Truyền hình trực tuyến: Hiến tạng - Cho đi là còn mãi

Đã đọc: 2293           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức buổi giao lưu truyền hình trực tuyến với chủ đề: Hiến tạng - Cho đi là còn mãi vào 19h00, thứ Bảy, ngày 17/12/2016. Chương trình được phát trực tiếp trên báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trên kênh youtube và fanpage của Báo Sức khỏe&Đời sống.

Mỗi con người đều sẽ phải chết, song trước khi chết sinh mạng của mình có thể giúp hồi sinh cuộc sống cho những người khác là điều mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Đạo Phật có câu: “Cứu 1 mạng người hơn xây bảy tòa tháp” vì vậy mỗi người hiến tạng khi sắp qua đời sẽ không chỉ cứu được 1 mạng người mà có thể nhiều mạng người. Đã có cô gái trẻ bị chết não sau tai nạn giao thông, cha mẹ cô đã đồng ý hiến tạng của con gái. Thật bất ngờ, đã có 20 người bệnh được cứu sống nhờ tạng của cô gái ấy.

Ai cũng biết hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người là hành động cứu người song không dễ dàng thực hiện bởi có rất nhiều rào cản từ gia đình, từ quan niệm “chết toàn thây”, từ suy diễn tâm linh… Chính bởi những trở ngại đó mà 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng do chết não.  Một con số quá ít ỏi đã khiến  nhiều người bệnh khao khát sống nhưng phải ra đi bởi không có nguồn tạng để ghép. Sẽ thật lãng phí khi mà 1 người không may chết não nếu không hiến tạng thì nguồn tạng quý đó sẽ hòa vào lòng đất hay thiêu đốt thành tro bụi. Trong khi một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh.

Với mong muốn phá bỏ những rào cản tâm lý, đánh thức lòng từ tâm của bạn đọc cùng hưởng ứng tham gia vào công việc nhân đạo hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người, Báo Sức khỏe&Đời sống Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức buổi giao lưu Truyền hình trực tiếp với chủ đề: Hiến tạng - Cho đi là còn mãi.

 Điều đặc biệt của chương trình là có sự tham gia của Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ. Thượng tọa Thích Nhật Từ sẽ có những lời giải đáp sâu sắc về câu chuyện cho và nhận trong đạo Phật, về quan niệm "chết toàn thây"; TTƯT.Bs. Trần Sĩ Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tham gia chương trình để nói về vai trò của truyền thông trong cuộc vận động hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người; Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ nhiệm Bộ môn Điều dưỡng Học viện quân y, Bác sĩ khoa Tiết niệu, Trưởng kíp ghép thận Bệnh viện Quân y 103 sẽ chia sẻ về những thành tựu và cập nhật những kiến thức về ghép tạng và bộ phận cơ thể người ....

Tổng biên tập báo SK&ĐS TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn đăng ký hiến tạng ngay tại chương trình.

 Khách mời tham dự chương trình gồm:

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam

 TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống

 Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ nhiệm Bộ môn Điều dưỡng Học viện quân y, Bác sĩ khoa Tiết niệu, Trưởng kíp ghép thận Bệnh viện Quân y 103

 Buổi tư vấn được truyền hình trực tiếp trên Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (Suckhoedoisong.vn), trên kênh Youtube, fanpage của Báo Sức khỏe&Đời sống bắt đầu từ: 19h00, thứ Bảy, ngày 17/12/2016.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ email: bandientuskds@gmail.com;

hoặc gọi theo số 0961092959 trong thời gian diễn ra chương trình;

hoặc trên trang fanpage: Y tế Việt Nam

hoặc fanpage của báo: Sức khỏe & Đời sống

hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) trân trọng cảm ơn Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống; Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ nhiệm Bộ môn Điều dưỡng Học viện quân y, Bác sĩ khoa Tiết niệu, Trưởng kíp ghép thận Bệnh viện Quân y 103 đã nhận lời tham dự chương trình.

Trân trọng cảm ơn Bệnh viện Quốc tế City đã đồng hành cùng chương trình!

 BỆNH VIỆN QUỐC TẾ CITY - CIH

Bệnh viện Quốc tế City (CIH) là bệnh viện đa khoa đầu tiên của Khu Y tế quốc tế Hoa Lâm – Shangri-La tại Quận Bình Tân- TP.HCM, được khánh thành vào ngày 04/01/2014 cung cấp dịch vụ y tế theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Với đội ngũ Giáo sư, Bác sĩ giỏi và tận tâm trong và ngoài nước đảm bảo chất lượng khám và điều trị hơn 20 chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng.

NỘI DUNG CÂU HỎI GIAO LƯU :

MC
Có ý kiến cho rằng, việc hiến tạng chưa được thông tin, tuyên truyền đầy đủ đến cộng đồng, nên mặc dù Luật Hiến, lấy ghép mô và bộ phận cơ thể người ra đời đã 10 năm nhưng số tạng lấy và được ghép còn rất hạn chế. Trong khi đó, việc hiến máu nhân đạo lại thu hút rất nhiều người tham gia. Với tư cách là Tổng Biên Tập Báo SK&ĐS, theo ông, tại sao người dân vẫn xa lạ với câu chuyện hiến tạng? Liệu đây có phải là thiếu sót của các cơ quan truyền thông không?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Trước hết tôi xin khẳng định rằng kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam và thế giới đã tiến rất xa và phát triển rất nhanh trong những năm đầu của thập kỷ 21. Chúng ta đã thay quyền của Thượng đế, thay tim, phổi, gan, thận, thậm chí là ghép cả mặt nữa.

Trong quá trình phát triển kỹ thuật ghép tạng, đã xuất hiện những bất cập, điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đó là lượng cung không đủ cầu. Hiện Việt Nam đang có 6000 ca đang chờ được ghép thận, hàng nghìn ca đang chờ ghép gan và hàng trăm nghìn người đang chờ đợi để được ghép giác mạc.

Vậy tại sao chương trình hiến máu nhân đạo thì phát triển rất mạnh, còn việc hiến tạng lại còn hạn chế như vậy? Như vừa nãy tôi có trao đổi với Thầy Thích Nhật Từ, đó là do quan niệm “chết phải toàn thây” đè nặng trong tiềm thức của người dân, nhất là người Á Đông; thứ 2 là vấn đề truyền thông.  

Bộ Y tế đã phát động cuộc vận động hiến ghép mô tạng, và có hẳn một ban vận động hiến ghép mô tạng. Nhưng theo tôi, sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe là sự nghiệp của toàn dân, phải có sự tham gia của toàn dân, bên cạnh đó cần có các đoàn thể, các tôn giáo. Như Thầy Thích Nhật Từ, tôi rất mừng vì thầy là một trong những người rất tích cực vận động các phật tử của mình hiến ghép mô tạng. Chúng ta có Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...  Trong Ban vận động hiến mô tạng ngành y tế nên là cơ quan thường trực, còn các đoàn thể xã hội tham gia vào, trong đó kể cả Bộ Truyền thông.  Theo tôi nghĩ, nếu vấn đề này có một Phó Thủ tướng đứng đầu chỉ đạo sẽ rất thuận lợi cho ngành y tế.

Chúng ta đang truyền thông hiến mô tạng qua báo viết, báo nói, báo hình hay mạng xã hội, nhưng cần phải truyền thông trực tiếp để người dân hiểu rõ ý nghĩa của vấn đền ghép mô tạng, xóa bỏ quan niệm “chết phải toàn thây”. Các cơ quan thông tấn báo chí cũng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc vận động này. Vừa rồi báo chí cũng rất quan tâm đến vấn đề hiến ghép mô tạng, nhưng chỉ mới đưa tin về những thành tựu của y học, những ca mổ xuyên Việt, nhưng thiếu đi tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc vận động hiến ghép mô tạng, xóa đi quan niệm bao đời về “chết phải toàn thây”. Khi đưa tin chúng ta thường quên đi việc tôn vinh thân nhân của những người đã ủng hộ người thân của mình hiến mô tạng.

Tuyên truyền về hiến máu nhân đạo có Lễ hội xuân Hồng, hiến xác đã có Lễ hội Macchabée và nên chăng có ngày tôn vinh những người hiến bộ phận cơ thể mình cho những người khác, hơn nữa tôn vinh thân nhân của những người hiến tạng.

 Báo Sức khỏe và Đời sống của chúng tôi luôn tôn vinh những người hiến tạng và thân nhân của những người hiến tạng. Trong cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng mà báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, cũng sắp được trao giải tới đây, chúng tôi cũng sẽ tôn vinh người mẹ đã sẵn sàng cho đi các bộ phận của đứa con 20 tuổi qua đời vì bị tai nạn giao thông để cứu nhiều người khác. Người mẹ vượt qua được nỗi đau mất con để hiến nội tạng của con mình để cứu 10 người bệnh. Nội tạng được chuyển bằng đường hàng không từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra đến tận Bệnh viện Việt Đức để ghép.  Đây là sự thành công, là tổng hòa của rất nhiều bộ phận từ những phẫu thuật viên lấy tạng, người bảo quản, vận chuyển nội tạng, và đến những người đã ghép tạng thành công, đây đúng là kỳ tích y khoa. 

MC
Thưa Thượng tọa, trong đạo Phật có điều răn nào là người theo đạo Phật không được hiến tạng, hiến xác khi chết hay không?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Triết lý Phật giáo không những không ngăn cấm những hành động từ bi và nhân văn cao cả như hiến mô, hiến xác, hiến tạng cho y học. Trong Phật giáo có khái niệm rất mới lạ là bố thí nội tài bên cạnh bố thí các tài sản vật chất, bố thí tri thức và bố thí niềm vui, không sợ hãi. Khái niệm nội tài trong triết học Phật giáo bao gồm toàn bộ sự sống trên cơ thể con người và ở mức độ mà y học ngày nay quan tâm là những tri phần trực thuộc trong sự sống này bao gồm hiến mô, hiến tạng và hiến bộ phận cơ thể cho y học. Vào thời điểm khi Đức Phật đề cập đến sự khích lệ, bố thí nội tài thì nhiều người không hiểu là Ngài nói đến điều gì, khi đó y học chưa tiến bộ như ngày nay. Khi y học phát triển thì tầm nhìn của Đức Phật về khích lệ lòng nhân ái mang lại sự sống là rất sâu sắc. Do đó những người tu học Phật có được thuận lợi ở chỗ là đã được Đức Phật khích lệ hãy hiến tặng bằng lòng từ bi lớn, bằng thái độ vô ngã lớn, bằng sự quan hoài lớn đối với những ai có nhu cầu lắp ghép để sự sống của họ có thể tái sinh thêm một lần nữa ngay trong kiếp sống này. Do đó, chương trình vận động hiến mô, tạng và cơ thể cho y học tôi cho rằng rất phù hợp với triết lý Phật giáo và tăng ni, Phật tử trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài trong nhiều năm qua kể từ khi chương trình này được thực hiện đã có những dấn thân rất tích cực.

MC
Nhiều người quan niệm chết phải toàn thây, nếu hiến tạng thì sang thế giới bên kia sẽ bị thiếu bộ phận cơ thể đã hiến, có đúng không ạ?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thứ nhất, chúng ta phải thấy rõ là không có cách chết nào với các hình thức tống táng nào mà dẫn đến sự toàn thây được. Nếu có chăng thì cũng chỉ là tạm thời thôi. Hình thức tống táng chúng ta thấy trong mấy nghìn năm lịch sử đã sử dụng phổ thông nhất là thổ táng và những loại gỗ quý có thể giữ thi thể người chết trong vòng vài chục năm thì các loại gỗ làm linh cữu thông thường chỉ có thể giữ thi thể trong vòng vài năm là tan rã, trở thành tro bụi. Ngày nay thì có phương pháp hỏa táng thì trong vòng 4-6 tiếng thi thể con người cũng trở thành tro bụi nhanh hơn. Xa xưa tại Tây Tạng mà ngày nay một số bộ tộc tại khu vực này vẫn còn sử dụng là điểu táng, tức là biến thi thể người chết trở thành phương tiện trong ngày hôm đó cho các loài động vật ăn thi thể này để chúng không có cơ hội và không cần giết các con vật nhỏ hơn. Như vậy là người Tây Tạng xa xưa đã nhìn thấy được rằng thi thể tưởng chừng như vô dụng, vốn có thể tạo ra sự đau buồn về sinh ly tử biệt lại có thể trở thành hữu dụng để cứu lấy các con vật khác. Cách đó người ta còn gọi là lâm táng, tức là treo thi thể ở trong rừng, những trường hợp để ngoài trởi thì gọi là thiên táng. 3 phương pháp tống táng này đều làm cho cơ thể không còn nguyên vẹn. Do đó việc cho rằng hiến mô tạng và thi thể cho y học sẽ dẫn đến kết quả không toàn vẹn trong kiếp sau là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đi theo Phật giáo thì cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng trong cuộc đời. Chỉ trong vòng vài tích tắc sau khi chết là sự sống được tái sinh trong hình thái một phôi thai của một người mẹ mới. Lúc đó thì tâm thức của người chết đã hiến mô, tạng và thi thể sẽ được tái tạo trong bào thai của một người mẹ mới và phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ đó, di truyền của người mẹ và người cha mới nên khi sinh ra vẫn toàn vẹn, ngoại trừ những trường hợp bị dị tật bẩm sinh do chế độ ăn uống không thích hợp trong thời kỳ mang thai.

Tóm lại quan niệm của Phật giáo cho rằng hiến mô, tạng và thi thể hoàn toàn không có một trở ngại gì cho tiến trình tái sinh của người chết sau đó mà ngược lại nó còn có những quả phúc rất đáng kể. Do vậy những người quan tâm đến hạnh phúc của cuộc sống nên tình nguyện hiến tạng mà Đức Phật gọi là bố thí nội tài.

 MC

Một thực tế cho thấy đã có rất nhiều nhà tu hành, nhà sư đã đến các bệnh viện để đăng ký tình nguyện hiến tạng sau khi chết não, thậm chí ngay cả khi còn sống. Các nhà tu hành đều nhận thức rất rõ ý nghĩa cao cả của việc hiến tạng để cứu người. Như vậy, tiếng nói cũng như hành động của các nhà tu hành là lời thuyết phục tốt nhất đối với người dân. Xin Thượng tọa hãy nhắn nhủ đôi lời đến bạn đọc, người dân để công cuộc hiến tạng được khai thông để ngành y tế có thêm nhiều nguồn tạng hiến phục vụ cho sự nghiệp cứu chữa người bệnh?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Việc hiến mô tạng như tôi đã nói là tạo cơ hội cho một người khác đang đấu tranh với sự sống có điều kiện để tái sinh một lần nữa ngay trong kiếp sống hiện tại này, cho nên đừng do dự khi làm việc đó, nếu lỡ do dự rồi thì hãy bỏ cái do dự đó đi, mà nói theo Phật giáo là hãy an nhiên, thư thái, thoải mái, thảnh thơi, rũ bỏ hết tất cả mọi nỗi lo để làm một nghĩa cử cao thượng cho cuộc đời. Tôi xin lấy ví dụ bản thân tôi, năm 2014 tôi đã vận động hiến mô, tạng và hiến xác, bản thân tôi cũng đã làm 2 việc đó là đăng ký hiến mô tạng và hiến xác. Các phật tử có kết nối trên mạng facebook với tôi năm 2014 đã có 215 người hưởng ứng, ngày 26/11/2016 vừa qua phối hợp với Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến, ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người, chúng tôi đã vận động thành công 449 người. Trên facebook của tôi có 80 nghìn người theo dõi nhưng buổi truyền hình trực tiếp hôm đó có 250 nghìn người tiếp cận. Như vậy là số lượng like thực tế có thể ít nhưng khi biết có hiện tượng cao cả này qua truyền thông trong Phật giáo có lẽ lần đầu tiên thì lượng truy cập nhiều hơn. Từ đó tôi có suy luận rằng tấm lòng cao thượng như một tiềm năng ở mỗi con người ai cũng có, hạn chế lớn nhất có thể là vì chúng ta chỉ có 2 trung tâm hợp pháp hiện nay là Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, có nhiều người muốn đi nhưng vì đường xa, tốn tiền và thời gian nên họ chưa thể thực hiện việc đó được.

Qua đây tôi tha thiết kêu gọi mọi người dù có bận rộn, dù có xa mình đi chăng nữa, làm trực tiếp không được thì chúng ta có thể thông qua đường bưu điện, làm việc đó để giúp ích cho cuộc đời. Nhân tiện đây tôi cũng tha thiết kêu gọi các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên các mạng truyền thông, đặc biệt là facebook là mạng lớn nhất hiện nay, những người có lượt like từ 10.000 trở lên nên hưởng ứng trực tiếp lời kêu gọi của Bộ Y tế để làm công việc này một cách tình nguyện. Đối với các nhân vật có 500-700 nghìn hay vài triệu lượt like thì việc truyền thông như thế sẽ tạo ra một tác hưởng cộng đồng rất lớn. Khi đó chúng ta sẽ không còn lo trong tương lai là nguồn cung cấp tạng bị khan hiếm như bây giờ. Vấn đề còn lại là tất cả mọi công dân đều phải nhập cuộc.

Về phía truyền thông, tôi tha thiết kêu gọi các cơ quan truyền thông tăng tần suất truyền thông về vấn đề này và đặc biệt là các giờ vàng, thay vì chạy các chương trình giải trí, ca nhạc trực tiếp thì hãy giành cho việc truyền thông nghĩa cử cao thượng này. Và tôi tin chắc rằng số lượng người hưởng ứng nghĩa cử cao thượng đó sẽ tăng lên.

Là một con người, chúng ta đừng đánh mất cơ hội hoặc trì hoãn, kéo dài cơ hội để mình đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc của con người ngày càng được vun đắp và đó chính là sự màu nhiệm của cuộc sống đã cung cấp cho chúng ta.

MC
Được biết Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam. Xin được hỏi Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, đến nay chuyên ngành này đã phát triển ở trình độ nào và những dự định trong tương lai?
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Chúng tôi rất tự hào Bệnh viện Quân Y 103 là đơn vị đi đầu, tiên phong trong chuyên ngành ghép tạng. Năm 2014, mới nhất gần đây, chúng tôi đã ghép 1 ca đa tạng lần đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, năm 1992 chúng ta ghép thận, ca đầu tiên của Việt Nam trên người. Năm 2004, chúng ta có ca ghép gan trên người đầu tiên. Năm 2010 là ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến nay, được sự quan tâm của các chỉ huy học viện, bệnh viện, sự dạy dỗ của các thầy và các thế hệ đi trước, ghép tạng nói chung của Việt Nam và ghép tạng của Bệnh viện Quân Y 103 có rất nhiều tiến bộ vượt bậc.

Và bây giờ, theo giới chuyên gia về ghép tạng đánh giá, trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và có thể nói là ngang tầm quốc tế. Đơn cử như Bệnh viện Quân Y 103 của chúng tôi, hiện nay chúng tôi có không chỉ một kíp ghép tạng mà rất nhiều kíp ghép tạng. Chúng tôi một ngày có thể ghép được 3 ca thận cho 3 bệnh nhân khác nhau. Một ngày chúng tôi có thể ghép cho nhiều tạng khác nhau từ một bệnh nhân là người cho chết não. Và cho đến nay, chúng tôi cũng đã chuyển giao công nghệ, kỹ thuật ghép thận cho một số bệnh viện như Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, BVĐK TW Thái Nguyên, và những bệnh viện này cho đến nay đã tự thực hiện các ca ghép một cách hoàn chỉnh và đưa những bệnh nhân ghép vào mổ.

Tuy nhiên, nói là như vậy nhưng chúng ta vẫn đi sau thế giới rất nhiều. Hơn nữa, về số lượng ghép của chúng ta chưa phải là nhiều lắm, vì thế chúng ta vẫn cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

MC
Hiện nay nhu cầu ghép tạng của người bệnh là rất lớn trong khi nguồn tạng hiến lại rất khan hiếm, vậy ngành y có biện pháp gì để cứu chữa và kéo dài sự sống cho những người bệnh chưa tìm nguồn tạng thay thế hay không?
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Có thể nói nguồn cho tạng đến nay (như TTƯT Trần Sĩ Tuấn đã nói rồi) không phải là dồi dào, chưa thể đáp ứng đủ cho các bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng. Vậy thì trong quá trình chờ đợi để được ghép tạng, những bệnh nhân này cần duy trì như thế nào? Những bệnh nhân đó vẫn phải được theo dõi, vẫn phải được điều trị để duy trì cuộc sống và chờ tạng được ghép. Nói chung cho đến bây giờ, cả ngành y tế cũng như Bệnh viện Quân Y 103 chúng tôi đều có những chương trình cho những bệnh nhân chuẩn bị ghép nhưng chưa có tạng ghép, theo dõi và điều trị kết hợp rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Như các bạn biết, rất nhiều bệnh viện tuyến dưới có thể theo dõi điều trị bệnh nhân được chỉ định ghép tạng nhưng chưa được ghép tạng. Đơn cử như những bệnh nhân chờ ghép thận, theo số liệu mà TTƯT Trần Sĩ Tuấn đã chia sẻ, cho đến nay, có trên 6000 người đang chờ ghép thận. Cho đến bây giờ, tất cả các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, và rất nhiều bệnh viện, các trung tâm tuyến huyện đã có những trung tâm thận nhân tạo để theo dõi, chăm sóc và duy trì cuộc sống của những người có chỉ định được ghép tạng nhưng chưa có tạng để mà ghép trong khi chờ đợi cơ hội. 

MC
Với tư cách một nhà thơ, ông nghĩ sao về việc trái tim người này sẽ tiếp tục đập trong lồng ngực người kia sau khi chết, chắc hẳn rất nên thơ chứ ạ?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:

Tim mình trong ngực người ta

Tim người ta đập rung da thịt mình

Câu này anh Trần Mạnh Hảo nói về tình yêu. Nhưng tôi nghĩ, nói về trái tim thì nói về biểu tượng thôi, còn khi con người ta hiến một bộ phận nào đó tức là Cho đi là còn mãi - như chủ đề ngày hôm nay. Tôi nghĩ trong các loại hình tuyên truyền cho mọi người hiến tạng, văn học nghệ thuật nên có những tác phẩm. Bởi không gì đẹp hơn là một người đem 1 phần sự sống của mình đi cho người khác, thứ 2 là không gì kịch tính hơn là ghép tạng. Bởi trong đó có nụ cười và nước mắt, có niềm vui và nỗi buồn, có thành công và thất bại, có thiện và ác, đồng thời kịch tính đến nghẹt thở.

Bên Hàn Quốc, người ta đưa mỹ phẩm và thời trang vào các loại hình nghệ thuật như phim ảnh. Về vấn đề này tôi cho rằng đây là một đề tài hay để các nhà làm phim, những người viết tiểu thuyết quan tâm, làm sao có những tác phẩm văn học đáp ứng các đòi hỏi của xã hội, đi vào cuộc sống và đầy chất nhân văn như thế.

Tôi nghĩ, nếu các nhà làm phim, nhà thơ, nhà viết kịch, viết tiểu thuyết quan tâm đến vấn đề này, tôi nghĩ từ trong cuộc sống, từ trong chất nhân văn đó, ngoài cuộc vận động hiến ghép mô tạng bộ phận cơ thể người ra còn có những tác phẩm văn học tương xứng với thời đại, đi vào cuộc sống để mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề ghép tạng.

Trọng
 
(Hoangtrong85@gmail.com)
Mỗi năm số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam rất lớn. Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, có ngày số ca tử vong do chết não lên đến hàng chục người, đây là nguồn tạng rất lớn, là cơ hội cho những người bệnh đang mòn mỏi trông mong để được sống. Xin ông cho biết, có phải do chúng ta đang làm truyền thông không đúng đối tượng khiến một nguồn tạng lớn đã bị bỏ phí không? Ông có đề xuất gì về vấn đề này?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Câu hỏi của bạn cũng là điều day dứt của chúng tôi. Như lúc đầu tôi đã nói, chúng ta đang truyền thông chưa đầy đủ. Nếu chỉ có mỗi ngành y tế không thì chưa đủ, về vấn đề này cần sự phối hợp của các tổ chức tôn giáo, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Văn hóa, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội LH Phụ nữ Việt Nam... trong ban vận động ghép mô tạng này.

Từ trước đến nay chúng ta chỉ mới truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo mạng thôi, chứ chúng ta chưa truyền thông trực tiếp. Vì trong vấn đề ghép tạng, thứ nhất là lấy đi một phần cơ thể khi họ đang còn sống, và lấy đi một phần cơ thể sau khi đã chết não. Ở đây vấp phải 2 vấn đề là đụng đến vấn đề về sức khỏe của người đang sống, thứ 2 là phải vượt qua một quan niệm tôn giáo rất nặng nề là "chết phải toàn thây". Tôi nghĩ cần phải có các tổ chức xã hội tham gia  và cần truyền thông trực tiếp, tất cả các thành viên trong xã hội, từ các tổ chức cơ sở đến trung ương và tất cả các tổ chức xã hội phải là thành viên tích cực.

Thêm vào đó, các phương tiện truyền thông cần phải truyền thông đúng và đủ về ghép tạng. Nếu chúng ta chỉ truyền thông về các thành tựu về ghép tạng không thì chưa đủ, cần nói về ý nghĩa nhân văn đằng sau đó, tôn vinh cả những người bị mất đi người thân của họ hiến mô tạng cứu sống người khác. Cần tổ chức định kỳ một ngày tôn vinh những người hiến bộ phận cơ thể mình cho người khác, kể cả người thân của họ. 

Tôi cũng muốn nói thêm về việc chúng ta cần phải sửa luật. Luật đã được ban hành từ năm 2006, nhưng đến nay đã có nhiều bất cập. Tại Mỹ, 90% nguồn tạng là từ người cho chết não, còn tại Việt Nam lấy từ người sống, còn bỏ phí một nguồn tạng rất nhiều từ người chết não. Luật Việt Nam quy định từ 18 tuổi trở lên là đủ tuổi để hiến bộ phận cơ thể mình. Tại Mỹ, trong bằng lái xe, có in hình trái tim, tức là người này đồng ý hiến tặng mô tạng cho người khác mà không cần hỏi gia đình. Khi chết não, bác sĩ có thể lấy mô tạng của người đó mà không cần hỏi ý kiến gia đình. Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù người từ 18 tuổi trở lên đã đồng ý hiến tạng, nhưng nếu khi qua đời vẫn phải hỏi ý kiến gia đình. Chỉ cần 1 người trong gia đình không đồng ý thì việc này cũng không thể thực hiện được.

Chúng ta cần sửa đổi luật là khi một người đủ 18 tuổi đã quyết định hiến mô tạng mà chết não thì không cần hỏi ý kiến gia đình. Hoặc trước khi quyết định hiến ghép mô tạng, người đó nên hỏi ý kiến gia đình để tránh trường hợp khi đã đăng ký, mà sau này gia đình không đồng ý thì tâm nguyện của họ sau này sẽ không được thực hiện.

Bạn đọc
Có câu chuyện thế này: Một bệnh nhân trẻ bị chấn thương sọ não đã chết não. Các bác sĩ qua nói chuyện với bố mẹ bệnh nhân được biết em của người chết não đang chạy thận. Khi được bác sĩ tư vấn người con chết não nên hiến thận để cứu em, người mẹ đã đồng ý, nhưng ông bố nhất quyết không đồng ý vì cho rằng người chết phải chết toàn thây. Vậy là các bác sĩ đã không thể lấy thận để ghép cho người em và không lâu sau cả hai anh em đều qua đời. Thượng tọa có bình luận thế nào về câu chuyện này?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Sau khi nghe xong câu chuyện thì trước tiên cho tôi xin được bày tỏ nỗi đau xót về cái quyết định mà theo tôi đó là sai lầm của người cha. Có thể ông đứng trên quan niệm chết toàn thây mới là chết lành, từ đó đánh mất một cơ hội rất quý giá để tái tạo lại sự sống cho một người còn lại, trong số hai người con. Vì sai lầm đó dẫn tới việc cả hai con cùng chết. Thực tế, người chết não là người không thể sống lại được, người chạy thận thì không thể tồn tại được lâu dài, rất là khó. Việc hiến tạng giữa hai anh em như thế này là một nghĩa cử rất được đáng hoan nghênh. Vì anh em cứu nhau. Đáng lẽ ra, với vai trò làm cha, người đàn ông này nên bắt chước vợ của mình ủng hộ quyết định hiến tạng để cứu con mình. Đằng này, từ một nhận thức không được tốt đẹp lắm, dẫn đến tình trạng ông và người vợ của mình phải khóc để tiễn biệt luôn cả hai người con.

Theo Phật giáo, cái nguyện ước của con người là quyền tự do, càng phải được tôn trọng. Nguyện ước ở tuổi xế chiều đối với người lớn, chết  cuối đời đối với những người do bệnh tật, chết bất đắc kỳ tử v.v... , cần phải được những người thân tôn trọng. Nó như một thể ước cần người thân thực hiện, như là một cái luật pháp. Do vậy, ngăn cản một việc làm đẹp của người khác là một việc không nên làm. Hơn nữa, nguyện ước này còn có thể tái tạo lại sự sống cho người thân. Lẽ ra các thành viên trong gia đình phải hưởng ứng, rất tiếc chỉ vì 1 thành viên không tán đồng mà dẫn tới kết cục đau lòng như thế.

Do đó, tôn trọng quyền tự do của một người trong việc đồng ý hiến mô tạng và tái tạo sự sống cho người khác cần phải được tất cả chúng ta hưởng ứng theo . Nhân đây, tôi tha thiết kêu gọi mọi thành viên trong gia đình nên hưởng ứng, tán thành, không nên kháng cự, bày tỏ không đồng tình, có những biểu hiện bằng lời nói, hành động hay việc làm để ngăn cản, tác động thì chúng ta hãy làm ngược lại là đồng thuận với nghĩa cử cao thượng này, để nguyện ước tốt lành trở thành một hành động tốt lành. Một hành động tốt lành mang lại cuộc sống tốt lành vì cuộc sống là rất quý giá, rất khó tái tạo trừ khi việc lắp, ghép mô tạng thành công.

MC
Bộ trưởng Bộ Y tế đã đăng kí hiến tạng, một số nhà báo chuyên viết về lĩnh vực y tế đã tình nguyện đăng ký hiến tạng. Phải chăng cần có nhiều nhà báo, nhà quản lý y tế làm điều đó sẽ là cách thuyết phục người dân hiệu quả nhất?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Thực sự là, Bộ trưởng, chính khách, người nổi tiếng hay một người bình thường nào hiến một phần cơ thể mình đều là những tấm gương và đáng được tôn vinh như nhau vì họ đã hiến một phần cơ thể mình khi còn sống hay chết não vì cộng đồng, đó đều là những hành động xuất phát từ tấm lòng thương yêu con người. Tôi cho rằng, những chính khách, người nổi tiếng tham gia vào hiến  mô tạng sẽ có sức lan tỏa lớn hơn, được cộng đồng quan tâm hơn, điều này sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến phong trào tình nguyện hiến mô tạng.

MC
Trên mạng xã hội từng có một tài khoản ghi là Tổ chức hiến tặng nội tạng Việt Nam và dẫn tới các đường link đăng ký hiến tạng. Mặc dù đã được Bộ Y tế cảnh báo về tài khoản xã hội chưa được cấp phép đăng ký hiến tạng tại Việt Nam, nhưng không loại trừ nhiều người dân đã bị lừa khi thực hiện các thủ tục này. Điều này có phải do lỗi của truyền thông và các cơ quan chức năng?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

 Khi nguồn cung không đủ đáp ứng cho cầu, dẫn đến tình trạng những kẻ xấu lợi dụng. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Như ở Hàn Quốc chẳng hạn, cũng là nước theo đạo Phật, nhiều phật tử tình nguyện hiến bộ phận cơ thể người, nhưng vẫn có những trang mạng xã hội lừa đảo hiến mô tạng. Ở Việt Nam hay các nước Đông Nam Á cũng có, ngay cả ở châu Âu cũng xảy ra tình trạng này. Đó là những tổ chức tội phạm chuyên dụ dỗ người dân mua bán nội tạng cơ thể người.

Luật của chúng ta đã có, theo đó nghiêm cấm mọi hình thức trung gian, mua bán nội tạng cơ thể người vì mục đích thương mại. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, họ phạt rất nặng, như Hàn Quốc có thể bị xử phạt từ 1-3 năm tù, còn ở Việt Nam chưa có các biện pháp chế tài, nên vấn đề xử lý rất khó khăn.

Cần tuyên truyền cho người dân biết các địa chỉ đăng ký hiến mô tạng. Chỉ nên đăng ký hiến tạng ở những đơn vị được cấp phép, có thẩm quyền. Tại Việt Nam có 2 đơn vị là Trung tâm điều phối tạng quốc gia và Bệnh viện Chợ Rẫy, còn tất cả các địa chỉ khác đều là giả mạo.

Tôi nghĩ các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần vào cuộc để tránh việc những người thực sự muốn hiến tặng bộ phận cơ thể người bị lợi dụng hoặc vô tình tiếp tay cho những kẻ trục lợi trên nghĩa cử nhân văn, cao cả này. Các bộ phận an ninh mạng khi đã phát hiện ra cần điều tra và xử lý đến nơi đến chốn. Đặc biệt, cần tuyên truyền trên các trang mạng xã hội vì đây là kênh truyền thông rất quan trọng. Chúng ta đã có báo giấy, báo nói, truyền hình, và giờ đây là báo điện tử và mạng xã hội, cần tuyên truyền cho các thành viên của mạng xã hội để biết được ý nghĩa cao cả của việc hiến mô tạng, đồng thời cảnh giác những kẻ đã lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn nội tạng để trục lợi, xử lý nghiêm, sửa đổi luật. 

 Phương (phuong.nguyen@hetama.vn)

Thưa nhà sư, việc hiến tạng và dùng lại những bộ phận mà người hiến mất đi, cũng là sự nhạy cảm, cá nhân tôi cũng đã từng nghĩ, liệu người được hiến tạng có cảm nhận được sự linh cảm nào đấy từ người hiến đã mất đi không?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Tôi cho rằng đây là một câu hỏi rất thú vị. Giải quyết được câu hỏi này sẽ làm cho người ta bớt sợ hãi, mạnh dạn làm nghĩa cử cao thượng tái tạo sự sống cho cuộc đời. Về triết học Phật giáo tôi xin giới thiệu là có 2 trường phái: Phật giáo nguyên thủy xuất phát từ Ấn Độ. Thái Lan, Campuchia, Lào... là những quốc gia chịu ảnh hưởng. Theo Phật giáo nguyên thủy và Kinh tạng Bali, qua học thuyết 12 mắt xích sự sống thường được gọi là 12 nhân duyên thì sau khi con người trút hơi thở và cái chết diễn ra, trong vòng tích tắc thôi, sự sống đó đã được tái tiếp nối ở trong bào thai của một người mẹ mới, nếu tổng thể hành vi đạt ở mức độ trung bình. Ở mức độ tệ hại hơn, nếu hành vi đạo đức của người đó quá tệ hại, quá xấu, khuynh hướng thú tính quá nhiều mà không thay đổi, sự sống người đó sẽ tái sinh vào bào thai của một giống cái. Theo học thuyết này, tâm thức đó sẽ không còn cơ hội trở về để báo mộng, hay tạo nghiệp nối để người nhận mô, tạng cảm thấy về mình. Ngoại trừ người nhận cảm thấy biết ơn quá, xúc động quá, tạo những phản ứng tâm lý, gây mơ mộng. Chứ còn thực tế là không. 

Theo Phật giáo Đại thừa, thì quá trình tái sinh nhanh nhất là trong vòng 1 tích tắc và muộn nhất là trong vòng 49 ngày. Tôi cho rằng đây là trường phái phát triển về sau nhằm lý giải những tình trạng mà theo Phật giáo nguyên thủy cho rằng người tái sinh và gia đình làm cha làm mẹ có một mẫu số nghiệp tương thích với nhau, với một biên độ không nhiều lắm để sinh ra mang gene di truyền của gia đình đó, hưởng cái cộng nghiệp của gia đình, môi trường và cộng đồng của gia đình đó.

Vì vậy, cái 49 ngày đó là phòng hờ thêm thôi và bản chất 49 ngày này là giúp cho những người thân có cơ hội đến chùa rồi thông qua những tuần thất cúng được hướng dẫn về những triết lý Phật giáo v.v.. để sống tốt đẹp hơn. Đó mới là mục đích chính, còn trong trường hợp người đó chưa có tái sinh, theo Phật giáo đại thừa, thì tôi cho rằng cái linh cảm mà người tiếp nhận hiến mô, tạng này nhận được: Đó là bạn hãy vui vẻ đi, đừng lo lắng gì nữa, tôi rất cảm ơn bạn đã tiếp nhận các mô, tạng của tôi, nhờ đó, thi thể của tôi không trở nên vô ích sau khi chết, sự sống của tôi tái hiện trong sự sống của bạn, bạn hãy làm những điều đáng làm, có giá trị để việc tôi hiến tặng cho bạn mang lại niềm vui cho cả bạn lẫn tôi. Bạn hãy tiếp tục đi tới phía trước, ít nhất là 5 năm 10 năm 20 năm hoặc dài hơn nữa.

Do đó, linh cảm, theo Phật giáo đại thừa là những linh cảm tốt đẹp vì người hiến mô, tạng phát nguyện ngay từ lúc còn sống. Nhận thức đó đã làm cho họ có bản lĩnh, không còn sợ hãi sự chết, tiếc nuối sự sống. Khi họ đã làm việc đó rồi có nghĩa họ không hối hận đâu, tỉ lệ hối hận chỉ là 0%. Do đó, linh cảm, nếu có chỉ là những linh cảm tốt lành. Vì vậy, người được nhận mô, tạng hiến hãy nên hoan hỉ, sống thêm một đoạn sống trong tương lai thật sự có ý nghĩa, để xứng đáng với cái quyền mà đã được người khác trao tặng cho sự sống.

MC
Thưa TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, trước đây, trên các phương tiện truyền thông có đăng tải câu chuyện về ý nguyện muốn hiến tạng của một người tử tù nhưng không thành do chưa có cơ chế pháp lý nào cho việc thực hiện ý nguyện này. Thực tế hành động này là việc làm nhân văn, thể hiện sự sám hối, hướng thiện của con người sau khi chết. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, có nên hay không cho phép những người tử tù được hiến tạng tự nguyện?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Theo tôi nghĩ, khi người tử tù tình nguyện hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người khi thi hành án, tôi nghe nói tôi cũng thấy xúc động. Vì dù là tử tù thì họ vẫn là con người và khi những người này thức tỉnh lương tâm trong một giây phút nào đó chúng ta nên ủng hộ. Tuy nhiên luật của chúng ta lại đang là một rào cản. Vì nếu tử tù có nguyện vọng hiến mô tạng thì tòa án cũng không cho vì theo Luật, thi hành án ở chỗ nào thì chôn ở đó. Chúng ta nên đề xuất với Quốc hội để sửa đổi, vì luật cần đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho con người, và mang tính nhân văn cao nhất.

Tôi ủng hộ việc những người tử tù trong những giây phút sám hối của họ, họ muốn hiến dâng cơ thể mình sau khi chết cho người khác, đây là hành động tôi nghĩ cần mở ra cho họ, đồng thời đáp ứng được cả nhu cầu đang thiếu mô tạng của Việt Nam. Theo triết lý đạo Phật đây là một hành động nhân văn. Hiện nay chúng ta đang vướng luật. Cần sửa đổi luật để luật đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích tốt nhất cho con người.

Bạn đọc
Các bác sĩ đã không biết giải thích thế nào khi vận động người dân hiến giác mạc thì nhận được câu trả lời rằng, nếu chết sang thế giới bên kia mà không có giác mạc thì sẽ không nhìn được gì, sẽ phải xuống địa ngục. Xin Thượng tọa có đôi lời giải thích giúp các bác sĩ cũng như người dân?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Theo tôi, đây là một quan điểm đáng tiếc, vừa phản tinh thần khoa học, vừa trái hẳn với triết học tái sinh mà đạo Phật đã chủ trương. Dĩ nhiên, các tôn giáo khác quan niệm về sự sống khác với đạo Phật. Sự sống trong tôn giáo nhất thời được mô tả giống như một đường thẳng, được bắt đầu từ điểm của Thượng đế và kết thúc ở điểm dầy nhất là sự tận thế, hoặc ngắn nhất là ở thời điểm mà cái chết đang đứng trước họ như một sự thật.

Còn Phật giáo cho rằng sự sống là một hình tròn, là quy luật tương quan, tương tác, tương duyên, tương thuộc theo công thức cái này có, dẫn tới điều kiện vô vi có, cái này hình thành dẫn tới điều kiện cái kia hình thành, cái này không có dẫn tới cái kia mất và ngược lại.

Vì vậy, theo học thuyết này, như tôi đã trình bày khi nãy, sau khi chết, con người tiếp tục có mặt ở trong bào thai của một người mẹ mới, mà thời gian trung bình là 10 tháng, sanh non là 8 tháng rưỡi, sanh muộn là khoảng 11 tháng rưỡi. Sự sống của mầm sống này là phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ, gene di truyền của cả người cha lẫn người mẹ chứ không lệ thuộc vào thi thể, tình trạng hiến của người đó ở kiếp trước. Hai cái này hoàn toàn khác nhau.Ở kiếp trước đó 10 tháng, khi hiến mô, ông là Nguyễn Văn A. Nhưng ở kiếp tái sinh, lại là cậu bé Nguyễn Văn C. Về phương diện sinh học thì hai cơ thể này hoàn toàn khác nhau. Tâm thức thì có sự tiếp nối nhưng về mặt thân thể thì không. Nhân quả có sự thay đổi theo hướng tích cực vì có sự hiến, cúng mô, tạng.

Giả sử khi người đó, giống như tôi đi, lùn, xấu, bé mà tôi biết phát tâm hiến mô tạng mà nếu may mắn, toàn bộ các mô tạng của tôi được lắp ghép thành công trong 8 - 12 người, như vậy tôi đã tạo cơ hội cho 12 đơn vị sự sống, cho 12 con người. Đó là cái phước rất cao. Tương tự, khi tôi hiến cái giác mô để đem lại ánh sáng cho những người bị khiếm thị thì chắc chắn rằng về phương diện nhân quả, con mắt của tôi ở kiếp sau chắc chắn là phải khỏe, chứ không cận thị như bây giờ, nó phải tốt hơn rất là nhiều, vì đó là nhân quả thôi.

Do đó, tôi tha thiết kêu gọi thêm một lần nữa tất cả các bạn quan tâm tới nghĩa cử hiến tạng sự sống này, ngoài việc nghĩ rằng mình đã để lại một giá trị lớn, chúng ta cần tháo mở những quan điểm về những nỗi sợ hãi, mà theo tôi là mê tín dị đoan, đó là sự thiếu hiểu biết về bản chất của sự sống. Và đó là những rào cản do những người thân của mình do thương mình quá, mà lại không đồng thuận với mình gây trở ngại, thì hãy rũ bỏ hết đi. Hãy mạnh dạn đến các trung tâm y tế, mà ở đây là Trung tâm điều phối lắp ghép tạng quốc gia, một đơn vị uy tín nhất nước làm việc này.

Còn con mắt của quý vị, sau khi hiến giác mô đảm bảo ở kiếp sau, không những không mù lòa, mà tôi tin rằng kể cả khi nếu con người có thể có 3 con mắt thì người hiến mô tạng sẽ có cả 3 con mắt. Còn nếu con người chỉ có 2 con mắt thì người đó sẽ có 2 con mắt trọn vẹn, đầy đủ để thấy những điều đáng thấy, thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống.

MC
Thưa TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, ông đánh giá như thế nào về vai trò của mạng xã hội trong việc kêu gọi hiến tặng mô, tạng và bộ phận cơ thể người?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Như tôi đã trình bày, chúng ta có nhiều loại hình truyền thông, trong đó mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Làm sao để các thành viên trong mạng xã hội hiểu được ý nghĩa của việc hiến ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người, hiểu được tính nhân văn cũng như Luật hiến ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người ... Tất cả đóng vai trò tích cực trong cuộc vận động hiến ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người.

Thứ nhất sẽ truyền thông trực tiếp đến từng người vì hiện nay mạng xã hội được sử dụng rất rộng rãi. Thứ 2 là tránh những kẻ xấu, các tổ chức buôn bán nội tạng cơ thể người lợi dụng mạng xã hội để trục lợi. Vừa rồi có mạng xã hội nhân danh làm công tác nhân đạo để kêu gọi các thành viên trong mạng xã hội hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người để trục lợi được rất nhiều người quan tâm, chia sẻ.

 Chúng ta cần tuyên truyền cho các thành viên của mạng xã hội. Qua các phương tiện thông tin đại chúng tác động đến các thành viên trong mạng xã hội, để người dân hiểu đúng vấn đề và  chia sẻ thông tin, đồng thời tuyên truyền cho công cuộc vận động hiến ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người rất nhân văn và ý nghĩa này. 

MC
Vậy cụ thể ông đã sử dụng mạng xã hội thế nào thưa TTƯT Trần Sĩ Tuấn?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Trên facebook của tôi hôm nay  tôi đã giới thiệu về chương trình giao lưu này. Tôi cũng thấy Thầy Từ cũng thấy thầy đăng tải chương trình này. Báo của chúng tôi có rất nhiều ấn phẩm như tuần báo, báo cuối tuần, cuối tháng, báo điện tử.... Chúng tôi có cả một chuyên mục về hiến ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người . Tôi luôn chỉ đạo, trong mỗi thành công của một ca ghép tạng, chúng ta cần quan tâm tới ý nghĩa nhân văn của hành động này, đồng thời quan tâm, tôn vinh những thân nhân của những người đã đồng ý hiến tặng bộ phận cơ thể người của con em mình cho người khác. Vừa rồi tôi cũng đã vào Bệnh viện Trung ương Huế và làm một chương trình truyền hình trực tiếp về hiến ghép mô tạng.

MC
Thưa TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, rõ ràng, ghép tạng đem lại cơ hội được hồi sinh cho mỗi cá nhân, tuy nhiên bên cạnh đó lại nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia như vấn đề phạm tội ăn cắp nội tạng, mua bán nội tạng…. khiến người dân hoang mang và một phần mất lòng tin vào việc hiến tạng một cách vô tư. Ông có ý kiến gì về việc này? Và Việt Nam cần làm gì để không xảy ra tình trạng này, thưa ông?
 
TTƯT.BS.Trần Sĩ Tuấn :

Như tôi đã nói, khi lượng cung không đủ cho cầu, có rất nhiều người lợi dụng kẽ hở này để trục lợi. Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới  như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Italia đều có các tổ chức  tội phạm chuyên buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Báo chí đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng này.

Tôi kêu gọi mọi người hãy cảnh giác trước những kẻ trục lợi trên hành động đầy tính nhân văn này. Vì luật đã quy định rất rõ, nghiêm cấm sử dụng, mua bán nội tạng cơ thể người vì mục đích thương mại bất hợp pháp. Tuy nhiên những tổ chức này hoạt động khá tinh vi, dụ dỗ nhiều người để mua bán bộ phận cơ thể. Những kẻ này thường như dụ dỗ những người gặp hoàn cảnh khó khăn để lừa gạt họ bán nội tạng hoặc làm giấy tờ giả để hợp thức hóa quan hệ họ hàng với những thỏa thuận ngầm. Cần tuyên truyền để người dân hiểu rằng tổ chức mua bán nội tạng là bất hợp pháp và hành động đi bán nội tạng cũng là sai vì đây là hành động nhân văn, tự nguyện. Đó là tôi chưa nói đến việc dụ dỗ người khác đi nước ngoài bán nội tạng. Luật đã nghiêm cấm, nhưng chế tài xử phạt chưa có nên rất khó xử lý.

Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội cần tuyên truyền vận động ý nghĩa của cuộc vận động hiến ghép mô tạng này là nhân văn và cao cả,  tránh để kẻ xấu lợi dụng. Mạng xã hội nhân danh hành động này để trục lợi như đã nói trước đã làm nhiễu loạn thông tin, những kẻ dụ dỗ người khác mua bán nội tạng cũng đã phá vỡ cuộc vận động. Nó ảnh hưởng đến phong trào vận động hiến mô tạng. Tôi nghĩ luật pháp cần phải có chế tài  mạnh hơn nữa. Luật hiến ghép mô tạng ra đời từ năm 2006 đến nay đã 10 năm, và hiện đã xuất hiện những bất cập, chúng ta cần sửa đổi để công cuộc hiến ghép mô tạng mới cất cánh được.

Bạn đọc
Việc vận động hiến tặng giác mạc ở vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa từ sau khi có sự vào cuộc của các linh mục đã có sự chuyển biến tích cực và ngày càng đông giáo dân đăng ký hiến tặng cũng như hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Vậy về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có chủ trương gì để vận động sự vào cuộc của các nhà sư và tăng ni, phật tử đối với phong trào hiến tạng và các bộ phận cơ thể sau khi qua đời cũng như cả khi còn sống?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Như tôi đã chia sẻ trong những câu hỏi đầu, Phật giáo về bản chất, lý thuyết và thực tiễn là khích lệ việc hiến mô, tạng, vì đó là sự bố thí nội tạng. Trong thực tiễn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 2 văn phòng lãnh đạo, ở miền Bắc thì nằm ở chùa Quán Sứ, ở miền nam thì là ở chùa Quản Đức, ở quận 3, có những chủ trương khích lệ các tăng ni tham gia, với vai trò là những người truyền thông viên, những người quảng bá những sự truyền thông này cho cộng đồng quần chúng phật tử, sinh hoạt ở các chủa của mình.

Năm ngoái, Thượng tọa Thích Đức Thiện với vai trò là Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tôi, có tham gia chương trình do Trung tâm Điều phối lắp ghép mô tạng Quốc gia và sau đó Thượng tọa cũng có những hướng dẫn để kêu gọi các vị lãnh đạo Phật giáo ở 63 tỉnh thành hưởng ứng một cách tích cực hơn về những chính sách rất cụ thể. Riêng tại miền Nam, Hòa thượng Thích Trí Quảng là Phó pháp chủ Hội Phật giáo Việt Nam, cũng là Viện trưởng Học Viện Phật giáo tại miền Nam, sau khi nối kết với Trung tâm điều phối lắp ghép mô tạng quốc gia đã có chủ trương mời các chuyên gia y tế nói sâu về việc hiến mô tạng để các tăng ni nắm vững hơn. Từ đó, các tăng ni sẽ thông thạo trong việc giải đáp các thắc mắc của các nhiều người về việc hiến tặng mô tạng, để giúp họ thỏa mãn và từ đó hưởng ứng và đồng tình.

Bằng chính sách này, bên phía Phật giáo thì có được chủ trương thống nhất từ trung ương, đến tỉnh thành, đến quận huyện và thông qua cac cơ sở của các chùa. Do đó, tôi cho rằng đó là một thuận lợi lớn. Còn cái hiệu quả, về phương diện vận động và truyền thông, thì bên Phật giáo kém về thống kê hay sao đó nên tôi cũng chưa nắm biết được. Hy vọng qua các hội nghị toàn quốc của Phật giáo, những báo cáo đó sẽ giúp cho ta nắm được một phần nào.

Liên hệ phần nào tới những gì bác sĩ Trần Sĩ Tuấn đã nói, vận động các thành phần mà hình ảnh xã hội có tác động cao, để gây ra tâm lý ủng hộ. Tôi rất tán thành vấn đề này. Còn về phần tôn giáo, tôi cho rằng có đến 95% cư dân toàn cầu là có tôn giáo và các tôn giáo đều có nhân vật thần tượng, VD như Thiên Chúa Giáo là Đức Giáo Hoàng, ở các quốc gia là Hồng y, dưới đó nữa là các Giáo mục. Phật giáo thì mỗi quốc gia có 1 vị Tăng thống, hay là Chủ tịch Giáo hội vốn là hình ảnh cao quý mà các tăng ni Phật tử hướng về. Vì vậy, vận động được những vị lãnh đạo cao cấp nhất của các tôn giáo cùng tham gia truyền thông cho vấn đề này và chính các vị đó cũng là những người gương mẫu đi đầu trong vấn đề hiến mô tạng, thì tôi cho rằng, vận động truyền thông rất thành công. 

Trong giới văn nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh, ca sĩ v.v.. nếu cùng phát tâm không chỉ truyền thông mà còn là người xung phong trong vấn đề đó thì tôi cho là những rào cản dẫn tới nguồn cung ít, nguồn cầu nhiều sẽ có thể ngày càng được khắc phục. Nói tóm lại, về phía Phật giáo có những tiến bộ nhất định thì nhờ học thuyết thuận lợi, hưởng ứng và tác động cho chương trình này. Vì vậy, tôi mong rằng mọi thành phần xã hội khác, tùy theo điều kiện của mình, nên vận động những hình ảnh ấn tượng trong xã hội, làm điểm mẫu để kêu gọi quần chúng hưởng ứng theo.

 Bạn đọc

Thưa Thượng tọa Thích Nhật Từ, ở góc độ một người sám hối và muốn làm một việc có ích cuối cùng trước khi chết để chuộc lại lỗi lầm, Phật giáo có quan điểm như thế nào?.
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Tôi không tán đồng với cái quan ngại mà độc giả vừa đưa ra. Trong một quãng thời gian trong quá khứ, một người có hành động đen tối, mang lại nỗi khổ niềm đau cho cuộc đời của con người. Thói quen, hành vi, ứng xử của họ nhuốm toàn bộ sự tiêu cực và mặt trái. Khi người đó thức tỉnh rồi, mình đừng nên tiếp tục đánh giá người đó bằng quá khứ của chính họ vì thế là không công bằng. Bởi chủ trương cuộc sống được đánh giá là ở bây giờ, tại đây, quá khứ cần khép lại đi.

Và việc thay đổi luật như bác sĩ Trần Sĩ Tuấn đề nghị, theo tôi là rất cần thiết để ta không bị phí một nguồn cho thực trạng mô tạng đang khan hiếm. Chính sách có những quy định kêu gọi, vận động quần chúng mà có người không dám làm, vì làm lại bị rào cản luật chặn lại. Do đó, việc tiếp nhận mô tạng của những người có quá khứ đen tối, bị luật pháp trừng trị, bằng các bằng chứng cụ thể có tuyên án, thi hành luật hay là họ chưa bị luật pháp sờ gáy thì không ảnh hưởng gì đến cái cá tính của cái người được lắp ghép sau khi thành công.

Tôi không phải là bác sĩ chuyên môn về việc này nhưng theo tôi dự đoán, nó chỉ có tác động về mặt sức khỏe. VD mô tạng của một người trẻ, khỏe được lắp ghép vào cơ thể của một người già thì người già đó sẽ trẻ lại thêm được vài tuổi hoặc vài chục tuổi. Bản thân tôi có hai tiếp xúc với người thân, một tiếp xúc là liên hệ với Phật tử của chùa, họ lắp ghép gan thành công, đã 10 năm trôi qua không có vấn đề gì hết, sống rất khỏe và trẻ hơn nhiều. Người thứ hai là Hòa thượng Thích Thiện Long, ở chùa Giác Ngộ, được lắp ghép mô tạng thành công ở Mỹ, hai năm trôi qua rồi, Hòa thượng cho tôi biết rằng là từ khi lắp ghen gan thành công thì Hòa thượng cảm thấy sung sức hơn, vì gan là của một thanh niên hai mấy tuổi thôi.

Như vậy, nó có tác động tích cực, theo chiều hướng tích cực còn cá tính thì không ảnh hưởng bởi động tác lắp ghép này, hành động, chủ ý, hành vi xấu hay tốt không ảnh hướng đến. Nó chỉ có tác động tới sức khỏe thôi, phần lớn là tác động tốt. Chúng ta có những thảo luận thích đáng, từ đó tháo gỡ những thắc mắc. Luật là phục vụ con người, chứ không phải con người phụ thuộc vào luật. Do đó, luật nào chưa thích ứng được với nhu cầu cuộc sống thì chúng ta cần nhanh chóng thảo luận để thay đổi và thông qua.

Tóm lại không có một trở ngại gì về phương diện tâm linh đối với một người có quá khứ đen tối nhưng muốn hiến mô tạng, không ảnh hưởng gì về tâm tính, ngược lại còn có tác động tích cực, bởi người được hiến tặng có lòng biết ơn với người hiến tặng, sống quãng đời còn lại một cách có ý nghĩa và giá trị. 

Nguyễn Kính Thắm
 
(Long Xuyên - An Giang )
Con mong muốn được hiến xác, nhưng con nghe nói bị bệnh gan không hiến được, con thì bị viêm gan siêu vi C, men gan con thì chỉ có 49 thôi. Vậy con có được hiến không?
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Quý vị cũng biết là không phải đơn giản mà ta lấy một mô hoặc một tạng của một người sống hoặc một người cho chết não để mà ghép. Trước khi lấy, bao giờ cũng phải đánh giá người cho tạng có những bệnh gì, có đủ điều kiện để cho tạng hay không. Tạng đó có còn tác dụng nếu như ghép vào người nhận hay không? Cho nên, như ở bệnh viện chúng tôi, bao giờ trước khi ghép tạng, trước khi ghép một ca nào đó, chúng tôi có một hội đồng chuyên gia tư vấn về ghép tạng. Phải đánh giá tất cả mọi thứ, cả người nhận và người cho. Như trường hợp của bạn, theo tôi nghĩ, bây giờ bạn không thể nói là mỗi viêm gan C của bạn như thế, và men gan thấp như vậy tôi có thể cho hay không cho được. Theo tôi, bạn nên đến một cơ sở y tế hiện tại vẫn đã và đang ghép tạng. Khi đến đó, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ tư vấn cho bạn, kiểm tra cho bạn xem bạn có thể hiến tạng được hay không. 

Lê Thu Mai
 
(miale.kaka@gmail.com)
Thưa bác sĩ người ghép tạng có sống thọ không? Và các bộ phận được hiến có thể sẽ biến chứng sau khi ghép không?
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Trong ghép tạng, người ta khẳng định rằng người được ghép tạng sẽ có một cuộc sống sau khi ghép tốt hơn rất nhiều. Chúng ta có thể hòa đồng với cuộc sống, với xã hội, với gia đình. Và như một người sống (với một người đã được ghép tạng rồi), thì khi ra ngoài xã hội, người ta có thể sẽ không phân biệt được : "à, anh ý mới được ghép tạng hay không được ghép tạng ". Đó là cái lợi đầu tiên. Còn vấn đề thứ hai, tuổi thọ của tạng sống được bao lâu, nó liên quan đến rất nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất, là liên quan đến nguồn cho. Nếu như nguồn cho của người cùng huyết thống, thì thường sẽ kéo dài hơn so với nguồn cho của người khác huyết thống. Vấn đề thứ hai là chế độ sinh hoạt và thuốc của ngay người đã được nhận tạng. Người ta phải có chế độ sinh hoạt thế nào, dùng thuốc làm sao. Chứ nhiều người đang dùng thuốc thấy tốt, bỏ thuốc, không dùng nữa thì cũng không phải là tốt. Và như vậy thì tuổi thọ của cái tạng sẽ không tốt bằng những người vẫn tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vẫn được theo dõi và có chế độ sinh hoạt một cách điều độ đúng như bác sĩ hướng dẫn thì tuổi thọ sẽ cao. Ví dụ như tuổi thọ của các bệnh nhân được ghép thận đến giờ là kéo dài sự sống thêm trên 20 năm là nhiều chứ không phải là ít. Còn tuổi thọ từ 5 năm trở lên bây giờ thì đến 80-90% là các bệnh nhân được ghép, như là ghép thận, tuổi thọ kéo dài thêm trên 5 năm là khá nhiều.

Thế còn tạng, sau khi ghép, người nhận có biến chứng gì không? Có chứ. Bởi vì dù sao đi nữa thì chúng ta là con người. Cái tạng đó đi vào trong con người nhưng sống trong một cơ thể mà trong đó cơ thể con người ta cũng có thể bị nhiễm các bệnh khác từ ngoài vào, chứ không phải sau khi ghép tạng xong là ta không bị nhiễm cái gì cả. Nhất là khi người ghép tạng đang được dùng thuốc ức chế miễn dịch, cho nên khả năng bị bệnh là có. Vấn đề thứ hai nữa, tạng đó còn có biến chứng lâu dài có thể gặp, đó là thải ghép mãn tính. Tức là, dần dần, cái tạng sẽ mất dần chức năng đi, và nó sẽ giảm dần đi. Điều này tất cả các bạn đã được ghép tạng phải chú ý : phải được theo dõi, chăm sóc, điều trị để khi xảy ra bất kể việc gì đó, một biến chứng gì đó rất nhỏ, nếu như kịp thời phát hiện và điều trị thì cuộc sống sẽ kéo dài hơn nhiều. 

Lê Văn Mạnh
 
(Hưng Yên)
Thưa bác sĩ, gan từ cơ thể chết có sử dụng được không? Có một quảng cáo là “Cấy ghép Gan sống”, vậy cụ thể là như thế nào? Xin bác sĩ giải thích giúp.
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Thực ra thì các bạn cũng biết rồi, khi cấy ghép một bộ phận của người này vào người khác, thì nguồn tạng đó có thể từ người cho sống, hoặc có thể từ người cho chết não hoặc là người cho chết ngừng tim. Thường khi lấy gan của người chết não hoặc ngừng tim, thì người ta lấy toàn bộ gan đó để ghép cho người cần nhận gan. Còn cũng có thể người ta lấy được một phần gan của người sống, ví dụ như ca ghép gan đầu tiên mà Bệnh viện Quân Y 103 đã thực hiện, ca đó lấy gan của người cha để cho con. Và hiện tại, bệnh nhân vẫn đang sống và đang học tại Học viện Quân Y. Cho nên, bạn nói là câu “ghép sống” thật ra có thể nói là “ghép mà tạng đó được lấy từ người sống để cho người nhận”. 

Còn ghép tạng từ người cho chết não, đó là điều hiện nay chúng ta đang cố gắng vận động để làm sao có càng nhiều nguồn cho từ người chết não để cho những người nhận, vì nguồn nhận bây giờ thì rất nhiều nhưng nguồn cho thì rất ít. Bây giờ người ta cũng đang rất muốn, làm tất cả mọi cách cả về truyền thông, cả về mọi thứ để những người cho chết não có thể hiến được tạng cho những người cần ghép càng tăng lên, giống như bác sĩ Tuấn đã nói, ở Mỹ 90% tạng là lấy từ người cho chết não, còn của ta thì ngược lại, 90% là lấy từ người sống. Chỉ có 10% là lấy từ người cho chết não. 

Mai Hoa
 
(hoamai_291@gmail.com)
Tôi nghe nói sắp tới, Việt nam sẽ tiến hành ghép phổi. Điều này có đúng vậy không thưa bác sĩ? Nếu ghép phổi thì những đối tượng như thế nào sẽ được ghép? Bố tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã vài chục năm nay rồi, mỗi lần lên đợt cấp rất khổ sở để chống chọi khiến con cháu vô cùng thương xót. Liệu bố tôi có thuộc đối tượng ghép phổi không? Tôi có thể theo dõi thông tin ở đâu để biết cụ thể thưa bác sĩ?
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Cảm ơn câu hỏi của bạn Mai Hoa. Tôi sẽ nói về dự định sắp tới về ghép tạng của Bệnh viện Quân Y 103. Hiện nay, ghép phổi của Việt Nam chưa ghép, tuy là thế giới đã ghép rất nhiều. Và cho đến bây giờ, một số trung tâm y tế lớn về ghép tạng đang chuẩn bị và đang tiến hành các bước chuẩn bị về nhân lực, vật lực để tiến hành ghép phổi, trong đó Bệnh viện Quân Y 103, Học viện Quân Y cũng là một trong những trung tâm đó.

Còn trong ghép phổi, thì không phải tự nhiên giống như các tạng khác, cứ nói là, chúng ta bị như thế, chúng ta đến là ghép luôn. Khi một bệnh nhân muốn ghép thì bệnh nhân bao giờ cũng phải được đến thăm, khám, và làm tất cả những xét nghiệm để xem có được chỉ định ghép hay không. Và điều kiện sức khỏe có đủ để ghép hay không?

Trường hợp của bố bạn, nếu đúng là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thì cũng là một trong những chỉ định có thể ghép phổi. Tuy nhiên, theo tôi, để mà có biết chắc chắn hay không, và để chờ đợi thì theo tôi, bạn cũng nên đưa bố bạn đến khám ở các trung tâm lớn, ví dụ như Khoa Lao bệnh phổi của Bệnh viện Quân Y 103, Học viện Quân Y chẳng hạn, các bác sĩ sẽ thăm khám, rồi làm các xét nghiệm, tất cả mọi thứ để xem có chỉ định hay không rồi sau đó mới đưa vào danh sách chờ ghép. 

Bạn đọc
Một thực tế cho thấy đã có rất nhiều nhà tu hành, nhà sư đã đến các bệnh viện để đăng ký tình nguyện hiến tạng sau khi chết não, thậm chí ngay cả khi còn sống. Các nhà tu hành đều nhận thức rất rõ ý nghĩa cao cả của việc hiến tạng để cứu người. Như vậy, tiếng nói cũng như hành động của các nhà tu hành là lời thuyết phục tốt nhất đối với người dân. Xin Thượng tọa hãy nhắn nhủ đôi lời đến bạn đọc, người dân để công cuộc hiến tạng được khai thông để ngành y tế có thêm nhiều nguồn tạng hiến phục vụ cho sự nghiệp cứu chữa người bệnh?
 
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ :

Việc hiến mô, tạng như tôi đã nói nhiều lần, là tạo một cơ hội cho một người khác có điều kiện tái sinh một lần nữa trong cuộc sống hiện tại này. Vì vậy, đừng do dự khi làm việc đó. Nếu lỡ do dự rồi thì bỏ do dự đó đi. Mà nói về Phật giáo là gì, là hãy an nhiên, thư thái, thoải mái, thảnh thơi, rũ bỏ mọi nỗi lo để chúng ta làm một nghĩa cử cao thượng cho cuộc đời.

Tôi xin lấy ví dụ bản thân tôi. Năm 2014, tôi đã vận động hiến mô, tạng, xác và bản thân tôi đã làm 2 công việc đó. Các phật tử liên lạc với tôi, qua facebook thì trong năm 2014 đã có 214 người hưởng ứng. Ngày 26/11/2016 vừa qua, phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, chúng tôi đã vận động thành công 449 người. Facebook của tôi chỉ có 80 nghìn người theo dõi, ấy thế mà buổi truyền hình trực tiếp hôm đó có đến 250 nghìn người tiếp cận. Như vậy, số lượng like thực tế có thể ít, nhưng thông qua truyền thông trong Phật giáo thì việc người ta truy cập là rất lớn. Từ đó, tôi suy ra rằng tấm lòng cao thượng tiềm năng trong con người ai cũng đều có hết.

Giới hạn lớn nhất hiện là nay ta mới chỉ có 2 trung tâm hợp pháp hiện nay: Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm điều phối mô, tạng quốc gia. Vì vậy, nhiều người dù muốn hiến mô, tạng xong vì đường sá xa xôi, tốn kém, hạn chế về thời gian nên chưa thu xếp đến được các địa chỉ này để đăng ký hiến mô tạng. Vì vậy, tôi tha thiết xin mọi người, dù có bận rộn, dù có xa xôi, làm điều này để có ích cho cuộc đời. Tôi cũng xin kêu gọi các nhân vật có sức ảnh hưởng lớn, qua Facebook, trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay, những người có lượng like hơn 10 nghìn trở lên nên hưởng ửng trực tiếp lời kêu gọi của Bộ Y tế. Với những nhân vật có lượng like trên 5,7 trăm nghìn hoặc trên 1 triệu, thì tác động lên cộng đồng là rất lớn. Do đó, chúng ta không phải lo nguồn cung cấp tạng trong tương lai bị thiếu thốn.

Mọi công dân nên nhập cuộc. Về mặt truyền thông, tôi tha thiết kêu gọi các cơ quan truyền thông tăng tần suất nói về vấn đề này, vào giờ vàng, thay vì phát các chương trình giải trí, ca nhạc để truyền thông nghĩa cử cao đẹp này, theo đó, sự hưởng ứng sẽ tăng lên 5% - 10% và nhiều lần hơn nữa. Đó là công việc của mỗi người. Là một con người, chúng ta không nên trì trệ hoặc kéo dài cơ hội đóng góp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc của con người kéo dài hơn, để thấy sự màu nhiệm của cuộc sống chúng ta. 

Đọc giả Hoàng Hà
 
(Ninh Bình)
Tôi năm nay 56 tuổi, con gái tôi 24 tuổi, tôi muốn hiến thận cho con gái bị suy thận. Xin bác sĩ cho tôi hỏi có phải cứ người cùng huyết thống là sẽ cho và nhận được thận của nhau không hay phải có yêu cầu gì?
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Nếu như người có chỉ định ghép một tạng nào đó, và nếu như được một người thân cho thì rất tốt, bởi vì nó hòa hợp, liên quan tới “dòng máu”. Tuy nhiên, cũng không phải là cứ như vậy là cho nhau được, bởi vì nó liên quan tới người cho tạng. Người nhận là có chỉ định của bác sĩ rồi, thế nhưng người cho tạng tuổi như thế nào, có thể có những bệnh khác kết hợp hay không? Rồi cái tạng đó như thế nào, nếu như bất kể tạng nào đó mà người cho sống thì ta phải ưu tiên số một là dành cho người cho sống. Nghĩa là sau khi người ta đã cho tạng rồi, người ta vẫn phải có một cuộc sống khỏe mạnh, một cuộc sống hoàn toàn bình thường chứ không phải là cho xong mà để từ một người khỏe trở thành hai người bệnh. Mà vấn đề là từ một người khỏe phải trở thành hai người khỏe. Cho nên, trường hợp của bạn theo tôi cũng nên đến khám các trung tâm y tế, sau đó chuyển đến các trung tâm hiện đại hiện đang ghép tạng để kiểm tra xem: Thứ nhất, người con đã có chỉ định để ghép thận hay chưa? Thứ hai là người mẹ cho đó, có đủ điều kiện để cho thận hay không? Đến lúc đó mới có thể quyết định có thể cho được hay không cho được.

Nguyễn Hòa
 
(Hà Giang)
Tôi muốn được hiến tạng và các bộ phận cơ thể sau khi chết, nhưng cho tôi vẫn còn băn khoăn, nếu tôi đăng ký hiến tạng ở Hà Nội, nhưng tôi sống ở Hà Giang. Vậy khi tôi qua đời, tâm nguyện của tôi có thực hiện được không vì giao thông đi lại ở quê tôi rất khó khăn?
 
Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn :

Như các bạn biết, hiện nay đăng ký hiến mô tạng khá đơn giản, thủ tục cũng rất đơn giản. Chúng ta có Trung tâm điều phối Ghép tạng quốc gia. Khi bạn đã đăng ký hiến mô, tạng thì đương nhiên là Trung tâm điều phối Ghép tạng quốc gia đã biết là bạn đang ở đâu, đã đăng ký hiến ghép mô tạng, nếu như có vấn đề gì xảy ra, trung tâm sẽ điều phối để tạng của bạn đưa đến cơ sở gần nhất để có thể ghép được tạng để làm sao có kết quả tốt nhất có thể được.

Về khoa học kỹ thuật, có những trường hợp đem từ TP. HCM ra Hà Nội để ghép. Với khoa học kỹ thuật bây giờ, người ta vẫn có thể bảo quản tạng, vẫn có thể giữ tạng đưa từ chỗ nọ đến chỗ kia trong một thời gian khá dài. Ví dụ như nếu bảo quản đúng cách, quả thận của bạn có thể bảo quản cho đến 40 giờ trở lên để có thể ghép cho người nhận thận.

Tổng biên tập báo SK&ĐS TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn đăng ký hiến tạng ngay tại chương trình.


Bản đăng ký hiến tạng của Tổng biên tập được MC công bố ngay tại chương trình.


Thạc sĩ Cao Tiến Sỹ, Trưởng phòng Pháp chế, Truyền thông thuộc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cám ơn Tổng biên tập báo SK&ĐS Trần Sĩ Tuấn đã đăng ký hiến tạng.



Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ nhiệm Bộ môn Điều dưỡng Học viện quân y, Bác sĩ khoa Tiết niệu, Trưởng kíp ghép thận Bệnh viện Quân y 103


TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống


Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam


Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập