TP. HCM: Khóa tu thiền tại chùa Từ Tân

Đã đọc: 2430           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nhân khóa tu thiền từ ngày 23 – 25/09/2016 tại chùa Từ Tân (số 90/153, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình), sáng ngày 25/09/2016, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng về đề tài THIỀN ĐỊNH VÀ BÁT NHÃ BA LA MẬT, với sự tham dự trên 1000 phật tử xa gần và hơn 600 Thiền sinh tại khóa tu. Cũng nhờ khóa tu này mà hàng tháng mọi người đã có cơ duyên được thấm nhuần mưa Pháp.

THIỀN ĐỊNH VÀ BÁT NHÃ BA LA MẬT là hai công hạnh trong Pháp tu Lục độ của hàng Bồ tát, được hiểu một cách khái quát là sáu phương tiện để độ mình và độ người. Theo Thượng tọa, sau khi được học về bốn độ Ba-la-mật trước, các phật tử không thể không tiếp tục tìm hiểu về Thiền định và Trí tuệ Ba-la-mật (tức trí tuệ Bát Nhã). Hai phần này thì nói cả mấy năm cũng chưa hết. Tuy nhiên, do trong loạt bài về Bồ tát Đại thừa, nên Người cố gắng nói gọn hơn cho mọi người có cái khái niệm, để ai có tâm tu cũng có thể từng bước thực hiện được điều đó.

Thật ra, hệ thống Phật giáo Đại thừa thì kỳ vĩ mênh mông, vượt ngoài sự tưởng tượng hình dung của con người, của thời đại ngày xưa và của cả thời đại ngày nay. Cho nên, nếu đi qua loạt bài giảng về Bồ tát Đại thừa này mà lòng chúng ta vẫn tin sâu - hiểu kỹ - vững lòng thì đạo tâm của mình sẽ đạt được bước tiến rất xa, bởi vì những quan điểm trong kinh Đại thừa có công năng mở tâm hồn con người ta đến vô tận. 
Thường một vị Bồ tát hay một người tu hạnh Bồ tát luôn phải tu tập Thiền định cho đến mức triệt để, rốt ráo, tuyệt đối, viên mãn. Vì vậy, Thiền định là THƯỚC ĐO ĐẠO LỰC của người tu hành.

Ví dụ một người tìm đến với đạo, và trở nên cứ thích ngồi thiền, hễ khi có thời gian rảnh là người ấy tìm chỗ ngồi Thiền thì ta biết rằng họ tu bắt đầu có kết quả trong thiền. Vì thiền định tự nó là một hố đen, hút hết tâm hồn, sự yêu thương, thời gian của ta vào rất mạnh, một khi ta đã chạm vào được nó. Còn với những việc khác ta chỉ gượng làm mà thôi. Riêng người chưa chạm vào được thiền định thì họ không có yêu thích thiền. Cứ tìm đủ lý do để tránh né ngồi thiền, vì tư thế ngồi bắt tréo hai chân, không được nhúc nhích, tâm không được suy nghĩ đối họ gần như một cực hình.

Dịp này, Thượng tọa đã phân tích cho thấy sự khác nhau về thái độ giữa một người không thích thiền định và một người cực kì yêu thích thiền định là thế nào, và Người ví hai hạng người đó khác nhau xa lắm, giống như trên đỉnh núi và vực thẳm. Qua đó, Người giải thích thêm hạnh phúc của thiền định là một cái gì không định nghĩa được, nó không giống như niềm vui, sự khoái lạc của thế gian. Vì vậy ta không thể nào diễn tả hay định nghĩa rạch ròi được. Tất cả khoái lạc, niềm vui trên đời đều động loạn, tức là nó có cái ‘Tướng’ nên ta dễ hiểu. Còn thiền định thì “Vô hình vô tướng, tĩnh lặng, mà lại cực kì hạnh phúc”. Chỉ ngồi một chỗ mà có hạnh phúc – đó là điều rất khó hiểu.

Chỉ những người có thiện căn sâu dày từ đời trước thì kiếp này dù chưa hiểu về thiền, chưa hiểu được niềm hạnh phúc, sự cao siêu trong đó, nhưng tâm họ cứ bí mật bị thôi thúc phải chịu khó ngồi thiền. Những ngày đầu chân họ đau, cơ thể khó chịu vì không được nhúc nhích, mồ hôi ra đầm đìa, tâm thì loạn nhưng vẫn không bỏ cuộc, vẫn kiên trì.

Ý chí đó có được là nhờ cái phước đời xưa họ đã từng kính lễ một bậc Thánh nào đó. Kiếp này dù chưa thấy hạnh phúc của thiền ở chỗ nào, nhưng họ vẫn không bao giờ bỏ thiền. Cho đến ngày nhân duyên phước báo đủ, họ chạm được vào thiền, tâm bắt đầu khai mở thì cuộc đời họ đã thay đổi theo một hướng khác, từ phàm phu họ đã ngấp nghé nơi cánh cửa của bậc Thánh rồi. Tuy nhiên cũng phải trải qua một thời gian dài rất khổ sở.

Cứ nhìn thái độ tu của một người đối với thiền là ta hiểu họ đã có bề dày trong Đạo pháp chưa. Nếu họ chỉ thích tu cái gì có tướng động động, ví dụ một câu niệm Phật, niệm chú, với niềm tin rằng chỉ niệm một câu thôi là đã có phước vô lượng; còn đối với thiền họ thờ ơ hờ hững, không hề thích sự tĩnh lặng thanh tịnh bất động như hư vô… thì đó là người không chạm nổi đến thiền nên cứ phải đi lòng vòng trong cái động, trong cái hình tướng, tuy nhiên họ vẫn còn có duyên tu hành.

Còn đối với người đã yêu thích thiền định rồi thì họ hiểu tại sao Bồ tát phải tu thiền định Ba-la-mật, xem thiền là tất cả, là niềm vui, là hạnh phúc, là ước mơ. Còn lại, mọi việc họ làm trên đời như đang gắng hoàn thành xong một vai diễn, như cố đóng xong một vở kịch; còn trái tim, cuộc sống thật sự của họ đã nằm nơi thiền.

Thiền định thì sâu xa vô hạn, nhưng có ba nền tảng vững chắc đó là: Đạo đức – Công đức và Khí công. Nói về nền tảng thứ nhất là ĐẠO ĐỨC. Với người tu thiền thì không phải chỉ trong lúc tọa thiền họ mới trang nghiêm đẹp đẽ, mà cả cuộc sống họ cũng là bức tranh tuyệt mỹ. Họ đẹp từ oai nghi bên ngoài đến nội tâm bên trong. Từ lời ăn tiếng nói, nụ cười, ánh mắt nhìn… đều cẩn thận, chân chính, chừng mực. Không bao giờ họ nhìn vào cái gì không đáng nhìn, cười cái không đáng cười, hay nói lời vô nghĩa. Họ không bao giờ tranh giành, giúp ai được thì cố giúp, nếu không giúp được thì cũng thầm xót xa trong lòng. Đó là đạo đức.

Nền tảng thứ hai là CÔNG ĐỨC, tức là sự tận tuỵ hi sinh, giúp đời giúp người, bòn mót từng chút phước. Một cái tội như hạt bụi cũng ráng tránh, một việc phước như giọt nước cũng ráng mà nhặt lấy, không bao giờ dám bỏ.

Thứ ba là KHÍ CÔNG. Thiền là sự thanh tịnh của não bộ, mà não bộ của chúng sinh là sự động loạn, vô minh, tham sân, chấp ngã, lỗi lầm của nhiều kiếp. Vì thế để tâm hồn yên lắng lại là điều cực kì khó. Việc này cần sự hỗ trợ của nội lực. Mà nội lực từ khí công là chính yếu, chứ không phải từ sức mạnh cơ bắp. Nên người tu thiền đều phải tập khí công, đó là nguyên tắc bắt buộc.

Thuở xưa, Đức Phật và những vị Hoàng thân trong dòng họ Thích Ca đều là dòng dõi Vua chúa (Sát Đế Lợi) nên ai nấy đều có võ công cao cường và được rèn luyện khí công từ bé. Đó là nền tảng để khi bước vào thiền họ tiến bộ rất nhanh. Nhưng sau này, khi Đức Phật đi dạy đạo rộng rãi thì có rất nhiều người thuộc mọi giai cấp, thành phần trong xã hội tìm đến tu, rất nhiều người trong số họ chưa hề có nền tảng khí công. Vậy Đức Phật đã dạy khí công bằng cách nào?

“Cảm giác toàn thân tôi thở vào
Cảm giác toàn thân tôi thở ra”. Đó chính là khí công.

Người bước đầu vào tu tập thiền định với Đức Phật đều phải đi qua giai đoạn quán hơi thở, tức là rèn luyện khí công như thế. Thời gian lâu hay mau là tuỳ căn cơ, tùy khí lực, nội lực bẩm sinh của mỗi người. Khi đã đắc khí rồi thì bắt đầu bước vào thiền. Vì thế phật tử tu thiền phải siêng tập khí công để tích lũy nội lực tiềm tàng hỗ trợ cho thiền định.

Thiền định bao gồm nhiều cảnh giới, có những cảnh giới mà trong nhiều kiếp chưa bao giờ ta chứng đến. Nên các hành giả khi tu tiến trong thiền định, khai mở tâm linh ở mức độ nào đó… tâm thanh tịnh sáng rỗng đến mức độ nào đó… đều bị khởi lên ý nghĩ cho rằng mình đã chứng rất cao. Chính ý nghĩ đó đánh họ rơi trở lại.

Nếu may mắn thì họ gặp được bậc Thầy mà khi họ trình bày cảnh giới về trạng thái thanh tịnh rỗng rang, sáng tỏ của tâm, vị đó sẽ nói: “À, như vậy con mới đi được một phần triệu con đường của thiền” - người đó vỡ mộng và không dám nghĩ mình đã chứng rất cao. Cũng giống như khi một đứa trẻ nói: “Ồ, con bây giờ quá giàu rồi mẹ ơi” – “Sao con biết con giàu?” – “Vì con đã đến nơi có lâu đài, có vườn hoa, mọi cảnh trí đều rất đẹp” – “Nhưng con mặc đồ gì?”- “Dạ con vẫn còn mặc chiếc áo rách”. Vậy có phải giàu chưa? Chưa. Cũng vậy, khi một người tu thiền đạt được cảnh giới vi diệu rồi tưởng mình đã chứng, nhưng nhìn lại mình thì sao? Thẳm sâu trong mình vẫn còn kiết sử tham – sân – si, thì có phải đã tiến cao chưa? Chưa. Đó mới là sự thật ghê gớm. Vì vậy người tu thiền phải cảnh giác: Dù tâm đã thanh tịnh rỗng rang, đã đạt được cảnh giới nào đó rồi thì kiết sử tham – sân – si vẫn còn nguyên.

Vì thế, khác với các Thiền sư Trung Hoa diễn tả về những cảnh giới tâm linh thiền định cực kì hấp dẫn, Đức Phật chỉ nói đơn giản là trừ tham, trừ sân, trừ si - nghe có vẻ rất thấp, rất tầm thường. Nhưng người tu lâu rồi mới hiểu rằng chính Đức Phật mới là cao siêu. Cảnh giới ta trải nghiệm được trong tâm hồn mình nhìn vậy thật sự không quan trọng bằng việc ta diệt được bao nhiêu tham, sân, si, bao nhiêu ích kỷ, vọng tưởng đã lắng sâu chưa, bản ngã đã mỏng nhạt chưa, tham sân đã bớt chưa… Đó mới là giá trị, là kết quả của việc tu tập.

Để mọi người hiểu rõ và biết cách vượt qua trong lúc hành thiền, Thượng tọa đã giảng giải cặn kẻ đến từng chi tiết, thấu đáo với bao thí dụ về các chướng ngại trong thiền.

Chướng ngại thứ nhất là về THÂN. Khi tọa Thiền, để giữ thân cho ổn định thì thật là cực khổ, vì toàn thân ta, đặc biệt là đôi chân sẽ rất đau. Nhưng ta vẫn phải ngồi, ngồi mãi cho đến khi hết đau là đã bắt đầu trả hết nghiệp. Có một Thiền sinh của khoá thiền chùa Từ Tân, trước lúc mất đã cho gọi con cháu về. Mọi người thấy ông vui cười thanh thản, ngồi thiền bình thường, không ngờ đến tối nằm xuống ngủ rồi qua đời luôn. Đó là cái chết bình an, vì khoảng thời gian đau chân khi ngồi thiền đã giúp ông trả hết nghiệp.

Chướng ngại thứ hai là VỌNG TƯỞNG. Tức hết ý niệm này đến ý niệm kia cứ lôi ta đi, làm ta quên mất công phu của mình, quên mất chánh niệm, hơi thở, quên quán thân… Cho nên, chiến đấu với vọng tưởng thật vất vả là như thế. Và đến ngày nào ta bắt đầu làm chủ được tâm, nắm được tâm thì như ta nói, đó cũng là lúc ta bắt đầu hết nghiệp. Sự tỉnh giác, chánh niệm dần hiện ra và từ đây ta bắt đầu rơi vào “Hố đen” của thiền, bắt đầu xem thiền là cuộc sống của mình.

Chướng ngại thứ ba là ẢO GIÁC. Khi tâm yên rồi, vô số ảo giác xuất hiện làm hành giả say mê thích thú. Có người thấy mình lơ lửng giữa hư không, có người thấy hào quang phủ trùm, hoặc hương thơm cùng khắp… Do nhân quả bí mật gì đó mà mỗi người thấy hiện ra một loại ảo giác khác nhau, và họ phải vất vả vượt qua, không chấp nhận nó. Họ phải bám theo hơi thở cho kĩ, biết rõ hơi thở ở bụng dưới.

Khi vượt qua hết ảo giác rồi thì chướng ngại thứ tư hiện ra, đó là THẦN THÔNG. Tu đến khi vọng tưởng đã hết, ảo giác đã tắt, tâm thanh tịnh sâu xa, bắt đầu hành giả có thể nhìn vào người khác mà biết được quá khứ vị lai. Đó là lúc mà tâm họ động trở lại: Họ thấy mình như Thánh khi biết hết tâm ý, nghiệp quả, quá khứ vị lai của người khác. Và chính sự kiêu mạn này sẽ kéo họ xuống trở lại. Nên đến giai đoạn này người tu phải hết sức kín đáo, không bao giờ phô bày thần thông, bởi bản ngã sẽ lớn lên. Mà khi bản ngã lớn rồi thì mọi công đức sẽ sụp đổ, từ người tu hành chân chính sẽ trở thành một tà sư ngông nghênh, khoe khoang kiêu mạn. Mà kiêu mạn có mặt rồi thì ô nhiễm cũng không còn xa nữa.

Và cuối cùng là BẢN NGÃ, tức là cái “Tôi” bí mật cuối cùng còn tồn tại. Mất bao lâu thì cái tôi mới tan biến? Khoảng mấy triệu năm. Và trong suốt mấy triệu năm đó ta phải tu hạnh Bồ tát. Nên mấy triệu năm đó là thời gian của một người tu chờ thành Phật. Có khi mất đến vài tỷ năm, chứ không chỉ vài triệu năm. Nhưng với bậc Bồ tát thì 10 năm chỉ là cái chớp mắt. Từng giây từng phút các Ngài cứ an trú trong sự bình an của nội tâm, cứ bình thản thương yêu và làm lợi ích cho chúng sinh. Và trong suốt bao nhiêu triệu năm, dù các Ngài đã chứng đạo, đã đắc được thiền, đã có thần thông, đã thành Bồ tát rồi nhưng bản ngã bí mật vô hình vẫn tiềm tàng. Do đó, các Ngài làm công đức vô lượng nhưng vẫn phải kềm chế bản ngã của mình, chứ không diệt hoàn toàn được.

Ta lưu ý rằng, tuy không suy nghĩ mà vẫn tỉnh giác biết rõ – đó là Thiền định. Còn không suy nghĩ rồi mê mờ không biết gì thì đó là sự vô tâm (như không còn thương ai, thấy rác không biết nhặt lên, nói năng bừa bãi, v.v…) Hãy nhớ rằng, người tu thiền mặc dù không suy nghĩ, nhưng có tỉnh giác nên họ rất thông minh và đạo đức, rất có trách nhiệm với cuộc đời.

Cái “Không vọng tưởng” của thiền, sức tỉnh giác thanh tịnh trong thiền phải đưa đến một sự tử tế, đưa đến tinh thần trách nhiệm rất cao đối với cộng đồng của mình, đưa đến những tình cảm đẹp. Ví dụ khi nghe nói về những người chiến sĩ ở tuyến đầu, họ ngày đêm xông pha đỡ đạn để bảo vệ quê hương, thì tình yêu thương trong ta dạt dào dâng lên ngay. Đó là tình cảm đẹp. Hoặc nghe nói ở đâu đó trên thế giới này có lễ hội giết trâu bò, lòng ta xót xa thương cảm ngay, vì sao? Vì đó là những tình cảm đẹp phải xuất hiện. Chứ không phải lòng trơ trơ mà gọi là bất động, đó là cách hiểu sai về thiền.

Kế đến, Thượng tọa giảng giải về Bát nhã Ba-la-mật. Người nhắc nhở: Từ khi ta phát tâm tu tập, phát tâm bồ đề thì bắt đầu mình được gọi là Bồ tát “Hạt bụi”; rồi mình tu dần dần tới khi có kết quả trong thiền định, làm được nhiều công đức thì là Bồ tát “Hạt sỏi”. Nhưng khi tâm mình bước vào thiền, mở tuôn ra không còn giới hạn, không còn bị hạn buộc bởi những thành kiến, những quan điểm cá nhân thì tự nhiên tâm mình hướng tới cái vô biên vô lượng. Và bất cứ bậc Thánh nào cũng xuất hiện khuynh hướng ĐI TÌM CÁI VÔ HẠN, không bao giờ chấp nhận điều gì có giới hạn, dừng lại giữa chừng. Cho nên, với vị Bồ tát họ không thấy lâu. Họ tu tập mãi, làm công đức mãi, cứu độ chúng sinh mãi… qua bao nhiêu triệu năm, bao nhiêu tỉ năm không cần biết, không cần kì hạn thời gian. Còn với phàm phu như chúng ta, tiến trình từ lúc bắt đầu phát tâm tu tập cho tới ngày thành Phật là quá… quá lâu.

Dịp này, Thượng tọa đã phân tích rõ hai khuynh hướng rất mãnh liệt trong tâm một vị Bồ tát: Một là lòng tôn kính Phật đến tuyệt đối. Hai là lòng từ bi yêu thương chúng sinh tràn ngập vô hạn. Đối với một vị Bồ tát, hai tâm này tự động dâng trào, không cần phải được nhắc nhở. Do đó, chúng ta tu hạnh Bồ tát thì hãy đo hai điều này để biết mình đã tu tập đúng hướng chưa.

Đức Phật và Thánh đệ tử là những ruộng phước tối thắng cho chư thiên và loài người tín tâm cúng dường. Trong phạm vi bài này, Thượng tọa cũng đã phân tích quả báo của người cứ tôn kính cúng dường Đức Phật, cứ mãi yêu thương chúng sinh là gì? Tại sao Đức Phật thuyết bộ Kinh Đại Bát Nhã, với tư tưởng “KHÔNG”.

Sau cùng, Người kết luận: Lục độ Ba-la-mật thật quá vi diệu, cao siêu, mà ngoài đạo Phật ra không một tôn giáo nào nói đến được. Cái thiện trong đạo Phật là tuyệt đối thiện, cái từ bi trong đạo Phật là tuyệt đối từ bi, những điều này không thể tìm thấy một nơi nào được nữa. Cho nên chúng ta hết sức may mắn khi được là con của Đức Phật. Tiền muôn bạc vạn, quyền cao chức trọng, bất cứ vinh quang nào của thế gian cũng không thể nào so sánh được với hạnh phúc khi được là con của Đức Phật. Bởi chỉ khi đó ta mới đi đến vô biên vô lượng, trong đó có thêm trí tuệ của Bát nhã giúp ta kềm cái bản ngã mình lại trong ba triệu năm, ba tỷ năm tới… Cho đến ngày ta chứng viên mãn, dứt sạch vô minh, chấp ngã.

Với chúng ta, dù cái phước chúng ta đang còn rất ít, tuy nhiên vẫn có quả báo. Quả báo sẽ mang lại cho ta chút vinh quang, một chút tình cảm yêu mến, sự khen ngợi, kính trọng của nhiều người trong cuộc đời này… Thường đó là lúc bản ngã ta bốc khởi lên. Nên ta cũng học theo các vị Bồ tát, vẫn phải dùng trí tuệ Bát nhã để diệt trừ bản ngã.

Trước tiên, hãy tìm một lý luận gì đó để đừng tự khen mình nữa. Dù được khen cả ngàn lần, ta cũng phải tìm một lý luận dẹp bỏ sự ngây ngất trong lòng đi, để sống bình thường, khiêm hạ lại, đó mới là khôn ngoan, đó mới là trí tuệ.

Nhưng nếu bao nhiêu lý luận vẫn không làm ta quên đi cái công của mình, thì cuối cùng phải dùng đến câu thần chú: “Tất cả đều không”. Ví dụ khi được người khác khen ngợi, ta từ chối bằng mọi cách rồi mà họ vẫn khen thì chỉ còn một nước nói rằng: “Thôi cũng như hư vô thôi mà, có gì đâu”. Nghĩa là dùng cái “Không” chụp lên, gán lên để đừng bận tâm nữa.

Nhiều người học về Bát Nhã bị hiểu lầm, cứ nói ngược lại với sự thật, cái đang có mà cứ gán cho nó là không. Ví dụ cái nhà đang có mà nói là không, chúng sinh đang hiện hữu mà nói là không… rồi cho đó là cao siêu. Thật ra, trí tuệ Bát nhã gán mọi thứ như không để làm gì? Để chối từ sự tự hào mà thôi.

Những thứ đang hiện hữu thì vẫn hiện hữu, nhưng chỉ vì chúng đánh vào lòng ta, gợi bản ngã, sự tự hào lên. Nếu ta lách qua lách lại, tìm mọi lý luận đều không được nữa thì mới dùng đến lý luận cuối cùng là lý “Không”, để dứt bản ngã, trị tâm tự hào. Đó là con đường trí tuệ Bát nhã mà một vị Bồ tát phải đi qua trong vô lượng kiếp.

Với bài Pháp thoại quá ý nghĩa, quá rõ ràng được Thượng tọa giảng giải bằng những ngôn từ bình dị đi kèm với những câu chuyện dẫn chứng gần gủi, luôn mang đến cho người nghe cái nhìn chân thật, đúng đắng hơn về đạo Phật. Chúng ta hãy nổ lực tu tập để đạo đức, thiền định được vững chắc và hoàn thiện hơn. Đó cũng là cách ta đền đáp ơn trọng đối với Thượng tọa Giảng sư. Chúng ta hãy nhớ Đức Phật đã từng dạy:

“Không thiền không trí tuệ
Không trí tuệ không thiền
Người có thiền có tuệ
Nhất định gần Niết bàn.” (Trích dẫn trong kinh Pháp Cú 282)./.




























Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (2 đã gửi)

avatar
Minh Dung Lee 18/01/2017 23:24:37
Nam Mô A Di Đà Phật
chúng con muốn có Email của chùa Từ Tân TPHCM để có thể liên hệ qua mail, kính xin nhà chùa có thể cho chúng con được không ?

Pt: Minh Dung
avatar
Minh Dung Lee 18/01/2017 23:29:17
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con muốn xin địa chỉ Email chùa Từ Tân TPHCM, để liên hệ qua email. kính xin nhà chùa cho chúng con được không ?

Pt: Minh Dung
tổng số: 2 | đang hiển thị: 1 - 2

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập