Đại Lễ cầu Quốc Thái Dân An ở chùa Viên Quang

Đã đọc: 2236           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Được sự đồng thuận của các cấp Chính quyền, Ban Hộ Tự Chùa Viên Quang đã cung thỉnh TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN - Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT) chủ trì đại lễ cầu QUỐC THÁI DÂN AN đầu năm Đinh Dậu.

Sáng ngày 12/tháng giêng/năm Đinh Dậu (nhằm ngày 08/02/2017) tại chùa Viên Quang (xã Nam Thanh – huyện Nam Đàn – tỉnh Nghệ An) đã long trọng diễn ra Đại lễ cầu QUỐC THÁI DÂN AN mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự tham dự của hơn 10 nghìn tín đồ phật tử xa gần.

Đặc biệt, nhiều Cán bộ Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và xã Nam Thanh cũng đồng tham dự đại lễ này. Được biết, kể từ ngày UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định phục hồi chùa Viên Quang cho đến nay. Cứ vào dịp đầu xuân mới Chùa Viên Quang đều tổ chức Đại Lễ Cầu Quốc Thái Dân An trong không khí thật trang nghiêm, có nhiều hoạt động phong phú tràn đầy đạo lý, đậm nét văn hóa Lễ hội, hòa lẫn trong những bài hát, bài kinh tụng, bài văn khấn, bài thuyết Pháp, v.v… Tất cả đều hàm ý giáo dục cao. Và đây chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố “níu chân”, khiến các phật tử nhớ mãi về ngôi chùa cổ bình yên và thân thiện mới được phục dựng trên vùng đất xứ Nghệ này.

Quang lâm chứng minh và tham dự đại lễ có: HT Thích Viên Giac – UV Ban Hoằng Pháp T.Ư GHPGVN, Giảng viên Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM; TT.Thích Chân Quang – Phó trưởng Ban Kinh Tế Tài Chánh T.Ư GHPGVN; TT Thích Nhuận Trí - Phó Ban Trị Sự, kiêm Trưởng Ban Phật Giáo Quốc Tế GHPGVN tỉnh BRVT; ĐĐ Thích Châu Phong - Ủy viên thường trực Trưởng ban Pháp chế BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; ĐĐ Thích Nghiêm Giám - Ủy viên thường trực Trưởng ban Văn hóa PG huyện Tân Thành (tỉnh BR-VT); ĐĐ Thích Khải Bảo - Chúng phó chúng Tăng (Thiền Tôn PhậT Quang), Tổng Thủ Lĩnh của CTN Phật tử Phật Quang ba miền; sư cô TN Tường Phổ - Chúng trưởng chúng Ni (Thiền Tôn PhậT Quang), Trưởng tổng Đạo tràng Phật Quang, cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.

Ngoài ra, còn có cư sĩ Nghiêm Nhân - Chánh văn phòng Ban HDPT T.Ư GHPGVN khu vực phía Bắc, Phó Tổng Đạo Tràng Phật Quang; cư sĩ Nghiêm Châu – Phó tổng đạo tràng Phật Quang phía Nam, Chúng trưởng đạo tràng Phật Đồng; cư sĩ Nhật Thiện Tâm – Tổng thư ký Tổng đạo tràng Phật Quang, Chúng trưởng đạo tràng Phật Thịnh; cư sĩ Trí Thành – Trợ lý Phó tổng đạo tràng Phật Quang phía Nam - Chúng trưởng đạo tràng Phật Hiển; cư sĩ Thiện Đắc Sơn – Phó chánh văn phòng Ban Hướng Dẫn Phật tử GHPGVN, và các Chúng Trưởng/Phó của các Đạo tràng thuộc Bắc – Trung – Nam; Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đà Nẳng,…Đặc biệt, có hơn 10.000 tín đồ phật tử xa gần đồng tham dự.

Về phía Chính quyền cấp tỉnh và huyện có: ông Lưu Công Vinh - Phó Giám Đốc - Trưởng Ban Tôn Giáo Sở Nội Vụ, cùng các Ông, Bà Lãnh đạo - Chuyên viên Ban Tôn Giáo tỉnh Nghệ An; ông Bùi Long – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy huyện Nam Đàn; ông Đinh Xuân Quế - Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn; bà Trần Thị Hiên - UV Ban thường vụ, Phó chủ tịch thường trực HĐND huyện Nam Đàn; bà Lê Thị Hằng - UV Ban thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận huyện Nam Đàn… Cùng các Ông Bà trong Ban thường vụ huyện uỷ, Ban dân vận huyện uỷ Nam Đàn; các Ông, Bà đại diện các Ban ngành Đoàn thể, các tổ chức Chính trị - Xã hội - Nghề nghiệp huyện Nam Đàn; các Ông, Bà nguyên là Lãnh đạo cấp tỉnh đã nghỉ hưu và Cán bộ cao cấp LLVT đã nghỉ hưu.

Và toàn Ban thường vụ Đảng uỷ, thường trực HĐND, Chánh /Phó Chủ tịch UBND và các Ban nghành, Đoàn thể xã Nam Thanh; Đại diện UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Nam Đàn, Đại diện Ban hộ trì Phật Pháp tỉnh Nghệ An, Ban hộ từ các Chùa, Ban quản lý các Đền. Lãnh đạo các trường học, các Cơ quan đơn vị trên địa bàn, các Cơ quan báo chí, truyền hình.

Đúng 9h00”: Buổi Lễ chính thức bắt đầu, khi hồi trống Bát nhã vừa dứt, trong không khí tôn nghiêm và thành kính, tất cả Hội chúng đồng niệm Phật cầu gia bị. Kế đến, tiếng nhạc của bài Quốc ca, Đạo ca vang lên trầm hùng trong niềm xúc động của người con Phật. Tiếp theo, Chư tôn đức, cùng các vị Lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An, các vị Cán bộ huyện Nam Đàn, xã Nam Thanh và toàn thể đồng bào phật tử dành một phút mặc niệm để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cũng như các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là dịp để chúng ta đã và đang thực hiện việc đền ơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập tự do, đáp nghĩa với những gia đình có công với đất nước, đồng thời Phật giáo cũng góp phần thực hiện truyền thống tri ân và báo ân đó. Dịp này, TT Thích Chân Quang đã khai Pháp đầu năm bằng bài Pháp thoại nói về “Ý nghĩa của Đại lễ cầu Quốc thái Dân an đầu năm”.

Mở đầu, Thượng tọa đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta có lễ cầu an này? Rất nhiều câu trả lời được đưa ra cùng hàng trăm lí do khác nhau. Tuy nhiên, Người khẳng định chỉ có 2 lí do chính. Đầu tiên, là chúng ta yêu nước, yêu dân nên muốn làm một cái gì đó cho dân, cho nước. Và có rất nhiều cách để chúng ta thực hiện tâm nguyện này. Mỗi người ở một vị trí khác nhau, một nghề nghiệp khác nhau, nhưng chỉ cần làm tốt công việc của mình, chính là đang lo cho dân, cho nước.

Ngoài vấn đề kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, ý tế,… thì tâm linh cũng là một vấn đề rất quan trọng, cần phải chăm lo một cách chu đáo, tử tế. Vì không nhìn thấy tâm linh nên ta không hiểu lắm về lĩnh vực này. Chỉ có những người trong đạo Phật mới xác định rõ được. Lễ cầu Quốc thái Dân an có từ đời Vua chúa. Chúng ta thực hiện nghi lễ này chính là đang nối tiếp truyền thống từ xa xưa. Các vị Vua chúa tin rằng đại lễ này sẽ kết nối được con người với các vị Thần thánh trên cao. Niềm tin này không phải là một sự ngẫu nhiên, mà nó được hình thành từ chính sự trải nghiệm thực tế của các vị ấy.

Đối với đạo Phật, Đức Phật dạy 3 cõi 6 đường là điều hết sức hiển nhiên. Điều này để thấy vũ trụ không chỉ đơn giản là vật chất, nó còn ẩn chứa nhiều cõi giới sâu xa, vô hình. Những bậc Thánh, bậc trí tuệ thấy điều này rất rõ nên ngoài đời sống bình thường, chúng ta còn lo cho dân, cho nước bằng cách tạo ra sự kết nối giữa con người và Thần Thánh, giữa cõi vật chất và cõi vô hình.

Qua đây, chúng ta dâng lên lời ước nguyện, mượn sức mạnh của Thần thánh để cầu mong cho đất nước ta vượt qua tất cả mọi khó khăn, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần tất cả mọi người thành tâm thì sẽ cảm ứng đươc Thần thánh và đất trời bao la. Ngoài ra, đại lễ này còn là lời nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm với đất nước mình. Như vậy, ngoài ý nghĩa tâm linh, nó còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Thông qua đây, mỗi phật tử lại là một tuyên truyền viên, một người hướng dẫn cho con cháu và những người xung quanh mình, để ai ai cũng biết yêu thương, biết có trách nhiệm với đất nước mình.

Trong phạm vi bài Pháp thoại này, Thượng tọa nhấn mạnh nhiều hơn về ý nghĩa giáo dục, bởi mọi người đến đây đều mang khát vọng cháy bỏng là đưa đất nước lên sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Là một đất nước nông nghiệp, chịu nhiều tổn thất do chiến tranh nên chúng ta có một khởi đầu thấp hơn các quốc gia khác. Vì vậy, tốc độ hội nhập toàn cầu của ta chậm hơn, dẫn đến việc ta bị lệ thuộc vào các nước không bị chiến tranh về nhiều thứ. Hiểu được điều này, chúng ta mới khởi lên được khát vọng xây dựng đất nước một cách mạnh mẽ.

Thật vậy. Đất nước có giàu mạnh thì mới tự bảo vệ mình trước sự nhòm ngó, chống phá của các quốc gia khác. Đất nước có giàu mạnh thì mới đóng góp được vào nền hòa bình của thế giới. Lại thêm, đất nước có giàu mạnh thì chúng ta mới tự chủ được mọi mặt, không phải lệ thuộc hay đi xin viện trợ từ các nước khác. Thượng tọa tin tưởng rằng với sự thông minh, cần cù, sáng tạo của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo khéo léo, sáng suốt của Đảng, chúng ta nhất định sẽ làm nên nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, sớm sánh vai được với các cường quốc năm châu.

Người cho rằng mỗi cá nhân tham dự đại lễ có thể đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng đã về quây quần, đoàn tụ dưới một mái chùa, trong không gian ấm cúng, thiêng liêng, đầy tình yêu thương này thì phải biết mở lòng mình ra để tôn kính Phật, để yêu quê hương đất nước, để nuôi dưỡng những khát vọng lớn cho dân tộc, cho thế giới. Tuy nhiên, để làm được cái suy nghĩ lớn ấy, phải bắt đầu bằng những hành động rất nhỏ, rất tinh tế, bởi không có những điều tinh tế thì sẽ không có những điều vĩ đại.

Ngoài ra, để yêu thương đất nước, đóng góp cho nền hòa bình thế giới, chúng ta phải biết diệt trừ bản ngã của mình; biết đoàn kết, hỗ trợ những người xung quanh. Thêm nữa, việc giáo dục cho trẻ em cũng cần được trú trọng, để các em phải tinh tế, sâu sắc và đạo đức. Việc các phật tử tham dự đại lễ là một hành động hết sức đúng đắn, cần thiết. Bởi thông qua đại lễ, các phật tử được học đạo, thấy được sự oai nghi, chuẩn mực, phép tắc, giới hạnh của các Chư tôn đức. Sau đó, mang những điều mắt thấy, tai nghe về truyền dạy lại cho con cháu mình. Thực tế chứng minh, trường học tốt nhất cho trẻ em chính là gia đình và cha mẹ chính là những người thầy trong ngôi trường đó.

Nói về Nghệ An, Thượng tọa tỏ ra niềm hoan hỷ và tự hào. Đây là mảnh đất miền trung nghèo khó nhưng sau bao nhiêu thăng trầm, giờ nó đã khởi sắc. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống tâm linh của người dân được cải thiện và phát triển rất nhanh, biểu hiện là nhiều ngôi chùa mới được xây dựng, nhiều ngôi chùa cổ được trùng tu, phục hồi.

Cuối cùng, Người khẳng định để đạt được khát vọng, hoài bão của mình, con người cần bắt đầu từ việc xây dựng đạo đức thông qua những hành vi rất nhỏ. Khi nào ta đạt được sự sâu sắc, tinh tế trong từng hành động nhỏ đó thì đất nước sẽ đi lên.

Trước những lời đạo từ chân thành, dung dị của TT Thích Chân Quang, HT Thích Viên Giác rất xúc động. Người cảm thấy rất hạnh phúc trước những thành tựu mà Nghệ An đạt được. Đây không phải là cảm nhận của riêng cá nhân Người mà còn là của tất cả các phật tử.

Sau hơn 2000 năm tồn tại, phương châm của Phật giáo là hộ quốc dân an. Bên cạnh đó, Phật giáo còn gắn bó chặt chẽ với dân tộc, trở thành động lực, thành sự sống cho sự phát triển tư tưởng văn hóa của dân tộc. Trải qua hàng thế kỉ, hôm nay chúng ta được hưởng những thành tựu cũng như những tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại.

Hòa thượng khẳng định đại lễ cầu Quốc thái Dân an chính là tâm nguyện của Chư tôn đức, Tăng Ni và phật tử nhằm hướng nguyện cho Phật pháp được tăng trưởng trường tồn, Chánh pháp được rạng rỡ và Quốc thái Dân an. Lại thêm, đại lễ chính là một khởi đầu tốt đẹp, đầy năng lượng, tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội cũng như các vấn đề nhân sinh. Hòa thượng tin rằng với tấm lòng đoàn kết yêu thương, một lòng hướng về Tổ quốc của các Chư tôn đức, Tăng Ni, phật tử cùng lãnh đạo các cấp, chắc chắn Nghệ An sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Trước khi kết thúc, Người đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến tất cả mọi người tham dự đại lễ.Hòa thượng hi vọng các vị Lãnh đạo sẽ hài hòa được các mối quan hệ trong gia đình và xã hội để chăm lo cho các công việc phật sự, giúp Phật giáo ở Nghệ An tiếp tục đạt được những bước tiến mới.

Tiếp theo, trong không khí ấm áp của buổi Lễ, toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni, cùng đông đảo phật tử, các vị đại diện Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về Lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện Quốc thái Dân an thật ý nghĩa do TT Thích Chân Quang biên soạn.

Trước tiên, tại Lễ đàn, HT Thích Viên Giác (làm Chủ lễ) thành tâm niệm hương với lời khấn to:

- Kính lạy thần uy của Quốc tổ Hùng Vương 18 đời dựng nước. - Kính lạy thần uy của các vị Vua thánh triết anh minh suốt các triều đại Đinh Lê, Lý, Trần, Lê Nguyễn và Hồ Chí Minh.

- Kính lạy thần uy của các vị quan tướng hiền tài trung nghĩa suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay. - Kính lạy thần uy của các anh hùng tài giỏi cang cường xã thân vì Nước suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.

- Chúng con gồm những Tăng Ni Tu sĩ, các Lãnh đạo chính quyền tận tụy, các Phật tử thuần thành, quần chúng nhân dân nhiệt tâm khắp nơi câu hội về đây dâng chút phẩm vật và hương hoa lễ tế lên Mười phương Tam bảo, Chư Phật – Chư Bồ tát – Hiền Thánh Tăng, dâng lên thần uy của Quốc tổ và các hiền tài Thánh quân đã làm nên hồn thiêng của Tổ quốc Việt Nam.

Chúng con dâng trọn lòng thành cung kính, ngưỡng nguyện trên Tam Bảo và thần uy của Quốc tổ gia hộ cho đất nước này, cho tất cả chúng con trong năm mới có được nhiều thuận duyên, tránh được nhiều tai kiếp, vượt khỏi những chướng ngại, đạt đến những thành công. Xin cho những Nông dân bám đất được mùa thu hoạch, Ngư dân bám giữ biển trời Tổ quốc được bình an đi về, những Chiến sĩ ngày đêm canh giữ quê hương lập nên chiến công, những Doanh nhân gặp nhiều thuận lợi để phát triển, ai ai cũng có công ăn việc làm, cũng được học hành tử tế.

Xin cho người Việt Nam chúng con biết yêu quý nhau, giúp đỡ đoàn kết nhau, tất cả chung tay xây dựng một Việt Nam đàng hoàng giàu đẹp để còn góp sức cho hòa bình của thế giới.

Xin cho tất cả chúng sinh đều được giác ngộ cao siêu, thoát được trầm luân sinh tử.

Kế đến, trong bài Sám cầu Quốc thái Dân an với những ngôn từ thật cảm xúc, bao hàm ý nghĩa trưởng dưỡng đạo đức tâm linh cho người phật tử khi đến với Lễ đàn cầu nguyện đầu năm và đây còn là cơ hội để mọi người vun đắp, xây dựng, giữ gìn tình yêu nước.

Dưới đây là toàn văn bài Sám:

Cúi lạy Phật từ bi tế độ/ Đem đạo mầu giác ngộ chúng sinh Cùng chư Bồ Tát quang minh/ Độ trì cõi nước thanh bình yên vui.

Cúi lạy những Vua Hùng dựng nước/ Mười Tám đời uy đức muôn trùng Ngày nay con cháu một long/ Mở mang xây dựng non sông phú cường.

Cúi lạy những quốc vương thánh triết/ Trải bao triều đại rất oai hung Núi sông vang dội chiến công/ Đắp nền văn học, lập dòng văn minh.

Cúi lạy những anh linh hào kiệt/ Những hiền tài siêu việt phi thường Thanh gươm vung giữa sa trường/ Hay ngòi bút nhẹ mở đường bay xa.

Như thế đó nước nhà rạng rỡ/ Bởi thần uy từ thuở xa xưa Khí thiêng sông núi bây giờ/ Nghìn năm sau nữa tôn thờ ngưỡng trông Thềm năm mới nỗi lòng khắc khoải/ Đường tương lai lo ngại lắm điều Những mong đất nước thân yêu/ Bình yên hưng thịnh sớm chiều hoan ca.

Xin gia hộ chốn xa mưa gió/ Người chiến binh mắt tỏ tài cao Đầu non hay giữa sóng đào/ Giữ gìn trời biển chiến bào tung bay.

Xin gia hộ đất cày ruộng xới/ Người nông dân vui với cỏ cây Trĩu cành hạt trái đong đầy/ Mùa thu hoạch lớn tháng ngày hân hoan.

Xin gia hộ những đoàn thợ giỏi/ Giữa công trường bước vội tay nhanh Công trình nào cũng hoàn thành/ Quê hương giàu đẹp văn minh nghĩa tình.

Xin gia hộ ngư dân bám biển/ Như đoàn quân thẳng tiến khơi xa Gió mùa êm ả thái hòa/ Bình yên câu hát quê nhà đợi mong.

Xin gia hộ hanh thông may mắn/ Những doanh nhân cố gắng không ngơi Đầu tư thuận lợi khắp nơi/ Tạo nhiều công việc cho đời ấm no.

Xin gia hộ người lo việc nước/ Trách nhiệm làm công chức thanh liêm Vì dân chẳng quản nhọc phiền/ Công thành danh toại một niềm an vui.

Xin gia hộ phấn rơi trắng xóa/ Thầy trò cùng vất vả siêng năng Tương lai đất nước vinh quang/ Vì ngày nay có cháu chăm học hành.

Chúng con một lòng thành khấn nguyện/ Tổ quốc này vĩnh viễn huy hoàng Bởi người tài đức vẹn toàn/ Đêm ngày lãnh đạo lo toan mọi bề.

Trước lịch sử lời thề son sắt/ Tình quê hương xin đặt lên trên Điều riêng xin gác lại bên/ Để đưa dân tộc vượt lên hùng cường.

Trước Phật đài đầu xuân cúi lạy/ Xin nguyện cầu quốc thái dân an Nhà nhà gieo được thiện căn/ Nhân lành quả tốt để dành mai sau.

Tình sông núi đồng bào cao đẹp/ Người Việt Nam đoàn kết yêu thương Phúc lành thêm lớn càng nhiều/ Non sông gấm vóc mọi điều thăng hoa.

Rồi sau nữa nhìn ra thế giới/ Sẽ nói lời từ ái đại đồng Mối tình nhân loại mênh mông/ Hòa bình hạnh phúc chung lòng đắp xây.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Kế đến, trong nghi thức cúng Quốc Tổ, trước bàn thờ Quốc Tổ, các vị Lãnh đạo cấp cao đã tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của vị Chủ lễ. Hình ảnh các vị Cán bộ biết lễ lạy Tổ tiên để xin anh linh của các vị Quốc Tổ phù hộ cho Tổ Quốc Việt Nam, khiến cho hàng nghìn người nhìn thấy thật sự cảm động. Hy vọng, với cái lòng thành ấy, với sức mạnh tâm linh này, hòa vào công lao của bao nhiêu người trong đất nước, mong rằng đất nước ta sẽ vững bước tiến lên, vượt qua những khăn khó mà được thới thịnh, được bình an.

Sau đó, nhà chùa không quên thực hiện tục lì xì ngày tết. Tất cả mọi người đều hân hoan đón nhận một phong bao lì xì từ tay quý thầy, trong đó gửi gắm biết bao lời chúc tốt lành, tràn đầy đạo lý trong năm mới.

Kết thúc buổi lễ, nhà chùa đã tổ chức Quy y Tam bảo cho hơn 500 thiện nam tín nữ phát tâm chính thức trở thành đệ tử Phật.

Tóm lại, buổi Lễ thành công ngoài sức mong đợi của Ban Tổ Chức. Đây không chỉ là buổi cầu Quốc thái Dân an mà còn là dấu mốc ghi nhận sự hồi phục, phát triển của Phật giáo Nghệ An; là lời tri ân sâu sắc đến các cấp Lãnh đạo, các phật tử, các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ, cúng dường để nhà chùa có thể hoàn thành tốt công tác phật sự, tổ chức thành công buổi Lễ cầu an.

Nhân đây, Ban Tổ Chức cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người nhân dịp đầu xuân năm mới và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ quý báu hơn nữa từ Giáo hội, và chính quyền địa phương để nhà chùa có thể hoàn thiện nốt những cơ sở vật chất còn lại, hầu phục vụ cho việc tu tập, sinh hoạt của chư Tăng và các phật tử được tốt hơn, để xứng đáng là nơi nuôi dưỡng đạo đức tâm linh tín ngưỡng của người con Việt, đồng thời trở thành một ngôi chùa đúng tinh thần “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.


























































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập