Cơ duyên nào để chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng) được tặng phiên bản quốc bảo Nhật Bản?

Đã đọc: 1977           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Nói một cách sâu xa, cơ duyên đó đã bắt nguồn từ cách đây gần 1.300 năm, khi vị cao tăng Việt Nam là Phật Triết được tôn vinh là người đã đưa các nghi lễ Phật giáo ảnh hưởng sâu rộng đến Nhật Bản!

Như tin đã đưa, trưa 30/10, đoàn đại biểu gồm 34 thành viên của chùa Đông Đại Tự (Nhật Bản) sẽ đến thăm, trao tặng chùa Quán Thế Âm và Công viên giao lưu Việt Nhật ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bức tượng đồng cao 88cm, nặng 33kg, là phiên bản tượng “Thập nhất diện Quan Âm” vốn là quốc bảo của Nhật Bản. Cơ duyên nào để chùa Quán Thế Âm được trao tặng món quà đặc biệt này?

Tăng ni, Phật tử và du khách thập phương đến tham dự lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn (Ảnh: HC)

Đôi nét về Đông Đại Tự và bức tượng “Thập nhất diện Quan Âm”

Đông Đại Tự (Todaiji) là quần thể chùa Phật ở phía Đông tỉnh Nara (vùng Kansai, Nhật Bản), được xây từ năm 743 – 751, thời điểm ảnh hưởng của Phật giáo đang ở đỉnh cao, giữ vai trò quốc đạo. Đây là một trong những ngôi chùa lâu đời, nổi tiếng bậc nhất và là một thắng cảnh tuyệt vời của Nhật Bản; được biết đến như là quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới, được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới vì là công trình lịch sử của vương quốc cổ Nara. Ở đây có tượng đồng Đại Phật Tỳ Lô Giá Na hết sức nổi tiếng. 

Bức tượng này đặt ở vị trí trung tâm ngôi chánh điện bằng gỗ hiện được cho là lớn nhất thế giới. Để làm được bức tượng, Thiền sư Gyoki và môn đệ đã chu du khắp nơi kêu gọi dân chúng phát tâm cúng dường. Theo số liệu còn ghi lại ở Todaiji, đã có 2,6 triệu người cúng dường xây dựng Đại điện và tượng Đại Phật Tỳ Lô Giá Na. Ngôi đại điện được xây bằng gỗ, có diện tích gần 3.000m2 (57x51m), cao 49m. Bức tượng được chia làm tám phần, đúc trong vòng 3 năm, tổng cộng cao 16m, khuôn mặt cao 4,8m, rộng 3m, tai dài 2,4m.

Lúc đầu, tượng đúc ở Shigaraki nhưng sau vài lần bị hỏa hoạn, động đất đã dời về Nara năm 745 và hoàn thành năm 751. Năm 752, lễ khánh thành và điểm nhãn tượng tượng Đại Phật Tỳ Lô Giá Na được tổ chức hoành tráng, có đến 10.000 người tham dự. Chủ lễ điểm nhãn tượng là vị sư Ấn Độ Bodhisena; còn phụ trách nhã nhạc và nghi lễ chính là vị cao tăng Việt Nam tên Phật Triết, đến Nhật Bản từ thế kỷ VIII theo lời mời của Thiên hoàng Shomu, được tôn vinh là người đã đưa các nghi lễ Phật giáo ảnh hưởng sâu rộng đến Nhật Bản.

Nối dài mối quan hệ Phật giáo có lịch sử lâu đời đó trong thời hiện đại, các nhà sư chùa Đông Đại Tự và chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng) thường xuyên tổ chức các đoàn hành hương, thăm hỏi. Bức tượng Phật “Thập nhất diện Quan Âm” mà chùa Đông Đại Tự trao tặng chùa Quán Thế Âm trong chuyến thăm sắp tới được nhà điêu khắc Mizushima Iwane phiên bản từ bức tượng Thập Nhất Diện Quan Âm – bức tượng Phật được vị sư Ấn Độ Bodhisena và cao tăng Phật Triết thỉnh từ Ấn Độ sang và trở thành quốc bảo Nhật Bản.

1260 năm trước, cùng thời điểm xây dựng tượng Đại Phật Tỳ Lô Giá Na thì trên núi Quan Âm, chùa Nigatsudo cũng được xây dựng, và lần đầu tiên Đại lễ sám hối “Thập nhất diện” được tổ chức để tỏ lòng tôn kính “Thập nhất diện Quan Âm”. Đại lễ này vẫn còn được duy trì nguyên vẹn cho đến nay, được tổ chức thường xuyên và thu hút sự chú ý không chỉ của nhân dân Nhật Bản mà cả các nước trên thế giới.

Đại lễ do cao tăng Jicchyu Shoka, học trò của trụ trì đầu tiên chùa Đông Đại Tự là thầy Roben sáng tạo và thực hiện nhằm tôn vinh bức tượng “Thập nhất diện Quan Âm Bồ Tát được thỉnh từ Ấn Độ xa xôi sang Nhật Bản, đã trở thành biểu tượng tín ngưỡng của nhiều người trong thời đại ngày nay, tượng trưng cho tấm lòng độ lượng nhân từ của cao tăng Bodhisena và Phật Triết xưa kia đến Nhật Bản theo lời mời của Thiên hoàng Shomu.

Và sự “vô ý thất lễ” cách đây 6 năm...

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm cho hay, với tư cách là người chịu trách nhiệm dự án xây dựng chính điện mới của chùa này, tháng 9/2010, Thượng tọa cùng Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Mai Đăng Hiếu và ông Nakamura Masami, một người Nhật sinh sống tại Việt Nam đã có chuyến hành hương đến thăm các chùa Nhật Bản nhằm học tập nền văn hoá Phật giáo phát triển lâu đời của nước này.

Trong chuyến đi này, đoàn đã đến thăm chùa Đông Đại Tự và nói chuyện với Đại đức trụ trì Sagawa. “Tôi đã vô ý thất lễ khi đề cập đến chuyện mượn bức tượng Phật “Thập nhất diện Quan Âm” để hành lễ trong lễ khánh thành chính điện mới của chùa Quán Thế Âm. Nói thất lễ bởi bức tượng là quốc bảo của đất nước Nhật Bản!” – Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho hay.

Đại đức Sagawa cho biết, theo quy định, các tượng Phật chỉ có thể được đặt ở những nơi được quy định trong Luật Bảo tàng Nhật Bản chứ không được đem đi bất kỳ nơi nào khác. Hơn nữa, việc này mang tính chất quốc gia giữa hai nhà nước, nên việc cho mượn là không thể. Tuy nhiên, đáp lại thỉnh cầu của Thượng tọa Thích Huệ Vinh, chùa Đông Đại Tự sẽ cử đoàn hành lễ sang tham dự lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm nhằm đáp lại công ơn của Phật Triết.

Ngày 24/12/2010, phái đoàn của chùa Đông Đại Tự cùng 30 tăng ni Phật tử Nhật Bản đã đến thăm chùa Quán Thế Âm. Ngày 26/10/2014, khi cùng đoàn của chùa Đông Đại Tự sang thăm, nghe thông tin về tiến độ xây dựng chính điện chùa Quán Thế Âm, trụ trì Sagawa đã có ý định tặng bức “Thập nhất diện Quan Âm” đúc tại Nhật để thay thế cho quốc bảo. Qua đó đóng góp thêm một phần vào quan hệ về mặt tinh thần - Phật giáo giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

“Tôi trân trọng cảm ơn trụ trì Sagawa vì sự quan tâm sâu sắc của ông, không quên lời đề nghị của tôi từ 4 năm trước mà lưu tâm ủng hộ. Để chứng minh cho tình giao lưu hữu nghị, mối lương duyên của 2 nước từ thời Phật Triết, chúng tôi thành lập một tổ chức nhằm thực hiện việc trao tặng bức “Thập nhất diện Quan Âm” của trụ trì Sagawa, gọi là “Ban kế hoạch trao tặng Thập nhất diện Quan Âm - Chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng” (gọi tắt là Ban Kế hoạch), với mong muốn đóng góp cho dự án có ý nghĩa này” – Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho hay.

Đại diện phía Việt Nam trong Ban Kế hoạch là TSKH Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nhật TP Đà Nẵng; phía Nhật là Kono Ryobun, trụ trì chùa Đại An Tự và Sugitomo, trụ trì chùa Shingonshu Omuraha. Tháng 5/2016, Ban Kế hoạch ra lời kêu gọi nhân dân hai nước Nhật – Việt quyên góp 3,8 triệu Yên đúc tượng Phật “Thấp nhất diện Quan Âm” trao tặng chùa Quán Thế Âm. Số tiền tối thiểu kêu gọi quyên góp có sự khác nhau, phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi nước.

Bức tượng được chùa Shihoji (thuộc Đông Đại Tự) đề nghị nhà điêu khắc Mizushima Iwane thực hiện. Số tiền đúc tượng được giảm một nửa do sự hảo tâm của nhà điêu khắc này. Và trưa 30/10, phiên bản của bức tượng quốc bảo Nhật Bản “Thập nhất diện Quan Âm” sẽ chính thức được trao tặng chùa Quán Thế Âm.

_Nguồn: infonet.vn_

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập