấy mỗi giờ ngồi thiền là mỗi giờ hạnh phúc, vì ta làm chủ được tâm mình, bắt nó dừng suy nghĩ. Nhưng để tới được ngày đó rất là khó. Ngoài thiền định, ta còn phải kết hợp với sám hối, lễ Phật hàng ngày, làm công đức đầy đủ và phụng sự trên mọi phương diện. 
 Ngoài ra, ta còn phải thuần dưỡng đạo đức trong tâm mình cho tốt đẹp. Công phu tu tập thiền định cũng phải đúng đắn. Lâu dần, các phương diện đó thống nhất lại, giúp ta làm chủ được tâm mình. Lúc đó, ta hít vào hay thở ra, tâm đều vắng bặt, tức là tâm đi theo hơi thở của ta.

Hơn nữa, việc tập khí công cũng cần được quan tâm, bởi nó giúp ta điều hòa hơi thở để kiểm soát, điều khiển cái tâm. Khi tâm đi theo hơi thở thì việc ngồi thiền và tập khí công lại có liên quan chặt chẽ với nhau. Tập khí công rất vất vả, nhưng nó giúp ta ăn ngon, ngủ yên, sinh ra nội lực, đẩy lùi mọi bệnh tật; giúp tinh thần tỉnh sáng, hỗ trợ rất nhiều cho thiền. Vậy nên, ai ngồi thiền cũng phải siêng năng tập khí công.

Tóm lại, có 3 yếu tố hỗ trợ rất nhiều cho thiền định, đó là: đạo đức (tức tâm mình phải thuần thiện), công đức (làm vô số việc phước trong cuộc đời này), và khí công, Ta chấp nhận tu thiền rồi thì không còn sống cho mình nữa mà chỉ sống cho Phật, cho Tam Bảo và cho chúng sinh. Phải xác định người tu thiền thì không có tâm ích kỉ, vậy mới tu tiến được. Người tu thiền phải có tâm vị tha tột độ…tất cả mọi hành động của họ đều chỉ để cống hiến mà thôi. Họ không còn tự cao, không còn vị kỉ, lúc nào cũng chỉ nghĩ cách để phụng sự mọi người.

Ngày nay, những người trí thức trên thế giới rất mến đạo Phật. Họ nói đạo Phật hiền lành, không sát sinh, không bạo loạn, nhất là có thiền định. Chính thiền định làm họ thích đạo Phật. Nhiều nơi trên thế giới bắt đầu phát triển thiền trong đất nước họ như: Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản,v.v… Thậm chí, nhiều quốc gia còn đưa thiền vào chương trình giáo dục, bắt học sinh - sinh viên của họ phải thiền, bởi họ nhận thấy thiền đem lại lợi ích lớn lao cho thân và tâm.

Ngày nay, ngoài vô số lời Phật dạy thì thiền chính là yếu tố quan trọng làm cho thế giới yêu quý đạo Phật. Cho nên, khi đã là đệ tử Phật thì ta phải ngồi thiền. Đây là giá trị chính của đạo Phật. Còn ta chưa biết ngồi thiền thì là một điều rất uổng phí trong cuộc đời tu hành của mình, nhất là Tăng Ni.

Nói về phương pháp tu thiền thì hiện nay trên thế giới có rất nhiều trường phái, rất nhiều phương pháp tu thiền. Mỗi phái tu theo một cách. Nhưng phương pháp thiền Phật dạy từ thời nguyên thủy, được ghi lại trong Kinh tạng Nikaya vẫn là đúng nhất.

Dịp này, Thượng tọa đã phân tích, so sánh cho thấy sau hàng nghìn năm thiền có nhiều biến đổi, thêm thắt, phát triển ở nhiều tông phái, không còn nguyên bản như lời dạy của Đức Phật trong kinh Nikaya ở thưở ban đầu là thế nào.

Bản thân Thượng tọa cũng đã tham học thiền ở những bậc Thầy khả kính, thì cùng với lời dạy của các vị Thầy, cộng với việc tiếp cận kinh điển Nikaya, và với kinh nghiệm tu tập của mình, Người nhận thấy không ai dạy chuẩn bằng Phật. Chỉ có điều chúng ta không hiểu, cho nên chúng ta coi thường. Ví dụ Phật nói những câu rất đơn giản thế này:

Hơi thở vào, ta biết hơi thở vào
Hơi thở ra, ta biết hơi thở ra.

Hoặc Phật nói:
Hơi thở vào dài, ta biết hơi thở vào dài
Hơi thở ra dài, ta biết hơi thở ra dài
Hơi thở vào ngắn, ta biết hơi thở vào ngắn
Hơi thở ra ngắn, ta biết hơi thở ra ngắn…

Nghe vậy, ta thấy không có gì cao siêu nên coi thường. Trong khi những vị khác nói: một niệm trùm Pháp giới… câu này nghe khủng khiếp quá làm cho ta bị ngợp. Ta cứ tưởng ở chỗ này mới cao siêu, còn câu Phật nói mình thấy thường. Thế nên, ta quên những lời Phật dạy, suốt mấy nghìn năm ta cứ chạy theo những lời nói cao siêu, bóng bẩy, mà không biết rằng những câu nói bình dị kia mới là chìa khóa để đi vào tâm linh giác ngộ.

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở những bài về hơi thở của Đức Phật như: Kinh Quán niệm hơi thở, kinh Tứ niệm xứ hết sức đơn giản, bình dị lại là chìa khóa để đắc đạo. Trên nền tảng vô số đạo lý khác Phật đã dạy trước đó, từ Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, cho đến 37 phẩm trợ đạo, từ vô số những công đức khác, v.v… đặt trên nền tảng đó, bắt đầu Phật phát triển hơi thở. Mà nếu ta thực hành đúng rồi mới thấy rằng không một tông phái, không một tông sư nào hay bằng Phật. Đây là lí do mà Người chọn phương pháp Thiền của Phật để hướng dẫn các Tăng Ni, phật tử trong các khóa tu thiền.

Và các phật tử được học đúng tinh thần đó, chẳng hạn biết rõ hơi thở vào, biết rõ hơi thở ra mà không điều khiển.

Thiền coi vậy nhưng không phải thiền nào cũng là của Phật, bởi đã qua nhiều tông phái rồi. Chỉ có thiền theo kinh Nikaya “biết hơi thở vào, hơi thở ra mà không cố ý điều khiển” mới là của Phật mà thôi. Đây là ngôn ngữ ngày hôm nay, còn xưa Đức Phật nói: Hơi thở vào dài, tôi biết hơi thở vào dài; Hơi thở vào ngắn, tôi biết hơi thở vào ngắn.

Hoặc ngôn ngữ ngày nay, ta nói rằng “ngồi thiền ta biết rõ toàn thân”, còn ngôn ngữ ngày xưa Đức Phật nói: Cảm giác toàn thân, tôi thở vào; Cảm giác toàn thân tôi thở ra. Như vậy, khi nắm rõ cái gốc từ thời Đức Phật, về sau khi ta học thiền ở đây kĩ rồi thì ta mới quan sát được những nơi khác họ học thiền như thế nào.

Lại nữa, các hành giả tiếp tục được Thượng tọa sách tấn rằng: Một khi bước vào thiền, ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn như: tâm loạn, chân đau, người mỏi. Tuy nhiên, ai nhận diện được những khó khăn đó mà vẫn nhất quyết tu thiền thì người này là con cưng của Phật, gieo được thiện căn rất nhiều đời.

Nói vậy, chúng ta đã tu theo đạo Phật thì phải đối diện, chấp nhận và vượt qua những khó khăn, bởi thiền mới là chìa khóa đi vào tâm linh. Dù đau nhức, mệt mỏi, loạn tâm, ta vẫn phải tinh tấn, ngồi thiền đều đặn mỗi ngày. Hàng tháng nên đến chùa tham gia khóa tu, nghe tham vấn về thiền.

Nhiều người vì sợ khổ cực đã tìm mọi cách để né tránh. Đây là họ đang bỏ qua cơ hội rất tốt để rèn luyện ý chí của bản thân, rồi tự đánh mất chìa khóa đi vào tâm linh của mình. Còn những người có căn cơ đặc biệt từ kiếp xưa, đã có lời thề gì với Phật, với Chư Tổ thì phải tiếp tục cố gắng chịu cực, chịu khổ mà ngồi thiền.

Hơn nữa, chúng ta cứ trốn thiền, nhất là chư Tăng Ni, là ta đang làm đạo Phật suy tàn vì không có người trí tuệ như Phật nói: “Có thiền trí tuệ sinh, không thiền trí tuệ diệt”. Không có trí tuệ, đạo Phật không hưng thịnh nổi. Chỉ khi nào Tăng Ni, phật tử tinh tần tu tập, ngồi thiền, làm toàn bộ trí tuệ trong đạo Phật được tăng lên thì đạo Phật mới phát triển được.

Trong hàng vạn…vạn…con người theo đạo Phật, mỗi người hãy nhớ rằng: ta tinh tấn tu tập thiền là đang góp cho đạo Phật trí tuệ và sự hưng thịnh về sau. Tức là chưa cần làm gì, chỉ ngồi thiền thôi, ta đã có đóng góp cho đạo rồi. Việc này cũng mang lại cho ta công đức rất lớn.

Do đây là khóa tu thiền đầu tiên tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi nên Thượng tọa chỉ chia sẻ về phần lý thuyết cơ bản của pháp môn thiền, chưa giảng giải đi sâu vào phương pháp dụng công. Đến những khóa tu tiếp theo, dần dần Người sẽ hướng dẫn kỹ phần thực hành thiền thật đầy đủ căn bản, để mỗi người tự ứng dụng được dễ dàng hiệu quả.

Kế đến, Thượng tọa đã giải đáp cho chư Tăng Ni, phật tử rõ những thắc mắc liên quan thiền định và đời sống. Những câu hỏi đưa ra đều được Thượng tọa giải đáp một cách ngắn gọn, đơn giản, đúng trọng tâm, khiến mọi người rất hoan hỉ, tăng trưởng được niềm tin vững chắc khi quay về nương tựa Tam bảo và củng cố sự kiên trì dũng mãnh để tiến bộ trên con đường thiền.

Quả thực, thiền định có vai trò rất quan trọng đối với sự tu hành của mỗi người đệ tử Phật cũng như sự phát triển của đạo Phật. Đồng thời, đó cũng là yếu tố khiến cả thế giới biết đến và yên mến đạo Phật hơn. Chỉ bằng những câu nói ngắn gọn mà đạo lý thâm sâu, Thượng tọa đã giúp mọi người cảm nhận được một cách trực tiếp sâu sắc về con đường thiền đúng lại từ thời Đức Phật dạy. Từ đó, các hành giả biết dành nhiều thời gian, tâm sức hơn nữa cho pháp môn tu tập này.

Thêm nữa, bài Pháp thoại cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thiền trong các cơ quan, tổ chức trên thế giới. Lợi ích mà thiền định mang lại cũng được chứng minh qua thực tế tu hành của mỗi người, cũng như của khoa học hiện đại. Ai muốn tìm hiểu thêm về những lợi ích của thiền mang lại thì hãy cố gắng tập thiền để cuộc sống của chúng ta ngày một tốt hơn./.













































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập